Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 23 - CANH TANG SỞ 莊子 南華經

 

TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 23 - CANH TANG SỞ 莊子 南華經

Đề cử hiền tài thì dân chúng khuynh loát nhau, nhiệm dụng hạng tài trí thì dân chúng sinh ra trá ngụy. Những cách đó không làm cho dân chúng thuần hậu mà chỉ khiến họ hăm hở cầu lợi, sinh ra cảnh con giết cha, bề tôi giết vua, đạo tặc hoành hành giữa ban ngày, khoét tường giữa trưa. Người ham học thường nhắm vào cái mình không học được; người ham làm là nhắm vào cái mình không làm được; người ham biện luận thường nhắm vào cái điều không thể biện luận được. Một người biết ngưng lại ở chỗ không ai có thể biết được là đạt được cái cực điểm của tri thức. Nếu không nhận sự hạn chế tự nhiên ấy thì bản tính thiên nhiên tất hao tổn.

 



 

1

Trong số đệ tử của Lão Đam có một người tên là Canh Tang Sở hơi đạt được đạo của thầy[596], nên lên trên núi Uý Luỹ [nước Lỗ] tại phương Bắc, đuổi hết nô bộc nào thông minh, xa lánh hết những tì thiếp nào có lòng nhân, mà ở chung với những kẻ đần độn, dùng những kẻ ăn mặc lôi thôi.

Canh Tang Sở ở được ba năm thì miền Uý Luỹ trúng mùa lớn, dân chúng bảo nhau: “Khi thầy Canh Tang mới tới, chúng ta ngạc nhiên thấy thầy kì cục quá. Ảnh hưởng của thầy, xét từng ngày thì không thấy mà xét hàng năm mới thấy là nhiều. Thầy là bậc thánh chăng? Sao chúng ta không coi thầy như người thay mặt[597] cho tổ tiên ta, trọng thầy như thần xã tắc [thổ thần và thần mùa màng] của chúng ta?

Hay tin đó, Canh Tang tử ngồi quay mặt về phương Nam mà không vui. Môn sinh lấy làm lạ. Canh Tang tử giảng: “Thái độ của thầy có gì lạ đâu. Khí xuân làm cho cây cỏ hồi sinh, khí thu làm cho trái cây chín, có phải vô cớ mà như vậy đâu, là do sự vận hành của đạo trời vậy. Thầy nghe nói bậc chí nhân ngồi im không nhúc nhích giữa bốn bức vách trong phòng còn dân chúng thì lăng xăng không biết kiếm chí nhân ở đâu. Nay dân Uý Luỹ bàn với nhau muốn thờ thầy như một hiền nhân, thì thầy thành một người mô phạm mất rồi. Cho nên nghĩ tới lời của Lão Đam mà thầy không vui”.

Các đệ tử bảo:

- Thưa, không phải vậy. Trong cái rãnh nhỏ, cá lớn không thể quay mình lại được, nhưng cá con hoặc lươn thì chuyển động dễ dàng. Trên một cái gò thấp, một con dã thú lớn không thể nấp được, nhưng con chồn nhỏ ở thấy sung sướng. Tôn kính hiền nhân, đề cử người có tài năng, tặng họ quan chức, lợi lộc, đó là tục từ thời Nghiêu, Thuấn, sao dân chúng Uý Luỹ nay lại không theo? Xin thầy nên nhận lời họ đi.

Canh Tang tử đáp:

- Lại gần đây, thầy giảng cho nghe. Một con dã thú lớn tới nỗi ngậm được một cái xe mà một mình ra khỏi rừng núi thì cũng không tránh khỏi cái hoạ bị bẫy, lưới. Một con cá dù lớn tới nỗi nuốt được một chiếc thuyền mà rời nước lên cạn thì bị kiến bu lại cắn. Cho nên loài cần thú thích ở nơi cao, loài cá và ba ba thích ở chỗ sâu. Người cũng vậy, muốn giữ vẹn hình hài sinh mệnh thì ở ẩn trong rừng sâu núi thẳm. Với lại Nghiêu, Thuấn có thực đáng tán dương không? Cách hai ông ấy lựa chọn người hiền năng không khác gì người phá tường mà trồng cỏ bồng cỏ cảo thay vào [cỏ làm sao che kín bằng tường được?], hoặc như người lựa những sợi tóc dài để chải, đếm từ hạt gạo để nấu cơm, dùng cách nhỏ nhen như vậy làm sao cứu đời được? Đề cử hiền tài thì dân chúng khuynh loát nhau, nhiệm dụng hạng tài trí thì dân chúng sinh ra trá ngụy. Những cách đó không làm cho dân chúng thuần hậu mà chỉ khiến họ hăm hở cầu lợi, sinh ra cảnh con giết cha, bề tôi giết vua, đạo tặc hoành hành giữa ban ngày, khoét tường giữa trưa. Thầy bảo các anh này: do thời Nghiêu Thuấn mà sinh ra đại loạn, ảnh hưởng tới ngàn đời sau. Ngàn đời về sau tất có cái cảnh người ăn thịt người đấy.

 

2

Nam Vinh Xu[598] sợ sệt, ngồi lại ngay ngắn, hỏi thầy [là Canh Tang Sở]:

- Tuổi con đã lớn rồi, con phải học tập cách nào để theo được lời dạy của thầy?

Canh Tang tử đáp:

- Anh bảo toàn thân hình cùng bản tính của anh đừng để cho tư lự đau đáu trong lòng, như vậy ba năm thì thực hiện được lời dạy của thầy.

Nam Vinh Xu lại hỏi:

- Hình trạng con mắt ai cũng như ai, con không thấy gì khác cả mà người mù thì không thấy được. Hình trạng cái tai ai cũng như ai, con không thấy gì khác cả, mà người điếc không nghe được. Hình trạng quả tim ai cũng như ai, con không thấy gì khác cả, mà người điên không tự chủ được. Hình thể mọi người giống nhau, sở dĩ khác nhau như vậy là do ngoại vật ngăn cách chăng? Cho nên người mù, người điếc nhìn thấy, nghe thấy mà không được? Thầy mới bảo con phải bảo toàn thân hình cùng bản tính, đừng để cho tư lự đau đáu trong lòng, con gắng lắm mới nghe lọt [nhưng chưa nhập tâm được].

Canh Tang tử bảo:

- Thầy không có gì nói thêm nữa. Con ong nhỏ không hoá thành con sâu xanh lớn trên cây đậu, con gà nhỏ ở nước Việt không thể ấp được trứng con hồng hộc lớn, mà con gà lớn ở nước Lỗ ấp được. Cũng là gà, bản tính tất giống nhau, mà con ấp được, con không vì lớn nhỏ khác nhau. Tài thầy nhỏ không thể biến hoá được anh. Sao anh không đi thăm ông Lão tử ở phương Nam?

Nam Vinh Xu bèn mang theo lương thực, đi bảy ngày bảy đêm tới nơi Lão tử ở.

Lão tử hỏi:

- Phải Canh Tang Sở bảo anh tới đây không?

Nam Vinh Xu đáp:

- Dạ, phải.

- Sao mà dắt theo nhiều người quá vậy?[599]

Nam Vinh Xu hoảng hốt nhìn lại phía sau, Lão tử bảo:

- Anh không hiểu ta muốn nói gì chăng?

Nam Vinh Xu cuối đầu, xấu hổ, rồi ngửng đầu lên thở dài:

- Tôi không biết đáp ông ra sao, rồi [luýnh quýnh] quên mất cả những điều tôi muốn hỏi ông.

Lão tử hỏi:

- Muốn nói gì vậy?

- Tôi không biết thì người ta chê tôi ngu, mà biết thì chỉ thêm sầu khổ vào thân. Tôi bất nhân thì làm hại người, mà có lòng nhân thì chỉ thêm sầu khổ vào thân. Tôi bất nghĩa thì làm thương tổn cho người, mà làm điều nghĩa thì chỉ thêm sầu khổ cho mình. Làm sao tránh được những cái đó. Tôi tư lự về ba điều lưỡng nan đó lắm. Nên tôi nghe lời thầy Canh Tang Sở lại thỉnh giáo ông.

Lão tử bảo:

- Lúc nãy ta đã đọc được tâm ý anh trong cặp mắt anh, nay nghe lời anh nói, ta thấy mình đã đoán đúng. Mắt anh thất thần như đứa nhỏ mất cha mẹ, cầm cây sào mà mò cha mẹ ở đáy biển. Anh là người mất bản tính, rất hoang mang. Anh muốn khôi phục lại bản tính mà không biết cách nào. Thật đáng thương.

Nam Vinh Xu xin phép về nhà trọ: rán tu dưỡng những điều mình cho là tốt, từ bỏ những điều mình cho là xấu. Sau mười ngày còn tự thấy ưu tư[600], trở lại thăm Lão tử. Lão tử bảo:

- Anh đã tự gột rửa được bản tâm, cái khí tinh thục đã sung mãn, nhưng trong lòng vẫn còn nhiều cái xấu. Người nào mà tai mắt bị ngoại vật làm cho bế tắc thì đừng nên vội khống chế nó, nếu không, nội tâm sẽ bị nhiễu loạn. Nội tâm mà bị bế tắc thì cũng đừng nên vội khống chế nó, nếu không thì tai mắt sẽ bị nhiễu loạn. Người nào cả tai mắt lẫn nội tâm bị bế tắc thì bản tính còn không giữ được, huống hồ là hành động theo Đạo[601].

Nam Vinh Xu bảo:  

- Một người trong xóm đau, người láng giềng lại thăm, nếu người đau còn kể rõ được bệnh của mình thì bệnh chưa nặng lắm. Còn tôi, mỗi lần nghe nói tới Đạo lớn thì như người uống thuốc mà bệnh tăng lên. Tôi xin ông chỉ cho cách bảo toàn bản tính thôi.

Lão tử đáp:

- Cách bảo toàn bản tính là trước hết phải tự hỏi mình có rời bản tính không? Có thể không làm mất nó không? Có thể không cần bói bằng mu rùa hay cỏ thi mà biết được cát hung không? Có thể ngừng lại đúng lúc không? Có thể không đeo đuổi ngoại vật không? Có thể không cầu ở người mà cầu ở chính mình không? Có thể giữ tinh thần được tự do không? Có thể vô tâm mà thuận theo vật không? Lòng có thể như lòng của đứa hài nhi không? Hài nhi khóc suốt ngày mà không khan tiếng là vì tâm khí nó cực điều hoà, nắm chặt tay suốt ngày mà không cầm cái gì cả[602], là vì đức tính tự nhiên của có là vậy; nó ngó suốt ngày mà mắt không cử động vì không để ý tới ngoại vật; nó đi mà không biết đi đâu, ở yên mà không biết làm gì. Nó thuận theo ngoại vật, cùng lên xuống (nổi chìm) với vạn vật. Đó là cách bảo toàn bản tính.

Nam Vinh Xu hỏi:

- Đó có phải là đức của bậc chí nhân không?

Lão tử đáp:

- Không. Được như vậy mới chỉ như cục băng tan ra thôi [trút bỏ được thành kiến như cục băng trút hết khí lạnh]. Bậc chí nhân tuỳ theo đất mà ăn uống[603] [sống theo tự nhiên], tuỳ theo thời mà vui vẻ. Không vì cái lợi giữa mình và người mà lòng phải nhiễu loạn, không lập dị, không mưu mô, không giao thiệp với ai, tự do đi và vô tâm mà về. Đó là cách bảo toàn bản tính.

- Như vậy là đạt tới cảnh giới tối cao chưa?

- Chưa. Tôi hỏi anh có thể như đứa hài nhi được không? Đứa hài nhi cử động mà không biết nó làm gì, đi mà không biết đi đâu. Thân thể anh phải như cây khô, tinh thần anh phải như tro tàn. Như vậy hoạ phúc mới không tới. Đã không còn hoạ phúc nữa thì đâu còn bị tai nạn nữa.

 

3

Người nào an vui thì phát ra ánh sáng của trời [ánh sáng tự nhiên]. Người nào phát ra ánh sáng của trời thì người khác coi người đó cũng như một người thường. Người nào tu thân [theo tự nhiên] thì có hằng tâm. Có hằng tâm thì được người khác qui phụ, được trời giúp đỡ. Được người khác qui phụ thì gọi là “dân của trời” (thiên dân); được trời giúp đỡ thì gọi là “con trời” (thiên tử).

Người ham học thường nhắm vào cái mình không học được; người ham làm là nhắm vào cái mình không làm được; người ham biện luận thường nhắm vào cái điều không thể biện luận được. Một người biết ngưng lại ở chỗ không ai có thể biết được là đạt được cái cực điểm của tri thức. Nếu không nhận sự hạn chế tự nhiên ấy thì bản tính thiên nhiên tất hao tổn.

Hiểu tính chất của vật mà tuỳ thuận hình thể của nó, đừng ưu tư, giữ tâm cho thư thái, giữ tấm lòng kính cẩn để thông đạt ngoại vật, như vậy mà vẫn còn có thể gặp tai hoạ. Nhưng những tai hoạ đó là mệnh trời, mình không thể tránh được, không làm gì tổn hại đến đức tính của ta cả, không làm nhiễu loạn được “linh đài” (tức nội tâm) của ta. Linh đài, có cái gì giữ nó đấy, nhưng ta không biết cái đó là cái gì, nên không giữ được nó.

Không thành tâm mà hành động thì hành động tất không đúng. Vật dục xâm nhập nội tâm mà không trừ bỏ được thì bản chân sẽ mất. Người nào làm điều ác một cách hiển nhiên thì bị xã hội giết. Người nào làm điều ác trong chỗ tối tăm không ai biết thì bị quỉ thần diệt. Sửa mình sao cho đối với người và đối với quỉ thần đều không có điều gì hổ thẹn, như vậy mới đạt được cái mức “thận độc” (nghĩa là cả khi ở một mình cũng giữ gìn cẩn thận, không có ý nghĩ xấu).

Hành vi chỉ nhằm hợp với nội tâm thì không cầu danh; hành vi nhằm hợp với ngoại vật thì cầu được thưởng. Hành động mà không cầu danh thì có hào quang; hành động mà vì lợi thì là bọn con buôn bị người khác chê là tham mà chính mình lại tự cho là hơn người[604]. Người nào cư xử cẩu thả với ngoại vật thì không dung được chính thân mình, như vậy làm sao dung được người khác. Không dung được người khác thì không có bạn thân, không có bạn thân thì coi hết thảy mọi người là người lạ. Lòng tham còn giết người hơn tất cả các binh khí, những cây kiếm (thật bén) Mạc Da cũng phải thua. Đạo tặc không gì đáng sợ bằng khí âm khí dương (tức hỉ nộ) ngưng kết ở trong lòng, trong vũ trụ không vật nào thoát được cái nguy đó, nhưng xét kĩ không phải khí âm khí dương hại ta mà chính thị dục của ta hại ta. Đạo lưu động mà gây ra sự phân biệt: sinh thành rồi huỷ diệt (…)[605]. Có sinh có tử, có ra có vô. Vô ra mà không thấy hình thể gọi là “cửa trời” (thiên môn). Cửa trời là cái “vô” từ đó phát sinh ra vạn vật. Vì cái “hữu” không thể phát sinh từ cái “hữu” mà phát sinh từ cái “vô”. Nhưng cái vô lại “vô” lại vô nốt, đó là kho tàng (cái thần diệu bí mật) của thánh nhân.

Cổ nhân có người tri thức đạt tới cực điểm. Cực điểm đó ở đâu? Ở chỗ cho rằng thời sơ khởi, vũ trụ chưa có vật: đó là điểm cực xa, cực cao mà tri thức đạt được, không thể thêm gì được nữa. Hạng người thấp hơn cho rằng thời sơ khởi đã có vật, mà sự sinh đưa tới sự chết, chết là trở về gốc: như vậy là có sự phân biệt rồi. Rồi lại có hạng thấp hơn nữa cho rằng sơ khởi là “vô”, rồi mới có “sinh”, sinh không lâu thì chết[606]. Như vậy “vô” là cái đầu, “sinh” là phần thân thể, mà “chết” là đốt cuối xương sống. Ai mà biết rằng “hữu”, “vô”, chết, sống vốn chỉ là một thể, thì tôi sẽ đánh bạn với người đó. Ba cái (“vô”, sinh, tử) tuy khác nhau nhưng cùng một họ, cũng như họ Chiêu, họ Cảnh tuy dùng tên thuỵ của tiên nhân làm họ, còn họ Giáp dùng tên ấp được phong cho tiên nhân làm họ, nhưng thực ra đều cùng một họ của Sở cả.

 

4

(…)[607] Tôi xin nói về lẽ “tuỳ thời thay đổi”. Ai cho sự sinh tồn của mình là chủ, thành kiến của mình là chuẩn tắc, thì làm cho quan niệm thị phi hoá ra phức tạp, phải phân biệt danh và thực. Người đó tự cho mình là phải, bắt người khác phải theo những phán đoán của mình và hi sinh cho những phán đoán đó. Người đó cho ai hữu dụng là thông minh, vô dụng là ngu xuẩn, thành công là danh dự, thất bại là tủi nhục. Người thời nay đều coi trọng một cái lẽ nó tuỳ thời thay đổi, như vậy không khác gì con ve sầu và con chim cưu, chúng chỉ thấy một khoảng trời hẹp như nhau.

Lỡ dẫm chân lên chân người khác ở chợ thì người ta vội xin lỗi đã vô ý; nếu là anh dẫm lên chân em thì tỏ vẻ thương tiếc và an ủi em; nếu là cha mẹ dẫm lên chân con thì chả phải nói gì cả. Cho nên bảo: “Cực lễ độ thì coi người khác như mình; cực nghĩa thì không phân biệt vật này với vật khác; cực trí thì không mưu tính; cực nhân thì không phân biệt thân sơ; cực tín thì không bắt thế đồ[608]”.

 

5

Phải diệt nhiễu loạn của chí vì ngoại vật, tránh sự trói buộc cái tâm, để cho đạo đức phát hiện ra mà đừng cản trở cái đạo. Giàu có, sang trọng, hiển đạt, uy thế, thanh danh, lợi lộc, sáu cái đó là những ngoại vật làm nhiễu loạn chí của ta. Dong mạo, động tác, nhan sắc, tình, khí, dục, sáu cái đó trói buộc cái tâm của ta. Ghét, yêu, vui, buồn, giận, thích, sáu cái đó làm trở ngại cái đức. Nhận, chối, lấy, cho, trí tuệ, tài năng, sáu cái đó che lấp cái đạo. Ai không bị hai mươi bốn cái đó nhiễu loạn thì lòng được quân bình, quân bình thì yên tĩnh, yên tĩnh thì sáng suốt, sáng suốt thì hư không, hư không thì không làm gì mà không gì không làm.

Đạo là cái mà Đức kính trọng[609]. Sự sống là ánh sáng rực rỡ của cái Đức. Tính là bản thể của con người, tính phát động ra thì ta hành động; hành động nào rời bản tính thì đánh mất cái Đạo. Biết là tiếp xúc với ngoại vật rồi mưu tính. Trí tuệ của con người không thể biết được một số sự vật cũng như người lát mắt không thể nhìn thấy khắp được. Do đó bất đắc dĩ mà hành động, cái đó là đạo đức; hành động là mà mình, cái đó là trật tự (nội tâm). Hai câu đó ý tương phản nhau mà thực ra thuận nhau.[610]

 

6

Hậu Nghệ có tài bắn trúng được một cái đích rất nhỏ, nhưng vụng ở chỗ thích nghe nịnh. Thánh nhân khéo theo tự nhiên mà vụng về “nhân vi” (việc người ta làm). Chỉ có người toàn đức mới khéo thuận theo tự nhiên, vừa khéo việc “nhân vi”. Chỉ có con sâu là biết hoàn toàn sống theo sâu, tuỳ thuận tự nhiên. Người toàn đức ghét thiên nhiên chăng? Ghét cái thiên nhiên “nhân vi” chăng? Mà chính tôi là trời (thiên nhiên) chăng?[611]

Một con chim mà bay qua trước mặt Hậu Nghệ thì thế nào Hậu Nghệ cũng bắn trúng (nhưng chỉ bắn mỗi phát được một con thôi). Nếu coi vũ trụ là cái lông chim thì không một con chim nào thoát được. Vì vậy mà vua Thành Thang nhốt Y Doãn vào lồng bằng cách dùng Y Doãn làm đầu bếp, và Tần Mục Công nhốt Bách Lí Hề vào lồng bằng cách tặng (?) Bách Lí Hề năm bộ da cừu. Như vậy, không dùng sở thích của người ta mà lung lạc người ta được là điều không hề có[612].

Một người cụt mất một chân thì không giữ phép tắc (khi đi đứng) nữa, vì chẳng cần để ý tới lời khen chê của người khác. Một tên bị tội đồ dù lên chỗ cheo leo cũng không sợ vì đã coi thường sống chết. Người nào chê ta mà ta không đáp[613], thì ta đã không phân biệt người với mình rồi; không phân biệt người với mình, tức là người của trời (thiên nhân), hồn nhiên, có được người khác tôn kính cũng không vui, mà bị người khác làm nhục cũng không giận. Chỉ người nào hoà hợp với trời mới được như vậy.

Người người vượt lên sự giận dữ thì không bao giờ giận dữ; dù người đó có giận dữ thì sự giận dữ đó cũng không phải là giận dữ vì tư dục, thành kiến; người nào vượt lên mọi hành động của loài người thì không hành động; dù có người đó có hành động, cũng vẫn là “vô vi”. Ai muốn bình tĩnh, thì phải điều hoà hơi thở; ai muốn được thân mình (cực sáng suốt) thì phải thuận theo tâm của mình; ai muốn hành động hợp đạo lí thì chỉ hành động khi nào bất đắc dĩ; đó là cái đạo của thánh nhân.

 

NHẬN ĐỊNH VỀ HAI CHƯƠNG TRÍ BẮC DU, CANH TANG SỞ

Hai chương này có hai điểm giống nhau:

- cùng bàn về Đạo, Đức, vô vi cho rằng trí tuệ không hiểu được Đạo, thánh nhân vô ích cho xã hội, và cũng thảo luận về vấn đề vô và hữu;

- nhất là chịu ảnh hưởng đậm của Trang lẫn của Lão, có bài dùng đúng những lời của hai nhà đó nữa.

Như trong Trí Bắc du, đại ý trong bài 6 (Đạo không ở đâu không có) cũng là ý trong bài Đại tôn sư 1. “Nó (Đạo) tạo ra quỉ thần, thượng đế, nó sinh ra trời đất”. Vì Đạo sinh ra vũ trụ, cho nên trong vũ trụ, chỗ nào cũng có nó.

Một thí dụ nữa: lời của Vô Thuỷ trong Trí Bắc du 8: “Đạo không thể nghe được, cái gì nghe được thì không phải là Đạo. Đạo không thể thấy được, cái gì thấy được thì không phải là Đạo. Đạo không thể đem ta giảng được, cái gì giảng được thì không phải là Đạo. Ai biết được rằng cái gì sinh ra hình thể thì không có hình thể”.

Cũng diễn đúng ý này trong Đại tôn sư 1:

“Đạo có thực và tồn tại, nhưng “vô vi” mà không có hình trạng. Có thể truyền được mà không thể tiếp nhận nó được, hiểu nó được mà không thấy nó được”.

Đó là ảnh hưởng của Trang. Nhưng ngay ở sau đoạn tôi mới dẫn trong Trí Bắc du 8, chúng ta cũng nhận ra ảnh hưởng của Lão nữa trong câu này: “Đạo bất đương danh” (Đạo không thể dùng tên mà gọi được). So với câu trong chương đầu Đạo Đức kinh: “Đạo khả đạo phi thường Đạo…” thì lời tuy khác mà ý là một.

Nhất là Trí Bắc du 1 có tới bốn câu trích trong Đạo Đức kinh mà tôi đã ghi vào cước chú, nên không cần dẫn lại ở đây. 

Chương Canh Tang Sở cũng vậy.

Ảnh hưởng của Trang:

Bài 3: “Cổ nhân có người tri thức đạt tới cực điểm. Cực điểm đó ở đâu? Ở chỗ cho rằng thời sơ khởi, vũ trụ chưa có vật: đó là điểm cực xa, cực cao mà tri thức đạt được, không thể thêm gì được nữa. Hạng người thấp hơn cho rằng thời sơ khởi đã có vật, mà sự sinh đưa tới sự chết, chết là trở về gốc: như vậy là có sự phân biệt rồi. Hạng thấp hơn nữa cho rằng sơ khởi là “không có”, rồi mới có “sinh”, sinh không bao lâu thì chết” đã dùng những chữ và diễn gần đúng những ý trong bài 6 Tề vật luận:

“Cổ nhân có người trí thức đạt được tới cực điểm. Cực điểm đó ở đâu? Ở chỗ cho rằng thời sơ khởi vũ trụ chưa có vật: đó là điểm cực xa, cực cao mà tri thức đạt được, không thể thêm gì được nữa. Hạng người thấp hơn cho rằng thời sơ khởi đã có cái gì đó, nhưng cái đó không nhất định. Hạng thấp hơn cho rằng cái đó đã nhất định nhưng bảo không có thị phi (phải trái, xấu tốt).

Rõ ràng tác giả Canh Tang Sở đã mô phỏng Trang mà kém minh bạch, sâu sắc.

Cũng trong bài 3 Canh Tang Sở ấy, đoạn: “Như vậy, “không có” là cái đầu, sinh là phần thân thể, mà chết là đốt cuối của xương sống. Ai biết rằng “có”, “không”, chết, sống chỉ là một thì tôi sẽ đánh bạn với người đó”  khiến ta nhớ tới đoạn đầu bài Đại tôn sư 3:

“Tử Tự, Tử Dư, Tử Lê, Tử Lai nói với nhau: “Ai coi sự hư vô là đầu, sự sống là xương sống, sự chết là đốt cuối của xương sống; ai biết được sống chết, còn mất chỉ là một thì người đó là bạn của chúng ta”.

Người sau gần như chép nguyên văn của người trước. Còn ảnh hưởng của Lão, ta thấy ngay trong bài đầu, chép chuyện một môn đệ của Lão tử: Canh Tang Sở.

Tư tưởng phản đối hiền và trí trong bài ấy là tư tưởng của Lão hơn là của Trang:

“Đề cử nhân tài thì dân chúng khuynh loát nhau, nhiệm dụng hạng tài trí thì dân chúng sinh ra trá nguỵ”. Câu ấy diễn lại ý trong câu “không trọng người hiền thì khiến cho dân chúng không tranh nhau” (Đạo Đức kinh – chương 3) và câu “Trí tuệ gây ra sự gian trá lớn” (Đạo Đức kinh – chương 18).

Một chứng cứ nữa: hai chữ “cửa trời” (thiên môn) trong bài 3 chính là chữ của Lão tử: “Thiên môn khai hạp” (cửa trời khép mở) – Đạo đức kinh – chương 10.

Sau cùng, theo La Căn Trạch, suốt thời Tiên Tần chỉ có Lão tử coi đứa hài nhi là người lí tưởng[614]. “Có thể tập trung cái khí để được mềm mại như đứa trẻ sơ sinh không?” (Đạo đức kinh – chương 16), “Giữ được cái đức cho thật dày (đầy đủ) thì như đứa con đỏ (trẻ mới sinh)” (chương 55); “người nào mà cái Đức không lúc nào rời thì trở về tuổi sơ sinh” (chương 28).

Mà trong Canh Tang Sở 2, tác giả cũng đề cao hài nhi: “Lòng có thể như lòng đứa hài nhi không? Nó khóc suốt ngày mà không khan tiếng là vì tâm khí nó cực điều hoà… Nó thuận theo ngoại vật, cùng lên xuống (nổi chìm) với vạn vật. Đó là cách bảo toàn bản tính”.

*

Vì ảnh hưởng của Trang và của Lão đan xen nhau như vậy nên có người như Hoàng Cẩm Hoành bảo tác giả của cả hai chương thuộc môn phái Trang, có người như La Căn Trạch bảo thuộc môn phái Lão. Nhưng làm sao chúng ta có thể tin chắc được là môn phái nào vì ngay trong một bài – bài Canh Tang Sở 3 – ta thấy cả lời của Trang lẫn lời của Lão? Lại thêm tác giả bài 13 cũng chương đó có giọng chán đời, không phải giọng của Lão hay của Trang. Cho nên chúng ta chỉ có thể kết luận rằng hai chương đó của một số hậu học, kẻ chịu ảnh hưởng của Trang, kẻ của Lão, có người cả của Trang lẫn Lão. Họ không phát huy được thêm tư tưởng nào của người trước, bút phát cũng không có gì đặc sắc, trừ vài bài như Trí Bắc du 1, 6. Nhất là Canh Tang Sở có nhiều chỗ tối nghĩa và tư tưởng lộn xộn.

 

Chú thích :

[596] Nguyên văn: thiên, L.K.h. dịch là: riêng đạt được đạo của thầy. Canh Tang Sở, trong Liệt tử chép là Cang Sương tử, trong Sử kí chép là Cang Tang.

[597] Nguyên văn là thi. Coi chú thích bài 2 chương Tiêu dao du.

[598] Có sách đọc là Trù hay Thọ.

[599] Có lẽ Lão tử muốn nói: mang nhiều ưu tư (hoặc thành kiến) quá.

[600] Nguyên văn: Thập nhật tự sầu.

[601] Đoạn này rất khó hiểu, mỗi sách giảng một khác. Tôi châm chước L.K.h. mà không chắc là đúng.

[602] Nguyên văn: nhi thủ bất nghễ. L.K.h. dịch là: không phải gắng sức.

[603] Nguyên văn: tương dữ giao thực hồ địa. L.K.h. dịch là: chia với người khác những thức ăn của trái đất.

[604] Nguyên văn: nhân kiến kì kì, do chi khôi nhiên. H.C.H. dịch là: người khác cho là nguy hiểm, mà mình tự cho là yên ổn.

[605] Bỏ chừng mười hàng rất tối nghĩa, mỗi sách chú thích một khác.

[606] Nghĩa là hạng thứ ba này cho chết là hết, không trở về gốc.

[607] Bỏ chừng mười hàng rất tối nghĩa, mỗi sách chú thích một khác.

[608] Sách in là: “cực tính thì không bắt thế đó”. Tìm câu tương ứng trên mạng thì thấy có đến ba bản. Theo bác Vvn thì câu hợp hơn hết là: chí tín tịch kim 至信辟金, nghĩa là “cực tín thì không bắt thế chấp”.  

[609] Nguyên văn: đức chi khâm giả. H.C.H. dịch là: Đạo là sự phô bày của Đức. Như vậy khó hiểu quá vì Lão, Trang cho rằng có Đạo rồi mới có Đức, Đức là tác dụng của Đạo, là cái biểu hiện của Đạo. – Nhưng bảo “Đạo là cái Đức kính trọng” thì thú thực tôi cũng chẳng hiểu gì cả.

[610] Có lẽ tác giả muốn nói: người theo Đạo thì vô vi, chỉ bất đắc dĩ mà hành động, dù sự bất đắc dĩ đó, do hoàn cảnh ở ngoài hay do xúc động trong lòng.

[611] Lời đoạn này sáng sủa mà ý thì tối, không hiểu nổi.

[612] Tác giả xét cổ nhân hoặc hiểu truyện cũ theo ý mình. Y Doãn và Bách Lí Hề đều là người hiền thời trước. Y Doãn khéo điều hoà các món gia vị, vua Thành Thang cho rằng tài điều hoà đó là tài làm tể tướng, nên trọng dụng; và Y Doãn giúp vua Thành Thang thắng vua Kiệt mà lập nên nhà Thương. Bách Lí Hề khi chưa gặp thời, phải chăn bò ở Nam Hải (Sở), Tần Mục Công biết ông là người tài, đem năm bộ da cừu chuộc rồi rước ông về làm thừa tướng. 

[613] Nguyên văn: phục tập bất quĩ. L.K.h. dịch là: tập lại lần nữa mà không xấu hổ (nghĩa là vụng về, phải tập đi tập lại?), có lẽ là vì theo một bản khác.

[614] La Căn Trạch lầm. Mạnh tử trong Li Lâu hạ bài 12 cũng bảo “Bậc đại nhân không đánh mất tấm lòng của mình khi mới sinh ra” (bất thất kì xích tử chi tâm). Nhưng tác giả Canh Tang Sở chịu ảnh hưởng của Lão, chứ không phải của Mạnh.

(Theo: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét