CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ? (KỲ 24)
Vào dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên,
báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày 23-4-04 có bài phỏng vấn Giáo sư Phong Lê về “Văn
học những năm kháng chống thực dân Pháp – bây giờ nhìn lại”.
Nhà nghiên cứu văn học này phát biểu:
“Đến Giải thưởng 1954-1955 với “Việt bắc” của
Tố Hữu, “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, “Truyện Tây bắc” (giải nhất)
của Tô Hoài thì bức tranh kháng chiến mới thực sự được mở
rộng trong một cảnh quan vừa có chuyện vừa có người, có quê hương
và đất nước, có gắn nối giữa chất trữ tình và sử thi, có hài hoà giữa chủ thể
và khách thể…”.
Vậy là trong “thơ chân dung” nhà văn Tô hoài,
nhà thơ Xuân Sách đã quên tác phẩm mang tầm vóc dấu mốc của văn học chống Pháp
– “Truyện Tây Bắc”.
Vậy nhưng tác phẩm này có tương xứng với lời
tâng bốc của ông Giáo sư?
Đó là một tập truyện ngắn Tô Hoài viết vào
những năm 1953-1955 tiếp tục đề tài miền núi trong những tập “Núi cứu quốc”
(1948), “Xuống làng” (1949) trước đó. Tuy nhiên, như Giáo sư
Phan Cự Đệ khẳng định:
“Đến “Truyện Tây Bắc” mới là tác phẩm cắm mốc
, khẳng định vị trí của Tô Hoài trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”.
Tại sao một tập truyện ngắn đường rừng rất xa
trung tâm của cuộc kháng chiến - những vùng chiến sự ác liệt nơi đồng
bằng, trung du… lại được tôn vinh “cắm mốc”?
Đó là do “… thông qua hành động thực tiễn, đường
lối giai cấp và đường lối dân tộc của Đảng, tác phẩm đã nói lên một cách đau
xót nỗi thống khổ bao đời của các dân tộc anh em ở vùng cao dưới ách chiếm đóng
của thực dân Pháp và bè lũ tay sai là bọn quan bang, quan châu, phìa tạo, thống
lý …” như GS Phan Cự Đệ nhận xét.
Vậy là khác với những truyện đường rừng
ngày xưa của Lan Khai, “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài có”giá trị cao” là
vì “thấm nhuần đường lối của Đảng”. Thảo nào trong hai truyện được
coi là xuất sắc nhất trong cả tập là “Cứu đất cứu mường” và “Vợ chồng
A Phủ” hễ cứ là “phong kiến” thì cực kỳ tàn bạo, gian manh, còn
nhân dân lao động thì tốt thật tốt.
Trong “Cứu đất cứu Mường”, có “Cô
Áng ngày xưa đã một thời đẹp nức tiếng đất Mường Cơi”, thế rồi bông
hoa rừng ấy lọt vào tay quan tri châu Né “tối ngày ngồi một xó nha, rót
nước, nướng thịt, bưng xôi, đun nước tắm… con mắt mờ mịt…”.
Lạ thật , cái ông quan tri châu này chẳng hiểu
có thực ở trên đời không mà bao kẻ hầu người hạ đâu hết lại bắt “mỹ nhân”
làm chuyện tay chân đó?
Cái “tình huống ban đầu” đã nặng mùi giả dối,
ấy thế rồi sau 10 năm đầy đoạ,“bông hoa rừng” được thả về làng mang theo hai
con nhỏ (con quan chẳng hiểu vì sao bị đuổi khỏi nhà) vẫn còn… trẻ, đẹp để mỗi
lần các quan đi săn ghé qua vẫn bị lôi đi hầu quan.
Thế rồi nàng Ảng khổ quá phải cho đi một đứa
con trai tên Nhấn, còn đứa con gái lại phải làm tôi tớ cho thằng con chồng là
Cầm Vàng, sau này dẫn lính về cướp bản, nó chỉ mặt Ảng chửi: “Con già Mường
này rồ thật” rồi vung roi lên đánh.
Chẳng hiểu sao “quan bố” “quan con” lại xấu
đến thế? Riêng thằng Nhấn- đứa con đã cho đi của nàng Ảng, lớn lên được anh cán
bộ tên Sơn giác ngộ cách mạng trở thành du kích và bộ đội cụ Hồ. Thế còn cô em
gái phải làm tôi mọi cho quan? Không thấy tác giả nói tới và thằng anh ruột đi
bộ đội cũng… quên cô luôn (có lẽ do cô đã thuộc thành phần… nhà quan).
Trong “Vợ chồng A Phủ” cũng có một nhân
vật na ná như nàng Ảng nhưng có phần may mắn hơn. Cô Mỵ cũng là một
“bông hoa rừng”, cũng bị bắt về lấy con quan thống lý là A Sử. Lạ một điều là
cưới được “mỹ nhân” mà thằng chồng vẫn hành hạ, ngược đãi cô vợ trẻ
đẹp coi cô như trâu như ngựa khiến cô hái nắm lá ngón dắt trong người, mấy lần
tính ăn để tự tử cho thoát kiếp tôi đòi.
Thế rồi đến ngày Tết, A Sử đi chơi xa vài
ngày, đã không cho vợ đi theo hắn còn trói nàng lại ở cột nhà, “xách cả một
thùng sợi đay ra trói đứng, tóc Mỵ xoã xuống, A Sử quấn luôn
tóc lên cột, làm cho Mỵ không cúi, không nghiêng được đầu nữa…” .
Trói vậy, không ăn không uống liền mấy ngày,
chắc chắn khi A Sử đi chơi xa trở về, cô vợ xinh đẹp đã thành cái xác
không hồn. Người ta chẳng hiểu vì sao chỉ cốt cô Mỵ không đi theo mà A Sử lại
hành động như một kẻ giết vợ như thế?
Thôi đành chỉ tự hiểu đã là con quan thì thằng
A Sử phải tàn ác, phải coi người như trâu chó, kể cả vợ mình. Vậy mới là “thấm
nhuần quan điểm đấu tranh giai cấp”.
May cho nàng Mỵ, thằng chồng chỉ đi một ngày
một đêm đã trở về không phải vì lo nàng chết mà
chính vì lúc chơi trong hội tết nó bị một thanh niên trong bản đánh
vỡ đầu. Mãi lúc đó, nàng Mỵ mới được nhà quan phát hiện
đang bị trói và được cởi để đi hái thuốc chữa trị cho chồng.
Còn anh thanh niên kia, tên A Phủ, bị ông
”quan bố” Pá Tra trói gô “sọc ngang cái gậy, khiêng về ném
giữa nhà”.
Thế là từ đó, A Phủ phải ở lại nhà thống lý Pá
Tra làm trâu làm ngựa đề đền tội đả thương con quan. Một năm kia, đàn ngựa
A Sử được giao chăn dắt bị hổ vồ mất một con. Thế là luôn trong mấy
ngày, A Phủ bị trừng phạt trói đứng trong góc nhà nhịn ăn nhịn uống. Trong lúc
đó, đêm đêm nàng Mỵ ngồi bên bếp lửa suy nghĩ:
“Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ
đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết… Ta là
thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ
xương ở đây thôi. Người kia việc gì mà phải chết thế… A Phủ…”.
Thế rồi nàng Mỵ rút con dao cắt dây trói
cho A Phủ trốn và bất ngờ cô chạy theo:
“A Phủ cho tôi đi…Ở đây thì chết
mất…”.
A Phủ chợt hiểu. Người đàn bà chê chồng đó vừa
cứu sống mình. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc
núi. Họ trở thành vợ chồng ngay trên đường trốn chạy và một tháng sau họ đã
thoát được sang vùng tự do.
Truyện ngắn lẽ ra kết thúc ở đây trang thứ 20
– nhưng không, Tô Hoài còn kéo dài thêm 20 trang nữa kể chuyện “vợ chồng A
Phủ đổi đời trong cách mạng” vậy mới đúng phương pháp hiện
thực XHCH.
Sau vài năm xây “tổ ấm”, vợ chồng A Phủ đã có
mái nhà,có khung cửi, có lợn trong chuồng. Ấy thế rồi một hôm quan Tây dắt lính
nguỵ tới cướp bản, dắt đi hai con lợn lại còn bắt A Phủ đi theo để khiêng lợn
xuống đồn. Từ đó trong anh nung nấu lòng căm thù quân Pháp xâm lược, may thay
một hôm có A Châu, cán bộ cách mạng tìm tới giác ngộ:
“Bao giờ nhân dân ta lấy được độc lập thì
vợ chồng A Phủ về quê tôi chơi. Bấy giờ tha hồ đi, đâu cũng được ở yên, làm
ruộng làm nương, làm buôn làm bán, đâu đâu cũng sung sướng như nhau…” .
Và ta cũng có thể đoán ngay được phần kết
của “truyện ngắn kéo dài” “Vợ chồng A Phủ”. Bản làng trở thành khu du kích,
cuộc sống vừa sản xuất vừa chiến đấu thật là vui vẻ, tươi sáng và tất nhiên A
Phủ trở thành một chiến sĩ du kích xuất sắc.
“Truyện Tây Bắc” – đỉnh cao nhất trong
sự nghiệp văn học cách mạng của Tô Hoài, tác phẩm đánh dấu mốc mở
ra thời kỳ văn học hiện thực XHCN Việt Nam là như vậy. Văn chương dễ
dãi, chẳng “đẽo gọt” như nhà phê bình Như Phong nhận xét, nội dung sơ lược,
mang nặng mục đích tuyên truyền chính sách dân tộc miền núi của Đảng, bỏ qua
tính chân thực vốn là cốt lõi của văn chương, viết theo lối viết “địch - ta”
rạch ròi, vạch một ranh giới tuyệt đối giữa các nhân vật và chỉ chấp nhận họ
hoặc ở phe này hoặc phe kia.
Rút cuộc, “đỉnh cao sự nghiệp Tô Hoài”
vốn ra đời theo yêu cầu nhất thời của cách mạng đã bị thời gian đào thải, ngày
nay, ngoại trừ những học sinh và sinh viên phải làm bài, khó có ai
đủ kiên nhẫn để thưởng thức nó.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét