Thành Cát Tư Hãn là người lập quốc Đế quốc Mông Cỏ, sau được truy tôn là Nguyên Thái Tổ. |
12. Chương VI Thời Quân Chủ
Giai Đoạn sau
Hán suy, Hồ mạnh
Dưới Sự Thống trị của Mông Cổ
Nhà Nguyên (1277 - 1367)
Tổng Quan
Tới đây chúng ta bước vào một giai đoạn mới của lịch sử Trung
Hoa mà có sử gia (Lombard) cho là thời ổn định (atabilisation), nghĩa là quốc
gia Trung Hoa từ nay không còn những cảnh loạn lạc, chia rẽ, phân tán thành cả
chục nước như thời Nam Bắc Triều (cuối Hán), thời Ngũ Đại (cuối Đường) hoặc ít
nhất cũng làm hai, ba nước như thời Tam Quốc và thời Tống; có sử gia (Eberhard)
lại cho là thời Cận Đại của lịch sử Trung Hoa có thể so sánh với thời Cận Đại
của Âu Tây, vì ở Trung Hoa giai cấp sĩ tộc giàu có và cầm quyền bây giờ mạnh
lên, hơi giống giai cấp bourgeoisie ở phương Tây. Tôi nói hơi giống và chính
Eberhard cũng nhận rằng phải tới sau cách mạng Tân Hợi (1911), Trung Hoa mới
thực sự có giai cấp bourgeoisie hoàn toàn dự vào những hoạt động chính trị.
Chúng tôi đứng về một phương diện khác mà xét thì thấy ba triều
Nguyên, Minh, Thanh là thời suy của dân tộc Trung Hoa, dân tộc Hán. Lịch sử Trung
Hoa là lịch sử một dân tộc văn minh rất sớm, mở mang được một bờ cõi rất rộng,
ở sát nách các dân tộc du mục, hiếu chiến phương Bắc (Đông và Tây), và suốt hai
ngàn rưỡi năm, tới cuối đời Tống, chỉ là một cuộc tranh đấu để sinh tồn giữa họ
với các rợ đó. Cuộc tranh đấu bất tuyệt và thật gay go: Hễ dân tộc Trung Hoa
thịnh lên (đầu Chu, đầu Hán, đầu Đường) thì các rợ phải lùi về các cánh đồng cỏ
của họ, đợi lúc Trung Hoa suy thì lại từng đoàn, từng đoàn phi ngựa qua cướp
bóc, chiếm lúa gạo, của cải đất đai. Cuối đời Hán chúng đã len lỏi vào làm chủ
được một phần Hoa Bắc trong hai thế kỷ rưỡi. Đường mạnh lên, đuổi chúng đi,
cuối Đường chúng trở lại, làm chủ được già nửa Hoa Bắc trên nửa thế kỷ, rồi lại
rút đi, nhưng không rút đi hết, một phần Hoa Bắc vẫn còn thuộc rợ Liêu và rợ
Kim đã Hán hóa khá nhiều, có thể chế, có tổ chức mạnh, rồi tới cái mức Tống tuy
đã thu lại được, phải chịu lép, nhận chúng như nước đàn anh, nộp cống '(thực ra
là thuế hằng năm cho chúng). Sau cùng, một rợ khách, rợ Mông Cổ diệt được Liêu
và Kim, rồi diệt luôn cả Tống nữa. Lần này là lần đầu tiên dân tộc hán hoàn
toàn mất chủ quyền, toàn cõi non sông Trung Hoa nằm dưới gót ngựa Mông Cổ trong
non một thế kỷ: 90 năm (1277- 1367).
Qua đời sau, đời Minh dân tộc Trung Hoa đuổi được rợ Mông Cổ đi,
giành lại độc lập trong 276 năm (1644-1911). Vậy là trong 633 năm (1277–1911)
dân tộc Trung Hoa chịu sự thống trị của các rợ 357 năm, chỉ tự chủ được 276
năm.
Vì vậy tôi gọi thời đại Nguyên, Minh, Thanh là thời suy của dân
tộc Hán. Suy chẳng những vì mất chủ quyền rất lâu, mà còn vì về văn hóa, tuy
vẫn tiến bộ được ở vài điểm, nhưng không còn rực rỡ bằng Đường, Tống nữa.
A - CHÍNH SÁCH CỦA MÔNG CỔ
1- Chính sách chung của các rợ
- Họ luôn luôn đợi lúc Trung Hoa suy, có nội loạn mới tấn công
thì dùng những người Trung Hoa ở miền biên giới làm cố vấn dắt dẫn;
- Chiếm được đất rồi,họ dùng chính sách chia để trị: chia rẽ
giống này với giống khác; giới này với giới khác;
- Họ phải dùng người Hán để thu thuế, cai trị người Hán; nếu có
thể được, họ dùng ngoại nhân (như các rợ đại Hán hóa, thương nhân Á rập, Hồi
Hồi...)
- Văn minh họ kém, thường họ không có chữ viết, nên họ phải theo
chế độ, văn minh Trung Hoa, ngay đến tên triều đại, miểu hiệu, cũng dùng tên
Trung Hoa.
- Lâu rồi thì họ Hán hoá, mất tình thần hiếu chiến, ham hưởng
lạc, mà suy nhuợc, bị người Hán quật lại, đuổi đi; lúc đó đất đai của họ thành
đất đai của Hán, người Hồ nào ở lại thì thành người Hán, do đó tổ quốc Trung
Hoa lại rộng thêm, đông dân thêm;
- Họ biết vậy, nên có rợ như Liêu, giữ một phần đất ở ngoài Vạn
Lý Trường Thành, không cho Hoa hóa, để khi bị đuổi khỏi Trung Hoa thì họ trở về
đó.
2 - Kỳ thị Trung hoa.
Mông Cổ cai trị Trung Hoa cũng theo chính sách đó, nhưng cực kỳ
tàn nhẫn, không kém bọn thực dân da trắng đối xử với dân bản xứ da đen ở Nam
Phi ngày nay.
Hồi Hồi Tất Liệt mới lên làm vua Trung Hoa, đổi quốc hiệu là
Nguyên, tức Nguyên Thế Tổ, một viên thượng thư Mông Cổ khuyên ông ta:
- Tụi Trung Hoa này không ích gì cho chúng ta hết, nên đuổi hết
chúng đi, dùng ruộng của chúng để làm cánh đồng cỏ nuôi ngựa.
Một viên Thượng Thư khác đưa ý kiến:
- Phải tận diệt năm gia tộc lớn nhất của Trung Hoa để chúng khỏi
cầm đầu phong trào chống lại chúng ta.
Cũng may Thế Tổ không nghe lời họ mà nghe lời một cựu Tể Tướng
Khiết Đan tên là Da Luật Sở Tài, dùng người Trung Hoa trong việc trị nước. Ông
ta hiểu rằng không thể cai trị người Trung Hoa như cai trị các dân tộc khác
trong đế quốc, cho nên ông tách Trung Hoa ở phía dưới Trường Thành thành một
nước riêng, có chế độ riêng; còn phần ở phía trên Trường Thành, tuy cũng thuộc
về ông, nhưng vẫn theo chế độ cũ của Mông Cổ, phong tục Mông Cổ. Ông lại bỏ
Kinh Đô cũ Karakorum mà lập Đại đô ở Bắc Kinh ngày nay, mặc dầu Karakorum thời
đó là nơi tụ họp gần đủ các giống người từ Đông qua Tây.
Nhưng ông đặt ra những luật kỳ thị chủng tộc, điều mà từ trước
chưa hề thấy ở Đông Á. Xã hội chia làm bốn hạng người:
- Đứng đầu là người Mông Cổ, nhiều đặc quyền nhất; rồi tới các
dân tộc không phải là Hán ở Trung Á, như Khiết Đan, Úy Ngô Nhi, Tây tạng... mà
văn hoá và huyết thống, phong tục gần với Mông Cổ; hạng này gọi chung là "sắc
mục" được hưởng một số đặc quyền, hạng thứ ba là người Hán ở phía bắc mà
họ cho là đã đồng hóa ít nhiều với các rợ, đáng tin cậy một chút, cuối cùng là
người Hán ở miền Nam bị kỳ thị nhất vì đã chống lại họ mạnh nhất.
Đó là về giống người, về giai cấp trong xã hội thì họ chia làm
mười:
1- Quan lớn ở triều đình (đều là người Mông Cổ)
2- Quan nhỏ ở địa phương
3- Lạt ma (thầy tu Tây Tạng)
4 - Đạo sĩ
5 - Y Sĩ
6 - Thợ và người làm tiểu công nghệ
7 - Thợ săn
8 - Làm các nghề họ cho là đáng khinh như con hát
9 - Nhà nho
10 - Ăn mày
Mới đầu người Trung Hoa Bắc và Nam không được thi cử, không được
lãnh một chức gì dù là nhỏ, trong chính quyền. Về sau họ được thi, nhưng phải
thi riêng, không được thi chung với người Mông Cổ và các người sắc mục. Nếu họ
đậu tiến sĩ thì tên nêu trên một bảng riêng ở bên trái, bảng bên phải dành cho
người Mông Cổ và người sắc mục. Dĩ nhiên hai hạng người sau dù bài kém cũng
được tuyển. Gần đây hoa lục cũng dùng lối phân biệt đó đối với thí sinh trong
giai cấp vô sản, và nước ta hiện nay cũng vậy 1. Sau cùng người Hán nào được bổ dụng thì bắt
buộc phải học tiếng Mông Cổ, và theo đạo Hồi, ít nhất là bề ngoài, đạo mà Mông
Cổ che chở.
Có thời, người Hán bắt buộc phải bỏ y phục cùng cổ tục, ăn mặc
theo rợ Hồ, cài áo bên trái, tay hẹp, tóc thả xuống sau lưng.
Luật pháp đối với họ rất khắc khe: không được có vợ Mông Cổ hoặc
sắc mục. Mắc tội ăn cắp thì người Mông Cổ chỉ bị phạt vạ, còn người Hán thì lần
đầu bị xâm vào cánh tay bên trái, lần thứ nhì vào cánh tay bên mặt, lần thứ ba
vào cổ để mọi người trông thấy. Nếu giết một người Mông Cổ hay sắc mục thì
người Hán phải chịu tử hình và gia đình phải chịu phí tổn ma chay - dĩ nhiên là
nặng - cho thân nhân người chết. Trái lại, kẻ bị giết là Trung Hoa mà kẻ sát
nhân là người Mông Cổ hay sắc mục thì có thể viện lẽ là trong cơn say rượu hoặc
trong lúc tranh luận hăng quá, lỡ tay, và chỉ bị phạt và hoặc cùng lắm là đày
ra biên giới.
Ruộng, ngựa của người Trung Hoa, Mông Cổ muốn chiếm thì chiếm.
Một sắc lệnh ban năm 1337 cấm người Trung Hoa giữ khí giới, vậy
là họ không thể săn bắn được vì cung, tên cũng là khí giới.
3 - Nhưng tiếp đón mọi dân tộc.
Điều làm xáo trộn phong tục và xã hội Trung Hoa nhất là chính
sách coi trọng công thương, mà ức sĩ, đặt kẻ sĩ ở cuối thang xã hội, chỉ trên
bọn ăn mày, khiến kẻ sĩ có tư cách không chịu hợp tác với họ, một số vô rừng ẩn
dật, và gặp thời cơ thì cầm đầu phong trào phản Mông.
Vậy Mông không muốn dùng Hán mà Hán cũng không muốn hợp tác với
Mông, do đó người Mông vốn chủ quan chiến tranh, không biết cai trị, phải dùng
nhiều quan lại ngoai nhân, tạm nên một chế độ siêu quốc giới (cosmopolite), như
người Ý
Marco Polo cai trị Dương Châu (coi ở sau), một người Á Rập cai
trị Vân Nam (do đó mà ở Vân Nam Hồi Giáo thịnh hơn các tỉnh khác).
Đế Quốc Mông Cổ lan từ Đông Á, qua Trung Á, tới Nga và một phần
Tây Âu, nên sự giao thông từ Trung Hoa qua Châu Âu rất yên ổn, dễ dàng, và lần
đầu tiên trong lịch sử, Đông Tây tiếp xúc thẳng với nhau. Trong một thế kỷ từ
1240 tới khoảng 1340, người Âu qua Hoa Bắc, (mà họ gọi là Cathay) bằng nhiều
đường; từ phía Nam nước Nga băng qua những cánh đồng cỏ mênh mông của Trung Á,
đường đó khó đi nhất, hoặc vượt Hắc Hải, rồi theo con đường chở lụa của thời
trước, qua những ốc đảo ở Trung Á, đường này dễ đi, hết thảy các thương nhân
đều dùng, hoặc do đường biển tới Syrie rồi từ đó tới Bagdad, vô Trung Á. Còn
một điều nữa, dùng biển vượt Ấn Độ Dương, tới Nam Á rồi lên Quảng Châu. Đường
này người Âu ít dùng vì thường bị người Á Rập chặn.
Thời nhà Nguyên, Cảnh Giáo hơi phát đạt ở Trung Hoa, vì mẹ của
Hốt Tất Liệt, và có lẽ một Đại Hãn (vua Mông Cổ) nữa theo đạo đó. Tại nhiều
miền Trung Hoa có tín đồ Cảnh Giáo và một số làm quan cho nhà Nguyên.
Sau Cảnh Giáo tới Công Giáo, Giáo Hoàng La Mã bốn năm lần phái
sứ thần tới triều đình Nguyên để kết thân, xin mở giáo đường, để truyền giáo.
Hai sứ thần quan trọng nhất là tu sĩ John Hontecorvinovà tu sĩ Odoricof
Marignolli, cả hai đều là người Ý tu theo giòng Saint François d' Assise. Họ
đều được vua Nguyên tiếp; chính sách của Mông Cổ là mở rộng biên cương, cho mọi
tôn giáo, mọi người ngoại quốc vô và dùng họ trong công việc buôn bán, cả trong
việc hành chính nữa. Họ chỉ kỳ thị người Trung Hoa thôi.
Họ có nhiều cảm tình với người Ả rập, cho dựng nhiều giáo đường
Hồi, năm 1250 dùng một người Á Rập làm viên quản đốc tối cao các tàu buôn ở
miền Phúc Kiến.
Người ngoại quốc được trọng dụng nhất là Marco Polo, mà tập du
ký nhan đề là Le Livre de Marco Polo et des merveilles d' Asie (Cuốn sách của
Marco Polo về các kỳ quan của Châu Á) làm người Âu thời đó chóa mắt về phương
Đông, thành một tác phẩm bất hủ (hiện nay vẫn còn nhiều người đọc) ảnh hưởng
rất lớn, mở đầu cho cuộc trao đổi vật chất và tinh thần giữa Đông Tây, việc phổ
biến thuật làm giấy, nghề in, cách dùng thuốc súng... Ở Phương tây.
Thời đó vào thế kỷ XIII, hai thương nhân Ý ở Venise (một trung
tâm thương mãi quan trọng trên bờ Địa Trung Hải) Maffeo và Nicolo Polo chở
nhiều đồ trang sức và bảo ngọc lại bán ở Constantinople. Bán có lời, họ vượt
biên giới vào đất Mông Cổ để tiếp tục làm ăn. Một viên quan Mông cổ mời họ theo
ông ta tới Bắc Kinh, vua Mông Cổ thích bảo ngọc lắm, sẽ mua cho. Họ nghe lời,
tới Bắc Kinh, được Hốt Tất Liệt tiếp và nhờ mang một bức thư về trình lên Giáo
Hoàng.
Giáo Hoàng Grégoire X lại phái Nicolo đem bức thư trả lời về
Trung Hoa. Lần này Nicolo dắt theo em là Maffeo và con trai là Marco mới 17
tuổi. Cả ba đều được triều đình Mông Cổ tiếp đãi long trọng, và thanh niên
Marco rất thông minh, khéo léo, được vua Mông Cổ mến, tin, giao cho nhiều việc
(như nhận xét về địa hình), sau cùng cho một chức quan trọng ở Dương Châu (có
sách nói là chức Thái thú, có sách bảo là coi việc khai thác và bán muối).
Marco ở Trung Quốc 17 năm, sau nhớ quê hương, xin về. Vua Mông
Cổ bằng lòng và phái chàng đưa một công chúa Mông Cổ đã hứa gả cho vua Ba Tư.
Sau 18 tháng lênh đênh trên biển họ mới tới vịnh Ba Tư, đưa công chúa lên bờ
rồi, Marco tiếp tục lại Constantinople mới tới Venise năm 1295. Ông kể những kỳ
quan ở Trung Hoa cho người đồng hương nghe, bảo vua Mông Cổ mỗi năm thu được từ
10 đến 15 triệu đồng tiền vàng, thần dân có tới mấy chục triệu cái gì cũng tới
số triệu, không ai tin ông còn mỉa ông là nói láo, gọi ông là "chú
triệu". Ít lâu sau, ông bị bắt làm tù binh trong một trận giữa Venise và
Gênes; và ở trong khám ông kể lại hồi ký cho một người chép lại thành cuốn: “Du Ký của Marco Polo".
Ngoài ảnh hưởng của đạo Hồi, đạo Ki Tô, còn phải kể thêm sự cống
hiến của các dân tộc phương Bắc (Khiết Đan, Kim, Mông Cổ), nhất là Tây Tạng, Tu
viện Lạt Ma giáo được dựng lên, một tu sĩ Tây tạng Phagepa, Trung Hoa phiên âm
là Bát Tư Ba tạo cho Mông Cổ một thứ chữ viết tượng thanh (phonétique) khác hẳn
chữ Trung Hoa. Một kiến trúc sư xứ Népal (Ấn Độ) xây dựng lại một ngôi đền.
Rồi những kỷ thuật nói về đồ sứ (đồ Closonné: Thất bảo?) về cách
dệt thảm, cách nấu rượu, cả về thiên văn học về môn vẽ bản đồ. Trung Hoa cũng
rút kinh nghiệm được của Á rập. Vì vậy mà Lombard bảo Trung Hoa đời Nguyên là
một cái "lò văn hóa" (crenset culture), và Simon Leys trong Ombres
Chinois (Paris 1975) bảo nếu nhà Minh và nhà Thanh biết theo chính sách
"khai quan" (m::7ạ1:: c::10ạ1::) đó thì Trung Hoa đã tiến bộ như
phương Tây rồi.
Người Trung Hoa không phải chỉ tiếp thu mà thôi. Họ cũng truyền
bá văn hóa của họ qua phương Tây bằng những con đường từ Đông qua Tây. Thời
Mông Cổ toàn thịnh, có hàng ngàn thường dân Trung Hoa túa ra khắp nơi trong đế
quốc Mông cổ, tới Nga, Ba Tư, Méssopotamie (miền Lưỡng Hà). Các dân tộc đó học
được của họ thuật chế tạo thuốc súng, nghề in, cách dùng giấy bạc, cách dùng
thuốc trị bệnh, những phát minh vể y khoa. Mà thương nhân ngoại quốc tới Trung
Hoa cũng rất đông; riêng Tràng An có tới 2.000 thương điếm của ngoại nhân.
Nhiều kỹ sư Trung Hoa giúp Méssopotamie trong việc thủy lợi; một
nhà bác học Ả Rập, Rashid Ud-Din, giao thiệp với y sĩ Trung Hoa và viết một
cuốn truyền bá y học Trung Hoa tại Tây Á.
Văn minh Trung Hoa sở dĩ được truyền bá rộng như vậy chính là
nhờ Mông Cổ. Trong cái họa cũng có cái phúc.
"Nguyên Thế Tổ xuất liệp đồ" do họa gia thời Nguyên Lưu Quán Đạo vẽ năm Chí Nguyên thứ 17 (1280), trong đó người cưỡi ngựa đen là Hốt Tất Liệt. |
4. Tính mở Mang Thêm Đế Quốc.
Đế quốc của Nguyên đã mở rộng lớn quá rồi mà Hốt Tất Liệt vẫn
muốn mở mang thêm ở Đông Á.
Trước hết là chiến tranh xâm lăng Nhật Bản (1281). Chẳng may cho
Mông Cổ, hạm đội của họ chưa đổ bộ lên đất Nhật thì bị giông tố phá tan tành.
Trong chiến tranh đó, dân Trung Hoa phải đóng tàu và bị bắt lính. Nếu trận đó
mà thắng, Mông Cổ chiếm được Nhật thì rất có lợi cho Trung Hoa; họ được thêm
một thị trường. Thua trận đó, Hốt Tất Liệt vẫn chuẩn bị để vượt biển một lần
nữa, nhưng từ năm 1284 họ lo xâm chiếm Việt Nam nên tạm gác Nhật Bản lại.
Hai lần họ đưa quân qua nước ta (thời vua Trần Nhân Tôn), hai
lần họ đại bại, từ 1285 đến 1288, Hưng Đạo Vương tuy thắng họ, nhưng xử nhũn,
sai xứ cầu hòa, chịu nộp cống. Họ đòi vua Nhân Tôn phải qua chầu ờ Bắc Kinh,
vua kiếm cớ thoái việc. Việc lằng nhằng chưa ngã ngũ thì Hốt Tất Liệt chết và
vua kế vị là Thành Tôn bãi binh luôn.
Họ lại đem đại hùng binh qua ngả Vân Nam để xâm lăng Miến Điện,
năm 1287, chiếm được Pagan rồi cũng phải rút về.
Năm 1292 - 1293 họ dùng hải quân tấn công Java, cùng thất trận
nữa.
Theo Lombard, các học giả phương Tây còn đương tìm hiểu do
nguyên nhân sâu xa nào họ thành công ở Trung Hoa mà thất bại ở Đông Nam Á.
Có điều này đáng để ý trong những chiến tranh đó là họ dùng
nhiều tướng, nhiều lính Trung Hoa, chiến thuyền đều do dân Trung Hoa cung cấp
hết. Có thể người Trung Hoa cũng mong cho họ thành công. Nếu họ chiếm Nhật Bản,
Java, Miến Điện thì dân Trung Hoa kiểm soát được những đường thương mãi miền đó
và ngoại thương sẽ rất phát đạt, mà chưa biết chừng khi họ bị trục xuất ra khỏi
Trung Hoa thì nhà Minh sẽ nối họ làm chủ Nhật, Miến Điện, Java.
5. Chế độ Chánh trị
Dân tộc Mông Cổ gồm khoảng 2 triệu rưỡi người, một số lớn ở lại
tổ quốc miền Hắc Long Giang, một số rải rác từ Đông qua Tây tại các Hàn
Quốc 2 riêng ở Trung Hoa có nhiều lắm là một
triệu người (kể các người Khiết Đan, Nữ Chân... anh em với Mông Cổ), quân đội
lúc đầu độ 250.000 người Hốt Tất Liệt không thể diệt hết người Trung Hoa hoặc
di dư họ hết đi nơi khác được để biến Trung Hoa thành những đồng cỏ, thì tất
nhiên phải giữ nền văn minh nông nghiệp của Trung Hoa, và theo chế độ Trung Hoa
tức là theo đạo Khổng, theo tổ chức xã hội cùng văn hóa Trung Hoa. Như vậy là
bắt đầu Hoa hóa rồi.
- Về hành chánh, nhà Nguyên theo chế độ Đường, Tống, triều đình
gồm có ba cơ quan phân lập: Trung thư tỉnh coi về chính vụ. Khu mật vụ coi về
quân vụ, ngự sử đài lãnh nhiệm vụ giám sát.
Ở địa phương thì có một sự thay đổ. Các thời trước, địa phương
chỉ có lộ, phủ, châu, nhà Nguyên chia lại Trung Hoa thành 12 miền rất rộng, như
miền Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô ngày nay. Sự tổ chức về hành chánh của
mỗi miền cũng như cơ quan trung thư tỉnh ở trung ương, vì vậy mỗi miền gọi là
thập nhị hành trung thư tỉnh, 12 miền gọi là thập nhị hành trung thư tỉnh, tuy
trực thuộc trung ương, nhưng quyền lớn. Dưới hành trung như tỉnh có lộ, phủ,
châu, huyện... như trước. Đó là nguồn gốc của chế độ hành tỉnh đời sau, mà cũng
là bước đầu của sự khuyếch trương trung ương chính quyền tới toàn cõi đế quốc.
Trung Cộng và Việt Nam ngày nay đều theo chính sách đó.
- Về Binh chế, có thể chia làm hai bộ: Ở triều đình là quân túc
vệ trực thuộc nhà vua hoặc một đại thần do lệnh nhà vua.
Quân trấn thủ thuộc Khu mật vụ phân phối. Quân đội Hoa Bắc đưa
xuống ở Hoa Nam vì Mông Cổ không tin người miền Nam.
Kỷ luật rất nghiêm, từ trên xuống dưới, hễ bất tuân lệnh thì đều
bị trừng trị nặng. Khi gặp kẻ thù, họ tấn công liền, mỗi kỵ binh bắn ba bốn mũi
tên, nếu không phá được quân địch thì họ rút lui, nhử cho địch đuổi theo, tới
một chỗ đã đặt quân phục kích, họ quay trở lại, ba mặt đánh vào địch. Họ có
nhiều mưu, có một tổ chức chặt chẽ, khí giới rất tốt, đã biết dùng đại bác nhỏ
để công phá thành địch.
- Học và thi
Ở kinh đô có các trường Quốc tử học, Y học, Âm dương học.
Quốc tử học chia làm ba loại: Mông Cổ học, Hán học, Hồi học.
Mông Cổ quốc tử học dạy cả toán học, dùng bộ Thông giám tiết yếu của Trung Hoa
dịch ra tiếng Mông Cổ để dạy. Hán học Quốc tử học dạy Hiếu kinh, Tứ thư, Ngũ
kinh... mỗi năm thi, được điểm cao thì lên cấp trên. Hồi quốc tử dạy Hồi văn.
Như vật đủ biết thời đó người theo Hồi Giáo khá đông, Mông Cổ dùng họ trong
việc trị nước và giao thiệp với người nước ngoài.
Ở địa phương, mỗi lộ đều có trường dạy y học. Âm dương học, và
dạy thêm chữ Mông Cổ và chữ Hồi.
Nhà Nguyên mở trường và lập thư viện nhiều hơn đời Tống. Mới đầu
Hốt Tất Liệt nghe lời của Viên trung thư lệnh gốc Khiết Đan là Da Luật Sở Tài,
đặt ra khoa thi cử, dùng nho thuật để tuyển nhân tài. Nhưng không lâu thì bải
bỏ. Tới đời Nhân Tôn (1311-1316) dùng lại chế độ khoa cử, tuyển người theo đức
hạnh, kinh thuật và kiến thức về nghề nghiệp (kỷ thuật). Như trên tôi đã nói,
có sự kỳ thị người Trung Hoa: Họ phải thi riêng, qua ba trường, còn người Mông
Cổ và người Hồi chỉ qua hai trường thôi, khỏi phải qua trường từ chương của
người Trung Hoa. Chấm bài thi của người Trung Hoa cũng gắt hơn, nếu đậu thì tên
nêu ở một bảng riêng và không chắc gì đã được bổ dụng. Còn những công thần, thể
tộc Mông và sắc mục chẳng cần phải thi cũng được làm quan.
- Thuế vụ.
Dân đời Nguyên phải nộp thuế khá nặng, ngoài những thuế đinh và
điền như đời Đường, còn phải nộp thêm tơ và tiền cho nhà nước. Tơ thì cứ hai
nhà mỗi năm nộp một căn cho quan, năm nhà mỗi năm nộp một càn cho tước vương,
hậu phi, công chúa, công thần (như vậy là mỗi năm mỗi nhà phải nộp 1/2 + 1/5
cân tơ cho nhà nước); tiền thì mỗi nhà mỗi năm phải nộp bốn lạng bạc, hai lạng
bạc thực còn hai lạng bằng hàng lụa.
Nhà Nguyên dùng một bọn tham tàn để quản lý tài chánh, chính
sách thuế khóa rất hà khắc, chúng đặt ra tới ba chục thứ thuế ngoại ngạch, dân
chúng rất khổ sở.
- Pháp luật
Vì có nhiều giống người nên nhà Nguyên phải dùng nhiều thứ luật:
Luật Mông Cổ; luật Hồi Hồi, luật Trung Hoa, luật Trung Hoa thì theo luật đời
Đường, nhưng nghiêm khắc hơn.
TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1- Không tổ chức, bất công
Khi 274 trung thần nghĩa sĩ tòng vong cùng nhảy xuống biển theo
Quảng Vương và Lục Tú Phu (1279) thì người Hán mất tổ quốc và họ chìm đắm trong
cảnh nô lệ tủi nhục dưới cái ách của Mông Cổ. Đó là số phận của hầu hết các dân
tộc văn minh sống bên một dã man. Càng văn minh thì càng trọng văn hóa hơn võ
bị, mà dã man thì ngược lại.
Mông Cổ chỉ muốn diệt dân tộc Trung Hoa, nhưng diệt không được
vì họ đông quá: 50, 60 triệu người, mà số Mông Cổ có thể đưa qua Trung Hoa chỉ
được một triệu 3. Không diệt được thì chỉ còn cách coi Trung Hoa
là một thuộc địa để khai thác
Chính sách siêu quốc giới tôi đã nói ở trên có lợi về văn hóa
cho cả Trung Hoa lẫn các nước khác (Trung Á, Tây Á, Châu Âu).
Nhưng về phương diện xã hội thì nó rất có hại cho Trung Hoa. Nó
làm cho xã hội Trung Hoa có nguy cơ tan rã.
Hốt Tất Liệt có chủ trương gì rõ rệt đối với Trung Hoa không?
Ông không muốn cho đồng bào của ông Hán hóa, vì như vậy chẳng bao lâu dân tộc
dân tộc Mông Cổ sẽ bị dân tộc Hán nuốt mất. Ông có muốn cho người Hán Mông hóa
không? Chắc cũng không vì ông biết rằng công việc đó không thể thực hành được:
Phải diệt một nền văn minh rực rỡ đã có trên 2.000 năm, bắt người Hán bỏ ngôn
ngữ, văn tự của họ mà học tiếng Mông Cổ, phá hết ruộng lúa biến thành đồng cỏ!
Con đường thứ ba là dung hòa thì chắc ông không nghĩ tới; vả lại cũng không có
con đường đó.
Chính sách siêu quốc giới chẳng phải là chính sách riêng của
ông, mà của chung các đại hãn khác từ Đông qua Tây. Nó có lợi cho sự cai trị
các thuộc địa, mà có hại cho dân bị trị, tức cho đế quốc của Nguyên.
Xã hội Trung Hoa đời Nguyên thực tạp loạn. Biết bao nhiêu giống
người, không kể những người từ Tây Á, châu Âu qua, riêng những người gọi là sắc
mục (ở Trung Á có tới 5-6 giống là ít), và số người chắc đông lắm, nửa triệu?
Một hai triệu? Vì gồm cả những người Liêu và Kim đã làm chủ một phần phía bắc
Trung Hoa, bị Mông Cổ dẹp nhưng chịu phục tòng Mông Cổ mà xin ở lại Trung Hoa.
Riêng người Trung Hoa cũng phân biệt Hán ở Bắc và ở Nam. Pháp sau này coi Nam
Kỳ của ta là thuộc địa được dễ thở hơn Bắc và Trung cũng là dùng chính sách đó.
Trong xã hội đó có tới mười giai cấp như trên đã nói. Sự sắp đặt
thứ tự các giai cấp như trên đã nói. Sự sắp đặt thứ tự giai cấp trái ngược với
truyền thống văn minh Trung Hoa. Trung Hoa trọng sĩ rồi tới nông, ức công và
thương. Mông Cổ khinh miệt sĩ, sắp vào hàng thứ chín, trên kẻ ăn mày, không nói
đến nông; mà dân Trung Hoa theo nông nghiệp thời đó có thể 95% làm nghề nông!
Chính Mông Cổ và sắc mục cũng phải sống nhờ sức lao động của nông dân Trung
Hoa. Mông Cổ chỉ trọng thương nhân, công nhân, nghĩa là chỉ thích vơ vét, làm
giàu, mà thương nhân cũng không thấy trong bảng giai cấp đó. Lại thêm thiếu một
giai cấp: Nô lệ. Các tù binh Trung Hoa, bọn nông dân bị cướp đất, vô gia cư, vô
nghề nghiệp đều bị Mông Cổ bắt làm nô lệ, phân phát cho các quan lớn nhỏ Mông
Cổ hoặc sắc mục.
Trong khỏang 40 năm đầu, nhà Nguyên không dùng Nho học để tuyển
nhân tài, từ đời Nhân Tôn mới cho người Hán, rồi người Hoa Nam được ứng thí.
Trong số người được bổ dụng 4 phần 5 là người Mông và Sắc mục, chỉ có 1 phần 5
là người Trung Hoa. Chế độ chính trị, từ tổ chức chính quyền tới võ bị, thuế
khóa... đều theo Trung Hoa, đáng lý thì phải dùng văn tự.
Trung Hoa làm chính, dùng nhiều quan lại Trung Hoa, mà ngược
lại, số quan lại trung Hoa rất ít, còn văn tự thì không thống nhất. Mông Cổ vốn
không có văn tự, khi chiếm được Ủy Ngô Nhi (Uighur) thì dùng văn tự của của Ủy
Ngô Nhi; chiếm được Trung Hoa, dùng văn tự của Trung Hoa, của Ủy Ngô Nhi, cả
của Hồ nữa. Sau nhờ một vị Lạt Ma (tu sĩ Tây Tạng) là Bát Tu Ba đặt cho một thứ
chữ riêng (dùng trên 20 mẫu tự để ghi thanh). Vua Nguyên bắt dân chúng dùng
nhưng hình như thất bại, ít người theo. Không có một văn tự thống nhất, sự trị
nước tất khó khăn, xã hội tất rời rạc.
- Lại thêm thiếu một tín ngưỡng chính Mông Cổ vốn không có tín
ngưỡng, chiếm được nước nào thì theo tín ngưỡng nước đó
Họ theo nhiều nhất đạo Lạt Ma (một phái Phật Giáo ở Tây Tạng,
thờ Phật sống), đạo Hồi, nhưng cũng có người theo Ki Tô Giáo, Nho giáo, Đạo
giáo, Phật giáo ở Trung Hoa, họ không ưa (có lẽ vì cao siêu quá đối với họ), có
khi bị họ làm khó nữa. Còn Nho Giáo thì chỉ được một số nhỏ theo thôi. Lạ nhất
là Hốt Tất Liệt ngay từ đầu đã dùng chế độ chính trị (tổ chức triều đình, lễ
nghi, cả miếu hiệu, niên hiệu...) của Trung Hoa, cũng tế trời đất, thờ thượng
đế, thờ tổ tiên, tức theo đúng đạo Nho, mà lại miệt thị nhà Nho, thật là mâu
thuẫn. Ông ta quả không có chính sách, chủ trương gì cả.
- Họ chỉ theo hình thức của đạo Nho thôi, còn cái tinh thần của
Khổng Mạnh (trọng ý muốn của dân, can thiệp vừa phải vào đời sống của dân...)
thì họ không theo. Sự thực họ coi người Trung Hoa không phải là dân của họ mà
chỉ là một bầy nô lệ.
Lữ Chấn Đạc (Giản Minh Trung Quốc thông sử) trích rất nhiều đoạn
trong Nguyên Sử, tân Nguyên sử về chính sách tàn bạo của Mông Cổ, tôi chỉ lựa
một số để độc giả thấy nhiều biện pháp của họ sao mà y hệt những biện pháp của
một số dân tộc cực văn minh da trắng và da vàng ở thời đại chúng ta đến thế.
Họ:
- Cấm người Hán (phương Bắc) không được giữ vũ khí và ngựa,
những thứ đó bị tịch thu hết. Ở Hoa Nam, còn gắt hơn nữa: năm nhà mới được có
một con dao cắt thịt để dùng chung. Lệnh này bốn chục năm trước tôi cứ tưởng là
chỉ có người Nhật mới nghĩ ra được để áp dụng với dân Mãn Châu, nay thì tôi ngờ
rằng họ đã thuộc lịch sử Mông Cổ (nhà Nguyên)
- 50 nhà hợp thành một xã, có xã trưởng kiểm soát, ghi tên những
kẻ trong xã du thủ, không làm ăn gì cả hoặc không tuân lệnh cha mẹ, để khi nào
quan "đề hiểm" Mông Cổ tới xét thì khai báo.
- Xã trưởng cũng phải ghi tên những kẻ hung ác vô đạo lên cửa
nhà chúng ở.
- Hể tụ tập kết xã thì bị tội, đọc cấm thư phúng thích y triều
đình thì bị tội đồ (đày đi xa).
- Bài văn, bài từ hoặc khúc (tuồng) nào có lời phạm thượng thì
tác giả bị tử hình.
- Người Mông Cổ và người Sắc mục thường bắt cóc trai gái Hán đem
bán nước ngoài (nay chúng ta gọi là xuất khẩu người) mà không bị cấm.
- Họ và bọn tăng đạo (nói chung) là bọn theo các tôn giáo thường
cướp ruộng đất của dân mà không bị cấm.
- Mông Cổ và Sắc mục không được Hán hóa, không được thông hôn
với Hán, mô phỏng tục Hán.
Đột kỵ Mông Cổ sử dụng cung tác chiến. |
2. Kinh tế tệ bại
Đầu thời Hốt Tiết Liệt, kinh tế kha khá được một chút nhờ hết
chiến tranh, chủ điền Trung Hoa ở miền Nam không bị tịch thu đất đai, lại khai
thác được, và nhờ ngoại thương với các nước Trung Á.
Nhưng Trung Hoa vốn là nước nông nghiệp, kinh tế phát đạt hay
không là nhờ sức loa động của nông dân, mà nông dân bị ngược đãi, bóc lột- quá
nên nghề nông suy mà kinh tế phải lụn bại.
Mông Cổ và Sắc mục ai cũng có thể cướp đất của nông dân được.
Triều đình cấp những đồn điền mênh mông cho các đại thần và cả cho chùa theo
Lạt Ma giáo. Rất nhiều ruộng ở phương Bắc biến thành đồng cỏ. Bọn nông dân mất
đất thành lưu vong, một số bị bắt làm nô lệ.
Hốt Tất Liệt bỏ kinh đô cũ của Mông Cổ là Karakorum mà dời xuống
Đại Đô, tức Bắc kinh ngày nay. Như vậy là phải vì miền màu mỡ nhất của đế quốc
là Trung Hoa; vả lại từ Đại Đô có thể tiếp xúc dễ dàng với các miền khác của đế
quốc, mà khi nào nóng nực quá, người Mông Cổ chịu không nổi khí hậu Đại Đô thì
họ về nghỉ mát ở Mông Cổ cũng gần.
Đế quốc rộng, số quan lại ở kinh đô rất lớn, thuộc nhiều giống
người, phải xây cất dinh thự và nha thự. Triều đình ra lệnh trưng dụng công
nhân ở mọi nơi, nhất là nông dân Trung Hoa. Bọn này phải bỏ ruộng ở quê để lên
kinh đô, mãn hạn làm xâu, trở về làng thì có khi ruộng không người cày, bị
chiếm mất rồi, họ thành dân lưu vong.
Dân ở kinh đô tăng nhanh, tới một triệu phải chở lúa từ miền Nam
lên nuôi họ, chở bằng đường biển, đường kinh. Thế là phải đóng nhiều thuyền,
đào, vét kinh. Nông dân Trung Hoa cũng phải chịu cái gánh đó nữa. Nhà Nguyên
năm 1289 lại còn sai lát đá một con đường theo kinh Vận Hà từ Hàng Châu lên Đại
Đô, dài trên 1000 cây số, phải dùng tới 2.500.000 dân.
Vậy là số ruộng giảm đi, dân Trung Hoa vừa phải làm xâu, vừa
phải nuôi giai cấp quan lại, địa chủ cũ, thêm một triệu người Mông Cổ và ít
nhất là một triệu người sắc mục nữa. Đời sống của họ thật điêu đứng.
Dân nghèo thì nhà nước không giàu được. Vì thu thuế được ít.
Bọn thương nhân nhỏ trong nước tạm sống được. Giàu nhất là bọn
thương nhân sắc mục và Hồi. Ả Rập họ được triều đình ưu đãi, khỏi phải đóng
thuế, kiếm được lợi thì gởi về nước họ, thiệt thòi cho nhà Nguyên vì vàng, bạc,
đồng chạy ra ngoại quốc; triều đình phải in giấy bạc, cứ vài ba năm in lại một
lần, mỗi lần in lại thì lạm phát thêm một chút, tiền mất giá, dân mất lòng tin,
rốt cuộc nhà nước hóa nghèo, nghèo thảm hại.
Triều đình phải tăng thuế, chỉ đánh vào đầu dân nghèo, họ trốn
thuế, làm tăng số người lưu vong và số người oán Mông Cổ lên.
Tóm lại, từ trên xuống dưới, người Mông Cổ chỉ cướp bóc trắng
trợn dân Trung Hoa. Bọn Marco Polo và người Âu, người Á Rập qua Trung Hoa chỉ
được thấy cảnh huy hoàng ở kinh đô và một số thị trấn lớn, chứ không biết cảnh
khổ của dân Trung Hoa, nên về nước họ mới hết lời ca tụng sự giàu có của Trung
Hoa thời Nguyên.
3. Nguyên Nhân suy vi
D. Văn Hóa
- Chính sách xã hội tàn bạo, ngu xuẩn
- Không thể nào cai trị một dân tộc như Trung Hoa mà chỉ dùng
ngoại nhân (Mông Cổ, sắc mục), không cần sự hợp tác của Trung Hoa được, và
chính sách kinh tế dại dột kể trên là hai nguyên nhân quan trọng gây sự suy vi
của nhà Nguyên, khiến cho dân Trung Hoa từ trên xuống dưới đều thâm oán Mông
Cổ. Họ tạm chịu được rợ Liêu, rợ Kim mà không sao chịu được rợ Mông. Chỉ một số
ít Hán gian có học là chịu hợp tác với triều đình Nguyên; kẻ sĩ có tư cách phải
trốn vô rừng, cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, người thì viết tiểu thuyết,
viết tuồng, người thì vẽ cảnh thiên nhiên để tiêu ma ngày tháng hoặc gởi gấm
nổi lòng. Nông dân thì họp thành hội kiến, chờ ngày nổi loạn.
- Nguyên nhân thứ ba cũng rất quan trọng là triều đình nhà
Nguyên loạn ngay từ khi từ Hốt Tất Liệt chết, và do chính Hốt Tất Liệt gây ra.
Theo tục Mông Cổ, thì khi một Khả Hãn (vua) chết. Các thân
vương, các người quan trọng trong hoàng tộc và các đại thần họp nhau để bàn vị
Khả Hãn lên nối ngôi. Hốt tất Liệt độc tài, cho chỉ mình có công chiếm Trung
Hoa, non sông Trung Hoa là của riêng mình, non sông Trung Hoa là của riêng
mình, chẳng cần hỏi ý Cơ mật viện mà tự ý truyền ngôi cho thái tử theo tục
Trung Hoa và triều đình Nguyên phải chịu ngay hậu quả tai hại của chính sách
truyền tử chứ không truyền hiền của nhà Chu đó, chính sách mà Khổng Tử miễn
cưỡng chấp nhận chứ không thích.
Đại thần và hoàng tộc đều bất mãn nhưng Hốt còn sống thì không
dám nói ra. Nhất là một số người tự cho mình có đủ tư cách để kế vị, lại càng
uất ức.
Thành Tôn nối ngôi là ngươi cương quyết, giữ ngôi được 12 năm. Rồi
từ đó mà Nguyên suy luôn. "Thần khí" tức ngai vàng đã lập rồi thì ai
mà không ham, nó gây sự tranh giành, gây bè phái, ám sát, thoán đoạt, rồi xa
hoa, dâm dật, đủ những cái tệ của chế độ quân chủ phương Đông. Coi qua bảng năm
vua kế tiếp, ta thấy triều đại của họ sao mà ngắn ngủi! Chỉ trong 25 năm mà
ngai vàng, thay chủ tới 5 lần, đa số chỉ giữ ngôi được 3, 4 năm, không ông nào
thọ quá 35 tuổi. Là vì họ mới lên ngôi, đã có người, có phe âm mưu lật họ. Có
bao nhiêu ông bất đắc kỳ tử, tôi không biết. Nhưng triều thần, hoàng tộc chắc
chắn là chia bè đảng thanh toán lẫn nhau rất hăng.
Những ông vua được quyền thần ủng hộ, đưa lên ngôi, không chắc
chắn là có tài, mà chắc chắn là không có quyền. Kẻ đưa họ lên, tất là cậy công
mà chuyên quyền, họ thành ra bù nhìn hết. Tới khi họ bị lật, bị giết thì phe
lật, giết họ phải giết luôn phe đã lập họ. Như vậy liên tiếp một phần tư thế
kỷ, triều đình Nguyên tất hóa ra vô tổ chức, bất lực, hiệu lệnh ban ra, địa
phương không nghe, và hiệu lệnh của vua này mâu thuẩn với vua trước, cứ thay
đổi như chong chóng, biết theo ai, theo ai cũng có thể mang họa, chẳng theo ai
cả là hơn hết. Sử gia Trung Hoa chép về thời đó bảo: "Hiệu lệnh bất
thường, như trò con nít", nha thự tạp loạn". "việc không qui
nhất" sau cùng cái tới mức "mỗi nhà - gia đình đại thần - tự làm
chính trị, mỗi người tự coi là Quốc Gia" (Nguyên sử ký sự bán mạt của Trần
Bang Chiêm). Mấy hàng đó đáng cho chúng ta suy nghĩ
Tới đời vua cuối cùng là Thuận Đế, tình thế còn tệ hại hơn nữa.
Ông ta giỏi chữ Hán. Hán hoá rồi - nhưng nhu nhược, dâm dục và rất mê tín, hoàn
toàn bị một bọn Lạt ma đồi trụy sai khiến, nhồi như nhồi bột, tin bùa phép của
bọn phù thủy và dùng những thuật rất tởm về phòng khuê để tìm khoái lạc và hy
vọng trường thọ. Ông ta sai cất một cái phòng gọi là phòng vô tội "Chambre
de l' Innocence” - Tsui Chi dịch trong đó ông ta tha hồ hành hạ bọn cung nữ.
Các quý phi của ông ta phải khỏa thân múa "Khúc Quỷ nhà Trời" (Danse
des diables célestes) mà nội cái tên cũng đủ cho ta tưởng tượng nó ra sao rồi.
Các Lạt Ma mà ông tin hơn các thượng thư, dĩ nhiên cũng có mỗi người một "hậu
cung" riêng.
Vua quan như vậy, còn bọn quân lính Mông Cổ ra sao? Họ cũng Hán
hóa, nghĩa là mất hết cái vũ dũng truyền thống mà hóa ra nhút nhát, ngại khó
nhọc, ngại chiến đấu, cũng chỉ ham hưởng lạc, tới nỗi một miền nọ có một đảng
cướp khỏang 50 tên mà triều đình phải tới 1.000 quân Mông Cổ tới mới dẹp nổi.
Hốt Tất Liệt cấm dân của ông Hán hóa nhưng cấm sao nổi. Đời sống Trung Hoa có
nhiều cái thú quá, nhất là đời sống ở Hàng Châu, Karo Korum làm sao sánh được.
Thức ăn toàn là mỹ vị, y phục toàn là lụa gấm, thèm thanh sắc của thiếu nữ
Trung Hoa nữa... Thế hệ Mông Cổ đầu tiên làm chủ Trung Hoa là thế hệ chiến sĩ
có thể chống nổi với những sự cám dổ đó, thế hệ sau sinh ở Trung Hoa tất thích
sống trong lâu đài hơn là trong lều, ăn nem, chả của Trung Hoa hơn là ăn thịt
ngựa và uống sữa nữa. Vì vậy mà nhà Nguyên làm chủ Trung Hoa chưa được 90 năm
đã bị đuổi về các cánh đồng của họ. Mà chẳng riêng nhà Nguyên các Hãn quốc khác
cũng vậy, cũng chỉ giữ được thuộc địa khoảng 100 năm, trừ Khâm sát hãn quốc nằm
ở phía Bắc hoang vắng, xa xôi, là tồn tại được hai thế kỷ rồi mới bị Nga diệt.
Vậy một dân tộc dù hùng cường tới đâu cũng không thể thịnh hoài được; kẻ bị trị
dù yếu tới đâu mà còn giữ được ngôn ngữ, truyền thống thì tất có lúc sẽ đuổi
được kẻ thù đi.
D. VĂN HÓA
Trên tôi đã nói về tình hình xã hội và kinh tế đời Nguyên, nên
trong mục cuối cùng này tôi chỉ xét về văn hóa.
- Tôn giáo nói chung khá phát đạt, nhưng Phật Giáo đại thừa
không thêm được một tôn phái nào; Phật Giáo có phần bị nén mà Lạt Ma giáo được
đề cao nhất, rồi tới Hồi Giáo.
- Về triết học. Hán Hành đem cái học của Chu Hi truyền bá ở
phương Bắc, không phát huy thêm được gì.
Một điều ngộ nghĩnh đáng ghi là một chí sĩ cuối Tống đầu Minh
tên là Đặng Mục, viết hai thiên Quán Đạo và Lại Đạo chê chế độ quân chủ tập
quyền và quan liêu là không hợp lý. Ông bảo: "Vua lấy thiên hạ làm của
riêng, tàn hại nhân dân để làm vui cho mình..., thu thập thật nhiều tài vật, sợ
người khác đoạt mất. lại đặt ra quân đội, hình pháp để tự vệ như vậy thì cái
họa tranh đoạt không khi nào ngưng được..." quan lại lớn nhỏ... chơi bời,
ăn không... hại hơn là hổ báo, đạo tặc..., họ đoạt cái ân của dân, dân làm sao
khỏi oán phẫn, nổi loạn! Chỉ có cách là phế vua, đuổi quan đi, để dân tự trị
thì mới an lạc được. Chế độ quân chủ đã tới lúc bị oán quá rồi, mà mầm dân chủ
đã muốn nhú.
Văn Thơ
- Sử ký: Một nhà quý tộc Mông
Cổ, Đoái Đoái, phụng chiếu viết mấy bộ sử về Tống, Liêu, Kim, Nguyên, nhưng
không có giá trị: sai lầm, thiếu sót, văn rất kém. Da Luật Sở Tài, người Khiết
Đan, cùng có một bộ Tạp Lục về chiến tranh, gồm 348 quyển. Đáng kể là bộ Văn
hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, một klẻ sĩ ẩn cư không chịu ra làm quan với
Mông Cổ.
- Cổ văn kém hơn đời trước xa, tác giả chỉ mô phỏng Âu Dương Tu
và Tăng Củng mà thiếu tài.
- Thơ, tình đẹp, lời nồng song thiếu phần đặc sắc. Từ có một thế
gọi là tản khúc, hơi thịnh, tác giả chán nản hết thảy, từ danh đến lợi, chỉ ca
tụng thú điền viên, sơn thủy.
- Cuối đời Nguyên, tiểu thuyết viết bằng bạch thoại bắt đầu
thịnh và qua đời Minh mới phát triển mạnh, nên tôi để đến chương sau sẽ xét.
- Tuồng
Một ảnh hưởng quan trọng của Trung Á là nghệ thuật diễn tuồng.
Từ vua quan đến dân đều thích, nên nhiều nhà văn Trung Hoa đem cả tâm lực ra
soạn tuồng, nhưng không ký tên thực vì có thành kiến rằng nó không phải là thứ
văn đứng đắn (người ta viết bằng bạch thoại, nhiều câu, đoạn theo thể biến ngẫu
để cho du dương, dễ ngâm), một phần cũng vì trong tuồng cổ có nhiều chỗ chẳng
hạn khi nêu gương ái quốc bọn cầm quyền không ưa. Mặc dầu vậy, tuồng đời Nguyên
có địa vị của từ đời Tống, thành tinh hoa văn hoa văn học đời Nguyên, nhờ những
nguyên nhân sau đây:
- Văn nhân và dân chúng bị áp bức quá, không dám thổ lộ nỗi uất
hận trong câu chuyện, trong văn thơ, phải mượn tuồng để phát biểu, nhất là
tuồng có sức lôi cuốn đám đông rất mạnh. Nghiến răng nguyền rủa Tần Cối (Hán
gian đời Tống tức là nguyền rủa kẻ bán nước đương thời; vỗ tay hoan nghênh Nhạc
Phi tức là khuyến khích những vị anh hùng muốn rửa cái nhục vong quốc.
° Văn nhân không thể - hoặc không muốn - dùng khoa cử, thi phú
để hiển danh nên đem hết tài năng ra soạn tuồng. Lần này là lần đầu tiên trong
lịch sử, họ cách biệt hẳn với nhà cầm quyền, quay về sống với dân chúng, chịu
cảnh nhục chung với dân chúng, sáng tác cho dân chúng.
Xét về nhạc và cách điệu chung, tuồng đời Nguyên có thể chia
làm:
- Bác khúc có giọng điệu hùng, như tuồng Tì Bà Kí.
- Nam khúc có giọng điệu lãng mạn như tuồng Tây Sương Ký.
Tuồng của Việt Nàm bắt chước tuồng Trung Hoa, cho nên tuồng của
hai nước có những đặc điểm như nhau:
° Không theo phép tam nhất trí (Règles des trois unités) như bi
kịch cổ của Hi Lạp, Pháp. Ta thường thấy trong màn trước một vai còn trẻ từ
biệt cha mẹ để đi thi mà hai màn sau vai đó đã già; màn trước diễn cảnh triều
đình mà màn sau diễn cảnh chiến trường cách xa cả ngàn dặm; tình tiết trong bản
tuồng cũng ít khi tập trung vào một việc chính để tiến tới kết cục.
° Kết cục luôn vui (có hậu vì nhà soạn tuồng luôn luôn có ý răn
đời): tiết phụ thì được phong, nghịch tặc thì bị giết, trung thần thì được vinh
...
° Cách dàn xếp không tách bạch ra từng hồi, từng cảnh như bi
kịch Pháp vì sự dàn cảnh, bài trí rất sơ sài, có khi không thay đổi từ đầu đến
cuối.
° Nhà dàn cảnh luôn luôn dùng qui ước mà khán giả phải hiểu; một
cây roi đủ thay một con ngựa, hễ mặt đỏ râu dài thì là trung thần, mặt loang
lỗ, trắng đen thì là nịnh thần ...
° Trong tuồng có nhiều đoạn nói lối để các vai tự giới thiệu
mình hoặc tóm tắt những việc đã xảy ra cho khán giả để hiểu.
Những vai nữ thường do đàn ông (kép) đóng thay.
Thời Mông Cổ, có tới bốn năm chục nhà soạn tuồng, nổi tiếng nhất
là Quan Hán Khanh, Vương Thực Phủ, Bạch Phác, Mã Trí Viễn. Họ sáng tác rất
mạnh, được cả ngàn tuồng, nay không còn được đủ.
Về nội dung, ta có thể sắp làm năm loại:
° Tuồng diễn những vụ xử án công bằng. Xã hội đời Nguyên là xã
hội bất công, dân chúng Trung Hoa bị ngoại bang áp bức, công lý không còn, dân
không biết kêu ca vào đâu chỉ nuôi hy vọng gặp được những vị quan thanh liêm,
công bằng như Bao Công để họ thán oan. Những tuồng Hồ Điệp mộng, Đậu Nga oan...
của Quan Hán Khanh thuộc loại này.
° Tuồng nghĩa hiệp. Có thể cả đời, hai ba đời không gặp được một
vị quan thanh liêm, nhân từ, nhất là ở đời Nguyên. Mông Cổ nắm hết việc cai
trị, nên người ta gặp những tay nghĩa hiệp để nhờ họ phục cừu cho mau; đó là đề
tài những tuồng Tam Hồ Hạ Sơn, Phong tuyết khốc hàn đình...
° Tuồng nhân quả. Những bậc nghĩa hiệp cũng không dể gì gặp
được, chỉ còn cách nuốt hận và mượn thuyết quả báo của nhà Phật để tự an ủi và
cảnh cáo kẻ khác. Tư tưởng đó được phát biểu trong những tuồng Thần Nô nhi, Lão
sinh nhi ...
° Tuồng thần tiên. Tiêu cực hơn nữa, người ta lánh đời, đi tìm
đạo tiên, lên tu trên núi để mượn tiếng chim kêu vượn hót mà quên đi kiếp đời
khổ nhục, chẳng còn biết có vua, có nước, có Hán, có Tần, có Tống, có Nguyên
nữa, như các nhân vật chính trong Trần Đoàn cao ngọa của Mã Trí Viễn, Hoàng
Lương mộng ...
° Tuồng luyến ái. Nhân quả là mơ hồ, tu tiên cũng là ảo vọng,
đều không thực tế, không bằng trầm túy bên cạnh mỹ nhân, nhìn về ngọc, nghe
tiếng oanh mà đánh đắm nỗi sầu trong ly rượu, đó mới thực là cảnh tiên, cảnh
tiên trong cõi tục. Những tuồng trong loại này nhiều nhất, được nhiều người
thích vì rất mãng mạn, như Bái nguyệt đình, Phong hoa tuyết nguyệt, Ngọc xuân
đường ... Nổi danh nhất là Tây sương Ký của Vương Thực Phủ.
Có tài nhất là Quan Hán Khanh. Ông soạn được 63 tuồng, nay chỉ
còn 13. Hai tuồng Đậu Nga oan và Cứu phong trần rất được truyền tụng. Có người
ví tuồng của ông với bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên, có tác giả lại so sánh nó với
thơ Đường, họ đều nhận thấy rằng nó có địa vị rất lớn trong văn học Trung Hoa.
Ông rất khéo về kết cấu và miêu tả.
Vương Thực Phủ, tác giả Tây Sương Ký, có tài tả tâm lý một thiếu
nữ đa tình bị lễ giáo kiền thúc: mới đầu muốn yêu mà không dám, về sau khi đã
yêu thì nhiệt tình vô cùng, lúc trằm mặt, lúc phóng đảng cũng rất mực.
Một học giả, Vương Quốc Duy phê bình tuồng đời Nguyên như sau:
" Cái hay của tuồng đời Nguyên... có thể tóm tắt trong một
tiếng là tự nhiên (... Vì người soạn tuồng đời ấy) ..... không có ý lấy văn học
cầu danh vị; cũng không có ý chôn tác phẩm vào danh sơn để lưu truyền hậu thế.
Họ cảm hứng mà viết để làm vui mình và vui người; lời khéo vụng, họ không kể, ý
thô lậu, họ không ngại (...). Họ tả cảm tưởng trong lòng cùng tình trạng xã
hội, mà cái lẽ chân thành, cái khí hùng dũng thường hiện trong văn...."
- Về các nghệ thuật điêu khắc, kiền trúc, đồ sứ, dệt, thảm...,
Trung Hoa đều học được của Tây Yạng, Ấn Độ, Ả Rập ít nhiều như các trang trên
tôi đã nói qua.
Riêng về họa, Trung Hoa không chịu ảnh hưởng của nước ngoài. Đời
Nguyên có tới 400 danh họa gia, thịnh hơn các đời trước; cơ hồ một số lớn buồn
về thời cuộc, lấy môn đó để tiêu khiển, nhiều nhà vô ẩn trong núi, chuyên về cảnh
lân tuyền, như những bức "Xuân Hạ Ẩn Cư" của Vương Mông; "Thúy
Trúc U Cư".
Một nhóm khác trong đó có Nghệ Toản tạo ra một lối mới của miền
Nam; Nghệ Toản có những bức Tây Lâm thiền thất, Sơ Lâm cô đình biểu hiện được
cái thú nhàn tản.
Triệu Mạnh Phủ là một quí tộc Tống hàng Nguyên. Cha con, anh em,
vợ chồng đều vẽ giỏi. Bức tranh vẽ một người Hồ săn bắn của Phủ nổi tiếng vì
ghi được dũng khí của kị sĩ Hồ.
Khoa học:
Đời Nguyên không phát minh được gì mà tiếp thu được của Trung Á,
Tây Á, và Châu Âu ít nhiều về thiên văn học, số học, cơ giới.
Về y học, Lí Cảo nổi danh, ông để lại các bộ Nội, ngoại thương
biện luận, Tì vị luận, hình như ông cũng nghiên cứu về châm cứu, có một bức
tượng bằng đồng chỉ các huyệt trên cơ thể.
--------------------------------
Tác giả viết trước
năm 1984. (BT) |
|
Nước của Kha Hãn
(vua Mông Cổ) |
|
Họ thua thực dân da
trắng thế kỷ XIX: Nhờ khéo tổ chức, Anh chỉ vài chục ngàn người nắm được cả
trăm triệu dân Ấn, Pháp chỉ dăm ngàn người nắm được cả chục triệu dân Việt. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét