Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

“Giải mã” các loại đồ án chạm khắc đá

 

“Giải mã” các loại đồ án chạm khắc đá ý-nhị ý-tam ý-tứ lung linh

 levinhhuy


Lưu ý: Đây là công trình giải mã các loại đồ án chạm khắc đá cổ trong dân gian, khắp mặt sách báo chưa từng có ai thực hiện. Tùy ý share, copy + paste. Tôi tặng sì-ta-tút này cho các bạn!

_______

Nhập đề

 

Có thể gọi nghệ thuật chạm khắc đá của Trung Hoa là cái Sở thú, đúng như nhận xét của Trang tử trong thiên “Mã đề”: Cầm thú đa nhi nhân thiểu 「禽獸多而人少」 (Tạm dịch: Loài cầm thú đông đảo quá cha loài người).

 

Sở dĩ có hiện tượng thú đông người vắng này trong tranh tượng chạm khắc có lẽ vì thuở xa xưa đó loài người chưa đủ sức chống trả thú dữ, nên mới phải chạm khắc hình dạng chúng để thờ phụng, mong hổ báo để mình được yên ổn mần ăn. Cho nên ban sơ, chạm khắc đá là hình thức sùng bái thế lực siêu nhiên.

 

Rồi sau đó, cầm thú các loại dần trở thành thực phẩm, sản vật để cung đốn cho loài người, tiết vịt thịt cầy ngầu pín dương tản bắt đầu xuất hiện thường xuyên trên menu của quán nhậu thì hình tượng thú chạm dần trở thành hiền hòa, gần gũi hơn.

 

Khi bọn Tàu man di mọi rợ kia từ bỏ nếp sống du mục để chuyển sang định canh định cư; thêm vào đó, Phật giáo cũng du nhập, phổ biến nhân ái hòa bình, hình tượng cầm thú trong tranh tượng dần dà được dùng để gửi gắm những ước vọng an bình, tốt đẹp. Và những đồ án ý nhị ý tam ý tứ, bao hàm đủ thứ triết lý vừa sâu vừa cao vừa tào lao bí đao.

 

Nghệ thuật chạm khắc cổ truyền của Trung Hoa đã lưu lại trên đá trên ngói trên gạch trên ngọc trên vàng những ý niệm cát tường. Các tác phẩm chạm khắc từ đây vương mang bàng bạc những ngụ ý lý tưởng hóa hiện thực, với những hình tượng mang nhiều tầng ý nghĩa. Trong đó, nổi bật nhất là hình tượng tứ linh: Long Lân Quy Phụng.

 

Thời kỳ nguyên thủy

 

Thuở còn ăn lông ở lỗ, tụi Tàu đã biết rảnh rỗi sinh nông nỗi, chạm khắc lung tung. Theo các hiện vật tìm thấy được ở các di chỉ của thời kỳ du mục, thì bởi thời kỳ này chưa có các loại tiến sĩ củ nừng, nên tranh tượng toàn phải lấy cầm thú làm đề tài. Những hình tượng được miêu tả đa phần là động vật, họa hoằn mới thấy cỏ cây hoa lá, và tập trung thể hiện nhiều nhất vẫn là thú dữ hùm beo rắn rít… Và về sau, thì tần suất các loài đã thuần hóa như heo gà dê chó mới xuất hiện nhiều hơn.

 

Nói chung, đồ án cầm thú thời kỳ này vừa đơn giản với những phác họa khái quát, vừa cho thấy ý niệm sùng bái mãnh thú.

 

Thời đại đồ đồng

 

Đây là thời kỳ Hoa Hạ chuyển sang chế độ nô lệ, sử mệnh danh là Tam đại (Hạ-Thương-Chu).

 

Các tác phẩm thời kỳ này mỉa mai thay, chủ yếu lại do nô lệ chế tác, và chúng mang ý nghĩa tượng trưng cho uy quyền của quý tộc/chủ nô, để phục vụ trong việc cúng tế ta bà. Có lẽ do đời sống khổ cực ê chề không nơi phát tiết, nên bọn nô lệ đã trút trọn tâm tư tình cảm của mình vào tác phẩm, khiến chúng trở nên tinh xảo, đẹp đẽ thêm ra.

 

Tứ linh bắt đầu hình thành là vào thời kỳ này, những giống ôn dịch nhe nanh múa vuốt đó đã quật cường giao phối tạp chủng với nhau để cho ra đủ loại totem kỳ quái của các bộ tộc. Sự giao thoa văn hóa bằng đầu mũi giáo của các bộ tộc khiến các totem càng thêm pha trộn hằm bà lằng sắn cấu.

 

Thời kỳ phong kiến

 

Từ Xuân Thu-Chiến quốc dần lân qua tới Tần-Hán, các đồ án động vật ngày càng xa lánh xu hướng tượng trưng để đi vào tả thực, với chi tiết cụ thể, và khuynh hướng hùng tráng làm chủ đạo.

 

Các tranh tượng bặm trợn, sinh động của thời kỳ này chủ yếu vẫn là sử dụng vào mục đích thờ cúng, nhưng đối tượng được tôn thờ không chỉ là thần tiên thiên giới nữa mà tập trung vào tung hô các con trời. Trong lăng mộ các bậc đế vương cà chớn của thời này, các đồ chạm khắc mang đủ hình cầm thú được tùy táng cách hào phóng, đại trà. Và không chỉ thế, ở bên ngoài cũng như chung quanh lăng mộ, cũng bắt đầu xuất hiện đông đảo những tranh tượng quây quần, chầu hầu, canh giữ cho giấc ngàn thu của vua chúa.

 

Sang đời Đường-Tống, các đồ án thêm hoành tráng đường bệ, với những phượng bay rồng lộn tưởng muốn xé mây rách trời mà ra, đến từng ngọn cỏ nhành cây cũng như khua động ngọ nguậy để thành nghìn tên mũi giáo hù dọa người xem.

 

Thời kỳ này, tất cả động vật được chạm khắc, từ các loài bay, bò, chạy, nhảy, bơi, lặn, lông mao lông vũ, chí đến côn trùng sâu bọ; hoặc ở trên rừng trên núi, hoặc rúc trong suối trong khe, đầu gành cuối bãi, đứng đái ỉa ngồi… Nghĩa là hết thảy bọn hội đủ tư cách điểm danh trong cái cây lẩu tươi thập cẩm, tiếng Anh gọi Phylogenic tree ấy, toàn bộ đều được tranh tượng dành cho không gian rộng rãi để thoải mái tung hoành. Quỷ thần ơi, đó quả là một cảnh tượng kiêu hùng hào hứng nhất trần đời! Và Tứ linh cũng nhờ đó mà định hình…

 


Quả vậy, bọn Ba Tàu tuy ba xí ba tú nhưng không hề nổ chút nào khi tự hào về nền văn hóa thâm hậu hàm dưỡng tu vi của chúng. Từ đời Thương, chúng đã biết phân loại động vật thành 4 nhóm lớn là ngư-trùng-điểu-thú; và mỗi nhóm này được tượng trưng bằng một linh thú.

 

Phối hợp địa lý với thiên văn, Tàu nheo mắt nhìn về phương Nam: Kia kìa, tổ con bà nó! Phía đó có con chim lớn xoãi cánh bồng bềnh mổ trời gáy trăng, đó chính là Chu tước (con Chu tước này, sau đó sẽ bị một tụi mọi đóng khố lá tre lá mía copy vụng về, kêu thành chim Lạc. Nhưng thôi kệ, vụ này để dành khi hưỡn sẽ bàn sau). Bầu trời phương Đông, quần tinh đông đúc lan tràn, trông ngoe nguẩy như con rắn, Tàu gọi phương Thanh long cho sang lỗ miệng. Phía Tây như con chó ngồi chồm hổm thì gọi phương Bạch hổ. Đám sao ở Hướng Bắc khum khum thì là Huyền vũ.

 

Qua tới đời Hán, do ảnh hưởng của Lão giáo, Tứ linh trở thành điềm lành phù hộ thế gian khỏi những hung hiểm tai ương, là 4 đồ án quan trọng trong tranh tượng.

 

Người đời Hán cho rồng có uy lực thay trời làm mưa, giúp cho nông nghiệp, nên đặt rồng đứng đầu Tứ linh, biểu hiện oai trời. Rồng vốn sào huyệt ở phía mặt trời mọc, đáng lẽ phải có màu đỏ hoặc hồng, nhưng lý luận loanh quanh duy vật khúc chiết một hồi, Tàu cho hướng Đông có màu xanh, thành thử gọi Rồng là Thanh long. Thanh long 青龍 đây là một tổ hợp đúc thành danh từ, là nickname hoàn chỉnh của rồng.

 

Cọp là vua các loài 4 cẳng, ban ngày ngủ trong núi, đợi mặt trời lặn mới ra kiếm mồi, nên thuộc hướng Tây. Cọp vị thành niên thì có lông vằn, chừng đủ 500 tuổi thì lông đổi ra sắc trắng, hiện thân thần thú, đó gọi Bạch hổ 白虎.

 

Chu tước 朱雀 còn gọi Chu điểu, hay Thanh điểu. Con trống gọi Phụng, con mái là Hoàng. Phụng Hoàng xuất hiện thiên hạ thái bình. Chim Phụng bay liệng trời cao, bóng in xuống đất lướt qua ai, kẻ đó sẽ được đại cát vững bền. Phụng Hoàng vốn cũng dòng dõi của rồng, và là một totem khác của Hoa Hạ.

 

Huyền vũ 玄武 tức con rùa. Huyền là màu đen, bởi nó thuộc phương Bắc thâm nghiêm, xứ sở của thần linh; Vũ chỉ bộ giáp của rùa, được xem như một thứ vũ khí. Theo truyền thuyết, rùa sống dai ngàn vạn năm. Khi Hạ Võ trị thủy có bắt được con rùa, trên lưng nó là đồ hình ma phương tối giản, đó là Lạc thư góp phần tạo nên kinh Dịch. Mu rùa còn được người xưa dùng khắc chữ, ghi chép, hoặc đốt lên rồi xem vết nứt trên đó mà luận cát hung họa phúc trong đời, nên rùa được xếp vào Tứ linh. Hình tượng rùa ở Tàu xui thay lại ngày càng rớt giá hỡi ôi, dù gì cũng sugar sugar a hero man, mà đến Minh-Thanh thì bị bắt đội bia đá[1]. Nguyên nhân khiến rùa bị thất sủng, rất có thể là tại vì cái đầu của nó (Quy đầu) cứ đòng đưa thụt lõ khiến bọn văn nhân cho đó là tục nên bài xích chăng?[2]

 

Các đồ án thông dụng


Ở trên có bàn sơ Tứ linh, nhưng thiệt ra có tới Ngũ linh, vì còn một con đáng gọi sky down no enemy, là Kỳ lân, hay còn gọi là… Cu Ly. Đồn rằng kỳ lân xuất thế thiên hạ cũng thái bình, tương tự Phụng Hoàng. Tích xưa kể lúc Khổng Khâu vừa được sinh ra, có con kỳ lân tới dâng quyển thư bằng ngọc, trên đề dòng chữ: “Con của Thủy Tinh, nối tiếp nhà Chu làm vua không ngai”.

 

Thuyết văn giải tự định nghĩa Lân là nhân thú (仁獸, loài thú tượng trưng nhân ái), có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng ếch, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Kỳ lân dâng Hà đồ, Huyền lũ nộp Lạc thư mà hình thành kinh Dịch, làm nên triết học Trung Hoa.

 

Từ đời Tống, Cu Ly là biến thể khác của rồng, tượng trưng chân mệnh đế vương. Qua Nguyên-Thanh, có lẽ do ứng nghiệm lời than của Khâu mà Lân bị xuống hạng, trở thành con thú canh cửa, y như chó. Số là trong kinh Xuân Thu, có đoạn chép là ở mé Tây nước Lỗ bỗng xuất hiện con kỳ lân bị què. Khâu thấy vậy than rằng: “Ối làng nước ôi, đạo ta vậy là đã kiệt!” Cái giò cà nhắc của kỳ lân chẳng biết thiệt giả, nhưng kinh Thi cũng có bài Lân chỉ (麟趾, cẳng Kỳ Lân) với ý tương tự: Lân chi chỉ/ Chấn chấn công tử/ Hu ta lân hề! 麟之趾、振振公子。于嗟麟兮 (Tạm dịch: Ui da cái cẳng của ta/ Thiệt là công tử nhân hậu/ Cưng quá cái cẳng kỳ lân!)

 

Từ sự tích cẳng Kỳ Lân này mà có những đồ án chúc mừng, như hôn sự thì có tượng Kỳ Lân chìa một chân ra, tức Lân chỉ trình tường 麟趾呈祥 (Kỳ Lân giơ cẳng trình chuyện tốt lành). Mừng sinh con trai thì có Dục lân hữu khánh 育麟有慶 (Chúc mừng Lân đẻ). Đời Hán, Lưu Bang cho dựng Kỳ Lân các để kỷ công các bậc hiền thần giúp mình khai quốc, nên ở trước cửa các nhà võ tướng thường đặt Kỳ Lân trợn mắt nhe nanh.

 

Kỳ lân tống tử đồ 麒麟送子圖

Liên sinh quý tử: Trong dân gian, có một đồ án tranh/tượng mừng sinh quý tử nổi tiếng, gọi Kỳ Lân tống tử đồ 麒麟送子圖. Đó là tổng hợp nhiều đồ án, gồm có hoa sen (Liên ) đồng âm với chữ Liên (liên tiếp), lại có thằng nhỏ, tức Đồng tử 童子 (với chữ Tử là con trai), đang thổi ống sênh (Sênh, chữ Tàu là Sinh , đồng âm với Sinh  là sinh nở). Thằng nhỏ đó tóc để trái đào, vận phẩm phục triều đình, phía trên đầu nó có con kỳ lân nhả ra cuộn giấy. Tranh tượng Kỳ lân tống tử có nhiều kiểu, nhưng luôn phải có thằng nhỏ thổi ống sênh bên hoa sen, thành ra 4 chữ Liên sinh quý tử 連生貴子. Tập tục này đến nay bên Tàu vẫn thịnh hành.

 

Kỳ lân sau này biến thể ra sư tử (ở xứ An Nam, ngày Tết, trong Nam có “múa lân” thì ngoài Bắc cũng có “múa sư tử”). Loài này gốc ở Tây vực, được tiến cống hồi Đông Hán. Dáng vẻ nó oai phong nên được tôn làm bách thú chi vương. Bởi vậy tượng sư tử không thể thiếu chữ Vương  trên trán. Và giống như kỳ lân, sư tử rồi cũng phải thành chó giữ nhà.

Sư tử trấn cổng là loại thần thú phổ biến, từng du nhập ào ạt vào Bắc Việt, khiến chúng phải la hoảng rằng có thú lạ xâm nhập. Tượng sư tử đực cái đều có bờm như nhau, nên khi đặt chúng giữ cửa cần chú ý phân biệt: con nào đặt chân lên quả cầu/hòn ngọc thì là sư tử đực, phải được đặt ở bên trái (tính theo hướng trong nhà ngó ra); còn con có kèm theo trong nách một sư tử tý hon nữa thì là sư tử cái, đặt phía bên phải cổng. An Nam bắt chước người ta làm tượng sư tử nhưng không biết lẽ đực cái này, có khi chơi lầy, gắn luôn bảo bối cho sư tử đực, thiệt thông minh đố ai bằng! Chọn sư tử nên lấy con bờm rậm, ngẩng đầu nhe răng, đầy đủ nanh vuốt, phong độ đường bệ uy nghi; bằng không thì thà vứt đi còn hơn.

 

Truyền thuyết kể rằng Phật Thích Ca khi mới đản sinh liền bước 7 bước, mỗi bước mỗi nở hoa sen, tay trái chỉ trời tay phải chỉ đất, vận công phu Sư Tử Hống gầm lên vang dội 9 tầng mây: “Trên trời dưới đất, chỉ ta số dzách!” Nên sư tử còn tượng trưng Phật pháp vô biên, thường được dựng ở cổng chùa.

 

Đồ án sư tử cũng hay dùng lối chơi chữ, với chữ Sư của Sư tử đồng âm với chữ Sư vừa có nghĩa là Thái sư 太師 (chức quan lớn trong Tam công), vừa có nghĩa là ông thầy. Loại này có các dạng sau:

 

Song sư hý cầu 雙獅戲球

1/. Song sư hý cầu 雙獅戲球: hình hai con sư tử vờn quả cầu. Như đã nói, “Sư” ở đây phải hiểu là quan lớn, và quả Cầu đồng âm với chữ Cầu là mong cầu. Cả câu có ý chúc leo cao theo đà danh vọng.

 

2/. Đại sư tiểu sư 大獅小獅: có hai sư tử, 1 lớn 1 nhỏ. Sư tử nhỏ tức chức Thiếu sư 少師, Sư tử lớn là Thái sư 太師. Đây là hàm ý thăng quan tiến chức.

 

3/- Hình thằng nhỏ cầm cái lồng đèn (đèn là Đăng , đồng âm với Đăng có nghĩa là lên cao), lồng đèn này có hình hoa sen (Liên), dưới chân thằng nhỏ là con sư tử. Đây là bức Liên đăng thái sư 連登太師: Chức vị vững bền.

 

4/- Hai con sư tử vờn bình bông: trường hợp này, chữ Sư đọc thành chữ Sự là sự việc, hai Sư tử đọc thành Sự sự, tức mọi sự. Cái bình là chữ Bình , đồng âm với Bình là bình yên. Bức này vì vậy là Sự sự bình an 事事平安. Có người rảnh quá, còn tạo dáng cho sư tử và bình bông thành như chữ Hảo , là Sự sự hảo bình an 事事好平安.

 

5/- Hai con sư tử vọc cái que gãi lưng. Que gãi này thời xưa, trong các nhà quyền quý thường được làm bằng ngọc Như Ý. Thành ra đây là lời chúc Sự sự như ý 事事如意.

 

6/- Năm con sư tử bu vô cây đèn: cây đèn, như đã giải mã ở trên, là chữ Đăng khoa; sư tử cả bầy 5 con thì không tính chữ “Sư” nữa, mà phải lấy chữ “Tử” làm chủ ngữ (với nghĩa là con cái). Bức tranh thành ra Ngũ tử đăng khoa 五子登科, các con đều đỗ đạt[3].

 

Nếu sư tử là thứ ngoại lai nhảy qua bên Tàu làm vương làm tướng, thì ở bản thổ cũng có sẵn Sơn trung chi vương, tức là con cọp. Từ ngàn xưa, cọp là ám ảnh kinh hoàng, dân gian sợ thứ ôn dịch này trời thần mụ nội. Tuy căm giận nhưng cứ phải tôn thờ, tâm trạng mâu thuẫn xé gan tím ruột này mấy ai thấu hiểu.

 

Cọp được xem là thần lực tịch tà, có thể giữ nhà mà cũng có thể… giữ mả. Riết rồi hình tượng giống quái này trở nên thông dụng, được hiểu thành đức tánh can đảm dũng mãnh. Làm tướng mà anh dũng thiện chiến thì phong Hổ tướng, thiếu niên mà anh dũng, kêu là Hổ tử, võ quan ngồi ghế lót da cọp, kêu Hổ tọa; thậm chí lều trại cũng được tâng lên, kêu Hổ trướng. Hình tượng con cọp tràn lan khắp chợ cùng quê, rất ư xôm tụ. Đồ án chạm khắc cọp rất nhiều, nhưng vì ít khi dùng lối chơi chữ (chủ đề bài viết), nên tạm cho qua để dành khi khác[4].

 

Ngoài sư tử và cọp là mãnh thú, các loài thú hiền lành (thụy thú 瑞獸) cũng xuất hiện đông đảo trong tranh khắc chạm, mang ý nghĩa đưa dẫn điều lành, đẩy lui tai nạn.

 


Đứng đầu thụy thú phải kể đến nai. Con nai, Tàu gọi là Lộc 鹿, đồng âm với chữ Lộc 祿 là phước lộc, bổng lộc, nên càng được dân gian ưa chuộng. Do đồng âm với Phước Lộc, nai tượng trưng thăng quan phát tài. Truyền thuyết đồn rằng nai sống ngàn năm gọi Thương lộc 蒼鹿, 2.000 tuổi là Huyền lộc, từ đó nai trở thành tiên thú trường sinh.

 

Tàu cho là nai có thân thể tráng kiện, bản tính hiền lành, vó chạy như bay, dáng đẹp như lụa nên đặc biệt ưa thích loài thú này. Trong tạo hình, nai thường có tư thế ngoái đầu trông lại như lưu luyến không rời, nên có tranh vẽ cả bầy 10 con nai, trong đó hết 9 con ngoảnh lại, kêu bằng Thập lộc cửu hồi đầu 十鹿九回頭. Ý nghĩa bức này uyên áo, tùy theo tâm trạng và trải nghiệm của mỗi ngưởi. Kẻ ham danh lợi thì cho đó là bổng lộc dồi dào, thế gian có 10 phần thì hết 9 quy về túi mình. Bậc thức giả thâm trầm thì lấy đó dặn lòng phải luôn đắn đo cân nhắc khi hành sự. Với người xa quê thì đó là mối hoài hương da diết khôn nguôi…

 

Cạnh nai người ta thường đặt thêm con sẻ, cũng là loài chim hiền lành. Chim sẻ là Ma tước 麻雀, gọi tắt là Tước, đồng âm với Tước trong chức tước. Ghép hai giống chim bay thú chạy này sẽ thành Tước lộc 爵祿, là chức tước kiêm bổng lộc. Tranh/tượng tước lộc có khi được chen thêm trái lựu. Chỗ trái lựu này, có đứa âm binh vịt lộn giải mã là: “Lựu nhiều hạt tượng trưng cho sự sinh sôi đông đúc chen chúc”[5]. Đã đông đúc lại thêm chen chúc thì bao nhiêu tước lộc cho đủ? Về biểu tía má quảy bị đi ăn mày luôn nha! Trái lựu này, Tàu kêu Thạch lựu tử 石榴籽, đây là mượn chữ Lựu đồng âm với Lưu là truyền lại, thêm chữ Tử đồng âm với Tử (là con trai). Nên đồ án này đọc là Tước lộc lưu tử 爵祿留子 (Tước lộc truyền tới đời con). May nó chưa giải chữ Lựu thành… lựu đạn, không thôi hẳn banh xác cả lò!

 

Ngoài ra, còn một con Tước khác cũng được phối với nai, là Khổng tước 孔雀, tức chim công. Đây lại là một chuyện có thật trong lịch sử: Thượng trụ quốc Đại tư mã nhà Tùy là Đậu Nghị kén rể, cho vẽ hai con công trên bức bình phong, giao hẹn ai bắn trúng mắt khổng tước thì được chọn. Có anh Lý Uyên hăng hái bước ra, bắn phát một trúng phóc hột nhãn chim công. Uyên sau này là Cao tổ nhà Đường. Nên dân gian thường khắc chạm hình người cưỡi nai bắn công, gọi là Lộc khai kim Khổng tước 鹿開金孔雀 (Con nai mở mắt cho công vàng), để mừng được rể quý.

 

Sau nai là khỉ, cũng tượng trưng quan chức, bởi khỉ gọi là Hầu đồng âm với Hầu là một trong Ngũ tước thời xưa (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Con khỉ rình bắt con ong, sẽ thành Phong hầu 封侯; vì con ong, Tàu gọi là Phong đồng âm với chữ Phong là ban tặng cho.

 

Phong hầu bái tướng 封侯拜相

Ngoài ra, Phong hầu đồ còn các dạng khác, như khỉ cưỡi ngựa, hai tay nâng cao cái ấn vuông (lúc này không cần phải có con ong nữa), sẽ là Mã thượng phong hầu 馬上封侯 (Lập tức nên danh vọng). Hoặc khỉ cưỡi ông voi, hai tay chắp lại giơ cao quả ấn: con voi, tức là Tượng , được đọc thành chữ Tướng , là chức đứng đầu bá quan, tức là Phong hầu bái tướng 封侯拜相.

Dưới nước thì con cá, tức Ngư đồng âm với Dư  là thừa ra, dôi ra còn có con cua cũng hay được dùng trong các đồ án. Điển hình là có cái dĩa cổ đời Thanh vẽ hình hai con bên cạnh hoa sen. Con cua tiếng Tàu kêu Bàng giải 螃蟹 hay chỉ gọi tắt 1 chữ Giải. Nhưng trường hợp này không dùng chữ Giải đó, mà phải dùng chữ Giáp , bởi vỏ cua như cái áo giáp. Hai con cua bên hoa sen được hiểu thành Nhị giáp liên khoa 二甲連科, là đỗ đạt cao. Đĩa này nếu thiệt đồ nhà Thanh, giá không dưới 10.000Rmb, cỡ 33M Minh tệ.

Đĩa Nhị giáp liên khoa 二甲連科

“Nhị giáp” là cách gọi tắt. Thi cử hồi xưa, 3 hạng đầu (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) được yết 1 bảng riêng, gọi là bảng “Tiến sĩ cập đệ”, tức Đệ nhất giáp. Bảng kế đó là bảng Nhị giáp (còn gọi Hoàng giáp vì viết trên giấy nền vàng), những người trong bảng này gọi “Tiến sĩ xuất thân”, bảng sau cùng là Tam giáp, tức các vị “Đồng tiến sĩ xuất thân”. Đời Thanh vì không lấy Trạng, nên Nhị giáp là đỗ đạt cao nhất.

Tranh cua này còn 1 dạng khác, là 2 con cua trong đám sậy. Sậy chữ Hán gọi Lô vĩ 蘆葦, hay chỉ gọi tắt là Lô, đờng âm với chữ Lô trong Truyền lô 傳臚, tức lễ xướng danh tân khoa. Lúc này, tranh được giải mã là Nhị giáp truyền lô 二甲傳臚.

Có một dạng khác nữa, chỉ có một con cua, đọc là Nhất giáp liên khoa 一甲連科. Nhất giáp liên khoa có khi không vẽ con cua, mà vẽ đầu con tê giác một sừng. Dạng cua thường được thể hiện trên cái dĩa ăn, dạng đầu tê giác thể hiện trên cái chân đèn.

Liên sinh nhất giáp 連生一甲

Lại có một dạng hiển hách tột bậc trong khoa cử, chỉ có 1 con cua một mình một cõi ngự trên tòa sen, đọc thành Liên sinh nhất giáp 連生一甲, ấy chính là Trạng nguyên lão nhân gia.

 

Đồ án tranh tượng của Trung Hoa bao la vạn trạng, kể hoài không xiết chim cá lá hoa, phải xin tạm dừng vì bài đã dài như trâu đái. Trước khi dừng phím xin nhắc sơ sư phụ: Dê gọi là Dương , đồng âm với chữ Dương trong Âm Dương. Tranh tượng 3 con dê kêu bằng Tam Dương khai Thái 三陽開泰, biểu thị hình tượng quẻ Thái trong kinh Dịch (với ba hào Dương mở ra tháng Giêng đầu năm mới). Đây là đồ hình cát tường cầu được quanh năm tốt lành[6].

 

Kết

 

Nói ra cũng ngại ngùng, vì sẽ động chạm tự hào của giống Tiên Rồng, mà không nói thì ấm ách bàng quang, thôi thì tôi trút ra luôn đây nè:

 

Các đồ án chạm khắc, như đã tường thuật, đều bắt nguồn và tuân theo quy ước của Tàu đặt ra. Mà ngộ lắm nha thưa các vị: các đồ án “giải Hoa” của chùa Bút Tháp linh thiêng hột đậu kia, thiệt ra chỉ là những thứ tụi Tàu rẻ rúng bày chơi ngạch cửa xó nhà. Lượm miễng dùa rồi khua lên rằng chén kiểu, bộ khùng hả mậy?


Tước lộc là quái gì? Ông bày chơi ngạch cửa.

 

_______

 

[1] Ở An Nam cũng bắt chước y chang, nhưng bởi có câu ca dao: “Thương thay thân phận con gùa/ Trên đình đội hạc dưới chùa đội bia”, nên đa số bọn chúng cứ lầm tưởng đây là mô-típ độc đáo do ông bà mình chế ra.

 

[2] Nói rùa bị thất sủng, ấy là chuyện bên Tàu, chứ ở An Nam thì vẫn được tôn làm cụ rất ư thành kính.

 

[3] Ngũ tử đăng khoa có khi được chạm/khắc/vẽ 5 chú bé thay cho 5 sư tử, nghĩa tuy rõ ràng hơn nhưng sang chảnh lại không bằng.

 

[4] Có một bức Hổ báo sư tượng 虎豹獅象, tập hợp cọp, beo, sư tử, voi, là đồ án đại cát tường có diệu dụng tịch tà.

 

[5] https://xuandienhannom.blogspot.com/2017/06/ngam-nghia-va-giai-ma-vai-buc-cham-chua.html

 

[6] Ngoài ra còn đồ án Ngũ dương khai thái 五羊開泰, Dương này không phải Âm Dương nữa, mà đích thị ông dê. Năm con dê đực nồng nỗng, đó là biểu tượng của thành phố Quảng Châu thuộc Quảng Đông, Trung quốc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét