Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ( KỲ 18)

 CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ( KỲ 18)

Tác giả: Nhật Tuấn

  

                    NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN (1)

 

 

Ngày 26 tháng 12 là cái ngày gì?


Hỏi 10 người chắc cả 10 không biết nó là cái ngày quỷ gì?


Vậy xin hãy nghe nhà văn Nguyễn Tuân trả lời:


“Toàn thể văn nghệ sĩ Việt Nam cũng như toàn thể nhân dân chúng tôi rất hân hoan, sung sướng đón mừng ngày sinh nhật của Chủ tịch vĩ đại . Trong dịp này chúng tôi đã nhận được từ khắp nơi gửi tới những sáng tác văn nghệ của quần chúng gửi tới mừng thọ Chủ tịch…”

Chủ tịch nào vậy?


Chắc không phải Hồ chủ tịch, sinh ngày 19 tháng Năm.


“ … công tác văn nghệ của chúng tôi cũng theo phương hướng văn nghệ công nông binh do Chủ tịch vạch ra...”

“Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác- Lênin-Stalin, của Chủ tịch và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nguyện vĩnh viễn đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc chúng tôi, cho tình hữu nghị vĩ đại giữa các dân tộc…”


Chủ tịch được tung hô, xếp trên cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có thể là Chủ tịch … Mao Trạch Đông.


Những đoạn  trên trích trong “Thư Hội văn nghệ Việt Nam kính gửi Mao Chủ tịch “ do nhà văn Nguyễn Tuân, Tổng thư ký hội Văn nghệ Việt Nam ký vào ngày 26-12 năm 1952-53 gì đó.


Nhưng chuyện đó xưa lắm rồi, từ thời cải cách ruộng đất lận, nhắc lại cho vui vậy thôi. Còn thời chiến tranh chống Mỹ …


Vào một  chiều tại khu sơ tán bom Mỹ của Hội nhà văn VN, nữ văn sĩ Nguyễn thị Ngọc Tú đang lúi húi … rán cá - thứ của hiếm thời bao cấp, trước cửa phòng, ngẩng lên chợt thấy bác Nguyễn Tuân đứng lù lù với chiếc mũ “phớt” và hàng râu muôn thủa. 

Bác cầm can chỉ chỉ:

Con này  chín non… Chị lật con kia  lên kẻo cháy…”.

Giá là người khác hẳn đã xơi một chiếc guốc, xéo đi cho…”nước nó trong”, nhưng với bác Nguyễn, nổi tiếng “ ngông” chị  Ngọc Tú chỉ cười cười.


Đã có rất nhiều bài viết về cái “ngông” của bác Nguyễn. Sau Cách mạng năm 45, cái “ngông”, cái văn chương “nhâm nhi, tỉ mẩn” thời trước trong những “Hương cuội”, “Thả thơ”, ”Đánh thơ”, ”Những chiếc ấm đất”… mang vào sáng tác cho quần chúng công nông binh, chẳng hiểu bác Nguyễn sẽ phải uốn éo sao đây? Thật đáng lo thay!


Sau này, Nguyễn Tuân tâm sự:


Giả sử bây giờ tôi còn trẻ, có lẽ tôi xin đi học ngành y làm thày thuốc, vì làm cái nghề văn này sợ lắm…”.


Sợ thật đấy chứ, đường đường một đấng “phù thuỷ chữ nghĩa”, “ma thuật ngôn từ”, theo cách mạng được Đảng tín nhiệm đưa lên ghế Chủ tịch Hội Văn nghệ VN, vậy phải “công nông hoá ngòi bút” sao đây để “lãnh đạo tin cậy”, cho dù trong lớp chỉnh huấn đã bày tỏ lập trường “rũ bỏ con người cũ” bằng cách… treo cổ mớ bản thảo ngày xưa, từ bỏ “những đứa con tinh thần” vốn làm bác nên danh.


Thế là Nguyễn Tuân xắn tay áo lên “nhả chữ”, mở đầu sáng tác cách mạng bằng tập “Tuỳ bút kháng chiến” trong đó tiêu biểu là “Đuốc dân công tiếp vận”. Để tăng khí thế cho bài ký, bác viết:


“ Hôm nay tôi kể chuyện một con đường thóc đêm đêm rầm rập bước chân người… bao nhiêu người bần cố nông gánh gạo về ngàn. Thật là vĩ đại. Không biết bao nhiêu là con số… Trên vai mỗi người còn đèo thêm một bó đuốc….Tôi cảm thấy đây là lần đầu tiên , nước Việt nam chúng ta đốt đuốc đi đêm một cách vĩ đại, huy hoàng…”.

Thật là vĩ đại, thật là huy hoàng, chỉ tiếc nó mới được hô  lên từ… cổ họng, đại ngôn để xuê xoa cái nghèo cảm xúc. Cũng theo cách đó, ông mạt sát dân “vùng tề” :

Tôi nghĩ đến một cơn lốc khổng lồ lật ngửa những mái gianh đang úp vào mặt bùn kia, hút ngược bao nhiêu nhố nhăng kia lên giời và quét sạch cái không khí dịch tễ của nơi này đi…”

 và chửi Pháp:


”Chiều tà Việt bắc Đông bắc rừng rực lên những đồn Pháp, chiếu ống nhòm như những mâm cà độc dược, như những kim tự tháp loét ngọn…” .


Không còn “ngông”, cũng chẳng còn “nhâm nhi”“Tuỳ bút kháng chiến” của Nguyễn Tuân, “quả mùa đầu” cho cách mạng, sau này được hai Giáo sư “mao nhiều hơn cả dân mao-ít”  là Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức reo mừng:


Sau Tuỳ bút kháng chiến, ta đã có một công dân Nguyễn Tuân bên cạnh một Nguyễn Tuân nghệ sĩ, một cán bộ Nguyễn Tuân hoà hợp với một nhà văn Nguyễn Tuân”.


Thế là khỏi lo “con bò trắng răng”, Nguyễn Tuân - chàng lãng tử  ngông nghênh đã bỏ thói “nhâm nhi tỉ mẩn”, mài nhẵn xù xì gai góc, dọn giọng hót cho bần cố nông nghe, trở thành “nhà văn cán bộ”,  vượt quá yêu cầu của Đảng.


Vậy nhưng khổ nỗi  ‘cái nết đánh chết không chừa”, trở về Hà Nội sau năm 1954 có rượu tây, có ánh đèn xanh đỏ, có dáng “kiều thơm”…; bệnh “ngông “ trong  Nguyễn Tuân tái phát.

 

Vậy ông đã “ngông” như thế nào?


Trong khi cả thiên hạ đang phải gân cổ ca bài “ chống chủ nghĩa cá nhân”, làm việc quên mình vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1957, Nguyễn Tuân lại chơi ngông, nhâm nhi, tỉ mẩn luôn một bài… “Phở”.

Thật ra ăn phở cho đúng , đúng cái “gu” của phở, phải ăn thịt chín. Thịt chín thơm hơn thịt  tái, mùi thơm miếng thịt chín mới biểu hiện đúng cái tâm hồn của phở…”


Than ôi, cái “ngông của Nguyễn Tuân’ cũng mới ở mức độ vuốt ve con tì con vị, chứ chưa dám “ngông” thở than oán trách gì chế độ, ấy thế mà cũng đã bị ông trùm phê bình mác xít Như Phong choang cho một chuỳ trên báo Nhân Dân:


Ở Nguyễn Tuânưa phân tích cầu kỳ các cảm giác như vậy không phải chỉ là một phong cách văn chương mà còn là một lối sống ưu du, hưởng thụ mà anh muốn truyền bá. Có đặt cả quá trình sáng tác của Nguyễn Tuân, mới thấy bài “Phở” hãy còn mang nhiều dấu vết của khuynh hướng nhảm đó…”.


Khổ nỗi, nhâm nhi con tì con vị là… nghề của chàng. Thôi thì không cho “nhâm nhi” miếng ăn, miếng uống thì ta “xơi” cảnh vật vậy, so với thiên hạ đang phải nhai “con người mới xã hội chủ nghĩa” thì chàng vẫn còn… ngông chán.


Thế là cũng năm 1957,  Nguyễn Tuân viết “Cây Hà Nội”:


Hà Nội của ta rất nhiều me, nhiều sấu với những trẻ em trèo me, trèo sấu ngày xưa. Nhưng bên cạnh những phố trồng toàn me toàn sấu,còn những cây đứng lẻ tẻ khắp Hà Nội. Hoàng lan, ngọc lan, sữa, long não, gạo, lim , đại , đỗ quyên Nhật…”.


Huyên thuyên về “cây”, nhưng chàng Nguyễn vẫn không quên  gài một câu xỏ xiên về “người”:


“Lắm lúc tôi muốn rộng lượng tặng huân chương cho một vài cái cây thủ đô vì một số công lao của chúng đối với cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội. Anh tưởng chỉ có một số người nào mới có công lao thôi sao…Anh họp nhiều quá, lâu quá, cây đẹp không đợi được anh mãi…”.


Cái mẹo đó sau này được đúc kết lại thành “thủ pháp nghệ thuật" có tên là “gài mìn” nhiều năm sau được một số cây bút trẻ học lỏm. Hết “cây” lại đến “hồ”, mượn lời một chị Ba Lan, Nguyễn Tuân mệnh danh “Con hồ Thủ đô” là một … viên ngọc êmơrôt “nằm giữa một cái nền hộp nữ trang bọc nhung xanh hồng, kẻ đường  con cờ…”.


“Êmơrôt” là cái quỷ gì quần chúng công nông làm sao biết? Thôi thì bỏ qua cái tội quên lời Bác dặn “viết sao cho dễ hiểu”, nhưng cái “lỗi”  “lan man, lẩn mẩn” thì vẫn còn đó.


Một hôm tôi đang nhìn hai cô cân  táo đen táo đỏ bán lẻ, tôi đang nhìn bà quay kẹo bông cho trẻ em, tôi đang nghe cái ông đội mũ rạ rách thuyết minh cho cái ống dòm thời sự chiến tranh của ông đỗ ở xế ga tàu điện cũ bờ hồ, bỗng thấy nhớ mấy cây lộc vừng năm nào vẫn soi bóng xuống hồ…”.


Rõ chuyện tầm phào, “mậu dịch viên nhà nước” đâu hết toàn “tả” tư thương để mà nhớ về ‘quá khứ”? Có lẽ chợt nhận ra  “lỗi” này, Nguyễn Tuân vội vàng bày tỏ lập trường:


tổ chức tết trung thu Độc lập cho các em thiếu nhi quanh hồ phá cỗ”


và rồi hăng lên bốc phét:


trong những ngày vui ấy, một anh bạn tôi đã hồi sinh lại  với thời đại đã vứt tõm xuống hồ Hoàn Kiếm một khẩu súng lục, nhất định từ bỏ ý định tự sát vẫn ám ảnh mình, một chị bạn tôi cũng vứt xuống lòng hồ một cái hộp sắt hàn thiếc trong ấy có cả một cuốn nhật ký một người đẹp sắp phát điên…”.


Cách mạng cảm hoá người ta ghê gớm chưa, một anh sắp tự tử vứt cả súng, một chị chán đời quăng cả nhật ký xuống hồ. Bác Nguyễn “hư cấu" thế này đến con nít cũng chẳng tin. Ấy thế rồi để tăng thêm ‘tính cách mạng” cho bài viết, xuê xoa đi những chỗ “tầm phào”, bác Nguyễn lên giọng “chính trị”.


Nào:


 “ Đối với con người Hà Nội, đối với thủ đô năng suất gấp trăm  gấp ngàn thành phố khác trên đất Việt Nam , hồ Gươm như là một  người bạn thân thiết…”,


nào:

 “hồ là lá phổi làm thắm tươi dòng máu đập nhanh của gần nửa  triệu con người thủ đô Hà Nội đang hàn gắn, chắt chiu và vững tâm xây dựng…”,


nào:

” Với anh chị em tập kết Trị Thiên, Khu năm, Nam bộ, có lẽ hồ Hoàn Kiếm còn thân mật hơn với tất cả chàng  trai và  cô gái sinh trưởng ở Hà Nội…”.


Than ôi, giọng văn khinh bạc của bác Nguyễn đâu rồi ? Còn lại một thứ văn “tả cảnh” của học sinh phổ thông làm luận “ Em hãy tả hồ Hoàn Kiếm.".


Mạt sát “phong kiến đế quốc” và “ tung hô cách mạng” từ nay đã trở thành cảm hứng  chủ đạo xuyên suốt văn chương chữ nghĩa  của  chàng. Trong “Từ Tân thế giới mà về”, ông tả bà con khi rời Việt Nam:

”…ở đâu phe phẩy ngọn cờ vàng ấy thì nơi đó ngày đêm nổi dậy tiếng than khóc mếu ly tán, vợ tiễn chồng, con tiễn cha.Tiếng khóc sinh ly dưới cờ vàng mà thảm hơn cả những tiếng tử biệt…”,


ăn uống ở Tân Thế giới thì:


”cá khô mủn ra như mạt cưa, một quả trứng luộc cho cả chục người ăn (sic) thịt trâu đánh đàn và rau muống thắt lưng được (hi hi)…”, khi bà con trở về quê hương đã vào ”cái thế kỷ lớn lên của chủ nghĩa cộng sản, cái thế kỷ của Liên xô đưa người hoà bình lên tinh cầu vũ trụ”

và bởi thế bà con cực kỳ xúc động :

“ Thật là sống lại. Lúc đi cũng chả nghĩ được ai là tốt ai là xấu. Nay về , thấy mọi người đều thân hơn cả ruột thịt. Giờ được về thấy nước như non tiên…”.


Và rồi nhà văn Nguyễn Tuân “tưởng tượng:


Tôi không theo đoàn đại biểu kiều bào lên Hà Nội gặp bác Hồ nhưng tôi không khỏi hình dung, tưởng tượng nhiều tới buổi gặp gỡ này. Chủ tịch nước chúng ta 70 tuổi thọ. Cụ già phu mộ Tân thế giới 80 tuổi chẵn. Cụ Hồ thì chủ động xuất dương mà bôn ba khắp châu này biển nọ mưu hạnh phúc cho tất thảy những người đau khổ thế gian, trong ấy có người đau khổ đi phu Tân Thế giới…”


Khi viết những dòng hào sảng, đầy cảm hứng này, không hiểu bác  Nguyễn có biết số phận những Việt kiều Tân đảo này rồi đây sẽ mất hút  trong những vùng kinh tế mới trên núi rừng Tây Bắc xa xôi? Trí tuệ sắc sảo như nhà văn Nguyễn Tuân ắt phải  biết nhưng viết thế thì vẫn cứ… phải viết. Chứ còn biết làm sao?

 

                             (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét