CÁC VĨ NHÂN TÌNH LẺ
Phần 4
Dương Thu Hương
Rồi một ngày, cơn gió bấc đầu
tiên thổi tới. Đã lập đông. Tôi chợt nhớ phố phường Hà Nội, tiếng xào xạc của
những vòm lá giữa ồn ào đô thị, làn bụi mờ dọc các đại lộ đông người xe qua lại
và mùi hoa sữa ma quái như bùa mê. Ở tỉnh lỵ Q, từng đoàn thuyền cặp bến, chở hạt
dẻ lẫn trám muộn cho những kẻ buôn hàng lâm sản vét nốt về miền xuôi. Lẫn vào
các bao hạt dẻ và trám đã có những sọt măng khô, măng nứa, măng giang, măng le
nhiều hơn là măng lưỡi lợn. Mẹ tôi mua trữ vài cân. Bố tôi đã bình phục hoàn
toàn, ngày nào cũng đòi tôi ngồi tiếp dăm bảy ván cờ và nói chuyện thời sự. Ông
cụ cứ tưởng đâu rằng hễ cứ ở thủ đô Hà Nội thì một cậu thợ in tráng phim quèn
như tôi cũng biết đủ chuyện bàn tròn bàn vuông giữa Goóc- ba- chốp và Ri- gân.
May sao, tôi vốn thích đọc. Sát hợp tác ảnh của ông chú tôi là nhà một bà vụ
trưởng tuy đã già nhưng tính tình còn đỏm dáng. Bà này có thú chơi ảnh. Đi nước
nào bà cũng chụp hàng chục cuộn phim. Khắp nhà bà, ảnh treo la liệt như một cuộc
triển lãm nhiếp ảnh tự tạo. Cứ lâu lâu, bà lại hạ các khung kính xuống, bóc lớp
ảnh cũ đi và thay vào đó lớp ảnh mới. Tháng nào tôi cũng nhận rửa phim, tráng
phim, in ảnh cho bà. Nhờ thế, tôi sang nhà bà, thường xuyên đọc bản tin của
thông tấn xã. Cái kho tư liệu tưởng như vô bổ ấy lúc này rất hữu ích.
Mỗi hôm tôi kể cho bố tôi
nghe một ít, lần lượt theo trình tự của trí nhớ. Ông cụ nghe tất cả những tin tức
ấy hau háu như trẻ con ngóng quà.
- Trời cho thằng cháu tôi
cái dạ sáng như thần đồng. Từ hạt cát đến cái cây, từ chuyện đấu đá nhau bên
Tàu đến chuyện bầu cử tổng thống ở nước Mỹ, không có gì lọt khỏi đầu nó.
Lúc nào tôi vắng nhà, cụ
khoe với bè bạn, xóm giềng như thế. Khi tôi ở nhà, cụ xăng xái bày đủ trò nấu
xôi, nấu cháo, làm nem, làm chả cho tôi ăn. Tôi yêu và thương cụ nhưng phải
nghĩ tới ngày rời tỉnh lỵ Q trở lại Hà Nội. Vũ Sơn cũng bảo với tôi rằng anh đã
tiêm hết số thuốc kháng sinh lẫn thuốc bổ đem theo. Thời gian rong chơi ở quê đủ
rồi, quay về Thủ đô là hợp lý. Thanh Dương không nói gì. Anh ta đang rơi vào mê
lộ của tình yêu, không sức mạnh nào kéo nổi. Vả lại, đã lâu nay, chỉ tôi và Vũ
Sơn đi chơi với nhau. Có gặp chúng tôi, Thanh Dương cũng tìm đủ cớ thoái thác
hoặc lẩn trốn. Một lần, Vũ Sơn bảo tôi:
- Thằng ấy bây giờ ăn cháo
lú. Nói với nó làm gì cho mỏi miệng. Nhưng thế nào tôi cũng sẽ cho nó một trận
ra trò. Anh bảo tôi thư thả cho anh thu xếp vài việc vặt trong nhà rồi chúng
tôi sẽ rời Q, kệ cho Thanh Dương đi sau.
Hò hẹn xong, tôi về quê thăm
đám bà con nội ngoại theo yêu cầu của bố mẹ tôi. Lúc trở về thị xã, hai chiếc
túi da của tôi nặng trĩu những đỗ lạc, nếp, vừng, cả kê nấu chè lẫn mấy nải chuối
đang dấm. Tôi chọn mỗi thứ một ít, đem sang cho Vũ Sơn. Lúc ấy khoảng ba giờ
chiều, trời khá lạnh nhưng anh cởi trần giẫm bì bọp dưới hố. Chiếc kính cận gọng
giả đồi mồi tụt xuống tận chóp mũi. Anh bảo tôi:
- Phải trát cho mẹ con nó
cái vách chuồng lợn. Dạo này cô ta quen bà trưởng cửa hàng lương thực, mua được
cám rẻ đâm ra xây mộng nuôi lợn làm giàu.
Tôi bảo:
- Tôi giúp anh một tay nhé.
Anh gạt phắt đi:
- Thôi khỏi, tôi trót đèo
bòng cái của nợ vợ con thì tôi phải chịu trời hành. Cậu can cớ gì mà ghé vai
vào. Lên nhà uống nước chờ tôi. Nửa tiếng nữa là xong.
Tôi xách chuối với mấy thứ lỉnh
kỉnh vào nhà rồi tìm cuốn Tam quốc chí đọc lại. Lát sau thấy vợ Vũ Sơn dắt xe
vào sân, dựng xe rồi chạy ra đường, khệ nệ lôi vào hai chiếc rọ tre đựng lợn con.
Một con còn sống hếch mõm lên kêu. Con kia đã chết cứng, duỗi bốn cái cẳng chân
hồng nhợt chỉ lớn hơn chiếc đũa cả chút xíu. Đang hì hục nhào vữa, Vũ Sơn ngẩng
lên:
- Lợn ở đâu thế?
Vợ anh không trả lời, chị ngồi
xuống khúc gỗ gần đấy.
Vũ Sơn nhắc lại:
- Lợn ở đâu?
Người đàn bà vẫn im lặng. Vẻ
mặt chị nửa như hằn học, nửa như giận dỗi ai đó và cả hai thứ trạng thái ấy núp
sau sự ù lì. Vũ Sơn sẵng giọng:
- Cô lịch sự với tôi một
chút chứ, tôi đã hỏi lợn ở đâu?
Có lẽ, lúc áy mắt anh quắc
lên dữ tợn sau tròng kính và người đàn bà bắt đầu sợ hãi. Chị đáp:
- Hợp tác xã Miễu Sơn.
Tôi thấy Vũ Sơn ném nắm vữa
trong tay xuống hố nhảy phắt lên sân, anh cười nhạt một cách đáng sợ:
- Tôi biết mà, của thằng cha
Hải phải không?
Vợ anh im lặng. Vũ Sơn bước
lên vài bước chân, đứng trước mặt chị ta, cái lưng dài lom khom cúi xuống, và
giọng nói bỗng trở nên thì thào ghê rợn:
- Hứa với nó là nhà em sẽ viết bài cho hợp tác xã chăn nuôi Chiến Thắng của anh, đúng không?… Anh cho em xin đôi lợn giống đúng không?… Rồi trước Tết, nó sẽ cho người mang biếu cô một con sáu chục cân vừa đủ xuất chuồng, với danh nghĩa là lợn thanh lý, đúng không?… Trông cái mặt cô, tôi đã đoán ra những trò đê tiện đó? Cô có biết thằng cha đó đã tham ô bao nhiêu tiền không? Cô có biết nó đã hiếp bao nhiêu đàn bà, con gái không? Cô có biết rằng những người lương thiện trong tỉnh này đang công phẫn vì sự bao che của ông chú ruột nó, phó chủ tịch tỉnh… Bây giờ, cô buộc tôi phải viết bài ca ngợi phẩm hạnh tài năng của nó, để giữ lại cho nó cái ghế đã bị cưa đứt ba chân?…
Vợ anh cúi mặt xuống. Có lẽ
chị ta đã cảm thấy lờ mờ những tai họa phía sau việc làm vụ lợi của mình. Cũng
có lẽ, chị ngửi thấy trước cơn giông tố sẽ ập đến mái nhà này bằng vào gương mặt
tái mét của người chồng, bằng vào đôi tay run rẩy của anh, bằng vào giọng nói
ghê rợn như hàm chứa nỗi đau khổ và xa xót đã chồng chất qua nhiều năm tháng.
Tuy thế, chị cũng không biểu lộ một cử chỉ nào để ghìm giữ hoặc xoa dịu cơn
giông tố ấy. Chị vốn luôn luôn có vẻ mặt ù lì. Tôi thấy những hơi thở dồn dập của
anh vọng vào tận trong nhà, nơi tôi ngồi… Tôi thấy vệt bùn vữa bám trên tay anh
run rẩy theo cơn run rẩy toàn thân. Thời khắc trôi qua nặng nề, rồi bất chợt Vũ
Sơn gầm lên:
- Mang lợn đi trả.
Người đàn bà ngồi im.
- Tôi bảo cô mang lợn đi trả.
Vũ Sơn dằn từng tiếng một, đầu
anh cúi thấp hơn nữa, sát vào bộ mặt vô cảm của chị vợ. Chị ta ngẩng lên, nhìn
chồng và đứng dậy, lúng búng:
- Nhưng chết một con rồi.
Vũ Sơn đáp:
- Chết thì đền.
Đoạn, anh chạy xộc vào nhà.
Vẫn cứ đôi tay lấm lem bùn vữa thế, anh thọc vào tất cả túi áo, túi quần treo
trên mắc, móc toàn bộ số tiền có trong đó, từ đồng bạc trăm tới tờ hào lẻ. Ném
cả mớ tiền ấy trước mặt vợ, anh quát:
- Cầm lấy, cầm lấy và đi
ngay cho khuất mắt tôi.
Người đàn bà cúi xuống lượm
đống tiền, làu bàu gì đó trong miệng nhưng không dám nói to. Rồi chị ta buộc
hai cái rọ lợn lên xe, dắt khỏi cổng.
Vũ Sơn ngồi phịch xuống bậc
thềm. Anh thở hộc lên từng hồi một, tấm lưng dẹt phập phồng, lấm tấm vệt bùn
bám. Tôi bỏ cuốn Tam quốc, ra ngồi bên anh, lặng lẽ. Hồi lâu, anh hất mớ tóc
trước trán lên và nói với tôi bằng một giọng chậm rãi:
- Phẩm hạnh của chúng ta,
lương tâm nghề nghiệp của chúng ta, những ước vọng của chúng ta sẽ hư nát, sẽ
thối rữa dần dà khi ta trói buộc số phận với một con đàn bà nào đó. Thoạt tiên,
ta yêu nó vì gương mặt nó đẹp hay giọng nói nó vui tai, vì cái vẻ đần độn ma ta
lầm tưởng là sự hiền thục hay thói ích kỉ mà ta ngỡ là sự căn cơ, ngăn nắp. Sau
rồi, nó nắm lấy tóc ta mà lôi theo những ham muốn không cùng. Mỗi con đàn bà là
một cái thùng không đáy rót vào đó bao nhiêu cũng chẳng đầy… Này Nam, tôi
khuyên cậu nếu cậu muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa toàn vẹn, chớ có bao giờ
lấy vợ.
Khóe môi Vũ Sơn run run, tái
nhợt. Tôi cảm thấy như trong mỗi lời nói, ứa r một giọt lệ nóng và đục. Để khỏa
lấp trạng thái ấy, tôi lắc đầu cười:
- Tôi chẳng dại. Tôi chỉ làm
nghề tráng phim, in ảnh loèn quèn, không ước vọng gì lớn. Tôi phải lấy vợ thôi,
tôi sợ cô đơn lắm, nhà báo ạ…
° °
°
Càng già, người ta càng yếu
đuối, dễ mủi lòng, dễ giận dỗi như trẻ con. Thấy tôi săm sắn thu xếp quần áo, mẹ
tôi khóc sùi sụt, bảo bố tôi:
- Giờ anh ấy như chim ra
giàng rồi, anh ấy bay nhảy, chẳng đoái hoài gì tới hai nắm xương khô ở đây.
Bố tôi tán đồng ngay ý nghĩ
đó và nói rằng tôi không còn giữ được gốc rễ, không yêu thương thờ phụng đất tổ
tiên, rằng tỉnh lỵ Q mới là nơi toàn thể gia tộc chúng tôi gửi xương, gửi cốt,
muôn ngàn kiếp chứ không phải Hà Nội. Cãi lý với người già là việc điên khùng
mà tôi đã sớm rút ra bài học từ đám bạn học cùng tuổi. Tôi treo áo quần lên mắc,
hứa sẽ ở lại Q nửa tháng nữa. Khi bố mẹ tôi yên tâm rồi, tôi đến nhà Vũ Sơn
thông báo và khuyên anh đi trước nếu cần đi.
Vũ Sơn đang nằm, thò cổ khỏi
chăn đáp:
- Ừ ừ… để tôi xem đã…
Hẳn anh đang nghĩ tới đoạn
đường ô tô bụi bặm và những bến phà:
- Quê với quán, cách rách
sông đò, không nghĩ thì thôi, nghĩ thêm chán ngắt. Giờ còn cứng xương, săn thịt,
đi lại chưa ngại. Mai sau gối chùng, chân mỏi, cứ lọm cọm từ đây ra đến Hà Nội
cũng đủ hết hơi…
Anh làu bàu, trước khi vớ
chiếc điếu cày, nạp một mồi rõ to rít lên sòng sọc. Chúng tôi nhìn qua sân thấy
đứa con trai lớn của anh đang vật nhau với một thằng bé khác. Cu cậu cố sức giằng
lấy hòn bi trong tay đối thủ. Tôi định chạy ra can, Vũ Sơn gạt đi:
- Kệ nó. Được nó ăn, thua nó
chịu. Đời công bằng, không ai che đỡ nổi cho ai.
Trong một phút sơ hở, thằng
bé kia vùng chạy, tay vẫn nắm chặt hòn bi. Đứa con trai Vũ Sơn cắm đầu đuổi
theo vẻ quyết liệt và cả hai đứa mất hút sau cánh cổng. Chúng tôi nhìn ra đường,
nơi thi thoảng gió tung lên một đám bụi, xe và người qua lại thưa thớt, chậm chạp,
đúng với âm điệu muôn đời tỉnh lỵ. Ở đây, khó có cái gì khuấy được bầu không
khí yên ả ngái ngủ này, một thứ không gian gợi cho ta những cảm xúc mờ nhạt,
khó nhận biết, một chút nhớ nhung xa vắng, một chút bân khuâng khi hồi ức trở về,
một chút khát khao khi tiếng còi tàu vọng từ nhà ga nào đó tới, cả một chút day
dứt, bực dọc mà chẳng hiểu nguyên cớ ở đâu…
Chừng như hiểu những ý nghĩ
của tôi, Vũ Sơn nói:
- Ở đây lâu ngày, người tinh
khôn mấy cũng hóa đần. Cuộc sống này không buộc người ta phải giao tiếp, phải cọ
xát với các tình huống, phải phản ứng trước những…
Tới đó, tiếng máy ầm ĩ vọng
đến cắt lời anh. Một chiếc mô- tô ba bánh lao vào, đổ sát cánh cổng và một chiến
sĩ công an trẻ nhảy xuống. Anh ta gỡ mũ, chạy qua sân:
- Anh Sơn, anh Sơn ơi…
Vũ Sơn vẫn ngồi xổm trên giường,
vai khoác chăn, đáp:
- Vào đây uống nước đã
Khánh. Đi đâu mà vội thế chú mày?
Khánh bảo:
- Đi đi anh. Có một vụ tự vẫn
vừa xảy ra. Tổ thằng Thăng đã xuống theo dõi, lập biên bản. Em nhớ tới anh nên
vòng xe lại đây. Khẩn trương lên, kẻo xuống tới nơi, họ xóa hiện trường rồi thì
hết chuyện.
Nhanh như sóc, Vũ Sơn hất
chăn khỏi vai, nhảy xuống giường mặc quần áo. Vừa cài khuy, anh vừa hỏi:
- Cả bạn tôi đi, được không?
Khánh gật đầu:
- Vâng, xin mời anh.
Vũ Sơn nhảy lên xe, kéo tôi
theo. Lúc này, anh hoàn toàn là một phóng viên thiện nghệ.
Khánh nổ máy, cua ra đường
phố. Chiếc xe của anh vọt lên thả đám vọt lên thả đám khói về phía sau. Chừng
tám cây số ngược lên phía bắc, đến ngã ba, nơi con đường chia hai nhánh, Khánh
rẽ sang tay trái. Từ đây, xe chạy dọc theo sống đê, có đoạn bằng phẳng, có đoạn
gồ ghề, tốc độ chậm lại. Tuy thế, cũng chỉ mười lăm phút sau, Khánh đã tắt máy,
khóa xe dưới một gốc bàng đứng chơ vơ trên gò đất giữa ruộng. Anh dẫn chúng tôi
lội qua khúc đồng hẹp, leo lên bờ đê. Tới đó đi xuôi xuống chừng non trăm mét,
nơi khóm thuyền neo cụm lại, một đám đông tụ tập sát mí nước. Thấp thoáng mấy bộ
đồng phục cảnh sát trong đám người lố nhố. Khánh giơ tay chỉ:
- Tổ của Thăng đang còn làm
việc.
Vũ Sơn và tôi không hỏi gì
thêm, hối hả bước. Vũ Sơn cao hơn cả, chân anh sải như chân cò. Tôi và Khánh phải
vừa đi vừa chạy mới theo kịp anh. Tới nơi, Khánh rẽ đám đông đi trước, Vũ Sơn
và tôi bám lưng anh. Khi đã lọt giữa vòng người, chúng tôi dừng lại: Trên nền cỏ
ướt, xác người thiếu phụ có nước da ngà còn tươi rói. Tôi nhắm mắt lại. Khi cơn
choáng váng qua, tôi cố gắng tự trấn tĩnh để nhìn gương mặt hứa hẹn biết bao
yêu đương dịu ngọt giờ nằm phơi dưới ánh trời. Hai bầu má mịn màng tưởng chừng
sắp lay động, xoáy xuống một lũm đồng tiền và phô nụ cười rực rỡ. Những món tóc
đen nhánh của chị bết trên trán, rơi thành từng món trên đám cỏ ven sông. Cặp
mi khép lại nhưng dường như chính lúc ấy nó khơi mở cho cuộc đời một thế giới
bí ẩn và sống động. Một tay người đàn bà vắt trên ngực, tay kia thủ dọc theo sườn.
Lúc tự vẫn chị đang mặc bộ quần áo trong nhà, chưa kịp thay. Một chiếc quần lụa
mỏng và tấm áo cộc tay. Tất cả dán vào da thịt thiếu phụ, nửa như che dấu lại nửa
như phô phang tấm thân thon thả, tràn trề sinh lực. Tiếng ai đó thì thào:
- Lúc đó, tôi đang vo gạo nấu
cơm trên thuyền. Tôi tưởng chị ta tắm vì chị ta còn bơi một hồi nhanh như con
rái nước. Tôi lãng đi, lúi húi nhóm lửa. Rồi bỗng dưng, tôi thấy nóng ruột. Tôi
bỏ nồi cơm lên bếp chạy ra mũi thuyền, thấy bong bóng sủi từ đáy nước lên…
Mắt mời đi, tôi không nghe
được những lời khai tiếp của các nhân chứng với tổ công an đang hành sự. Người
đàn bà ấy nằm trước mắt tôi, như đang ngủ, như sắp nhỏm dậy mỉm cười. Ánh mắt
ngỡ ngàng và cầu khẩn, cặp môi như trái chín, vẻ cam chịu xé lòng… Chị hiện lên
trong tôi, sống động và gần gũi, trong buổi trưa tràn trề nắng, bên những vườn
cà vườn ớt xanh thắm, bên dòng nước sủi bọt… Tôi bỗng thấy lạnh, thấy cô đơn.
Tôi chìm trong cảm giác đó mãi, cho tới lúc một người đàn ông xô gạt đám đông,
nhảy bổ vào. Anh ta ôm thiếu phụ, bỏ mặc mọi lời ngăn cản. Ngay tức khắc, tôi
hiểu đó là chàng thiếu úy giải ngũ, tính tò mò khiến tôi tĩnh trí lại. Tôi lùi
về phía sau, ngắm nghía. Anh ta cũng trạc tuổi tôi, nhưng rắn rỏi hơn. Da ngăm
đen, ngực nở. Tấm thân cân đối tràn đầy sinh lực. Mái tóc rất đẹp với những gợn
sóng quăn tự nhiên. Anh úp mặt xuống xác người đàn bà, những thớ thịt trên vai
và lưng rung chuyển. Người đàn ông đang cố ghìm giữ nỗi đau đớn. Ngay cả tiếng
nức nở của anh cũng chỉ là một tia lửa vụt khỏi miệng hỏa diệm sơn đang sôi sục
dưới lòng sâu.
- Tôi đã giết vợ tôi…
Luồn một cánh ta, nâng vai
thiếu phụ lên, anh ta lẩm bẩm:
- Hồng ơi, chính anh đã giết
em… Sao anh ngu dại vậy? Anh đâu có ngờ vực em, nhưng anh nặng lời để em phải
trạnh lòng, anh muốn em cương quyết chấm dứt cảnh sống ngang trái này đi. Anh
muốn chúng ta hạnh phúc… Trí óc anh ngắn ngủi, anh không hiểu rằng một lời cay
độc của anh cũng làm em đau đớn hơn trăm trận đòn thù của kẻ kia… Anh đã giết
em…
Toàn thân anh ta rung lên dồn
dập, trong một cơn nấc kéo dài. Ghì xiết xác thiếu phụ như muốn níu kéo lại sự
sống hạnh phúc, người đàn ông cất tiếng cao hơn, hối hả, thống thiết:
- Này, Hồng… Em có nghe anh
nói không? Nghe anh nói đã…
Đừng đi đâu nữa, chờ ở đây.
Anh về lấy thuyền đưa em sang bên sông…
Tôi bảo Vũ Sơn:
- Cho tôi về. Tôi muốn về.
Vũ Sơn lẳng lặng kéo áo
Khánh. Anh công an lách khỏi đám đông, đưa chúng tôi ra. Ngược bờ đê, chúng tôi
lội qua đồng, tới gốc bàng để chiếc xe mô- tô của Khánh. Anh công an bảo Vũ
Sơn:
- Con gái làng Mơ đẹp nhất tỉnh
mà cũng đa đoan nhất tỉnh. Cách đây bốn năm cũng đã có một cô trầm mình ở khúc
sông này, hồi đó anh có ở nhà không?
Vũ Sơn đáp:
- Dạo đó tôi đang dự cuộc họp
do hội nhà báo quốc tế tổ chức. Lúc về, tôi có nghe.
Chúng tôi lên xe trở về thị
xã.
Đêm ấy, tôi không ngủ được.
Trăng đầy sân, làm những chiếc thau nhôm sáng như bạc. Các bức tường gấp khúc,
đổ bóng xuống. Ngoài đường, rặng cây du trắng xóa như phủ bột vôi. Không gian
trở nên mênh mông xa lạ, từ dãy phố hẹp tới những ngọn đèn trên cây cột sắt cổ
lỗ, từ chóp nhà thờ sau ngọn đồi phía Tây tới khoảng sân lầm bụi, nơi đám người
bán quà rong cho khách quá giang ngồi túm tụm đánh cờ… Dường như chúng đã tách
khỏi cuộc đời bình ổn nơi tỉnh lỵ, tựa ruột một trái cây tách khỏi lớp vỏ bao bọc,
lơ lửng giữa những gợn gió vô hình của tai ương, chìm nổi giữa những con sóng bạo
liệt, tối tăm nơi dục vọng con người. Một lần nữa, cảm giác đơn côi tràn ngập
trong tôi, tôi bỗng muốn thu nhỏ lại, trở thành đứa trẻ lên ba, ngồi giữa lòng
mẹ. Từng phút một, tôi nghe tiếng dòng sông gào réo, những đám bọt xoay tròn
trên mặt sóng, chiếc thuyền trôi dọc bờ nước chở người đàn bà đi, cái lúm đồng
tiền xoáy sâu bên bầu má ửng hồng của chị và đôi mắt đen nửa khép nửa mở mời gọi
con người. Tại sao cuộc ra đi của chị lại gieo vào tâm hồn tôi nỗi đau quặn thắt,
nỗi lo âu giằng xé khôn nguôi… Tại sao?… Trái tim trai tráng của tôi không thể
giải đáp, nhưng tôi biết chắc chắn một nhu cầu đang thúc ép: Phải rời bỏ Q
ngay.
Qua một đêm thức trắng, sớm
hôm sau tôi thu xếp áo quần, nói với bố mẹ rằng tôi phải ra đi nội nhật ngày
hôm đó. Xong xuôi, tôi lên báo với Vũ Sơn. Anh bảo:
- Tôi cũng đi với cậu luôn.
Nhưng trong ngày hôm nay thì chưa thể xoay được vé. Để sáng mai…
Chiều hôm ấy, tôi nằm ngủ mê
mệt trong buồng. Khoảng gần sầm tối, tiếng người nói chuyện rì rầm khiến tôi thức
giấc. Lắng nghe, hóa ra tiếng Vũ Sơn. Anh kể cho bố tôi nghe mấy người quen thuộc
trong thị xã đang nhờ anh làm giúp những công việc trọng đại, vậy mà anh rất bận,
luôn luôn thiếu hụt thời gian. Bố tôi hỏi cặn kẽ từng trường hợp một, với lời
phẩm bình nhiệt tâm, lý thú. Cứ sau mỗi chuyện, ông lại nhắc cái điệp khúc:
- Anh là người rộng rãi, quý
hóa quá. Các cụ nói rồi: Gieo ơn cho người là để phúc cho con cháu, nhưng anh
cũng phải dè chừng, nhân gian bây giờ nhố nhăng lắm, không cẩn tắc thì làm ơn mắc
oán như chơi.
Vũ Sơn đáp:
- Vâng, bác dạy chí phải,
cháu vẫn phải đề cao cảnh giác luôn luôn. Lòng dạ con người thời nay nó rối như
trận đồ bát quái…
Chút nữa tôi bật tiếng cười.
Giọng điệu của Vũ Sơn sao mà tương đắc tương đồng với cụ già làm vậy. Tôi chưa
gặp người nào ở lứa tuổi chúng tôi có được cái khẩu khí như anh. Hai người còn
hể hả đối thoại thêm một lát nữa. Rồi, Vũ Sơn nói:
- Kỳ này cháu phải đi xa.
Bố tôi hỏi:
- Đi đâu?
Anh đáp:
- Chắc là xa hơn các kỳ đi
trước.
Giọng bố tôi đầy hào hứng,
tò mò:
- Anh lại đi họp báo quốc tế
hay sao?
Vũ Sơn đáp:
- Không, kỳ này cháu cắp cặp
hầu các cụ.
Bố tôi hỏi:
- Anh theo phái đoài của nhà
nước hay của Đảng?
Đáp:
- Đi đợt này là phái đoàn của
nhà nước bác ạ. Việc đại sự đấy. Người như cháu mà chỉ được cắp cặp theo hầu
thôi.
Im lặng vài giây. Rồi Vũ Sơn
nói tiếp:
- Cháu phải mượn bác bộ com-
plê với chiếc mũ lông. Đi mùa này rét lắm, tuyết dày đến mắt cá chân. Bộ com-
plê của cháu vừa mỏng vừa nhạt màu, trông không đứng đắn. Đi họp theo hội này hội
kia tha hồ ăn mặc nhí nhố, chứ đã cắp cặp cho các cụ thì phải ăn mặc cho
nghiêm.
- Đúng rồi.
Bố tôi tán đồng: Y phục
tương xứng kỳ đức, các cụ dạy chẳng bỏ đi câu nào, anh ạ…
Tôi nghe ông già lê dép, rồi
tiếng chìa khóa lách cách mở tủ. Những âm thanh nhè nhẹ khác, tiếng gói giấy sột
soạt và sau đó, giọng Vũ Sơn:
- Cháu cảm ơn bác, bộ quần
áo này thật xứng đáng tham dự vào một dịp công cán trọng đại như thế.
Anh chào bố tôi ra về với giọng
hỉ hả. Cụ tiễn anh cũng với giọng hỉ hả như thế. Khoảng bảy giờ tối, mẹ tôi gọi
tôi dậy ăn cơm. Có lẽ do vẻ mặt quá thất thường của tôi, hai cụ không thắc mắc
thêm một lời về việc tôi quyết định ra đi đột ngột thế. Cơm xong, tôi lững thững
đi dọc phố, chỉ với một mong muốn duy nhất là những hình ảnh liên tục bên ngoài
sẽ làm tôi quên cái chết của thiếu phụ. Trên đường, tôi chợt thấy Vũ Sơn từ nhà
chủ tịch Dự đi ra, trông anh quá sang trọng và bạnh chọe trong bộ com- plê ông
bố tôi vừa cho mượn. Theo sau anh, cậu ca sĩ Ngọc Sang dắt chiếc Vet- spa, điệu
bộ vừa uy nghiêm vừa suồng sã của một cán bộ quản lý với người phù tá cho mình.
Sau đó, anh leo lên xe ngồi. Và chàng ca sĩ Ngọc Sang lái Vet- spa điệu như một
tài tử đua mô tô, chở Vũ Sơn đi. Cuộc diễu hành ấy diễn ra trước ánh mắt thèm
muốn của cư dân tỉnh lỵ.
° °
°
Chúng tôi về Hà Nội được ba
tuần. Nhịp sống bình thường lôi cuốn con người nhanh hơn họ tưởng tượng. Ngay
khi tôi trở lại hợp tác, tay thợ in tráng phim hợp đồng thanh toán công xá chuồn
ngay. Anh ta để lại một đống phim sai tiêu chuẩn chưa tráng, hoàn toàn là những
cuốn phim quá thời hạn sử dụng hoặc chụp sai sáng. Lại một túi phim khác, ghi
dòng chữ: Gấp rút, cho công nhân xuất khẩu lao động”. Và túi thứ ba là của những
nhân vật đặc biệt quan trọng với sinh mệnh và sự phồn thịnh của hợp tác nhiếp ảnh
nên cũng phải chú ý ưu tiên… Tôi vùi đầu vào việc. Từ hôm chia tay, Vũ Sơn cũng
biến mất. Anh phải chuẩn bị cho chuyến đi trọng đại tháp tùng vị lãnh tụ nhà nước.
Tôi trù tính một tháng nữa tới chơi nhà anh. Lúc đó, chắc anh đã trở về.
Qua ba tuần làm việc căng thẳng,
sớm chủ nhật tôi cạo râu thay quần áo định bụng tới quán điểm tâm ăn rồi cùng
anh bạn đồng nghiệp lớn tuổi đến nhà một cô bé ở Hàng Nón - kháu mà lại hiền
như thỏ - anh đã nói với tôi như vậy. Vừa cạo râu xong, chợt có tiếng gõ cửa.
Tưởng người bạn đồng nghiệp, tôi nói vọng ra:
- Cứ vào!
nhưng tiếng gõ cửa lặp lại,
khẩn thiết hơn. Tôi bỏ chiếc bàn cạo máy xuống. Lây khăn lau cằm rồi đi ra mở cửa.
Người khách lạ là Thúy Hạnh. Cô làm tôi sửng sốt vì sự thay đổi. Trước đây vài
tháng, từ tấm áo lụa cổ tròn tới chiếc quần nhại kiểu Jin đều toát lên vẻ nhã
nhặn, khiêm nhường. Giờ, cô bận chiếc quần Jin nhung bó chặt cặp đùi, tấm áo sợi
in những vòng tròn sặc sỡ và dòng chữ thách thức: Hãy yêu tôi đi! bằng tiếng
Anh. Thêm vào đó, mái tóc uốn loăn xoăn như chùm lông đuôi của một con chích
chòe bị xén tỉa khiến gương mặt cô ngổ ngáo lạ kỳ. Cô nhìn tôi chằm chằm, rồi
cười:
- Anh Nam không nhận ra em
phải không?
Tôi vội đáp:
- Nhận ra chứ. Mời cô Hạnh
vào chơi.
Tôi kéo ghế mời cô gái ngồi,
pha nước mới, tìm chiếc đĩa bày ít bánh ngọt có sẵn. Xong xuôi, tôi ngồi đối diện
với cô trong trạng thái nửa tò mò, nửa nôn nóng vì việc riêng lở dở. Hạnh không
uống nước, cô vào chuyện luôn:
- Anh Thanh Dương có để địa
chỉ của anh cho em.
Tôi gật đầu:
- Vâng, tôi đã ghi địa chỉ
cho Dương từ buổi tối ở quán trọ, ngày chúng tôi gặp và quen nhau.
Hạnh gật đầu:
- Vâng, anh ấy cũng kể cho
em biết. Và anh ấy nói rằng: Ở đất Hà Nội này, anh ấy chỉ tin anh đủ khoan dung
để giúp đỡ… và cảm thông cho chuyện riêng của chúng em.
Tôi lặng im, không biết nói
thế nào cho phải. Cô gái ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp:
- Anh biết rằng em không thể
tìm gặp anh Dương ở tại nhà anh ấy. Nhưng chúng em cũng không thể gặp nhau. Anh
hãy nhắn giùm anh Dương rằng tám giờ sáng mai, em chờ anh ấy ở cuối đường Bà
Triệu…
Hạnh nói những lời đó với vẻ
quả quyết, không chút mặc cảm tội lỗi, không chút ngượng ngùng. Mắt cô sáng
long lanh, ánh lên thứ ánh sáng quyết liệt của những võ sĩ ra đấu trường, hoặc
giành vòng nguyệt quế trở về, hoặc lãnh một cái chết tàn khốc. Hạnh rút từ chiếc
túi xách tay một gói giấy báo to:
- Em nhờ anh trao cho anh
Dương gói này. Đây là bộ đồng phục mùa thu để anh ấy dùng vào những lúc hội họp
hoặc tới các giảng đường nói chuyện. Em sẽ đan cho anh ấy một chiếc áo len dài
tay kiểu mới để anh ấy mặc trong những ngày không quá rét, khi nào xong em nhờ
anh chuyển giúp.
Tôi cười:
- Tôi sẵn lòng chuyển giúp Hạnh,
nhưng chỉ e vợ anh Dương nghi ngờ. Một gã thợ tráng phim quèn như tôi làm sao đủ
tiền và đủ rộng lòng để tặng bạn cả bộ com- plê lẫn áo săng- đay?
Hạnh cũng cười:
- Có thế em mới nhờ anh. Thắng
hay bại là ở tài thuyết phục của anh.
Tôi hỏi tiếp:
- Cả hai người định đi tới
cùng hay sao?
Cô trả lời, đầy vẻ xác quyết:
- Chúng em sẽ đi tới hôn
nhân. Mặc dù sẽ co một khoảng thời gian khá dài để anh Dương thu xếp việc gia
đình và trong khoảng thời gian ấy, người đau khổ hơn cả là em. Nhưng em sẽ chịu
đựng, và em tin rằng em sẽ chịu được.
Tôi hỏi:
- Còn hai bác?
Hạnh đáp:
- Bố mẹ em gần như từ bỏ em.
Nhưng em đã quyết. Giờ đây, giá ông bà em ở dưới mồ ngồi bật dậy ngăn cản, em
cũng không đổi thay ý định.
Tôi nhìn cô ngại ngần buông
câu hỏi chót:
- Liệu rằng… cô có tin rằng…
Hạnh mỉm cười, nụ cười của
tuổi trẻ si cuồng, nhạo báng cả thần linh lẫn quỷ sứ. Và cô đáp lời tôi, giọng
chậm rãi:
- Anh Dương yêu em… Em tin rằng
không có một tình yêu nào mãnh liệt được hơn thế…
Mắt cô rực lên nguồn sáng của
hạnh phúc. Và tôi biết, giờ đây, cô sẵn sàng nhảy vào lửa, sẵn sàng nuốt thủy
tinh hay làm trò gì đó tương tự như thế để chứng tỏ rằng tình yêu của cô là mối
tình siêu nhiên, vĩnh hằng.
Tối hôm ấy, tôi mang bộ quần
áo tới nhà Thanh Dương. Thi sĩ đang bưng cám đổ vào máng cho đàn gà công nghiệp.
Cả lũ gà béo ục ịch ở trong chuồng, thò mỏ qua kẻ hở mổ rào rào. Thanh Dương ra
hiệu bảo tôi im lặng vì vợ anh đang ngồi rửa chén bát gần đó. Anh cao giọng
khoe với tôi:
- Tôi mát tay nuôi gà lắm
anh Nam ạ. Cả phố này, không gà nhà nào tăng cân và đẻ đều như nhà tôi.
Nói xong, anh rửa tay, lay
tay. Rồi chúng tôi vào nhà. Đó là một căn hộ khép kín ở tầng dưới cùng của tòa
nhà ba tầng. Nhà gồm hai gian, ngăn bởi tấm vải che khá dày. Vợ chồng Thanh
Dương với hai đứa con ở gian ngoài, phía trong là mẹ vợ với hai cô em gái quá lứa
chưa chồng. Mỗi gian rộng ước chừng hai chục thước vuông. Hai chiếc giường, một
bộ bàn ghế bé tí xíu, một chiếc tủ đựng quần áo trên đặt máy thu hình, một chiếc
tủ thấp vừa làm nơi đựng lặt vặt vừa là trạn thức ăn… Ngần ấy thứ đồ vật được dồn
lại trong diện tích hạn hẹp đó. Hai đứa con trai của Thanh Dương trông sạch sẽ,
bảnh bao đang bò lổm ngổm trên giường học bài. Chúng cất tiếng chào tôi khẽ
khàng như nói thầm vậy. Thoạt tiên, tôi ngạc nhiên. Sau tôi nghe tiếng ho của
bà cụ từ sau tấm màn vọng ra mới biết trong ngôi nhà này người ta buộc phải
tuân thủ một kỷ luật nghiêm ngặt về thanh âm đến như thế. Thanh Dương pha trà mời
tôi, nói năng cũng với giọng thì thào hệt như hai đứa con. Được vài câu trao đổi
xã giao, vợ anh mang chồng bát mới rửa vào nhà. Chúng tôi chào nhau. Người đàn
bà bảo chồng:
- Anh ra rửa nồi nấu cám gà
rồi hãy vào nói chuyện.
Thi sĩ ngẩng lên nói:
- Đang dở tay sao em không rửa
luôn đi?
Vợ anh đáp, giọng tỉnh khô:
- Việc ai người nấy làm.
Thanh Dương càu nhàu, nhưng
anh cũng phải sẽ sàng xin lỗi tôi rồi ra ngoài sân. Lát sau, anh đem chiếc nồi
đã được rửa sạch, treo vào trong góc bếp rồi trở lại tiếp tôi. Trong khoảng thời
gian ấy, người đàn bà vớ tấm áo đang móc dở trên mắc xuống móc thoăn thoắt. Những
ngón tay nhỏ và dài của chị như múa trên mặt vải. Hai cánh tay chị cũng thuôn
thả. Duy chỉ gương mặt mỏng nhiều tàn nhang là gợi nên cảm giác cằn lụi, cay độc.
Sau vài phút chuyện trò, tôi trao gói quần áo cho Dương, đưa mắt nháy anh ra
ngoài. Tôi vừa cất tiếng chào vợ anh, Dương đã lẻn ra sân ngay, hệt như một tên
tử tù được ra khỏi ngục thất. Khi chúng tôi ra tới đường, chắc chắn rằng mọi lời
nói được đảm bảo an toàn, tôi hỏi:
- Chỉ vì yêu anh mà Hạnh ra
Hà Nội sống hay sao?
Dương đáp:
- Vâng, cô ấy trở lại học y.
Cô ấy cũng đem cả chiếc máy may sang đây để kiếm sống trong thời gian học đại học.
Tôi hỏi:
- Trong khoảng thời gian ấy
anh sẽ thu xếp việc gia đình?
Thanh Dương thở dài và thay
vì trả lời, anh cúi ưng thuận.
Tôi nói tiếp:
- Khi nào Hạnh ra trường các
vị sẽ cưới nhau?
Thanh Dương liếc nhìn tôi,
đôi mắt ẩm ướt sập xuống:
- Vân, đó là mong ước.
° °
°
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét