Đại chiến Quan Độ |
Luận anh hùng - TÀO THÁO
2. Thiên tài và xuẩn tài.
Rõ ràng, Tào Tháo thông
minh hơn nhiều.
Không phải Tào Tháo không có thực lực,
điều kiện để làm hoàng đế. Nếu như nói, chí hướng ban đầu của Tào Tháo chỉ là
làm một năng thần, hoặc là sau khi qua đời, có được dòng chữ trên bia mộ:
"Mộ của cố Chinh tây tướng quân Tào hầu", vậy thì, sau này Tào Tháo lại
tự giác hay vô giác đi vào con đường thẳng tới ngôi vị đế vương, cuối cùng chỉ
còn cách đó một bước. Năm 196, Tào Tháo ép Hiến đế (một cách khách khí) phải dời
đô về huyện Hứa, đổi hiệu thành Kiến An, bắt đầu trở thành nhân vật quyền thế
nhất trong triều. Năm 208, phế bỏ tam công, Tào Tháo là thừa tướng, nắm trọn đại
quyền. Năm 213, Hiến đế xuống chiếu, đem mười quận Hà Đông sách phong Tào Tháo
là Nguỵ công, ban thêm cửu tích (1). Tháng bảy cùng năm, Tào Tháo cho lập tông
miếu xã tắc của Nguỵ quốc ở Nghiệp thành; tháng mười một, Nguỵ quốc thiết lập
thượng thư, thị trung và lục khanh, thực tế Tào Tháo đã trở thành vua của một
công quốc. Năm 214, Tào Tháo bắt đầu hưởng thụ đãi ngộ của tước vương. Năm 215,
Hiến đế cho Tào Tháo quyền phân phong chư hầu, nắm quyền lực thái thú và quốc
tướng. Năm 216, Hiến đế tiến phong Tào Tháo là Nguỵ vương, thừa tướng Nguỵ quốc
đổi là tướng quốc, tập tinh kỳ của thiên tử, ra vào xưng cảnh tất. Về sau Tháo
còn được hưởng những nghi lễ dành riêng cho thiên tử, như mũ có mười hai chuỗi
ngọc. Đến đây, Tào Tháo không chỉ nắm trọn chính quyền nhà Hán, mà về hình thức
đã giống như thiên tử nhà Hán, khác chăng chỉ là danh hiệu hoàng đế.
Nhưng Tào Tháo lại không
cần.
Phải chăng Tào Tháo không muốn? Không.
Liệu có ai không hiểu làm hoàng đế là tốt, có ai không muốn làm hoàng đế? Thời
đó, đúng như lời Vương Xán nói với Lưu Tông "nhà nhà muốn là đế vương, người
người muốn là công hầu". Tào Tháo chưa có điều kiện chăng? Cũng không phải.
Miền bắc Trung Quốc về cơ bản đã thống nhất, Hán thiên tử đã chẳng còn gì,
trong ngoài, trên dưới triều đình đều là người của Tào Tháo, quân lính của Tào
Tháo chỉ còn chờ Tào Tháo ra lệnh.
Tào Tháo bỏ không làm hoàng đế, tất
nhiên, đó là mưu sâu chí xa của Tào Tháo và đồng thời cũng là nỗi khổ tâm của Tào
Tháo. Thì ra, Tào Tháo đã dựa vào cái gọi là "hưng nghĩa binh, trừ bạo loạn,
phò tá thiên tử, vương thất". Bắt đầu khởi binh từ năm 189, đánh Đổng
Trác, Viên Thuật, giết Lã Bố, dụ hàng Trương Tú, đánh Viên Thiệu, bình Ô Hoàn,
diệt Lưu Biểu, đuổi Tôn Quyền, định Quan Trung, đánh Lưu Bị, luôn với danh
nghĩa tôn Hán, giương cao ngọn cờ đánh đuổi nghịch tặc. Sau khi để Hiến đế dời
đô, còn là "phụng thiên tử lệnh kê không thần phục".
Đó là vốn liếng chính trị của Tào Tháo
và cũng là gánh nặng về chính trị của Tào Tháo. Tào Tháo còn phải gánh tiếp phần
gánh nặng đó. Vứt bỏ gánh nặng đó cũng đồng thời là vứt bỏ ngọn cờ của mình.
Không còn ngọn cờ đó, Tào Tháo sẽ dựa vào cái gì để hiệu triệu thiên hạ, thu phục
lòng dân?
Đúng vậy, trong đấu tranh chính trị,
ngọn cờ là quan trọng nhất. Viên Thuật mất cờ, thân bại danh liệt; Viên Thiệu
giương cờ không cao, nhà tan người mất; Tôn Sách, Lã Bố, Lưu Biểu không cờ hiệu,
cũng chẳng làm nên trò trống gì; Lưu Bị dựa vào danh nghĩa là hoàng thúc,
giương cao cờ, để từ không thành có, từ yếu thành mạnh. Những bài học kinh nghiệm
trước mắt, Tào Tháo không thể không biết.
Vì thế, Tào Tháo đã nhiều lần bộc bạch
với người thiên hạ: Tào mỗ tuyệt không cướp ngôi nhà Hán! Nhiều nhất là muốn
làm Tề Hoàn công, Tấn Văn Công hoặc Chu công. Thành vương lúc nhỏ, nếu không có
Chu công, há chẳng bị Quản Thúc, Sái Thúc thoán vị rồi sao? Như hiện nay, nếu
không có Tào mỗ, thì không rõ "đã mấy người xưng đế, mấy người xưng
vương"? Đó là sự thực và rất phiền hà. Vì việc không cho người khác làm,
thì chính mình cũng không nên làm hoặc ít ra cũng đừng làm một cách trắng trợn.
Luôn đi "bắt giặc" lại thành giặc, chẳng phải là giặc lại hô hào bắt
giặc hay sao? Việc giặc hô hào bắt giặc, không phải Tào Tháo chưa từng làm,
nhưng việc cướp nước không giống như việc cướp dâu, không thể không nói tới
sách lược chính trị.
Hơn nữa, trong thâm tâm Tào Tháo cũng
đã rõ, Lưu Bị, Tôn Quyền và mấy người trong triều đều không chịu an phận. Trong
số họ có người muốn làm hoàng đế, có người muốn làm công thần, có người muốn mượn
gió lật thuyền, nhờ nước đục thả câu, chỉ là họ không nói ra, không nói ra được,
họ âm thầm lặng lẽ, chờ xem Tào Tháo làm như thế nào. Đương nhiên, cũng có những
người gọi là chính nhân quân tử thực lòng thực bụng bảo vệ Hán thất. Họ luôn cảnh
giác, chú ý mọi cử chỉ, lời nói việc làm của Tào Tháo. Nếu có gì sai, họ liền hợp
lại để công kích. Nếu hậu viện bốc lửa thì cánh Lưu Bị, Tồn Quyền sẽ mừng rỡ, để
rồi lửa đổ thêm dầu, thừa cơ làm loạn, bắt tay với phái phản đối trong triều,
tìm cách chống trả. Nếu như vậy, thì thời cục sẽ rối ren, những thành quả thắng
lợi sắp đến tay, bỗng dưng sẽ mất sạch.
Tào Tháo biết quá rõ lợi và hại. Tốt
thôi, các người không nói, ta cũng không nói. Các người vờ vĩnh, ta cũng vờ
vĩnh. Tới lúc đó, xem ai là người không nhịn được? Đấu tranh chính trị là một
nghệ thuật, chỉn chu nhất sẽ là dưa chín cuống rụng, cái gì đến rồi sẽ đến. Nếu
khinh suất manh động quá sớm là hành động mù quáng, bị dẫn dụ mà không lộ tài mới
là cao thủ. Tào Tháo là cao thủ, biết kìm nén nhẫn nhịn.
Vì vậy, lúc Tôn Quyền dâng biểu xưng
thần, thuộc hạ hết lời khuyên can, Tào Tháo mưu sâu chí xa, chỉ nói một câu thật
thâm thuý: "Khổng Từ từng nói, chỉ cần có ảnh hưởng tới chính trị là đã
tham chính, việc gì còn phải làm tới chức này chức nọ? Nếu thiên mệnh trao cho
ta, ta làm Chu Văn vương là được rồi!".
Lời nói đầy tính sách lược, rất sinh động,
đầy đủ ý tứ. Nó nói rõ, bản thân Tào Tháo không có ý tiếm ngôi, nhưng cũng
không loại trừ khả năng, con cháu sau này có thể thay triều đổi đại. Còn như bọn
Tào Phi có làm điều đó không, còn phải xem thiên mệnh và khả năng của chúng.
Làm được, ta là thái tổ, làm không xong, ta là trung thần. Tào Tháo tính toán
thật tuyệt.
Huống hồ Tào Tháo còn là người thực dụng.
Tào Tháo có câu danh ngôn: "Đừng mộ hư danh mà chuốc lấy hoạ thực".
Chỉ cần bản thân có đầy đủ mọi thứ của thiên tử, còn cái hư danh gây tranh chấp
rắc rối kia thì thiết gì!
Hán Hiến Đế và Phục hoàng hậu |
Sách lược của Tào Tháo
là chơi con bài hoàng đế.
Hoàng đế là con bài hay, vừa hư vừa thực.
Nói là hư vì lúc này hoàng đế, đừng nói tới "cương nghị độc đoán" mà
ngay cả bản thân cũng mất tự do, luôn phải nghe theo người khác, khác gì con rối?
Vì vậy, hoàng đế là con bài có thể nắm trong tay. Nói là thực, vì không ai dám
nói nó là giả, là không cần, mặc dù biết nó là giả, là thứ đồ trang trí, giống
như truyện cổ tích, không ai dám bảo hoàng thượng cơi truồng. Mỗi khi hoàng đế
ra chỉ thị, có hiệu lệnh, mọi người đều làm ra vẻ phục tùng (có một sô việc đã
được làm) không dám ra mặt phản đối. Vậy, đó là quân bài có tác dụng, hơn nữa
còn là vương bài.
Tào Tháo vốn chưa đủ tư
cách để chơi con bài này. Người có tư cách nhất là Viên Thiệu.
Viên Thiệu là tứ thế tam công, có địa
vị chính trị quân đông đất rộng, có sức mạnh quân sự. Nếu Viên Thiệu muốn
nghênh đón thiên tử, người khác đành phải nhường. Hơn nữa, Thư Thụ - mưu sĩ của
Viên Thiệu cũng thường xuyên nhắc nhở điều này. Nhưng tiếc là Viên Thiệu tầm
nhìn hạn hẹp, chí lớn tài mọn. Các mưu sĩ khác bên cạnh cũng đều là hư danh,
nhìn không ra. Theo quan điểm của những kẻ thiển cận đó, vương triều nhà Hán trải
bao giống tố bão bùng, khí số đã hết, vậy khôi phục Hán thất liệu còn có ý
nghĩa gì? Đã không tính tới chuyện cứu thời độ thế, chỉ cần nắm quyền qua chiến
tranh chết chóc, thì việc nghênh đón hoàng đế là không cần thiết. Để thứ bảo bối
đó ở bên mình, để ngày ngày phải xin chỉ thị, việc việc phải bẩm báo, thì phiền
phức quá. Nghe lời hoàng đế, thì mình chẳng có vai trò gì, không nghe lời thì lại
trái lệnh, biết theo ngả nào? Còn Viên Thiệu thì sao, cứ nghĩ đến việc Đổng
Trác đã lập Hiến đế, lại thấy hận thấy ghét, nên đã xoá bỏ ý nghĩ nghênh đón Hiến
đế.
Thực ra, đó là ý nghĩ thiển cận của
đám ếch dưới đáy giếng. Nên nhớ, dù đó là ý kiến của Mao Giới với Tào Tháo
"phụng thiên tử lệnh những kẻ chưa thần phục", dù là ý kiến của Thư
Thụ với Viên Thiệu "ép thiên tử lệnh chư hầu", đều không thực lòng muốn
khôi phục Hán thất đã mục rỗng, mà chỉ là muốn biến Hiến đế thành lá bài để sử
dụng, chỉ cần lá bài này là vương bài, thì cần gì phải biết nó từ đâu tới? Trời
trên cao, hoàng đế ở xa, nhưng vị hoàng đế kia nếu là con rơi, thì ở gần một
chút chẳng phải dễ thao túng, khống chế sao? Thỉnh thị hội báo, khấu đầu hành lễ,
đương nhiên là cần. Người có chút đầu óc sẽ hiểu, chỉ cần qua loa một vài nghi
thức thì nhất định Hiến đế sẽ phê chuẩn cho bằng hết. Lúc đó Hiến đế mới mười
sáu tuổi, hãy còn là trẻ con. Lúc đầu nằm trong tay Đổng Trác, về sau lại do
Vương Doãn và những người khác thao túng, chưa bao giờ cầm quyền thực sự. Lý
Quyết, Quách Tỵ giao tranh, hai quân đang đối đầu trong thành Tràng An, Hiến đế
phái người đến giảng hoà, nhưng không ai theo. Đường đường là một đấng thiên tử,
chưa nói đến hiệu lệnh thiên hạ, chỉ làm người hoà giải cũng không thành. Một vị
hoàng đế đáng thương như vậy, nếu đến chỗ Viên Thiệu, sẽ làm thiên tử thế nào
đây, để được sống tiếp cùng Viên đại nhân? Viên Thiệu cho rằng mình ở xa hoàng
đế được tự do, muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn làm gì thì làm. Cách tư duy của Viên
Thiệu chẳng khác mấy với bọn "cường nhân" là thảo khấu chiếm núi xưng
vương. Khác hẳn với các bậc anh hùng hào kiệt có chí lo cho thiên hạ.
Không thể để mất cơ hội, vì thời cơ sẽ
không quay lại. Viên Thiệu còn do dự thì Tào Tháo đã nẫng tay trên. Tào Tháo có
Mao Giới bầy mưu tính kế, lại có Tào Chiêu cùng những người khác dựng giàn bắc
giáo, nhanh chóng có được con bài hoàng đế trong tay. Lần này đến lượt Viên Thiệu
trố mắt ra nhìn: Tào Tháo sau khi nghênh đón Hiến đế dời đô về Hứa Xương, không
chỉ không mất gì, không bị khống chế, ngược lại, còn thu được không ít lợi lộc.
Tào Tháo được cả một vùng đất rộng lớn về phía nam sông Hoàng Hà, dân chúng
vùng Quan Trung lũ lượt theo về. Quan trọng nhất là, Tào Tháo có được nguồn vốn
chính trị to lớn, không chỉ là anh hùng phục dựng lại Hán thất, có được vị trí
"dưới một người trên vạn người", mà còn làm cho mọi phái phản đối ở
vào vị trí bất lợi, bất nhân bất nghĩa. Từ đó bất kể là làm gì, sai khiến quan
lại, mở rộng địa bàn, hay là đánh phá những kẻ khác ý, dẹp bỏ kẻ thù chính trị,
Tào Tháo đều có thể mượn danh nghĩa của hoàng đế, dù có bất nghĩa cũng trở
thành chính nghĩa. Còn bọn đối thủ thì sao? Chúng rất bị động. Chúng muốn phản
đối Tào Tháo, thì trước hết là phạm tội phản đối hoàng thượng. Và dù có giương
cao ngọn cờ "Thanh trừng cận thần xấu" cũng còn xa mới bì được với
Tào Tháo, có thể trực tiếp với danh nghĩa hoàng đế để xuống chiếu, vừa nhanh gọn,
lại vừa lý tình đầy đủ.
Như sau này Viên Thiệu muốn đánh Tào
Tháo, Thư Thụ, Thôi Diễm đều nói, "Thiên tử ở Hứa", công phá Hứa
Xương, "là phạm vào điều nghĩa". Gia Cát Lượng cũng nói, Tào Tháo
"ép thiên tử để lệnh chư hầu, điều đó là không thể giành". Tào Tháo
nhanh chân hơn, được nhiều lợi hơn.
Viên Thiệu hối hận, liền nghĩ ra biện
pháp để bổ cứu. Viên Thiệu cho rằng Hứa Xương đất trũng, Lạc Dương bị phá huỷ,
yêu cầu Tào Tháo dời Hiến đế về Quyên Thành (nay là huyện Quyên Thành, Sơn
Đông) cách chỗ mình không xa, để cùng hưởng lợi từ lá vương bài này. Đúng là nằm
mơ được lấy vợ, toàn nghĩ ra chuyện hay. Tào Tháo buồn cười và đã nghiêm chỉnh
lấy danh nghĩa hoàng đế thảo một đạo chiếu thư gửi cho Viên Thiệu, trách cứ Viên
Thiệu: "Đất rộng binh nhiều mà chỉ lo cho mình", không thấy Thiệu ra
quân cần vương, chỉ thấy Thiệu luôn luôn công kích người khác. Viên Thiệu trộm
gà không được lại mất toi gạo, chẳng kiếm chác được gì lại bị ăn mắng, vô cùng
tức giận, đành phải nuốt giận vào lòng, dâng thư biện bạch. Như vậy, Viên Thiệu
đã thua to về chính trị lẫn tâm lý.
Thế rồi, lúc Tào Tháo lấy danh nghĩa
hoàng đế bổ nhiệm Viên Thiệu là thái uý, phong Nghiệp hầu, Viên Thiệu liền chối
từ. Vì thái uý tuy là trưởng quan quân sự cao nhất cả nước, một trong tam công,
nhưng địa vị lại thấp hơn tướng quân. Và đại tướng quân lúc đó không phải ai
khác, chính là Tào Tháo, người mà Viên Thiệu luôn xem thường. Vì vậy, Viên Thiệu
đã phẫn nộ nói với người khác, lẽ ra Tào Tháo đã chết đến mấy lần rồi, lần nào
ta cũng cứu hắn, bây giờ hắn lại giương ngọn cờ thiên tử để ra lệnh cho ta, là
cái giống gì thế? Đúng là tính khí trẻ con và hẹp hòi! Ngược lại, Tào Tháo rất
độ lượng, hiểu rõ lúc này chưa thể phản lại Viên Thiệu, liền dâng biểu từ chức
đại tướng quân để nhường cho Viên Thiệu. Lúc này Viên Thiệu mới yên vì thấy
mình không mất sĩ diện. Kỳ thực, Viên Thiệu không ở trong triều nên có hiệu lệnh
cũng chỉ quanh quẩn trong địa hạt của mình, vậy là đại tướng quân hay tiểu tướng
quân cũng chẳng khác gì nhau. Hơn nữa, đây là chức vụ Tào Tháo nhường cho, vậy
có gì là sĩ diện, ngược lại thấy rõ, tính khí quá trẻ con.
Hán Hiến Đế |
Tào Tháo được cả sĩ diện lẫn tình cảm.
Đương nhiên Hiến đế cũng được lợi không ít. Trước khi đến Hứa Xương, Hiến đế
cùng các quan trọng triều đã gần như là kẻ ăn xin. Lúc đó ở Lạc Dương, từ thượng
thư lang trở xuống đều ra ngoài kiếm rau dại ăn, có người đã chết vì đói hoặc bị
loạn binh giết chết. Ở đây cuộc sống của họ được cải thiện nhiều, Tháo luôn tỉ
mỉ tinh tế, chẳng khác gì một quản gia. Điều quan trọng hơn, Hiến đế đã có chỗ ở
ổn định, không còn là thứ hàng hoá đặc biệt không đáng một xu, qua tay hết người
này đến người khác, không còn lo sợ một ngày nào đó sẽ bị phế truất, bị sát hại.
Hiến đế đã có thần hộ mệnh, được sống những ngày yên bình. Hoàng đế rất nhát
gan, sống như một con rối, một con rối đáng thương, nhưng nếu rơi vào tay Viên
Thiệu, chắc sẽ còn thê thảm hơn! Hiển nhiên, quan hệ giữa Tào Tháo và Hiến đế
chỉ là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, Tào Tháo thực không đơn giản.
Tài năng chính trị của
Tào Tháo đã sớm bộc lộ, nhưng mọi người không nhìn ra.
Trên chính trường cuối thời Hán, ban đầu
người ta thấy Viên Thiệu tương đối tốt. Viên Thiệu dáng người đẹp, xử sự không
tồi, được nhiều người đi theo. Vì vậy, Viên Thiệu mới được tôn là minh chủ của
các lộ chư hầu, quyết định liên minh diệt Đổng Trác.
Kỳ thực Viên Thiệu chỉ được cái tốt
mã. Năm 189, Linh đế băng hà, để lại hai người con, Lưu Biện mười bốn tuổi, Lưu
Hiệp chín tuổi, về cơ bản không khống chế nổi cục thế. Cục diện chính trị đang
chao đảo, tránh sao được cuộc tranh giành phân chia lại lợi ích và quyền thế,
và cuộc tranh giành chỉ được hoàn thành sau những mưu mô quỷ kế, những cuộc
chinh biến nơi cung đình. Ai mạnh tay ác độc, người đó sẽ được lợi. Vì vậy sau
khi đại tướng quân Hà Tiến giết chết kẻ cầm đầu hoạn quan là Kiển Thạc, Viên
Thiệu khuyên Hà Tiến đã làm là làm tới, giết cho bằng hết lũ hoạn quan, nhổ cỏ
phải nhổ tận gốc, nhưng Hà Tiến thấy khó, vì người em gái của Hà Tiến là Hà
thái hậu không đồng ý. Năm đó Hà thái hậu hạ độc Vương mỹ nhân, mẹ đẻ của Lưu
Hiệp, suýt nữa bị Linh đế phế truất, may nhờ có hoạn quan xin cho thoát nạn,
đương nhiên lúc này thái hậu không muốn xuống tay với hoạn quan, thế rồi Viên
Thiệu lại có ý kiến với Hà Tiến, khuyên nên triệu các mãnh tướng ở khắp nơi, nhất
là Tịnh châu mục Đổng Trác về kinh, hòng uy hiếp thái hậu. Thực tế thì đây là ý
kiến ngu ngốc. Đến như trăm họ cũng đều rõ "mời thần thì dễ, tiễn thần thì
khó", nói chi tới một hung thần như Đổng Trác? E đó là dẫn sói vào nhà. Vả
lại đây cũng chưa phải là việc cần làm. Tào Tháo đã nói, muốn giải quyết vấn đề
hoạn quan, chỉ cần giết mấy tên hung hãn cầm đầu là xong. Chỉ cần đến một tên
ngục lại là được. "Cớ gì phải triệu các tướng từ bên ngoài về?". Kết
quả, khi Đổng Trác còn chưa về kinh, Hà Tiến đã là quỷ dưới đao bọn hoạn quan.
Đổng Trác vừa vào kinh, hoàng đế đã bị phế, thái hậu bị đầu độc, Lạc Dương trở
thành một biển lửa, điêu đứng hoang tàn, đó đều là những việc tốt Viên Thiệu đã
làm!
Đúng là Viên Thiệu rất ngu xuẩn. Viên
Thiệu đã dẫn một thế lực ác độc mà chính mình cũng không chế nổi về kinh. Đó là
việc không nên làm, dù họ "là quân nhân nghĩa" hay "quân bá
vương" cũng không nên! Hoạn quan vốn là những người không có địa vị, lòng
dân, không có chính quyền binh lực. Cũng đúng như Tào Tháo đã nói, sở dĩ họ được
thể, bởi họ gần gũi hoàng đế và được tín nhiệm. Nếu không được hoàng đế sủng
tín, thì họ chẳng là gì cả. Giết gà cần gì đến dao mổ trâu, và chúng ta chưa có
con dao đó. Dao ra khỏi vỏ là thấy máu. Không có gà để giết thì phải giết trâu.
Lũ Hà Tiến, Viên Thiệu chỉ là con bò ngốc, con trâu bướng bỉnh, đáng phải giết
thịt. Nếu không phải Viên Thiệu chủ trương giết bằng hết bọn hoạn quan, bức bọn
Trương Nhượng đến chỗ đường cùng, chó cùng rứt giậu, có lẽ Hà Tiến đã không phải
chết sớm. Làm chính biến nơi cung đình thì tay phải mạnh, bụng phải ác, nhưng
không phải là giết người thành thói, càng không phải giết bừa bãi, giết người
vô tội; đòn đánh mạnh nhất chỉ có thể nhầm vào kẻ địch hung hiểm nhất. Trên thực
tế, đấu tranh chính trị là nhằm thay đổi nhân sự, phân chia lại lợi ích và quyền
lợi, điều chỉnh quan hệ giữa người với người. Được nhiều người ủng hộ thì thắng
lợi càng lớn, vì vậy phải "đoàn kết số đông, đánh vào số nhỏ". Sao lại
có thể giống như Viên Thiệu, không hỏi phải trái đúng sai, đã đòi giết bằng hết?
Như vậy là tự chuốc thêm địch, mà địch càng đông thì kết quả chẳng hay ho gì.
Tào Tháo không như vậy. Năm 200, Viên
Thiệu đại bại trước Tào Tháo ở Quan Độ. Phần lớn quân nhu, châu báu vàng bạc, bản
đồ của Viên Thiệu đều rơi vào tay Tào Tháo, bao gồm cả thư tín số người bên Tào
Tháo, ngấm ngầm viết cho Viên Thiệu, giấy trắng mực đen, chứng cứ như sơn, phàm
những ai từng có thư từ đi lại với Viên Thiệu đều kinh hoàng lo lắng, suốt ngày
sống trong sợ hãi. Nhưng Tào Tháo đã hạ lệnh cho đốt hết số thư tín đó. Tào
Tháo đã giải thích: "Trong lúc Viên Thiệu còn mạnh, ngay ta cũng chưa biết
có giữ nổi mình không, trách gì mọi người!". Câu ấy lại càng được lòng người
chưa nói tới số người còn đang nghi ngờ, đắn đo chọn lựa, ngay cả những người
không dính líu gì, đều rất cảm kích trước tấm lòng khoan dung, độ lượng, cách đối
nhân xử thế của Tào Tháo.
Tào Tháo nói rất hay, tính toán thật
tinh tế. Tào Tháo hiểu rất rõ, một khi sự việc bại lộ, không phải chỉ có một
hai người bị xử lý. Vì trong tình trạng địch mạnh ta yếu, thắng thua chưa rõ,
thì ai chẳng muốn lo cho mình một đường rút? Khi đó, sô người đứng núi này
trông núi nọ không phải là ít. Đương nhiên không phải ai cũng là gián điệp cho
bên kia, chẳng qua là số đông muốn dính với cả hai bên, nhưng thế nào là dính
thế nào là không, đều chưa được phân rõ. Nhưng theo lý luận phong kiến, không
trung tức là phản nghịch. Chỉ cần có thư tín đi lại với Viên Thiệu thi dấu hiệu
nghi vấn là thông đồng với địch, có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch. Nếu
như truy cứu từng người từng người một, thì e có đến hơn nửa số người không giải
thích nổi. Đã không truy cứu được, chi bằng làm ơn làm phúc, không truy cứu nữa
là xong. Hơn nữa, làm ơn làm phải cho trót, cho đốt sạch mọi chứng cứ, mọi người
yên tâm. Như thế này thì số người có bụng dạ khác sẽ hối hận, sẽ ghi nhớ ân đức;
số người vốn trung thành, càng thêm trung thành tận tuy. Như vậy, hơn hẳn cách
lôi một đống người ra trừng trị, làm suy yếu lực lượng của chính mình.
Ở đây rõ ràng Tào Tháo thể hiện tố chất
thiên tài của nhà chính trị. Nếu nói, Tào Tháo, thể hiện sự thông thái, biết
nhìn xa của một nhà chính trị trong chuyện triệu Đổng Trác về kinh, hay lập Hợp
Phì hầu làm đế (2), thì với sự việc vừa miêu tả, Tào Tháo đã bộc lộ tính cách
anh hùng đại lược của nhà chính trị. Tào Tháo hiểu rõ, bất luận là đấu tranh
quân sự hay đấu tranh chính trị, bằng chứng quan trọng nhất là chính nghĩa, nguồn
vốn quý báu nhất là nhân tài. Muốn lôi kéo nhân tài, trước hết phải lấy chữ
thành để đãi người, thứ đến là chữ tín để có người, thứ ba là biết khoan dung.
Con người ta muốn hình muốn vẻ. Trên đời này làm gì có đội ngũ chỉ một mầu?
"Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì ai theo?", đôi
khi còn phải vờ vĩnh là hồ đồ. Có vờ hồ đồ mới khoan dung người, biết khoan
dung mới được lòng người, được lòng người mới được thiên hạ. Tào Tháo hiểu được
đạo lý đó, nên Tào Tháo mới thắng.
Viên Thiệu tầm nhìn không xa, lòng dạ
lại hẹp hòi. Trước trận chiến Quan Độ, mưu sĩ Điền Phong đã nhiều lần khuyên can,
không nên mạo muội xuất quân, Viên Thiệu đâu có nghe, còn cho nhốt Điền Phong lại.
Về sau, lức tin bại trận về đến Nghiệp thành, có người vào ngục thăm Điền Phong
và nói: "Thế này thì huynh lại được trọng dụng". Điền Phong lắc đầu
nói: "Tôi chết là cái chắc!". Quả nhiên khi về đến Nghiệp thành, Viên
Thiệu đã cho giết Điền Phong.
Rõ ràng là Điền Phong biết người biết
lòng, liệu việc như thần. Điền Phong quá rõ về con người Viên Thiệu, chí lớn
tài sơ, bảo thủ cố chấp, bề ngoài thì khoan hậu nho nhã, trong lòng thì nghi kỵ
bạc bẽo. Nếu như thắng trận, trong lòng vui vẻ, thì còn khả năng sẽ cho thả Điền
Phong, một mặt để tỏ rõ sự khoan dung đại lượng, mặt khác là tiếc thay cho vị
"giáo viên phản diện", để chứng minh là anh minh vĩ đại. Nay bại trận,
từ xấu hổ thành giận dữ, giận dữ phải trút sang cho người khác, lấy đầu người
khác để xả giận, giết người nói đúng để che giấu sai lầm của mình. Người như vậy,
còn muốn làm hoàng đế, lấy thiên hạ, chẳng phải nằm mơ giữa ban ngày sao?
--------------------------------
1 Cửu tích là chín loại vật khí đế vương làm
cho đại thần được ân sủng nhất. Vương Mãng trước lúc chiếm ngôi từng được ban cửu
tích (Tác giả).
2 Năm 188, thái thú Kỷ châu Vương Phần và một
số người khác âm mưu phế truất Linh đế, lập Hợp Phì hầu, kéo Tháo vào cuộc, Tào
Tháo nghiêm khắc cự tuyệt, về sau sự việc bại lộ, Vương Phần tự vẫn (Tác giả).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét