Một bức vẽ vịnh Hạ Long của họa sĩ Lưu Công Nhân |
Dòng sông hủi
Đỗ Hoàng Diệu
Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra
trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá, anh thường xuyên theo dõi những
giấc mơ của mình. “Em có thai phải không?” Sau tháng đầu tiên Công đã dọ hỏi.
Tôi lắc đầu tươi tỉnh. Giấc mơ đêm khuya còn sáng hồng bụ bẫm bắp chân hài nhi.
Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa
trẻ? Sáu tháng hạnh phúc trôi qua như gió hắt mặt hồ.
Sau này, mỗi lần nghe tiếng còi xe cấp
cứu, tôi lại rùng mình nhớ tới vẻ mặt khủng khiếp của Công. Buổi chiều nước hồ
Gươm áp sát các gốc sấu, Công bước thẳng vào nhà. Đôi mắt Công nhỏ nhưng ngầu lửa,
quét lên tấm hình cưới. Cô dâu trong hình giương vầng trán ngây thơ hãy còn
khóc e thẹn cúi nhìn xuống phòng khách. Nơi ấy, tôi đứng run rẩy sau lần váy ngủ.
Công vẫn quét lửa lên tấm hình cưới, hai bàn tay day day vào nhau tính toán. Rồi
bất thần, anh xô ngã tôi xuống thảm. Trước khi tôi kịp ngẩng đầu lên, chiếc váy
đã bị bàn tay lạnh lẽo kéo hất. Công lột quần lót vợ tỉ mỉ, nhướng mắt soi mói
sợi chỉ may trên vải sa tanh hồng. Mắt Công ngó chăm chăm giữa hai đùi tôi. Từng
cọng cỏ cây hoa lá óng ánh cố xù lên chống đỡ. Nhưng cỏ cây mềm quá, mượt quá,
không nhấc nổi thân mình, đành yên lặng chịu đựng người đàn ông coi chúng là vật
sở hữu. Khi Công tách chúng ra từng cọng xem xét tỷ mẩn, tiếng còi xe cấp cứu hụ
rền những tán cây. Giọng Công cất lên khi còi xe cấp cứu đã xa.
“Sao cô ở nhà mặc váy ngủ vào giờ này?
Ngoài sân có vệt bánh xe máy không phải chiếc Spacy của cô”.
Ơn trời, không có chuyện gì hệ trọng.
Tôi trả lời:
“Em nhức đầu, chóng mặt nên xin nghỉ
làm sớm. Về nhà chỉ kịp vớ chiếc váy ngủ quàng vào người rồi lăn ra giường đến
khi nghe tiếng anh mở cổng”.
Khuôn mặt Công giãn ra đột ngột. Như vừa
chằng qua đấy một niềm tin, một tín hiệu vui mừng, lại như mầm phôi tội ác.
Khuôn mặt, tôi đã nhiều lần trông thấy, thường là nửa đêm khi Công nhận điện
thoại ai đó rồi lao ra khỏi giường, vuốt má tôi và ra đi. Ra đi vì công tác kiểm
thính lương tri của đồng loại. Chồng tôi làm cái nghề thật kỳ cục. Bây giờ,
khuôn mặt ấy ghé sát vào tai tôi, thì thầm:
“Em có thai phải không?”
Tôi lắc đầu như một đứa trẻ. Một đứa
trẻ già nua. Công thẳng lưng, khoác áo, bước từng bước chắc nịch khỏi nhà. Sau
tiếng Cô rồi tiếng Em là tiếng xe máy làm toạc gió chiều. Công lại đi theo dõi
một bộ nhớ khác hay một vụ việc khác. Cho dù vụ việc tôi tự nhiên bỏ sở về nhà
giữa ban ngày, diện váy ngủ, đầu tóc rối vẫn còn chưa rõ ràng. Tôi biết Công sẽ
ghi vào hồ sơ trong bộ nhớ lạnh lùng của anh, chờ khi đủ chứng cớ. Vầng trán cô
dâu trong hình cưới lại thêm nếp nhăn. Nếp nhăn mà khi quyết định kết hôn với một
điều tra viên, tôi không lường trước. Tôi nghĩ Công sẽ bảo vệ cho tôi yên ấm suốt
đời, đâu ngờ mình lại trở thành một vụ án. Công chưa bao giờ tin tôi. Anh vừa lột
váy vợ, sờ nắn, ngửi tìm dấu vết một tội phạm. Hành động của anh ghì chết tàn
tích yêu đương cuối cùng. Nhiều ngày sau, tôi mới biết vùng kín của mình đã
thành hiện trường của một vụ án nghiêm trọng.
Ngoài trời gió mạnh hơn. Phả qua cánh
cửa từng cơn buốt rát mái tóc. Vầng trán cô dâu trong tấm hình nhăn rút lại. Từng
khối thủy chung rớt khỏi người tôi. Những cây non nổi loạn, trút hờn trút giận
lên tâm trí tôi sôi cháy. Tôi mong có một vụ việc thật rắc rối, để Công sẽ
không về đêm nay. Tôi cười tiếng cười thủy tinh nứt nẻ, tôi hát khúc hát tự do
trong phòng tắm đầy hương thơm. Như để trả thù sự nghi ngờ, truy nã của chồng
bao ngày qua, như để cho Công thấy tôi không sợ Công, không sợ cơn gió đang tốc
xoáy mặt hồ ngoài kia.
Tôi sẽ không bao giờ sợ Công nữa. Công
hành nghề thanh lý trí nhớ người khác, nhưng tôi là vợ của anh, là người đàn bà
đầu gối tay ấp bao nhiêu đêm, sao Công cũng gờm gờm nhìn tôi dò xét mỗi buổi
chiều? Công mang về nhiều chiếc phong bì đựng tiền màu xanh, nói đấy là bổng lộc.
Tôi không được giữ chúng, anh cất trong đáy tủ, hàng tuần đưa cho vợ một số tiền
nhất định, làm như anh sợ tôi mang tiền của anh đi cho. Mỗi chiếc áo tôi mua, mỗi
đôi giầy tôi sắm đều phải lấy hóa đơn, điều mà người Hà Nội ít ai làm. Công sẽ
xăm xoi từng chữ số trên mỗi tờ hóa đơn ấy. Chồng tôi, tôi biết gọi anh là gì?
Tôi nằm im lẩm nhẩm bao điều vô nghĩa.
Vẫn là đêm trăng sáng. Trăng đảo điên
gãy gập trên dòng sông hung dữ. Từng gương mặt trăng lặn ngụp giữa dòng nước
réo gầm. Khuôn vàng chao đảo nhìn tôi mời gọi, ánh sáng phát ra tiếng cười
khanh khách. Khuôn vàng độc ác đẩy đưa ánh mắt cằn cộc của Công, đẩy đưa cả gò
má Trí tựa vai tôi hôm nào. Trí cầm tay tôi, hắt hơi thở thơm mùi nắng, mùi sữa
tươi lên làn da tôi đang thèm một giọt sữa. “Thân thể em là một nhành hoa sắc
màu rực rỡ ngào ngạt hương thơm”. Tiếng Trí sát gần vành tai, mùi thân thể nồng
ngái từ người chàng làm tôi muốn khuỵu xuống. Nước mát, bàn chân tôi chạm trên
lóng lánh trăng vàng. Tôi đạp mạnh, rõ ràng là nước, đang quấn lấy đôi bàn chân
mảnh dẻ của mình. Đôi bàn chân mà ai cũng nghĩ là mẹ đã bó cho tôi khi còn thơ.
Bởi bàn chân tôi bé tí từ gót đến ngón chân. Nhưng sao chân tôi lại không chạm
đáy, chỉ nhẹ hẫng bay trên mặt nước. Hình như tôi đang dẫm lên khuôn trăng, đạp
oằn dòng xoáy. Tôi nhìn xuống, có gương mặt chồng tôi với đôi mắt him híp nhìn
không chớp vào một con cá đang mắc bẫy. Đôi mắt Công cũng im lìm như dáng ngồi
của Trí dưới đáy sông. Sau lưng Công, Trí đang múa Lào. Bước chân ỏe ợt và bàn
tay xòe mở vụng về. Đôi chân tôi lướt tới gần Trí, tôi đạp chân mạnh hơn để
Công nghe tiếng, để Công quay lại. Tôi muốn chồng tôi nhìn thấy vợ mình hôn một
người đàn ông khác đắm đuối dưới lòng sông. Bàn chân nhỏ bé đạp mạnh hơn nữa,
có tiếng rớt vỡ. Dòng sông hung dữ cùng vầng trăng biến mất. Chiếc đèn ngủ vỡ
tan, một vài mảnh nhọn cắm vào gan bàn chân tôi nhói buốt. Đôi bàn chân ướt và
chiếc váy ngủ lạnh ngắt. Tôi chồm dậy bật đèn sáng trưng. Công không về, có lẽ
bộ nhớ anh điều tra ít vấn đề nên anh mất hàng giờ tìm tội ác. Bên ngoài cửa
kính, mặt hồ u ám giống một vực thẳm đen ngòm. Tôi lặng lẽ kéo rèm. Cúi xuống
nhặt mảnh vỡ của chiếc đèn ngủ, tôi bỗng nhận ra vết ướt trên mặt thảm, dấu bàn
chân nhỏ như bàn chân một đứa trẻ.
° ° °
Trí không múa điệu múa xứ Lào dưới
lòng sông trong giấc mộng của tôi nữa. Trí múa trên da thịt tôi những ngày sau.
Người đàn ông trắng trẻo, hình thức hấp dẫn luôn tán tỉnh, săn đón tôi với tác
phong đặc biệt lịch sự, đôi mắt lúc nào cũng thông thái mê dại. Chàng là nơi
tôi trao trút giấc mơ. Là nơi tôi trốn chạy tiếng còi hụ xe cấp cứu vang rền, vọng
đổ căn nhà nép sát hồ Gươm. Căn nhà sóng có thể chồm lên nuốt chửng bất cứ khi
nào. Mà năm nay, gió mùa về mạnh sắp sửa quật ngã gốc sấu trăm tuổi, quật ngã
căn nhà mang hình dáng hiện trường. Trong tiếng gió, tôi nghe có tiếng máu chảy,
tiếng oan hồn rên xiết, tiếng của những sinh linh oan uổng mà Công từng xét hỏi.
Lâu lâu, nhất là ban đêm, khi Công mang đôi mắt him híp đi rồi, gió quất vào da
tôi qua khe cửa nhỏ, cất giọng u u: “Chồng cô bị bệnh! Chồng cô bị bệnh!” Những
khi ấy, tôi sợ hãi vô cùng, sợ gió và sợ cả Công.
Hình ảnh chồng tôi với ánh nhìn vừa
như thảng thốt lại vừa tức giận mỗi bận tôi nhắc anh về chuyện lấy nhau đã ba
năm mà vẫn chưa có con làm buốt nhức từng đọt xương, gặm đau thân thể tôi. Tôi
đã lén đi bác sĩ làm đủ những xét nghiệm cần thiết. Bộ phận sinh sản của tôi
hoàn toàn bình thường. Công không làm tình nhiều, nhưng mỗi bận thường rất lâu,
và ào ạt xối xả bắn sâu tận cùng. Đến phút cuối, anh luôn nghiến chặt răng. Tôi
đinh ninh trong dòng nước đục ấy chắc chắn có những tinh trùng đang bơi lội
hung hãn, dữ dằn như ánh mắt của Công. Chẳng vì lý do nào tôi lại không thụ
thai được. Có lần tôi nửa đùa nửa thật: "Tinh trùng của anh cũng đã bị
thanh lý bộ nhớ nên chẳng còn biết gậm trứng". Anh gầm gừ trong cuống họng
như tiếng rít của loài thú. Tôi còn lại trơ trơ một nỗi buồn, một nỗi hoài nghi
và một thân thể dẻo thơm. Tôi muốn một bờ vai, muốn một lời nói dịu dàng xoa
thương xoa yêu, xoa đi tiếng gừ của Công đã làm tôi run rẩy. Bao giờ Trí cũng đến
thật đúng lúc. Điện thoại của Trí thường vào lúc tôi hoảng sợ nhất. Quấn mình
trong áo ấm, khăn len, tôi ào đến chỗ hẹn với chàng. Bước chạy của tôi lẫn
trong gió rít như cuộc rượt đuổi. Thân thể Trí mát rượi, trơn bóng. Chàng mơn
man tôi bằng hơi thở đầy kích động, thì thầm những lời thông thái, cho đến khi
tôi chín nhừ đi, không còn sức chống đỡ, chàng mới sôi sục đi vào. Tôi bấu riết
làn da trơn mịn của chàng, đu người nấc nghẹn. Thường khi xong xuôi, tôi có
thói quen mặc lại áo quần cho Trí. Những khi ấy, tôi thấy chàng in một đứa bé,
thôi hùng hổ thúc giục liên hồi mà bẽn lẽn nhìn những vết thít hai bàn tay
mình. Tôi đưa môi cắn nhẹ một lời xin lỗi. Chàng cười dịu dàng: “Cả cơ thể của
em in chặt anh, em có hôn ngàn lần cũng không xóa hết được đâu”. Miệng tôi giả
vờ cong lên hờn dỗi: “Những vết xước lâu dần thành vết loét, anh sẽ giống người
bị bệnh hủi, lúc ấy còn dám yêu em nữa không?” Chàng bịt miệng tôi bằng một nụ
hôn đắm đuối. Nhưng hình ảnh làn da Trí không còn trơn mịn mà đen cháy từng
vùng lở loét tự nhiên lởn vởn trong đầu tôi. Đến nỗi, những lần sau gặp chàng,
việc đầu tiên là tôi bắt chàng cởi áo đứng như một pho tượng để tôi khám xét những
vết cào do tôi gây ra có còn không. Để rồi một giờ sau, tôi lại tặng chàng những
vệt móng tay sung sướng tươi nguyên.
Công càng ngày càng vắng nhà nhiều
hơn. Đã thành thói quen, việc đầu tiên khi về, chưa kịp cởi áo khoác là anh tụt
váy tôi kiểm tra. Mà nào còn sót lại gì. Thân thể tôi vẫn vẹn nguyên, mùi người
vẫn nồng ấm, thứ mùi mà Công bảo, vì nó, anh cưới tôi làm vợ. Cỏ cây hoa lá mầu
mỡ tươi xanh. Hiện trường vụ án của anh không hề xáo trộn cho đến lúc anh vội
vàng nhưng kiểu cách nằm sấp lên tôi. Trong ánh đèn ngủ mờ mờ, đôi mắt anh in
hai vệt dài nhòm ngó. Khi ân ái cùng vợ, đôi mắt anh không bao giờ nhắm. Tôi
thường thoi thóp với ý nghĩ hân hoan mình đã lừa được điều tra viên giỏi nhất.
Đôi khi, bàn tay tôi cố tình cấu rách lưng Công, để cho da thịt anh lở loét, để
anh thành hủi. Công không biết, anh nói tôi đã làm anh thỏa mãn. Công không hay
biết việc tôi cố ý cấu rách người anh. Mà tôi cũng không thể nào đoán chắc. Đôi
mắt híp của Công không biểu lộ cảm xúc bao giờ. Tôi cũng không thể hiểu vì sao
tôi lại quyết định làm vợ một người đàn ông có đôi mắt như vậy.
Càng ngày tôi càng có cảm giác căn nhà
ven hồ của vợ chồng tôi sắp rớt xuống đáy thẳm. Giấc mơ về dòng sông hung dữ và
mặt trăng vàng kỳ quái vẫn hiện diện thường xuyên trong giấc ngủ của tôi. Chúng
đến những đêm Công đi công tác, những đêm gió mạnh hắt tróc mặt hồ. Nửa đêm tôi
hay choàng tỉnh bởi giấc mơ, và dấu của bàn chân nhỏ bé vẫn ướt thành một hàng
đều trên thảm. Tấm thảm màu nâu Tây rất đẹp mà người ta tặng Công khi chúng tôi
xây nhà. Cho đến một hôm, khi tôi rời chỗ hẹn với Trí, trở về căn nhà ảm đạm,
bàn tay vẫn còn mát lạnh bởi làn da của chàng, thình lình Công xuất hiện nơi
ngưỡng cửa. Tựa như anh bay đến trước mặt tôi mà không hề phát ra tiếng động.
Chiếc bóng anh ma quái. Cặp mắt anh băng giá. Mặt nước hồ lặng lờ đêm tối. Bàn
chân tôi đã nhỏ, bây giờ càng nhỏ hơn, cơ hồ không mang nổi cơ thể thanh xuân.
Công lạnh lẽo cất tiếng:
“Cô đi lại dáng đi vừa rồi của cô từ
phố Hàng Dâm về đây cho tôi xem”.
Tôi ngẩng mặt nhìn chồng, có một luồng
dũng khí chạy xuyên người. Tôi không phải là mồi theo dõi của Công, tôi không sợ.
“Em đi dạo quanh hồ. Em không ra phố
Hàng Dâm”.
“Linh hồn của cô đi dạo quanh hồ, còn
thể xác cô đến phố Hàng Dâm. Cô tưởng tôi không đọc thấy à?”
Giọng cười của Công vang lên ha hả.
Bàn chân tôi không thể nào nâng đỡ nổi thân xác bấn loạn và tiếng cười loảng xoảng
kim loại va đập. Tôi vừa quên mất Công có khả năng đọc thấu bộ nhớ kẻ khác. Từng
mạch máu, đường gân trồi ngược, xanh xám, hoảng sợ. Dường như gót chân tôi thu
bé hơn nữa và dần tan rã trong tiếng cười của Công. Dòng dũng khí khi nãy lặn
sâu vào da thịt co quắp. Bất thần, tiếng cười ngưng bặt đột ngột như khi mới cất
lên. Tôi chóng mặt lảo đảo. Cảm thấy cổ tay bị giằng mạnh. Lúc định thần được,
thân mình tôi nằm soãi trên mặt thảm phòng khách. Công bật tất cả các bóng đèn
có trong nhà, thứ ánh sáng ngạo ngược, thông minh nhưng dửng dưng tàn độc. Công
ngồi trên ghế, ngó tôi bằng cặp mắt không có tròng đen. Tôi lấy tay che mặt,
che thứ ánh sáng bệnh hoạn, thứ ánh sáng trắng đuỗng, nghê ngáo, thản nhiên. Có
một tâm thế sẵn sàng hứng chịu, có một tâm thế bất cần, tâm thế khi tôi không
còn tôn trọng người mình đã từng yêu thương nhất đang lan truyền dòng máu. Tiếng
mở ngăn kéo sột soạt cũng không làm tôi thắc mắc. Chỉ đến khi một luồng ánh
sáng mới quét rát mặt, tôi mới vội vàng dựng ngược. Một tay Công cầm chiếc đèn
pin, một tay lần mở cúc quần tôi. Không vội vàng, mỗi cử chỉ của Công điềm
tĩnh, ngón tay vờ mai mỉa. Bên ngoài gió đã ngừng, tôi chẳng còn trông thấy vực
thẳm mặt hồ sau cửa kính. Tất cả đã biến mất trong sự đe dọa của ánh sáng lóa rực
mà Công vừa khơi nhóm. Tôi bỗng sợ hãi, tôi muốn kêu cứu. Tôi muốn mở cửa để
trông thấy cành sấu già. Tôi muốn dẫm chân lên miệng vực thẳm mà gió lạnh và
đêm tối đã đào ngoài kia. Bàn tay của Công, ánh mắt của Công là của ai, không
phải của chồng tôi. Trong giây phút, tôi thấy luồng gió vô hình bay qua, luồng
gió tối sẫm như màu suy nghĩ của Công. Tối xám như tâm hồn dị dạng của chồng
tôi bây giờ. Tôi mím chặt môi, ghì hai hàm răng vào nhau sát sạt, không thể nào
lý giải được tại sao tôi lại làm vợ một người đàn ông có đôi mắt híp sùm sụp và
một linh hồn đen đúa bị gặm nhấm bởi triệu dò xét nghi ngờ. Mùa đông, ngày giữa
đông, đêm giữa buổi mà mồ hôi tôi tuôn túa ướt đầm.
Chiếc đèn pin trong tay Công bắt đầu
soi từ ngực.
“Da dẻ cô thần kỳ thật đấy, mới cắn
nhau với thằng trí thức ấy cách đây mấy phút mà không để lại vết tích nào. Hay
là tay nó bị liệt? Hay là anh chị vật lộn bằng mắt?”
Giọng nói như kim châm, gằn gừ theo
ánh sáng chiếc đèn pin rà soát khắp hang cùng ngõ hẻm. Tôi hụt mình trong tê dại.
Công biết tất cả, biết dáng hình thông thái của Trí, biết chỗ chúng tôi hò hẹn,
biết vợ anh đã cày bừa trên cánh đồng luyến ái cùng một người đàn ông khác.
“Cô mất bao nhiêu phút đứng dưới vòi
sen mà tịnh không còn dấu vết nào? Cả thảy cô chỉ ở trong căn nhà ấy một tiếng,
vậy chẳng nhẽ thằng ấy nó chỉ làm được mười phút? Trong khi tôi mất cả tiếng
thì cô van xin! Cô thật ngu ngốc, không biết hưởng”.
Tôi vùng mạnh hai chân. Tôi muốn đạp
tan tành lời nói thô bạo mai mỉa của Công, tôi muốn đốt cháy chúng thành than.
Tôi muốn cởi phăng áo, dướn ngực vào mặt Công. Tôi muốn tri hô: “Tinh trùng của
anh loãng như nước máy! Linh hồn anh là linh hồn của một con hủi!”. Đôi bàn
chân nhỏ tí buông bỏ tôi ngã vật ra như một xác chết. Công ngừng tay, ném toang
chiếc đèn pin, lặng lẽ tắt hết các bóng đèn và lặng lẽ ra khỏi nhà. Đôi mắt tôi
lại nhìn được qua tấm kính mặt nước hồ và những đợt gió ùa tràn ngọn sấu. Có lẽ
gió thoát ra từ tấm thân tôi.
° ° °
Vài ngày sau, khi tôi đang tắm, một
viên đá không hiểu từ đâu xộc đến làm vỡ kính, gió và mưa thốc thẳng vào thân
thể tôi bỏ ngỏ. Cơn mưa đá bất thường giữa mùa đông. Tôi không biết rằng cơn
mưa lạ lùng, trái ngược ấy cũng kéo theo những điều trái ngược cho cuộc sống của
mình thời gian sau. Mà không hẳn là trái ngược, có thể gọi một sự cứu rỗi, một
luồng ánh sáng lạ soi thấu bản năng ban sơ của tôi. Nhưng đó là chuyện của những
ngày sau. Còn sau khi run rẩy choàng mình trong áo len dày sụ, tôi đang lóng
ngóng tìm cách che chắn chỗ kính bị vỡ, thì chuông điện thoại reo. Trí gọi. Đôi
bàn chân tôi run mạnh, lạnh theo gió bấc thổi dần lên người.
“Sao em lại tránh gặp anh? Bất cứ chuyện
gì xảy ra anh vẫn sẽ ở bên em, bảo vệ em. Anh chẳng đã nói đời này, kiếp này em
phải ở bên anh suốt đời đó sao, nếu không anh sẽ thương nhớ những vết tay của
em mà thành con hủi”.
Tự nhiên tôi phát lên cười vì lời nói
bay bướm tựa đọc diễn văn của Trí. Chàng làm như tôi chưa là một người đàn bà
ngoài ba mươi đã kết hôn ba năm. Trí xem tôi như một cô nữ sinh trung học hết sức
ngây thơ. Nghe tôi cười, giọng Trí tự nhiên buồn bã.
“Hình như có chuyện xảy ra cho em, hay
em không được khoẻ? Anh cảm thấy lo lắng, em đừng cười như thế nữa”.
Giọng Trí buồn thật, tôi cảm được người
chàng đang chùng xuống và nhão ra. Lúc nãy tôi đã cười trên nỗi thương nhớ thực
lòng của Trí, lẽ nào sống chồng vợ với Công, tôi đã nhiễm căn bệnh không cảm
xúc nghiệt ngã? Tôi phải gặp Trí để chuộc lại lỗi lầm từ điệu cười độc ác mà
tôi nỡ bật ra ban nãy. Mặc kệ Công đã biết tất cả, mặc kệ mối nguy hiểm có thể
sẽ ập xuống đôi bàn chân mong manh của mình, giọng tôi lạc đi vì thở gấp.
“Em đến, em sẽ đến, chúng mình gặp
nhau ngay bây giờ anh nhé”.
Rồi đúng như thường lệ khi tôi mặc lại
từng mảnh áo quần cho Trí, khung cửa kính vỡ toang chát chúa. Tôi nhắm chặt hai
mắt quờ quạng, miệng bật gọi mẹ thảng thốt. Tôi không giải thích được tại sao tự
nhiên cửa kính phòng tắm nhà tôi và cửa kính phòng ngủ nhà Trí đều vô cớ bị hòn
đá làm bể toác. Có điều gì đó không bình thường. Dù cơn mưa đá trái mùa ngạo
ngược giữa đông đang trút hối hả, gió đập vào rào điên dại, nhưng hai ô cửa
kính bị vỡ vẫn là điều hoài nghi. Tôi đưa tay ôm mặt, tựa như một niềm xấu hổ
khi nghĩ đến việc mình bị lây căn bệnh nghi ngờ từ Công. Và cũng chính lúc ấy,
tôi biết lòng bàn tay mình đang chảy máu vì đụng nhằm miểng kính vỡ. Trí đã tự
mình mặc xong áo quần, cũng như tôi ban chiều, chàng tìm cách che lại ô cửa vỡ,
ngăn gió mưa bên ngoài vẫn gầm rít từng cơn. Trong ánh đèn ngủ màu tím, thân thể
tôi trắng tái. Trí không nhìn thấy máu trong lòng bàn tay tôi, vẫn không ngừng
chảy. Tôi đành phả tay vào miệng, bước khỏi giường tìm áo quần mà trong cơn
say, tôi vung vãi đâu đó trong căn phòng. Tôi cũng không biết mình dùng miệng
mút máu ở bàn tay hay dùng tay bịt miệng khỏi phát ra tiếng nấc. Khi Trí loay
hoay che đậy xong mảng kính bị vỡ toác, chàng quay mặt về phía tôi, máu đã tràn
qua bàn tay rớt giọt xuống nền. Tôi thấy mình được bế lên, được cưng nựng, được
băng bó. Trí vừa làm, vừa xuýt xoa.
Nhưng khi Trí mở cánh cổng để tôi cầm
chiếc ô màu đỏ bước khỏi căn nhà, lòng tôi chùng xuống mãi mãi. Chùng đến nỗi,
nó không bao giờ còn nấc lên nổi trong căn nhà ấy, với người đàn ông da dẻ mát
rượi ấy, hay với người đàn ông choàng áo mưa màu xám đang đứng dưới gốc cây cổ
thụ, trước cổng nhà Trí. Trước cổng ngôi nhà tôi vừa say đắm, vừa hoan lạc, vừa
phạm tội, cơn gió độc đã thực sự thổi xuống đời tôi. Chính tôi đã tự mời nó đến,
tôi không thể đổ tội cho bất cứ một thứ số phận nào. Người đàn ông choàng tấm
áo mưa màu xám, dù đứng từ xa, dù gió mưa phả từng cơn quất ngang quất dọc mịt
mùng, tôi vẫn nhận ra là Công. Bởi đôi mắt nhỏ him híp đang phát ra một vùng lửa
rực hờn. Vũng lửa màu đen, tối, tàn khốc, man rợ. Vùng chạy khỏi cánh cổng, cả
tôi lẫn chiếc ô đỏ tơi bời trong mưa gió. Tôi bỏ lại sau lưng hai người đàn
ông. Cả hai đã biết rõ từng phân vuông, đường lõm, lông măng cơ thể tôi. Trong
lúc này, bỗng dưng tôi kinh hãi cả hai. Công thì đã đành một nhẽ, tự dưng tôi
kinh hãi luôn cả Trí, người đàn ông luôn chiều chuộng tôi với tình cảm sướt mướt.
Tôi biết linh cảm của mình luôn luôn đúng. Bước chạy càng nhanh hơn. Đôi bàn
chân của một đứa bé tôi mang dưới người toạc từng miếng đau đớn.
° ° °
Con tàu đi về hướng Nam, mải miết. Tôi
không rõ mình đã đi qua bao nhiêu ga lớn nhỏ, bao nhiêu người bán hàn rong đã mời
mua bánh trái. Chỉ biết, giờ đây, khi tôi thức giấc với cặp mắt tươi sáng vốn
có, tàu đang chuẩn bị xuyên qua hầm đèo Hải Vân. Tôi vừa trải qua giấc ngủ mề mệt
trăm giờ. Ngay cả khi tôi xách va li lầm lũi bước ra ga, tôi cũng không còn thức.
Chỉ biết tôi cần phải đi khỏi thành phố, xa mặt hồ nước đen, xa gốc cây sấu già
nua lá cành tàn tạ, xa bản hòa âm tiếng hụ còi xe cấp cứu lẫn với âm thanh gió
rít. Không ai đưa tiễn tôi. Khi tôi bước chân khỏi cánh cổng màu nâu, gió ngừng
bặt. Nước hồ lặng im, buồn rười rượi. Vắng lặng quá đỗi. Vắng lặng như tâm hồn
tôi. Trái tim không còn chỗ để đau, trí não không còn chỗ để suy nghĩ. Tôi
không biết tất cả thế giới này khi bước chân khỏi cánh cổng. Không biết vì đã
biết quá rõ ràng. Sự thực mà tôi không thể tin, không thể đối diện. Khuôn mặt vốn
sáng sủa, thông minh của Trí mới thảm hại làm sao. Đầu cúi thấp, Trí trông chẳng
hơn gì một con chó mới bị đánh đòn.
“Em đừng đến gặp anh nữa. Anh sợ lắm,
anh muốn yên lành”.
Giây phút ấy, tôi đã định gào lên. Sao
mới hôm qua Trí còn nói dù có bất cứ chuyện gì chàng cũng sẽ ở bên tôi mãi mãi.
Sao Trí không dám nhìn thẳng vào mắt tôi như khi ân ái, như khi nằm trên mình
tôi xuýt xoa hư hử mỗi đường nét gợi tình? Nhưng rồi tôi vẫn còn một chút tỉnh
táo. Lời nói, chỉ là lời nói mà thôi. Nếu trên đời, ai cũng giữ lời hứa, làm gì
có nhiều bất hạnh đến thế, làm gì có nhiều người tự vẫn đến thế. Sự im lặng nặng
nề bao trùm hai cốc nước, bao trùm cả quán nước. Trí không một lần ngẩng lên
nhìn vào mắt tôi, cũng không giải thích một lời. Làn da Trí tím tái, đen đúa,
thâm sì. Tôi thoáng rùng mình. Tôi nhìn xuyên qua làn da lục bục nổ của Trí, một
đám vi trùng đang len lách, ngoi ngóp len vào trái tim chàng. Làn da đùi của
tôi hình như cũng lụp bụp sùi lên từng hạt giống trời mưa bong bóng. Đôi bàn
chân Trí co rúm, tôi gắng gượng đứng dậy đừng khuỵu ngã. Trí không nói ra song
tôi mường tượng rõ ràng chuyện gì đã xảy ra. Thái độ hèn nhát, cùi gằm mặt của
Trí lúc này không làm tôi ngạc nhiên đến phải kêu gào. Không còn nghi ngờ gì,
chồng tôi, người chồng làm cái nghề kỳ cục đã gieo rắc vi trùng cho Trí. Tôi
nhìn thấy chúng ngo ngoe trong cái đầu cúi gằm của Trí, trong ánh mắt len lét,
trong làn da bỗng dưng nhăn nhúm. Đôi mắt to sáng của Trí giờ đây sùm sụp, hin
hít, không khác mắt Công là mấy. Chẳng có gì ngạc nhiên, bởi Công đi đến đâu, sẽ
làm người khác lây nhiễm tính cách kỳ cục đến đấy. Tôi còn nhớ hồi mới kết hôn,
có một chuyện làm tôi thắc mắc mãi, cho đến sau này, hơn một năm chung sống với
Công, tôi mới tìm được câu trả lời. Tôi thích ăn ngô luộc, những bắp ngô nếp
non tươi mởn, cắn phập tứa nước. Người đàn ông nhà quê bán ngô luộc quen lệ cứ
tối đến lại đứng rao trước cổng nhà. Bất thần buổi tối hôm ấy, Công đứng lại
nói chuyện với ông ta rất lâu khi vừa về tới. Khi tôi nghe tiếng to tiếng nhỏ
chạy ra, người đàn ông nhà quê đã đạp xe đi khuất. Chiếc thùng đựng ngô luộc của
ông ta tự nhiên dị dạng kỳ lạ. Cả chiếc áo bộ đội sờn cũ ông ta mặc cũng biến ảo
trước mắt tôi. Hai ngày sau, vô tình gặp ngoài cổng chợ, ông ta cười hềnh hệch.
Khi đưa ngô, cố tình đụng tay vào sườn áo tôi và còn thách giá với cái giọng
mưu mô đáng ghét, cái giọng không phải của người nhà quê. Sau này thì tôi hiểu
được chuyện ấy, và lúc này, tôi lại càng hiểu rõ hơn. Trí từ từ đứng dậy, đôi mắt
vẫn cúi cụp, cất tiếng như vịt đực:
“Thôi, anh về đây, em nhớ là từ nay
chúng ta nếu có vô tình gặp nhau cũng xem như chưa bao giờ quen biết nhé”.
Dáng đi của Trí khom khom co rúm xa dần
trước mắt, tôi thốt nhiên buông một tiếng thở dài bất tận. Nó như tiếng khóc
tôi đã bật ra vào buổi sáng cùng ngày. Tiếng khóc không bật ra từ miệng mà thét
lên từ tâm hồn thương tổn, từ nỗi hoảng loạn đã có sẵn rất lâu. “Từ hôm nay cô
bắt đầu ở nhà. Để làm tự kiểm. Đến khi nào cô trở thành người đàn bà ngoan, cô
mới được bước chân ra ngoài xã hội”. Tôi khóc, tôi khóc như điên dại, và tôi bước
chân ra khỏi nhà. Tôi không thể ở nhà để trở thành cổ máy, vả lại Công không thể
ra lệnh cho tôi theo kiểu như vậy. Cho dù tôi có lỗi đã không chung thủy với
anh. Nhưng một ngời chồng như Công không đáng được hưởng sự chung thủy cao đẹp.
Tôi không nghĩ mình là người đàn bà hư hỏng. Tôi cần tình yêu, tôi cần sống đời
sống của con người. Tôi muốn bỏ tất cả, tôi sẽ sống với Trí. Nhưng rồi dáng đi
khom né của Trí là cơn gió độc đưa tôi vào trạng thái mê man. Và bây giờ, tôi tỉnh
giấc trên một khoang tàu đang xuôi Nam, cạnh chiếc va-li im lặng.
Tàu xuyên hầm đèo Hải Vân, tôi lại mơ
màng ngủ. Tôi có linh cảm, bên kia, ánh sáng đang chờ đợi tôi, chờ đợi để tưới
thấm đẫm trái tim bị thương tổn nhưng vẫn thịch đập mê cuồng. Tôi hay có những
linh cảm kỳ lạ. Đoàn tàu chuẩn bị thoát khỏi hang đen, vùng ánh sáng chói lòa
phía trước hắt tới tấp.
° ° °
Sau này tôi vẫn không thể lý giải được
tại sao mình xuống tàu ở ga Quy Nhơn rồi đáp xe lên vùng đất đỏ cao nguyên.
Cũng vậy, tôi không thể lý giải vì sao mình bước chân lên thượng nguồn con sông
Ba một đêm trăng sáng trắng núi rừng, tôi không hề có bất cứ toan tính nào. Làm
sao tôi có thể ước đoán, có thể toan tính là tôi sẽ gặp người đàn ông ấy. Lại
là một người đàn ông, cuộc đời tôi trợt dài theo những người đàn ông.
Người đàn ông hiện ra rõ ràng hình
dáng. Hai cườm tay lui khui, ngúc ngoắc bấu xé, vằng đập thân thể cường tráng
nhưng tan hoang nhiều chỗ lỡ nham nhở. Một cườm tay hơ hoác, một cườm tay chỉ
còn hai ngón đeo lúc loác đang quờ quạng cấu xé man dại. Cường độ tiếng hét lên
cao mãi, tôi có cảm giác nó xuyên qua, vọng thấu cánh rừng nguyên sơ, về nơi
đâu đó xa lắm. Về nơi tạo hoá, thượng đế đã nặn ra con người và cũng nặn tặng
cho con người nỗi khổ đau. Tiếng hét thấu đến tận cùng. Tôi bước đến thật gần,
người Thợng vẫn không hay biết. Dường như sự đau đớn cùng cực là tất cả đối với
ông ta lúc này. Tiếng thét câm bặt. Tôi bỗng hãi sợ vô cùng. Máu ngừng chảy, từng
đường gân lòi ngược da thịt. Tiếng kêu bật khỏi miệng tôi run rẩy. Hai bàn chân
tôi là cái đuôi con thạch sùng bị lìa đứt. Tôi bay trong bóng tối nhờ nhờ và
dòng sông trở nên đen ngòm trồi trật cuộn xoáy bên mình. Thời gian đứng im. Tôi
dỏng tai nghe ngóng. Tiếng động rất gần và tiếng nói mơ hồ, tựa lời cưng nựng,
lại tựa giọng gầm gừ đe doạ. Rồi mây đen cũng trôi qua, vầng trăng lại rắc ánh
sáng tràn trề. Hình ảnh đầu tiên là một đôi mắt. Hai tròng đen thăm thẳm u hoài
tỏa ra thứ ánh sáng mà ở thành phố tôi chưa bao giờ trông thấy. Trìu mến. Và
chân thật. Phút chốc, tất cả nỗi hãi sợ ban nãy bay biến, dòng sông bỗng trở
nên khắn khít, hiền hoà, trong dìu dịu trăng vàng, lung lay vạt cỏ reo hát.
Thiên nhiên thanh bình tuyệt đối, sự thanh bình mà chỉ tình người mới có thể
mang đến. Bao nhiêu nỗi buồn, sự uẩn ức trong tôi dãn ra đột ngột. Lòng tôi như
một nương ngô nẩy bắp tươi tốt sau cơn mưa rừng hối hả. Người đàn ông vẫn nhìn
tôi trìu mến. Dưới ánh sáng của vầng trăng đêm, bây giờ tôi ngó kỹ, làn da nâu
bóng và trên hết, đôi mắt to đen bất tận. Cái nhìn của một con người. Không phải
đôi mắt sưng him híp nghi ngờ của Công, không phải đôi mắt ướt nhẹp ươn hèn của
Trí. Lạ thay, tôi không còn sợ đôi cánh tay bị bào nhẵn của ông ta như ban nãy,
hai cườm tay trống rỗng chỉ còn trơ lại vài ngón quơ quạng, tự cấu xé thân mình
rách bươm tóe máu.
“Chào chú. Tôi mới ở ngoài Bắc vào
đây. Phong cảnh vùng này đẹp quá”.
Đuôi mắt người đàn ông khẽ rung lên
vài nhịp, rung nhẹ như dây đàn vô hình.
“Chú tên gì, nhà chú có gần đây không?
Sao khi nãy chú hét ghê thế? Có phải chú bệnh hủi không?”
Sau này trở lại, ông nói cho tôi biết
về sự đau đớn cùng cực thể xác mỗi đêm trăng sáng của những người Thượng bị hủi,
tôi mới biết tại sao ông lại múa máy dưới trăng và hét lên thảm khốc đến vậy. Mới
hiểu tại sao khi tôi hỏi câu hỏi ngu ngốc ấy, ánh mắt ông đã bỏ chạy bằng bước
chạy rối rít dây leo. Một ngày, tôi đem thắc mắc của mình trút vào đôi mắt người
đàn ông:
“Trăng sáng chiếu vào vết thương sẽ bị
đau đớn hơn, sao chú lại ra giữa rừng núi nơi ánh trăng soi rọi mà hứng chịu?
Người như chú rất sợ nước, sao chú lại đến gần sông Ba đêm trăng sáng?”
Đuôi mắt ông hằn in nhiều rãnh nhăn.
Miệng ông thoáng một nụ cười. Cũng có thể do tôi hoa mắt, chứ khuôn mặt ông vẫn
buồn vàng như màu hoa quỳ trơ trơ nở trên đồi cao. Đôi cánh tay thương tích, lở
loét được buộc chặt bởi miếng vải màu nâu đưa đi đưa lại mũi dao xỉn cũ. Tôi
không thể hiểu làm sao chỉ với bàn tay còn hai ngón, ông lại có thể tỉ mẩn vót
nan và đan được những chiếc gùi chắc chắn nhường vậy. Nhìn ông làm, tôi cứ nghĩ
ông vót nan không phải bằng cách thông thường nhưng bằng trái tim, niềm tin của
chính mình. Mỗi vệt dao đưa là một hơi thở hắt đi muộn phiền, đẩy dội ngược âm
u của núi rừng. Tôi lấy một que nan cạo cạo lên cánh tay mình, ông giằng lấy thảng
thốt:
“Đừng đụng vào. Không tốt đâu”.
Giọng nói nặng như hơi thuốc rê, nghe
như tán cây rừng đang rì rào trên núi cao trước mặt, như hương hoa quỳ nồng đậm.
Không chủ ngữ, nhưng tôi nghe thân thiết biết chừng nào. Tôi hiểu, ông không muốn
tôi đụng vào những thứ ông đã cầm, ông lo lắng cho tôi. Cũng như ông đã ngăn
không cho tôi bước lên nhà sàn, nhưng tôi đã nhìn ông bằng cặp mắt van lơn, khẩn
khoản của loài nai rừng. Ông không thể chối từ, đành ý tứ ngồi xa.
“Chú chưa trả lời tôi sao chú lại tự đầy
đọa mình vào đêm trăng sáng”.
Ông vót nan tre mạnh hơn. Mắt ông nhìn
vào cánh rừng trước mặt. Trong đôi mắt chứa đựng thống khổ tận cùng.
“Tắm trăng để cái đau nhiều hơn. Gần
nước để cái ngứa tận tim”.
Người đàn ông nhìn tôi ân cần, ánh mắt
như muốn nói ông chịu đựng nỗi đau cho con cái có cái ăn, cái mặc từ những gùi
nan bán lấy tiền này. Tôi muốn hét lên: Người đáng phải chịu bất hạnh như vậy
không phải là ông. Nếu trên đời có Chúa, có Phật, có Giàng, người tốt được gặp
điều tốt thì kẻ phải chịu nỗi cào xé thân xác không phải là ông. Phải là những
kẻ giả dối, lừa đảo, ma quái, mặt xanh nanh vàng dưới thành phố, phải là Công,
phải là hàng triệu người đang dối trá dưới kia. Tự dưng nước mắt tôi chảy tràn
gò má, tự dưng tôi mang mặc cảm xấu hổ. Xấu hổ vì là vợ Công, vợ một người đàn
ông chuyên rình rập những tâm hồn. Tôi chạy xiêu vẹo xuống những bậc thang
chông chênh của nhà sàn, nước mắt nhỏ ướt đầm các phiến gỗ. Được một quãng, tôi
bắt gặp một toán người Kinh ăn mặc lịch sự chặn đường. Cô gái có mái tóc nhuộm
vàng, nước hoa thơm lừng khiến tôi bỗng muốn nôn oẹ.
“Chị mới đến buôn người hủi phải
không? Chắc là sợ quá nên mặt mũi tái xanh tái xám. Sao chị bạo gan thế, dám đi
một mình, nhỡ bọn hủi nó lấy hết tiền, hãm hiếp thì sao?”
Hai mắt tôi đỏ như hai tròng lửa, tôi
muốn bóp chết đứa con gái thị thành vừa ăn nói nhăng cuội. Cánh rừng trước mặt
thấm đẫm màu mắt to buồn. Tôi vùng chạy nhanh hơn, bàn chân nhỏ bé tứa máu. Tôi
cũng chỉ là một người Kinh như đứa con gái kia. Tất cả chúng tôi ở thị thành đều
như thế. Tôi cũng ưa ăn ngon, mặc đẹp, cũng đã sợ hãi những người Thượng hiếp
mình... Cứ thế, tôi chạy hối hả về thành phố, về căn nhà gạch Tây sát ven hồ.
° ° °
“Cô nghĩ cuộc sống bên ngoài ngôi nhà
này tự do lắm ư? Cô tưởng rời tôi ra là cô sẽ thành ngay một người tốt được ư?
Cô sẽ phải ở bên cạnh tôi suốt cuộc đời, bởi vì cô đã làm vợ tôi, đã chia thân
xác cô với tôi. Cơ thể của cô là cơ thể của tôi. Cô ghi nhớ kỹ điều đó để mà
nghiền ngẫm”.
Tiếng vợ được đôi môi mỏng quẹt của
Công kéo dài lỏng thỏng như một miếng bánh nếp. Khi tôi từ Tây Nguyên trở về,
màu gạch Tây của căn nhà đã hóa đỏ sậm, màu cánh phù du. Chỉ có tôi mới hiểu
màu phù du trông thế nào. Hồ Gươm câm lặng, gió bị suy hô hấp, không khí như một
nồi cháo đặc. Mà tôi chẳng bao giờ thích cháo. Tôi cũng trở nên câm lặng như nước
hồ. Câm lặng thản nhiên trước bóng gió mạt sát của chồng. Tôi cũng chẳng còn cảm
giác gì khi Công lột quần lót kiểm tra mỗi tối. Cây sấu già nhìn tôi cong queo,
khô héo. Tôi nhắm mắt chịu cho trí óc được thanh lý sạch sẽ. Thấy tôi câm nín,
Công tỏ ra hài lòng, cho đấy là sự phục tùng khuôn phép. Tôi biết mình không phục
tùng khuôn phép nào và cũng không nổi loạn đập phá. Tôi biết tôi cần tồn tại.
Đêm đêm, khi Công vắng nhà, tôi ngồi bên cửa sổ ngắm mặt hồ đen tối rồi nhìn ngắm
ngôi nhà trống hoác. Căn nhà có trí nhớ không? Hiện diện bao đời mà không hề có
dấu vết người sống? Khi Công cho xây thêm lầu, chắc hẳn anh cũng đã điều tra tịch
biên tất cả quá khứ của từng viên gạch. Tôi nằm ngửa giữa lòng giường không có
kỷ niệm, giấc mơ dòng sông với khuôn trăng vàng không còn in trên trần. Dấu
chân của đứa bé cũng không còn làm ướt mặt thảm mỗi đêm. Tôi đã không còn thức
trong khi ngủ. Tôi đang biến thành vật vô tri như Công muốn.
Rồi lại đến ngày rằm, trăng dại vàng hồ
nước. Tôi ngồi trong bóng tối nhìn ra mặt hồ nhớ quay quắt trăng rừng. Hình ảnh
người đàn ông có làn da thương tích, tơi tả múa may dưới trăng và hét lên tiếng
hét thống khổ hiện ra từ từ. Giống như Công không thể thanh lý những hình ảnh của
buôn Thượng, từ những căn nhà sàn đến cả tấm biển cắm trước buôn hoen rỉ vì mưa
cao nguyên cảnh báo người Kinh hãy tránh xa. Công không đủ sức xóa Làng Hủi
trong trí nhớ của tôi còn sáng ánh trăng đại ngàn.
Công về nhà giữa lúc trí nhớ tôi đang
phục hồi. Công nhận ra ngay tức khắc. Như một con thú, chồng tôi vật tôi như vật
một con mồi. Đôi mắt chỉ còn là hai vệt đỏ lục lọi da thịt tôi tan nát. Không cởi
tất, cứ thế Công chồng lên tôi, chọc sâu tàn nhẫn. Tôi càng đẩy Công ra, Công
càng cứa như dao đâm. Không phải đâm mà anh đang chích vào người tôi những con
trùng làm công tác hủy hoại bộ nhớ. Tôi nín lặng, mặc cho Công quay lộn, mài
dũa. Tôi kháng cự bằng cách nghĩ đến gương mặt khổ đau của người đàn ông Thượng.
Tôi thấy rõ trí nhớ tôi tan vữa dần dần sau mỗi cú thọc sâu của Công, chỉ có
buôn Hủi, làng Hủi, và người đàn ông Thượng tồn tại. Khi Công chấm dứt, tôi
không còn nhớ gì hết, kể cả mười móng tay vừa cấu nát lưng Công. Tôi nhìn chúng
xa lạ không hiểu đã xảy ra chuyện gì ban nãy. Ngoài kia, ánh trăng đại ngàn vẫn
ngời ngợi lung linh bên trên những con người thành phố thơm nức, sạch sẽ nhưng
không trí nhớ. Tôi quyết định ra đi.
° ° °
Ngày tôi quay lại căn nhà sàn heo hút
nằm giữa đại ngàn, nơi dòng sông Ba hung dữ nhưng nồng nàn đi qua, người đàn
ông Thượng lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Trong đôi mắt to u mặc như mênh mông Biển Hồ,
có một chút vui mừng thầm lặng. Ông ngừng tay đan lát, nhìn tôi trầm ngâm:
“Sớm mai mà trời chưa nắng. Đường sá
hơi bẩn, mùa khô mà đường lại bẩn... Cây rừng bị kẻ xấu đốn nhiều quá. Cánh rừng
bên kia sông Ba, cánh rừng ngày xưa săn được con mang to nhất bây giờ trọc trụi.
Người giày đen không biết giữ rừng...”
Những lời ngúc ngoắc không ra đầu ra
đũa của ông làm tôi nhớ chuyện trên đường vào đây đã gặp mấy xe chở gỗ ngang
nhiên chạy tung đất đỏ về xuôi. Tay tài xế thò bộ mặt đỏ gắt ỡm ờ trêu chọc tôi
mấy câu tục tĩu. Nhưng đấy là chuyện của người Kinh, bây giờ tôi chỉ muốn được
ngồi cạnh ông, được nhìn ông dùng hai cùi tay sứt sẹo đan những chiếc gùi, được
nhìn vào đôi mắt to đen của ông, được hưởng cảm giác thanh bình của thiên
nhiên, không còn lo sợ đôi mắt hìm hịp soi xét của Công. Bắt gặp ánh mắt đầy khắc
khoải của tôi, ông thôi đi lại lăng xăng bằng đôi chân khập khiễng bị rụng hết
ngón. Ông ngồi xuống bậu cửa, lại húi húi với bó nan tre, chừa ra một khoảng
cách nhất định giữa tôi và ông. Lòng tôi tràn lên cảm xúc gần gụi không ngờ, một
cảm giác ấm áp, an lành. Tôi ước có thể chia cho ông những ngón tay của mình,
chia chung với ông những ngón chân của tôi, giúp ông làm người lành lặn, để ông
lại vào rừng săn con mang con hoẵng, để ông trông coi những cánh rừng hùng vĩ
khỏi bao kẻ giày đen đốn ngã. Ngồi trên bậc nhà sàn giữa núi rừng trong lành,
tôi thấy mình trở lại nguyên hình một đứa trẻ. Rõ ràng đôi chân tôi không còn
quá nhỏ nữa mà đã cân đối với hình hài. Tôi đang thun lại thành một đứa bé
trong sáng, đang được một con người yêu thương. Tôi ngồi bên ông dưới nền trời nhiều
mây, gió lạnh làm tôi khẽ rùng mình. Nghe tiếng ho của tôi, ông dừng tay, quay
lại. Chao ôi, cái nhìn của ông, chỉ có thể là cái nhìn của con người mang tâm hồn
rộng mở nhất. Trong đôi mắt ông, tôi thấy sự lo lắng của mẹ khi tôi ốm, nỗi buồn
của cha khi tôi bị gãy chân vì tai nạn xe máy, cùng tất cả những tình thương
tôi từng được hưởng. Ông nhìn quanh gian nhà sàn tìm chiếc chăn len. Nhưng rồi
ông quay mặt đi ngay tức khắc, gương mặt ông buồn đến chao lòng. Ông không dám
đưa cho tôi chiếc chăn len ông đã đắp. Ông không muốn lây bệnh cho tôi. Tấm
lưng của ông rung lên, và chính ông bật ra những tiếng ho đau đớn, bất lực, tưởng
như bật máu tươi rách nát vòm họng. Chúng tôi cứ thế yên lặng xao xuyến suốt buổi
sáng. Ông không hỏi, không nghi ngờ, không dò xét điều gì. Lâu lâu, ông liếc
nhìn tôi. Trong đuôi mắt ông, tôi thấy có nụ cười, thật hiền. Dường như ông hiểu
được mọi điều trong lòng tôi. Đến trưa, nắng lên muộn màng, ông cất tiếng phá
tan yên lặng:
“Chắc là đói bụng. Để tôi luộc bắp”.
Tôi chợt ngã người nắm lấy cánh tay
ông. Tôi không muốn mất giây phút này. Cánh tay ông hốt hoảng rụt vội, đôi mắt
ông thảng thốt nỗi lo sợ. Tôi giữ chặt không cho ông chạy, hơi ấm từ cánh tay
ông lan tỏa cơ thể tôi. Không phải làn da trơn trợt mát rượi của Trí, hay thô
nhám của Công, nhưng là làn da dịu ngọt. Tôi đưa hai bàn tay mười ngón lành lặn
của mình vuốt ve bàn tay ông. Ông không vùng ra nữa, mà nhìn tôi nửa van xin
buông tha, nửa xúc động. Cứ thế, tôi nắm tay ông, quên mất ông đang mang căn bệnh
trầm kha, bị cả xã hội này xa lánh, tôi không còn nhớ cây sấu già bên ngôi nhà
gạch Tây. Tôi chỉ còn biết có yêu thương, chỉ còn biết bên ngoài, nơi cánh rừng
nguyên sơ, bầy chim đang hoan ca vang trời. Sau buổi sáng ấy, ông tặng tôi một
bó hoa quỳ vàng ươm.
° ° °
Trí óc non nớt của một ngời đàn bà sống
bằng tình cảm như tôi không lường được việc Công đang có mặt trên cao nguyên.
Người chồng làm cái nghề kỳ cục của tôi đâu phải kẻ ngu đần. Tôi đồ rằng những
con trùng ăn sâu, chui nhủi trong trí não, nhằn nhai trái tim Công cũng mang
đôi mắt him híp, sùm sụp như chủ nhân của chúng. Không thể phủ nhận chồng tôi
là một người đàn ông thông minh và tinh nhạy. Tinh nhạy để biết được vì sao tôi
đang ở cao nguyên, thông minh để chỉ cần một vài chi tiết, Công ngọn ngành hết
đường đi nước bước của tôi. Chẳng khó khăn chút nào với một người chuyên theo
dõi trí não kẻ khác. Cảm xúc cuộn phăng đi, tôi không lường trước những việc có
thể xảy ra, cho đến khi chồng tôi xuất hiện ngay tại căn nhà sàn vào buổi sáng
hoa quỳ đang óng ánh. Sơ mi là trắng kệch cỡm tương phản với màu đất, Công bất
thần hiện ra trên bậc thang gỗ với ánh mắt nghiệp vụ.
“Cô vui thú quá phải không nào?”
Bất động bên ôm hoa quỳ vàng rực rỡ,
thân mình tôi hóa đá. Lạ quá, vui quá, đối với Công là một trò chơi, còn với
tôi, là tất cả. Ôm hoa quỳ hái trong sương sớm tôi mang đến ngôi nhà sàn nhỏ bé
này cùng chắp với hoa quỳ của người đàn ông. Tôi muốn gầy một mùa xuân chưa hề
có dưới phố.
“Cô khai báo cho tôi biết cô làm cái
gì ở đây?”
Không còn là tiếng nói của chồng tôi nữa
mà là giọng hỏi của một điều tra viên. Chân tay tôi bỗng líu ríu. Gió sắp rít
gào, mưa giông sắp đổ. Trước mắt tôi hiện ra những giọt mưa đá lạ lùng hôm nào
giữa lòng thành phố trong ngày mùa đông. Tôi ớn lạnh, tôi cần phải đi, cần phải
tìm chỗ ẩn náu. Tôi chạy xuống những bậc thang căn nhà sàn không nghe tiếng gọi
của người đàn ông Thượng. Tiếng thét đớn đau bên bờ sông Ba đêm trăng sáng sắp
được lưu trữ trong hồ sơ các bộ nhớ cần thanh lý của chồng tôi. Rồi ông sẽ
thành như Trí, như gã bán ngô luộc.
Tôi chạy vào đất đỏ, tôi chạy vào cây
lá, tôi chạy dẫm lên cõi u mê mênh mang hoảng sợ cho đến khi một rừng hoa quỳ
vàng ươm phủ kín.
“Giết mày, đâm chết mày như đâm con
mang. Lột da đầu mày làm mũ đội. Róc xương mày nấu cao uống. Mày là đồ khốn nạn,
mày là bọn giày đen bẩn thỉu!” Rừng vang lên những lời tục tằn, lá phát những lời
thô lỗ của ông xua đuổi. “Mày, chính mày đã mang thằng giày đen bẩn thỉu đến
đây làm bẩn thỉu mảnh đất của tao, bẩn thỉu cánh rừng của tao, bẩn thỉu dòng
sông của tao”. Tôi ngã xấp trong tiếng kêu hoảng hốt của hoa qùy. Tai tôi u u.
Tai tôi mang bệnh. Mắt tôi mang bệnh. Căn nhà sàn mang bệnh. Có đúng là ông
không, người đàn ông tôi đã gặp hôm nào bên dòng sông Ba, người đàn ông đã nhìn
tôi bằng cặp mắt xót xa âu lo, đã rơi nước mắt khi tôi cầm tay? Chồng tôi đã biến
ông thành một người thành thị. Không, không thể như vậy được. Từng bông quỳ vẫn
hắt ra thứ ánh sáng lóng lánh. Gió lao xao, chúng như xâu xé mình tôi. Tự nhiên
các đốt ngón chân tôi râm ran ngứa. Đưa tay gãi đến đâu, cái ngứa càng lặn sâu
vào da, tôi càng rồ người lên đến đấy. Thân thể tôi phong hủi rồ dại và hoa quỳ
thôi vàng trong mắt.
“Nhai lá đắp cho anh ta bớt đau”.
Ông vẫn ngồi đó đan lát. Bàn tay cụt đốt
quặp vốc lá rừng chìa tới trước. Công đang lăn lộn trên đất. Tôi nhìn kỹ Công
không hề có vết tích của hành hung nhưng anh oằn oại mắt trợn ngược. Khắp mình
Công không nổi sẩy, không lên ban nhưng anh cũng rồ dại y như tôi ban nãy. Tôi
vụt hiểu, Công đang phát chứng hủi vô hình của người Kinh.
Tôi không sợ nữa. Tôi trở lại vì tin
vào tâm hồn trong sáng của người Thượng. Tôi muốn nói Công không có khả năng tẩy
xóa ánh trăng đại ngàn, ánh trăng được toàn nhân loại trông thấy. Nhưng ông đã
đưa tôi nắm lá.
“Nhai đắp cho anh ta bớt đau”.
Mùi hoa quỳ bỗng dậy trong miệng tôi.
Chất diệp lục tố của từng chiếc lá đắng mà ngọt ngào. Những chiếc lá tan trong
máu huyết tôi vừa thanh sạch với mùi thơm tho như khắp châu thân tôi đang đơm
nhụy, vừa kết những bông hoa vàng. Tôi cúi xuống bên Công. Tôi ngồi xuống cạnh
chồng giữa một nền trời thinh không bát ngát hương quỳ.
Hà Nội, 10-2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét