Đầm Ô Loan- ảnh Hoài Vân |
“Mười ba bến nước cay
đắng, buốt giá với nỗi đau chiến tranh, hậu chiến, thân phận đàn bà.”
Mười ba bến nước
Sương Nguyệt Minh
1.
Tôi lấy vợ mới cho chồng.
Một chuyện lạ chưa từng xảy
ra ở làng Yên Hạ. Cô dâu là bạn thân của tôi đã quá lứa lỡ thì. Cô ấy đang cần
tấm chồng và khao khát một đứa con hợp pháp. Tôi làm bà mối, tôi cùng nhà trai
đi ăn hỏi, đi xin cưới, đi rước dâu.
Đám cưới có vui, có buồn, có
sượng sùng. Và đúng lúc cô dâu mới vào buồng hạnh phúc thì tôi lặng lẽ ra lối cửa
sau đi tắt qua vườn. Túi đồ ôm vào lòng, vừa đi vừa khóc, tôi chạy cùn cụt ra bến
nước, ới đò sang sông về nhà với mẹ.
Người ta ví: Con gái mười hai bến nước. Tôi khốn
nạn hơn những người đàn bà khác. Tôi những mười ba bến nước.
2.
Tôi sinh nở lần đầu vào một
buổi trưa.
Tháng năm âm lịch, cuối vụ gặt,
tôi đem cơm ra đồng cho thợ. Cào cào, muồm muỗm dồn đến đám lúa cuối cùng nhiều
quá. Thợ gặt bỏ liềm hái vồ tới tấp. Tôi cũng đạp gốc rạ lội sọp sọp đến chộp.
Tự nhiên, bụng đau lâm râm, rồi cồn lên dữ dội. Tôi vội bỏ nắm cào cào đã vặt
càng vào nón và ôm bụng. Chưa kịp lên bờ thì ối vỡ, nước ối chảy ướt sũng hai ống
quần. Tôi ới chồng. Anh bỏ đon lúa đang bó dở, hốt hoảng chạy đến bế tôi lên bờ.
Mẹ chồng quýnh quáng sai đứa cháu gọi bà đỡ đẻ. Nhưng không kịp, tôi đẻ ngay trên
bờ ruộng ẩm ướt ngổn ngang lúa tươi và cuống rạ vừa mới cắt.
- Ôi giời cao... đất dày ơi... - Mẹ chồng tôi
gào lên và xỉu ngay bên đon lúa.
Tôi chỉ kịp cố gồng sức ngẩng
lên nhìn xuống giữa hai háng mình, rồi ngật đầu sang một bên.
Mãi mãi, không bao giờ tôi
quên được tiếng mẹ chồng kêu và cái cục thịt tôi đã đẻ ra ấy. Mẹ chồng tôi líu
lưỡi, giọng hoảng loạn, kinh hoàng. Cục thịt đỏ hỏn chỉ có cái miệng tròn tối
om, há ra ngậm vào như cá mắc cạn ngáp lúc sắp chết. Thợ gặt chân tay xước sát
lấm bùn đất, đứng, quỳ châu quanh tôi.
- Về lấy cái liễn sành, bỏ Nó vào đem đến gò Mã
Giáng mà chôn.
Tiếng người láo pháo.
- Đừng... Đặt Nó lên bè chuối cho trôi sông.
Và xa gần bước chân đạp trên
gốc rạ lẫn tiếng lội nước gấp gáp ọp ọp.
Tôi không ra khỏi nhà. Lúc nào
mắt cũng đỏ hoe. Chồng tôi ít nói. Anh lầm lì, nâng giấc, săn sóc tôi như chăm
bẵm con nhỏ. Mẹ chồng nhìn con dâu tiều tụy quá, nước mắt bà ứa ra. Mẹ chồng rất
thương tôi, mẹ chồng nàng dâu mà y như mẹ đẻ và con gái. Tôi vừa nấc vừa nói,
giống hệt đứa bé gái ngoan bị đòn oan.
- Bu ơi, sao ... con... đến
nỗi này?
Mẹ chồng tôi thở dài.
- Nhà ta đời đời ăn ở hiền
lành, có ác với ai bao giờ đâu mà để tội để nợ cho con.
Chồng tôi đang xách siêu thuốc
bắc. Anh giật mình, đánh rơi bộp xuống nền nhà. Siêu vỡ, nước thuốc vàng sẫm chảy
lênh láng, hơi nước bốc khói mù mịt.
Tôi thường mất ngủ. Trong giấc
mơ đêm tối trời, tôi thấy đám thợ gặt đội nón mê, ngồi bệt xuống cỏ hút thuốc
lào chờ cho Nó hết ngáp. Rồi họ bỏ Nó vào cái liễn sành màu da lươn, đậy nắp
đem đến gò Mã Giáng chôn. Lại có đêm tôi mơ thấy Nó trên bè chuối thả trôi ở bến
nước sông Hoàng Long. Và con Thuồng Luồng tóc đen dài xoã sượi, vai trần trắng,
vú căng mẩy như vú con gái, nhưng mình rắn, bàn chân tay nhái có màng mỏng bơi
đến đẩy bè chuối vào bờ. Tôi vùng vẫy, hò hét “Trả con tôi. Trả con tôi
đây...”. Tỉnh dậy, mới biết mình đang trong vòng tay chồng. Người lạnh toát, mồ
hôi vã ra. Vai áo chồng cũng đẫm mồ hôi, anh đã rất vất vả giữ tay chân vợ vùng
vẫy trong giấc mơ...
3.
Tôi nhớ, mùa hè năm Giáp
Thìn. Trời không mưa, nhưng nước thượng nguồn đổ về một tuần liền. Quê tôi lụt
to. Nước cuốn rều rác, cành tươi, củi khô cuồn cuộn. Nửa đêm, vỡ đê sông Hoàng
Long. Nước réo ồ ồ. Chó tru. Gà quác. Trâu, bò phá gióng. Dê phá chuồng kêu khản
giọng. Dân kinh hoàng, nháo nhác chạy lụt như chạy loạn. Tôi chỉ kịp trèo lên
cây đa đầu làng. Suốt đêm ở ngọn cây, gọi mẹ ời ời; lo lũ cuốn thì ít, lo con
Thuồng Luồng bắt kéo xuống nước thì nhiều.
Đêm trăng suông. Cây đa gồng
mình chống chọi lũ xiết. Tôi đói, kiệt sức. Nửa đêm, nước xói bật gốc cây đa,
tôi bị lũ cuốn theo.
Sáng hôm sau, tỉnh dậy, thấy
mình nằm trơ trơ trên gò Thuồng Luồng. Xung quanh nước réo ùng ục. Đám đông đứng
ngồi lố nhố. Tiếng người nói lao phao. Con Vện cắn nhanh nhách, nghe sốt ruột.
Mẹ tôi cười mếu máo, bảo “Con Thuồng Luồng vớt mày ở bến nước đưa lên đây đấy,
con ạ”. Tôi ngạc nhiên quá...
Năm tôi mười sáu tuổi, có
ông giáo sư sử học dẫn sinh viên về điền dã ở làng. Họ thuê bọn đánh dậm chúng
tôi đến đào đất khai quật gò con Thuồng Luồng. Tôi nhận ra anh Tào người làng
Yên Hạ trong số người lạ này. Anh Tào có vẻ rất mến và hay trêu đùa tôi. Đào, bới,
cả tuần chẳng có gì chỉ thấy vỏ hà vỏ hến, xương động vật và một tấm ván thôi.
Lúc lấp đất, anh Tào cầm cái nộm rơm giống hình con gái quẳng xuống hố. Tôi hỏi.
- Anh Tào làm cái gì đấy?
- Tao yểm. Đó là cốt đứa con gái, hồn con Thuồng
Luồng. Đứa nào yêu tao mà bỏ thì phát điên, thành con Thuồng Luồng.
Những người lạ bật cười. Còn
tôi vừa ngượng chín mặt vừa ngơ ngác. Về sau, yêu nhau rồi, tôi hỏi về cái nộm
rơm ấy, anh chỉ cười cười bí ẩn, không nói.
Lại ồn: Vào một đêm trăng.
Sương mù bay la đà mặt sông. Sóng óc ách vỗ vào hang núi. Thằng ăn trộm người
làng Yên Hạ về khuya, đò nghỉ. Hắn định cởi áo, đội gói đồ ăn trộm lên đầu bơi
qua sông thì thuyền đánh cá đêm chở đầy sương mù chui từ trong hang nước ra, lướt
nhẹ đến. Cô gái khoác hờ cái áo, ngồi phía đuôi thuyền, bảo “Anh lên đi. Tôi chở
qua sông cho.” Thằng trộm ôm đồ nhảy xuống thuyền. Ra giữa sông vắng vẻ, thấy
thuyền chỉ một mình cô gái, hắn dở trò sàm sỡ. Cô gái nhảy tòm xuống sông. Thằng
trộm kịp nhận ra cô ta chỉ có phần ngực trở lên là giống người, còn thân mình rắn,
bàn chân tay nhái có màng. Hoảng quá, hắn biết vừa chạm phải con Thuồng Luồng.
Chưa biết xoay sở ra sao thì cô gái nhô cả vai trần và bầu vú lên khỏi mặt nước.
Đôi tay nhái bám lệch mạn thuyền. Nước ào vào, thuyền đắm. Thằng ăn trộm bị dìm
uống no nước sông, rồi được đẩy lên bờ. Run quá, hắn co chân chạy thì tiếng gọi
giật sau lưng “Anh gì ơi, của anh này.” Hắn quay lại. Vẫn cô gái ban nãy, nhưng
mặc gọn ghẽ, áo khô, quần khô sắn tận gối lộ bắp chân tròn trắng. Gói đồ hắn
thó trộm bỏ quên dưới thuyền cũng khô nguyên, cô ta đưa cho hắn rồi chèo thuyền
chui luôn vào sương mù. Chẳng thấy con Thuồng Luồng đâu. Hãi quá! Từ đêm đó, thằng
trộm mất hồn, ngơ ngẩn đến nửa năm...
Thuồng Luồng và bến nước như
làn sương mù huyền thoại, bí ẩn vô cùng với tuổi thơ tôi.
4.
Chồng tôi tên Lãng, bộ đội
thời chiến nghỉ phép trước ngày ra mặt trận. Anh chưa muốn cưới vợ, những ngày
đầu đi chơi loăng quăng, gần hết phép, mẹ giục quá mới nháo nhào tìm. Lúc đó,
tôi chưa hết buồn vì tin người yêu chết ở chiến trường thì gặp anh.
Đám rước dâu bằng thuyền. Cập
bến, mọi người lên bờ, đứng chờ tôi lấy nậm nước đem về rửa chân mẹ chồng. Cái
lệ này có từ bao giờ tôi chẳng biết. Người ta bảo: Mẹ chồng nàng dâu vốn truyền
đời xung khắc. Con dâu mới múc nước rửa chân mẹ chồng để lấy lòng. Trước lúc rước
dâu, mẹ tôi đưa cho cái nậm nhỏ làm bằng vỏ quả bầu be khô giống cái hồ lô và dặn
những điều cần thiết về làm dâu nhà người.
Người ta hay ví bến đời với
bến nước. Con gái mười hai bến nước. Lúc ấy, tôi chẳng biết mình đang ở bến thứ
bao nhiêu.
Đám rước dâu đi tiếp. Bất chợt,
mọi người giật mình và ồn ào bởi tiếng hô “Thanh niên cả như tôi thì mất nước.”
Tôi nhận ra anh Tào. Trước ngực anh đeo cái mẹt tròn, quét vôi trắng viết dòng
chữ: Tôi là thằng đảo ngũ. Tôi không tin sau cái mẹt kia là người mình đã từng
yêu. Bom đạn mù trời miền Bắc. Cả trường anh đóng cửa nhập ngũ. Người ta đồn:
Anh chết nơi bom đạn một năm rồi. Nay họ lại nói: Anh sợ chết, gí đầu nòng súng
CKC vào gót chân trái... bắn. Người thì cãi: Anh Tào lau súng bị cướp cò. Đơn vị
tước quân tịch đuổi, về quê đã mấy ngày rồi. Xã bắt lao động cải tạo đóng gạch.
Chiều tối, dân quân giải anh Tào đi dong, bêu khắp làng. Anh Tào chân thọt chấm
phẩy đi trước, dân quân khoác súng K44 nòng rỗ đi sau. Lũ trẻ con lốc nhốc theo
sau nữa đồng thanh hô lại.
- Thanh niên cả như tôi thì mất nước.
Tôi đi bên cạnh chồng, lòng
rối bời.
Anh Lãng cưới tôi hôm trước
thì ngay hôm sau phải về đơn vị. Anh đi xa không biết ngày nào về. Chồng tôi cố
giấu nỗi buồn vào lòng. Anh chào lần lượt từng người rồi quay lưng đi rất
nhanh, như chỉ sợ nấn ná sẽ không đi được nữa.
5.
Người vợ xa chồng có trăm
ngàn cơ cực, chẳng nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Có những đêm dài ghê gớm, tôi
lục sục không ngủ. Nằm một mình ôm gối, nhớ chồng, trằn trọc chờ sáng. Tôi lôi
cái áo cũ bạc màu của chồng ra ấp vào mặt, nỗi nhớ càng nôn nao, da diết hơn.
Khốn khổ nhất là mấy ngày áp kỳ kiêng kị sử dụng xô màn của đàn bà. Hai bầu vú
tôi cứng nhưng nhức. Nhũ hoa sân lại. Má đỏ hồng tươi tắn. Mắt long lanh... Lúc
nào cũng chỉ mong chồng về.
Con gái chưa biết hơi trai
thì tò mò, rụt rè, nhưng đã phải hơi trai rồi thì nghiện. Đêm đêm, tôi nằm tưởng
tượng ra đủ điều, vò gối ấp áo vào mặt tìm hơi chồng. Không chịu nổi lại đổ lúa
vào xay, xay đến sáng, hoặc múc nước giếng khơi đổ ào ào tắm cho lửa lòng dịu
đi, hoặc sang ngủ chung giường tìm hơi mẹ chồng.
Mẹ chồng tôi biết. Bà đã trải
qua những năm tháng chờ chồng nên hiểu lòng con dâu. Mẹ chồng tôi lặng lẽ lục
tìm trong hòm lấy quần lót cũ của con trai bỏ vào chã đất rang, tay khoả miệng
lẩm bẩm. Bà làm theo cách riêng nhuốm màu sắc dân gian giúp con dâu vững lòng
lúc con trai mình đi xa.
Làng Yên Hạ của chồng tôi có
hai bến tắm. Bến tắm đàn bà phía đầu nguồn, bến tắm đàn ông phía hạ nguồn, cách
nhau vài trăm bước. Bọn con gái cứ để nguyên áo quần dài, lội dò dẫm ra xa bờ,
nước đến đâu vén áo đến đó, nước dâng qua bầu ngực thì đội áo lên đầu hoặc cởi
ra vo viên ném vèo vào triền sông. Tôi đã gặp chuyện ầm ĩ ở bến tắm này. Bắt đầu
từ lúc ông xã đội trưởng và hai dân quân bất chợt nhìn xuống bến thấy đầu tóc
con gái loã xoã, vai trần nhô lên tụt xuống. Lại tiếng quẫy nước um ũm và cái đầu
đàn ông. Cứ ngỡ Thuồng Luồng quần nhau với người. Té ra là anh Tào với tôi dưới
bến nước. Ông xã đội rất ghét những thằng đảo ngũ, hoặc chân thọt, mắt chột,
tay khoèo, thấp bé nhẹ cân... không phải ra trận, ở nhà hay chim chuột vợ lính
khi họ đang nơi hòn tên mũi đạn. Vợ ông chửa hoang với thằng công nhân lái xà
lan. Ông ta căm lắm, chuyên rình bắt gái làng ra bến nói chuyện với thợ thuyền
sông nước. Tôi kêu oan.
- Tôi tắm, không may bị chuột
rút...
Anh Tào lúng túng, sợ sệt:
- Tôi đánh xe trâu đến đây.
Bỗng nghe tiếng người chết đuối kêu cứu...
Ông xã đội nhếch mép, khinh
khỉnh:
- Đã phạm tội tự thương, đào
ngũ làm mất thành tích năm năm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một
người” của xã nhà, lại vi phạm chính sách hậu phương quân đội, làm người lính ở
chiến trường không yên tâm chiến đấu. Còn bịa cả chuyện con Thuồng Luồng. Từ
xưa đến nay, ta chỉ nghe chuyện Thuồng Luồng cứu người chứ chưa bao giờ nghe
chuyện người cứu Thuồng Luồng. Ta đồ rằng, Thuồng Luồng là đứa con gái nần nẫn
này ở dưới nước mày mới nhảy xuống...
Dân quân dẫn anh Tào và “con
Thuồng Luồng” là tôi về trụ sở uỷ ban xã lập biên bản. Anh Tào vẫn cởi trần, chỉ
mặc quần đùi thập thễnh đi sau. “Con Thuồng Luồng” mặc quần lụa đen ướt dính bết
vào đùi, không được mặc áo, trên mình chỉ độc cái xu chiêng ướt sũng nước. Vai
“con Thuồng Luồng” trần rờ rỡ dưới trăng. Đang đi, bỗng dưng ông xã đội cho
“con Thuồng Luồng” đứng lại mặc áo, rồi thả cho về. Ông bảo “Nể cái thằng lính
đang sống chết ở chiến trường đánh nhau với Mỹ Ngụy, ta tha.” Tôi đi một đoạn
còn nghe ông rủa sau lưng “Rạc rài. Giống cái là giống bạc tình.”
“Giống cái là giống bạc
tình?”. Tôi đã nhìn thấy bờ tre nhà mình: Bầu ngựa đực bụng bé trèo lên lưng bầu
ngựa cái bụng to. Bầu ngựa đực lẹo xong, mệt quá gác càng, vừa rời lưng bầu ngựa
cái, liền nằm ệch ra. Nó bị ngay đôi kiếm nhiều răng cưa của bầu ngựa cái bổ
vào bụng và móc ra từng miếng thịt trắng đến tận khi sồi ruột mới thôi. Người
ta bảo, loài bò cạp cũng thế. Chúng nó âu yếm, lẹo nhau xong, con đực bao giờ
cũng mệt hơn vì bị rút hết sinh khí. Con cái liền quay lại ăn thịt luôn bạn
tình.
Tôi chưa nhìn thấy bò cạp
cái ăn thịt bò cạp đực bao giờ. Chỉ thấy rắn nước ở đầm Vạc. Khi con cái lột
xác, con đực luôn phục ở bên bảo vệ và đi kiếm mồi về nuôi. Lúc con đực lột xác
còn bấy dậy, thì con cái dẫn con đực khác về tổ. Chúng làm tình với nhau trước
mũi con rắn vừa lột xác. Và chén luôn bạn tình cũ đang bấy bớt, không còn khả
năng tự vệ.
Tôi là đàn bà, là giống cái.
Người ta cũng coi tôi là giống bạc tình a?
6.
Chiến tranh kết thúc, chồng
tôi về. Nguyên vẹn, thân thể không sất síu tí nào. Mừng ơi là mừng. Mẹ con, anh
em, vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi bao nhiêu thì anh Lãng hậm hực bấy
nhiêu. Không biết bằng cách nào, anh Lãng biết người ta ồn vợ mình trăng gió.
Buổi tối, mọi người đến chơi về hết, nhà tôi lẽ ra vui như tết thì lại buồn hơn
đám ma. Mẹ chồng bảo.
- Bu không giữ được danh tiếng
vợ anh.
Anh đay nghiến:
- Tôi bao nhiêu năm, bom đạn
không chết lại chết vì điều tiếng thiên hạ.
Đến lượt tôi, giọng sẽ sàng,
nhưng hơi lạnh.
- Em là vợ anh. Chỉ anh mới
biết em chung thuỷ hay là không.
Anh Lãng mặt nghệt ra. Rõ
ràng anh không ngờ tôi nói thế. Anh chưa biết sẽ định liệu số phận cuộc hôn
nhân thời chiến rất mong manh của mình ra sao. Tin vợ hay không là một quyết định
không dễ đối với người lính đã nhiều năm xa nhà...
Đêm ấy, cả làng Yên Hạ không
ngủ. Trăng sáng lắm. Gió núi thổi về mát rười rượi. Bọn choai choai rủ nhau đi
hóng trăng dọc đường làng. Ngoài sông Hoàng Long, đèn sáng đỏ, tiếng gõ cắc...
cắc... vào mạn thuyền thúng đánh cá đêm vọng về. Đêm chồng vợ, chúng tôi quấn
vào nhau như đôi thuồng luồng quần nhau trong hang nước.
Sáng hôm sau.
Mẹ chồng tôi dậy thật sớm,
ngồi ở thềm hè chải tóc, chốc chốc ngóng vào cửa buồng con dâu. Anh Lãng bước
ra, se sẽ ngồi bên mẹ:
- Hôm qua, con không kìm
lòng thì gây án mạng với thằng Tào đào ngũ rồi, bu ạ. May nhà con nhẫn nhịn.
Suýt nữa tan đàn sẻ nghé.
- Anh nói thế nghĩa là làm
sao?
- Bu không nhớ a? Ngày trước,
con gần gũi nhà con chỉ một đêm rồi đi vào Nam đánh giặc. Cái đêm tân hôn ấy,
nhà con đúng kỳ kinh nguyệt. Vợ chồng con chỉ nằm ôm nhau, rồi khóc...
- Anh nói thế nghĩa là đến
đêm qua, vợ anh vẫn còn trinh nguyên?
- Vâng. Vẫn là con gái. Vợ
con thì con biết chứ.
Mẹ chồng tôi sững sờ, chẳng
nói thêm được câu gì. Bà không ngờ con trai và con dâu ở hoàn cảnh oái oăm ấy.
Tôi nằm ì trong buồng lúc đó mới ra. Hai tay vấn tóc. Mắt ngời ngời hạnh phúc.
Tôi rụt rè ngồi bên mẹ chồng. Lúc đó, bà lại lên tiếng:
- Bu cũng không muốn tin.
Nhưng chuyện con dạo ấy thì tình ngay lý gian. Con bỏ qua đừng giận bu, nhá.
- Con không giận ai cả. Con
không sợ gì sất. Con chỉ sợ anh Lãng đi đánh giặc không về. Con vừa mất chồng lại
chẳng có người minh oan cho con.
7.
Tôi sinh nở lần thứ ba, thứ
tư vẫn ra cục thịt đỏ hon hỏn. Mẹ chồng tôi đau buồn, và sợ hãi quá, suốt ngày
niệm Phật, đi chùa. Phật vẫn cứ ở đâu đó chưa hiện về phù hộ chúng tôi. Người
ta bảo: Trăm cái phúc nhà vợ không bằng cái nợ nhà chồng. Đời đời gia đình chồng
tôi ở hiền, nhưng tôi phải gánh nợ. Vậy cái nợ này ở đâu giáng xuống?
Tôi sinh nở lần thứ năm lại
là một bọc có nhiều cục thịt đỏ, như thuồng luồng đẻ bọc trứng non. Chúng Nó
không phải kiếp người, cũng chẳng phải kiếp ngợm. Nhưng là các hình hài tôi
mang nặng, tôi dứt ruột đẻ ra. Đến lúc này, dân làng có người ghẻ lạnh, xa lánh
tôi. Tôi mụ mị dở tỉnh dở điên.
Chồng tôi kể lại, có lần tôi
bỏ nhà đi lang thang ra bờ sông Hoàng Long. Rồi nhảy xuống bến nước vớt những
đám lục bình hoa tím nổi nênh trôi. Vớt đặt lên bờ rồi lại vớt, chẳng biết để
làm gì... Tôi cũng chợt nhớ lần đi ra gò Mã Giáng. Gò vắng lạnh. Dứa dại viền
quanh tốt bời bời. Chó hoang chạy lông nhông kiếm ăn, cắn oăng oẳng. Mèo dại mắt
xanh lét, lông xơ xác, gừ gừ. Tôi đến góc gò phía Bắc, nơi chôn trẻ con yểu mệnh.
Những nấm đất sè sè, nhỏ nhoi. Chẳng biết nấm mộ nào có liễn sành màu da lươn.
Tôi ngẩn ngơ đến vãn chiều.
8.
Đêm nước ròng.
Vợ chồng tôi ra vó bè kéo
tôm. Đèn ló sáng lấp loáng. Mắt tôm bắt đèn ánh lên các chấm li ti đỏ đòng đọc.
Kéo một lúc được lưng lưng giỏ. Mệt, tôi để cho chồng kéo rồi xách chiếu manh
vào lều cỏ. Anh Lãng làm cái lều dưới chân gò Thuồng Luồng để coi vó. Lúc mệt
hoặc tôm cá không đi thì gác vó, lên lều đánh một giấc đến tận rạng đông, nghe
tiếng láo pháo của người đi chợ sớm mới dậy. Chẳng biết từ bao giờ, người đi chợ,
đi kéo vó, mò tôm... qua đây, ai cũng nhón một hòn đất bỏ lên gò. Bao nhiêu đời
rồi, gò cứ rộng ra và cao lên như quả đồi con.
Gió nồm hiu hiu. Bốn gọng vó
thỉnh thoảng thả chọp... chọp... xuống bến. Mắt tôi díp lại, mơ màng... Nửa đêm
về sáng, tôi giật mình bởi tiếng đàn bà gọi:
- Đò ơi....ơi! Cho mẹ con
tôi sang sông vớ....i.
Tiếng gọi đò rõ mồn một. Rồi
lại tiếng kêu.
- Trả con cho tôi. Trả con
tôi đâ... ây...
Tiếng gọi, tiếng hời vọng
vào đêm khuya vắng lặng. Bỗng dưng, một người đàn bà bước đi nhẹ như gió thoảng
từ đỉnh gò xuống.
- Người ta bắt con tôi đem
trôi sông. Làm ơn cứu con tôi với.
Tôi nhận ra người quen:
- Chị Sao này mê rồi. Chưa
bao giờ chị có con. Tỉnh lại đi.
- Các con tôi đang trôi dưới
bến nước kìa. Làm ơn vớt chúng nó lên với.
Tôi nhìn xuống bến. Một màu
trăng bàng bạc. Sương giăng mờ ảo. Tôi bàng hoàng không tin ở mắt mình: Anh Tào
đào ngũ! Thật rồi, anh Tào đang đặt những hài nhi đỏ hon hỏn lên mấy cái bè chuối
và dùng tay đẩy ra xa bờ. Các bè chuối quay tròn, nhẩn nha trôi... Rồi chị Sao
nhảy ùm xuống nước, chìm nghỉm. Khi các vòng sóng lặng, bất chợt Thuồng Luồng
nhô lên, tóc dài đen, vai vú con gái, nhưng mình rắn. Nó đột ngột quẫy lộn đầu
xuống, hai bàn chân nhái có màng giơ khỏi mặt nước. Lại ngoi lên. Con Thuồng Luồng
bơi, đẩy bè chuối vào bờ...
Hoảng quá, tôi căng mắt
nhìn, không thấy anh Tào nữa. Mấy cái bè chuối cũng biến mất. Chỉ thấy đàn vịt
trời lông trắng bay vọt lên, kêu váng mặt sông.
- Sao ơi! Sao ơi! - Anh Lãng
vỗ bồm bộp vào vai tôi. - Hết cả hồn. Em mơ à?
Mặt mũi toát mồ hôi. Tôi
nhìn xuống bến nước. Vó bè nằm im đổ bóng bốn gọng xuống sông. Trăng sáng vẫn
bàng bạc.
- Rõ ràng chị Sao gọi đò, rồi
nhảy xuống sông biến thành con Thuồng Luồng.
- Thần hồn nát thần tính,
điên à? Em là Sao, là vợ anh chứ còn chị Sao nào nữa. Thôi, nửa đêm về sáng rồi,
xuống kéo vó với anh.
Tôi ngồi thừ ra, không biết
đâu là thực đâu là mơ. Vợ chồng tôi kéo vó đến tận sáng chẳng được con tôm nào.
Chỉ toàn củi mục với rều rác.
Tôi đi chợ bán tôm, nửa đường
gặp anh Tào đánh xe trâu chở chã đất và liễn sành màu da lươn.
- Khiếp quá! Từ mai, anh đừng
chở thuê những thứ này nữa.
- Thì thôi vậy. Vài năm nay
người ta dùng liễn sành nhiều quá, Sao ạ.
Tôi kể chuyện giấc mơ, rồi bảo:
- Anh Tào còn nhớ dạo đi điền
dã, anh chôn cái nộm rơm ở gò Thuồng Luồng không? Em với anh chuyện cũ qua lâu
rồi...
Anh Tào cười giả lả, cắt lời
tôi:
- Anh nhớ ra rồi. Đấy là
chuyện tầm phào láo toét. Nhưng chuyện này là có thật này:
Sao không biết là ngày xưa,
quân Chiêm Thành thường đi biển ra cướp phá nước Đại Việt. Thời Trần Nghệ Tông,
có một cánh thuỷ chiến Chiêm Thành đi theo cửa biển vào sông Hoàng Long. Chúng
đi đến đâu là đầu rơi máu chảy, lửa cháy ngút trời, nhưng đến địa phận làng ta
thì tịnh như không. Khi thượng tướng Trần Khát Chân đại thắng Chế Bồng Nga thì
quân Chiêm Thành rút chạy. Cánh thuỷ chiến này cũng dong buồm chuồn ra biển.
Lúc chúng đến làng ta thế nào, lúc đi cũng vậy. Làng ta bình yên trong chiến
tranh. Nhưng ba tháng sau xảy ra chuyện lạ: Vài chục con gái, đàn bà không chồng
mà chửa. Chẳng binh đao mà làng loạn. Làng đau thương còn hơn làng khác bị nạn
“nước lửa và ống đồng” tàn phá. Lệ làng rất hà khắc. Vài chục người đàn bà ấy bị
gọt trọc đầu bôi vôi, rồi đóng bè chuối đem ra bến nước trôi sông. Có điều lạ:
Buổi sáng thả trôi về phía biển thì đến la lá tối lại thấy các bè chuối đậu ở bến
nước. Hoá ra, theo nước thuỷ triều lên, tôm, cá, cua, rắn nước, rùa, giải, thuồng
luồng, ba ba,... bơi quanh đẩy, kéo các bè chuối trôi về bến. Cứ vậy, thả rồi lại
trôi về. Làng chịu bất lực trước các loài thuỷ tộc và thuỷ triều, đành cho số
đàn bà khốn khổ khốn nạn ấy lên bờ. Đủ ngày đủ tháng, họ sinh ra những đứa bé
tóc xoăn, da ngăm ngăm, mắt hoang dã, không mang huyết thống các dòng họ ở
làng. Chuyện còn lạ nữa: Trong số đàn bà ấy, có một người đẻ ra cục thịt đỏ
lòm, có cái miệng tròn như đồng sèng, cứ kêu: khẹc... khẹc. Người mẹ trẻ sợ quá
ngất luôn. Dân làng cho là quỷ quái, lại đóng bè chuối trôi sông. Người mẹ trẻ
hoá điên, luôn miệng kêu “Trả con đây... Trả con cho tôi...” Đang đêm, tóc tai
rũ rượi, chạy bịch bịch ra sông Hoàng Long, nhảy xuống nước cuống cuồng bơi, ngụp
lặn vớt con mình. Khốn nạn quá! Gái đẻ ngâm nước lạnh, chết, biến thành xác con
Thuồng Luồng trôi dạt vào bến nước. Tiền đồng, xương trâu, mo rùa, hình nộm con
gái... được chôn theo. Cái gò con Thuồng Luồng cũng chính là mộ người mẹ trẻ ấy.
Người ta ồn: Hồn người đàn bà lang thang ở hang nước, mặt sông, thấy người chết
đuối là hoá thành con Thuồng Luồng bơi đến cứu... Thế đêm hôm qua cô Sao có bỏ
hòn đất nào lên gò không?
- Không. Anh Lãng em chắc
cũng không nốt.
- Giời ạ. Thảo nào giỏ tôm của
vợ chồng Sao chẳng đầy thêm là phải. Nhặt ngay một hòn đất chạy đến đó mà thả.
Đoảng quá.
9.
Vợ chồng tôi dắt díu nhau đi
bộ mười hai cây số xuống bệnh viện thị xã khám. Thầy thuốc bảo: Anh chị sinh lý
bình thường, sức khoẻ tốt... Hiện thời chưa tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi giới
thiệu lên một Quân y viện ở Hà Nội, nhưng tốn kém và xa lắm, anh chị đi được
không? Đi chứ. Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Bộ đi được thì Hà Nội sao lại không.
Anh Lãng bảo tôi về bán con bò. Mẹ anh cho đôi khuyên tai. Mẹ tôi cho tạ thóc.
Em gái anh lấy chồng ở làng bên cho đôi lợn giống. Đôi khuyên tai giữ lại còn
bán sạch lấy tiền chữa bệnh. Người còn là của còn.
Chúng tôi được khám, làm hơn
một chục xét nghiệm. Ông bác sỹ quân y kết luận: Sức khoẻ tốt. Sinh lý bình thường...
Ông bảo tôi ra ngoài chờ, ông có chuyện nói riêng với chồng tôi. Hoá ra, ông dẫn
chồng tôi đến một phòng trắng lạnh lưu giữ vài trăm cái bình thuỷ tinh đựng các
quái thai và xác hài nhi dị dạng để nghiên cứu. Ông cho xem ảnh, giảng giải và
chỉ vào một cái bình, bảo: Đây là trường hợp cha bị nhiễm chất độc màu da cam vẫn
đẻ con lành lặn, bình thường; nhưng đến khi đứa con gái lấy chồng thì lại sinh
ra một chùm cục thịt như chùm vải chín đỏ. Cái hậu quả này nặng nề lắm, chẳng biết
bao giờ mới hết. Ông căn dặn, an ủi, động viên đến khi chồng tôi hoa mắt, ù tai
và không chịu được mùi phoóc môn, hai người mới ra.
Về nhà, chồng tôi nằm lì ba
ngày không dậy. Ngày thứ tư, anh gọi tôi vào. Anh già thêm đến chục tuổi.
Thương vô cùng. Tôi nằm gối đầu tay chồng, anh nói.
- Bây giờ, anh không giấu em
nữa. Bác sỹ bảo anh bị nhiễm chất độc màu da cam. Chửa đẻ trăm lần thì cũng
trăm lần quái thai, dị dạng.
Anh tưởng tôi sẽ bàng hoàng
đau đớn, vật vã. Nhưng mắt tôi ráo hoảnh. Còn nước mắt đâu nữa mà khóc. Dù anh
bị nhiễm chất độc màu da cam hay tôi đẻ quái thai bẩm sinh thì nỗi đau nào cũng
như nhau cả thôi.
- Nhiễm chất độc da cam lúc
nào? Anh phải biết chứ!
- Lúc đó làm sao biết được.
Nghe ông bác sỹ giải thích, rồi mấy ngày nằm nhớ lại. Có lẽ do hành quân qua những
cánh rừng trụi lá. Bọn anh uống nước suối ở đó lúc khát, còn múc đầy bi đông
mang theo. Lại có lần, đơn vị đóng quân trong rừng già, thấy những chiếc máy
bay Mỹ bay rất chậm phun ra chất gì đó như sương mù trắng đục. Vài ngày, lá ngả
màu đồng loạt, gió rất nhẹ lá cũng rụng lả tả. Cây trụi lá chỉ còn trơ thân
cành. Cả cánh rừng một màu chết chóc. Đi đường thỉnh thoảng thấy những vỏ thùng
sắt hoặc thùng nhựa, có đai xung quanh nằm lăn lóc trong rừng. Có đứa ở tiểu đội
ước ao mang về quê làm thùng đựng nước ăn cho mẹ. Thì ra là thùng đựng chất diệt
cỏ máy bay Mỹ ném xuống mà đến bây giờ có người còn không hề biết.
Tôi vùi đầu vào ngực chồng.
Chưa bao giờ tôi thương anh như lúc này. Nhưng trong lòng thì vô cùng đau đớn,
và chán chường.
10.
Chồng tôi nhận được thư anh
Hà Văn Nênh, đồng đội cũ báo tin vợ mới đẻ con trai. Chồng tôi bảo chọn chục trứng
gà, năm ống gạo nếp đi thăm.
Nhà sàn chon von một mình
trên quả đồi nhỏ thấp tè. Cửa man khép hờ, trẻ con oe oe khóc. Tã lót phơi trắng
bờ rào. Dưới gầm sàn, có con bé cởi chuồng, đầu tròn ủng không sợi tóc, không
có tay, hàm hô răng lợi nhe như khỉ. Tôi nem nép sát hông chồng, sợ nó cắn. Lại
thấy con trăn hai đầu nằm cuộn như khoanh chão bên chân cột nhà...
Chồng tôi và anh Hà Văn Nênh
ngỡ ngàng một lát rồi nhận ra nhau. Anh Nênh gọi vợ bế con ra chào khách quý.
Tôi đón thằng bé, khen vợ anh Nênh trẻ. Anh bảo: Con vợ trước đẻ ba lần đều
quái thai, dị dạng; sợ quá nó bỏ tôi, bỏ cả cái đứa không thành người đang ngồi
ở gầm sàn kia đi rồi. Đây là cô vợ mới.
Chuyện đang say, bỗng dưng
chồng tôi tái mét mặt. Anh kéo anh Nênh, chỉ mấy thùng đựng nước ăn.
- Mày lấy ở đâu?
- Giải phóng xong, đi quy tập
mộ liệt sỹ em nhặt được ở rừng. Lúc ra quân, quẳng nhờ lên xe tải đơn vị về Bắc.
Tiện thể rủ mấy thằng lính “rửa tay gác kiếm” cùng đợt về nhà chơi, nhờ chúng
nó gùi luôn về. Anh chị cõng được, lấy một cái về nhà mà đựng nước ăn.
Chồng tôi kêu giời kêu đất.
Điếc không sợ súng, bạn anh mang cái chết về nhà. Đấy là những thùng đựng thuốc
diệt cỏ, thuốc phát quang. Con bé dị dạng kia là hậu quả chất độc màu da cam
nhiễm vào người cha hay từ những cái thùng này? Bấy giờ mặt anh Nênh rúm ró lại,
sợ hãi thực sự.
11.
Từ hôm ở nhà anh Hà Văn Nênh
về, nói chuyện với mẹ, chồng tôi thường khen bạn mình tốt số gặp may. Sau nhiều
ngày đắn đo, anh quyết định nói với tôi rằng anh muốn “giải phóng” cho tôi. Anh
mong tôi tìm hạnh phúc mới và đẻ những đứa con lành lặn. Tôi ra đi như con thuyền
rời bến cũ, có phúc sẽ có phần, biết đâu gặp bến mới thì cắm sào đậu. Cho là rổ
rá cạp lại, tôi cũng có chốn ấm mà nương thân... Quả thật, cũng có lúc tôi nghĩ
đến điều này. Nhưng khi đó, tôi choáng váng, cảm thấy bị bỏ rơi. Tôi lại hiểu:
Thấy vợ hai anh Hà Văn Nênh sinh đẻ mẹ tròn con vuông nên anh đang hi vọng vào
cuộc hôn nhân mới. Tôi tủi thân. Anh không biết rằng tôi đã tắt kinh hơn một
năm. Tắt kinh vì sợ hãi, vì sức lực kiệt quệ. Những lần phơi xô màn trắng dây
phơi chỉ để nhắc mình không phải đàn ông, mà là đàn bà đang độ tuổi ba mươi; để
chồng tôi đã chán chường rồi đừng ê chề thêm nữa. Tôi giận anh vô cùng.
Một hôm, anh Lãng đi vắng, mẹ
chồng tôi gạn hỏi:
- Từ hôm vợ chồng đi thăm bạn
về, con tính sao?
- Chả tính sao.
Tôi giận, nói nhát gừng, chỏng
lỏn, dù là biết vô lễ. Nhưng bà vẫn nhẫn nhịn.
- Sao ơi. Không phải mẹ bảo
thằng Lãng bỏ con lấy vợ mới đâu. Mẹ nghĩ kỹ rồi:
Con thương con, thương thằng
Lãng, con thương dòng họ nhà chồng thì con...
- Thì con bỏ anh Lãng chứ
gì? - Tôi khóc bù lu bù loa. Bao nhiêu đau khổ, giận dỗi kìm nén bùng lên. -
Thôi mẹ chồng ơi, xin mẹ chồng đừng nói nữa. Mẹ chồng có chắc chồng con cưới vợ
mới sẽ đẻ ra đứa con bụ bẫm lành lặn như vợ hai anh Nênh không?
Bất ngờ, mẹ chồng tôi quỳ hẳn
trước mặt con dâu.
- Bu lạy con. Bu lạy con...
Con ơi! Con nghĩ được vậy là cả nhà ta ơn con trời biển. Nhưng con chưa hiểu hết
ý bu. Con cũng cần có đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Nhà ta không thể bắt con
làm người ở con hầu trong nhà suốt đời được. Tội lắm.
- Thôi, bu không phải nói nữa.
Con sẽ làm ngay... Con làm ngay theo ý chồng con và bu...
Lúc đó, không một lời nói
chân tình nào lọt tai tôi cả. Và tôi âm thầm chuẩn bị một kế hoạch của riêng
mình...
12.
Tôi li hôn như chạy trốn khỏi
chồng. Mẹ tôi buồn, thương con gái chỉ thầm thũi khóc. Khi mọi việc đã như ý định,
lại thấy mình là con ngốc. Nửa năm rồi, tôi cố quên đi đoạn đời đau khổ đã trải
qua, nhưng chẳng thể nào quên được. Càng cố quên, các hình ảnh, kỷ niệm xưa cũ
càng hiện về. Những đêm vò võ chờ chồng đi xa. Mẹ chồng con dâu chấy rận cho
nhau như ruột thịt. Mùi mồ hôi chua chua trên áo và khuôn mặt sạm nắng của chồng.
Đêm vợ chồng đi cất vó tôm. Năm lần sinh đẻ không ra hình người. Mụ mị cứ nghĩ
mình là con Thuồng Luồng... Tất cả đều như vừa mới hôm qua.
Tôi thường ra bờ sông nhìn về
phía nhà chồng cũ, khói chiều đang bay trên mái rạ. Tôi đoán, con bạn tôi hôm
nay cho anh ăn cái gì? Đêm qua, nằm bên vợ mới anh có chợt nhớ tôi không? Người
ta bảo: Đàn bà đã trao thân cho người đàn ông nào là suốt đời sống chết với người
đó. Sao tôi không sống chết với chồng tôi?
Tôi đã biết mình khổ vì đâu.
Nhưng cái bùa anh Tào yểm ngày xưa vẫn ám ảnh không dứt. Tôi sang sông, vác cuốc
xẻng đến gò Thuồng Luồng đào. Tôi quyết phá tan cái bùa nộm rơm hồn con Thuồng
Luồng cốt con gái để lòng tôi thanh thản. Tôi đào cuốc như con dở hơi.
Trời xui đất khiến anh Tào
đánh xe trâu đi qua đúng lúc tôi lôi lên một bộ xương, chẳng biết xương gì. Tôi
khóc hu hu.
- Tôi biến thành con Thuồng
Luồng rồi, anh Tào ơi...
- Em dại dột quá, Sao ạ. Ai
lại tin lời nói vu vơ của anh cái thời nông nổi ấy.
- Thế thì... bộ xương...
nào... đây?
- Có dễ xương... con Thuồng
Luồng.
Tôi sây sẩm mặt mày:
- Tôi với anh duyên phận đâu
vào đấy rồi. Sao anh cứ ám tôi mãi thế?
Vẫn chân thọt chân lành tập
tễnh, nhìn anh Tào vừa giận vừa thương. Không đáp lại lời tôi trách móc, anh ngần
ngừ một lát rồi nói:
- Sao này. Vợ mới của anh
Lãng vừa sảo non ra một bọc, bờ đỡ đếm được mười một cục thịt đỏ lòm. Cứ như
Thuồng Luồng đẻ trứng ấy, Sao ạ...
Tôi rùng mình. Hai tai ong
ong như có ngàn vạn tiếng chuông dồn dập dội vào.
Anh Lãng và tôi, không biết
ai khổ hơn ai?
13.
Tôi lại sang sông.
Con bạn tôi yếu đuối quá,
không gánh nổi “cái nợ” nhà chồng. Cô ấy đã bỏ anh Lãng đi thật rồi. Anh Lãng
đang âm thầm, lạnh tanh chịu đựng. Mẹ anh ốm rất nặng, có dễ không qua khỏi. Bà
và anh Lãng đang cần tôi. Thực ra, lúc này chúng tôi cần nhau. Đã đến nước này
thì... tôi phải gắng qua nốt bến nước thứ mười ba thôi.
Tôi chọn lúc la lá tối sang
sông. Đò đi chuyến cuối ngày. Sương mù đã bay dầy trên mặt nước. Một cái thuyền
buôn đỏ lửa nấu ăn tối, đậu dềnh dàng sát bờ. Tôi nhận ra rất nhiều chã đất
nung và liễn sành màu da lươn xếp đầy khoang thuyền buôn. Tôi bủn rủn chân tay.
Khiếp quá! Mấy năm nay người ta dùng những thứ ấy nhiều quá. Ra đến giữa sông,
đò chạm phải những cái bè chuối. Cô lái đò bảo.
- Chị chịu khó ngồi, em chở. Từ chiều đến giờ,
bè chuối ở đâu trôi về bến đông lắm.
Tôi nghi có thuồng luồng, ba
ba, rùa, giải bơi theo đẩy, liền lấy sào khua dưới nưới thì không thấy vướng.
Đò cố lách bè chuối lướt nhẹ. Vào gần bến, không tài nào đi được nữa. Bè chuối
san sát chặn đằng trước đằng sau, vây chung quanh. Cô lái đò bỏ chèo, lấy sào đẩy
bè chuối này ra, bè khác lại trôi áp vào.
- Không cập bến này được đâu. Quay lại thôi.
Hay là cập bến khác, chị nhá.
- Cô gái ơi, bến này đã chót sang thì sang đến
cùng.
Tôi cúi người thò tay đẩy
các bè chuối ra. Bè tản ra xa dần. Đò cập bến. Thật lạ kỳ! Tôi không cắt nghĩa
được chuyện gì vừa xảy ra.
Lần sang sông này vất vả
quá. Tôi lên hẳn bờ, không thấy cái bè chuối nào dưới sông nữa. Đò và cô lái đã
chui vào mù sương bến nước.
Trên thuyền buôn chở chã đất
nung và liễn sành màu da lươn, lửa vẫn lập loè sáng đỏ.
Theo hoinhavanvietnam.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét