Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Những lời ca chưa hát… (viết về những đoạn văn “Bâng quơ Trần Tiến”)

 

Những lời ca chưa hát…

(viết về những đoạn văn “Bâng quơ Trần Tiến”)

Trịnh Thu Tuyết

Nếu có ai ghi chép hay kí âm lại được tất cả những tiếng nói trong lòng nghệ sĩ, chắc sẽ có một bản nhạc dài vô biên, mênh mang vô hạn, cao độ, trường độ thất thường lên xuống, ngắn dài như sóng, như gió, như nắng như mưa, khi như tiếng thầm thì của những người yêu nhau, khi như tiếng sói cô độc gào hú trong đêm trăng… Nhưng tất nhiên không ai làm được điều đó, kể cả chủ thể những suy nghĩ, những xúc cảm, bất chợt, đột ngột, như tia chớp loé sáng rồi vụt tắt, như tiềm thức mơ hồ đến rồi lại đi, nhanh tới mức không thể nắm bắt, như một làn hương thoáng qua, ngơ ngẩn, như gương mặt người đàn bà lướt qua cửa sổ toa tầu, gương mặt thân thuộc ta vẫn gặp đâu đó trong những giấc mơ, nhưng không thuộc về ta… Đó là những chớp sáng, những xao động kì diệu khiến nếu chạm cùng tần số, có thể cộng hưởng mà thành Big Bang tan nát đất trời.

May mắn khi tôi được đọc những ghi chép như thế của người nghệ sĩ mà cả cuôc đời tựa một khúc du ca, một cây độc huyền cầm cô đơn, buồn bã. Những ghi chép đặt dưới tiêu đề “bâng quơ mỗi ngày… dừng bước nghĩ bâng quơ, rồi lại đi, lại đi” quả rất bâng quơ, có trùng lặp, có tiếp nối, có bí hiểm, có minh triết, có cả cái dường như vô nghĩa của tư duy mơ hồ nhặt trong tiềm thức, có cả những nghĩ ngợi chạm vào trầm tích thẳm sâu của triết học… Người ta luôn viết theo đường biên rành mạch của ý thức, viết đồng nghĩa với sáng tác, và luôn định hình thể loại, thơ hoặc văn xuôi, truyện ngắn, tuỳ bút hay tản văn… Những ghi chép trên tay tôi tuyệt nhiên không phải thế, lộn xộn, tuỳ hứng, không phải ông viết hay sáng tác – ông đang sống, đang quan sát, đang suy ngẫm chiêm nghiệm, và nhiều nhất, đang xúc cảm…, hình như đây là cách để nghệ sĩ suy nghĩ, nghĩ thật nhanh, xúc cảm thật nhanh, kẻo làn hương bay, sắc màu nhạt, sóng biển tan, gió ngàn lặng, toa tàu qua…

Có dịp nói chuyện với ông về những ghi chép này, ông cũng khẳng định: Tôi không viết văn hay làm thơ. Thậm chí nhạc sĩ chia sẻ là ông cũng không viết nhạc…, ông chỉ hối hả ghi lại nguyên vẹn những thanh âm, những tiếng nói thầm thì đâu đó trong lòng mình, tiếng nói ấy vang tới đâu, ông ghi lại tới đó, khi là những mảnh ghép Ngẫu hứng với Lập ơi, Lập à…, khi ký âm trong những giai điệu người ta gọi là nhạc, khi chép lại trong những dòng ký tự đánh số vội vã 1, 2, 3… Tôi tuyệt đối tin điều đó, vì tôi vẫn nghe thấy tiếng thầm thì hoặc gào thét đâu đó trong tiềm thức của chính mình, có điều, tôi không tìm được hình thức hoặc ngôn từ, hoặc thanh âm… để ngoại hiện nó thành thơ, thành nhạc… như ông!

Cho nên, những dòng “bâng quơ mỗi ngày” của ông, quả thật, không phải thơ, dẫu thơ không vần cũng không phải; cũng không phải văn xuôi, dù đôi đoạn có nhân vật, có hoạt động; có khi như ca từ chưa khớp nhạc mà giai điệu đã ngân nga; nhưng cũng không phải tất cả, gọi là gì đây, một người bạn của ông gọi đùa “Vụn văn”, hay là vậy nhỉ – những mảnh vụn của văn chương, và ta hãy lần tìm trong đó, biết đâu lại nhặt đủ vụn vàng cho một cánh nhỏ trong “bông hồng vàng” của Giăng Samet!

Thấy trong mớ hỗn độn, lộn xộn, tưng tửng mà thiết tha, dông dài mà cô đọng… một cái tôi thống nhất, dù cũng vẫn hỗn độn như cuộc đời – cái tôi đang sống tận độ từng khoảnh khắc, suy ngẫm chiêm nghiệm bằng trái tim, xúc cảm buồn đau bằng lý trí, khắc khoải mong định danh, định tính, lý giải, cắt nghĩa và trao tình yêu cho từng mảnh vụn cuộc sống ông bắt gặp mỗi ngày…

Ông quan sát rất tinh để nhìn thấy “những con sóng nhấp nhô như đầu của những kẻ bị đắm tàu đang cố bơi vào bờ”, cái nhìn đẫm nhân tính dù thuần tuý tượng hình; nhưng tới “những con sóng cố xô vào đá để chứng tỏ mình” thì sóng đã mang khát vọng vô vọng của con người mất rồi, đá sừng sững, rắn chắc và vô tri giữa đại dương là sự kiểm chứng chính xác nhất cho những cái tôi thực ra luôn vô nghĩa của con người, cái vô nghĩa bởi vô thường vốn luôn được loài người “ý nghĩa hoá” một cách giả dối và bất lực!

Những quan sát tinh sắc khi nhận thấy “sóng nhờ bờ đá khắc khổ mà có vẻ giận hờn” – không thể không mỉm cười vì nhận xét vừa hóm hỉnh, vừa lãng mạn này!

Ông luôn nghĩ nhiều về kiếp người, về cuộc đời, về ý nghĩa của nó…

Có lẽ ông sống ở một thành phố ven biển nên suy nghĩ hay xúc cảm đều gắn với sóng, gió hay những ghềnh đá cô đơn… Ông nghĩ con người sinh ra từ sóng, những con sóng “dẫu dịu dàng hay bão tố thì rồi cũng tan ra như bọt bèo” – với cách nghĩ này thì sóng đã thực sự ánh chiếu “kiếp con người, rồi một ngày tóc trắng như vôi”! Có lần, một người bạn đã chia sẻ với tôi cảm nhận về sóng bạc đầu: sóng khi cao thấp, khi dữ dội, khi dịu êm…, nhưng tới khi trào lên thành bạc đầu là hết, tan thành nước, thành bọt… Có phải đây là sự gặp gỡ ngẫu nhiên của những con sóng cô đơn, những kiếp vô thường “sống một mình và chết cũng một mình”…

Với ông, cô đơn vừa là thân phận, là bất hạnh khi “những người yêu dấu đi cùng ta qua trái đất này…, họ đã bỏ ta đi trước, cuối đường còn mỗi mình ta, hát một mình, nhấp rượu một mình, và chết cũng một mình”; cô đơn là nỗi buồn đẫm nước mắt của đứa trẻ bên chiếc tổ chim trống không dù mỗi ngày mỗi ken dầy những sợi rơm đợi chờ ngơ ngác; tuy nhiên, cô đơn cũng còn là món quà dịu dàng có vẻ đẹp lãng mạn thuần khiết êm đềm mà chỉ những người thực sự cô đơn mới thấu hiểu và trân trọng nó, khi đó, ý nghĩ bất chợt như chạm vào triết học khi cảm nhận: “cô đơn kiêu hãnh như một ngọn cờ…”, vào họa khi nhìn thấy “cô đơn đẹp như đóa hoa nở trên đỉnh núi…”, vào thơ khi đọc ra “cô đơn hoang dại như đại bàng sải cánh bão dông…”, vào nhạc khi nghe thấy “cô đơn dịu dàng như suối hát”…

Cô đơn không chỉ có vẻ đẹp kiêu hãnh, cô đơn còn thấm thía nỗi bất hạnh bởi “đôi khi tĩnh lặng quá lại làm người ta sợ”, nỗi sợ đầy nhân tính ấy khiến ông luôn khao khát tri âm và tình yêu. Ông cho rằng, “nếu bạn yêu quý tôi thì như thế là tôi đã có mục đích sống”; suy nghĩ này dường như trái ngược với cảm nhận:” Những người mình gặp trên đời chắc cũng đã đủ rồi, gặp thêm ư, có thể mất hứng đấy” – thật ra, nếu đọc chính xác thì những lời trái ngược luôn nói với ta sự thống nhất trong tâm hồn một con người: sự ngần ngại những giao tiếp mới, thực ra lại là biểu hiện rõ nhất của một trái tim yếu đuối vừa khao khát tri âm, vừa sợ hãi bị tổn thương. Ngày xưa lắm, tôi từng nghe lời giải thích của một người ngập ngừng: không dám nói thêm, không dám đi tiếp, chính vì sợ mất hết, thay vì đỏ đen với trái tim mình, chấp nhận giữ chặt những gì đang có! Và tôi hiểu, đó có thể là một khoảnh khắc rất thật của tình yêu, như hôm nay, khi gặp một suy nghĩ về giao tình của nghệ sĩ!

Như bất kỳ ai trong cuộc đời này, ông khao khát tình yêu, suy nghĩ, chiêm nghiệm về nó, nhận ra “tình yêu mãi là một bí ẩn, nếu không, sao ta phải đi tìm và chờ đợi” – cảm nhận giản dị khiến người ta có thể lướt qua này, thực ra chứa đựng một sự thật trong tâm lý con người: người ta luôn chỉ khao khát tìm kiếm, khám phá những cái xa xôi, bí ẩn, ngoài tầm nắm bắt, vậy có khôn ngoan không khi ta “bạch hoá” con người mình, đặt mình trong tầm nắm bắt của người mình yêu mà không biết tình yêu đã biến mất ngay lúc đó! Ông cảm thấy “chỉ tình yêu mới khiến mọi việc trở nên chân thật, còn lại đều là mây khói” – lúc đầu đọc câu này, tôi mỉm cười vì nghĩ tới trái tim trẻ thơ của nghệ sĩ, tôi luôn nghĩ tất thảy mọi điều, kể cả tình yêu, nhất là tình yêu, đều là mây khói, như sóng bạc đầu, trào lên là tan.., nhưng ngẫm kỹ, trẻ thơ không biết nói dối, tình yêu, trong khoảnh khắc đích thực của nó không mây khói, nó chân thật như sự thật, dẫu chỉ trong khoảnh khắc!

Có một cảm nhận về tình yêu khiến tôi thấy bị “động chạm” dữ dội, đó là khi đọc câu:” Phải lòng cũng như nhảy xuống vực vậy, phải biết tin tưởng và buông tay” – “phải lòng”, cách nói dân dã quê mùa xứ Bắc, cách nói rất Nguyễn Bính mà không thể thay bằng hai chữ “tình yêu” hàn lâm, trừu tượng như mọi khái niệm trên đời, “phải lòng”, chỉ có từ quê kiểng này mới thể hiện được trọn vẹn cái bất ngờ, đột ngột của fall in love, mới khiến người ta cảm nhận được rõ nhất cái quyết định bỏ qua tất thảy mọi khôn ngoan, mọi thận trọng, mọi ranh giới…, nhắm mắt – bởi “một mắt là mây mù, mắt kia là nắng ấm” – và buông lơi, buông rơi, buông bỏ…! Bỗng nhớ từ xưa lắm, có cô bé tuổi hai mươi ước ao “được lao mình như chim ưng trong lúc khổ đau/ để vực thẳm nghiền tan mọi buộc ràng đau khổ/ để bên tai mình chỉ còn tiếng gió gào và sự cảm thông”…

Ông luôn trăn trở về cuộc sống thân thuộc mà xa lạ, đẹp đẽ mà khắc nghiệt này! Trăn trở nhiều nhất về ý nghĩa của cuộc đời khi cho rằng: “Nếu có gì để mất, cuộc đời mới đáng sống” – suy nghĩ số 36  này giống như một châm ngôn, đúng tới sững sờ – ừ xưa nay người ta hay nói về “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, nhưng tâm thế ấy có thực cao cả không nếu con người sống trên cuộc đời này, đi qua cuộc đời này mà luôn như một cánh hồng nhẹ bẫng, không có gì để mất!

Trăn trở về cách sống, “hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng” – đó thực sự là cách sống giúp chúng ta có thể sống tận độ với cả cống hiến và hưởng thụ – nếu biết hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, chắc chắn ta sẽ yêu hơn một ngọn sóng vỗ miệt mài vào ghềnh đá, sẽ nắm bắt mọi cơ hội để có thể trốn vé lên toa tàu, tìm tới khung cửa sổ có gương mặt người đàn bà xa lạ và thân thuộc, để nói với nàng một lời vô nghĩa và lúng túng như một cậu học sinh trung học, để không phải tiếc nuối nhìn đoàn tàu lướt qua vĩnh viễn khỏi cuộc đời…

Khi quan niệm “Cũng như nước, rồi sẽ bốc hơi. Ai rồi cũng chết. Ta sống không phải để sợ chết. Ta chỉ sợ sống chưa đủ…”, có thể thấy ông có cách yêu cuộc sống vừa bản lĩnh khi tỉnh táo thấu triệt quy luật cuộc đời, vừa say đắm, tham lam (như cái tham lam của Xuân Diệu xưa khi “muốn ôm – cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”)! Cùng là nỗi sợ, “sợ chết” là cái sợ hèn kém của kẻ tham sinh uý tử, “sợ sống chưa đủ” là cái sợ của người yêu cuộc sống tới vô hạn vô cùng!

Là nhạc sĩ, mọi suy nghĩ, xúc cảm của ông đều đẫm nhạc tính, từ điểm xuất phát tới đích đến cuối cùng! Ông lắng nghe bản giao hưởng của vũ trụ mà nhận ra từng bè riêng của sóng, của gió:

“Sóng nhờ bờ đá khắc khổ mà có vẻ giận hờn và nói nhiều hơn khơi xa. Gió nhờ rừng cây im lặng, biết chia sẻ, mà có vẻ phiêu du, gào hú. Ngoài mênh mang biển, sóng gió cũng chỉ hát một hai bè, thầm thì, rì rào khúc đồng dao cổ xưa”; ông nhận chân nỗi buồn là hồn của nhạc, “Nếu không còn nỗi buồn nữa thì viết nhạc để làm gì” – mà quả thật, khi vui, mấy ai nghĩ tới nhạc, chỉ khi buồn, người ta mới gửi lòng trong nhạc, náu mình trong nhạc… nhờ cái không lời này nói hộ cái không lời khác, để tìm trong mênh mang một tri âm nghe thấu “The Sound of Silence”!

Một nhạc sĩ đích thực sẽ không thể không đau xót trước thực trạng âm nhạc hôm nay – ông cố lý giải tất cả những sự thay đổi giá trị trong thẩm mĩ âm nhạc, sự lý giải lộn xộn như ý nghĩ nguyên sơ khiến người chia sẻ càng đau đớn: “Loài người không còn háo hức nghe nhạc của chính mình nữa. Những kẻ lang bạt không còn. Những khúc du ca biến mất. Nhạc không còn là một nhu cầu độc tôn. Nhân gian bây giờ thèm đủ thứ, muốn đủ loại. Thế gian sẵn sàng đáp ứng một cách tận tình, thừa mứa. Chỉ cần có tiền, kể cả muốn được chết. Cái gì mua được thì không còn hấp dẫn nữa. Bài hát của loài người bỗng dưng nhạt nhẽo là vì vậy. Cổ họng bây giờ dùng để hò hét cùng với những động thái kỳ dị của body. Tiếng hát đã tắt”! Tiếng hát sẽ tắt, cái đẹp sẽ chết nếu hồn cốt của âm nhạc không được quan tâm bằng những vũ điệu không hẳn nhằm phụ hoạ!

Dẫu là những ” vụn văn”, vẫn thấy rõ nét con người nghệ sĩ từ Ngẫu hứng, ví như tình yêu với cuộc đời, với cha mẹ, với bạn bè, với quê nhà… Dừng lại ngẫu nhiên một ghi chép “Sống không đưa ta đi xa hơn quê nhà”, lại thấy ngỡ ngàng vì tính triết luận chân xác của một cảm nhận có lẽ chỉ là ngẫu hứng – hình như đúng vậy thật, cả cuộc đời ta, đi đâu, làm gì, xa tít tắp hay cao vời vợi, cũng không vượt qua được những mạch nguồn vương vấn lẩn quất gắn kết trì níu với sự thân yêu lắm lắm tự “quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng…”!

Có một “nhân vật” (thật ra không phải là “nhân”, dù ai cũng hiểu là “nhân”!) trở đi trở lại trong những ghi chép của nghệ sĩ khiến tôi bị ám ảnh, đó là “con gián”! Có lẽ không một hình tượng nào buồn bã, nhỏ nhoi, tội nghiệp hơn những con gián suốt đời náu trong “bóng tối tẻ nhạt của những bức tường”, hình như đây là ánh chiếu thê lương của những kiếp người khuất sau bóng tối nhìn ra phía bên ngoài đông đúc, lớn lao, rực rỡ, náo nhiệt – những kiếp phận chỉ được ghé nhìn mà không được tham dự vào cuộc sống!

Đọc năm khúc “bâng quơ mỗi ngày” của nghệ sĩ, thấy tiếc vì những “bâng quơ” đã không được ghi lại, thấy bất lực vì không thể nắm bắt tất cả những vụn vàng trong những bâng quơ ngẫu hứng đã, đang và sẽ theo gió bay đi. Đành chép lại hai mẩu vụn số 48 và 50:

“… Anh kia bảo thợ đặt xuống. Bà kia bảo thợ kéo lên. Lão già ngồi hút thuốc. Cún sủa lẵng nhẵng. Bà kia bảo thợ kéo lên. Anh kia bảo thợ đặt xuống. Con cún sủa lẵng nhẵng. Lão già thì vẫn lặng lẽ hút…” (48)

“…Chả biết vì sao

Cô bán rượu rất xinh

Lại sống một mình

Cho đến khi tôi xa lìa

Mãi không hiểu vì sao biển lại xanh

Con gián nằm buồn bã góc tối và

Chả biết vì sao

Cô bán rượu rất xinh

Lại sống một mình” (50)

Người ơi thấy không, hãy giữ lại những vụn văn này, vì chỉ vài mảnh vụn nhặt ra từ bản nhạc không đầu không cuối của cuộc sống, đã như những ca từ, dầu chưa phổ nhạc mà đã ngân nga, ngân nga…

Ai đọc những dòng này của tôi cũng có thể mỉm cười: Chao, những ghi chép giữa bữa nhậu mà bày đặt gán nghĩa cho nó…! Cười là quyền của mọi người, khóc là quyền của tôi, tôi đã cố hiểu nghĩa của những bức tranh Van Gogh vẽ trong điên loạn, đã cố chia sẻ những xúc cảm đau đớn trong các bài thơ Phùng Quán viết giữa những cơn say, và giờ, tôi muốn đúc một bông hồng vàng từ những vụn vàng văn chương của nhạc sĩ du ca lãng tử, con người cô đơn như cây độc huyền cầm lẻ loi của đời ông!

Và ta hãy hát những lời ca chưa có nhạc của nghệ sĩ, nhưng theo giai điệu, tiết tấu tự lòng mình!

Có sao đâu nhỉ!

Trịnh Thu Tuyết

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét