THIÊN SỨ
CHƯƠNG 12 - LỄ CẦU HÔN
Đến phút chót, chị Hằng vẫn không biết chọn ai trong số 300 vệ
tinh từ 18 đến 45 tuổi bao quanh, đám thiêu thân mê mệt vầng trăng. Năm ấy
chị 25, đẹp, buồn, khó hiểu.
Đầu tiên, chị phó thác cho run rủi, “Đằng nào chả thế, em nhỉ,
họ có khác gì nhau, (khanh khách cười). Bắt thăm vậy nhé!” Chị giao tôi viết 300
lá phiếu, điền đủ các loại tên tuổi đàn ông tùy thích. Tôi bèn ghi 300 lần cái
tên duy nhất: Ph. Chị chải đầu, trang điểm kỹ lưỡng, tới ngồi, trước 300 giải
pháp.
“Nào, xem được món gì ở cái chợ giời này!” chị tuyên chiến và
thản nhiên rút một lá, mở ra, thoáng rùng mình, gấp trả lại, rồi đề nghị không
thành tiếng: “Thôi, bắt lại!” Lần thứ 2, rồi thứ 3, sắc mặt chị ngày thường
trắng ngà, chuyển sang tái nhợt. Chị úp mặt vào 2 bàn tay ngón thon dài nuột
nà, ngồi lặng, cuối cùng vụt vùng vằng đứng dậy, bật diêm đốt cả 300 lá bùa quỷ
ám. 300 lần Ph. kết thành ngọn lửa duy nhất, chẳng bao giờ ngừng thiêu đốt, dầu
chị đi về đâu, đâm đầu vào một hay 1001 cuộc hôn nhân, trói chân hay để
xổng cuộc đời có một không hai của chị. Ph., nhà thơ chỉ biết lặng lẽ ngơ ngác
giữa đám gà trống xòe tiếng gáy tung tóe mãn nguyện trên nắp cống siêu thực của
đời thường nuốt chửng nào áo cơm nào kì tích mộng mơ, chàng trai mắt đen cứ trò
chuyện tay đôi với tầng cao để chịu thua cả đứa trẻ lên ba nạt nộ.
Họ nhận ra nhau giữa một ngả ba giờ cao điểm, nhà thơ và ả Hằng,
sững lại trước giấc mộng lạc giữa ban ngày của họ, và gây một cảnh tắc nghẽn xe
cộ dây chuyền chưa từng thấy trong lịch sử giao thông công cộng thành phố. Toàn
bộ lực lượng cảnh sát giao thông được huy động tới, 3 tiếng đồng hồ sau mới
thông đường, và họ vẫn đứng sững, mắt không rời mắt, cuộc chuyện trò vô tận của hai cây cọ. Nhà thơ nghèo, ngày đánh vôi trộn vữa, tối om đèn làm thơ. Mỗi lần
xuất hiện, gương mặt tiều tụy, vò xé bởi đam mê của anh còn hơn gương mặt một
ông hoàng, sẵn sàng đặt cả vương quốc không bao giờ tắt ánh mặt trời của mình
xuống chân nữ hoàng của tình yêu và sắc đẹp. Chị Hằng không quan hệ với người
đàn ông nào quá ba tháng mà tránh khỏi đụng chạm thân xác. Cánh cửa với chiếc
bản lề gãy từ biến cố dạo nọ không bao giờ còn khép được nữa. Chị bàn chuyện
làm tình như mama bàn đi chợ ăn tươi ngày chủ nhật. Ngoại lệ duy nhất là Ph.
nhà thơ đam mê và lạnh lùng, cách biệt. Ngồi sát bên anh, mắt không rời mắt,
rụt rè đặt những ngón tay thon dài nuột nà lên bàn tay anh chai sạn, đuổi theo
mùi đàn ông tòa từ môi anh, hình dung một cái hôn thăm thẳm, chừng ấy cũng đủ
để chị thót bụng, mềm lả, chơi vơi trong khoái lạc vô bờ.
“Họ có khác gì nhau em nhỉ. Nhưng anh ấy không thuộc họ... Chị
sợ... chị sợ...” Vẫn lời thú nhận truyền đời. Tôi đã nói chị Hằng chạy trốn thứ
tình yêu hiếm hoi, vĩ đại và khắc nghiệt chị lần tìm những đường vạch trùng
khít, mớ hình tròn không kẽ hở, chị Hằng tội nghiệp. Coi như không hề có cuộc
bắt thăm 300 lần một đáp số duy nhất ấy, chị quyết định mở hội thi tài kén
chọn.
Điều kiện đầu tiên của hội thi, ai tìm được chị, trò ú tim khơi
từ thủa nhỏ, kéo vô tận suốt đời, những hành trình ngược chiều véc-tơ thời
gian, trở về zéro, chân điểm các kiểu đồ thị, trục tung, trục hoành, trục xoáy
trôn ốc, trục sóng biển, trục tàng hình, hành trình về giấc ngủ tử cung. Ngày
đã định, chị Hằng mất tích, 299 phò mã tương lai – Ph. không tham dự, như anh
vẫn lánh xa các cuộc thi thố, hội hè, trưng bày và định giá các phụ tùng đời
sống, món lẩu không thể thiếu trong những bữa tiệc trung lưu – túa đi khắp ngả
thành phố, kẻ sục cao lâu, tiệm nhảy, kẻ mò câu lạc bộ, nhà hát, quảng trường,
kẻ tấn công chùa chiền, kẻ lao từ intershop ra các nhà vệ sinh công cộng, kẻ lê
gót bến xe bến tàu, kẻ cày nát từng ngọn cỏ, chọc thủng từng ghế đá 49 công
viên lớn nhỏ của thành phố, kẻ mở toang cửa những phòng họp kín, kẻ đăm đăm dõi
bóng mặt hồ, kẻ lật nón bất kể đàn ông đàn bà trên đường phố, kẻ soi kính lúp
lên các lùm cây, phải, có kẻ kiếm bằng được tấm giấy thông hành đặc biệt lùng
tận Hỏa Lò – một người đàn bà như chị tôi quả có thể cho phép mình làm những
chuyện điên rồ nhất. Thời hạn sắp hết, thành phố như chiếc túi khổng lồ đã qua
598 bàn tay sờ nắn, lộn ra lộn vào, nhàu nát; 598 con mắt đã soi từng lỗ chân
lông cái cơ thể Hà Nội phát triển thiếu cân đối, đầy vùng bí ẩn cho các nhà
thám hiểm cuồng nhiệt. Con kiến không chui lọt, vậy mà vầng trăng ao ước của họ
lặn về đâu? Thất vọng và chán nản, đám phò mã rủ nhau về dưới cửa sổ tôi, chờ
phút cáo chung đang tới.
Trong khi đó, người chị sinh đôi của tôi nức nở trên một căn gác
xép tranh tối tranh sáng chật hẹp mù mịt hương khói và sặc sụa đủ thứ mùi không
định nghĩa nổi. Chủ nhà, không rõ trai hay gái, ngồi bất động ở một nơi nào đó,
thỉnh thoảng mới ban vào khung cảnh địa ngục bình dân ấy vài lời nhát gừng,
giọng trầm đục bà độc đoán: “Lấy chồng thì cứ lấy chồng! Chẳng có ngôi sao nào
hỉ đâu!” Chị Hằng nức nở và không một lần nhớ tới đám 299 nô lệ giả hiệu của
tình yêu, đám kiến lửa đang hung hăng tỏa đi các ngả ngoài kia. Họ sẽ điên
cuồng lùng sục, tìm kiếm, sẽ sản xuất nhiệt tình và khao khát tuyệt hảo, những
đứa con của thế kỉ công nghệ, để rút cục sẽ dẫm loạn chân nhau và tự dẫm chân
mình, sẽ hoa mắt chóng mặt trong bóng nhau và luẩn quẩn không sao ra khỏi bóng
mình, sẽ nhìn mà chẳng thấy, sẽ tìm mà chẳng gặp, và sẽ luôn mồm phàn nàn về
nỗi dã tràng mòn mỏi biển khơi. Chị chọn căn gác xép ấy, thách đố và buồn nản,
hiểu rõ, họ làm sao đặt chân vào vùng phát xạ của những thế lực tăm tối và hùng
mạnh này. Chỉ một người duy nhất, bất kể giờ khắc nào cũng biết rõ chị đang ở
đâu, nhà thơ mắt đen giàu lặng lẽ. Nhà thơ và ả Hằng cả hai ghét hẹn hò, những không
gian và thời gian định sẵn chật hẹp, nhưng họ luôn tìm thây nhau, vào lúc cả hai đều khao khát cháy lòng.
Chị Hằng nằm trên căn gác xép ấy và khao khát anh, nhưng Ph.
không tới. Chị, người đàn bà được quyền làm mọi chuyện điên rồ, đã từng khao
khát anh vào những nơi chốn, thời điểm trái khoáy nhất: một2 giờ đêm trong một
chiếc hầm trú ẩn sót lại từ 1972, 5 giờ sáng ngoài bãi sông Hồng trên đường
ra ngoại ô thành phố, chính Ngọ giữa một sân vận động mênh mông... Bao giờ anh
cũng tới, bình thản như thực hiện giao ước giản dị, không hỏi nguồn cơn, không
giải thích mối linh cảm huyền diệu của mình. Giờ khác này, duy chỉ thế giới tâm
linh – chiều kích và dậy đặc các xung lực của anh xác định nổi tọa độ ngưng trệ
và tuyệt vọng của những thế lực tối tăm. Nhưng chị Hằmh đã đốt 300 lần Ph., xua
đuổi định mệnh, và bán mình cho cuộc thi thố của đám gà trống mà Ph. khước từ.
Thần giao cách cảm, để làm gì! Tín hiệu thuộc về nhau của loài đom đóm, để làm
gì! Trò ú tim đã kết thúc, hành trình về zéro chững lại, chị trở về với bày
kiến lửa ngoài kia.
Họ ở dưới cửa sổ tôi, kẻ đứng người ngồi, mặt mũi dài ngắn tùy
mức mong đợi, a streetcar named desire. Rồi bỗng ồn ào, cả 299 xô nhau chạy về
phía trước, khi chị tôi từ chốn nương náu bí hiểm trở về. Kẻ đạp, người ngã,
người vấp lên người, họ níu cùi tay nhau, họ luồn qua háng nhau, rút cục còn
chẵn chục. Mười kẻ thắng cuộc lập chung một kỉ lục, đồng thời lao tới chuyến
tàu ước mong, đồng thời quỳ trước chị tôi, mỗi người nâng một ngón tay thon dài
nuột nàcủa chị, và chị không biết có nên cưới cả một0 một lúc, hay để họ lần
lượt xếp hàng. Voilà!
Hội thi vòng hai, ai trong số 10 vận động viên khôn ngoan và
hùng mạnh, biết tách mình vượt khỏi đám đông ở phút quyết định ấy là người dâng
lễ vật sớm nhất. Ngày đã định, không ai bảo ai, 5 chàng Sơn Tinh, 5 chàng Sơn
Tinh cùng là bọc to bọc nhỏ lễ vật lỉnh kỉnh xuất hiện nhất loạt từ 0 giờ sáng.
Chàng kĩ sư trồng vườn mang hoa và rau thơm, thuận mùa, trái
mùa, thôi thì đủ cả. Chàng chuyên hối đoái và thị trường bày một dãy dài nào đồng
rúp, đồng yên, đồng đô la, đồng mác, đồng tiền Việt Nam 1975, đồng tiền Việt
Nam 1978, và hãng diện điều khiển chúng như chơi ô ăn quan. Chàng bác sĩ phẫu
thuật trưng cả một anatomie parfaite của lương tâm con người. Chàng phó tiến sĩ
khoa học lịch sử khư khư ôm chiếc hũ niên đại khó lòng xác định bọc giấy hồng
điều đút nút kín mít nhốt chặt quá khứ, sẵn sàng hiến hàng ngàn tế bào thời
gian đã chết xuống chân nàng Mỵ Nương kiêu hãnh. Chàng chuyên viên ngành xây
dựng, quản lý và phát triển kinh tế phụ gia đình, dắt tới một đàn gà khổng lồ
công kênh tổ trứng tròn xoe đánh số từ một dến hết cùng lũ lĩ lợn thật, lợn
đất, lợn giấy. Chàng kiến trúc sư ngạo mạn đến với hai bàn tay không, những tài
hoa, và lời hứa quy hoạch hết thảy, từ đo thị đến các loại nhà ăn, nhà ở, nhà
ái ân, nhà suy tư, nhà ẩn dật... Chàng nhân viên bộ ngoại giao dâng một quả cầu
đúc bằng vàng nguyên chất, khắc nổi những ngả đường màu nhiệm tỏa khắp thế giới
văn minh. Chàng công chức nhiệm sở xòe cánh ô đen bảo hiểm chiếc xe đẩy chở đầy
ngăn kéo, mở ngăn này thấy thời khóa biểu, mở ngăn kia thấy các giao ước thuận
hòa. Cả một chàng đại lý xổ số khiêm nhường, chỉ biết huy động toàn bộ vốn
liếng may rủi ế chưa kịp bán của mình vào canh bạc ái tình. Sau hết là hắn,
thằng người không mặt, không mang theo gì ngoài bệnh dịch hủy hoại và đồng hóa
bất kể kẻ nào còn mang một bộ mặt trên vai, vào một mẫu số chung vô thưởng vô
phạt duy nhất, thui chột quyền được dị biệt của con người.
Voilà; bầy harem giống đực của thời đại hôn nhân đối ngẫu cấp
cao! Họ ồn ào dưới cửa sổ tôi từ 0 giờ sáng, không ai sớm hơn ai nửa bàn chân,
họp thành một thế giới huyên náo, lễ vật nuốt chửng chủ nhân. Nhiều năm sau,
hàng xóm làng giềng còn phàn nàn không ngớt về buổi kén rể phiền nhiễu ấy. May
thay, chẳng có cuộc báo thù kinh điển theo lối nước dâng bao nhiêu thì núi cũng
dâng bấy nhiêu. Giữa tình thế không phân thắng bại, chị tôi quyết định mở vòng
thi cuối cùng, ai đoán biết điều mong ước lớn nhất của chị.
Đám phò mã lặng đi, người này nhìn vào mắt ngưới kia, bởi không ai dám nhìn cặp mắt hóa đá của chị Hằng. Họ nhìn nhau, cố lục lọi từng ngõ ngách sâu thẳm nhất của tâm hồn mình và tâm hồn nhau, xoay ngang xoay dọc soi loạn trong những tấm gương công cộng, tìm kiếm giấc mơ riêng tư thầm kín nhất của người đàn bà họ mong chiếm đoạt.
Tôi mỉm cười ngắm họ vò đầu bứt tai, chính chị cũng chẳng biết
chị ước mong gì, làm sao có lời giải đố ở trang sau cho mọi cái “ồ!”, “à!”, “ra
thế!” vuốt đuôi vô nghĩa. Như con tàu không xác định nổi phương vị, chạy trốn
cái gì không biết, tìm kiếm cái gì không hay, lại một lần nữa, âu cũng là lần
chót, chị phó thác cho một bến bờ nào đó ngẫu nhiên đập vào tầm mắt, trượt theo
quán tính, chỉ vì không thể không trượt.
Rồi hàng loạt những lời phỏng đoán ném thẳng vào vầng mặt trời
vừa mới ló, chúng bay loạn xạ, kết thành đám mây bọt xà phòng sặc sỡ, chế nhạo
những tia nắng thiếu tháng đầu tiên, và hàng xóm phàn nàn vào tai tôi, sao bình
minh hôm nay đến trễ.
- Một lọ nước hoa Pháp chính Hiệu!
- Tự do!
- Suốt đời giàu có!
- Quyền lực!
- Được sống theo ý mình!
- Một chuyến tham quan nước ngoài!
- Bất tử!
- Phiếu nghỉ mát Đà Lạt!
- Nổi tiếng thế giới!
Chị Hằng vẫn lắc đầu. Điều đầu tiên và điều cuối cùng con người
có thể ước mong là hạnh phúc. Mỉa mai thay, hạnh phúc chỉ là cảm giác, lấy gì
bảo hiểm cho cái cảm giác bấp bênh không sờ nắn nổi ấy, lấy gì cân đong, so đọ,
phân tách nó? Xoay chiếc nhẫn thần nào ra cảm giác vỗ cánh cho loài chim, cảm
giác liếm đất cho loài bò sát?
Đúng lúc ấy, một giọng từ tốn vang lên:
- Anh biết em ao ước một đứa con!
Chị Hằng giật thót, cặp mắt hóa đá vụt sống lại. Người vừa nói
là chàng nhân viên bộ ngoại giao với quả địa cầu vàng nguyên chất. Chị nheo
mắt, mỉm cười, anh ta có vẻ một ông bố tương lai không đến nỗi tồi, khôi ngô,
khỏe mạnh, con nhà nòi. Chị tiến lên một bước, đưa tay cho anh ta trong không
khí chết lặng của buổi sáng đến muộn, của từng ấy con tim cùng ngưng, rồi cùng
điên cuồng đập trở lại, trừ con tim của chàng đại lý xổ số vừa vĩnh viễn tắt
hẳn. Không mảy may đếm xỉa đến tai họa ấy, cặp trai gái dẫn nhau đến thẳng
phòng đăng kí kết hôn, nơi “Quang lùn” ngày đêm túc trực.
Chú rể chưa hết bàng hoàng vì hạnh phúc giành giật vào phút
chót, không còn tâm trí đâu để ý cặp mắt khác thường của người đại diện chính
quyền cứ giãy giụa mắc kẹt ở cúc áo thứ 2 từ trên xuống của người vợ trẻ.
Chương
9-10-11 ...
Chương 13 - Đám cưới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét