Bức chân dung- tranh Huỳnh Lê Phương Linh |
THIÊN SỨ
CHƯƠNG 17 - NGƯỜI ĐÀN BÀ CÔNG DÂN
Đó chỉ là khúc dạo đầu êm dịu cho tấn thảm kịch gia đình tôi, kể
từ ngày chị Hằng bước lên xe hoa không một lần ngoảnh lại.
Hợp đồng miệng, bàn giao toàn bộ hệ thống kinh doanh nước đá ở
thành phố Sài Gòn nhiệt đới vào tay ông chủ mới, phát huy tác dụng điện tín một cách huyền hoặc. Văn bản chính quy và các loại con dấu bị loại trừ khỏi thế
giới ngầm. Người ta trao gửi sinh mệnh bằng cái gật, cái lắc, hoặc cái ậm ừ
trống không, tín hiệu nguyên thủy, dường như chủ nghĩa quan liêu với cái bụng
giấy khổng lồ lăm le nuốt chửng trí tưởng tượng của con người cũng khựng lại
trước những ông chủ ấy. Chưa đầy 15 phút sau ván bài định mệnh, khối nhân công
đông đảo bằng cách này cách khác sống nhờ nước đá ở Sài Gòn, từ các cậu bé chạy
đá bỏ nhỏ, các anh phu xe lao như tên bắn trên lòng dường với vài ba cây đá
nghi ngút khói, các chủ tiệm giải khát đầy tự tin, đám lăng xăng buôn nước bọt
đầy khả nghi, đến những nhân vật khả kính ngự trên nóc cỗ máy dây chuyền điện
nước... hết thảy nhất loạt lễ độ cầu nguyện cho cái tên ông chủ mới: Hạc râu.
Kẻ tiếm vị sững sờ trước di sản quá hoàn hảo của ông vua vừa bị
truất ngôi. Hệ thống số đề tưởng đã được tổ chức tinh vi đến từng chân tơ kẽ
tóc, với mạng lưới chân rết chằng chịt, len lỏi không sót một nơi trú ẩn nào của
cư dân Hà Nội chuộng an nhàn, bệnh viện, nhà thương, công sở, cửa Phật, doanh
trại quân đội... với ức vạn nhân viên chào hàng lưu động và hành ngàn trạm đại
lí găm khắp các vỉa hè, bỗng chốc trở nên quá khiêm nhường bên cạch vương quốc
nước đá ấy. Giờ khắc cao điểm – 5, 6 giờ chiều –, giờ hàng triệu con tim đã bán
cho sòng bạc bán công khai khổng lồ này cùng ngưng lại một nhịp, để rồi tan vỡ
trong cuồng loạn, hoặc thua, hoặc được, bổng chốc chỉ như một tiếng cười nhút
nhát so với giờ khởi động – 5, 6 giờ sáng – của cỗ máy giải khát Sài Gòn.
Anh Hạc sững sờ và thán phục. Dẫu sao, đó cũng là Sài Gòn, một Sài
Gòn vô tư, trôi nổi và hừng hực sức sống, sẵn sàng tiếp nhận, sẵn sàng đào
thải, không thương xót, không cần biết thế nào là “pardon”, chỉ tuân theo duy
nhất luật tồn tại: người ta phải ăn uống hút xách, làm tình và hưởng trọn vẹn
những cơm mưa chiều đúng hẹn.
Mười năm trước, anh tôi cạy tủ, lấy 300 lẻ vài đồng, món tiền
dành dụm suốt cuộc đời mặn đắng nước mưa của bố mẹ, nhảy tàu vào Nam để ngơ
ngác nộp vào cái dạ dày không đáy của tiệm quán Tàu có, Việt có, của những vỉa
hè hoặc nhếch nhác hoặc quá ư sang trọng, cùng ghế đá công viên đêm đêm, trút
bỏ luôn cả cái sĩ diện cồm cộm và cái trai tân của chàng thanh niên Hà Nội, kẻ
khước từ văn hóa từ thuở 13 và tự cho đã nếm mùi trải đủ mùi thượng vàng hạ cám
ở đời. Khi đã vét sạch đồng xu cuối cùng, ăn xin một nắm cơm bình dân cuối cùnng,
ngủ đêm cuối cùng ở một xó chợ nào đó, chen vai thích cánh cùng bà già, kẻ cắp,
đĩ điếm và những phần tử du đãng chuyên nghiệp khác, đứa con hoang đàng của gia
đình lại nhảy tàu – lần này lậu vé vì lí do nguyên tắc – trở về, mái tóc dài rũ
chấm vai, hàng ria mép ngạo nghễ, bộ quần áo chim cò phấp phới như bằng chứng
về cuộc cách mạng cá nhân trọng đại, cuộc đổi đời của cả một thế hệ.
Trở lại Sài Gòn lần này, anh tôi có đầy đủ phong độ và tư cách
cần thiết để ôn kỉ niệm xưa với một chút nhếch mép thương hại. Guồng máy kinh
doanh nước đá vẫn hoạt động tối ưu, bất kể những ông chủ lần lượt thay nhau.
Anh bỏ 6 tháng trời, vùi đầu nghiên cứu lục phủ ngũ tạng của cái cơ thể quái
đản đó, vào là luật cạnh tranh, nào là hiệu quả quảng cáo, nào chức năng độc
quyền... gật gù, kinh ngạc, cầu chúc may mắn cho thày Hoàng – bậc tiền bối xứng
đáng giờ không biết lưu lạc xứ nào – rồi trở ra Hà Nội với 300 lượng vàng và một kế hoạch táo bạo, cải tổ toàn bộ hệ thống số đề vốn dĩ cò con lạc hậu thành một ngành kinh doanh lớn, bằng vai phải lứa với người anh em trong Nam, thích nghi
với thời đại công nghiệp và khoa học kỹ thuật.
Nhiều năm sau, nhửng người viết sử sẽ còn nhắc đến hiện tượng
“số đề” năm 1986, 87 ở Hà Nội. Cùng với Mehico – 86, bộ phim vô tuyến truyền
hình 6 tập của D. Dmiami, Polit-thriller “Bạch tuộc”, tin xổ số – số đề trở
thành một trong ba thông tin xã hội hấp dẫn và phổ cập nhất. Anh tôi có thể tự hào
nhận là cha đỡ đầu của hàng loạt biện pháp mới, vận vào dãy số tự nhiên từ 00
đến 99, xoay như xoay rubic, nào đầu chẵn đít lẻ hay ngược lại, nào theo, nào
bỏ bãy, vào cấp số nhân, cấp số cộng, nào khoanh ô, nào chọn vùng, nào hai đầu
tạt lại, nào từ giữa tỏa ra, 30%, 300%, giữ chân những con bạc chuyên nghiệp,
chào mời kẻ lương thiện tặc lưỡi bỏ chục bạc mua một cái hồi hộp, dọn bãi cho kẻ
vừa “ra đê”, thúc vào lưng kẻ say máu mới tập tọng vào nghề...
Guồng máy nam bắc song hành, nhả ra một lãi suất kếch xù. Thế giới
men nâu 400 ô vuông và một khuôn chữ nhật biến ảo của tôi bẹp rúm dưới sức nặng
của lũ lĩ vàng bạc châu báu, xe, quạt, tủ, giường, những linh hồn kí gửi kèm
theo cuộc đỏ đen, những số phận tồn tại hay không tồn tại phụ thuộc vào cái xác
suất 1% run rủi. Tủ sách tội nghiệp đã quay mặt vào tường từ lâu: chiếc điều
cày lăn lóc mốc thếch, bố đã chuyển sang hút Amphon, mẹ đã quên những lời
nguyền rủa đeo đẳng từ thuở bé Hon trở về với đất; những chiếc ghế long chân cố
hữu lã chui vào bếp, làm nốt phận sự bé mọn của chúng là hầm nhừ bữa cơm đầy ắp
thịt cá của gia đình tôi. Và mái nhà thôi không còn mỉ non bài ca mặn đắng.
Khi chiếc tủ mối ăn mọt rỗng dù được Che Guevara hết lòng bảo
trợ cũng tìm đường vào bếp, nhường chỗ cho một kỳ quan nghề mộc với long lân quy
phượng và vô vàn ngăn trên ngăn dưới, mẹ đã bật khóc nức nở vì không dám tin ở
hạnh phúc có thật; bố khàn giọng trầm ngâm: “Cả đời tôi chưa bao giờ dám mơ một vật như thế”; anh Hạc nhún vai: “Ăn thua gì, phải mua một căn nhà đàng hoàng, nhà
cửa xứng tài đức...” Còn cô bé Hoài bíu bật móng tay vào ô cửa số xám xịt, thầm
vĩnh biệt chiếc cổng sắt hoen rỉ của nhà máy rượu bia phả 24 trên 24 mùi men
bột.
Nhưng cuốn tiểu thuyết số một của tôi không ngắt nửa chùng, dẫu
ngắt bởi một giấc mộng bỏ quên giữa trang, hay một cuộc chuyển nhà theo cấp tài
đức.
Rất lâu sau thảm họa, những người trong cuộc vẫn không ai rõ
chuyện đá hậu của con la của Giáo Hoàng. Tất cả bắt đầu từ đám cưới chị Hằng,
và chị là người duy nhất trên thế gian này không gánh chịu bất cứ một trách nhiệm
nào.
Người đàn bà xấu số, vợ chàng đại lý xổ số, nhanh chóng hiểu rõ
hơn ai hết uy lực của ông chủ thề giới ngầm, ngoan ngoãn đặt cả thân phận lẻ
loi của mình cùng ba mụn con thơ dại xuống chân anh tôi, ngoan ngoãn biến đại lí
xổ số người chồng để lại thành một đại lý số đề và ngoan ngoãn chấp nhận phần hoa
hồng ít ỏi do anh tôi ban phát. Tuồng như cuộc đời đã an bài định phận. Tuồng
như cái thân hình xơ xác gầy mòn của chị ta không dám choán bất kỳ một không gian
nào nữa. Có ai ngờ chị ta không quên mối thù năm ấy. Nhân một ngày ban phát hoa
hồng hàng tuần, chị ta tình cờ giới thiệu một người em kết nghĩa, cô gái đoan
trang tóc dài da mịn, “nhân viên nhà nước, nghe đâu giáo viên cơ đấy.” Và vẻ
đẹp lương thiện mẫu mực ấy, ngay từ phút đầu, đã quyến rũ anh như một ma lực.
Anh tôi đã run rẩy – lần đầu tiên sau chừng ấy năm trời phiêu
đãng và chung đụng với đàn bà đủ loại, từ mệnh phụ phu nhân tìm khoái cảm vụng
trộm, các bà các cô trưởng giả mới nổi, thiếu nữ tân thời say mạo hiểm, đến
những thân phận ăn sương khốn khó – bám theo cô gái đầy lòng tự trọng ấy, ngẩn
ngơ hàng tuần vì một nụ cười, khổ đau cả tháng vì một thoáng cau mày trên gương mặt
rất đỗi sạch sẽ của cô. Phải, anh đã ước mơ một người vợ hiền, những đứa con
ngoan và một mái nhà lương thiện.
Nửa năm trời qua môi giới sốt sắng quá mức cần thiết của vợ
chàng đại lí xổ số, anh tôi đạt kỳ tích đầu tiên là mời cô đi xem phim, không
phải Ruslan và Ljudmila, trong chính cái rạp chiếu bóng đã chứng kiến cuộc tỏ
tình phi lí giữa thày giáo dạy văn mê V. Hugo và người chị sinh đôi của tôi năm
nào. Anh ngồi tê liệt, thân hình ông chủ bắt đầu phì ra như bó cứng giữa 2 tay
ghế, mồ hôi túa từ tất cả các kẽ ngón chân bất chấp hệ thống điều hòa nhiệt độ
vừa trang bị trong rạp, mắt đăm đăm như bị khép tội dán lên màn ảnh mà chẳng
thu nhận nổi hình bóng nào. Ghế bên, cô gái đoan trang bình thản theo dõi tới
cùng số phận trắc trở của một kẻ bất lương, nhờ tình yêu cứu mà tìm đường trở về
chính nghĩa.
Thời gian vẫn trôi. Những chuyện cổ tích vẫn không thôi mê hoặc
mọi lứa tuổi.
Tan rạp, cô gái kết luận: “Thật là một bộ phim có ý nghĩa giáo
dục!”, và như trả công, bằng lòng đi dạo chút ít với anh tôi ở quãng đường sáng
nhất bên bờ Hồ Tây. 15 phút định mệnh đó đủ để cô tìm hiểu toàn bộ cuộc đời 30
năm giang hồ hảo hán cũng như những phương pháp tinh vi nhất trong nghề kinh
doanh hiện tại của anh tôi. Cô e thẹn cho phép anh lồng 1 chiếc nhẫn kếch xù
vào ngón tay mảnh mai như cánh huệ của mình và tha thiết khuyên anh “nên tìm 1
nghề làm ăn lương thiện.” Còn anh, chưa tỉnh cơn mộng du, không biết làm gì hơn
ngoài lặp đi lặp lại:
“Em tên là Trâm, nhỉ!”
“Vâng, Trâm.”
“Ừ, ừ, Trâm... Hay nhỉ. Thế Trâm dạy học à?”
“Không.”
“Hay Trâm giữ trẻ?”
“Không.”
“Thế thì chịu...”
“Em là một công dân.”
“Ừ, ừ... công dân... Hay nhỉ...”
Về tới nhà, anh Hạc nhấc tôi nâng bổng, kiêu hãnh tuyên bố: “Cô
bé, biết thế nào là công dân chưa? Công dân! Hiểu chưa? Công dân!”
Tôi chưa biết. Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ được coi là một công dân. Chỉ “Quang lùn”, người nắm toàn bộ sổ sách nhân sự phường, thấu hiểu,
quyền công dân chừng ấy năm trời của tôi mắc kẹt nơi đâu. Nhưng anh ta, kể từ
lời cầu hôn bị khước từ, không bao giờ mở miệng vì tôi nữa.
Choáng ngợp bởi tình cảm và ngôn ngữ mới mẻ dó, anh tôi không
kịp nhận ra những dấu hiệu đầu tiên đe dọa vận mạng mình. Hệ thống số đề được
hiện đại hóa theo khuôn mẫu sản xuất lớn nhất của guồng máy nước đá Sài Gòn từng
đẻ ra một lãi suất khổng lồ. Nhưng anh tôi đã quên đó là một canh bạc, và khả năng
được-thua tiềm ẩn ngang bằng. Anh đã sao chép thày Hoàng và quên chữ kí của
chính mình dưới bản sao. Khi họ đối mặt lần nữa, sau chấn song sắt, thày Hoàng
đã ha hả cười vào bộ râu bê bết của kẻ hậu sinh nhẹ dạ.
Giữa năm 1987, khi gia đình tôi đang rục rịch chuẩn bị sở hữu một biệt thự 2 tầng xinh xắn thì vận đen bổ xuống. Xổ số độc đắc, liền nửa tháng,
không một chút bận tâm đến những con bạc khát nước, liên tiếp về số đuôi lẻ. Thiên
hạ ăn mừng, anh Hạc nhếch mép trả đủ 70 lần vật cược. Hôm sau, hôm sau nữa, cứ
thế, 15 ngày. Đội quận săn số lẻ tăng lên vùn vụt, lũ lĩ vàng bạc châu báu, xe,
quạt, tủ, giường trong nhà tôi cũng vùn vụt đội nón ra đi. Cũng là của thiên
trả địa.
Đó cũng là một ngày hạ chí trong xanh khủng khiếp. Người ta đến
khuân nốt mơ ước cả đời của bố mẹ tôi, kỳ quan nghề mộc với vô vàn ngăn kéo và
long lân quy phượng. Mẹ lăn ra đất, chiếc điếu cày mốc thếch lăn theo mẹ, còn
bố lăn theo chiếc điếu cày. Đám chủ nợ, 100% những thằng người không mặt, khinh
bỉ liếc nhìn 400 ô vuông nâu rúm ró, đống nồi niêu xoong chảo rách và cô bé
Hoài tái nhợt bên khung cửa sổ, huýt sáo bỏ đi. Anh Hạc bật móng tay lách tách,
mắt nhìn như chọc thủng trần nhà, vật lộn với suy tính không biết nên huy động
lực lượng nước đá Sài Gòn ra cứu vãn tình thế số đề Hà Nội, hay bỏ mặc tất cả
để bắt đầu một nghề làm ăn lương thiện và xin cưới cô gái đoan trang.
Giữa lúc ấy, cửa bật mở, “Quang lùn” và viên cảnh sát khu vực
với bộ mặt dửng dưng nghề nghiệp xuất hiện, kết thúc những suy tính muộn màng
của anh tôi.
“Đi! Đi mà đánh bài với thần chết!” “Quang lùn” trả đũa. Chiếc
còng số 8 như 2 gọng kìm lạnh buốt giữa cái nóng 41độ C. Thiên hạ ùa tới, phấn
khích như tham dự một lễ đăng quang, hay cuộc xử trảm. Bố hùng hồn: “Các anh dẫn
nó đi đâu thì đi! Tôi là tôi từ! Tôi từ!” Anh Hạc bước đi như trong cơn mộng
du, miệng vẫn lầm rầm những số chẵn số lẻ. Trâm, cô gái tóc dài da mịn trong bộ
đồng phục màu vàng, lon trung úy tiễn anh vào xà lim với lời động viên: “Mãn
hạn, em sẽ giúp anh tìm nghề làm ăn lương thiện.” Cô đã giao nộp vào quỹ công
cộng chiếc nhẫn mặt đá kếch xù, tang vật duy nhất buộc anh tôi tội hối lộ nhà
chức trách trong khi thi hành phận sự. Cô hoàn thành nghĩa vụ công dân.
Bên ngoài, hệ thống số đề không chủ rệu rã, rồi tan nát bởi một loạt biện pháp công phá hết sức hiệu quả từ phía chính quyền.
Guồng máy nước đá Sài Gòn vẫn quay tít, bất chấp các ông chủ lần
lượt thay nhau.
Vợ chàng đại lí xổ số lĩnh một món tiền thưởng làm vốn mở quầy
nước chè thuốc lá.
Tháng tháng, cô bé Hoài ôm giỏ quà bánh vào thăm người anh bất
hạnh. Anh khăng khăng không chịu gặp mặt bố mẹ và mắc tật lầm rầm thần chú, số
chẵn, số lẻ.
Chương 16 - Mô hình
Chương 18 - Nhật ký chị Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét