Đàn bà
Sương Nguyệt Minh
1.
Mặt hơi xanh. Cổ dài ngẳng
ra. Xương ức hõm xuống. Con bé đứng dựa hẳn vào cánh cổng lớn, rụt rè vê tà áo
mỏng, ngập ngừng mãi vẫn không cất thành lời. Giọt nắng lọt qua tán hoa giấy rắc
loang lổ lên mái tóc và bờ vai gầy bé bỏng. Đôi môi mắm lại và mi mắt chớp chớp
mọng nước.
“Cô ơi! Đây có phải nhà…
anh…” .
Nói chưa hết, con bé đã giật
mình, y như vừa lỡ lời, muốn thu lại câu hỏi vừa thả ra gió mà bất lực. Tay nó
nắm chặt lại tấm các vi dít, mà thoáng qua chị cũng biết là của chồng mình. Chị
bắt gặp cái nhìn cầu cứu của con bé. Tội nghiệp! Đũng quần nó ướt đẫm, hình như
là máu? Chị nhận ra tình cảnh lê lết của mình hai chục năm về trước cũng giống
y hệt thế này. Bằng sự nhạy cảm của người đàn bà đã qua thời sinh nở, chị nghĩ
con bé đang đến bước đường cùng. Chị bảo:
“Cháu có chuyện gì quan trọng
phải không?”.
“Dạ…”. Vẫn e dè, con bé ngập
ngừng.
“Cô cũng là người chân lấm
tay bùn ở nhà quê ra phố. Cháu đừng ngại, có điều gì cứ nói. Cô sẽ giúp”.
Con bé lưỡng lự:
“Cô
là…”.
“Cô là ô sin nhà bác Nam
Lê”. Rất nhanh chóng, chị biết chị cần phải làm gì. Phải nói dối con bé. Nói dối
một cách trôi chảy và tự nhiên. “Nhưng, về quan hệ dòng tộc, cô là em họ. Cùng
làng ở ngoài Bắc vào đất Sài Gòn này giúp việc gia đình bác ấy mà”.
“Thế ạ? Anh Nam Lê luôn tắt
máy… Con không biết xoay xở thế nào” - mắt con bé lấp lánh.
“Bác Nam Lê nhận được công
trình xây dựng thủy điện ở bên Lào. Bác gái thì sang bên Anh quốc thăm đứa con
gái lớn đang học ở đó rồi. Có lẽ tháng sau mới về”. Chị lại nói dối. Nói dối một
cách trơn tru, nhẫn tâm với con bé ngây thơ, ngờ nghệch và khốn cùng. “Bác Nam
Lê dặn, ở nhà xảy ra mọi việc đột xuất thì cô thay mặt bác ấy giải quyết”.
“Cô ơi!... Con… con
không còn nơi nương tựa…”.
Hai gối nó khuỵu dần. Người
lả đi. Đổ sập xuống. May mà chị đỡ kịp. Chị dìu con bé vào đi văng. Máu đỏ dây
ra cả mặt da màu huyết dụ làm chị lo sợ và lóng ngóng. Nó khóc thật sự. Khóc
như mưa như gió. Khóc như khi manh áo cuối cùng vừa bị đánh mất thì ông Bụt hiện
ra.
2.
Bây giờ thì con bé nằm kia.
Cảm giác như nó chui gọn vào trong bộ quần áo ngủ của chị. Như con mèo con. Co
ro trong căn phòng nhỏ tầng trệt dành cho người giúp việc.
Bây giờ thì nó đã ăn được nửa
bát cháo tim gan, chị mua vội ngoài ngõ.
Bây giờ thì cái áo thun
vàng, bộ đồ underwear hiệu Triumph màu đỏ và quần bò đũng đẫm máu… đang quay
trong máy giặt.
Bây giờ thì, còn việc gì chị
chưa kịp làm cho nó nhỉ? Nó chỉ bằng tuổi con chị. Có lẽ chỉ bằng tuổi thằng bé
đang học ở Pháp. Không! Phải bằng tuổi đứa con gái lớn đang học ở Anh quốc. Vậy
là, anh cũng đáng tuổi cha mẹ nó rồi.
Nó - con bé gặp chồng chị
trong một buổi anh đọc thơ ở trường đại học X. Anh là doanh nghiệp xây dựng mà
vẫn làm thơ. Thiên hạ lắm gã có tiền bạc, biệt thự, xe hơi, có quyền chức… vẫn
phấn đấu làm nhà thơ. Cái loại thơ này bỏ tiền túi ra in chất đống ở góc nhà,
quẳng hàng bao tải trong cốp xe, đi đến đâu tặng đấy, gặp ai cũng tặng. Tặng từ
ông sếp trên cao ngất ngưởng trong nhà đầy tranh thuê sinh viên mỹ thuật chép
và hầm rượu, không một quyển sách…; đến chị công nhân trộn vữa trong nhà chỉ
toàn vật liệu làm vàng mã bán kiếm thêm tiền cho con ăn sáng.
Nhưng, anh không thuộc loại
nhà thơ rởm đời này. Anh là nghệ sĩ thật sự. Anh có đẳng cấp thơ toàn quốc. Anh
xây ngôi nhà tình yêu không chỉ bằng cát sỏi, sắt đá xi măng mà cả bằng hồn thơ
và sự lãng mạn cần có của một nghệ sĩ. Chị cảm anh, yêu anh bắt đầu từ những
bài thơ nồng nàn hoa phượng cháy tặng chị từ thời sinh viên. Anh mài đũng quần,
hoa mắt với bản vẽ công trình ở Đại học Xây dựng, còn chị đang mơ mộng với các
vần thơ đồng quê của E xê nhin, thơ tình đắm say của Xuân Diệu và mênh mông vũ
trụ của Huy Cận… ở Văn khoa. Anh là niềm tự hào của chị, là tình yêu của chị. Vậy
mà anh đã phụ tình chị.
“Má ơi!...”.
Con bé rên khe khẽ, kêu má
nó. Lúc ngủ êm ái, lúc mê, lúc đau. m thanh nhỏ và chìm tõm vào đêm tối.
“Con buốt lắm…, má ơi!”.
Lại tiếng kêu đau như xé ruột.
Chị lần đến bên con bé. Trán nóng hầm hập. Sốt quá. Có lẽ nạo hút thai bị sót rồi.
Chị thay đồ. Chị mở ga ra,
đánh ô tô ra ngoài. Chị quay lại dìu con bé.
Đường phố khuya khoắt. Người
và xe thưa thớt. Chị vẫn hình dung ra gương mặt con bé nằm còng queo ở ghế sau.
Môi mắm chặt, không chịu nổi đau thì kêu. Lúc nó hôn chồng chị thì sao không
kêu đau? Con bé gồng mình, chảy nước mắt, cẳng chân co lại và khép chặt đùi, thỉnh
thoảng lại kêu: “Con khổ quá cô ơi”. Lúc dạng háng ra ôm chồng chị, sao nó
không kêu khổ? Con bé - tình địch của chị. Con bé cùng đường lê lết gục ngay cổng
nhà chị. Con bé vô tình hay cố ý là bệnh nhân bất đắc dĩ của chị. Con bé đánh cắp
tình yêu của chị, nhưng chị đang phải chăm sóc hầu hạ. Sao lại ngẫu nhiên thế
này? Sao lại trớ trêu bẽ bàng như vậy?
3.
Trong phòng phụ sản.
Bà y tá già không chồng đang
trong cơn ngái ngủ bị dựng dậy, gắt gỏng.
“Tụt quần ra để còn tiêm vào
đùi”.
“…”
“Mặt non choẹt thế này mà đã
đú đởn. Bụng kễnh ra thì lại lén lút đến phòng mạch tư nhân. Nó nạo hút tầm bậy
tầm bạ bị sót, đau đớn mới mò đến đây”.
“…”
Sao bà ta cứ mắng sa sả thế
nhỉ? Ngồi ghế chờ ở bên ngoài, chị cảm thấy như mình bị xúc phạm và ngượng
ngùng. Khổ thân con bé, nó ngây thơ bảo:
“Dạ… hổng phải. Con mắc cỡ
nên đi lén đến…”.
“Mắc cỡ? Thế cái lúc dạng
háng ra cho trai… có mắc cỡ không?”.
Con bé im lặng chịu trận. Chắc
thế. Chắc cũng ngượng nữa.
“Tên?”.
“Mót ạ”.
“Cái gì?” - Bà y tá già quát
to.
“À quên. Thưa… con tên là
Mai ạ”. Con bé sẽ sợ dúm người lại cho mà xem. Chị đoán vậy.
“Lúc thì Mót, lúc thì Mai.
Biết ghi bệnh án thế nào?”.
“Lúc ở nhà ba con đặt tên là
Chín Mót. Chả là má con đẻ tám trai. Má thèm con gái, cứ cố mãi rồi cũng tòi
thêm con. Khi lên thành phố học, con đổi thành Mót thành Mai”.
Bà ta dịu giọng:
“Họ? Đã khai thì khai cho đầy
đủ chứ”.
“Dạ. Trần Thị Hoàng Mai”.
“Hoàng Mai có nghĩa là mai
vàng. Phú quý, sang trọng, no đủ đây. Lại đến nông nỗi này. Nghề nghiệp?”.
“Con đang sinh viên năm thứ
nhất?”
“Tuổi?”.
“Mười tám ạ”.
“Trẻ thế này mà đã phải nạo
hút thì có mà tịt đẻ. Khốn khổ. Có người muốn giữ thì trời không cho”. Chị nghe
rõ tiếng thở dài của bà ta. Hình như cũng không phải loại người quá tệ. “Có
thai tuần thứ mấy?”.
“Dạ con hổng biết”.
“Hổng biết! Ngủ với nhau lần
cuối bao giờ?”.
“Hai tuần trước ạ”.
“Trước nữa?”.
“Một ngày ạ”.
“Trước nữa?”.
“Cũng một ngày ạ?”.
“Mất kinh lúc nào?”.
“Tháng trước. À... tháng trước
nữa. Hổng phải. Hình như...”.
Con bé hoang mang, bắt đầu
nói lung tung. Chị hình dung cái mặt nó méo xệch đi.
“Làm con người ta ễnh
bụng ra rồi bỏ của chạy lấy người. Dại cho chết”.
Con bé sụt sịt. Anh bác sĩ
trẻ có vẻ không hài lòng.
“Thôi mà, chị”.
“Tôi phải kiểm tra lại coi
có đúng tên ghi trong bệnh án không. Nhiều đứa trơ trẽn nói dối như cuội. Tên một
đằng khai một nẻo, tôi là chúa ghét”.
Bà y tá già còn cố lẩm bẩm với
thêm một vài câu gì đó nghe không rõ. Chị rủa thầm trong bụng.
Tiếng máy hút thai chạy ro
ro. Tiếng panh, kéo loảng xoảng trên khay i nốc. Ớn lạnh. Ghê người. Bỗng chốc
bụng chị cũng trồi lên. Có cảm giác như có trăm ngàn lưỡi kéo cắt và mũi kim
đâm trong dạ
con.
4.
Chị đã kịp cất bức ảnh chị
chụp chung với anh, bức ảnh cả nhà chụp lúc hai thằng con chưa đi nước ngoài học.
Con bé sẽ không hề biết bóng dáng chị là bà chủ căn biệt thự này.
Và lạy trời! Con bé đã tai
qua nạn khỏi. Da thịt đã hồng hào trở lại. Mặt mũi tươi tỉnh. Lúc này, chị cũng
chột dạ. Giá không may, cái đêm khủng khiếp ấy, con bé có mệnh hệ gì xấu ở ngay
tại ngôi nhà mình thì chị biết giải thích, thanh minh với ai. Chị hỏi:
“Bây giờ cháu tính sao?”.
Con bé bối rối:
“Con cũng hổng biết tính thế
nào. Con nợ tiền mấy tháng, chủ nhà hổng cho ở nữa rồi. Tiền học phí kỳ hai
cũng chưa có để đóng nữa. Tiền ăn tuần này là nhuận bút mấy bài thơ con in ở
báo Sinh viên. Mà thơ thì cũng in lúc chắc lúc lép. Chắc con phải bỏ học về quê
quá”.
“Cái bác Nam Lê này hư đốn
thật. Tình ái… rồi ngủ với con gái người ta đến có thai mà vô trách nhiệm”.
“Cô đừng trách anh ấy. Anh
có nói, anh nuôi con ăn học hết đại học, anh xin việc cho. Nhưng con hổng nhận.
Con biểu: “Em cám ơn anh. Anh giúp em làm thơ là nhất rồi. Anh là nhà thơ nổi
tiếng yêu em, em cực kỳ hạnh phúc. Thật quá sức tưởng tượng rồi. Em con nhà
nghèo, lợi dụng lòng tốt của anh là hổng có được. Em đi gia sư cũng đủ tiền ăn
học”.
“Tự trọng và nghị lực thế là
tốt. Cô tin. Nhưng, sao lại dám đến gõ cổng nhà này. Cháu không nghĩ là sẽ gặp
bác gái à?”.
“Con liều thân, cô ơi. Không
một xu dính túi, trước còn trông vào đi gia sư. Nhưng, vài tuần nay cái thằng
nhóc con cứ đòi yêu con. Học trò đòi yêu cô giáo, kỳ cục thấy mồ. Con bỏ”.
“Khổ thân cháu”.
“Vả lại, anh Nam Lê cũng biểu,
chờ khi vợ anh đi Anh quốc thăm con trai, ảnh sẽ đưa con đi du lịch Thái Lan.
Con nghĩ thời gian này vợ anh ấy đã lên máy bay rồi. Vậy mà, trúng phóc, cô ạ”.
“Cô thì không có gan đàn bà
như cháu đâu”.
“Thì anh Nam Lê cứ tắt điện
thoại hoài. Con nghĩ anh ấy phụ tình. Con đi phòng mạch tư nhân bỏ phắt cái
thai. Bỏ xong, tự dưng thấy tủi thân quá, cô à. Người ta lường gạt mình dễ dàng
vậy cà. Chả lẽ chịu. Con tính tìm đến nhà anh ấy quậy cho một trận tơi bời rồi
ra sao thì ra. May con gặp cô”.
“Thì cô là người nhà mà.
Ngày xưa, cô và bác Nam Lê học chung một lớp...”.
“Hóa ra anh ấy chưa đến mức
tệ bỏ con. Người làm thơ bao giờ cũng tốt vậy, cô ạ”.
Con bé nói một thôi một hồi.
Nói như chưa bao giờ được nói, được tâm sự cởi mở, chia sẻ. Lòng nó đã thanh thản.
Còn chị, buốt giá tận sâu thẳm tâm can.
“Cô biết cháu đã cùng đường.
Cô sẽ tìm thuê phòng trọ cho cháu. Hoặc nếu cháu muốn, cô sẽ thu xếp cho
cháu ở lại nhà này, vừa giúp việc vừa có chỗ ở, vừa đi học”.
“Ấy chết. Hổng có được, cô
ơi. Vợ anh Nam Lê về, chị ấy biết có mà chôn sống con. Cũng đâu còn mặt mũi nào
mà nhìn chị ấy. Con chỉ xin trú vài hôm rồi đi học và tìm nhà trọ, cô à”.
“Cháu tính thế cũng phải. Cô
sẽ đi tìm phòng trọ cho cháu. Nhưng, dứt khoát phải chờ bằng được bác Nam Lê về,
cháu mới ra khỏi cái nhà này. Cháu mà đi, ông ấy về đuổi việc cô đó”.
“Dạ”.
Con bé “dạ” thật dễ thương.
Mười tám tuổi đầu, như con chim ra ràng bị mưa chan bão dập. Y như chị hơn hai
mươi năm về trước.
Dạo ấy, anh chưa gặp chị. Hắn
chạy làng. Chị vác cái bụng lùm lùm tìm đến nhà hắn thì gục ngay ở cổng. Bà mẹ
hắn nhai trầu bõm bẽm dìu thân xác chị tã tượi vào trong nhà. Nhà mái ngói âm
dương âm u u âm âm, sặc mùi thuốc đông y. Dao cầu. Cân đĩa. Máng nghiền. Các ô
ngăn kéo đựng thuốc rế cây, củ quả, ghi nắn nót: đỗ trọng, đại hồi, phục linh,
đương quy, hà thủ ô…
Mẹ hắn gọi chồng:
“Ông ơi! Hình như con bé nó
động thai”.
Bố hắn mặc áo the khăn xếp,
ngấm mùi thuốc bắc, bảo:
“Để tôi xem...”.
Bắt mạch. Kê đơn. Sai người
nhà sắc thuốc. Chị uống. Về nhà. Rồi nửa đêm về sáng, chị sổ thai…
Thật khó mà yêu thương được
lần thứ hai với người mà mình đã hết yêu thương. Chị dứt tình với hắn. Hơn hai
mươi năm rồi mà chị chẳng thể quên. Cứ nghĩ đến cái mùi thuốc Đông y ấy là chị
lại nôn khan. Cái ngày lê lết đó cứ ám ảnh mãi không thôi.
5.
Ba ngày sau.
Bạn chị đến chơi. Con bé
đang hí hoáy lau cầu thang dẫn lên tầng trên. Nó mặc quần soọc trắng của chị.
Cái áo thun màu mỡ gà cũng của chị nốt. Hai đùi nó trắng nuột nà. Ngực căng nhức
áo chỉ muốn tuột chỉ. Cặp vú vẫn đang mưng to. Đôi mắt con bé ngời ngời sáng. Cổ
tròn trịa, da mịn màng và cái cằm hơi xẻ gợi cảm. Bạn chị thì thào:
“Con bé vú nẩy mông to. Tướng
mạo “Hồng diện đa dâm thủy. Trường túc bất chi lao” thế này nên ông Nam Lê nhà
mày chết là phải”.
“Ừ, “Mi trường hộ tố mao” nữa
chứ. Kể ra thì con bé cũng đẹp, cũng đáng thương thật”.
Chị thấy nhói buốt trong
lòng. Da chị đã bắt đầu khô. Tóc bắt đầu xơ. Đuôi mắt có nhiều đường chân chim.
Vú đã bắt đầu nhão… Chị cảm thấy mình đang thua trận. Tình địch lợi thế hơn hẳn
chị. Nhưng, còn hai đứa con, kết quả tình yêu của anh. Còn ký ức nồng nàn. Còn
những bài thơ tình anh tặng chị…
“Mày cũng đừng quá đau đớn.
Chồng mình còn có con bé trẻ đẹp yêu, chứng tỏ chồng mình có đai có đẳng”.
Chị bảo bạn:
“Mày không đùa đấy chứ?”.
“Thật. Tao nói thật lòng. Thế
tao hỏi mày: Bây giờ chỉ có một sự lựa chọn: Hoặc lão chồng doanh nghiệp giàu
có, làm thơ hay lại lãng mạn trót có nhân tình như chồng mày bây giờ; hoặc thằng
chồng cù lần, nghèo rớt mùng tơi, mặc quần ông bô suốt ngày lau nhà, chổng mông
thổi bếp than tổ ong phù phù… mà chung tình, hầu vợ. Mày chọn thằng nào?”.
“Tất nhiên là tao chọn chồng
tao bây giờ”.
Bạn chị cười nghiêng ngả:
“Té ra, trong nhiều cái tệ,
nàng chọn cái bớt tệ hơn”.
Bỗng nhiên, bạn chị không cười
nữa. Như chợt nhớ ra điều gì ai oán.
“Phận đàn bà chúng mình thì
lúc nào cũng thiệt thòi, cũng khốn khổ…”.
Vẫn chưa thấy lối thoát,
chưa thấy ánh sáng leo lét cuối đường hầm, bạn chị hỏi:
“Thế mày định cho con bé ở
luôn nhà này làm ô sin à? Hay chờ ông Nam Lê về rồi nhường phắt chồng cho nó?”.
Chị bảo:
“Tao đang nẫu ruột lên, chưa
biết giải quyết thế nào?”.
“Tống cổ con bé ra khỏi đường.
Dắt tay nó về miền Tây giao cho ba má nó. Hoặc ra lên tận giảng đường nó học,
làm toáng lên”.
“Không ổn. Làm thế tội nó”.
Bạn chị gân cổ lên: “Loại
gái cướp chồng mình, mà lại tha? Thế còn lão kia, mày định thế nào?”.
Chị trầm ngâm nghĩ:
“Cũng chưa biết làm sao. Hai
đứa con mình biết được thì… chúng nó còn coi bố ra gì”.
“Cắt đất. Ra tòa. Không tha
thứ gì hết. Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”.
“…Tình nghĩa đôi ta có thế
thôi!”. Bạn chị - một người đàn bà đáo để. Bạn chị - một người đàn bà tuyệt vời.
Bạn chị tình cờ thấy chồng mình dắt gái vào nhà, lại trai trên gái dưới mới lộn
ruột chứ. “Xin lỗi… tôi xin lỗi. Hai người cứ tự nhiên”. Nàng bình tĩnh khép cửa
lại rồi lạnh lùng đi. Chồng nàng và cô bạn tình hoảng hốt mặc quần áo, chạy xuống
phòng khách, quỳ trước mặt nàng xin. “Cả hai đứng dậy. Người tử tế không bao giờ
biết quỳ. Anh đánh ô tô đưa cô ấy về đi, khi nào hết ngượng với tôi thì hãy
quay trở về”. Hai ngày sau, nàng điện thoại cho chồng: “Hết ngượng chưa? Em
đang chờ ở nhà”. “Anh xin em. Ngượng chưa hết, nên anh chưa dám về với em”.
Nàng nhã nhặn: “Ừ. Thôi anh ạ. Đừng về nữa. Tôi đã có thằng trai nhảy, bằng tuổi
con trai lớn của anh rồi. Anh về, đâm ngượng thêm”. Rồi cúp máy. Chồng nàng tức
điên người, lao xe ô tô với tốc độ 120 km về nhà, sầm sầm lao lên tầng hai, chuẩn
bị ăn sống nuốt tươi vợ. Chàng trai trẻ mặc quần sịp, cởi trần nằm ngáy khò khò
trên giường... đập vào mắt thằng chồng đang cơn ghen tột đỉnh. “A. Con vợ lăng
loàn. Chồng đi vắng đưa trai về nằm ngay trên cái giường đã từng ân ái với chồng”.
Chàng trai trẻ giật mình thức dậy, chẳng biết nguồn cơn ra làm sao. Chồng nàng
quát tiếp: “A. Con đàn bà lừa dối, trơ trẽn...”.
Chồng nàng giơ tay định tát
vợ thì chàng trai trẻ bẻ quặt bàn tay anh ta ra đằng sau. “Ông không được đánh
dì tôi”. Chồng nàng ngơ ngác nhìn chàng trai, anh bắt gặp hình ảnh trẻ trung của
mình hai mươi năm về trước. Nàng nhẹ nhàng bảo: “Thôi, anh bình tĩnh để em
trình bày. Em đã tìm được đứa con rơi của anh 10 năm rồi đó”. Chồng nàng bảo:
“Cô diễn cái trò gì đấy?”. “Em đang làm ơn làm phúc cho anh lần cuối cùng đấy”.
Nàng quay sang chàng trai trẻ: “Xin lỗi cháu, dì đã phải mượn từ “trai nhảy” chọc
tức để bố cháu quay về. Cháu ơi. Cháu lấy cái ảnh chụp mẹ cháu và bố mặc đồ tắm
biển ôm nhau bên cái phao ra mà nhận nhau”. Chồng nàng càng ngơ ngác, ngạc
nhiên. Nàng lại bảo: “Thôi nhé, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Em đi đến trường
đón con gái rồi đi luôn. Đừng tìm em nữa”. Rồi nàng xách va li ra khỏi nhà.
“Nhưng không có cách nào
khác giải quyết à? Mày ghê gớm thật!”.
“Chứ sao. Hắn cạch gái đến
già nhé. Ngoan ngoãn, tránh xa chuyện bồ bịch rồi. Hắn đón đứa con trai bỏ rơi ấy
về nuôi, vì mẹ nó mất năm ngoái. Hai bố con cứ năn nỉ mẹ con tao quay về.
Nhưng, đừng hòng. Hắn sẽ cứ ám ảnh tội lỗi đến hết đời...”.
Chị dựa hẳn lưng vào đi
văng, hai tay dang rộng đặt trên thành ghế, mặt ngửa lên nhìn trần nhà có cái
quạt đang quay tít. Đúng là đàn bà dễ có mấy tay… Bạn chị có thể làm thế được.
Còn chị?
6.
Bây giờ thì anh về thật. Anh
về đúng vào ngày chủ nhật.
Nước da đen sạm vì cháy nắng.
Nhớ chị quá, chỉ thiếu ôm chầm lấy hôn. Nhưng, anh đã kịp nhìn thấy con bé đang
gập người lau sàn phòng khách. Anh bàng hoàng không tin ở mắt mình. Anh bối rối.
Anh đần mặt ra.
Là người tình đầu tiên của
người đàn ông phỏng có ý nghĩa gì, khi chị luôn muốn làm người tình - người vợ
cuối cùng của chồng. Huống hồ là con bé này còn không được làm người đầu tiên của
anh. Ranh con. Vắt mũi chưa sạch. Chị nhã nhặn bảo anh:
“Mình ạ. Em mới kiếm được
con bé giúp việc”. Đã chuẩn bị trước cho tình huống này, chị nói nhỏ vừa đủ cho
anh nghe. “Con bé học năm thứ nhất Văn khoa, nó thông minh, chăm chỉ, chịu khó
ra phết. Một buổi đi học, một buổi giúp nhà mình. Cửa nhà rộng rãi, em cho con
bé ăn ngủ ở đây luôn, mình ạ”.
Anh chống chế một cách yếu ớt:
“Sao em không hỏi anh một tiếng?”.
“Chuyện nhỏ mà, anh”.
Chị đóng cánh cổng rồi quay
mặt vào trong nhà kêu con bé:
“Hoàng Mai ơi! Bác Nam Lê về
rồi nè. Cháu ra giúp bác ấy một tay đưa đồ lên tầng hai đi”.
Con bé dạ ran trước khi ngẩng
mặt lên.
Nó đứng chết trân.
Cán chổi lau nhà rời khỏi
tay rơi đánh cạch một tiếng khô khốc.
Sương Nguyệt Minh
Dị hương:
Trả lờiXóahttps://vietmessenger.com/books/?title=di%20huong