Thuật ngữ phổ biến
liên quan đến Kim Dung
blog Người gom lá bàng
- “Ám nhiên tiêu hồn chưởng” là
môn võ công do Dương Quá sáng tạo (tên gọi xuất phát từ câu “Ám nhiên tiêu
hồn giả, Duy biệt nhi kỳ hỷ” trong bài “Biệt phú” của Giang Yên, gồm có 17
chiêu). Khi Tiểu Long Nữ nhảy xuống vực thẳm (Tuyệt Tình cốc), Dương Quá phải
chờ đợi 16 năm trong đau khổ “tuyệt vời” và hầu như không còn hy vọng, y mới
sáng tạo ra môn võ công này mà chỉ sử dụng được khi y cảm thấy bị đau khổ,
tuyệt vọng hay vì sắp xa người yêu vĩnh viễn mà thôi.
- Càn khôn đại na di tâm pháp là môn võ công hộ giáo tối thượng của Minh giáo Trung thổ thời
Tống - Nguyên được truyền từ Minh giáo Ba Tư (I-ran ngày nay) chuyên mựợn
lực của người khác để tấn công người đó (tá lực đả lực), nó tương tự như
môn ”Đẩu chuyển tinh dời” của Mộ Dung Cô Tô phái. Môn này gồm có
7 tầng, trong đó Dương Đỉnh Thiên là Giáo chủ Ma giáo đời thứ 33 mới luyện đến
tầng thứ 4 thì bị tẩu hỏa nhập ma, Quang minh tả sứ Dương Tiêu mới luyện đến
tầng thứ 2, chỉ có Trương Vô Kỵ luyện được 7 tầng nhờ ngộ tính cao, có vốn “Cửu
dương thần công”, và đặc biệt là y không có tham vọng!
- ““Cửu âm bạch cốt trảo”: Mai Siêu Phong và người yêu là Trần Huyền Phong cùng
là đệ tử của Hoàng Dược Sư - còn được gọi là Hoàng lão tà hay Đông tà trong Võ
Lâm ngũ bá, tính tình quái dị và nổi tiếng về môn “Đàn chỉ thần công”. Hai
người đã ăn cắp môn công phu “Cửu âm bạch cốt trảo” trong bộ “Cửu âm chân
kinh” vô địch thiên hạ, là một môn võ công vô cùng độc ác, đó là thọc năm
ngón tay làm lủng sọ mà giết người. Họ đem ra hoang mạc Mông Cổ mà luyện tập.
Trần Huyền Phong chết sớm (bị Quách Tĩnh vô tình đâm chết), Mai Siêu Phong đã
dùng môn võ công đó mà “huậy” tưng bừng thiên hạ rồi sau đó cũng bị chết thảm
(vì cứu sư phụ là Hoàng Dược Sư).
- “Cửu dương thần công” và “Cửu âm chân kinh”: là 2 bộ võ công thượng thừa, “Cửu dương thần công” là một phần
của bộ Kinh Lăng Già do Đạt Ma sư tổ (!) hay một đạo gia lánh đời nào đó soạn
nên, chủ yếu là để luyện nội công, trong khi “Cửu âm chân kinh” chủ yếu là để
luyện những chiêu thức quái dị và tập hợp rất nhiều bí quyết khác (ví dụ như bí
quyết “nhiếp hồn pháp” mà Dương Quá đã sử dụng trong lúc đánh nhau với Đạt Nhỉ
Ba, bí quyết “phục hồi nội lực đã mất” mà Hồng Thất Công đã áp dụng…). Cả các
danh môn chính phái lẫn tà phái đều giành nhau bộ “Cửu âm chân kinh” mà chém
giết lẫn nhau thảm khốc, cuối cùng Tây độc Âu Dương Phong luyện thành công
nhưng bị điên. Còn “Cửu dương thần công” thì có 2 người may mắn luyện được, đó
là Giác Viễn đại sư (đắc đạo thành Phật!) và Trương Vô Kỵ mà sau này trở thành
Giáo chủ ma giáo, rồi từ bỏ chức vụ mà lấy Triệu Minh và quy ẩn giang hồ.
- Dương Quá - Tiểu Long Nữ:
Nam mấy ai mà không mê thần tượng Dương Quá, nữ mấy ai mà không
mê thần tượng Tiểu Long Nữ. Do số phận đưa đẩy mà Quá nhi, một kẻ mồ côi cha
mẹ, vô gia cư, bị các sư phụ hành hạ, ruồng bỏ và đuổi giết đến tận Cổ Mộ, tại
đây, cậu bé gặp Tiểu Long Nữ cũng mồ côi cha mẹ. Trời sinh ra nam nữ, hai con
rồng phượng đó đã yêu nhau và vượt qua rất nhiều gian khổ vì sự giới hạn của
đạo lý, vượt qua truyền thống lễ giáo hay bệnh tật thập tử nhất sinh và cuối
cùng đã được sống với nhau và trở thành đôi ”Thần điêu hiệp lữ, tuyệt
tích giang hồ”. Mối tình chung thủy, độc đáo và thần tiên của Quá Nhi và
Long cô cô đã thành nỗi thổn thức của bao nhiêu nhà thơ, nhà văn, nhà đạo diễn,
diễn viên, ca sĩ, họa sĩ và rất nhiều người ở nước ta và trên thế giới, kể cả
hàng triệu Việt kiều ở hải ngọai.
- “Đả cẩu bổng pháp” và "Giáng long thập bát chưởng”. Bang chủ Cái
bang Hồng Thất Công:
Đả cẩu bổng là cây gậy trúc “đánh
chó”, là tín vật truyền ngôi bang chủ của Cái Bang. Đả cẩu bổng pháp gồm 36
chiêu, chia theo 8 chữ khẩu quyết là buộc, đập, trói, đâm, khều, dẫn, khoá,
xoay.
Bang chủ Cái bang Hồng Thất Công - còn gọi là Bắc Cái, là một
trong “Võ lâm ngũ bá”, đã sáng lập ra Cái Bang và sáng tạo ra 2 môn võ công là “Đả
cẩu bổng pháp” và “Giáng long thập bát chưởng”. Y có tính cách “ngạo”, căm thù
cái ác, y ghét thậm tệ Tây độc Âu Dương Phong (cũng trong Võ lâm ngũ bá, nổi
tiếng với môn “Hàm mô công” hay “Cáp mô công”), thích hành hiệp trượng nghĩa,
ham uống rượu và ăn đồ ngon, và đặc biệt là không màng danh lợi.
- Điệp Cốc Y tiên Hồ Thanh Ngưu và
Vương Nạn Cô yêu nhau tha thiết ở Hồ Điệp Cốc - một khu đầy ong bướm và thơ
mộng, vì tính tự ái và háo thắng trong tình yêu, nàng đã chủ động thi thố với
chàng về tài năng giữa “độc” và “trị độc”, chiến đấu bất phân thắng bại với
chồng mình và trong lúc bị trúng kịch độc, cả hai mới phát hiện tình yêu họ là
cực đỉnh. Nhưng ngay sau đó, kẻ thù của hai người là Kim Hoa bà bà đến tầm thù
rửa hận và Trương Vô Kỵ đã mưu trí cứu hai người. Tưởng rằng hai người đã thoát
nạn, không ngờ mấy ngày sau đi ngang một khu rừng, Vô Kỵ phát hiện ra hai người
đã bị bà ta đuổi theo giết chết, mối tình của họ đã không được trọn vẹn và sau
đó hai người được chôn cùng một nấm mồ.
- Đoàn Dự - Vương Ngữ Yên:
Nói đến Đoàn Dự là không phải nói đến phép ”Lăng ba vi
bộ” và ”Lục mạch thần kiếm”. Chàng đã bao nhiêu lần từ
chối và trốn đi không chịu học võ mà say mê tìm đến chân lý của đạo Phật, hơn
nữa, bản chất của chàng là chỉ biết yêu và yêu mà thôi. Do cơ duyên đưa đẩy, vì
bị Cưu Ma Trí bắt cóc để ép bức chàng đọc lại bí kiếp đó mà chàng được gặp
Vương Ngữ Yên. Lúc đó nàng một lòng một dạ yêu Mộ Dung Phục, nhưng với tình yêu
vô cùng say đắm và hy sinh vô bờ bến của Đoàn Dự và với sự ruồng bỏ tình yêu
của Mộ Dung Phục, cuối cùng Lục mạch thần kiếm và việc tôn thờ thần tình yêu
của chàng đã hội tụ vào người đẹp Vương Ngữ Yên mà chính tình yêu đó đã làm
chàng trở nên bất tử.
- “Độc cô cửu kiếm” và ”vô
chiêu thắng hữu chiêu”:
“Độc cô cửu kiếm” do đại hiệp Độc Cô Cầu Bại sáng tạo. Lệnh Hồ Xung là người có môn “Độc cô cửu kiếm” dùng “vô chiêu thắng hữu chiêu” do Phong Thanh Dương - một tuyệt đại cao thủ phái Hoa Sơn quy ẩn giang hồ - truyền thụ. Sau đó y xui xẻo bị 7 luồng nội kích đau đớn thấu trời xanh trong một thời gian dài, nhờ có môn “Hấp tinh đại pháp” của Nhậm Ngã Hành (Giáo chủ ma giáo) mà y thoát nạn. “Độc cô cửu kiếm” đã gắn liền với tên tuổi của Lệnh Hồ ca ca - một người mê rượu, tính tình sảng khoái, trung thành với bạn bè, y yêu Nhậm Doanh Doanh sư muội là thánh nữ của Ma giáo, mà tình yêu của họ đã biến thành một thiên tình sử đầy nhạc tính và làm bao nhiêu độc giả hằng ngưỡng mộ.
- Kim Mao Sư vương Tạ Tốn bị sư phụ là Thành Khôn với ý đồ chính trị, giả say hãm hiếp vợ y, rồi giết vợ con và toàn bộ người nhà của y cả thảy là 13 người, vì thế y vô cùng đau khổ và nuôi chí phục thù. Sự đau khổ đó đã chuyển thành tiếng rống thảm thiết ”Sư tử hống”, thành môn võ tự đau khổ ”Thất thương quyền”, và đã biến thành tiếng chửi thượng đế là ”Lão tặc thiên”, tuy nhiên cuối cùng y giác ngộ và thành phật. Trong số những người đau khổ như Tạ Tốn, Dương Quá, Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung, Lý Mạc Sầu,..., thì có lẽ Tạ Tốn là một trong những điển hình cho nét đau khổ có tính bi tráng nhất và “người” nhất.
- Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh và nhạc khúc “tiếu ngạo giang
hồ:
Các tín đồ của tửu thần mấy ai mà không mê thần tượng Lệnh Hồ
Xung hay các tài nữ mấy ai mà không mê thần tượng Doanh Doanh. Vượt qua giới
hạn của chính tà, của các âm mưu hiểm độc mà hai bên là Ma giáo và Ngũ nhạc
kiếm phái cộng với một số môn phái khác đã tạo ra, vượt qua sự khác biệt về
đẳng cấp, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, với tính tình sảng khoái, khoáng đạt,
có tình có nghĩa và tiếu ngạo của chàng cộng với sự thông minh, mưu trí và tình
yêu hy sinh toàn tâm toàn ý của nàng, hai người đã có một tình yêu không thể
nào đẹp hơn - một tình yêu lấy ”tiếu ngạo giang hồ” làm nền
tảng và cũng chính nhạc khúc này là nơi mà tình yêu của hai người sẽ hội nhập
trong một cuộc sống mà bỏ mặc lại đàng sau những phù phiếm của nhân gian.
- Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông là
người có tính rất trẻ con, rất yêu thích trẻ con và vô tư vô lự. Là một người
mê võ công hơn mê gái, ông đã lang thang tìm hiểu, sáng tạo ”Không Minh
quyền” và “Song thủ hỗ bác” và học hỏi các loại võ công mới. Trong
cuộc ”Luận kiếm Hoa Sơn” lần thứ hai, vì có tài và vì tính “không”
mà y “bị” bầu vào Thiên hạ ngũ tuyệt (tương đương với Võ lâm ngũ bá).
Y có người yêu “ngoại tình” là Lưu Anh (còn gọi là Lưu quý phi) là vợ của Đoàn
Nam Đế (cũng thuộc Võ lâm ngũ bá, nổi tiếng về môn “Nhất dương chỉ”). Sự
việc đó bị phát hiện nên y sợ bỏ chạy mất, người đẹp này phải đuổi theo y mấy
mươi năm. Nhưng cuối cùng, với tình yêu không bao giờ tan và sự quyết tâm theo
đuổi tình yêu của nàng, ông ta cũng quay lại với tình yêu của mình, cặp tình
nhân già này sau đó sống ẩn cư làm nghề nuôi ong và sống một cuộc đời an nhàn
hạnh phúc.
- Quách Tĩnh - Hoàng Dung:
Quách Tĩnh là người trung thực và nghĩa khí (thường xuyên bênh
vực kẻ yếu), bảo vệ thành Tương Dương, là bạn vô cùng thân thiết với người Mông
Cổ, không muốn người Mông Cổ xâm lấn đất đai của người Tống, và lại càng không
muốn có cuộc chiến tranh của 2 dân tộc “Tống - Mông” nên chàng đã lẳng lặng rời
khỏi Thành Cát Tư Hãn.
Hoàng Dung theo truyền thuyết là người phụ nữ rất xinh đẹp, đặc
biệt là thông minh nhất thế gian. Nàng là là con gái của Hoàng Dược Sư và người
yêu của Quách Tĩnh. Cặp rồng - phụng này rất yêu và hợp với nhau, đã cùng đoàn
kết các anh hùng hảo hán thiên hạ chống quân Mông Cổ ở thành Tương Dương. Hồng
Thất Công, trong lúc bị kẹt thế vì bị cha con Âu Dương Phong uy hiếp, đã truyền
ngôi bang chủ Cái Bang cho Hoàng Dung, và dĩ nhiên Đả cẩu bổng cũng thuộc về
tay nàng. Quách Tĩnh và Hoàng Dung sau này bị tuẩn nạn trong việc bảo vệ thành
Tương Dương.
- Thạch Phá Thiên và “Hiệp khách hành”: Trong truyện “Hiệp khách hành”, A Tú là con của Bạch Vạn
Kiếm - chưởng môn phái Tuyết Sơn. Cô bị Thạch Trung Ngọc là một tên bại hoại toan
hại cuộc đời nhưng không được. Thạch phá Thiên là chính nhân quân tử, giống
Thạch trung Ngọc nên ai cũng cho chàng là dâm tặc, chỉ có A Tú mới phân biệt ai
là Thiên ai là Ngọc (kể cả Mẫn Nhu là mẹ Thạch Phá Thiên cũng lầm). A Tú tiễn
Thach phá Thiên ra biển luyện môn võ Hiếp Khách Hành và nếu Thiên không luyện
được, cô sẽ nhảy xuống biển tự sát. May mà Thiên luyện được trở về khi A Tú sắp
nhảy xuống biển… Điều quan trọng là Kim Dung đã xây dựng nên một nhân vật có vẻ
khờ khạo, không biết đọc biết viết, mà lại giác ngộ được chân lý của võ học
(huyền vi của vũ trụ).
- Thái cực quyền do Trương
Tam Phong sáng tạo, là môn võ mềm mại nhưng hàm chứa bên trong kình
lực kinh người, là đại diện xuất sắc nhất trong lịch sử về lối ”dùng
nhu thắng cương”. Trương lão không quan tâm đến đàn bà, thời trẻ chỉ quen
biết Quách Tương nữ hiệp (con của Quách Tĩnh, người sáng lập ra phái Nga Mi và
mấy đời sau truyền đến Diệt Tuyệt sư thái rồi đến Chu Chỉ Nhược). Trong kênh
truyền hình HBO mới đây, phim “The Karatedo Kid” đã mô tả một cậu bé vận dụng
Thái cực quyền như thế nào để thắng các đối thủ có võ công thiên về sức mạnh
khác.
- Thần tiên tỉ tỉ: Đoàn Dự khi rơi
xuống núi, lạc vào một cái hang động thấy một bức tượng ngọc thạch (có thân
hình) đẹp vô cùng, y mới quỳ xuống vái lạy (sắc đẹp) và đặt tên là “thần tiên
tỉ tỉ”. Sau này, y gặp Vương Ngữ Yên (hay Vương Ngọc Yến) đẹp tuyệt vời và
giống thần tiên tỉ tỉ như đúc, nàng chính là cháu của người đẹp đã chết mà được
khắc thành bức tượng nói trên. Y sử dụng thuần thục phép “Lăng ba vi bộ” và chỉ
sử dụng được môn “Lục mạch thần kiếm” đột xuất khi sợ hãi hay để cứu người “ẹp”
thôi. Sau một thời gian dài theo đuổi hầu như vô vọng, cuối cùng Đoàn Dự đã “ẳm”
được người đẹp. Để tìm được một người đóng vai người đẹp giống thần tiên tỉ tỉ
như vậy, sau này người ta chọn được Lưu Diệc Phi (phim Thiên Long bát bộ).
- Tía Sam Long Vương Đại Ỷ Ty (“tía” hay “tử” đều là từ chỉ màu tím) là một trong tứ Đại
hộ giáo pháp vương của Minh giáo Trung Thổ, còn có 3 nhân vật nữa là Kim Mao Sư
Vương Tạ Tốn, Bạch Mi Ưng Vương Hân Thiên Chính và Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất
Tiếu. Nàng là thiên hạ đệ nhất mỹ nhân thời đó nhưng chưa hề có rung động
với bất cứ một chàng trai nào, có một lần, nàng thay mặt cha nuôi là Giáo chủ
Ma giáo Dương Phá Thiên quyết chiến sinh tử với Hàn Thiên Diệp ở Bích Thủy Hàn
Đàm, sau trận chiến đó anh ta bị thương nặng, đồng thời nàng do ngưỡng mộ tính
hiếu nghĩa và dũng cảm không sợ chết của chàng mà phát sinh tình yêu. Vượt qua
rào cản của giáo quy, Đại Ỷ Ty đã rời bỏ Ma giáo để đến với tình yêu của mình.
Qua nhịp đập của trái tim, tình yêu là chất thuốc diệu kỳ mà nó có khả năng
biến thù thành bạn hay hóa giải hận thù của hai phái đối lập.
- “Tịch tà kiếm phổ” và “Quỳ hoa bảo điển”: ”Tịch tà kiếm phổ” được giang hồ “đồn” là tuyệt học võ công vô
địch thiên hạ, gồm 72 chiêu kiếm, xuất chiêu nhanh như tia chớp, nhưng muốn
luyện thì phải tự cung (tự thiến). Môn võ công này xuất phát từ họ Lâm ở Phúc
Kiến, vì nó mà Ngũ nhạc kiếm phái tranh giành chém giết lẫn nhau tàn khốc, Nhạc
Bất Quần (chưởng môn phái Hoa Sơn) cướp được trước, rồi Lâm Bình Chi (hậu duệ
của dòng họ Lâm) đã lần lượt tự thiến để học môn này và hoành hành thiên hạ
được một thời gian và sau đó đều bị chết thảm. “Tịch tà kiếm phổ”, có cùng một
bản chất với “Quỳ Hoa bảo điển”, do hai vợ chồng sáng tạo nên, chồng họ Hoa, vợ
họ Quỳ. Trước Nhạc Bất Quần, người luyện thành công tuyệt học này là Giáo chủ
ma giáo Đông Phương Bất Bại, y bị biến thành kẻ đồng tính và cuối cùng cũng bị
chết thảm.
- Tiêu Phong (hay Kiều
Phong):
Tiêu Phong sinh ra ở nước Liêu, lúc còn “oa oa” thì cả
dòng họ bị chết thảm một cách oan ức, sau đó y sống ở nước Tống, rồi làm bang
chủ Cái bang, rất rành 2 môn võ công là “Đả cẩu bổng pháp” và “Giáng Long thập
bát chưởng”. Y là bạn kết nghĩa của Đoàn Dự (đã nói ở trên) và Hư Trúc. Cuộc
đời y có hai người phụ nữ, đó là A Châu - người mà đã yêu y mà y không hề chiếm
đoạt và người thứ hai là Mã phu nhân - người đã yêu y mà không hề được y để mắt
đến, nên đã hãm hại y đến tận cùng bằng số.
Tiêu Phong là một hình tượng cao cả, tốt đẹp, phức tạp và bi
tráng, là hình tượng của khát vọng tự do, là hình tượng của “trái tim Bồ Tát”,
và đặc biệt là hình tượng có một không hai của người Trung Quốc. Tiêu
Phong, một con người bình thường lại rất “người”, tâm hồn khoáng đạt và bình
đẳng của y hiển hiện hiên ngang trước hai vầng nhật nguyệt. Tiêu Phong, là
kẻ không màng danh lợi, trước đây, vì không muốn sinh linh đồ thán, đã hy sinh
thân mình để đảm bảo một nền hòa bình cho 2 dân tộc “Liêu -Tống”. Y yêu dân tộc
của A-cốt-đả anh em. Y yêu A Châu nhưng không hề có ý muốn chiếm hữu cô ấy làm
của riêng mình. Tiêu Phong là người tốt nhất thế gian, nhưng loài người vì
danh lợi và không hiểu y mà đã “đì” y từ voi xuống chó, xuống chỗ tận cùng đến
nỗi y không còn lối thoát nào ngoài cái chết để đạt được “khát vọng của tự do”.
Chữ “chân, thiện, mỹ” nên đặt vào một con người như Tiêu Phong,
một kẻ thật sự xứng danh là anh hùng cái thế, một cái ngưỡng rất “người” mà khó
có ai có thể vượt qua ngưỡng ấy, một anh hùng mà khó có thể có ai anh hùng hơn,
một tình yêu nhân loại cao cả mà khó có tình yêu nào cao cả hơn, và một con
người nếu mà ta không yêu y thì có lẽ không còn ai để yêu nữa. Đặc biệt, tính
cách cao cả và tình yêu con người của y hầu như bao gồm hết tinh túy của những
cao cả và tình yêu mà nhân loại có thể có được. Không tồn tại sự phân biệt
chủng tộc hay chúng sinh trong tâm hồn của y. Sự kết thúc của chàng để đạt được
khát vọng của tự do đến nay vẫn chưa có bút mực nào có thể tả xiết.
- Tiểu Long Nữ còn được Quá nhi
gọi là “Long cô cô” - là người yêu của Dương Quá và lớn hơn y khoảng 4-5 tuổi.
Tiểu Long Nữ gần như suốt đời sống trong “Cổ mộ” ở sau núi Chung Nam là nơi tọa
lạc của phái Toàn Chân. Cô ấy chỉ ăn mật ong mà sống, người ngọc khiết băng
thanh, thường mặc y phục toàn trắng với khuôn mặt và hình dáng giống như thiên
thần, không biết vàng bạc hay Minh chủ võ lâm là gì, đặc biệt là trước khi yêu
Dương Quá, cô ấy không biết tình yêu nam nữ. Vì cô ấy thánh thiện như vậy nên
mãi về sau người ta mới tìm được một người có khuôn mặt và thân hình như vậy để
đóng vai Tiểu Long nữ trong phim “Thần điêu đại hiệp”, đó là Lưu Diệc Phi.
- Tiểu Siêu là con gái của
Tía Sam Long Vương, nàng được mẹ giao nhiệm vụ làm điệp viên đột nhập vào Quang
Minh Đỉnh để đánh cắp bí kiếp “Càn khôn đại na di tâm pháp” xuất phát từ Minh
giáo Ba Tư mà bị thất lạc vào Trung Nguyên đã lâu. Nàng vốn có bản chất cực kỳ
hiền dịu, Vô Kỵ được gặp nàng trong một lần rượt theo Thành Khôn (sư
phụ “đẻo” của Tạ Tốn), do tính tốt bụng của chàng, nàng đã thầm yêu và đã hết
lòng giúp chàng luyện thành môn thần công hộ giáo này. Còn bí kiếp đó thì nàng
đã không đánh cắp mà toàn tâm toàn ý tặng cho chàng, sau này chàng trở thành
Giáo chủ Minh giáo…. Nhưng cuối cùng, Tiểu Siêu phải hy sinh và vĩnh biệt tình
yêu với Vô Kỵ cho một tình yêu khác lớn hơn, đó là tình yêu đối với tuyệt đại
đa số người đời đau khổ hoạn nạn trên thế gian này.
- Trương Vô Kỵ - Triệu Minh:
Kim Dung rất thành công khi xây dựng nên nhân vật Trương Vô Kỵ,
một người không kỵ ai, một con người có khả năng hòa giải các thái cực khác
nhau, một con người mà phải có tính vô kỵ đó mới hóa giải cho con dơi độc Vi
Nhất Tiếu thành người (hay hóa giải được võ công siêu phàm của Độ Ách - Độ Nạn
- Độ Kiếp hay của Huyền Minh nhị lão). Y là một con người không quan tâm
đến không thời gian, không màng đến anh hùng thiên hạ vô địch, Giáo chủ Ma
giáo hay Minh chủ võ lâm hay không đòi hỏi một tình yêu màu hồng và bất
tử. Thế mà do cơ duyên, chàng đã có danh vọng, địa vị, trí tuệ và tình yêu.
Việc chàng được phái nữ yêu quý và cuối cùng có được người đẹp Triệu Minh, được
các người Ma giáo nói rằng chàng đã khéo vận dụng bí quyết “Càn khôn đại na di”
vào tình yêu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét