Luận anh hùng - TÀO THÁO
3. Khoan dung và báo thù
Trong cùng một vấn đề,
cách nghĩ và cách làm của Tào Tháo khác hẳn với Viên Thiệu.
Năm 197, Trương Tú đóng quân ở Uyển
thành (thành phố Nam Dương, Hà Nam ngày nay) đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo không
đổ máu đã giành được thắng lợi, tránh sao khỏi có chút phiêu diêu tự mãn, hành
vi thiếu kiểm soát, hành động không cân nhắc. Tào Tháo đã cưỡng ép, bắt người
thím của Trương Tú (vợ của Trương Tế) làm thiếp, khiến Trương Tú cảm thấy nhục
nhã; còn cho người lôi kéo Hồ Xa Nhi, bộ tướng bên cạnh Trương Tú, làm Trương
Tú thay mình bị uy hiếp. Thế rồi Trương Tú liền dùng kế của mưu sĩ Giả Hủ, đột
nhiên phản kích, Tào Tháo không kịp phòng bị, bị đánh một trận tơi bời khói lửa.
Tào Ngang là con cả (người nối dõi, Tào Tháo ưng ý nhất), Điển Vi mãnh tướng (đội
trưởng tân binh, Tào Tháo quan tâm nhất) và một người cháu là Tào An Dân đều bị
chết trận. Bản thân Tào Tháo cũng bị trúng tên. Trước sự thảm bại lần này, Tào
Tháo không hề trách cứ người khác, càng không truy cứu người có chủ trương để
Trương Tú đầu hàng, Tào Tháo tự nhận mọi trách nhiệm. Tháo nói với các tướng,
ta đã biết sai lầm của ta là ở đâu, từ nay sẽ không bao giờ sai lầm như lần này
(1).
Năm 207, Tào Tháo bắc chinh Ô Hoàn,
giành được toàn thắng. Đại quân trên đường về, lúc đến ký Châu, trời đông rét
buốt, không một bóng người, hành quân liên tục hàng trăm dặm mà không có một giọt
nước, quân lương cũng không còn "phải giết hàng ngàn con ngựa làm lương,
đào sâu chừng ba mươi trượng mới có nước". Sau khi về đến Nghiệp thành,
Tào Tháo hạ lệnh tra xem những ai là người can gián không muốn mình tiến đánh Ô
Hoàn, rồi từng người từng người đều được phong thưởng. Tào Tháo nói, thắng lợi
lần này hoàn toàn là do may mắn. Lời khuyên của các vị mới là kế sách vẹn toàn.
Vì vậy ta phải cảm tạ các vị, mong từ nay các vị muốn nói gì thì cứ nói, muốn
chỉ dạỵ điều gì xin cứ chỉ dạy. Và cũng vào năm đó, Tào Tháo ban bố "Phong
công thần lệnh" nói, từ khi ta khởi binh, diệt trừ bạo loạn, trải qua mười
chín năm, đánh là thắng, công là vỡ, lẽ nào đấy đều là công lao của ta? Chính
là nhờ vào sức lực các vị hiền sĩ đại phu!
Lúc bại trận thì tự kiểm điểm bản thân
(dù là kiểm điểm chưa hết, chưa tìm được nguyên nhân thất bại). Khi thắng trận
lại cảm tạ người khác, còn cảm tạ cả số người khuyên mình không nên đánh trận
này. Tấm lòng và tình cảm đó, thực khác hẳn với Viên Thiệu, thắng trận thì nhận
công về mình, bại trận thì giết cả những người khuyên mình không nên manh động.
Đó chính là khí độ phi phàm, nhận thức hơn người, giúp Tào Tháo thắng hết kẻ
thù này đến đối thủ khác, giúp Tào Tháo ngưng tụ được hết dũng tướng này đến
mưu thần khác, ngay cả Trương Tú đã mấy lần bội phản Tào Tháo, thì năm 199 lại
đến xin hàng Tào Tháo.
Lần thứ hai Trương Tú đến hàng, cũng
là chủ ý của Giả Hủ. Giả Hủ tự Văn Hoà, người Võ Uy, nghe nói cũng kỳ tài như
Trương Lương và Trần Bình. Viên Thiệu cho người đến chiêu nạp Trương Tú, Giả Hủ
lại chủ trương đến đầu hàng Tào Tháo (2). Giả Hủ có mấy lý do: Thứ nhất, Tào
Tháo phụng thiên tử để lệnh thiên hạ, là có ưu thế về mặt chính trị, dựa vào
Tào Tháo là danh chính ngôn thuận, như vậy là có lý. Thứ hai, Viên Thiệu người
nhiều thế lắm, Tào Tháo người ít thế yếu, chúng ta chỉ có một ít quân, đến với
Thiệu thì chẳng thấm vào đâu, đối với Tào Tháo thì đó là "tặng than trong
tuyết" (3), hẳn sẽ được xem trọng, như vậy là có lợi. Thứ ba, phàm là những
người có chí bá vương, nhất định sẽ không so đo tới ân oán cá nhân, ngược lại họ
sẽ coi chúng ta là tấm gương, để bộc bạch với thiên hạ tấm lòng khoan dung độ
lượng, lấy đức báo oán của họ, như vậy là an toàn. Vì vậy, dù Viên Thiệu lớn mạnh,
Tào Tháo nhỏ yếu và còn có hiềm khích với chúng ta, chúng ta vẫn nên cự tuyệt
Viên Thiệu, đến hàng Tào Tháo.
Mọi tính toán của Giả Hủ là hoàn toàn
đúng. Trương Tú vừa đến, Tào Tháo đã mừng rỡ, nắm tay Trương Tú, rồi thết tiệc
tẩy trần và lập tức bổ nhiệm Trương Tú là Dương Võ tướng quân, phong làm Liệt hầu.
Để tỏ rõ thành ý của mình hơn nữa, Tào Tháo liền cho con của mình là Tào Quân lấy
con gái Trương Tú, hai nhà trở thành thông gia, giống năm đó, Lưu Bang tiếp đón
Hạng Bá, trước Hồng Môn yến, dốc hết tài mua chuộc. Còn như ân ân oán oán năm
nào, đương nhiên là không nhắc tới, từ đó, Trương Tú trở thành chiến tướng dũng
mãnh của Tào Tháo, Giả Hủ trở thành mưu thần quan trọng ở bên Tào Tháo.
Tào Tháo và Giả Hủ đều là những người
thông hiểu về chính trị. Họ đều rõ một đạo lý: Việc tranh giành thiên hạ quỵ kết
lại vẫn là sự tranh giành lòng người. Được lòng người là được thiên hạ, mất
lòng người là mất thiên hạ. Muốn được lòng người phải biết khoan dung độ lượng
và phải có chính sách không tra xét những sai lầm cũ, dù là vờ nhưng phải vờ
như thật. Muốn làm được như vậy cần phải có những điển hình, những khuôn mẫu,
những tấm gương. Bởi sức mạnh của tấm gương là vô cùng, hơn hẳn những lời nói
hay, nói đẹp. Vừa khéo, Trương Tú là tấm gương, là điển hình tốt nhất. Trương
Tú đã mấy lần bắt tay với Táo Tháo và lần nào Tào Tháo cũng phải bỏ chạy vì bị
đánh cho tơi bời khói lửa. Trương Tú có thù sâu oán nặng với Tào Tháo và là kẻ
hàng đấy, phản đấy. Tào Tháo có thể khoan dung với một kẻ như vậy, thì liệu còn
ai, Tào Tháo không thể dung? Tào Tháo có thể tin tưởng một kẻ như vậy, liệu còn
ai Tào Tháo không thể tín nhiệm? Còn Viên Thiệu, có thể mong người thiên hạ quy
thuận theo về chăng, khi mà không thể tín nhiệm ngay cả em mình?
Trương Tú đến thật đúng lúc, lúc này
Tào Tháo đang "ép thiên tử để lệnh chư hầu" mới được ba năm, những
người không phục trong thiên hạ nhiều vô kể. Danh vọng của Tào Tháo trong xã hội
cũng chưa thật tốt. Về sau, Trần Lâm thay mặt Viên Thiệu, khỏi thảo tờ hịch
đánh Tào Tháo, Tào Tháo bị mắng chửi thậm tệ, nào là không có đạo đức, có tài
nhưng tàn bạo, thậm chí còn nói, "đọc hết sử sách xưa nay thì thấy Tào
Tháo là vị quan ác độc tàn bạo vào loại số một", đúng là một tên lưu manh,
một kẻ xấu xa bậc nhất. Muốn gán tội cho người ta thì lo gì không có cớ, trong
đó tất phải có chỗ là vu khống, nhưng cũng có một số việc, không có lửa làm sao
có khói, Tào Tháo khó lòng làm rõ. Vì vậy, Tào Tháo mong muốn có dịp để bộc bạch
tấm lòng rộng lượng và những tình cảm cao thượng của mình; mong muốn có điển
hình để chứng minh khả năng khoan dung và trái tim nhân ái của mình. Lúc này
Trương Tú đến, Tào Tháo vui mừng khôn xiết. Vì vậy Tào Tháo không chỉ quên hết
mọi hiềm khích cũ, còn đặc biệt tín nhiệm Trương Tú, mọi thứ phong thưởng đều
cao hơn các tướng lĩnh khác. Đối với Giả Hủ, Tào Tháo vừa cảm kích vừa tán thưởng
- cảm kích vì "tặng than hồng trong tuyết", tán thưởng vì mưu lược
hơn người, vì vậy thường mật bàn kế hoạch với Giả Hủ (4). Đấy không còn là lấy
đức để phục người, mà là chân thành lôi kéo người tri kỷ. Nếu nói, trí của mưu
thần trước hết là "lựa chọn được chủ" (có thể thận trọng và chính xác
tìm được đối tượng để phục vụ) (5), vậy minh của quân chủ trước hết sẽ là
"biết người và giỏi dùng người”. Phải nói là, Tào Tháo và Giá Hủ rất thành
công về điểm này. Sự hợp tác của hai người được coi là một ví dụ thành công
trong lịch sử chính trị Trung Quốc.
Giả Hủ phục vụ cho hai đời tập đoàn
Tào thị, là thái uý ở triều Văn đế Tào Phi, qua đời năm bảy mươi bảy tuổi, thuỵ
là Tiêu hầu, có một kết cục đẹp so với một số người từng hợp tác với Tào Tháo.
Tào Tháo có thể làm được như vậy vì hiểu
được nhân tài là của quý. Từ lâu Tào Tháo đã ý thức được, lá cờ chính nghĩa và
đội quân tinh nhuệ là hai đại pháp bảo để đánh địch, thắng địch. Ngay từ khi khởi
binh đánh Đổng Trác, Viên Thiệu từng hỏi Tào Tháo, nếu đánh giặc Đổng không
thành công, nói xem phương diện nào có thể là chỗ dựa, là bằng cứ của chúng ta?
Viên Thiệu tự trả lời là: Nam ở Hoàng Hà, bắc chiếm Yên Đại (chỉ vùng bắc Hà Bắc
và đông bắc Sơn Đông ngày nay) kiêm lĩnh Nhung Địch (chỉ Ô Hoàn), kéo xuống
phía nam giành thiên hạ, Tào Tháo từ từ nói, theo ta, nên dùng hết những người
tài trí trong thiên hạ, thống lĩnh họ bằng chính đạo và chính nghĩa thì muốn
đông tây nam bắc gì mà không được! (6).
Rõ ràng kiến thức của Tào Tháo hơn hẳn
Viên Thiệu. Đó cũng là thái độ sau này, khi Tào Tháo và Viên Thiệu tranh giành
thiên hạ: Anh đánh con bài về địa lý quân sự, tôi đánh con bài về nhân tài
chính trị, hai ta cứ thử xem!
Đương nhiên, Viên Thiệu không phải đối
thủ của Tào Tháo. Ưu thế của Viên Thiệu là vị trí cao và nhiều người. Nhưng kiến
thức về chính trị, quân sự đều yếu, về mặt tổ chức cũng chẳng ra gì, không nắm
bắt được cơ hội, không biết dùng nhân tài. Bên phía Viên Thiệu cũng có một số
nhân tài, trình độ không hề thấp như Thư Thụ, Điền Phong. Thư Thụ khuyên Viên
Thiệu "ép thiên tử để lệnh chư hầu, nuôi quân để đánh kẻ chưa thần phục",
thật giống với kiến nghị của Mao Giới "phụng thiên tử để lệnh kẻ chưa thần
phục, lo cày cấy tích trữ quân lương". Điền Phong còn hơn thế, tính toán
chu đáo, liệu việc như thần. Đáng tiếc, Viên Thiệu lại không thực sự tôn trọng
số nhân tài đó, Điền Phong bị nhốt lại, Thư Thụ bị gạt sang một bên, Hứa Du tức
giận bỏ sang với Thào Tháo, số còn không phải là những kẻ thiếu đức (như Quách
Đồ) thì cũng thiếu tài (như Thẩm Phối), nếu không, cũng là kẻ vũ phu (như Nhan
Lương, Văn Sú). Cuối cùng, trong số võ tướng còn lại, Trương Hợp là người mưu
lược nhất, nhưng Trương Hợp không được Viên Thiệu nghe lời, còn bị Quách Đồ mưu
hại, nên cũng phải chạy đến chỗ Tào Tháo, rốt cuộc bên Viên Thiệu toàn tuyến bị
tan rã, toàn quân bị tiêu diệt.
Tào Tháo thì ngược lại, Tào Tháo hiểu
rõ tầm quan trọng của nhân tài, biết rõ tình thế của mình. "Vượt hàng rào
có ba cột chống, một người tài, ba người phụ giúp", huống hồ về các mặt bối
cảnh, vốn liếng, địa vị và thực lực, mình đều không bằng người khác. Vì vậy,
Tào Tháo cần rất nhiều người đến ủng hộ, giúp đỡ, nhất là phải tranh thủ sự hợp
tác của những người thuộc cao môn thế tộc, làm vốn hiệu triệu. Giúp được thì tốt,
mà chỉ đồng loã, lớn tiếng hát để thậm chí chỉ đánh bóng tô màu cũng được. Cần
người có tài, cần người có danh, và cả người chỉ có hư danh. Tóm lại ai đến
cũng nhận, càng nhiều, càng tốt. Có thể coi là "cầu hiền như khát nước,
yêu tài ngang như mệnh", ngay cả những người trong trại địch, Tào Tháo
cũng nghĩ cách để có được, để sử dụng. Tào Tháo có trong tay năm viên đại tướng,
ba trong số đó từ doanh trại địch đến: Trương Liêu vốn là bộ tướng của Lã Bố,
Trương Hợp vốn là bộ tướng của Viên Thiệu, Từ Hoảng vốn là bộ tướng của Dương
Phụng, Nhạc Tiến và Vu Cấm được Tào Tháo đề bạt từ dưới lên. Thực đúng là
"trong lúc đánh trận đã đề bạt Vu Cấm, Nhạc Tiến, trong đám tù binh đã tìm
được Trương Liêu, Từ Hoảng, tất cả đều liều mình lập công, trở thành danh tướng".
Có không ít mưu thần cũng đến từ phía địch, Hứa Du từ trại Viên Thiệu chạy đến
với Tào Tháo, Tào Tháo đi chân không ra nghênh tiếp (7). Khoái Việt và Lưu Tông
cùng nhau đến hàng, Tháo vui vẻ nói, không phải ta vui vì được Kinh Châu mà vì
được Khoái Việt. Trần Lâm viết hịch văn cho Viên Thiệu, lớn tiếng mắng chửi Tào
Tháo, sau khi bị bắt, Tào Tháo cũng chỉ nói: "Muốn mắng thì mắng mình ta
là đủ, cớ chi phải mắng cả ba đời tổ tiên ta?". Trần Lâm tạ tội nói:
"Tên đã ở trên dây, không thể không bắn". Tào Tháo liền cho qua, còn
bổ nhiệm Trần Lâm làm Tư không quân mưu tế tửu. Lúc bà mẹ, em trai, vợ và con Tất
Kham bị Trương Mạc bắt giữ, Tào Tháo đã nói với Tất Kham: "Lệnh đường đại
nhân còn trong tay Trương Mạc, túc hạ nên đến đó!". Tất Kham dập đầu quỳ lạy,
nói mình không có ý khác, Tào Tháo xúc động đến rơi lệ. Ai ngờ Tất Kham vừa
quay đi, còn không kịp chào một tiếng, đã phản lại Tào Tháo, chạy sang với
Trương Mạc. Về sau Tất Kham bị bắt lại, mọi người cho rằng lần này hắn chết là
chắc. Nào ngờ Tào Tháo lại nói: "Người tận hiếu có thể không tận trung
sao? Đây chính là người mà ta đang tìm!". Không những không trị tội Tất
Kham, còn để Tất Kham là Lỗ quốc tướng tại Khúc Phụ quê hương Khổng Tử.
Với "thù sâu oán nặng" của
Trương Tú, vừa nghe lại hàng, Tháo đã cầm tay vui vẻ, phong quan tiến tước; với
"tham lam ngông cuồng" của Hứa Du, Tháo vừa nghe chạy tới đã không
nén nổi vui mừng, chân không ra đón; với sự "công kích ác độc của Trần
Lâm", Tháo chỉ vì yêu tài, không hề tính toán, thản nhiên phóng thích; với
sự "bội tín, bội nghĩa" của Tất Kham, Tháo chỉ vì lòng hiếu thảo,
không tính tới sai lầm, vẫn tín nhiệm như cũ. Còn có người là Nguỵ Chủng, là
người được Tào Tháo tín nhiệm nhất, lúc Trương Mạc làm phản, rất nhiều người trở
mặt chạy theo Trương Mạc, nhưng Tào Tháo vẫn rất tự tin nói: "Chỉ có Nguỵ
Chủng là không phản ta". Ai ngờ Nguỵ Chủng cũng chạy sang với Trương Mạc,
Tào Tháo tức giận, nghiến răng nghiến lợi: "Ngươi giỏi lắm Nguỵ Chủng! Dù
có chạy tới chân trời góc biển, ta cũng không tha cho ngươi!". Quả nhiên
Nguỵ Chủng lại bị bắt làm tù binh, lúc này Tào Tháo lại thở dài, nói: "Nguỵ
Chủng là nhân tài!". Lại bổ nhiệm Nguỵ Chủng làm thái thú Hà Nội. Với những
câu chuyện như vậy, tấm lòng đại soái, khí độ anh hùng của Tào Tháo lại hiển hiện
sinh động trên từng trang giấy.
Tào Tháo khoan dung người, vào những
lúc khó khăn nhất, Tào Tháo vẫn có thể chân thành đãi người. Sau khi lại hàng,
vừa ngồi xuống, Hứa Du đã hỏi luôn: "Xin hỏi lương thực bên quý quân còn
bao nhiêu?". Tào Tháo không kịp chuẩn bị đã thuận miệng đáp luôn:
"Còn có thể cầm cự được một năm". Hứa Du nói thẳng luôn: "Không
đúng. Nói lại!". Tào Tháo thay đổi nói: "Vẫn còn cầm cự được nửa
năm". Hứa Du cười nhạt: "Có phải ngài không muốn đánh bại Viên Thiệu
không? Sao có thể hết lần này đến lần khác không thực lòng?". Tào Tháo vốn
thông minh, biết Hứa Du nếu không nắm được tình báo thì cũng thấu hiểu tâm tư của
mình, giấu sao được! Hơn nữa, nếu không nói thực thì khó lòng được Hứa Du tin
tưởng và giúp đỡ, nên mới cười, nói: "Vừa rồi là muốn đùa một chút cho
vui! Thực tình thì nhiều lắm cũng chỉ đủ được một tháng". Hứa Du thấy Tào
Tháo đã thực lòng, nên mới nói hết những suy nghĩ của mình về tình hình cuộc
chiến và cách giải quyết, chỉ cần một trận thì Viên Thiệu sẽ thua to.
Thực tình thì bản tính Tào Tháo là
gian trá. "Ít nhạy bén, nhưng tài ứng biến" chỉ là cách nói uyển chuyển
khách khí của các sử gia, nói thẳng ra là gian trá. Huống hồ Tào Tháo lại là
người cầm quân đánh trận, quân được phép dối trá. Trên chiến trường dùng quỷ kế,
nơi quan trường dùng mưu, đó chỉ chuyện thường ngày của đấu tranh chính trị, đấu
tranh quân sự, chẳng hiến hoi gì, chẳng mất mặt gì, mọi người đều làm như vậy,
có điều phía địch gọi là "gian trá giảo hoạt", bên ta gọi là
"túc trí đa mưu", "xuất kỳ chế thắng". Tào Tháo thông minh ở
chỗ, biết nói dối vào lúc nào, nói thật vào lúc nào. Phụng thiên tử, kế thừa
Hán thất, chỉ là mua cổ phiếu chính trị, là lá bài chính thống, không ngại dối
trá, tránh sao khỏi phải phô diễn. Nói chuyện với mưu thần, trí sĩ, vì hai bên
đều là người thông minh, nếu lại vì hẹp hòi mà dùng mẹo nhỏ, rất dễ bị đối
phương phát hiện mà mất tín nhiệm, đúng là "thông minh lại bị thông minh
phản", vậy chi bằng cứ nói thực. Tào Tháo biết rõ phải làm như thế nào. Chỉ
có thể như thế, Tào Tháo mới có thể tạo dung cho mình cục diện "mưu thần
như mây, võ tướng như mưa".
Nhưng nếu như có ai cho rằng Tào Tháo
không biết chính trị người khác, không báo thù thì người đó đã phạm sai lầm lớn.
Ý muốn báo thù trong con người Tào
Tháo là rất lớn, và một khi đã báo thù thì không bao giờ mềm lòng. Mùa thu năm
193, Tào Tháo thân dẫn đại quân thẳng tới Từ Châu, một vì từ châu mục Đào Khiêm
đã câu kết với Công Tôn Toản chống lại Tháo, hai vì Đào Khiêm đã ra quân giúp
Viên Thuật tiến đánh; ba vì trước đây hộ tướng Trương Khải của Đào Khiêm đã cướp
và giết cha Tháo là Tào Tung và em trai Tào Đức. Thù cha lẽ nào không báo và kẻ
thù còn là kẻ địch? Chuyến này thì Đào Khiêm đánh không lại, đành phải trốn về
Đàm Thành (huyện Đàm Thành, Sơn Đông ngày nay). Tào Tháo không hạ được Đàm
Thành, liền trút giận lên đầu trăm họ Từ Châu. Quân lính được tự do cướp bóc,
thực hành chính sách "ba sạch", trước sau hơn chục vạn người bị giết,
chỉ một lần thôi "mấy vạn nam nữ bị giết" bên bờ sông Tứ Thuỷ, xác
người chết làm nghẽn cả dòng nước. Nhiều khu vực trong thành Từ Châu
"không còn vết tích", không một bóng người qua lại, đến gà chó cũng bị
giết sạch, thực thê thảm hết chỗ nói. Vì vậy năm 195, lúc Tào Tháo định đánh Từ
Châu một lần nữa, mưu sĩ Tuân Ngọc nói thẳng, dân quân Từ Châu sẽ chống đối quyết
liệt, quyết không đầu hàng, vì lần trước đã quá nhiều người bị giết. Đúng vậy,
lần đó Tào Tháo đã báo thù thái quá. Dù Đào Khiêm có phạm tội tày đình, thì nhiều
lắm là giết hắn hoặc đồng bọn, liên can gì đến nhân dân trăm họ? Lạm sát nhiều
người vô tội như vậy, hẳn là kẻ bệnh hoạn táng tận lương tâm.
Ngay cả Trương Tú, một biểu tượng được
Tào Tháo dựng nên hình như cũng bị trả thù. Trương Tú theo chân Tào Tháo bắc
chinh Ô Hoàn, đã chết trên đường đi mà chưa rõ nguyên nhân. Sách "Nguỵ lược"
nói, Tào Phi đã giết Trương Tú. Trương Tú vì muốn lấy lòng Tào Phi, đã mấy lần
mời Tào Phi đến dự hội, nào ngờ Tào Phi đã bực tức nói, ngươi đã giết anh ta,
sao còn dám mặt dạn mày dày đến gặp! Trương Tú "tự thấy bất an, nên đã tự
sát". Án tình thực đáng nghi ngờ, nên không bàn tiếp. Nhưng con Trương Tú
là Trương Tuyền bị giết là có thật. Trương Tuyền bị giết vì có liên can đến án
mưu phản của Nguỵ Phúng. Nghe đâu số người "liên đới bị giết có đến cả
ngàn", đó là vào năm Kiến An thứ 24 (năm 219), là vụ thanh trừng lớn, cuối
cùng khi Tào Tháo còn sống, người ra tay là Tào Phi, nhưng người xuống lệnh vẫn
là Tào Tháo. Vụ án này không phức tạp. Nghe nói Nguỵ Phúng là người đất Bái,
"có tài lôi kéo quần chúng, khuynh động Nghiệp Đô, chùng là người giỏi đường
"khua môi múa mép, nói lời mê hoặc". Chung Do tướng quốc nước Nguỵ của
Tào Tháo, thấy hắn có tiếng, nên để hắn làm Tây Tào duyện. Nhưng Nguỵ Phúng lại
nhân lúc Tào Tháo đang quyết sống mái với Quan Vũ ngoài chiến trường, đã
"lập bè kết đảng" cùng với Trường Lạc vệ uý Trần Y, lập mưu tập kích
Nghiệp Đô, đánh thẳng vào sào huyệt của Tào Tháo. Nhưng lúc sự việc đã gần kề,
Trần Y đâm sợ, liền đến tự thú, cáo mật với Tào Phi. Đối với việc bài trừ kẻ
khác ý, Tào Tháo không hề chùn tay, nhất là lúc này tiền phương đang gấp gáp,
không thể để hậu phương có lửa. Lúc này trong tay Tào Phi đang có lệnh tiễn của
cha mình, liền nhân cơ hội chém giết để răn đe, giết Nguỵ Phúng, giết những người
liên can đến vụ án, bao gồm cả Trương Tuyền.
Lúc này cũng chẳng thể xét rõ vì sao
Trương Tuyền lại bị cuốn vào án đó. Có thể vì Tào Phi đã giết chết cha mình,
Trương Tuyền vì ôm hận và khiếp sợ, đã trở thành đồng đảng của Nguỵ Phúng. Khả
năng thứ hai có thể là, Tào Phi bị nghi gián tiếp mưu sát Trương Tú, nên sợ bị
Trương Tuyền báo thù, nên đã buộc người ta phải làm phản để giết người diệt khẩu?
Khả năng thứ ba, Tào Phi không bức tử Trương Tú, nhưng cũng hiểu, Tào Tháo lôi
kéo Trương Tú hoàn toàn là do nhu cầu chính trị, không bao giờ quên mối thù giết
con. Việc báo thù không còn rơi vào người Trương Tú, vậy Trương Tuyền phải là
người chịu tội thay. Ngươi giết con ta, ta giết con ngươi có gì là không công bằng?
Tào Phi đoán ra tâm tư đó của Tào Tháo, liền nhân cơ giải quyết nguyện vọng của
phụ vương, địa vị thái tử của mình càng thêm vững chác. Đương nhiên, vẫn còn một
khả năng khác, tức là Tào Tháo trực tiếp ra lệnh giết chết Trương Tuyền. Tóm lại,
Trương Tuyền chết rất có khả năng là oan, hoặc bị ép phải lên Lương Sơn. Sự thực
thì có rất nhiều người liên can đến án của Nguỵ Phúng (Sách "Thế ngữ"
nói mấy chục người, còn "Thông giám" nói mấy ngàn người), người chết
oan không phải là ít, trong số đó có thể có những người Tào Tháo đã sớm muốn
báo thù nhưng chưa có dịp, như số người đã ngầm câu kết với Viên Thiệu trong trận
chiến Quan Độ.
Thực tế thì Tào Tháo vừa yêu tài vừa
ghét tài, biết dung người và cũng biết chỉnh người. Tào Tháo chỉnh người cũng
giống như dùng người, là "một tác phẩm lớn". Không có người nào mà
Tào Tháo không dám giết và cũng không có người nào Tào Tháo không giết được.
Năm còn ở Duyện Châu, Tào Tháo đã giết Biên Nhượng - một người rất nổi tiếng.
Biên Nhượng người Trần Lưu, học rộng giỏi hùng biện, từng sáng tác truyện
"Chương Hoa đài phú" được truyền tụng một thời. Đại tướng quân Hà Tiến,
từng có lời mời riêng tới Biên Nhượng. Sái Ưng, Khổng Dung, Vương Lãng và các
danh sĩ khác, thảy đều tôn sùng. Bản thân Biên Nhượng từng là thái thú Cửu
Giang, về sau từ quan ở nhà. Biên Nhượng là danh sĩ, đương nhiên là xem thường
Tào Tháo - đứa trẻ được hoạn quan nuôi dưỡng, có thể sẽ nói ra những lời nhục mạ
bất kính và cho rằng Tào Tháo sẽ chẳng dám làm gì với một đại danh nhân như
mình. Ai ngờ, khi đó Tào Tháo còn chưa là tể tướng, bụng dạ còn chưa vững vàng,
đã cho giết Biên Nhượng hơn nữa còn giết cả nhà Biên Nhượng. Bái tướng Viên
Trung, người huyện Bái là Hoàn Thiệu cũng đều xem thường Tào Tháo, sau khi Biên
Nhượng bị giết, hai người chạy đến Giao Châu, người nhà họ rơi vào miệng hổ. Về
sau Hoàn Thiệu tự thú, quỳ trước Tào Tháo và cầu xin tha tội, Tào Tháo đã hằn học
nói: Quỳ thì có thể miễn tội chết sao? Đương nhiên không thể, kết quả Hoàn Thiệu
cũng bị lôi ra chém đầu.
Việc làm của Tào Tháo đã có ảnh hưởng
rất xấu, đã gây nên một cuộc phản loạn, sau đó người đời còn bàn luận mãi. Có
được bài học đó, lại thêm quan càng to, dã tâm càng lớn, dần dà học được cách
"phi ngựa trên trán tướng quân, chống thuyền trong bụng tể tướng", mỗi
khi báo thù, không nên quá cứng rắn, dứt khoát như vậy. Nhưng báo thù vẫn cần
phải báo thù, ghen tỵ vẫn cần phải ghen tỵ. Dù là bạn thân cũng không ngoại lệ.
Bạn cũ là Hứa Du, Lâu Khuê, đều vì tài trí hơn người mà "ỷ cũ xem thường"
(nghĩ mình là bạn cũ nên không tôn trọng Tào Tháo) mà bị giết. Lâu Khuê tự Tử
Bá, trẻ có chí lớn, trí dũng song toàn, theo chân Tào Tháo lập nhiều chiến
công, Tào Tháo thường thở dài tự nói mình không bằng (kế của Tử Bá, cô không
theo kịp), cuối cùng vì ghen tài mà giết Lâu Khuê.
So với Lâu Khuê thì Hứa Du là tự tìm đến
cái chết. Hứa Du vừa cậy quan vừa cậy công, nên thường không tôn trọng, không nể
nang Tào Tháo, thường cợt nhả với Tào Tháo trước mặt mọi người, thậm chí còn
réo cả tên cúng cơm của Tào Tháo: "A Man à, không có mình, chắc cậu sẽ chẳng
có Ký Châu". Bề ngoài thì Tào Tháo vẫn cười, nói: "Đúng, đúng đấy, cậu
nói rất đúng", nhưng trong lòng lại phẫn nộ đến tột cùng. Sau này, Tào
Tháo chiếm được Nghiệp Thành, Hứa Du lại chỉ vào cổng thành nói với người đi
bên cạnh Tào Tháo: "Anh chàng này nếu không có ta thì không vào được cổng
này!". Tào Tháo không thể nhịn được nữa. Năm đó ở Quan Độ, Tào Tháo đang
cơn nguy cấp, thấy không cần phải nhẫn nhịn trước thái độ buông thả của Hứa Du.
Thế là Tào Tháo cương quyết đòi mạng của Hứa Du.
Thực tế thì, Hứa Du đầu óc thông minh
cũng bằng không. Lẽ nào lại không hiểu "bạn với vua là bạn với hổ" và
ông ba mươi lại rất thích ăn thịt người? Mọi người đều hiểu, không thể sờ vào
mông hổ. Nhưng Hứa Du không chỉ cứ sờ mà càng sờ càng nghiện. Vậy sao có thể giữ
được cái đầu?
--------------------------------
1 Năm 199, lần nữa Tào Tháo nam chinh đánh
Trương Tú, ra quân bất lợi, bị vây ở Nhương thành (huyện Đặng, Hà Nam ngày
nay). Tháo lại nói với quân sư Tuân Du, không nghe lời tiên sinh nên mới thế
này.
2 Giả Hủ nói với sứ giả của Viên Thiệu, phiền
túc hạ về nói lại với Viên Bản Sơ, anh em họ còn chưa thể hoà hợp thì liệu có
hoà hợp với quốc sĩ trong thiên hạ không? Giả Hủ đã không khách khí mà tống cổ
sứ giả của Viên Thiệu đi như vậy! (Tác giả).
3 "Tặng than trong tuyết": Thành ngữ,
ý nói sự giúp đỡ trong lúc người ta cần thiết nhất (BTV).
4 Tào Tháo từng cảm kích nói với Giả Hủ:
"Chính ngài làm cho thiên hạ nể trọng ta!".
5 Đây là câu nói của Quách Gia - mưu sĩ của
Tào Tháo.
6 Ở đây Tào Tháo lợi dụng tính đa nghĩa của từ
vựng tiếng Hán để nêu rõ những hiểu biết khác về chính trị với Viên Thiệu, Viên
Thiệu hỏi phương diện nào có thể làm băng cứ, ở phương diện có thế hiểu là vị
trí địa lý, cũng có thể hiểu là điền kiện chính trị; cứ, tức là cứ điểm, cũng
có thể là hiểu là bằng cứ. Như vậy, lời Tào Tháo có thể hiểu là: Chỉ cần dựa
vào chính nghĩa và nhân tài, nơi nào cũng có thể trớ thành căn cứ địa (Tác giả).
7 Theo lễ nghi thời cổ, đi chân không ra đó
là sự kính trọng đặc biệt đối với đối phương, không hẳn là "vì vội vàng ra
đón nên chưa kịp đi giày" (Tác giả).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét