THIÊN SỨ
CHƯƠNG 7 - BIẾN CỐ
Mùa hè năm 1975, trước khi bước chân vào trường đại học, chị
Hằng đẹp như tiên sa. Tôi ngắm chị không chán mắt và sẵn lòng ngưỡng mộ cả
những tai họa hứng nhầm ánh mắt do sắc đẹp của chị xui khiến suốt chừng ấy năm
trời. Tâm tính chị không còn như trước, buồn vui bất chợt, ăn uống đi về thất
thường. Chiếu cố đến 9 tháng cùng trong bụng mẹ, chị cởi mở với tôi, như đôi
khi người ta bộc bạch với một đứa trẻ, cái vô tư của nó tạo cảm giác yên lòng.
Đôi ba lần, tôi giữ chân giao liên, chuyển những bức thư thơm
mùi hoa ngọc lan đến thày giáo dạy văn lớp 10 của chúng tôi, nhận về cái xoa
đầu lấy lệ của thày. Cơn sốt chuyển động Brown vừa dứt, tôi mệt mỏi và tỉnh
táo, thấy không có gì chung giữa mình và người đàn ông mới ngoài 30 tuổi mà đã một
vợ 4 con, cặp mắt sâu đăm đắm lạc vào một gương mặt bằng phẳng nhẵn nhụi, với
cái cằm tròn trĩnh, dáng điệu uể oải đó. Đã có thời, tôi gán cho vẻ uể oải ấy
nhãn hiệu kiêu sa, cho gương mặt ấy đức nhân hậu, cho cặp mắt ấy phẩm chất
thông minh và giàu nghị lực. Có lẽ cũng chẳng sai. Rất có thể thày đã là thế,
hoặc sẽ là thế. Ai chẳng đã là cái gì đó, sẽ là cái gì đó, những đồ thị
Hyperbol vừa hứa hẹn, vừa rạch ròi. Tôi hình dung thày Hoàng, cái tên thật
thiếu trung lập, trườn mình giữa góc vuông đóng cứng bởi trục hoành, diễn tả
cái thày vốn có (một vợ 4 con, đồng lương giáo viên cấp III khiên tốn Victor
Hugo) và trục tung, diễn tả cái thày muốn có (chị Hằng, café và thuốc thơm mỗi
sáng, Victor Hugo) và không khỏi bật cười. Cái V.H. trên là vốn liếng, V.H. là
phần lãi xuất. Thày đã từng có 2 chùm thơ đăng báo Văn Nghệ, bút danh Hoàng
Văn, và vài trăm chùm khác chưa đăng tải nơi nào V.H. junior còn dằn lòng luyện
bút. Nhưng thày Hoàng dạy văn và làm thơ. Thày không hiểu những biểu tượng toán
học.
Một hôm, chị Hằng rủ tôi đi xem phim, bản trường ca về Ruslan và
Ljudmila, Không gặp trở ngại về hàng rào tuổi tác. Tôi không ưa các câu chuyện
cổ, mặc dần, hoặc có lẽ chính bởi tôi đã bốc lột chúng không thương xót, nhưng
chị Hằng cần tôi, ai chẳng cần một kẻ khác bé hơn mình. Đèn vừa tắt, một hơi
thở lập tức phả sau gáy tôi, bức xạ nhiệt ngoài vòng kiểm xoát. Tôi buồn ngủ.
Những giáo lí về thiện và ác trên màn ảnh, giản lược đến tối nghĩa, theo kiếu
nước = hợp chất giữa hydro và oxy, chấm xuống dòng, có lẽ chỉ cần cho những kẻ
mù màu. Đằng nào cũng thế, đối với họ, hệ quang phổ là vô nghĩa. Nhưng chị tôi
không tâm trí đâu quan tâm tới bộ phim hai tập lòe loẹt chỉ tập trung giải
quyết vấn đề tranh chấp biên giới giữa đen và trắng kia. Bàn tay và hơi thở, hai
thứ đầu trên thân nhiệt thông thường con người của thày Hoàng ngồi hàng ghế
sau, kéo chị vào một cuộc giằng co lặng lẽ và quyết liệt, trong đó tôi lĩnh
trọn phần nhiệt bức xạ, phần da thịt bức xạ, và dìm những của nả thiên hạ vô
tình vung vãi vào khối băng lạnh giá trong mình.
Chị Hằng: “Em không muốn thế. Chẳng đi đến đâu cả!” Ngôn ngữ sớm
già so với tuổi 17 của chị.
Thày Hoàng: “Đừng nghĩ thế em. Xét cho cùng toàn bộ cuộc đời này
rồi sẽ đi đến đâu?”
Chị Hằng: “Không! Cuộc đời phải đi đến chỗ ta mong muốn!” Chị
bấm mạnh không phải tay thày, mà tay tôi. Ljudmila thốt lên: “Ối”
Thày Hoàng: “Em còn quá trẻ. Cuộc đời còn hứa hẹn với em nhiều
điều, nên em tưởng thế. Tôi đã đi qua quá nửa cuộc đời, tôi biết, chẳng còn gì
nhiều mà hy vọng. Chỉ có em...” Giá trị tuyệt đối của trục tung trong đồ thị
hyperbol của thầy co lại bất ngờ.
Chị Hằng: “Em không thể... Em phải tìm cách đi xa! (Jane Eyre)”
Thầy Hoàng: “Đừng tàn nhẫn thế em. Tôi cần em. Đừng quay lưng
lại một người sắp chết đuối.” Ljudmila đang bay trên một tấm thảm. Nàng ngủ.
Lại thày Hoàng: “Rồi một lúc nào đó, em sẽ nhớ đến điều tôi vừa
nói, em sẽ hiểu.” Nguồn nhiệt sau lưng tôi lên tới vài trăm watt.
Nhiều năm sau, hình dung lại cuộc tỏ tình đầy triết lí và phi lí
ấy, giữa cảnh yêu đương và đâm chém của nước Nga trung cổ, tôi thương chị Hằng.
Quả chị lớn trước tuổi, buồn trước tuổi.
Thày Hoàng cần chị, chị lại cần tôi, phía tối của mặt trăng, lúc
lồi, lúc khuyết. Giá có thể suy ra như trong toán học: a-->b, b-->c,
a-->c.
Biến cố xảy ra vào một tối đầu thu, lần duy nhất chị không mang
theo tôi, vệ sĩ nhỏ bé trung thành của chị. Lúc ra khỏi nhà chị còn nháy mặt
với tôi. Tôi đứng nhìn theo mãi, suy nghĩ về dáng đi của chị, bông cẩm chướng
trắng không gai. Với bố mẹ, tôi có thể ứng khẩu cả ngàn lí do hảo hạng để bảo
vệ chị, thực hiện chức năng lá chắn của tôi ngay trong gia đình. Buổi tối ấy
nặng nề và lê thê như cơn dông không chịu trút nước. Như đã nói, tôi không tò
mò, không giàu óc tưởng tượng, không lãng mạn, làm sao có thể ngồi bên cửa sổ
mà hộ tống người chị sinh đôi của tôi đến vùng đất hứa nào đó. Tôi chỉ biết bồn
chồn, linh cảm mỗi lúc một rõ về tai họa, giá là một tai họa sinh đôi, để tôi
gánh chịu một nửa. Thuở nhỏ, chị và tôi đã chia đôi bao thứ: miếng bánh, củ
khoai, tiền mừng tuổi tết, số lần rửa bát và lau nhà, quyển vở giấy đen, quyển
vở giấy trắng... chia đều. Từ hồi chị lớn vượt lên, tôi khựng lại, chị bắt đầu
nhường tôi, nhận phần thiệt về mình, coi tôi như đứa em không đến sau chị một
phút, mà sau cả một thế hệ. Tất cả, trước hết là chị, đều quên tuổi tác đích
thực, đôi khi quên luôn sự hiện diện của tôi. Phép tàng hình không chỉ có trong
các câu chuyện cổ.
Khuya lắm, tôi vẫn không rời cửa sổ. Dáng chị về khác hẳn lúc
đi. Tôi lén vượt qua chướng ngại vật thứ nhất là giường bố mẹ, sau đến chiếu
dài 1m70 của anh Hùng và 1m75 của anh Hạc, những barrière choáng đầy 16 m
vuông, đến với bông cẩm chướng run rẩy trong đêm. Chị: “Làm thế nào đi tắm bây
giờ?” Chỉ chừng ấy, bình luận biến cố khiến người thiếu nữ trở thành phụ nữ.
Phép tàng hình của tôi tỏ ra hữu ích. Trong vòng một phút, tôi mang tới đầy đủ
các phương tiện phục vụ lễ rửa tội đêm khuya của chị. Trước lúc đi, chị đã tắm.
Khoảng giữa 2 lễ rửa tội, con mắt bão. Tôi đứng chờ trước cửa phòng tắm công
cộng, chuẩn bị tinh thần đứng như thế 5 tiếng đồng hồ, hoặc suốt đêm. Nửa tiếng
sau, chị bước ra, bông cẩm chướng đã ngắt. Năm phút sau, chúng tôi nằm cạnh
nhau, chị bàng hoàng, tôi đau xót. Chị âm thầm khóc, quay sang ôm gọn tôi vào
lòng, như ôm con bút bê không nói, giấu những giọt nước mắt ê chề vào tóc tôi.
“Chị sợ... Chị sợ...” Tôi lặng lẽ cở cúc áo chị, vuốt ve, như đứa trẻ sờ ngực
mẹ, để chị trôi vào một giấc ngủ mê mệt, xen giọng thú tội thảng thốt: “Chị
sợ... Chị sợ...” Tóc tôi lên cơn sốt. Tối thức suốt đêm, chỉ đợi thầy Hoàng thò
mặt khỏi những giấc mơ của chị là giang cánh tát. Nhưng kẻ sắp chết đuối ấy
không ló dạng. Số mệnh còn cho phép thầy xuất hiện lần nữa trong cuộc đời bất
hạnh của chị tôi, khi chị đã vùi sâu biến cố tước bỏ không chỉ trinh tiết, mà
toàn bộ ham thú thân xác của chị, vào một mớ bòng bong mà chị coi là quá khứ.
Chị đã nhân danh phẩm chất nào của homo-A để không quay lưng lại, không tàn
nhẫn với con người ấy? Có bao giờ chị còn được hưởng niềm hoan lạc của dâng
hiến và trao gửi tự nguyện? Cuộc đời có còn đi đến chỗ chị mong muốn? Cánh cửa
thân xát với chiếc tấm bản lề đã gãy mở vào đâu?
Những ngày tiếp theo, mối lo của chị tăng tới mức báo động. Mẹ
bắt đầu nghi ngờ, bất chấp khả năng ứng khẩu vô điều kiện của tôi. Cái “uy tín
danh dự gia đình cán bộ” của bố đã một lần tổn thương bởi anh Hạc, đứa con lầm
lạc, nay xù ra như một con nhím sẵn sàng phóng một lúc hàng trăm mũi lao tự vệ.
Tuyệt vọng cùng cực, chị hạ lệnh “Đi với chị” và kéo tôi đến một địa chỉ vượt
quá mọi khả năng tưởng tượng của con người.
Một căn gác xép tranh tối tranh sáng chật hẹp, mù mịt hương khói
và sặc sụa đủ thứ mùi mà khứu giác tôi đành đầu hàng không định nghĩa nổi. Chủ
nhà, không rõ trai hay gái, ngồi bất động ở một một nơi nào đó, thỉnh thoảng
mới ban vào khung cảnh địa ngục bình dân ấy vài lời nhát gừng, giọng trầm đục
và độc đoán. Chúng tôi đặt 5 đồng, toàn bộ vốn liếng tiền mừng tuổi của 2 chị
em tích cóp từ Tết năm trước, lên một trong số vô vàn những chiếc đĩa bụi bặm,
la liệt cạnh các bát hương, đổi lấy một gói giấy báo bẩm thỉu với đầy đủ các
mùi bí hiểm nọ, rồi sợ sệt ra về.
Tôi nôn ọe khi ra khỏi căn gác xép ấy, còn chị nôn ọe khi nhắm
mắt nhắm mũi cố nuốt trôi thứ hợp chất nhờ nhợ bẩn thỉu pha chế từ nội dung gói
giấy báo trị giá một cái Tết của 2 chị em tôi. Thày Hoàng cần chị Hằng, chị lại
cần gói giấy báo giải họa, những quan hệ tương tác bất tận.
Mãi mãi, căn gác xép và gói thuốc ấy gắn liền với kỷ niệm của
tôi về các thế lực tăm tối và hùng mạnh. Thày Hoàng không liên quan tới các thế
lực đó. Chức năng của thày là sắp chết đuối. Thày liên quan tới những sợi lau.
V.H. junior và thiên tiểu thuyết sống về những con người khốn khổ.
Tác động của những thế lực u ám đó đến chừng nào, tôi không rõ.
Chỉ biết cơ thể chị Hằng lại hoạt động bình thường. Biến cố mất dấu. Chị trở
nên ít nói, ở lì trong nhà không chịu bước chân đi bất kì đâu. Tôi không còn
phải ngáp dài trong rạp chiếu bóng vì các bộ phim giáo lí và các cuộc tỏ tình
phi lí nữa. Cuối tháng 10, chị vào trường Đại học, mang theo vốn liếng nặng nề
của một mùa thu khai sinh và khai tử. Không bao giờ chị nhắc tới biến cố ấy
nữa. Không một ai khác trong gia đình hay biết. Năm năm sau, trong những cuộc
tranh luận sôi nổi của bạn bè về xu thế tình dục hóa tình yêu ở thế hệ trẻ, chị
chỉ cưới phá lên, vô tư như kẻ ngoại đạo.
Các thế lực tăm tối dạo trước không dễ buông tha chị. Đến bây
giờ chị vẫn chưa được làm mẹ. Tôi biết: chị sẵn lòng đánh đổi hết thảy, từ sắc
đẹp khác thường đến người chồng si mê giấy toilette và hàng tá nhân tình của
mình lấy một đứa con. Nhưng gói thuốc giải họa tội nợ ấy vẫn chưa tan hết. Chị
cô đơn.
Chương 6 - Chuyển động
BROWN
Chương 8 - Mô hình1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét