Tượng Tào Tháo |
Tập thứ ba: ĐƯỜNG CỦA NĂNG THẦN
Tác giả Dịch Trung Thiên
Tào Tháo lúc còn trẻ từng được dự đoán
là “năng thần thời bình, gian hùng thời loạn” đứng trước cách chọn lựa con đường
của cả cuộc đời; câu bình “gian hùng thời loạn” gần như đã thành kết luận trước
lúc Tào Tháo nhắm mắt xuôi tay. Thực tế thì Tào Tháo cũng muốn là “năng thần thời
bình”. Nhưng do nguyên nhân nào khiến Tào Tháo không thành được như vậy; và khi
không thành năng thần thì Tào Tháo đã làm những gì?
Phần trước đã nói tới chuyện, một nhân
vật nổi tiếng nhất, nhà giám thưởng, nhà bình luận Hứa Thiệu đã bình một câu về
Tào Tháo: “năng thần thời bình, gian hùng thời loạn”. Có hai cách hiểu về câu
nói này. Trong thời bình, sẽ là năng thần; trong thời loạn, nhiễu loạn thiên hạ,
sẽ là gian hùng. Vậy, Tào Tháo chọn lựa là năng thần hay chọn lựa là gian hùng?
Thực ra thì Tào Tháo muốn
là năng thần.
Vào năm Hán Linh đế, niên hiệu Hi Bình
năm thứ III (năm 174), năm hai mươi tuổi, Tháo được cử là hiếu liêm là quan
lang. Hiếu là hiếu tử, liêm là liêm sĩ. Một người nếu được cử là hiếu liêm thì
có đủ tư cách để làm quan, giống ngày nay khi đã có bằng cấp, có thể là viên chức.
Vậy làm quan lang là làm gì? Theo quan chế thời Hán, hoàng đế chọn một số người
trẻ tuổi, có đạo đức phẩm chất, có đầu óc, ngoại hình tương đối khá, con nhà
thân thích quyền quý cho làm quan lang. Chữ lang có hai nghĩa, một là tuổi trẻ,
hai là thị vệ. Quan lang ở trong cung là làm thị vệ cho hoàng đế. Tào Tháo phải
đứng gác ngoài hành lang cung vua, nên gọi là lang, thị vệ trưởng gọi là lang
trung lệnh. Làm lang ở bên hoàng đế, được tham dự vào chính trị đất nước, tai mắt
đều được rèn luyện, nên ai đã làm lang thì nhanh chóng có thể đảm nhiệm những
chức vụ khác, đây cũng là cách thức bồi dưỡng quan lại thời Hán. Về sau thì cách
chọn lựa không được kỹ càng như thế, là lang không nhất thiết phải là con em
các nhà thân thích quyền quý, không nhất thiết phải là thị vệ bên cạnh hoàng đế,
vẫn có tư cách và năng lực để làm quan, giống như “thê đội thứ ba” hoặc “hậu bị
cán bộ” ngày nay. Theo quy chế, mỗi khi quan lang miễn nhiệm, người đó có thể
được phái đi làm quan viên cấp huyện, là huyện lệnh, huyện thừa hoặc huyện úy.
Đến những năm cuối thời Đông Hán, mọi trình tự đó gần như không còn nữa, muốn
làm quan phải xem có điều kiện hay không. Tào Tháo có người ở trong triều. Ông
là Tào Đằng được phong Phí Đình hầu; cha là Tào Tung quan đến Tam công. Vì vậy
Tào Tháo chỉ làm lang trong một thời gian ngắn rồi được phái nhận chức Bắc Bộ
úy ở Lạc Dương.
Úy là chức quan võ nắm quyền quân sự
hoặc hình sự. Lời chú Hán thư. Bách quan công khanh biểu nói: “giúp trên an dưới
gọi là úy, võ quan đều là úy”, cho nên huyện có huyện úy, quận có quận úy, triều
đình có thái úy, trung úy, đình úy, vệ úy. Lạc Dương Bắc Bộ úy là huyện úy.
Quan chế thời Hán, từ huyện lên trở xuống có thừa có úy, thừa lo việc dân sự,
úy quản việc trị an. Có điều Lạc Dương là kinh đô thời Đông Hán, nên là huyện lớn
nhất của đất nước, huyện úy không chỉ có một người, cả đông tây nam bắc có bốn
người, bổng lộc là bốn trăm thạch. Vì vậy Tào Tháo nhận chức Bắc Bộ là cục phó
công an cấp huyện, một vùng của kinh đô.
Người tiến cử Tào Tháo vào chức Bắc Bộ
úy ở Lạc Dương là Tư Mã Phòng, cha của Tư Mã Ý. Người này là Thượng thư hữu thừa,
ngang với chức phó bí thư công đình. Có điều thượng thư thời kỳ Đông Hán, danh
nghĩa là bí thư, thực chất là tể tướng. Tư Mã Phòng tiến cử, Tháo đi nhận lệnh
ngay. Nghe nói lúc đó Tháo không bằng lòng, Tháo có dã tâm chiếm chức Lạc Dương
lệnh. Nhưng “Tuyển bộ thượng thư” (Tương đương bộ trưởng về nhân sự) nắm quyền
bổ nhiệm lúc đó là Lương Cốc không để ý tới suy nghĩ của Tào Tháo, buộc Tháo phải
nhận lệnh.
Đây là chức quan đầu tiên Tháo đảm nhận,
nên ấn tượng rất sâu sắc. Theo chú dẫn Tào Man truyện của Bùi Tùng Chi trong
Tam quốc chí – Vũ đế kỷ, sau này khi được Hán Hiến đế phong là Ngụy Vương, Tào
Tháo đã mời Tư Mã Phòng đến Nghiệp Thành khoản đãi thịnh soạn. Rượu được ba tuần,
Tào Tháo hỏi: Tư Mã công, ngài xem xem cô vương này còn có thể đi làm cục phó
công an cấp huyện được không? Tư Mã Phòng nói, năm đó lúc lão phu tiến cử đại
vương Bắc Bộ úy Lạc Dương là rất thích hợp! Thế là Tào Tháo “cười lớn”.
Tào Tháo hỏi và cười lớn, hoàn toàn
không phải là thái độ của kẻ tiểu nhân đắc chí. Nhưng có chút nào gọi là dương
dương tự đắc hay không? Có. Tào Tháo xưa nay không che dấu tình cảm của mình. Một
khi đắc chí thì đuôi sẽ vểnh lên như cán cờ được giơ cao. Nhưng lần này, không
chỉ vì đắc ý vừa là Ngụy vương, không chỉ vì cứ canh cánh trong lòng vì sự sắp
đặt của Lương Cốc năm đó, mà còn vì vừa nghĩ tới một chuyện cũ đáng nhớ.
Chuyện cũ có liên quan tới
việc Tào Tháo đảm nhiệm chức vụ này.
Chúng ta đều biết, đảm đương chức vụ Bắc
Bộ úy Lạc Dương chẳng dễ dàng gì. Công việc này quan không to, quyền không nhiều
nhưng trách nhiệm lại rất nặng nề, không ít phiền toái. Vì dưới chân thiên tử,
quyền quý rất nhiều. trong số này mấy ai đã để ý tới vương pháp, mấy ai không
sinh chuyện thị phi, mấy ai dễ đối phó. Nhưng việc trị an ở kinh thành lại
không thể không duy trì. Muốn thế, cần phải có một anh chàng vừa không tin ma vừa
có chút quỷ mới đảm nhiệm nổi chức cục mấy công an cấp huyện này. May sao có được
Tào Tháo “vừa gian vừa hùng”. Cho nên lời Tư Mã Phòng không hoàn toàn là lời
nói khéo có lợi cho mình mà là thực sự cầu thị.
Thực tế thì Tào Tháo rất hợp với chức
vụ này. Vừa tới nhiệm sở, Tào Tháo tu bổ lại toàn bộ nha môn, cho làm nhiều gậy
năm màu, hai bên mỗi cửa lớn treo mười gậy, “ai phạm điều cấm, kể cả hào cường,
bị đánh đến chết”. Mấy tháng sau quả nhiên có người đến nộp mạng. Hoạn quan Kiển
Thạc, kẻ được Linh đế sủng tín, có người chú, chú cậy thế cháu không coi lệnh cấm
của Tào Tháo ra gì, công nhiên phạm lệnh cấm đi đêm. Tào Tháo phân minh, lập tức
sai quân đánh chết bằng gậy năm màu. Đúng là giết một răn mười, vì vậy “Kinh sư
yên tĩnh, không ai vi phạm”, tình hình trị an chuyển biến tốt, Tào Tháo nổi tiếng
trong triều.
Đòn đánh của Tào Tháo làm nhiều người
đầu óc mụ mẫm, không biết thằng ranh này muốn làm gì. Chúng ta đều hiểu, một
người trẻ tuổi vừa bước chân vào chốn quan trường đã đắc tội với quyền quý thì
kết cục chẳng hay ho gì. Điều đó Tào Tháo không thể không hiểu. Kiển Thạc một đời
quyền khuynh triều dã, điều này Tào Tháo cũng không thể không biết. Huống chi,
ông của Tào Tháo cũng là thái giám. Cháu thái giám giết chú thái giám, mọi người
lấy làm khó hiểu. Có điều, truyện này được ghi trong Tào Man truyện, cuốn sách
không mấy thiện cảm với Tào Tháo, nên được coi là thực.
Cũng có nhiều suy đoán. Có người đoán
rằng, Tháo muốn làm điều gì đó kinh động tới mọi người. Có chứng cứ gì không?
Có một chút bằng chứng. Tào Tháo nói trong “Nhượng huyện tự minh bản chí lệnh”
(còn có tên “Thuật chí lệnh”): “Ta vừa nhận hiếu liêm, tuổi trẻ, chưa tên tuổi
ghê gớm gì, sợ mọi người cho là vô dụng”, vì vậy, “muốn làm chức quận thú, lo
đường chính giáo, kiến danh lập nghiệp, được mọi người biết tới”. Mấy lời trên
có ý gì? Tào Tháo hồi tưởng lại lúc 20 tuổi là hiếu liêm, rõ ràng là quá trẻ, lại
chưa có tiếng tăm gì, sợ mọi người coi là kẻ vô dụng, vì vậy Tháo muốn làm một
vị quan tốt, muốn làm việc gì đó kinh thiên động địa, để mọi người biết Tháo là
đứa có năng lực.
Đúng vậy, lúc này Tào Tháo tuổi còn rất
trẻ, mới hai mươi; xuất thân chẳng ra gì, sinh trưởng trong gia đình thái giám;
biểu hiện không hay, “chơi bời phóng đãng”; danh tiếng chưa lớn, “người đời
chưa biết tới”. Ngay đến hình tượng cơ
thể cũng chẳng ra gì. Chúng ta đọc Tam quốc chí chỉ thấy ghi những hình tượng đẹp
như Chu Du, như Gia Cát Lượng, còn về Tào Tháo tướng mạo ra sao, không hề có chữ
nào. Tam quốc chí lấy Ngụy làm chính thống, nếu hình tượng Tào Tháo cao lớn
khôi vĩ, tuấn tú khoáng đạt, chắc đã được ghi nhiều. Tránh không nói tới, e thực
tế cũng chẳng ra gì.
Hình tượng Tào Tháo có mô tả trong sử
sách khác. Ngụy Thị Xuân Thu nói: “Vũ vương tư mạo ngắn nhỏ, nhưng thân mình ngời
sáng”; Thế thuyết tân ngữ lại nói, Tào Tháo muốn gặp sứ Hung Nô, “Tự thấy mình
xấu, không đủ mạnh với nước xa”, đã để Thôi Diễm thay, còn mình thì “cầm dao đứng
ở đầu giường”. Đương nhiên, Thôi Diễm là mẫu người tài, sử sách ghi “giọng nói
sang sảng, mắt to mày đậm, râu dài bốn thước, trông thực uy vũ”. Sứ thần Hung
Nô lại bình là “Ngụy vương trông thật phi thường, nhưng người cầm dao đứng ở đầu
giường mới là anh hùng”. Kết quả, Tào Tháo sai người giết sứ thần đó. Rõ ràng
Tào Tháo tuy tướng mạo bình thường, nhưng khí độ không nhỏ, lòng nghi ngờ cũng
lớn. Không thể nhìn người chỉ qua tướng mạo. Có điều, khi mới xuất hiện, “khí độ”
của Tào Tháo chưa bao lăm. Tóm lại, lúc này đây Tào Tháo ít nhiều chưa có chỗ đứng.
Muốn rạng danh trong chốn giang hồ không thể không làm nên chuyện động trời. Giết
chú Kiển Thạc là việc làm có hiệu quả.
Cách suy đoán thứ hai, tào Tháo muốn lập
pháp chế. Điều này có lý. Ngài Lỗ Tấn nói, điều đặc sắc thứ nhất về chính trị của
Tào Tháo là “coi trọng hình phạt”, luôn chủ trương phép tắc phải nghiêm minh,
chấp pháp như sơn, thậm chí sử dụng hình phạt nặng. Tào Tháo lập pháp và chấp
pháp rất nghiêm, giết người không run tay. Đương nhiên, do tính cách và tình thế
bức bách nên phải thế. Con người Tào Tháo về mặt sinh hoạt có phần tùy tiện.
Tào Tháo không coi trọng việc ăn, mặc, lúc hành quân đánh trận lâu dài, đàn bà
có thể có, nhưng không thể kén chọn. Qua đó, có người nói Tào Tháo tùy tiện
không nghiêm túc. Thực ra thì Tào Tháo là người nghiêm túc, không tùy tiện, và
cũng không thích người tùy tiện, thiếu nghiêm túc. Tào Tháo từng có thư cho Khổng
Dung nói, tôi tuy tiến không thể thực hành giáo hóa cải biến phong tục, thoái
chưa thể tạo nên nhân đức đoàn kết đồng liêu, nhưng lại có nhiều biện pháp để
nuôi dưỡng binh sĩ, xả thân vì nước, đấu tranh với lũ tiểu nhân phù phiếm hư
hoa, kéo bè kết đảng mưu đồ tư lợi. Rõ ràng Tào Tháo rất ghét những kẻ tùy tiện
thiếu nghiêm túc, đương nhiên bản thân Tào Tháo cũng không tùy tiện, thiếu
nghiêm túc. Tháo mặc thường phục, hay nói vui, làm từ phú, nghe nhạc, chỉ là một
chút thư giãn sau những lúc công việc căng thẳng và cũng chỉ là chút biểu hiện
của một thế giới nội tâm vô cùng phong phú và còn là một viên đạn bọc đường làm
mê hoặc kẻ thù. Tào Tháo thường không câu nệ trong lúc viết văn, làm việc, dùng
người, nhưng đó không phải là tùy tiện khinh suất, mà là đại khí. Đại pháp vô
pháp. Đối với một người tài ba như vậy, thì cần gì phải nhiều cách thức, phải
kén chọn. Làm gậy năm màu để đánh chết những kẻ loạn pháp, đây là thử thách lần
đầu của một tính cách, một khả năng.
Tào Tháo giết chú Kiển Thạc, có thể chỉ
là việc ngẫu nhiên. Tào Tháo lúc này mới như chú bê non, dưa xanh mới bói, bước
nhân vào chốn quan trường, chưa biết rộng sâu, chưa biết trời cao đất dày là
gì. Tào Tháo chỉ nghĩ, làm quan phải làm quan tốt, quan tốt phải hành lệnh cấm,
giết một răn mười, chú Kiển Thạc khác gì con sói đuôi to va đúng vào họng súng
của Tào Tháo. Thế là hết cách rồi. Lời đã nói, như nước đổ đi, đành phải giết
con gà đó cho con khỉ xem. Nhưng dù là vậy, song không đơn giản. Tào Tháo mới
vào nghề, cần phải ra oai trước, dọa phủ đầu.
Việc làm của Tào Tháo được hậu thế
khen ngợi, một số nhà sử học tán thưởng, “Không sợ cường bạo”, “chấp pháp như
sơn”. Có thể vì Tào Tháo đã giết chết người nhà hoạn quan và hoạn quan này lại
là nhân vật quyền thế một thời. Nhưng tôi nghĩ, va vào họng súng của tào Tháo lại
là một người khác thì sao? Hẳn là giết luôn không cần bàn. Cho nên, đòn đó đã
làm bật ra sự uy phong của Tào Tháo, chính nghĩa của Tào Tháo, sát khí của Tào
Tháo và tính cách thích giết người của Tào Tháo. Trong cái gậy đó đã cùng tồn tại:
mặt thì lạnh lùng, tay thì cứng rắn. Sau này Tào Tháo còn giết rất nhiều, và
không bao giờ run tay. Đây, coi như là bước mở đầu. Nó bộc lộ ra tính thiện của
Tào Tháo (chống lại cường quân), tính ác của Tào Tháo (giết người không thương
tiếc), còn bộc lộ tính cách mạnh mẽ và thủ đoạn tàn bạo của Tào Tháo, một khi
có quyền là phát lệnh thi hành. Tôi luôn cảm thấy có thành phần “ác” ở đây. Có
điều, Tào Tháo đang sống trong đêm trước của thời loạn. Thế loạn phải dùng biện
pháp mạnh. Tào Tháo không muốn làm kẻ ác e cũng khó.
Bất kể là thế nào, lúc này chúng ta chẳng
có cách nào để biết rõ lúc đó Tào Tháo đã nghĩ những gì. Điều rõ ràng nhất, Tào
Tháo đã đắc tội với kẻ quyền quý, với tập đoàn hoạn quan. Có điều các nhà quyền
quý cũng chẳng làm gì được Tào Tháo. Thứ nhất, tào Tháo là chính nghĩa; thứ
hai, Tào Tháo có chỗ dựa. Cuối cùng đành phải nói là thăng nhưng thực là giáng,
đẩy Tào Tháo ra làm huyện lệnh ở Đốn Khâu (nay là huyện Thanh Phong, Hà Nam).
Tào Man truyện nói: “Bọn lộng thần nổi giận, nhưng không làm gì được, cùng nhau
tiến cử Tháo làm Đốn Khâu lệnh”.
Những biểu hiện của Tào Tháo lúc là Đốn
Khâu lệnh quả không tồi. Theo Tam quốc chí – Tào Thực truyện, Tào Tháo từng nhớ
lại những trải nghiệm của giai đoạn này và nói với Tào Thực: “Khi ta làm Đốn
Khâu lệnh, tuổi mới hai mươi ba, nhưng nghĩ lại những việc đã làm, thấy không
có gì phải hối hận”. Tiếc rằng chẳng được bao lâu vì chuyện người anh rể là Tống
Kỳ mà bị miễn quan. Về sau, Tào Tháo lại được triệu vào triều làm nghị lang,
sau đó còn đảm nhiệm các chức vụ như Tế Nam tướng (Cổ Thành, phía đông huyện Lịch
Thành, Sơn Đông ngày nay), trong đó có một lần bị miễn, hai lần từ quan, ba lần
được mời làm nghị lang. “Nghị lang”, còn gọi là “Điều nghiên viên”. Tào Tháo
nghĩ điều nghiên viên là điều nghiên viên, cứ làm cho tốt là được. Quan địa
phương là quan địa phương, cứ làm cho tốt là được. Thế là Tào Tháo dâng sớ lên
triều đình, bàn về những điều tệ hại, nhưng rồi như cát ném xuống biển, chẳng
có tin tức gì. Tào Tháo chấp pháp như sơn, đánh bọn cường hào, làm sạch lại trị,
yên định địa phương, nhưng tất cả lại như kiến cắn cây, trứng chọi đá. May,
chưa bị họa vào thân, vì còn có Tào Tung đứng ở phía sau. Lúc này triều đình lại
mượn cớ Tào Tháo “thông tỏ cổ học”, để nhiều lần cử Tào Tháo là nghị lang, quan
lang nhàn rỗi, có chức mà không có quyền. Dụng ý của họ đã quá rõ ràng.
Thực ra có khả năng, Tào Tháo còn trẻ
nên chưa hiểu, muốn làm năng thần phải có điều kiện. 1 – Thời thế thế nào. Nếu
là thời loạn, khắp nơi khói lửa, thì chỉ có thể như Xuất sư biểu của Gia Cát Lượng,
“chỉ mong giữ toàn được tính mạng trong thời loạn, không cầu được hiển đạt,
vang danh với chư hầu”. 2 – Chính cục thế nào. Nếu như “Trên thành thay đổi lá
cờ của vua”, “Rối tinh xòe, anh này hát chưa xong, anh kia đã nhảy lên sân khấu”,
thì tốt nhất là nên giả điên giả dại. Vì không cẩn thận là “vào nhầm hàng”,
nguy hiểm đến tính mạng. Bởi thế Khổng Tử đã nói: “nước thịnh thì làm người tài
trí, nước loạn thì làm kẻ dại khờ” (Tức là vờ ngốc hơn là vờ điên). 3 – Chủ
nhân thế nào. Nếu chủ nhân là người kém cỏi hoặc hôn dung, không hiểu được
hàng, thì bạn có là “hàng tốt” đến mấy cũng vứt, ôm lòng báo quốc suông. Cuối
cùng phải là người trị thế, là vua sáng, vừa biết tâm tình vừa biết hứng thú của
mọi người. Như Hán Hiến đế, không thể coi là loại hồ đồ (có thời là “Văn cảnh
trị thế”), ưa thích Giả Nghị, (Nghị quan tới đại trung đại phu). Nhưng rồi thế
nào? “Thương thay chiếu trước đêm, khuya vắng. Chẳng hỏi dân đen, hỏi quỷ thần”,
về sau Giả Nghị còn bị giáng quan, bị đuổi ra Trường sa. Tại đây, Giả Nghị suốt
ngày khóc lóc cho đến chết!
Lúc Tào Tháo vừa ra làm quan chưa phải
là lúc loạn thế, nhưng thời cuộc đã vô cùng hỗn loạn. Tào Tháo sinh ở triều
Hoàn đế thời Đông Hán, lớn lên ở triều Linh đế. Niên hiệu Vĩnh Thọ năm đầu (năm
155) thời Hoàn đế, Tào Tháo ra đời, niên hiệu Hi Bình thứ III (công năm 174) thời
Linh đế, Tháo ra làm quan. Hai triều Hoàn, Linh đế được coi là thời kỳ hỗn loạn
nhất, đen tối nhất của 400 năm vương triều Hán. “Thời Hoàn Linh đế” được coi là
thời vua hôn thần gian, chính trị hủ bại. Như thời Linh đế, triều đình là nơi
mua quan bán tước, giá cả văn bằng được rao bán công khai. Như cấp quan một thạch
giá một vạn tiền, cấp huyện phó bốn trăm thạch giá bốn trăm vạn, cấp chính bộ
hai ngàn thạch giá hai ngàn vạn, như hàng tam công thì tăng thêm một ngàn vạn.
Đó là chuyện mua bán. Nếu chính thức được bổ nhiệm thì giao một nửa số tiền. Số
tiền này không phải họ lấy từ hầu bao ra, chờ khi ra làm quan, họ vơ vét của
trăm họ. Triều đình biết chuyện, nhưng mắt nhắm mắt mở, vờ như không nghe không
thấy. Lúc đó có một người là Tư Mã Trực được bổ nhiệm làm Thái thú. Lúc giấy ủy
nhiệm đến, họ muốn anh ta giao tiền, còn nói: nghĩ tới hoàn cảnh khó khăn của
gia đình sẽ giảm cho ba trăm vạn. Tư Mã Trực cảm thán, là cha mẹ của dân, phải
vơ vét của dân để cầu quan, thực không nỡ! Liền từ quan! Triều đình thấy xôi hỏng
bỏng không, hạ lệnh không cho từ quan. Tư Mã Trực hết cách, đành phải tự sát ở
giữa đường. Trước lúc lâm chung còn để lại di thư, chửi rủa, coi đây là điềm gở
mất nước, một thời chuyện đó làm rung động cả triều dã.
Lúc này mới thấy Tư Mã Trực đã chết uổng.
Cuối cùng thì việc bán quan ở triều Linh đế không những không ngừng mà ngày
càng nhiều hơn. Tào Tung, cha của Tào Tháo, quan đến thái úy, nghe nói đã phải
bỏ ra cả ức, coi như thỏa được cơn nghiện chức “Tam công” (ít lâu sau bị miễn).
“Tam công” là địa vị cao quý, không ít người đã nghiện nó. Thời đó có người là
Thôi Liệt, một người danh giá, xuất thân thư hương môn đệ, là danh sĩ Ký châu.
Thôi Liệt chăm chỉ gắng sức là quận thú, quan tới cửu khanh. Thấy mọi người đi
mua quan, Thôi Liệt cũng theo làm chuyện đó. Bấy giờ có Trình phu nhân là bảo mẫu
của hoàng đế cho hay có thể mua được chức với giá hời, Thôi Liệt liền giao một
nửa số tiền cho Trình phu nhân, hoàng đế liền triệu đại hội công khanh, mở Thôi
Liệt là tư đồ. Nhưng rồi hoàng đế hối hận luôn, vì thấy mình đã nói chuyện mua
bán lỗ vốn trước mặt mọi người. Trình phu nhân nghe thấy mà cuống, liền nói chức
quan của Thôi Liệt đã mua bằng cách nào? Trình phu nhân nhận mình đã giúp để
Thôi Liệt có được chức quan đó! Lời vừa dứt, công khanh đã ồ lên, dựa vào đàn
bà để có chức, chẳng bằng bỏ tiền ra mua!
Thôi Liệt đã mất mặt vì chuyện đó,
ngay đến đứa con cũng không vui. Con Thôi Liệt là Thôi Quân, quan tới chức Hổ
bôn trung lang tướng. Một hôm Thôi Quân giáp trụ từ doanh trại về nhà, Thôi Liệt
liền hỏi: lão phu là tam công, bên ngoài có điều tiếng gì không? Thôi Quân nói,
đại nhân từ lâu đã nổi tiếng, nay đảm nhận khanh thú, mọi người đều nói đại
nhân là tam công đương nhiên là không hổ? Có điều lần này, thiên hạ đã thất vọng
về đại nhân. Thôi Liệt hỏi vì sao. Thôi Quân nói, vì trên người đại nhân có mùi
đồng thối. Thôi Liệt bỗng nổi giận, cầm gậy đánh Thôi Quân. Thôi Quân quay đầu
bỏ chạy, áo giáp trên người kêu leng keng. Thôi Liệt mắng, cha đánh ngươi chạy,
như vậy là hiếu không? Thôi Quân nói, năm nào Đại Thuấn hầu hạ cha mẹ, bị đánh
nhẹ thì chịu, đánh mạnh thì đi, không phải bất hiếu! Thôi Liệt hết đường nói và
đã cảm thấy xấu hổ.
Như vậy thấy rõ, hai triều
Hoàn Linh đã thối rữa đến tận nóc.
Có điều, nếu trút hết tội Đông Hán diệt
vong lên người Hoàn đế và Linh đế là không công bằng. Thực tế, từ sau khi Vương
Mãng thoán ngôi, Quang Vũ vực lại, thì vương triều Đại Hán không thể phục hồi
được. Ngoại thích tiếm quyền, hoạn quan chuyên chính, quân phiệt xưng hùng,
gian thần tìm cách nắm quyền, quan tham liều mạng vơ tiền, trăm họ chỉ còn biết
ăn đất. Đạo đức suy đồi là việc hết sức hồ đồ. Hồi đó có bài dân ca nói: “cử tú
tài, không biết chữ, cử hiếu liêm, cha ở riêng”; “thẳng như dây cung, chết bên
đường, cong như vòng móc, được phong hầu”, có thể thấy, ít liêm ít sỉ và miệng
thật lòng giả đã thành cách thức; chống lại hủ bại, đề cao liêm sỉ, chỉnh đốn kỷ
cương đã thành việc làm có ích. Năm 142 (niên hiệu Hán An năm đầu thời Hán Thuận
đế), triều đình đã phải cử tám vị khanh sư đi tuần tra cả nước, hy vọng có thể
chỉnh đốn việc hủ bại trong số quan lại địa phương. Trong số đặc phái viên đó
có người là Trương Cương còn ít tuổi. Vừa ra khỏi kinh thành, Trương Cương cho
đào một cái hố rất to, cho người tháo hết bánh xe ném xuống đó. Bộ hạ hỏi xem ý
tứ thế nào, Trương Cương cười nhạt nói: “Lang sói cầm quyền thăm hỏi hồ li!”
nghĩa là, triều chính cả nước còn bị những kẻ đại gian đại ác nắm giữ, đi bắt mấy
con tôm con tép, lũ tham quan nhỏ, phỏng có ích gì!
Thời đại Tào Tháo là lúc lang sói cầm
quyền, hồ li càn rỡ. Lúc Tào Tháo là quan địa phương, từng có quyết tâm chỉnh đốn
trật tự bằng những biện pháp mạnh, nhiều lệnh cấm chỉ, được ban bố khắp nơi.
Tháo bãi miễn tham quan, đánh vào lũ bất pháp. Các thế lực tàn ác mỗi khi nói đến
Tháo như nói đến hổ, mặt biến sắc, thậm chí bỏ đến các địa phương khác (lớn nhỏ
sợ hãi, gian tà bỏ trốn đến các quận khác), kết quả “Lẽ phải tràn khắp, cả quận
thanh bình”. Nhưng rồi sẽ thế nào đây? Rất nhiều cáo trạng hạch tội Tào Tháo
liên tiếp gửi đến ngự tiền, triều đình ban nhiều điều lệnh điều nhiệm Tào Tháo.
Nếu không có cha là Tào Tung ngấm ngầm bảo vệ thì Tào Tháo đã chẳng còn quả mà
ăn.
Lúc này, Tào Tháo đã nhìn thấu triều
đình và quan trường. Tào Tháo đã tường tận, vương triều Đông Hán đã hết thuốc
chữa, thiên hạ đại loạn là điều khó thay đổi. Dù là không loạn thì triều đình
và quan trường hủ bại kia cũng chẳng cần đến cái gọi là “năng thần trị thế”.
Không còn đường báo quốc, Tào Tháo hiểu sâu sắc điều đó nên đã không dâng lời,
hiến sách nữa (Thái tổ biết không thể sửa chính, nên không dâng lời hiến sách).
Một lần nữa triều đình lại bổ nhiệm là Thái thú Đông quận hai ngàn thạch, Tháo
đã từ chối, trở lại quê nhà (cáo ốm về quê), dựng nhà ở ngoài thành, đóng cửa đọc
sách, lúc rỗi lấy săn bắn làm vui. Đương nhiên, Tào Tháo vẫn không muốn lùi bước,
vẫn chăm chú theo dõi số phận của đất nước.
Lúc Tào Tháo xuống núi lần thứ hai, thời
cục có biến động lớn. Công nguyên năm 189, Linh đế băng hà, để lại hai người
con Lưu Biện 14 tuổi và Lưu Hiệp 9 tuổi, về cơ bản, họ không thể khống chế được
thời cuộc. Tập đoàn nhân sĩ với Đại tướng quân Hà Tiến cầm đầu đã đấu tranh quyết
liệt giữa cung đình với tập đoàn hoạn quan đại biểu là “Thập thường thị”, cả
hai cùng thất bại và chịu thương vong, chính quyền rơi vào tay Tây Bắc quân phiệt
Đổng Trác. Bọn Đổng Trác bị các sĩ đại phu thời đó không coi là người. Đổng
Trác là hổ, Lã Bố là lang, lũ bộ hạ đều là chó sói. Trong tiệc lớn cùng quần thần,
Đổng Trác thường cười nói vui vẻ ôm các cung nữ, hoặc lôi một quan viên nào đó
đánh chết, hoặc dùng những hình phạt tàn khốc dày vò những người thuộc phái phản
đối đã bị bắt, nghe nói, đó là những việc Đổng Trác thích làm nhất. Tóm lại, Đổng
Trác phế lập hoàng đế (phế Lưu Biện là Hoằng Nông vương, sau đó đầu độc cho chết;
lập Lưu Hiệp là hoàng đế, là Hiến đế), tàn sát trăm quan, nhiễu loạn hậu cung,
binh sĩ của Đổng Trác đốt phá cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ khắp thành Lạc Dương,
kinh thành vương triều Đại Hán biến thành nơi gây họa hủy hoại con người.
Thực mất nhân tâm, các vùng đều không ủng
hộ. Đổng Trác trở thành đối tượng khắp nơi đòi đánh và Đổng Trác cũng không khống
chế nổi, trong thì triều cương đảo lộn, ngoài thì khói lửa khắp nơi. Từ năm
189, sau khi Đổng Trác vào kinh, thực tế thì vương triều Đại Hán đã diệt vong,
từ đây thiên hạ đại loạn.
Thời loạn anh hùng nổi dậy, kẻ có gươm
giáo sẽ trở thành tướng cướp, trung ương mất quyền khống chế, quan lại địa
phương với quân lính của mình trở thành chư hầu vương cát cứ từng phương. Khắp
nơi địa phương tự trị, quân phiệt cát cứ và chư hầu kiêm lĩnh. Tào Tháo khẳng định
không thể trở thành “năng thần trị thế”, tự mình phải nghĩ lại cách chọn lựa đường
đi cho cả đời. Vào thời loạn, có thể có ba cách chọn lựa: anh hùng, kiêu hùng
hoặc gian hùng. Đổng Trác, Viên Thiệu, Viên Thuật muốn trở thành “loạn thế kiêu
hùng”. Vậy, Tào Tháo chọn lựa gì đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét