TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 22 - TRÍ BẮC DU 莊子 南華經
Người biết thì không
nói, kẻ nói thì không biết. Đạo không thể nhận được, Đức không thể đạt được, mà
lòng nhân có thể thi hành được, nghĩa có thể tồn tại được, lễ có thể hoá ra giả
dối được. Cho nên bảo: “Mất Đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có nhân, mất
nhân rồi mới có nghĩa, mất nghĩa rồi mới có lễ. Lễ là cái phù hoa của Đạo, là
đầu mối của loạn. Cho nên bảo: “Theo Đạo thì mỗi ngày một bớt [hành động đi].
Bớt rồi lại bớt nữa, cho đến vô vi [không làm gì cả]. Vô vi mà không có gì là
không làm”. Nay đã là vật rồi mà muốn trở về bản nguyên, điều đó thực khó, chỉ
bậc chí nhân hoạ chăng mới dễ dàng trở về được.
1
Trí đi chơi phương
Bắc, tới Huyền Thuỷ, lên núi Ẩn Phân, gặp Vô Vi Vị,[564] bảo:
- Tôi muốn hỏi ông ít
điều: Muốn biết Đạo thì phải suy nghĩ những gì, ra sao? Muốn ở yên trong Đạo thì
phải cư xử ra sao, hành động ra sao? Muốn đắc Đạo thì phải theo cách nào, đường
nào?
Trí hỏi ba câu đó mà
Vô Vi Vị không đáp câu nào cả, không phải không muốn đáp mà vì không biết đáp
ra sao.
Không được đáp lại,
Trí quay về Bạch Thuỷ ở phương Nam, lên núi Hồ Khuyết, thấy Cuồng Khuất cũng
lại đem ba câu đó ra hỏi. Cuồng Khuất đáp: “À tôi biết, để tôi nói cho nghe”.
Nhưng vừa muốn nói thì Cuồng Khuất đã quên mình muốn nói gì.
Trí lần này cũng không
hỏi được, trở về đế cung, vô yết kiến Hoàng Đế để hỏi. Hoàng Đế đáp: “Đừng suy
nghĩ gì cả thì mới biết được Đạo, đừng cư xử hành động gì cả thì mới ở yên
trong Đạo được; không theo đâu, không nói đường nào thì mới đắc Đạo”.
Trí lại hỏi:
- Tôi và ông biết điều
đó, còn hai người kia [tức Vô Vi Vị và Cuồng Khuất] không biết, như vậy là ai
phải?
Hoàng Đế đáp:
- Vô Vi Vị mới thật là
phải, Cuồng Khuất chỉ tựa như phải thôi, còn ta và ngươi thì không bao giờ gần
được Đạo. Vì người biết thì không nói, kẻ nói thì không biết.[565] Cho nên
thánh nhân dùng cách “dạy mà không cần nói”[566]. Đạo không thể nhận được, Đức
không thể đạt được, mà lòng nhân có thể thi hành được, nghĩa có thể tồn tại
được, lễ có thể hoá ra giả dối được. [vì những cái đó thuộc về hữu vi]. Cho nên
bảo: “Mất Đạo rồi mới có Đức, mất Đức rồi mới có nhân, mất nhân rồi mới có
nghĩa, mất nghĩa rồi mới có lễ.[567] Lễ là cái phù hoa của Đạo, là đầu mối của
loạn. Cho nên bảo: “Theo Đạo thì mỗi ngày một bớt [hành động đi]. Bớt rồi lại
bớt nữa, cho đến vô vi [không làm gì cả]. Vô vi mà không có gì là không làm”.[568]
Nay đã là vật rồi mà muốn trở về bản nguyên, điều đó thực khó, chỉ bậc chí nhân
hoạ chăng mới dễ dàng trở về được.
Sống đưa tới chết,
chết là đầu mối của sống. Ai biết được thứ tự trước sau của sống chết? Người ta sinh ra là do
cái khí tụ lại. Khí tụ thì sinh, khí tán thì chết. Tử sinh đã tuần hoàn thì còn
có gì mà lo?
Vạn vật là một. Cái gì người ta cho là tốt đẹp thì gọi là
thần kì, cái gì cho là xấu xa thì gọi là xú hủ [thối, nát]. Sự thực thì cái xú
hủ lại biến hoá ra thành thần kì, mà cái thần kì lại biến hoá thành xú hủ[569].
Cho nên bảo rằng: “Khắp thiên hạ chỉ có một cái khí lưu thông mà thôi. Do dó
thánh nhân trọng cái nhất thể”[570].
Trí hỏi Hoàng Đế:
- Tôi đã hỏi Vô Vi Vị, Vô Vi Vị không đáp, không phải vì
không muốn đáp mà vì không biết đáp ra sao. Tôi lại hỏi Cuồng Khuất, Cuồng
Khuất muốn đáp mà rồi không đáp vì vừa định đáp thì quên mất mình muốn nói gì.
Nay tôi hỏi ông, ông biết mà đáp tôi, thế thì tại sao bảo là ông không gần được
Đạo?
Hoàng Đế đáp:
- Vô Vi Vị thực đạt Đạo vì ông ta không biết đáp ra sao;
Cuồng Khuất tựa như đạt Đạo vì ông quên điều mình muốn nói; còn ta và ngươi
không bao giờ gần được Đạo cả vì biết nói về Đạo.
Cuồng Khuất nghe kể lại lời đó của Hoàng Đế, cho rằng
Hoàng Đế biết sự hạn chế của ngôn ngữ.[571]
2
Trời đất tuyệt đẹp mà không nói, bốn mùa tuần hoàn theo
một luật rõ ràng mà không nghị luận, vạn vật sinh thành theo một trật tự mà
không biện thuyết. Thánh nhân trở về bản nguyên cái đẹp của trời đất, thấu được
đạo lí của vạn vật. Bậc chí nhân vô vi, bậc thánh nhân không tạo ra cái gì là
vì theo phép tắc tự nhiên của trời đất. Cái thần minh của Đạo cực tinh diệu,
hoà hợp với mọi sự biến hoá của vạn vật. Sự sinh tử, vuông tròn của vạn vật đều
là diễn biến tự nhiên, nên không biết được căn nguyên, vì vậy mà vạn vật tự nhiên
sinh tồn từ xưa tới nay. Trời đất và bốn phương tuy rộng thật mà vẫn nằm ở
trong Đạo; cái đầu lông tơ mùa thu tuy nhỏ thật mà cũng nhờ Đạo mới thành hình.
Vạn vật đều chìm nổi biến hoá hoài suốt đời. Âm dương, bốn mùa vận hành theo
thứ tự. Đạo mê muội, tựa như không có mà có; mới đầu nó không có hình tích mà
lại có tác dụng thần diệu, vạn vật nhờ nó sinh hoá mà không tự biết[572]. Người
ta gọi nó là căn bản của vũ trụ. Hiểu được lẽ đó thì có thể quan sát đạo trời
(đạo tự nhiên).
3
Niết Khuyết hỏi Bị Y[573] về Đạo. Bị Y đáp:
- Anh ngay người lên, chuyên nhất thị giác thì hoà khí
của trời sẽ xuống. Gom trí lại, chuyên nhất ý niệm thì thần minh sẽ tới. Cái
Đức làm cho anh đẹp lên, cái Đạo sẽ hiện rõ trong anh. Con người của anh sẽ như
con người còn bé mới sanh, anh sẽ không tìm nguyên do của mọi việc nữa[574].
Bị Y chưa nói xong thì Niết Khuyết đã ngủ say. Bị Y mừng
lắm, bỏ đi, vừa đi vừa hát: “Hình thể như cây khô, lòng như tro tàn. Thực là
chân trí, không còn chút thành kiến. Mê mê muội muội, không còn tâm tư, không
cùng [với anh ấy] mưu tính gì được. Quí thay người đó!”.
4
Bài này y hệt bài 12 chương I Liệt tử, chúng tôi đã dịch
rồi – Lá Bối – trang 105, nên không chép lại. Đại ý: thân ta do khí trời vận
chuyển mà có, vậy là của trời đất kí thác cho ta.
5
Khổng Tử nói với Lão Đam:
- Hôm nay an nhàn, xin ông giảng cho tôi về cái Đạo tối
cao.
Lão Đam đáp:
- Ông nên trai giới, gột rửa cái tâm, tinh khiết cái
thần, trừ bỏ trí tuệ đi. Cái Đạo thật sâu thẳm, mờ mịt, khó giảng lắm. Tôi cho
thầy biết cái đại khái. Cái sáng sủa phát sinh từ cái tối tâm; cái hữu hình
phát sinh từ cái vô hình; tinh thần phát sinh từ cái Đạo, hình thể phát sinh từ
tinh thần; vạn vật do hình thể mà sinh ra: những vật có chín lỗ sinh từ cái
thai, những vật có tám lỗ[575] sinh ra từ cái trứng.
Khi Đạo xuất hiện, nó không để một dấu vết gì cả, nó
không biến mất sau một giới hạn nào cả[576], nó không có phòng, có cửa, bốn mặt
thông ra ngoài, mênh mông vô cùng. Người nào đạt được nó thì chân tay cứng mạnh
lên, tư tưởng thông đạt, tai mắt sáng suốt, dưỡng tâm mà không biết mệt, thuận
ứng vạn vật, không có thành kiến.
Không có nó thì trời không cao được, đất không rộng được,
mặt trời mặt trăng không vận hành được, vạn vật không phồn thịnh được.
Học vấn quảng bác chưa chắc đã biết được nó, biện luận
chưa chắc hiểu được nó, cho nên thánh nhân đã bỏ trí tuệ [không dùng trí tuệ để
hiểu Đạo]. Nó là cái không thể tăng, không thể giảm được, cái mà thánh nhân quí
trọng. Thăm thẳm như biển, vòi vọi như núi, hết rồi lại bắt đầu [bất tuyệt],
vận chuyển vạn vật mà không bao giờ kiệt. Cái Đạo của người quân tử ở ngoài nó
được chăng?
Thí dụ một người Trung Quốc, chẳng cần biết âm hay
dương[577], ở vào khoảng giữa trời đất, làm người rồi sau trở về nguồn gốc. Tự
bản thể mà xét, người ấy sinh ra là do cái khí tụ lại, người đó có thể thọ hay
yểu, nhưng thọ yểu thì có khác nhau bao nhiêu. Chẳng qua chỉ là một khoảnh
khắc, có đáng gì mà khen vua Nghiêu, chê vua Kiệt!
Quả cây lớn và hạt loài cỏ đều có đạo lí sinh trưởng
riêng của chúng. Nhân luân tuy phức tạp nhưng cũng có đạo lí.[578] Gặp hoàn
cảnh nào thánh nhân cũng không phản kháng, bỏ qua mà không cố chấp. Điều hoà mà
thuận ứng, như vậy là Đức; vô tâm[579] mà thuận ứng, như vậy là Đạo, nhờ vậy mà
các đế, vương thời xưa hứng khởi được.
Con người ở trong khoảng trời đất cũng như con ngựa
trắng, vụt qua cái khe hở, một nháy mắt rồi biến mất. Vạn vật hốt nhiên xuất
hiện rồi lại hốt nhiên trở vô. Do sự biến hoá tự nhiên mà sinh, rồi do sự biến
hoá tự nhiên mà chết. Các sinh vật lấy vậy làm buồn, loài người cho vậy là
thảm. Sự thực, cái chết chỉ là trút cái túi (cung) tự nhiên, bỏ cái bao (kiếm)
tự nhiên của trời, phân vân tiêu tán, hồn phách rời đi, thể xác tan rã, cái đó
gọi là “đại qui” (cuộc trở về quan trọng). Từ vô hình mà thành hữu hình (sinh),
lại từ hữu hình mà thành vô hình (tử), điều đó ai cũng biết, không phải gắng
sức mới hiểu được; ai cũng bàn luận tới. Nhưng đạt Đạo thì không bàn luận, bàn
luận thì không đạt Đạo. Trên con đường sáng sủa [tức nghị luận] thì không gặp
được Đạo. Cho nên biện luận lại không bằng đừng nói gì cả. Không thể nghe thấy
Đạo được, muốn nghe nó thì thà bịt tai còn hơn. Như vậy gọi là đắc Đạo.
6
Đông Quách Tử[580] hỏi Trang tử:
- Cái ông gọi là Đạo ấy, nó ở đâu?
Trang tử đáp:
- Ở khắp nơi.
- Phải chỉ ra ở chỗ nào mới được chứ.
- Trong con kiến.
- Sao mà thấp vậy?
- Trong cọng cỏ.
- Còn thấp hơn nữa ư?
- Trong mảnh sành.
- Sao càng thấp quá
vậy?
- Trong cục phân.
Đông Quách Tử không
hỏi nữa.
Trang tử bảo:
- Những câu hỏi của
ông không đi tới thực chất của vấn đề. Như viên xét thuế hỏi người coi chợ về
cách dẫm lên con heo để biết nó mập hay không: chân càng lún xuống thì heo càng
mập[581]. Ông đừng chỉ hắn một vật nào (phải bao quát) mà hỏi, như vậy ông sẽ
không bỏ sót. Cái Đạo tối cao như vậy, mà lời nói cao cả cũng vậy: bao hàm, phổ
biến và đủ cả. Ba danh từ đó tuy khác nhau mà ý nghĩa như nhau.[582]
Người nào đã tiêu dao
ở cõi Hư vô, bao gồm mà nghị luận thì biết được Đạo là vô cùng. Người nào đã vô
vi thì điềm đạm mà an tĩnh, tịch mịch mà thanh hư, điều hoà mà nhàn dật. Bỏ
tham vọng của ta đi, đi mà không biết để tới đâu, về mà không biết sẽ ngừng ở
đâu, đi và về đều không có mục đích. Bàng hoàng ở trong cảnh giới mênh mông hư
vô mà bậc đại trí cũng không biết được giới hạn của nó. Chủ tể của vật [tức
Đạo] với vật đều không có giới hạn [vì Đạo ở trong vật, nhưng vật đối với vật
thì có giới hạn, đó là giới hạn của vật[583]. Cái không có giới hạn [tức Đạo]
nằm trong cái có giới hạn [tức vật], Đạo tuy nằm trong vật có giới hạn mà chính
nó không có giới hạn. Như cái người ta gọi là đầy, rỗng, suy diệt. Đạo tuy ở
trong cái đầy, rỗng mà không phải đầy, rỗng; ở trong cái suy diệt mà không phải
suy diệt; ở trong gốc và ngọn mà không phải gốc, ngọn; ở trong cái tích tụ và
tiêu tán mà không phải là tích tụ, tiêu tán.
7
A Hà Cam cùng với Thần
Nông học Lão Long Cát, Thần Nông tựa vào cái kỉ (bàn con), để ngó ra cửa mà ngủ
trưa. Giữa trưa, A Hà Cam đẩy cửa vô cho hay thầy đã mất. Thần Nông tựa vào cái
kỉ, chống gậy đứng dậy, rồi liệng gậy đánh rầm một tiếng, cười vang:
- Biết rằng tôi thiên
lệch, ngu muội, chậm chạp và biếng nhác nên trời [tức Lão Long Cát] bỏ tôi mà
đi. Thế là hết. Thầy không còn một lời cuồng nào[584] để mở trí cho tôi nữa.
Thầy mất rồi.
Yểm Cương lại điếu,
nghe thấy, bảo:
- Người nào ngộ
Đạo[585] thì được các quân tử trong thiên hạ qui phụ. Nay, về Đạo thầy anh chưa
biết được một phần vạn cái đầu lông mùa thu chứ cũng đã biết trước khi chết
không phát lộ một lời cuồng nào về Đạo cho anh hay, huống hồ là người ngộ Đạo.
Thầy anh nhìn Đạo, không thấy nó có hình thể nào cả; nói về Đạo thì bảo nó mờ
mờ mịch mịch. Vì nghị luận về Đạo tức là trái với Đạo.
8
Cực Thanh[586] hỏi Vô
Cùng:
- Anh biết Đạo không?
Vô Cùng đáp:
- Không.
Cực Thanh lại hỏi Vô
Vi:
- Anh biết Đạo không?
- Biết.
- Anh biết Đạo, vậy có
thể nói được nó ra sao không?[587]
- Được,
- Vậy nó ra sao?
- Theo tôi, nó có thể
quí hay tiện, tụ hay tán, đó nó như vậy.
Cực Thanh kể những lời
của Vô Cùng và Vô Vi cho Vô Thuỷ[588] nghe và hỏi:
- Vô Cùng không biết
Đạo mà Vô Vi biết. Như vậy ai phải ai trái?
Vô Thuỷ đáp:
- Người nào không biết
mới là sâu sắc, người nào biết thì nông cạn. Không biết là cảm được cái bề
trong, biết chỉ là thấy bề ngoài.
Cực Thanh gật đầu,
than:
- Vậy không biết mới
là biết, mà biết lại không biết. Ai biết được cái biết mà là không biết?
Vô Thuỷ bảo:
- Đạo không thể nghe
được; cái gì nghe được thì không phải là Đạo. Đạo không thể thấy được; cái gì
thấy được thì không phải là Đạo. Đạo không thể đem ta giảng được; cái gì giảng
được thì không phải là Đạo. Ai biết được rằng cái gì sinh ra hình thể thì không
có hình thể. Đạo, không thể dùng tên gọi được.
Vô Thuỷ nói tiếp: - Có
người hỏi về Đạo mà mình trả lời tức là không biết Đạo. Nội cái việc hỏi về Đạo
thì đủ tỏ rằng chưa nghe gì về Đạo. Đạo thì không thể đem ra hỏi được, mà hỏi
thì không trả lời được. Đã không thể hỏi mà còn hỏi thì câu hỏi đó rỗng không,
đã không đáp được mà còn đáp thì lời đáp đó vô nghĩa. Dùng lời vô nghĩa mà đáp
một câu hỏi rỗng không, như vậy là ngoài thì không quan sát vũ trụ, trong thì
không biết nguồn gốc, tất không vượt được núi Côn Lôn[589], mà mà ngao du ở cõi
Thái Hư.
9
Ánh Sáng Rực Rỡ hỏi
Không Có[590]:
- Thầy là có hay không
có?
Hỏi mà không được đáp,
Ánh Sáng Rực Rỡ bèn chăm chú nhìn trang mạo của Không Có, chỉ thấy tối tăm và
hư không. Suốt ngày nhìn Không Có mà không thấy gì cả, nghe mà không thấy gì
cả. Ánh Sáng Rực Rỡ thán phục:
- Thật là cao xa! Ai
mà đạt được. Tôi có thể hiểu được cái hư không, nhưng không thể cho cái hư
không là không có, đến như không có mà là có thì làm sao đạt được cảnh giới
ấy.[591]
10
Một người thợ gọt móc
dây lưng cho quan Đại tư mã [nước Sở], tám chục tuổi rồi mà gọt vẫn đúng, không
sai chạy mảy may. Quan Đại tư mã hỏi:
- Ông già khéo tay
thật, có thuật nào không?
Người thợ đó đáp:
- Tôi có cách[592]
này. Hồi hai mươi tuổi tôi thích gọt đai lưng đến nỗi không nhìn, không xem bất
kì vật gì khác ngoài cái đai lưng ra. Sở dĩ dụng tâm được như vậy là nhờ không
để ý vào các vật khác, mà phát huy hoài được cái dụng tâm của mình. Huống hồ là
dùng cái tâm không dụng tâm thì vạn vật, có vật nào là không nhờ mình mà phát
huy được cái diệu dụng của nó.[593]
11
Nhiễm Cầu (một môn đệ
của Khổng Tử) hỏi Trọng Ni:
- Có thể biết được khi
chưa có trời đất thì ra sao không?
Trọng Ni đáp:
- Biết được. Xưa cũng
như nay.
Nhiễm Cầu không hỏi
thêm, lui ra. Hôm sau gặp Trọng Ni lại hỏi:
- Hôm qua con hỏi thầy
có thể biết được khi chưa có trời đất thì ra sao không. Thầy đáp: “Biết được.
Xưa cũng như nay”. Lúc đó con hiểu rõ, bây giờ con lại mù mờ. Như vậy nghĩa làm
sao, xin thầy giảng cho con.
Trọng Ni đáp:
- Hôm qua anh hiểu rõ
là dùng tinh thần[594] mà lĩnh hội được cái nghĩa rồi. Hôm nay anh mù mờ là gì
anh không dùng tinh thần mà dùng lí luận (hay hình tượng) để tìm hiểu. Không có
cổ, không có kim, không có thuỷ, không có chung. Trước kia không có con cháu mà
bây giờ có con cháu được không?
Nhiễm Cầu không đáp,
Trọng Ni nói thêm:
- Thôi, đừng hỏi nữa.
Không phải cái sống sinh ra cái chết, không phải cái chết làm mất cái sống.
Sống và chết chẳng phải tuỳ thuộc vào một cái gì khác đấy ư? Vì sống và chết
chỉ là một. Có vật gì có trước khi trời đất sinh ra không? Cái làm chủ tể vật
đó không phải là vật. Vật nào sinh ra (vạn vật) không phải là vật có trước hết
thảy, vì trước đó còn có vật khác nữa, cứ như vậy tới vô cùng, cũng là theo
luật tự nhiên đó.[595]
12
Nhan Uyên hỏi Trọng
Ni:
- Con đã có lần nghe
thầy bảo: “Đừng đón cái gì cả, đừng đuổi cái gì cả”. Xin thầy giảng cho con
nghe.
Trọng Ni đáp:
- Cổ nhân thích ứng
với biến hoá ở ngoài mà trong lòng không thay đổi. Ngày nay người ta thay đổi
trong lòng mà không thích ứng với biến hoá ở ngoài. Ai muốn thích ứng với biến
hoá ở ngoài thì phải biết cái luật bất biến hoá. Yên tĩnh biến hoá, mà cũng là
yên tĩnh không biến hoá; yên tĩnh tiếp xúc với vật nhưng đừng nhiều quá.
13
Vua Hi Vi có cái vườn
cây, vua Hoàng Đế có cái vườn hoa, vua Thuấn có cung điện, vua Thang và vua Võ
có cung thất. Các bậc quân tử như các thầy Nho, thầy Mặc [tuy học thuyết trái
nhau] mà còn dùng điều phải điều trái để “điều hoà” lẫn nhau, huống hồ là người
ngày nay. Thánh nhân ở với vật mà không làm hại vật. Không là hại ai nên không
ai có thể làm hại mình được. Chỉ người nào không làm hại ai mới có thể giao
thiệp với mọi người được.
Rừng núi, gò đống làm
cho ta vui vẻ, hăng hái. Vui chưa dứt thì đã buồn. Vui, buồn tới ta không đuổi
chúng được, mà chúng đi ta cũng không ngăn chúng được. Hởi ơi! Đời người như
cái quán trọ vậy, ghé đó rồi đi. Ta biết được cái ta gặp mà không biết cái ta
không gặp; ta làm được những cái ta làm được mà không làm được những cái khác.
Có những cái mình không biết, mình không làm được, đó là điều không ai tránh
khỏi. Muốn tránh những cái không tránh được, điều đó chẳng đáng thương tâm ư?
Lời nói thực đúng thì không dùng lời, hành vi thật hoàn toàn thì không dùng
hành vi. Đem cái mình biết mà bao quát tất cả những cái mình không biết, thiển
cận thay!
*
(Xin coi nhận định ở
cuối chương sau)
Chú thích :
[564] Đây toàn là
những tên tượng trưng. Trí tượng trưng trí tuệ, Vô Vi Vị tượng trưng người hiểu
Đạo vì Đạo không làm, không nói. Huyền Thuỷ là nước đen, tức sông hay biển ở
phương Bắc, Ẩn Phân là nổi lên mà không hiện rõ, tượng trưng sự mù mờ, không
phân biệt được. Ở dưới cũng được hiểu: Bạch Thuỷ là nước trắng, tức sông hay
biển phương Nam, miền sáng sủa; Hồ Khuyết tượng trưng sự hồ nghi; Cuồng Khuất,
có lẽ như H.C.H. giải thích, tượng trưng người hơi hiểu Đạo.
[565] Câu này ở đầu
chương 56 Đạo đức kinh.
[566] Năm chữ ‘hành
bất ngôn chi giáo” ở chương 11 Đạo đức kinh.
[567] Câu này ở chương
38 Đạo đức kinh.
[568] Câu này ở đầu
chương 48 Đạo đức kinh.
[569] Như thức ăn biến
hoá thành phân, phân lại dùng để bón cây mà biến hoá thành những hoa quả tốt.
[570] Tác giả bài này,
mà cả Lão, Trang cũng vậy, tuyệt đối chủ trương nhất nguyên luận.
[571] Đại ý bài này là
Đạo chỉ hiểu bằng trực giác được thôi, không thể giảng được, vì vậy người thật
đạt Đạo (Vô Vi Vị) không giảng gì về Đạo, hạng thấp nhất (Hoàng Đế) mới dùng
lời để giảng về Đạo; hạng ở giữa (Cuồng Khuất) còn có ý muốn giảng mà không
giảng được.
[572] Nguyên văn: vạn
vật súc nhi bất tri. L.K.h. dịch là: vạn vật mang Đạo ở trong mình mà không
biết là có nó.
[573] Coi chú thích
hai nhân vật tượng trưng này ở chương VII bài 1.
[574] Nguyên văn: vô
cầu kì cố. L.K.h. dịch là: sẽ không theo thế tục nữa (?). [Nguyên văn chữ Hán
là: 无求其故. Sách in sai chữ “cố” thành “có” – Goldfish].
[575] Vật có chín lỗ
(mắt, mũi, miệng, tai…) là loài người, vật có tám lỗ là loài chim vì đại tiện
và tiểu tiện đều chung một lỗ.
[576] Nguyên văn: kì
vãng dã vô nhai. H.C.H. dịch là: nó chết rồi không có giới hạn nào cả. Dịch như
vậy sát từng chữ nhưng khó hiểu quá.
[577] Nguyên văn: phi
âm, phi dương, nghĩa là: không phải là âm là dương.
[578] Nguyên văn: quả
loả hữu lí, nhân luân tuy nan, sở dĩ tương xỉ. “Luân” ở đây không có nghĩa là
đạo đức, luân thường mà có nghĩa là thuận tự nhiên. L.K.h. dịch là: sự tương
quan giữa loài người. Đại ý câu này chỉ muốn nói rằng cây cỏ hay người đều
thuận theo luật tự nhiên hết.
[579] Nguyên văn: ngẫu
= thình lình, không cố ý, không dụng tâm.
[580] Một người theo
đạo Lão, ở ngoài thành phía Đông nên gọi như vậy. Cũng có tên là Thuận tử.
[581] Tác giả muốn
nói: đừng nên chỉ riêng vật nào mà hỏi Đạo có ở đó không, cũng như đừng nắn
từng bộ phận con heo để xem nó có mập không, chỉ cần dẫm lên nó, hễ chân lún là
biết nó mập.
[582] Bài này có nhiều
chỗ khó hiểu. Như câu này, nguyên văn: kì chỉ nhất dã. L.K.h. dịch là: mà chỉ
trỏ một vật. Chính Liou cũng nhận là không hiễu rõ.
[583] Có lẽ tác giả
muốn nói: vật, xét về phương diện một phần tử của Đạo, vì do Đạo sinh ra, thì
không có giới hạn cũng như Đạo; mà xét địa vị của từng vật một – tách vật ra
khỏi Đạo – thì có giới hạn.
[584] Nguyên văn:
cuồng ngôn. H.C.H. giảng là lời cực thâm thuý. [Cuồng ngôn 狂言, trong sách in sai là cương ngôn - Goldfish]
[585] Nguyên văn: thể
Đạo. L.K.h. dịch là: hợp nhất với Đạo.
[586] Cực Thanh ở đây
tượng trưng trời chăng?
[587] Nguyên văn: hữu
số hồ? H.C.H. giảng là ta có thể tả nó mộ cách cụ thể, rõ ràng được không?
L.K.h. dịch là: có thể hình dung nó, cho nó những đức tính nào được không? [Hữu
số hồ? 有数乎?,
sách in sai là hữu số ho? – Goldfish].
[588] Vô Thuỷ là không
có khởi thuỷ.
[589] Côn Lôn là dãy
núi lớn nhất phía Tây Trung Hoa. Ở đây trỏ cảnh giới cực cao xa. Cõi Thái Hư
đây tức là cõi “vô hà hữu chi hương” (chỗ hư vô tịch mịch) trong chương Tiêu
dao du bài 5.
[590] Nguyên văn:
Quang Diệu (tượng trưng cho trí tuệ) và Vô Hữu (tượng trưng Đạo).
[591] Câu này khó
hiểu, mỗi nhà dịch một khác. L.K.h. dịch là: Tôi có thể quan niệm ông ấy là vô
(không), nhưng tôi không thể cho cái vô là không có, mà ông ấy là cái vô đã hư
vô hoá.
[592] Nguyên văn: hữu
thủ. L.K.h. dịch là: kiên tâm.
[593] Câu này mỗi nhà
hiểu một khác. Tôi theo H.C.H. cho rằng câu đó nói về Đạo, cứ tự nhiên, không
dụng tâm mà vạn vật được phát triển.
[594] Tức trực giác.
[595] L.K.h. theo một
bản khác, dịch là: Thánh nhân yêu người mà không một chút vị kỉ (vô kỉ, chứ
không phải vô dĩ như các bản khác) là vì lí luận trên sự kiện này: không có vật
nào, người nào được ưu thế.
(Theo: Trang Tử Nam
Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét