TRANG TỬ NAM HOA KINH: CHƯƠNG 16 - THIỆN TÍNH 莊子 南華經
Người nào muốn sửa
tính mà dùng cái học thức thế tục để khôi phục bản thể của nó, người nào muốn
chế dục mà dùng những tư tưởng thế tục để được sáng suốt, những người đó là bọn
mê muội. Người xưa muốn tu đạo thì nuôi trí tuệ bằng sự điềm tĩnh. Trong phép
dưỡng sinh mà không dùng trí tuệ thì mới thật là dùng trí tuệ để nuôi sự điềm
tĩnh đấy. Trí tuệ và điềm tĩnh cùng nuôi lẫn nhau thì sự điều hoà, trật tự tự
nhiên phát ra. Đức là điều hoà, đạo là trật tự. Cái đức bao dung được hết thảy,
đó là nhân; cái đạo thích nghi với mọi người, đó là nghĩa. Trung là hiểu được
cái nghĩa và thân với người khác.
1
Người nào muốn sửa
tính mà dùng cái học thức thế tục để khôi phục bản thể của nó, người nào muốn
chế dục mà dùng những tư tưởng thế tục để được sáng suốt, những người đó là bọn
mê muội.
Người xưa muốn tu đạo
thì nuôi trí tuệ bằng sự điềm tĩnh. Trong phép dưỡng sinh mà không dùng trí tuệ
thì mới thật là dùng trí tuệ để nuôi sự điềm tĩnh đấy[435]. Trí tuệ và điềm
tĩnh cùng nuôi lẫn nhau thì sự điều hoà, trật tự tự nhiên phát ra. Đức là điều
hoà, đạo là trật tự. Cái đức bao dung được hết thảy, đó là nhân; cái đạo thích
nghi với mọi người, đó là nghĩa. Trung là hiểu được cái nghĩa và thân với người
khác. Nhạc giúp cho con người thuần khiết, thành thực mà trở về cái tính tự
nhiên. Lễ giúp cho con người thành tín, trong hành vi, trong lời nói, nghiêm
chỉnh, văn nhã trong dong mạo, cử chỉ. Nếu theo ý một người mà đặt ra lễ nhạc
rồi bắt mọi người theo thì thiên hạ sẽ loạn.
Gượng dùng đức hạnh
của mình mà sửa đổi người khác thì làm cho người ta bất bình, mà bất bình thì
là mất bản tính rồi.
2
Cổ nhân ở trong cảnh
hỗn mang, hợp nhất với hoàn cảnh mà được điềm đạm, yên lặng. Thời đó, âm dương
điều hoà với nhau, quỉ thần không quấy nhiễu, bốn mùa ứng hợp với thời tiết,
vạn vật không bị thương tổn [436], không chết yểu, ai cũng có trí tuệ nhưng
không dùng tới. Như vậy gọi là thời “chí nhất” (hợp nhất hoàn toàn), thời đó
không ai “hữu vi”, cái gì cũng theo luật tự nhiên.
3
Rồi tới thời đạo đức
suy vi. Toại Nhân và Phục Hi bắt đầu cai trị thiên hạ, biết thuận theo lòng dân
mà không còn hợp nhất hoàn toàn (chí nhất) nữa[437]. Kế đó đạo đức lại suy
thêm, Thần Nông và Hoàng Đế lên trị dân, không thuận theo lòng dân mà chỉ làm
cho thiên hạ được thái bình thôi. Đạo đức lại suy thêm, Nghiêu và Thuấn lên trị
dân đặt ra cương kĩ, giáo hoá, làm cho dân mất sự thuần khiết, chất phác, bỏ
Đạo để làm điều thiện, hành động trái với Đức[438], rồi tới bỏ thiên tính mà
theo nhân tâm. Người ta lấy lòng dò xét nhau, nên không an định được thiên hạ.
Rồi người ta dùng những lời hoa mĩ [để tô điểm], sự học rộng [để thuyết phục].
Lời hoa mĩ làm hại cái chất phác, sự học rộng làm chìm đắm tâm linh. Do đó dân
chúng mê loạn, không trở về bản tính nguyên thuỷ được nữa.
4
Do đó ta thấy người
đời đã đánh mất cái Đạo [chân chính] và cùng cái Đạo mà suy bại luôn. Đạo và
đời làm hại lẫn nhau. Mà người hiểu Đạo làm sao xuất hiện được, người đời làm
sao phát triển Đạo được? Đạo không phát triển được ở đời, đời không phát triển
được Đạo thì bậc thánh nhân dù không ẩn trong rừng núi, Đức cũng bị che lấp,
không sáng được. “Ẩn” không có nghĩa là giấu mình mà bị che lấp. Thời xưa, ẩn
sĩ không phải là người ẩn mình không cho ai thấy, hoặc ngậm miệng không nói,
hoặc giấu trí tuệ không cho nó biểu lộ ra. Họ làm ẩn sĩ vì đời đã không thuận
mà loạn. Nếu thời đó đời mà thuận thì họ đã ảnh hưởng khắp thiên hạ, đã phục
hồi được sự “hợp nhất hoàn toàn” mà không để lại một dấu vết nào. Vì không gặp
thời nên bị cảnh khốn cùng, họ rán giữ vững bản nguyên, yên tĩnh đợi thời, bảo
toàn được thân. Người xưa biết bảo toàn cái thân thì không dùng lời phù hoa tô
điểm cho trí tuệ, không dùng trí tuệ của mình làm cho thiên hạ khổ sở, không
dùng trí tuệ làm hại cái Đức. Họ thận trọng xử thế để trở về với bản tính, chứ
còn làm gì nữa bây giờ?
5
Đạo không thể hợp với
một hành vi nhỏ mọn, Đức không thở hợp với những kiến thức hẹp hòi. Kiến thức
hẹp hòi làm thương tổn cái Đức, hành vi nhỏ mọn làm thương tổn cái Đạo. Cho nên
bảo: “Phải sửa mình cho ngay, chỉ có thế thôi. Người nào bảo toàn được thiên
tính là người ấy sung sướng”.
Cổ nhân bảo sung sướng
không phải là có chức cao, bổng hậu[439], mà là không làm tăng thêm niềm vui
của mình được nữa. Ngày nay cho sung sướng là có chức cao bổng hậu, những cái
đó thuộc về bản thân chứ không phải bản tính của mình; chúng là ngoại vật, tới
với ta chỉ là tạm thời. Chúng tới, ta không thể cự tuyệt được mà chúng đi, ta
cũng không ngăn cản được. Đừng nên vì chức cao bổng hậu mà khoái chí; đừng nên
vì cảnh khốn cùng mà chạy theo thế tục. Người nào vui cả trong hai cảnh, chức
cao bổng hậu và khốn cùng thì không lo lắng gì hết. Mất những cái gởi tạm đó đi
mà mình mất vui thì đủ biết mình có vui cũng là đánh mất bản tính rồi[440]. Cho
nên bảo: “Táng thân vì chức tước, của cải, để cho thế tục làm mất bản tính của
mình thì là hạng người lộn ngược đi bằng đầu”[441].
NHẬN ĐỊNH VỀ HAI
CHƯƠNG
KHẮC Ý, THIỆN TÍNH
Hai chương này có
nhiều điểm giống nhau:
- đều rất ngắn, chỉ lí
thuyết, chứ không dùng ngụ ngôn, cố sự,
- nội dung đại khái
như nhau: chỉ cho ta một phép tu dưỡng (mà cũng là phép dưỡng sinh), tức: sống
hư tĩnh, vô vi,
Tư tưởng hợp với Trang
hơn hết thảy các chương trên, như khi bàn về cách sống chất phác, thanh tĩnh,
theo luật tự nhiên (XV.1), nhất là bảo không nên đem ý riêng mà đặt ra lễ nhạc
(nói chung là pháp độ) mà bắt mọi người theo, như vậy sẽ làm mất bản tính của
người ta đi (XVI.1); ý đó đã được diễn trong Ứng đế vương 2.
Tuy nhiên, cũng ngay
trong bài XVI.1 đó, tác giả lại bảo: “Nhạc giúp cho con người thuần khiết,
thành thực mà trở về cái tính tự nhiên. Lễ giúp cho con người thành tín, trong
hành vi, trong lời nói, nghiêm chỉnh, văn nhã trong dong mạo, cử chỉ”; cơ hồ
tác giả chịu ảnh hưởng cả Khổng lẫn Trang.
Đoạn dưới đây trong
XV.1 càng khiến cho ta tin rằng tác giả không phải là Trang, mà là người thời
sau: “Hít, thở thật sâu và chậm, tống không khí độc ra, hít không khí trong
sạch vô, treo mình lên như con gấu, duỗi mình ra như con chim để được sống lâu,
đó chỉ là hành vi của kẻ sĩ đạo dẫn luyện khí, nuôi dưỡng thân thể, như ông
Bành Tổ.” Cuối thời Chiến Quốc hay đầu đời Hán mới có hạng đạo sĩ luyện cách
trường sinh như vậy.
Do lẽ đó, hầu hết các
nhà phê bình đều cho tác giả hai chương này thuộc nhóm Đạo gia hay ẩn sĩ đời
Tần hoặc đầu Hán.
Chú thích :
[435] Nguyên văn: Sinh
nhi vô dĩ tri vi dã, vị tri dĩ tri dưỡng điềm. Câu này hơi khó hiểu, tôi dịch
thoát như vậy. Ý muốn nói: Đừng suy nghĩ, đừng dùng trí xảo, cứ hồn nhiên sống,
như vậy sẽ được điềm tĩnh. Đoạn sau cũng có mấy câu nghĩa rất tối, mỗi người
hiểu một cách.
[436] Nguyên văn: Vạn
vật bất thương. Có sách dịch là: Không làm hại nhau.
[437] Theo truyền
thuyết, Toại Nhân dạy cho dân dùng lửa, Phục Hi dạy dân đánh cá, nuôi súc vật,
vạch ra bát quái, sáng lập ra văn khế.
[438] L.K.h. dịch là:
hành động lấn cái đức.
[439] Nguyên văn: hiên
miện là có xe dê đi, có mũ miện để đội.
[440] Câu này L.K.h.
dịch là: nếu mất những cái gởi tạm đó đi mà mình mất vui thì cái vui đó quả là
hảo huyền.
[441] Chứ không phải
bằng chân. Ý nói lầm lộn ngọn với gốc, cái đáng trọng với cái đáng khinh.
(Theo: Trang Tử Nam
Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê, NXB VH-TT, 1994.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét