THIÊN SỨ
CHƯƠNG 8 - MÔ HÌNH 1
Không giờ kém 1 phút ngày 29 tháng 3 năm 1979, anh ta xuất hiện
dưới cửa sổ tôi, 1m26 phân chiều dài sinh học đóng khung trong chiếc áo len cổ
lọ màu xanh da trời, chiếc quần vàng nhạt, hai ống là thẳng tắp như hai cây cột bất
động, và đôi ba-ta mới tinh, nền vải trắng tôn bạt đôi bít-tất đỏ.
Anh ta đăm đăm nhìn tôi, tay giữ chặt bó hồng đỏ, tay kia tấm
bưu ảnh, cũng hoa hồng đỏ. Đúng không giờ ngày sinh lần thứ 20 của mình, cô bé
Hoài nhận được lời tỏ tình đầu tiên trong đời. Cũng ngày này, 3 năm trước, anh
ta thông báo: “Năm Hoài tròn 20, tôi sẽ nói với Hoài một điều quan trọng.” Anh
ta giữ lời, kẻ hứa hẹn trung thành nhất tôi từng gặp trong 29 năm qua, “the
little man” một lời như dao chém đá. Anh ta giữ lời, khi tôi không còn mảy may
quan tâm tới những con số ngẫu nhiên có mặt trong ngót nghét trăm tờ khai các
loại, hợp thức hóa quá trình sinh ra và lớn lên của mình: ngày tháng năm sinh,
ngày tháng năm mọc chiếc răng đầu tiên, ngày tháng năm biết cầm chiếc bàn chải
đánh răng, ngày tháng năm hàm răng đủ 32 chiếc, ngày tháng năm rụng... Những
cột mốc vô tình.
Anh ta, anh “Quang lùn,” sớm nuôi ý thức nhổ phăng những cột mốc
vô tình ấy, quyết định một loạt cột mốc mới, sơn thếp đen trắng rạch ròi, những
tiêu đích không thể nhầm lẫn cho cuộc chạy marathon đơn độc. Hỡi ôi, chỉ một
đỉnh Olymp cho biết bao kẻ chen vai thích cánh, ai sẽ đội vòng nguyệt quế, ai
sẽ hưởng ngon ngọt của chùm nho? Tôi những tưởng anh ta, một trong muôn triệu
hạt cám không đủ chiều kích đọng lại mặt sàng, đã ngậm ngùi bỏ cuộc. Nhưng ngôi
sao lùn ấy còn lâu vẫn chưa chịu rời bỏ bầu trời khát vọng; 3 năm, hai, rồi lại
3 năm, xuất hiện theo chu trình tiền định, không bao giờ quên lời hứa “Tôi sẽ
trở lại “ của mình, không bao giờ đâm chệch quỹ đạo quy định bởi hàng cột mốc
đen trắng rạch ròi kia.
Cái đích đầu tiên trong cuộc đời không được tạo hóa ưu đãi của
anh ta đặt ra, khi anh ta, anh “Quang lùn” đã thu thập đủ chứng cớ khoa học xác
minh sự đình tăng trưởng của bản thân. Thiếu hoóc-môn. Không còn ảo tưởng hão
huyền nào về tình trạng suy dinh dưỡng hay chậm lớn nhất thời nữa. Mười lăm
tuổi, 17, rồi 20, giờ đây 31 tuổi, anh ta vẫn chỉ nhỉnh hơn cậu bé lên 10
đôi chút, cân đối, với đầy dủ các bộ phận cơ thể công khai và không công khai, một
ông hoàng pic-mê chính cống. Cả gương mặt, ác nỗi, cũng không chịu già theo
tuổi tác, tròn trĩnh, nhẵn nhịu, nhạo báng thời gian. Duy nhất cặp mắt phản
chiều toàn bộ khát vọng u uất và cháy bỏng của anh ta, hòng chinh phục, nếu cần
thì tóm cổ cái cuộc đời đã dè sẻn giọt hooc-môn tối thiểu, khiến mãi mãi tên
tuổi anh ta phải dèo bòng một âm “lùn” khốn nạn.
Dăm bữa, nửa tháng, anh ta đến nhà tôi một lần, mái tóc chải rẽ
ngôi thẳng tắp, huy hiệu đoàn lấp lánh trên ngực, một cuốn sổ tay bìa đen gài
sẵn cây bút kim tinh vàng chói, và trên hết là một tư cách kép, bạn học cũ của
anh Hạc, và bí thư chi đoàn khu phố, bộ trang thiết bị đắt giá. Bao giờ anh ta
cũng gõ cửa, chừa vừa đủ thời gian cho cái hắng giọng đĩnh đạc, lịch sự bước
vào, chào hỏi trên dưới, rồi trịnh trọng bước những bước quá dài so với cơ
thể, tới ngồi bên chiếc bàn nước, bắt chéo cặp giò tí hon lên nhau, và im
lặng. Bố thường lấy “Quang lùn” làm gương cho anh Hạc, ông pha chè mời anh ta như
đối đãi người bằng vai phải lứa, bởi mỗi lần khu phố có việc họp hành đều không
tránh khỏi anh ta đảm nhiệm chức thư kí hay ủy viên hội đồng bầu cử. Không thể
nói bố mẹ tôi đặc biệt ưa thích những cuộc thăm hỏi của “Quang lùn”, nhưng ra
sức bày tỏ lòng tôn trọng quý mến anh ta, tới mức bản thân bố mẹ bắt đầu phân
vân, nửa tin nửa ngờ những lời lẽ quá ư trịnh trọng của chính mình. Các anh tôi
kết luận ngắn gọn: “Nhất lé, nhì lùn!”. Chỉ còn chị Hằng bắt chuyện với anh ta,
lúc đầu xã giao đơn thuần, nghệ thuật bẩm sinh của chị, sau “thấy ngồ ngộ, cũng
đỡ buồn”.
Phải, chị Hằng cần rất nhiều thứ ngồ ngộ, lấp đầy nỗi buồn trước
tuổi của chị. Anh “Quang lùn” không còn cách nào khác là rướn thẳng lưng, đầu
bất động như cái gáo dừa trên cổ, và im lặng. Chỉ thỉnh thoảng, cặp mắt ngùn
ngụt như hai núi lửa của anh ta hấp tấp rời gương mặt Che Guevara, gương mặt nổ
tiếng do mẹ mang đâu về dán che phần cửa tủ mối ăn đục rỗng, lạc hẫng vào hai vũng đen lóng lánh mắt chị Hằng một thoáng, rồi bàng hoàng trở lại cùng Che.
Hai mươi mốt tuổi, 1m 25 từ gót chân tới đầu, anh ta đeo băng
đỏ đứng cạnh cho thắng lợi của cuộc cải cách tiền tệ lần thứ nhất sau thống
nhất đất nước, và trận giáp mặt đầu tiên với con quái vật tiền bạc bỉ ổi ấy đã
quyết định thái độ không khoan nhượng cuả anh ta với bất kỳ biểu hiện nào, dù
tinh vi đến đâu, của chủ nghĩa tư bản suy vong, chủ nghĩa thực dụng thối tha,
và chủ nghĩa cá nhân hèn hạ. Chưa đầy 10 năm sau, năm 1985, lịch sử lại một
lần nữa đặt vào tay anh ta sứ mệnh đối mặt với đồng tiền. “Quang lùn” lại hăm
hở, như sẽ còn hăm hở đón nhận biết bao cuộc cải cách tiền tệ tương lai trong
kiếp sống hữu hạn của mình. Không, anh ta không liên quan tới chàng hiệp sĩ cô
đơn Don Quichotte của tôi. Một khi nằm xuống, hẳn anh ta không mệt mỏi nhủ thầm
về điều vô nghĩa lớn lao trong cuộc đọ sức với những chiếc cối xay gió. Một
khi nằm xuống, anh ta sẽ hài lòng mỉm cười trong chiếc áo quan gỗ thênh thang,
rằng “ta đã không sống hoài sống phí”. Pavel Cortshagin bản sao micro, có bảo
đảm.
Để chào mừng thành công của cuộc đổi tiền lần thứ nhất, “Quang
lùn” chính thức ngỏ lời mời chị Hằng đi ăn kem Thủy Tạ. Cô sinh viên Pháp văn
năm thứ 3 xinh đẹp tròn xoe mắt: “Kem à?”, nhưng cũng thuận lòng. Bảy giờ tối.
khi tiếng gõ cửa và cái hắng giọng quen thuộc vang lên, anh ta xuất hiện, tay
áo pô-pơ-lin trắng bốp còn đeo băng đỏ, chị Hằng dắt tôi và hất đầu ra hiệu cho
6 anh bạn cùng lớp, anh kính trắng, anh chim cò sặc sỡ, những chàng công tử
thành phố đích thực, đám hiệp sĩ bảnh bao và liều lĩnh luôn tìm mọi cớ bày tỏ
lòng sùng ái nàng Manon Lescaut kiều diễm. “Quang lùn” sa sầm một thoáng, nhưng
vốn liếng tự tin khổng lồ – cái vốn liếng được đầu tư từ những nguồn tiềm tàng
bí ẩn nào trong khối vật chất mini ấy? – không bỏ rơi anh ta trong tình thế trớ
trêu bất chợt. Anh ta trịnh trọng “mời các bạn đi ăn kem, nhân ngày hội lớn của
dân tộc”, rồi ngẩng cao đầu, xăm xăm đi trước, chiếc băng đỏ, như ánh xi-nhan
dẫn dắt cả một biển người: nàng Bạch Tuyết, một chú lùn, 6 chàng khổng lồ, và
ốc nhỏ.
Buổi tối Bờ Hồ bao giờ cũng đẹp.
Cửa sổ tôi ứa 24 trên 24 mùi men bột, bỗng gặp mùi hố. Tôi chỉ
còn là hai cuống phổi, uống khôn cùng vùng thiên nhiên lạc giữa thành phố triệu
dân, con mắt trong xanh cứ đêm ngày mở lớn chứng kiến hết thảy: pháo hoa đèn
lồng ngày hội, những tàu điện nhởn nha đón đưa khách ngoại ô lỉnh kỉnh quang
gánh thúng mẹt lần hồi kiếm sống ngày thường, dòng xe đạp không lúc nào dứt
công chức đi về, đội quân ngày càng hùng mạnh, ngày càng lăm le lấn chiếm, đội
quân tủ kính Hàng Đào, sạp chợ Đồng Xuân, nhịp thời gian túa ra từ hệ thống loa
phóng thanh, được khẳng định một lần nữa trên mặt vuông chiếc đồng hồ lớn nhât
thành phố trên nhà bưu điện, và hơn hết là những vuốt ve yêu đương vụng trộm
nồng nàn của các cặp tình nhân, những kẻ không dám cầm tay nhau trên đường phố,
không hôn nhau giữa thanh thiên bạch nhật, không thước đất chôn điều bí ẩn đầy
quyến rũ của xác thịt mình...
Biến cố năm 16 tuổi của chị Hằng cũng lọt vào con mắt mở lớn
ấy? Lấy gì bảo hiểm cho nó, con mắt hồ mất ngủ?
Tôi không tham dự cuộc vui của nàng Bạch Tuyết với 7 hiệp sĩ,
người lùn, người không lùn của nàng. Những người không lùn trò chuyện bằng 50%
tiếng mẹ đẻ, 20% tiếng Pháp năm thứ 3 và 30% thổ ngữ, thứ mật mã của sinh viên,
không dành cho những kẻ ngoại đạo. Tôi ngoại đạo, anh ta ngoại đạo.
Hệ thống các trường đại học với 4 cột trụ khổng lồ “trí, đức,
thể, mỹ”, gạt bỏ anh ta, ngôi sao lùn khỏi bầu trời văn hóa dày đặc những vì
tinh tú giàu thâm niên. Trí, anh ta không ít hơn, cũng chẳng nhiều hơn vô khối
kẻ; đức, một cán bộ đoàn thể bẩm sinh, hẳn phải dư đủ; mỹ, nhìn bằng kính lúp,
anh ta đâu khác người đời. Lỗi ở cái thể. Lỗi giọt hooc-môn dè sẻn. các trường
đại học xua tay, “Sức khỏe thế, làm sao đáp ứng các nhu cầu ngày càng lớn lao
của cách mạng”. Anh ta lặng lẽ chấp nhận, cặp mắt càng thêm u uất, cháy bỏng.
Ngồi giữ đám sinh viên, anh ta, kẻ ngoại đạo, sau một loạt cố
gắng vô vọng khơi gợi chủ đề nóng hổi về cuộc cách mạng tiền tệ, đành thu mình
trên ghế, 2 bàn chân lơ lửng không chạm đất, đu đưa tuyệt vọng. Dường như chị
Hằng và 6 chàng trai cùng lớp đã quên anh ta. Họ ăn kem, trò chuyện bằng thứ
ngôn ngữ hỗn hợp kiêu hãnh của họ, cười đùa, có người khe khẽ hát. “Quang lùn”
châm một điếu thuốc, bắt chéo cặp giò tí hon lên nhau và trịnh trọng nhả khói.
Khuôn mặt anh ta khuất tối, chỉ cặp mắt cháy rực và đốn lửa thuốc lá chốc chốc
hừng lên, 3 góc lân tinh của một tam giác đều, siêu thực. Siêu thực, cho đến
khi một bàn tay chắc nịch đập mạnh vào vai anh ta, rồi cũng bàn tay ấy giật
điếu thuốc hút dở từ môi anh ta, ném xuống mặt hồ.
“Ai cho trẻ con hút thuốc, hả!”
Đám sinh viên giật mình quay lại, kẻ tò mò, kẻ khoái trá. Anh ta
từ từ đứng dậy, giãn dủ 125 phân từ gót tới đầu, môi run lên vì giận dữ,
ngước mặt nhìn đối thủ, một thanh niên vạm vỡ đeo chiếc băng đỏ hệt anh ta, đội
thanh niên cờ đỏ. “Cấm! Hiểu chưa! Cấm!”
Ngón tay anh thanh niên cờ đỏ giơ lên, vừa định gí vào trán
“Quang lùn”, bỗng đổi hướng, nhằm vào chiếc băng đỏ trên cánh tay ông hoàng
píc-mê.
“Cái gì thế này?” Anh ta lầm bầm và huýt sáo.
Cuộc cải cách tiền tệ và chiếc băng đỏ đã cứu “Quang lùn” khỏi
tình thế gay cấn. Anh ta nhận lời xin lỗi của người đồng nghiệp, phảy tay đầy
vẻ bề trên từ chối điếu thuốc người này mời cầu hoà, nghiêm trang trở lại chỗ
ngồi và không quên sửa lại chiếc băng giải họa. Nửa phút sau, chị Hằng mở đầu một
trận cười tiếp sức, hổ lốn những “c’est drôle”, “c’est comique”, “parfaite”...
Tôi đứng dậy, bỏ về.
Anh ta cũng bỏ đi. Chùm nho đầu tiên xanh quá. Ít hôm sau, chị
Hằng ân hận, tìn đến tận nhà “Quang lùn”. Anh ta tiếp chị trên bậu cửa, phẩy
tay “có gì đâu, chuyện vặt”, lấp lửng tiết lộ “dạo này tôi bận”, và lạnh lùng
quay gót.
Anh ta bận thật. Sáu tháng trời đằng đẵng, “Quang lùn” tạm biệt
toàn bộ thế giới những con người không hơn gì anh ta ngoài vài giọt hooc-môn,
lên đường, hành lý duy nhất là quyết tâm khổng lồ của con người hễ muốn phải
được. Anh ta lên đường đến thế giới điền kinh, nơi những chiếc xà đơn xà kép
phải cộng lực với ý chí con người, sáng tạo chính con người. Vật là anh ta đi
tìm đấng tạo hóa trong chính bản thân mình. Vậy là cuộc tạo dựng lần thứ hai buộc
lòng phải hoàn thiện bán thành phẩm của thuở sơ khai, thể nghiệm vĩ đại nhân
danh các đại lượng đo chiều dài sinh học. Không ai rõ những nỗ lực anh ta bỏ ra
trong cuộc thách đố định mệnh ngoan cường ấy. Đúng 6 tháng sau, y hẹn “Tôi sẽ trở
lại”, anh ta ra mắt những kẻ đủ hooc-môn với 126 phân từ gót tới đầu. 125
cộng một. Sáu tháng cho một phân chẵn, có công mài sắt, bằng chứng hùng hồn về
ý chí con người ném vào mặt những kẻ “Tốt nước sơn” như chị Hằng và 6 hiệp sĩ
của chị. Nếu cần, ngôi sao lùn ấy có thể bỏ thêm 60 lần 6 tháng, 30 năm chẵn để
đạt dư thước 8 và cúi cười vào mũi những đồng loại châu Á bé nhỏ. Nhưng quĩ đạo
của anh ta còn phải qua bao tiêu đích khác, cần kíp hơn, xứng đáng hơn. Cuộc
thể nghiệm đầu tiêu đã thành công. Không còn lí do nào hoài nghi ý chí con
người.
Tôi lãnh đủ 20 bông hồng đỏ thắm và một lời tỏ tình hoàn toàn
không mini. Tôi lãnh đủ tất cả những gì cặn lại sau bao nhiêu hoài vọng không
đến nơi, khát khao không tới đích, dục vọng không được giải phóng của người
đời. Họ còn có tôi làm nơi trú thả. Tôi có ai? Tôi, đứa con gái út bất đắc dĩ
của gia đình, ốc nhỏ lặng câm của thiên hạ, hứng chịu, cái hom giỏ không đáy
khiêm nhường.
Chiếc la bàn của “Quang lùn” đổi hướng, nhằm vào cô bé Hoài tự
bao giờ, tôi không rõ, Chẳng nhẽ, từ buổi tối Bờ Hồ, khi tôi lặng lẽ đứng dậy,
bỏ lại sau lưng trận cười francophone của đám sinh viên? Chẳng nhẽ, từ 3 năm
trước, khi anh ta dự đoán nơi tôi trái tim duy nhất cùng nhịp đập, chỉ bởi nó
đập trong cơ thể duy nhất cùng chiều kích – 125 phân khiêm nhường – với anh
ta? Chẳng nhẽ, từ những gợi ý mơ hồ của bố mẹ về “Nồi nào úp vung nấy”. Quả là một
chùm nho vừa miệng! Không, tôi đã nói, nỗi khát khao của con người sao mà hiếm
khi gặp nhau, vài ba thế kỷ họa chăng một lần, và đó phải là một sự hợp nhất
máu thịt, hóa quyện, khác xa đường vạch trùng khít trên các loại nồi niêu vung
nắp. Chị Hằng chạy trốn thứ tình yêu hiếm hoi, vĩ đại và khắc nghiệt ấy chị lần
tìm những đường vạch trùng khít, những hình tròn không kẽ hở. chị Hằng tội nghiệp.
“Tôi yêu Hoài. Nhưng chúng ta không thể để tình yêu lấn át lí
trí. Tôi cần ra đi, nhiều nhiệm vụ cấp bách của cách mạng đang đòi hỏi. Giặc
bành trướng đang tràn sang. Chúng ta không thể ngồi yên nhìn chúng giày xéo
giang sơn. Hai năm nữa, cũng ngày này, tôi sẽ trở về xin cưới Hoài làm vợ. Tôi
sẽ trở lại.”
Anh ta vụ biến khỏi cửa sổ tôi, Fata Morgana kì ảo. Thế là chú
lính chì dũng cảm lại lên đường, cười vào mũi các trường đại học ngông nghênh
trên 4 trụ cột “trí, đức, thể, mỹ”, những lâu đài giấy, phì, mọi lý thuyết đều
màu xám, phì, hãy đợi đấy, tôi sẽ trở lại.
Từ biên giới, đều đặn 2 tuần một lần, anh ta viết cho tôi những
bức thư đánh số, phong bì mé trái ghi “Tiền tuyến”, mé phải: “Gửi em gái hậu
phương”. Tôi vẫn ngồi bên cửa sổ, thả dần từng cuộn chỉ dẫn thế giới màu men
nâu của tôi lên tận vùng biên cương, thị xãhẻo lánh, nùi đồi dày đặc chốt ta,
chốt giặc, xóm thôn bốc lửa, và giữ cành mù mịt đạn bom ấy, vị hôn phu tí hon
của cô bé Hoài khệ nệ khẩu súng cao hơn người... tôi đã lo âu, đã dùng hết chỉ
đen chỉ trắng của mẹ, và bắt đầu phải huy động vốn liếng chỉ thêu của chị Hằng.
Chiến tranh, như một định mệnh khó hiểu, chẳng phụ thuộc tôi, chẳng phụ thuộc
ai trong số người lân cận. Anh ta đã vui sướng chọn ngọn lửa chiến tranh để
thắp sáng và tôi luyện mình. Có những dân tộc chưa hề biết đến chiến tranh, và
vẫn không ngừng sản sinh những đứa con vĩ đại, những ngọn đuốc tự thắp sáng
mình suốt bao thiên niên kỷ tối tăm. Trong thư anh ta, chiến tranh mang bộ mặt
đàn ông tươi rói, hào hùng. Tôi lo âu, chỉ bởi chiến tranh đích thực mang bộ
mặt dàn bà, xót xa khắc khoải.
John Lennon và Yoko Ono phản đối chiến tranh bằng một tuần lễ
không rời chiếc giường yêu đương. Give peace a chance.
Không giờ kém 1 phút ngày 29 tháng 3 năm 1981, anh ta xuất
hiện dưới cửa sổ tôi, 1m 26 phân chiều dài sinh học đóng khung trong chiếc áo
len cổ lọ màu xanh da trời, chiếc quần vàng nhạt, hai ống là thẳng tắp như hai cây
cột bất động, và đôi ba-ta mới tinh, nền vải trắng tôn bật đôi bí-tất sọc đỏ.
Đúng không giờ ngày sinh lần thứ 22 của mình, cô bé Hoài nhận được lời cầu hôn
đầu tiên trong đời. Vị hôn phu chưa từng biết màu mắt tôi biến ảo, lúc xanh,
lúc vàng óng, lắm khi xám xịt; chưa từng nghe 10 đầu ngón tay tôi mỗi ngón một
giọng thầm thì, chưa từng hít thở một lần mùi trinh khiết da thịt cô bé chưa
kịp thành đàn bà đã hái trộm trái cấm vườn cha. Vị hôn phu không có gì mang đặt
dưới chân tôi ngoài kỉ niệm ê chề quay chóng mặt quanh người chị sinh đôi trăng
rằm của tôi, ngoài hàng cột mốc tiêu đích đen trắng rạch rời quy định quỹ đạo
phát sáng hết tiềm năng của ngôi sao lùn khốn khổ. Chao ôi, ý chí khổng lồ và
ngớ ngẩn! Chao ôi, cuộc đời không thèm biết pardon! Tôi đã chờ đợi bao năm bên
cửa sổ, trông ngóng kẻ ghé vào bắt cóc. Anh ta giang tay, không giờ 5 phút,
bóng điện trước chòi bảo vệ nhà máy rượu bia sáng lẻ loi, trần trụi, con mắt
duy nhất chứng kiến cảnh thiêng liêng. Rồi tất cả bỗng quay cuồng, một vùng hồ
ủ mặt trời sẫm đỏ vụt dềnh lên đến ngực, đến cằm, rồi nuốt lút tôi. Tôi chơi
vơi, kêu lên sung sướng, rồi ngất vào giấc ngủ bào thai tuyệt diệu trong đung
dưa chòng chành sóng mang màu máu kinh nguyệt ứa một lần cho mãi mãi, và rì rầm
lời máy nước công cộng hát ru. Quả anh ta chỉ là một Fata Morgana kì ảo, ám vào
tôi, ám vào tôi, ốc bò sa mạc.
Tang lễ, cưới xin, những thủ tục hóa trang của thế giới người
lớn mà cô bé của tôi không sao hiểu nổi.
Mẹ thức dậy, vực tôi ngất lịm vào giường, xoa đầu lẩm bẩm: “Chết
thôi, gió độc đây mà!” Bố cũng thức dậy: “Giời ơi, trăm cái nợ. Bao giờ thì
thoát nợ hả giời?” Và giận dữ dóng sầm cửa.
Sáng hôm sau, nghe tiếng hắng giọng cố hữu của “Quang lùn” ngoài
cửa, tôi kêu thét lên, chùm kín chăn và lăn vào một xó giường, run rẩy. Anh ta
bước vào, chiếu tướng Che Guevara một lát, rồi lặng kẽ quay gót.
Từ bấy, anh ta không xuất hiện theo chu trình định sẵn dưới cửa
sổ tôi nữa. Vùng quang phổ của ngôi sao lùn ấy phình, hẹp ra sao, tín hiệu vũ
trụ nào còn vẫy gọi thiên thể mini ấy, tôi không rõ. Anh ta vẫn độc thân, đương
kim bí thư đoàn phường, và thường băn khoăn không biết nên trở thành chủ tịch
ủy ban nhân dân phường hay tiếp tục trung thành với Đoàn thanh niên cộng sản để
đảm nhiệm chức bí thư đoàn cấp quận. Trong vòng 7 năm từ ngày đó, anh ta đã kịp
hoàn thành 2 bằng ngoại ngữ, thanh toán món nợ với trận cười francophone dạo
nọ, một bằng đai học tại chức, món nợ với các trường đại học, khoa học chuyên
môn về các đoàn thể, đeo cặp kính đồi mồi 0,5 đi-ốp, và trở thành đảng viên.
Ngày ngày, anh ta làm việc một4 tiếng đồng hồ tại trụ sở ủy ban hành chính, gõ
máy chữ đủ một0 ngón, giải quyết các loại đơn từ, các vụ bê bối, tổ chức các
cuộc họp hành, rồi lại lách tách gõ máy chữ như một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Chị Hằng tới đăng kí kết hôn, anh ta đích thân làm các thủ tục, cặp mắt u uất ngầu đỏ trân trân nhìn chiếc bút máy chỉ cần hạ xuống là gắn chặt cuộc đời hai con người khác biệt. Xong anh ta bắt tay họ và đều đều giọng đọc lời chúc mừng thường lệ, cái nhìn cháy bỏng, mắc lại, giãy giụa tuyệt vọng ở cúc áo thứ hai từ trên xuống của chị tôi.
Chương 7 - Biến Cố
Chương
9-10-11 ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét