Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Linh tinh về Khương Văn

 

Khương Văn

Đầu trâu mặt ngựa

Linh tinh về Khương Văn

Văn Để lý giải một con người, tôi viết bài viết nhỏ này. Nhưng qua thực tế đã chứng minh rằng, để lý giải một con người một cách cặn kẽ thì so với việc tự nắm tóc rồi nhấc thân thể mình lên khỏi mặt đất còn khó hơn gấp nhiều lần. Con người lúc nào cũng đứng ở một góc độ riêng, dùng tư tưởng, cách nhìn riêng để suy đoán tâm lý của người khác, từ đó mà rút ra những kết luận, tất nhiên những kết luận này cũng chỉ mang màu sắc cá nhân. Cũng có thể có những người cá biệt trong một hoàn cảnh cá biệt lý giải một cách chuẩn xác những hoạt động tinh thần của người khác trong một thời kỳ nhất định nào đó. Hoàn cảnh cá biệt này có được chẳng qua là do Thượng đế ân sủng mà ban cho, ngàn năm có một.

Tôi khó có thể nhận được sự ân sủng của Thượng đế, đặc biệt là khi đối diện với một con người đã từng nhận được sự ân sủng của Thượng đế.

Cách biểu thị sự ân sủng của Thượng đế đối với con người này thoạt trông thì không bình thường nhưng cũng lại rất bình thường. Có lúc Thượng đế giơ cao đôi giày da nện vào tinh thần anh ta; cũng có khi Thượng đế ban cho vài gói kẹo để an ủi linh hồn anh ta. Yêu và hận giao thoa, ân tình và uy quyền đồng hành, quát mắng và khuyên nhủ, tàn khốc và mềm mỏng… hai thái cực của sự đối lập dung nhập thành một thể thống nhất trông chẳng khác nào một đồng xu kẽm trong con người anh ta.

Chúng tôi chỉ có thể dựa vào những suy đoán của mình để biết được khuôn mặt thời niên thiếu của một ngôi sao điện ảnh, mà thanh danh của anh ta đang làm chấn động thế giới điện ảnh không chỉ trong phạm vi Trung Quốc, mà cả nước ngoài. Trong những năm sáu mươi, thời của cái đói triền miên bám đuổi con người, khuôn mặt của những đứa trẻ sơ sinh tuyệt đại bộ phận đều giống mặt những con mèo rách, trên cái mặt vừa gẫy vừa dài ấy lại cắm một đôi vành tai to tướng… Đại khái đó là những nét phác họa về khuôn mặt thời niên thiếu của ngôi sao điện ảnh đương đại. Tôi chưa hề có cuộc gặp gỡ chính thức nào với Khương Văn, thậm chí cũng không biết một cách chính xác là anh ta sinh năm sáu ba hay sáu tư, chỉ nhớ một cách mang máng rằng anh ta đã từng nói có ông bố là một quân nhân. Anh ta sinh ra ở Đường Sơn, sau đó thì theo bố bôn ba trên khắp các vùng nam bắc. Tôi cũng không biết ông bố của con người này cũng giống như những ông bố của những thiên tài khác, đã dùng hết tâm lực và học vấn của mình để hướng đạo cho con đi theo con đường xán lạn huy hoàng hay không nữa, chỉ nghe nói rằng mẹ anh ta là một người phụ nữ vô cùng mẫn tiệp, nhìn đời nhìn người rất sắc sảo và sâu sắc. Con trai thường học được ở mẹ nhiều điều, không còn nghi ngờ gì nữa, anh ta đã kế thừa được ở mẹ sự mẫn cảm và năng động, nhưng không hề kế thừa cảm giác về sự bé nhỏ của thân phận. Về cơ bản, cảm giác về mọi thứ của anh ta là rất hùng tráng, hào phóng và đầy màu sắc. Con người này già trước tuổi, khi những đứa con trai cùng thời với anh ta vẫn còn đang ngồi run rẩy trong những lời quát mắng của các cô bảo mẫu trong nhà mẫu giáo, thì anh ta đã dựa vào mấy chữ đại tự cứng đơ và thô như que củi đường hoàng bước chân qua ngưỡng cửa tiểu học để vào lớp một. Đó là năm chữ đại tự đã và đang thường xuyên thoát ra từ miệng của một dân tộc đông dân nhất trên thế giới: Mao Chủ tịch vạn tuế! Đến nay anh ta vẫn còn giữ được tấm ảnh mà anh ta cho là quý giá nhất trong đoạn đời đã qua của mình. Lúc ấy anh ta đang ở Đường Sơn, sau đó thì về Bắc Kinh, tiếp theo là đến Quý Châu rồi còn đi đâu nữa thì tôi không thể biết được. Anh ta tự nhận rằng khi đang mài đũng quần trên ghế của trường trung học, anh ta là đại biểu ưu tú nhất của lớp trong môn Anh văn, bây giờ cái vốn Anh văn bập bẹ của anh ta phần lớn là học được từ thuở ấy. Không cần phải tìm hiểu làm gì về khả năng diễn xuất của anh ta, bởi nó đã hình thành từ thời niên thiếu. Nói chung, đa số những con người sinh ra trong thời ấy đều có ít nhiều biểu diễn tiết mục này tiết mục nọ trên sân khấu tiểu học trung học, đương nhiên anh ta càng không phải là một ngoại lệ. Khả năng đọc thuộc lòng có quan hệ mật thiết với chuyện anh ta đi học trước tuổi, nếu không như thế làm sao tồn tại và cạnh tranh được khi mà anh ta luôn luôn và lúc nào cũng là học sinh nhỏ người nhỏ tuổi nhất lớp, ngay cả cho đến bây giờ thì anh ta vẫn tỏ ra lão luyện, một sự lão luyện không tương xứng lắm với tuổi tác. Sau đó thì anh ta thi đỗ vào Học viện Kịch nghệ Trung ương, trong kỳ thi tốt nghiệp, anh ta cùng với một số bạn trong lớp hợp sức xây dựng một vở kịch nói. Tôi chỉ nhớ là anh ta đã nói là có tạp chí đăng ảnh của anh ta, lại còn giữ được băng ghi hình trong lúc ấy nhưng tôi chưa hề xem qua. Tôi vẫn tin tưởng rằng rồi sẽ có một ngày có ai đó quan tâm điều tra một cách nghiêm túc về thời kỳ niên thiếu của anh ta, lúc ấy ắt sẽ có những chuyện ly kỳ hấp dẫn, ắt sẽ có những tình tiết có ý nghĩa tượng trưng được trình bày trong truyện ký về anh ta hoặc tự truyện của anh ta, có lẽ đến lúc ấy tôi cũng có thể xem được.

Lần đầu tiên tôi biết đến gương mặt “nghiêm trang như một pháp quan” của Khương Văn là ở ngay trên quê hương tôi - nhà khách của Ủy ban chính quyền huyện Cao Mật. Đó là mùa hè năm 1987, Trương Nghệ Mưu dẫn đoàn làm phim về đây để đóng bộ phim “Cửu cửu thanh sát khẩu” (sau này đổi tên thành “Cao lương đỏ”).

Hình như chúng tôi đã có bắt tay nhau trong hành lang, một cái bắt tay không mấy nhiệt tình. Sau đó mấy ngày thì Trương Nghệ Mưu, Khương Văn, Củng Lợi cùng mấy người nữa về thăm nhà tôi ở Đông Bắc. Ngày ấy Khương Văn mặc áo cộc tay, một chiếc quần rộng thùng thình, một chiếc thắt lưng màu đỏ và một đôi giày rách đến thảm hại, còn đầu tóc tất nhiên là trọc lóc, da đen nhẻm. Hình ảnh này hoàn toàn khác với một Khương Văn trong “Thị trấn Phù Dung”: mái tóc rẽ ngôi rất thẳng, tay cầm gậy chỉ huy dàn đồng ca… trong bữa ăn trưa thì bỏ rất nhiều trứng vào bánh cuốn. Sức ăn của Khương Văn rất tốt, trông chẳng khác nào Phàn Khoái trong Hồng môn yến.

Em họ tôi trông thấy hỏi thầm:

- Anh à, phiếu lương thực hàng tháng đủ cho anh ta ăn không nhỉ?

Ăn cơm xong, anh ta lại đá vỡ phích đựng nước sôi, mảnh thủy tinh bắn đầy lên quần áo anh ta. Tôi cho đó là điềm lành nên nói:

- Quá tốt! Đó là báo hiệu phim của chúng ta sẽ là một quả bom nổ tung trong đờisống điện ảnh tương lai.

Anh ta ra sân bậm môi trợn mắt phủi những mảnh thủy tinh vương trên áo quần.

Tôi không kể chuyện cái phích nước nữa, bây giờ tôi nói về chuyện “trả nợ”.

Sau đó mấy năm, tôi gặp lại Khương Văn. Lúc này anh ta không còn là Khương Văn của thời kỳ ăn bánh cuốn nữa, không nói về sự biến đổi ngoại hình, tôi chỉ quan tâm đến sự rộng rãi của một con người sau khi đã thành danh, cũng như sự tự tin vào tài năng của chính mình ở anh ta. Qua mấy lần ăn uống cùng nhau nhưng anh ta không hề cho tôi có cơ hội thanh toán khiến tôi thầm nể phục vì sự hào phóng, và qua đó chúng tôi trở nên thân thiết hơn. Không thể nói là tôi đã hiểu anh ta hoàn toàn nhưng tôi cũng cảm nhận được sự tuyệt vời ở anh ta, đương nhiên tuyệt vời nhất vẫn là những vai diễn. Khương Văn trong cuộc đời như thế nào không phải là quan trọng lắm đối với người xem, vấn đề quan trọng là anh ta diễn như thế nào trong phim và trên sân khấu.

1. Cho dù Khương Văn rất thành công trong những vai diễn của mình trên sân khấu kịch nói Trung ương hay trong những bộ phim với một phong cách rất riêng, nhưng căn cứ vào truyền thống kịch nói Trung Quốc, chúng ta có thể thấy vai diễn của Khương Văn trên sân khấu có đôi chút khoa trương, có thể nói là “quá máu lửa”. Và anh ta đã đưa cách diễn ấy vào trong điện ảnh khiến người xem có cảm giác là không được hài hòa cho lắm.

2. Chọn Khương Văn đóng vai Phổ Nghi trong “Hoàng hậu cuối cùng” là một chọn lựa rất sáng suốt của đạo diễn. Có lẽ ngoại hình của Khương Văn rất giống Phổ Nghi là nguyên nhân đầu tiên để đạo diễn chú ý đến Khương Văn, nhưng chắc chắn đó không phải là nguyên nhân chủ yếu. Tên của bộ phim này khiến người ta nghĩ nó chủ yếu nói về nữ giới, nhưng sự thật là sau khi xem phim, do Khương Văn diễn quá xuất sắc nên chúng ta có cảm giác là nó chẳng thiên về nữ giới mà cũng chẳng ngã về nam giới, cán cân giữa hai lực lượng này là thăng bằng. Khương Văn đã diễn rất thành công vai vị hoàng đế cuối cùng - trang điểm lòe loẹt trông chẳng khác nào một con khỉ làm trò trên sân khấu cuộc đời. Sự thật lịch sử khẳng định, Phổ Nghi không phải là con người như trong vai diễn của Khương Văn, nhưng đừng quá quan tâm về chuyện ấy. Nếu có ai đó đã từng gặp mặt Phổ Nghi, đã từng biết Phổ Nghi sinh hoạt như thế nào trong cuộc sống đời thường, xem qua vai diễn của Khương Văn mà nhận ra đó là một góc của Phổ Nghi đã là một thành công. Tất nhiên đây chỉ là vai diễn mô phỏng mà chưa phải là sáng tạo, nhưng mô phỏng cũng là một cảnh giới nghệ thuật. Nghe đâu rằng, diện mạo của diễn viên đã đóng vai Lênin trong thời kỳ Liên bang Xô viết không giống Lênin, nhưng khi ông ta chống nạnh và ngẩng cao đầu đi trong hành lang của xưởng phim Matxcơva thì đạo diễn vỗ tay nói: Đây chính là Lênin! Tinh thần của Lênin đã xuyên thấu những bức tường và hiển hiện ở khắp đường phố Matxcơva. Như vậy, vai diễn này chủ yếu khai thác nhân vật về mặt tinh thần. Điều này không thể không khiến tôi cảm thấy tiếc nuối, trong những bộ phim đồ sộ của Trung Quốc những năm gần đây, diễn viên chúng ta đã quá lãng phí để chạy đua theo dung mạo và trang sức vẻ ngoài mà quên biểu hiện tinh thần của nhân vật, cũng quên mất dùng tình cảm và khí chất của mình để làm chủ vai diễn trong phim. Đương nhiên chuyện này cũng gặp không ít khó khăn. Giống hay không giống là cách nhìn nhận riêng của người xem, nhưng nhìn chung một diễn viên tài năng có thể làm cho cách nhìn nhận của người xem thay đổi. Chúng ta đã xem quá nhiều những vai diễn như những ngẫu tượng, diễn viên lúc nào cũng khoác cho mình bộ mặt của vĩ nhân nhưng tứ chi thì cứng đơ, thừa thãi. Đó là sự coi thường cười cợt người xem, cũng chính là sự thiếu tôn trọng đối với những vĩ nhân. Chẳng hạn, một diễn viên sắm vai Mao Trạch Đông, dung mạo chỉ cần na ná là được, điều cốt yếu là phải biểu hiện cho được khí chất anh hùng, tinh thần lãng mạn trong con người ông, đặc biệt là phải không còn dấu vết của bối cảnh phim mà phải tự nhiên như khi ông đang đi dạo phố. Thông qua hóa trang, Khương Văn cũng có thể sắm vai Mao Trạch Đông, tôi tin tưởng rằng đây sẽ là một Mao Trạch Đông bằng xương bằng thịt. Khương Văn và con người vĩ đại đang yên nghỉ trong chiếc quan tài bằng kính ấy có chỗ giống nhưng cũng có chỗ khác nhau, nhưng tôi tin rằng anh ta sẽ để lại ấn tượng chưa từng có đối với độc giả về hình tượng Mao Trạch Đông. Tôi đã ba lần viết về những suy nghĩ dưới đây của mình, đây là lần thứ tư: Giả sử tôi là đạo diễn, tôi sẽ đưa sự kiện Mao Trạch Đông vừa cởi áo bông bắt rận vừa bàn chuyện thế giới với phóng viên Mỹ ở trong hang động Diên An năm ấy lên phim. Đây chính là bản sắc của một đại anh hùng, là phong độ của một đại danh sĩ. Nếu Mao Trạch Đông mà giống như trên màn ảnh hiện đại thì vô vị quá. Tôi nghĩ, rồi sẽ có một ngày ai đó sẽ tái hiện tình tiết hết sức thú vị này trong phim.

Tôi đã từng bàn với Khương Văn về vai diễn Hạng Vũ và Hán Cao Tổ Lưu Bang, Khương Văn bảo anh ta có thể diễn cả hai vai này, anh ta sẽ dùng tinh thần để diễn Hạng Vũ và dùng kỹ xảo để diễn Lưu Bang. Thật tuyệt vời! Sự tự tin của Khương Văn khiến tôi phấn chấn vô cùng. Đương nhiên, sắm vai Hạng Vũ hay Lưu Bang đơn giản hơn nhiều so với vai Mao Trạch Đông, nhưng vấn đề “dùng tinh thần để diễn” cũng là điều đáng để mọi diễn viên suy nghĩ và tham khảo.


Khương Văn trong phim “Hoàng hậu cuối cùng” vai Phô Nghi

Quả thật, trong “Hoàng hậu cuối cùng”, vai diễn của Khương Văn chính là biểu hiện kiểu diễn tinh thần áp chế ngoại hình. Nên có hàng nghìn Phổ Nghi; Phổ Nghi của Khương Văn chính là một vị Hoàng đế dùng tinh thần của Khương Văn để thống trị. Vì đây là một trong những vai diễn đầu tiên nên vị Hoàng đế này vẫn thấp thoáng chút ít tinh thần Khương Văn. Cảnh Phổ Nghi mặc quân phục làm ra vẻ oai vệ đi giữa hai hàng lính khiến tôi liên tưởng đến một tiểu tướng Hồng vệ binh thời Cách mạng văn hóa dương dương tự đắc đi giữa phố phường. Khi Phổ Nghi hành hạ Uyển Dung, tôi cũng liên tưởng đến cảnh Hồng vệ binh tổ chức phê đấu những kẻ theo đòi tư sản. Tôi cho rằng trong bộ phim này, Khương Văn đã dựa rất nhiều vào những trải nghiệm trong thời niên thiếu, những trải nghiệm này thuộc về cá nhân anh ta, đương nhiên nó rất mới mẻ. Những thể nghiệm mới mẻ có sắc thái cá nhân này như một dòng máu nóng ào ạt chảy vào trong vai diễn, dung hòa vào tư tưởng của vai diễn vốn bị giới hạn bởi kịch bản, như vẽ rồng điểm mắt, vai diễn trở nên có hồn hơn, chân thực hơn. Nhưng chỉ đơn thuần dựa vào những trải nghiệm cá nhân là vẫn chưa đủ - Đây chính là chỗ khiếm khuyết nhất của những diễn viên hạng hai.

3. Tạ Tấn tiên sinh đã chọn Khương Văn đóng vai gã điên họ Tần trong “Thị trấn Phù Dung” là một thành công nhưng đồng thời cũng là một thất bại. Những biểu hiện đột xuất của Khương Văn trong “Thị trấn Phù Dung” là nhân tố quan trọng nhất làm thành những thành công nhưng cũng chính những biểu hiện quá đột xuất của anh ta lại tạo nên sự không hài hòa trong toàn bộ bộ phim. Đâu đó trong bộ phim có cảm giác cười cợt cuộc đời, lại pha chút tự trào. Cảm giác này là của các bộ phim có nội dung hiện đại, không hoàn toàn phù hợp với phim cổ điển, truyền thống theo chủ nghĩa hiện thực nghiêm khắc. “Nữ quân nhân đỏ”, “Truyền kỳ núi Thiên Vân”, “Vòng hoa dưới chân núi Cao Sơn”… không có kiểu cảm giác này. Trong những bộ phim này chỉ có thù hận và tình yêu, tất cả diễn viên đều tuân phục những yêu cầu của đạo diễn họ Tạ để điều tiết tình cảm của mình, trước tiên là nghiến răng mím lợi, sau là nước mắt lưng tròng. Nghiến răng mím lợi và nước mắt lưng tròng là sản phẩm của tình cảm bị xao động, đều là những biểu hiện của sự không bình tĩnh, mà sự không bình tĩnh là kẻ địch đáng sợ nhất của tư tưởng. Tôi không cho rằng tình cảm bị xao động là không nghệ thuật, là không hiện đại; nhưng tình cảm bị xao động không thể trở thành tiêu chuẩn duy nhất và cuối cùng để bình giá nghệ thuật. Trong giới văn học cũng có nhiều bậc đại gia phạm phải sai lầm này. Trong rất nhiều cuộc thảo luận về văn học tôi đã từng nghe rất nhiều bậc đại gia nói rằng, tác phẩm này cực tốt, bởi khi tôi đọc nó thì nước mắt tôi rơi lã chã! Khiến người ta chảy nước mắt có nhất định phải là một tác phẩm tốt hay không? Không nhất định phải như vậy. Thấy chuyện bất bình thì nghiến răng mím lợi, vì đồng tình mà rơi nước mắt là sự phản ánh những tình cảm bình thường, nhà nghệ thuật có cần biểu hiện tình cảm cao cấp hơn một tí hay không? Tôi cảm thấy đó là điều rất cần thiết.

Khương Văn không hề biến gã điên họ Tần thành một thứ dầu Vạn Kim trong mắt của người xem nhưng anh ta đã thể hiện một gã điên vô cùng tuyệt vời trong phim. Chỉ cần trường đoạn gã điên quét đường phố là Khương Văn đã thể hiện được tính cách cơ bản của nhân vật này - những động tác quét như múa của gã điên hô ứng với những điệu múa trong phần đầu bộ phim - khi chỉ huy dàn đồng ca, hình như chủ đề được lặp lại nhưng có biến tấu. Một vài chi tiết nữa cũng rất đáng để ý: gởi đơn xin kết hôn, nén mình vào hắc bang. Đương nhiên, những chi tiết này có thể có căn cứ từ trong nguyên tác, nhưng giả sử không có Khương Văn biểu hiện một cách vô cùng sinh động, những tình tiết ấy chỉ có thể truyền cho người xem một cảm giác nặng nề và ngưng trệ mà thôi. Những cảm xúc rất thanh thoát trong “Thị trấn Phù Dung” phần lớn dựa vào tài năng của Khương Văn.

Nếu bảo rằng nghệ thuật biểu hiện của Khương Văn trong “Hoàng hậu cuối cùng” phần lớn là dựa vào những cảm thụ tự thân từ thuở thanh thiếu niên thì trong “Thị trấn Phù Dung”, Khương Văn đã nhập thân vào vai diễn gã điên họ Tần không chỉ từ những cảm thụ tự thân đơn giản ấy mà tiếp thu từ nhiều nguồn mạch khác nhau. Đây là một sự nhảy vọt trong nghệ thuật diễn xuất của anh ta. Mỗi người có một năng lực chiếm lĩnh cảm giác của người khác và rõ ràng Khương Văn là một cao thủ trong vấn đề này. Anh ta rất nhanh chóng đem huyết dịch của người khác biến thành huyết dịch của chính mình, lấy cảm giác của người khác biến thành cảm giác của chính mình. Quá trình chuyển hóa này dựa vào sự lý giải của anh ta về con người và cuộc sống. Năng lực này thì ai ai cũng có, nhưng trình độ tất nhiên không đều. Đây chính là sự khu biệt giữa một diễn viên thiên tài và một diễn viên bình thường, đương nhiên cũng là điểm khu biệt giữa một nghệ thuật gia ưu tú và một nghệ thuật gia bình thường.

Có một điểm rất thú vị nữa là, đến cuối bộ phim, khi gã điên họ Tần đi lao động cải tạo về đến bến đò thì tương ngộ với Lý Quốc Hương. Khương Văn diễn xuất đoạn này có vẻ rất hồn hậu khoan dung. Lúc ấy, những cảm giác trẻ thơ đã mất, chú chim sẻ nhanh nhẹn đã biến thành một con chim ưng gãy cánh. Sức mạnh tiềm tàng trong cơ thể anh ta, cho dù anh ta không hề hé răng nói lấy nửa lời, im lặng như trái đất, trên mặt đất không thấy gì cả nhưng trong lòng đất vẫn có những dòng nham thạch đang âm thầm chuyển lưu.

“Thị trấn Phù Dung” tiết kiệm khá nhiều nước mắt nhưng lại lãng phí không biết bao nhiêu là não tủy của người xem. Đây chính là một thành công ngoài dự kiến của Tạ tiên sinh.

4. Cho dù những người có quyền chức có thừa nhận hay không thì “Cao lương đỏ” vẫn cứ là một cột mốc huy hoàng đánh dấu sự phát triển của lịch sử điện ảnh Trung Quốc. Nó là sự tổng kết những nỗ lực của thế hệ đạo diễn điện ảnh thứ năm và cũng là của một thế hệ diễn viên mới, là thành quả của một bộ phận trong đội ngũ những người làm phim đông đảo bắt đầu ly khai con đường làm phim truyền thống để tiếp cận với điện ảnh thế giới. Việc nhận được giải thưởng quốc tế tuy không hoàn toàn chứng minh được rằng, “Cao lương đỏ” đã đạt đến đẳng cấp quốc tế, nhưng chí ít nó cũng là một sự chứng minh cho con đường hội nhập của điện ảnh Trung Quốc vào tiến trình chung của điện ảnh quốc tế. Trong đội xung kích do Trương Nghệ Mưu xuất lĩnh ấy, đương nhiên Khương Văn là đại tướng tiên phong. Từ xưa đến nay ở Trung Quốc chưa có bộ phim nào nhận được sự tán dương cũng như những lời bình luận đủ sắc màu như “Cao lương đỏ”. Việc đã qua mấy năm, nhìn lại mới thấy rằng những lời tán dương và phê bình ấy có phần hơi quá lời, là sản phẩm của một kiểu phê bình thiếu bình tĩnh của một thời.


Khương Văn đóng bộ phim Cao lương đỏ

Lời phê bình của những người này là rất thiếu thuyết phục. Họ vẫn tiếp tục đi theo con đường phê bình “vũ huấn”, lời lời có dẫn chứng, có chứng minh trông rất tiếp cận chân lý - nhưng thực tế là kiểu vạch lá tìm sâu, vạch áo bắt rận mà thôi. Do vậy mà thoạt trông thì “Cao lương đỏ” dường như gây được làn sóng phê bình rất mạnh mẽ nhưng về thực chất thì không hề có chút nghiêm túc nào, không xuất phát từ điểm nhìn nghệ thuật thuần túy nào. Nó có thể có tác dụng thực tế trong việc doanh thu của “Cao lương đỏ” nhưng không có giá trị gì nhiều về mặt học thuật cũng như nghệ thuật. Đương nhiên, chúng ta rất hy vọng làn sóng tranh luận phê bình này nên duy trì đối với mỗi bộ phim để cho những người đang làm công tác nghệ thuật này có điều kiện đứng dậy, nhưng rồi cơ hội này là “nhất khứ bất phục phản”. Do vậy mà tất cả những lời chửi bới khiến người ta không thích thú lắm của giới phê bình cuối cùng cũng chỉ còn là những tiếng muỗi vo ve bên tai của giới điện ảnh thôi…

Trên thực tế, trước “Cao lương đỏ”, một số chủ tướng hình thành nên “thế hệ đạo diễn thứ năm” đã thông qua những bộ phim như “Đất vàng”, “Một người và tám người”, “Trộm ngựa”, “Rời khỏi cuộc săn”… để tuyên bố một cách hùng hồn rằng một lớp đạo diễn điện ảnh mới đã từ bỏ con đường chính thống theo kiểu cắn răng chảy nước mắt truyền thống. Nhưng con đường này là chưa hoàn toàn triệt để. Những hiệu quả mới khiến người ta phải chú ý trong những bộ phim của họ chủ yếu là dựa vào sự cách tân về quan niệm và kỹ thuật điện ảnh, cho nên chúng dựa chủ yếu vào kỹ thuật của người quay phim chứ không phải là sự đổi mới của diễn viên, cống hiến của người quay phim lớn hơn cống hiến của diễn viên nhiều. Hiện tượng này có lẽ là một hoàn tiết trong quá trình tiến bộ của điện ảnh, không nên phê phán, nhưng vấn đề tôi muốn nói đến là sự khu biệt giữa “Cao lương đỏ” và những bộ phim này. Xuất thân từ một nhà quay phim, Trương Nghệ Mưu không muốn vất bỏ sở trường khiến anh thành danh, quay phim Cố Trường Vệ cũng thể hiện những kỹ năng xuất sắc của mình. Đơn cử cách tạo hình, “Cao lương đỏ” với những bộ phim đã đề cập rõ ràng có nhiều chỗ tương đồng, nhưng nếu chỉ dựa vào điểm này thôi thì “Cao lương đỏ” không thể đạt giải thưởng quốc tế Tây Berlin, cũng không thể khiến người xem hứng thú đến như vậy. “Cao lương đỏ” so với nhưng bộ phim của “thế hệ đạo diễn thứ năm” khác nhau chỗ nào? Ở chỗ lý giải con người, ở chỗ sự thể hiện tình cảm gần với chủ nghĩa lãng mạn cổ điển, ở chỗ “con người phải sống như thế nào”, “con người vốn có thể sống như thế”, “con người đã từng sống như vậy”. Để thể hiện được những vấn đề này mà chỉ dựa vào tài năng của nhà quay phim thì hoàn toàn không thể, mà phải dựa vào diễn viên. Từ góc độ tiên phong mà xét, “Cao lương đỏ” dường như là một bước lùi so với những bộ phim kể trên, nhưng sự thật chứng minh, bước lùi này lại biến thành một kiểu “khai thiên phách địa” trong nghệ thuật điện ảnh, cũng giống như lùi một bước trong cỏ gai um tùm rồi vung lưỡi cắt lên xông thẳng vào cỏ gai ngút ngàn mà mở một con đường mới vậy thôi.

Vừa diễn xong vai một ông hoàng quái dị và một văn nhân lạc phách giang hồ, Khương Văn lại nhập vào vai tên thổ phỉ hung tàn Từ Chiếm Ngao. Trong giai đoạn đầu, diễn viên và vai diễn thường là đối thủ của nhau, cả hai thường đi dạo một vòng bên ngoài trường diễn và kịch bản, đấu trí tuệ, tìm cơ hội, tìm nhược điểm của đối thủ rồi vung quyền lên đấm loạn xạ vào nhau, tất nhiên sẽ có một trong hai sẽ bị đánh ngã ra đất, nhưng đó không phải là diễn viên đánh ngã vai diễn mà là vai diễn đánh ngã diễn viên. Vai diễn đánh ngã diễn viên, thế thì vai diễn sẽ diễn diễn viên, diễn viên đánh ngã vai diễn thì diễn viên diễn vai diễn. Đúng là phiền phức đến chết mất thôi! Điều này dễ dàng rơi vào một vấn đề cũ rích: “bản sắc diễn viên” và “tính cách diễn viên”. Ý của tôi là: Một diễn viên giỏi thì có thể diễn vai hoàng đế lẫn vai lưu manh; một diễn viên giỏi đương nhiên là diễn hoàng đế thì giống hoàng đế, diễn lưu manh thì giống lưu manh. Diễn viên giỏi không phải như một viên kẹo trong ruột thì giống nhau nhưng được gói bởi những vỏ kẹo khác nhau, những diễn viên đánh bại được vai diễn đương nhiên không phải vĩnh viễn chỉ có một mùi vị như viên kẹo được, phiền phức quá! Ý của tôi là: Một diễn viên giỏi sau khi đánh bại được vai diễn thì nên dùng tinh thần của mình, cá tính của mình dung nhập vào vai diễn, dung hợp vào tinh thần của vai diễn mà kịch bản đã chế định. Như thế, hoàng đế hay lưu manh mà anh diễn mới có thể trở thành một điển hình với cá tính sinh động và mới mẻ mà không phải là một hình tượng mang tính loại hình. Đặc trưng cá tính diễn viên với đặc trưng cá tính vai diễn mà kịch bản đã chế định thông qua đấu tranh mà dung hợp với nhau là con đường để người ta không thể quên hình tượng được tái hiện trên màn bạc, ai sẽ là chủ đạo trong hình tượng tinh thần này? Nói cách khác, ai sẽ chỉ huy ai đây? Đương nhiên là cá tính diễn viên sẽ chỉ huy cá tính vai diễn. Viết đến đây, một câu nói sáng rực hiện ra trong tâm trí tôi: Nguyên tắc của chúng ta là, Đảng chỉ huy súng, tuyệt đối không có chuyện súng chỉ huy Đảng.

Trong trận quyết đấu giữa Khương Văn và Từ Chiếm Ngao, Khương Văn đã thắng nhưng là một chiến thắng vô cùng gian nan. Chỉ cần một quyền, Khương Văn đã đánh bại vị hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi, hai quyền đã đánh gục một quan chức văn hóa là gã điên họ Tần, nhưng ba quyền vẫn chưa thể hạ nổi người anh hùng thảo dã Từ Chiếm Ngao. Từ Chiếm Ngao là loại người nào vậy? Từ nhỏ đã giết người hôi của, đốt nhà phá cửa, cay độc nham hiểm, cuồng phóng tự do, thắt lưng đeo lựu đan, mở miệng là tuôn những lời của thổ phỉ, dễ gì đánh gục được bằng ba quyền? Nhưng cuối cùng hắn ta cũng đã quy phục Khương Văn. Khương Văn không phải vung quyền đánh nhau một cách đường đường chính chính, anh ta dùng cách đánh nhau của kẻ lưu manh. Trong lịch sử phong kiến mấy nghìn năm của Trung Quốc, suy cho cùng phần nhiều là những tập đoàn lưu manh đả bại những lực lượng đường đường chính chính để khoác hoàng bào ngồi trên ngai hoàng đế. Thắng lợi của Khương Văn một lần nữa chứng minh cái đạo lý ấy. Với tư cách là tác giả của nguyên tác, đương nhiên tôi biết đặc trưng tính cách của Từ Chiếm Ngao. Con người ông ta có cốt cách của một tay lưu manh, đương nhiên ông ta cũng rất thích những trò đùa dai, nhưng về cơ bản ông ta vẫn là một tên thổ phỉ nghiêm túc. Khương Văn lại xử lý nhân vật này đầy cá tính, anh ta đã phóng đại thành phần thích trò đùa dai trong cá tính của Từ Chiếm Ngao, khiến cho nhân vật này có sự khu biệt rõ ràng với những nhân vật lưu manh hắc đạo trên màn ảnh trước đó. Đây là một thổ phỉ rất đáng yêu nhưng vẫn cứ là một thổ phỉ. Ông ta hung bạo, ông ta đầy âm mưu, ông ta cưỡng gian… đều không thua kém bất kỳ một tay thổ phỉ nào, nhưng ông ta vẫn cứ đáng yêu mà không hề đáng sợ. Đây chính là những cống hiến của Khương Văn. Đây cũng là nguyên nhân để nửa đầu “Cao lương đỏ” hấp dẫn mọi người. Nhưng ở nửa sau của “Cao lương đỏ”, chúng ta không còn thấy cái “khí chất khỉ” trên con người Từ Chiếm Ngao nữa mà “khí chất hổ”, “khí chất sói” được gia tăng, bộ phim trở nên nặng nề hơn. Nhưng tôi tự nguyện đem thất bại này gán cho kịch bản, là khuyết điểm của người biên kịch, nói một cách khoan dung hơn, phần sau của “Cao lương đỏ” cũng không hề tồi nhưng nếu so với phần đầu, người xem vẫn có cảm giác là đã bước ra khỏi không khí truyền thuyết để quay về với thế giới hiện thực.




 Lưu Hiểu Khánh và 
Khương Văn

5. Sau “Cao lương đỏ”, Khương Văn và Lưu Hiểu Khánh hợp diễn trong “Xuân Đào”, “Lý Liên Anh”. Đây là lần thứ hai, thứ ba Khương Văn hợp tác với người bạn diễn trẻ trung này. Lần hợp tác thứ nhất giữa hai người là trong cung điện đế vương quỷ khí trầm trầm và những con phố vắng Bắc Kinh tường cao ngói vỡ. Cuộc sống cá nhân của hai ngôi sao điện ảnh Trung Quốc này vốn là đề tài sinh động cho không biết bao nhiêu người đàm tiếu, nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua những ngọn roi đàm tiếu, để sống một cách thanh thản, phấn đấu trong công việc để cống hiến cho đời “Xuân Đào” rồi đến “Lý Liên Anh”. Đây là hai con người dũng cảm, nếu trong tình cảm nam nữ mà cho phép dùng đại tự để viết thì tôi cho rằng giữa Khương - Lưu có mối quan hệ cao thượng, là một kiểu quan hệ trong sáng và bao la như bầu trời tháng mười. Kỳ thực, để có được sự quan tâm nghị luận của nghìn triệu người yêu thích điện ảnh cũng là một sự ưu ái, hy vọng hai người cũng nhận được sự ưu ái thế này.

Mang theo phong độ oai hùng của người anh hùng thảo dã Từ Chiếm Ngao, Khương Văn tiến vào những con ngõ hẹp của Bắc Kinh. Sau những trận gió bão tơi bời vẫn thường có những cơn gió hiu hiu và những làn mưa nhẹ, từ “Cao lương đỏ” đến “Xuân Đào” là một sự chuyển hoán tương tự. Tôi không có ý định phủ nhận bộ phim này, nhưng thành thật mà nói tôi vẫn nghĩ đây không phải là bộ phim mà Khương Văn dồn tất cả tâm trí, vai diễn nam chính đối với Khương Văn là quá nhẹ nhàng, do vậy mà Khương Văn cũng diễn quá nhẹ nhàng. Anh ta sống một cách thỏa mãn an nhàn trong một gia đình thường thường bậc trung và hình như những lớp mỡ trong người anh ta cũng dày thêm nửa tấc, cho dù là sắm vai chính nhưng Khương Văn chỉ dùng da thịt của chính mình. Đây không phải do Khương Văn sai. Giống như ngày xưa, Belinxki bình luận Tolstoi rằng: Một người hát bè cao dùng tiếng hát của mình lấn át tiếng hát của người hát bè trầm trong dàn hợp xướng, tố chất của bè cao sẽ tự nhiên biểu hiện ra. Trong “Xuân Đào”, Khương Văn dùng da thịt để diễn, nhưng cốt cách “dùng tinh thần để diễn” vẫn tùy lúc mà biểu hiện ra, mỗi lần nó biểu hiện thì lưu lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Chẳng hạn, cảnh Khương Văn giơ tay về phía Xuân Đào trong đêm tối, cảnh đôi mắt Khương Văn vọng về bức tường thành cũ nát có vẽ hình một người đàn bà quảng cáo cho thuốc lá thơm…

Qua những cơn gió nhẹ và những làn mưa lất phất, bầu trời đột nhiên trở nên đen kịt, hơi quỷ âm u nhập xâm vào da thịt, đại thái giám Lý Liên Anh đầu tóc bạc rối bời từ phần mộ chui lên. Lần thứ ba Khương Văn và Lưu Hiểu Khánh hợp tác, chỉ có “Lý Liên Anh” mới đáng gọi là “Tần Tấn chi duyên”.Tôi cho rằng trong “Thị trấn Phù Dung”, những gì Khương Văn thể hiện đã lấn át hào quang của Lưu Hiểu Khánh; trong “Xuân Đào” sự hợp tác của Lưu Hiểu Khánh với người chống pháp định đứt gánh giữa đường khiến Khương Văn thể hiện cũng bình bình thường thường. Nguyên nhân nào đã áp chế Khương Văn biểu hiện cá tính khiến anh ta từ một ngọn lửa phừng phừng biến thành những đốm ma trơi lập lập lòe lòe? Bởi Lý Liên Anh đã bị mất sinh thực khí! Trong trận quyết đấu giữa vai diễn và diễn viên này, vai diễn Lý Liên Anh và diễn viên Khương Văn bất phân thắng bại. Chính cuộc quyết đấu ngang ngửa này đã quyết định thành công của bộ phim. Lưu Hiểu Khánh - Từ Hy uy nghi đã trấn áp một Khương Văn - Lý Liên Anh tàn tồn ý thức nam tính, hình thành cục diện “hai xe cùng tiến” (hai hình tượng Từ Hy thấp thoáng trong tấm kính trên lưng Lý Liên Anh có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc). Do vậy vai diễn nam nữ và diễn viên nam nữ đã đánh bật phù hiệu phân biệt giới tính trong “Lý Liên Anh”; việc kêu gào khẩu hiệu “nam nữ bình đẳng” mấy nghìn năm nay đã được thực hiện trong “Lý Liên Anh”; những người theo đuổi chủ nghĩa nữ quyền, vận động giải phóng phụ nữ có thể nhận được những gợi ý từ “Lý Liên Anh”?

6. Trong “Bản mệnh niên”, Khương Văn thủ vai một thanh niên có nhiều ác tích nhưng lương tâm không tồi. Đây là một câu chuyện kêu gọi sự đồng tình và lý giải, cũng là một câu chuyện vô cùng thông thường trong cuộc đời thực. Nếu ra đời sớm hơn khoảng năm năm, bộ phim này rất có thể sẽ gây nên một tiếng nổ kinh thiên động địa, nhưng điều khiến người ta tiếc nuối là người xem đã thưởng thức no nê kiểu phim Vương Sóc nên đối với kiểu người Bắc Kinh biến thái như thế này có đôi chút chán ngán. Do vậy, cho dù biên kịch, đạo diễn, diễn viên đều rất ưu tú nhưng bộ phim này vẫn không nhận được sự tán thưởng của mọi người. Thiết nghĩ, điện ảnh Trung Quốc đang kêu gào phải có những điều mới lạ không chỉ ở đạo diễn và diễn viên mà còn ở nhà biên kịch phải có những ý tưởng mới, thậm chí, tiếng kêu gào dành cho những kịch tác gia còn bức thiết hơn so với tất cả các thành phần còn lại.

Không nghi ngờ gì nữa, trong “Bản mệnh niên”, Khương Văn thủ vai không đến nỗi tồi. Anh ta diễn loại nhân vật này phải nói là rất linh hoạt, muốn sao được vậy. Nhưng trong mơ mơ hồ hồ, tôi vẫn có cảm giác rằng đằng sau vẻ thanh thản linh hoạt ấy ẩn tàng một khát vọng muốn vượt lên cái tầm thường, một ý thức công kích vào những lô cốt bảo thủ của Khương Văn.

Tôi không thể không nhấn mạnh đều này: Biên đạo, đạo diễn, diễn viên của “Bản mệnh niên” trước mắt đều là những nhân vật ưu tú nhất của làng điện ảnh Trung Quốc, bộ phim cũng đã được thừa nhận là một trong những bộ phim ưu tú nhất trong những năm gần đây. Những điều tôi vừa nói chẳng qua là xuất phát từ chỗ không biết làm thế nào khác hơn được, cũng giống như tôi không thể không nói ra nguyên nhân ở đây. Khi “Bản mệnh niên” kết thúc thì người xem đã đứng dậy bỏ về gần hết, nhân vật nam chính thân thể đầy máu nằm giữa những chiếc ghế. Kiểu kết thúc này không hiểu vì sao lại khiến tôi liên tưởng đến hiện trạng của điện ảnh Trung Quốc và một cảm giác ưu thương không thể ngăn cản dâng lên trong lòng. Sau mười mấy năm lật đổ “Tứ nhân bang”, rất nhiều nghệ thuật gia như một mũi tên đã dũng cảm xung phong xông thẳng vào những kịch viện, những rạp chiếu phim nhưng chỉ có thể trông thấy những hàng ghế trống không được chiếu bởi những ngọn đèn điện mờ mờ tỏ tỏ. Hoa đã khô quắt, tiếng bàn luận đã tan, người xem đã về nhà ngủ, người phụ nữ mà nam diễn viên chính theo đuổi một cách khổ sở đã kẹp tay một kẻ lưng giắt theo hàng vạn quan tiền đi mất, nam diễn viên ngã vật ra giữa những hàng ghế!

Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng, đây chẳng qua là một sự lạnh nhạt tạm thời, hoa tươi vẫn sẽ ngậm sương kiều diễm, những tiếng hoan hô rồi sẽ nổi cuộn như sóng đại dương, người xem sau khi ngủ say rồi cũng sẽ quay lại, người phụ nữ đã bỏ đi rồi cũng sẽ quay về. Quan trọng hơn là, máu trên bụng của nam diễn viên chính chỉ là do những người hóa trang đổ mực đỏ lên mà thôi. Khương Văn cùng với những người đồng diễn của anh ta sẽ tiếp tục chạy nhảy với một khí thế mới vô cùng bồng bột…

Nhắm về một ngọn núi cao hơn mà leo. Trong mắt Khương Văn, ngọn núi cao ấy là cái gì? Nói cách khác, sau khi một loạt vai diễn thành công hay không thành công, thông qua điều chỉnh, bổ sung, suy nghĩ, anh ta muốn sắm những vai diễn nào trong tương lai?

Anh ta nói: Mười mấy năm nay, chúng ta vẫy qua vùng lại nhưng thực tế là chúng ta vẫn chưa thoát khỏi mô thức của điện ảnh Liên Xô: người tốt vẫn có những suy nghĩ hắc ám, kẻ xấu cũng có những lúc thiện lương, tất cả đều trung dung, đều hài hòa, đều không cực đoan… Bây giờ tôi rất muốn đi theo con đường cực đoan, muốn diễn một thằng khốn kiếp, một thằng lưu manh chân chính; một kẻ bại hoại vượt lên trên cả quy luật, bại hoại một cách vô lý; muốn diễn tình cảm của những người phi thường, vừa mới bắt đầu đã nhập vào một trạng thái tinh thần đặc biệt…

Tôi nghĩ, những vai diễn như thế là đầu trâu mặt ngựa. Theo giải thích của từ điển, đầu trâu mặt ngựa là chỉ những quỷ thần có kỳ hình dị tướng. Nhưng thế giới này không có quỷ thần, quỷ thần chẳng qua là người trần thế kỳ hình dị tướng, mà sự quái dị hóa, cực đoan hóa lại là sự biểu hiện tập trung một cách cực đoan một phương diện nào đó của bản chất con người. Có thể biểu hiện được những trạng thái ấy, có thể để cho con người xem được đầu trâu mặt ngựa mới có thể khiến con người nhận thức được chính mình, từ đó phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để trở nên hoàn thiện hơn.

Tháng 3-1991

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét