Những thứ họ mang
Tim O'brien
Thiếu úy Jimmy Cross
mang mấy lá thư của một cô gái tên Martha, sinh viên năm thứ ba trường Mount
Sebastian ở New Jersey. Đó không phải thư tình, nhưng Thiếu úy Cross đang ôm hy
vọng, cho nên thư này hắn giữ kỹ, gấp làm đôi gói trong bao ni lông lận đáy ba
lô. Chiều muộn, sau một ngày hành quân, hắn đào công sự cá nhân cho mình, rửa
tay bằng nước bi đông, mở cái gói ra, nhón đầu ngón tay cầm lấy mấy lá thư, và
suốt tiếng đồng hồ cuối cùng khi trời còn sáng, hắn giả vờ. Hắn sẽ lại mường
tượng ra những chuyến cắm trại lãng mạn đến vùng Núi Trắng ở New Hampshire. Đôi
khi hắn lè lưỡi nếm nắp phong bì, biết rằng lưỡi của nàng đã từng ở đó. Hơn hết
thảy, hắn muốn Martha yêu hắn như hắn yêu nàng, nhưng các bức thư này hầu hết
toàn tán gẫu linh tinh, tránh né chuyện yêu đương. Nàng là gái trinh, hắn gần
như tin chắc. Nàng học khoa Anh ngữ trường Mount Sebastian, nàng viết rất hay
về các giáo sư, về các bạn cùng phòng và các kỳ thi giữa học kỳ của nàng, về
lòng kính trọng Chaucer và niềm yêu thích lớn lao nàng dành cho Virginia Woolf.
Nàng hay trích thơ; nàng chẳng bao giờ nhắc tới cuộc chiến tranh, chỉ nói, Jimmy,
bảo trọng nhé. Các bức thư nặng 10 ao-xơ. Chúng đều ký Yêu, Martha, nhưng Thiếu
úy Cross biết Yêu ở đây chỉ là một cách để ký cuối thư chứ không hàm cái nghĩa
mà đôi khi hắn vờ là nó có. Khi mặt trời lặn, hắn sẽ cẩn thận cất thư vào lại
ba lô. Chậm chạp, hơi lơ đãng, hắn sẽ đứng dậy đi tới đi lui giữa đám lính,
kiểm tra vòng rào ngoài, rồi khi trời tối hẳn, hắn sẽ lại quay về công sự của
mình ngắm trời đêm và tự hỏi có phải Martha là gái trinh không.
Những thứ họ mang hầu
hết là cần thiết mới mang. Trong số những thứ không thể thiếu hoặc gần như
không thể thiếu có dao mở đồ hộp P-38, dao bỏ túi, viên Trioxin châm lò, đồng
hồ đeo tay, thẻ ghi tên, thuốc đuổi muỗi, kẹo cao su, kẹo, thuốc lá, viên muối,
gói Kool-Aid, bật lửa, diêm, kim chỉ. Chứng nhận Thanh toán cho Quân nhân, khẩu
phần C, và hai ba bi đông nước. Gộp hết lại, các thứ này nặng từ 15 đến 20 pao,
tùy theo thói quen hay mức tiêu thụ của từng người. Henry Dobbins, vốn bự con,
phải mang thêm khẩu phần; hắn đặc biệt khoái đào đóng hộp dầm xi rô đặc rưới
lên bánh trứng. Dave Jensen, vốn coi trọng chuyện vệ sinh khi tác chiến hiện
trường, thì mang bàn chải răng, chỉ xỉa răng, thêm vài bánh xà bông loại thường
thấy trong khách sạn, mấy bánh này hắn thó được ở Trung tâm Nghỉ ngơi Giải trí
dành cho quân nhân ở Sydney, Úc. Ted Lavender, vốn hay sợ, thì mang những viên
an thần cho đến khi hắn bị bắn vào đầu ở ngoài làng Thần Khê hồi giữa tháng Tư.
Do cần thiết, mà cũng do quy định bắt buộc, tất cả đều mang mũ cối bằng thép
nặng 5 pao kể cả lớp lót và khăn trùm ngụy trang. Họ mang áo khoác và quần đi
trận đúng chuẩn. Rất ít người mang đồ lót. Chân họ mang bốt đi rừng – nặng 2,1
pao – và Dave Jensen mang ba đôi tất cùng một lon bột bôi chân của bác sĩ
Scholl để phòng chứng bợt da chân. Cho đến khi bị bắn, Ted Lavender mang sáu,
bảy ao-xơ thuốc phiện hạng xịn, với hắn đây là thứ không thể thiếu. Mitchell
Sanders, lính trực điện đài, mang bao cao su. Norman Bowker mang một cuốn nhật
ký. Chuột Kiley mang mấy cuốn truyện tranh. Kiowa, là tín đồ Báp tít thuần thành,
mang một cuốn Tân Ước có minh họa mà cha hắn tặng cho, ông là người dạy trường
dòng ở Oklahoma City, bang Oklahoma. Tuy nhiên, phòng những lúc gian nguy,
Kiowa cũng mang cả lòng nghi ngại của bà hắn đối với người da trắng, chiếc rìu
săn cũ của ông hắn. Là do cần thiết cả. Bởi vùng này đầy rẫy mìn với bẫy với
chông, theo quy định mỗi người phải mang một áo giáp bên trong là thép, ngoài
phủ ni lông, nặng 6,7 pao, song hôm nào nóng thì có vẻ nặng hơn nhiều. Bởi ta
có thể chết rất nhanh, nên mỗi người mang theo ít nhất một cuộn băng gạc to,
thường là nhét ngay trong đai mũ cối cho dễ lấy. Bởi ban đêm trời lạnh và bởi
các tháng mùa mưa thường nhiều mưa ướt át, nên mỗi người mang một tấm pông-sô
bằng nhựa màu xanh lục có thể dùng làm áo mưa hay đệm trải đất hay lều tạm. Với
lớp lót có chần, tấm pông-sô nặng gần 2 pao, nhưng nó đáng giá từng ao-xơ một.
Chẳng hạn, vào tháng Tư, khi Ted Lavender bị bắn chết, họ dùng tấm pông-sô của
hắn bọc hắn lại, khiêng hắn qua cánh đồng, nâng hắn lên đưa vào chiếc trực
thăng chở hắn đi.
Họ được gọi là leg (cẳng)
hay grunt, kiểu như “lính trơn”.
Mang cái gì đó thì họ
bảo là hump (“khuân”) nó, như khi Thiếu úy Jimmy Cross khuân
tình yêu hắn dành cho Martha lên mấy ngọn đồi, qua những đầm lầy. Hump cũng
được dùng theo nghĩa “đi”, hay “hành quân”, nhưng nó hàm nghĩa sự nhọc nhằn lớn
hơn gấp bội chứ không phải chỉ đi mà không khuân một cái gì.
Hầu như ai cũng khuân
những bức ảnh. Trong ví, Thiếu úy Cross mang hai tấm ảnh Martha. Tấm thứ nhất
là một tấm Kodacolor có ghi “Yêu”, mặc dù hắn biết đấy có phải là yêu thật hay
không. Nàng đứng dựa bức tường gạch. Mắt nàng màu xám và không biểu lộ gì, môi
nàng hơi hé trong khi nàng nhìn thẳng vào ống kính. Thỉnh thoảng, ban đêm,
Thiếu úy Cross tự hỏi ai chụp tấm ảnh ấy, bởi hắn biết nàng có không chỉ một
bạn trai, bởi hắn quá yêu nàng, và bởi hắn có thể thấy bóng của người chụp ảnh
đổ xuống bức tường gạch. Ảnh thứ hai được cắt ra từ cuốn kỷ yếu năm 1968 của
trường Mount Sebastian. Đó là một bức ảnh chụp khi người ta đang vận động – môn
bóng chuyền nữ – và Martha đang khom người xuống song song với mặt đất, gần
chạm tới sàn, hai lòng bàn tay nàng nổi bật sắc nét, lưỡi căng, vẻ mặt chân
thành đầy chí khí tranh đua. Không thấy có mồ hôi. Nàng mặc quần thể thao
trắng. Cặp chân nàng, hắn nghĩ, hầu như chắc chắn là chân của một gái trinh,
khô, không lông, đầu gối trái cong lại chịu toàn bộ sức nặng của nàng, vốn chỉ
hơn 100 pao một chút. Thiếu úy Cross nhớ mình từng chạm vào cái đầu gối trái
ấy. Một rạp xi nê tối, hắn nhớ vậy, hôm ấy là phim Bonnie và Clyde,
Martha mặc váy bằng vải tuýt, thế rồi giữa chừng cảnh cuối, khi hắn chạm đầu
gối nàng, nàng quay lại nhìn hắn đầy buồn bã, tỉnh táo khiến hắn rụt tay lại,
nhưng hắn rồi sẽ luôn luôn nhớ cảm giác sờ tay vào cái váy vải tuýt ấy và cái
đầu gối bên dưới nó cùng với tiếng súng đã giết chết Bonnie và Clyde, nó khiến
hắn bối rối xiết bao, nó chậm và đè nặng xiết bao. Hắn nhớ mình đã hôn tạm biệt
nàng nơi cửa ký túc xá. Hắn nghĩ, ngay khi đó lẽ ra hắn nên làm gì đó dũng cảm.
Lẽ ra hắn nên mang nàng lên cầu thang tới tận phòng nàng đoạn trói nàng vào
giường và sờ cái đầu gối trái đó suốt cả đêm. Lẽ ra hắn nên liều làm vậy. Cứ hễ
nhìn mấy tấm ảnh đó, hắn lại nghĩ ra những điều mới mà đáng lẽ hắn đã làm.
Những thứ họ mang một
phần là do cấp bậc, một phần là do chuyên môn khi tác chiến hiện trường.
Là thiếu úy và chỉ huy
trung đội, Jimmy Cross mang la bàn, bản đồ, sổ tay mật mã, ống nhòm, và một
khẩu súng lục 45 ly nặng 2,9 pao nạp đủ đạn. Hắn mang một cây đèn pin cỡ mạnh
và mang trách nhiệm đối với sinh mạng của quân lính hắn.
Là lính thông tin liên
lạc, Mitchell Sanders mang máy ra-đi-ô PRC-25, nặng vô cùng, 26 pao kể cả pin.
Là lính quân y, Chuột
Kiley mang một cái xắc cốt bằng vải bố đựng đầy moóc phin rồi thì huyết tương
rồi thì thuốc trị sốt rét rồi thì băng phẫu thuật rồi thì truyện tranh và tất
cả những gì mà lính quân y vẫn thường mang, kể cả sô cô la M&M’s cho những
vết thương đặc biệt nặng, tất cả cộng lại nặng gần 20 pao.
Là người bự con, và do
vậy là lính súng máy, Henry Dobbins mang khẩu M-60, nặng 23 pao nếu không nạp
đạn, nhưng nó hầu như luôn luôn nạp đạn. Ngoài ra, Dobbins mang từ 10 đến 15
pao đạn giắt trong băng đạn quấn quanh ngực và vai.
Là binh nhất, hầu hết
bọn họ là bộ binh cho nên họ mang súng trường chuẩn M-16 tự nạp đạn bằng khí
nén. Súng này nặng 7,5 pao nếu không nạp đạn, còn nạp đủ băng 20 viên thì nặng
8,2 pao. Tuy thuộc nhiều nhân tố, tỉ như địa hình và tâm lý, các tay súng
trường mang theo từ 12 đến 20 băng đạn, bất cứ số nào trong khoảng ấy, thường
giắt trong quai đeo súng bằng vải, tức cộng thêm từ 8,4 pao là ít nhất cho đến
14 pao là nhiều nhất. Nếu như có, họ còn mang cả bộ dụng cụ bảo trì M-161 que
thông nòng, bàn chải thép, tuýp đựng dầu LSA – tất cả nặng chừng một pao. Trong
đám lính bộ, một số người mang súng phóng lựu M-79, 5,9 pao nếu không nạp lựu,
kể cũng là nhẹ nếu không kể lựu đạn, cái này thì nặng. Một quả là đã nặng 10
ao-xơ. Một lần nạp bình thường 25 quả. Nhưng Ted Lavender, vốn hay sợ, mang tới
34 quả vào cái lúc hắn bị bắn chết ngoài làng Thần Khê, hắn ngã gục dưới một
gánh nặng khác thường, trên 20 pao đạn, cộng thêm áo giáp thép và mũ cối và
lương thực và nước và giấy vệ sinh và thuốc an thần và mọi thứ khác, cộng thêm
nỗi sợ không gì cân nổi. Hắn gục tắp lự và cả cái đống trình trịch đó gục xuống
ngay đơ theo. Không quằn quại không lăn lộn không gì hết. Kiowa nhìn thấy
chuyện xảy ra, hắn bảo giống như là nhìn tảng đá rơi hay bao cát bự hay gì đấy
– bùm một cái, thế là rồi, sụm – chứ đâu như trong phim, thằng cha bị bắn chết
cứ lăn lông lốc rồi lộn vòng vòng chả giống ai rồi thì ngã dúi dụi đầu xuống
đất đít lên trời – chả có gì như vậy hết á, Kiowa nói, thằng chó tội nghiệp cứ
thế gục đứ đừ. Bùm. Gục. Không gì khác. Ấy là một sáng đẹp trời giữa tháng Tư.
Thiếu úy Cross cảm thấy đau. Hắn tự buộc tội mình. Họ lột hết bi đông và đạn
của Lavender, tất tật các thứ nặng, và Chuột Kiley nói ra điều ai cũng thấy,
thằng oắt chết rồi, và Mitchell Sanders dùng điện đàm báo cáo rằng một lính Mỹ
chết khi đang thi hành nhiệm vụ và xin một chiếc trực thăng. Rồi họ quấn
Lavender lại trong tấm pông-sô của hắn. Họ mang hắn ra một cánh đồng khô, thiết
lập an ninh, rồi ngồi hút chỗ cần sa của người chết cho tới khi trực thăng tới.
Thiếu úy Cross lặng lẽ một mình. Hắn hình dung khuôn mặt mịn màng tươi trẻ của
Martha, nghĩ hắn yêu nàng hơn mọi thứ, hơn quân của hắn, và giờ đây Ted
Lavender chết bởi hắn yêu nàng quá và không sao thôi nghĩ về nàng. Khi trực
thăng quân y tới, họ mang Lavender lên. Sau đó họ đốt Thần Khê. Họ hành quân
cho tới mặt trời lặn, họ đào công sự cá nhân, và đêm đó Kiowa giải thích mãi
rằng thì tụi bây phải có mặt đặng mà tận mắt thấy, chuyện xảy ra nhanh tới cỡ
nào, thằng cha tội nghiệp cứ thế sụm xuống cứ như bao xi măng. Bùm, sụm, hắn
nói. Hệt như xi măng.
Ngoài ba thứ vũ khí
chuẩn là M-60, M-16 và M-79, họ mang bất cứ thứ gì có trong tay, hoặc bất cứ
thứ gì có vẻ thích hợp làm phương tiện để giết hay để sống còn. Họ có gì mang
nấy. Có những lúc, trong một số hoàn cảnh, họ mang M-14 và CAR-15 và súng máy
Carl Gustav M/45 của Thụy Điển và súng máy hạng nhẹ và AK-47 và Chi-Com và súng
chống tăng và cạc bin Simonov tịch thu của địch và Uzi và súng lục Smith &
Wesson 38 ly và LAW 66 ly và súng ngắn và bộ hãm thanh và dùi cui bọc da và
lưỡi lê và thuốc nổ C-4 bằng chất dẻo mua ở chợ đen. Lee Strunk mang một cái ná
bắn đá, thứ vũ khí dùng khi đến nước cùng, hắn bảo. Mitchell Sanders mang mấy
bộ khớp ngón để đánh đấm, làm bằng đồng. Kiowa mang chiếc rìu gắn lông chim của
ông hắn. Cứ ba bốn người thì có một người mang một quả mìn sát thương Claymore
– 3,3 pao cộng cả thiết bị châm ngòi. Tất cả đều mang lựu đạn văng miểng – mỗi
quả 14 ao-xơ. Tất cả đều mang ít nhất một quả lựu đạn khói màu – 24 ao-xơ. Vài
người mang CS hay lựu đạn cay. Vài người mang lựu đạn phốt pho trắng. Họ mang
tất tật những gì mang được, rồi thêm vài thứ nữa, kể cả một niềm kính sợ câm
lặng dành cho cái sức mạnh kinh khiếp của những thứ họ mang.
Trong tuần đầu tháng Tư,
trước khi Lavender chết, Jimmy Cross nhận được một bùa may mắn của Martha gửi.
Đó là một hòn sỏi đơn sơ, nặng một ao-xơ là cùng. Sờ vào nhẵn nhụi, màu trắng
sữa phớt cam phớt tím, hình ô van, như một quả trứng nhỏ xíu. Trong thư gửi kèm
theo, Martha viết là nàng tìm thấy hòn sỏi trên bờ biển New Jersey, chính ở nơi
đất giáp liền với nước mỗi khi triều lên, nơi mọi vật tụ hội bên nhau nhưng cũng
cách xa nhau. Chính cái phẩm tính cách-xa-nhưng-ở-bên-nhau này, nàng viết, đã
xui khiến nàng nhặt hòn sỏi lên cất vào túi áo mấy ngày liền, ở đó nó dường như
không trọng lượng, thế rồi gửi nó đi bằng bưu điện, đường hàng không, như là
biểu tượng cho cảm xúc chân thật nhất của nàng dành cho hắn. Thiếu úy Cross
nghĩ thế này thật lãng mạn. Nhưng hắn tự hỏi đích xác ra thì cảm xúc chân thật
nhất của nàng là gì, ý nàng là sao khi nàng nói cách-xa-nhưng-ở-bên-nhau. Hắn
tự hỏi những con triều và ngọn sóng đã đóng vai trò gì vào buổi chiều hôm đó
trên bãi biển New Jersey nơi Martha thấy hòn sỏi và cúi xuống cứu nó thoát khỏi
số phận nhập vào cấu trúc của đất. Hắn mường tượng đôi chân trần. Martha là nhà
thơ, với tính nhạy cảm của nhà thơ, chân nàng chắc hẳn nâu và để trần, móng
không sơn, đôi mắt lạnh, trầm tĩnh như đại dương vào tháng Ba, và mặc dù đau
đớn, hắn tự hỏi ai đã ở bên nàng chiều hôm đó. Hắn mường tượng một đôi bóng đen
đi dọc bờ cát nơi mọi thứ tụ hội bên nhau nhưng cũng cách xa. Đó là một cơn ghen
vớ vẩn, hắn biết, nhưng hắn không ghìm mình được. Hắn yêu nàng quá. Giữa khi
hành quân, suốt những ngày nóng bức đầu tháng Tư, hắn ngậm hòn sỏi trong miệng,
dùng lưỡi vần qua vần lại, nếm vị muối và cái ẩm ướt của biển. Tâm trí hắn để
đâu đâu. Khó khăn lắm hắn mới chú tâm được vào cuộc chiến. Đôi khi hắn quát bảo
lính của hắn dàn rộng đội hình, ráng mà căng mắt ra, nhưng rồi hắn lại trôi
tuột về những cơn mơ mộng, cứ giả vờ, đi chân trần dọc bờ biển Jersey, cùng với
Martha, chẳng mang gì. Hắn sẽ lại thấy mình dâng lên. Mặt trời và sóng và gió
nhẹ, tất cả là tình yêu và sự nhẹ tênh.
Những thứ họ mang thay
đổi tùy theo nhiệm vụ.
Khi một nhiệm vụ buộc họ
phải lên núi, họ mang theo mùng, dao quắm, vải bạt, và mang thêm nhiều thuốc
chống côn trùng.
Nếu một nhiệm vụ có vẻ
đặc biệt nguy hiểm, hoặc nếu để thi hành thì phải đến một nơi họ vốn đã biết là
tệ hại, họ mang bất cứ cái gì có thể mang. Ở một số vùng tác chiến đặc biệt
nhiều mìn, dày đặc thôi thì Top Popper rồi lại Bouncing Better1, họ thay nhau khuân cái máy dò mìn nặng
28 pao. Với những cặp tai nghe và cái đĩa cảm ứng to, thiết bị này đè nặng lên
vùng thắt lưng và vai, rất khó xoay chuyển, thường là vô dụng do trong lòng đất
đầy những mảnh đạn vỡ, nhưng họ vẫn cố mang, phần là để an toàn, phần là do ảo
tưởng về sự an toàn.
Khi đi phục kích, hay
làm những nhiệm vụ ban đêm khác, họ mang những thứ vặt vãnh chẳng giống ai.
Kiowa luôn luôn mang cuốn Tân Ước và một đôi giày da hươu của dân da đỏ để đi
không thành tiếng. Dave Jensen mang những viên vi-ta-min giàu ca-rô-ten cho
sáng mắt. Lee Strunk mang cái ná; chả bao giờ phải lo chuyện đạn, hắn bảo.
Chuột Kiley mang rượu bờ-ren-đi và kẹo M&M’s. Cho đến khi bị bắn chết, Ted
Lavender mang kính nhìn đêm, nặng 6,3 pao kể cả cái hộp đựng bằng nhôm. Henry
Dobbins mang cái tất quần của bạn gái hắn quấn quanh cổ để làm thứ trấn an tinh
thần. Tất cả đều mang những bóng ma. Đêm đến, họ mò ra ngoài xếp thành hàng một
đi qua đồng qua ruộng để đến tọa độ phục kích, nơi họ sẽ lặng lẽ đặt mìn
Claymore rồi nằm xuống chờ suốt đêm.
Những nhiệm vụ khác thì
phức tạp hơn và đòi hỏi thiết bị đặc biệt. Vào giữa tháng Tư, nhiệm vụ của họ
là tìm và diệt tổ hợp địa đạo tinh vi ở khu vực làng Thần Khê phía Nam Chu Lai.
Để cho nổ địa đạo, họ mang những thỏi thuốc nổ pentrite nặng một pao, mỗi người
bốn thỏi, 68 pao cả thảy. Họ mang dây nhợ, ngòi nổ, thiết bị kích nổ chạy pin.
Dave Jensen mang nút tai. Hầu như khi nào cũng vậy, trước khi cho nổ địa đạo,
họ được lệnh cấp trên là phải lùng địa đạo, đây thường được cho là tin xấu,
nhưng dù thế nào họ cũng chỉ nhún vai và thi hành mệnh lệnh. Bởi to con, Henry
Dobbins được miễn nhiệm vụ lùng địa đạo. Số còn lại sẽ bốc thăm. Trước khi
Lavender chết ở đó thì có 17 người trong trung đội, bất cứ ai rút được số 17
đều sẽ phải cởi hết đồ lề rồi bò vào địa đạo đầu đi trước, mang theo đèn pin và
khẩu súng lục 45 ly của Thiếu úy Cross, số còn lại tản ra yểm trợ. Họ sẽ ngồi
hay quỳ gối, không đối diện cái lỗ, lắng nghe đất dưới chân mình, hình dung
những mạng nhện những bóng ma, bất cứ cái gì dưới đó – những bức vách địa đạo
siết chặt lại – hình dung đèn pin sẽ nặng kinh hồn trong tay và thế nào là tầm
nhìn địa đạo theo nghĩa nghiêm ngặt nhất, bị nén chặt từ mọi hướng, kể cả hướng
thời gian, và ta phải len vào từng tí một – bằng mông và cùi chỏ – cảm giác như
đang bị nuốt vào – và ta chợt thấy mình đang thấp thỏm lo đủ chuyện linh tinh:
Liệu đèn pin của mình có chết không? Liệu chuột có truyền bệnh dại không? Nếu
mình hét lên, âm thanh đi được bao xa? Liệu anh em mình có nghe thấy không?
Liệu họ có đủ gan lôi mình ra không? Về một số mặt, tuy không nhiều lắm, sự chờ
đợi còn tồi tệ hơn bản thân địa đạo. Óc tưởng tượng là một thứ giết người.
Vào ngày 16 tháng Tư,
khi Lee Strunk rút nhằm số 17, hắn phá lên cười và lẩm bẩm gì đó rồi nhanh nhảu
chui xuống. Sáng hôm đó nóng và rất yên tĩnh. Không ổn, Kiowa nói. Hắn nhìn lối
vào địa đạo, rồi nhìn qua cánh đồng khô về phía làng Thần Khê. Chẳng có gì nhúc
nhích. Không mây không chim chóc không người. Trong khi đợi, đám lính hút thuốc
và uống Kool-Aid, không nói chuyện nhiều, thấy thông cảm với Lee Strunk nhưng
cũng cảm thấy mình gặp may khi rút thăm. Ta được vài lần, ta mất vài lần,
Mitchell Sanders nói, và đôi khi ta phải đành chờ bận sau bù lại. Đó là một câu
đùa cũ rích nên không ai cười.
Henry Dobbins ăn một
thanh sô cô la nhiệt đới. Ted Lavender tọng một viên thuốc an thần vào mồm rồi
đi đái.
Sau năm phút, Thiếu úy
Cross đi tới chỗ địa đạo, khom xuống, kiểm tra bóng tối dưới đó. Phiền đây, hắn
nghĩ, chắc có sụp hầm hay sao đó. Thế rồi đột nhiên, dù không muốn, hắn nghĩ tới
Martha. Những sức ép và chỗ gãy, cú sụp đổ nhanh, hai người trong số họ bị chôn
sống dưới toàn bộ sức nặng đó. Tình yêu đặc sệt, nghẹt thở. Quỳ gối, quan sát
cái lỗ, hắn cố tập trung vào Lee Strunk và cuộc chiến, tất cả những mối nguy
kia, nhưng tình yêu của hắn quá nhiều đối với hắn, hắn thấy mình tê liệt, hắn
muốn ngủ trong phổi mình và thở máu của nàng mà ngạt thở. Hắn muốn nàng là gái
trinh và không phải gái trinh, cả hai cùng một lúc. Hắn muốn biết nàng. Những
bí mật riêng tư: Sao lại thơ? Sao buồn vậy? Sao có màu xám ấy trong mắt nàng?
Sao một mình vậy? Không phải cô đơn, mà chỉ là một mình – cưỡi xe đạp đi ngang
qua khu học xá hoặc ngồi một mình trong quán cà phê – thậm chí khi đi nhảy nàng
cũng nhảy một mình – và chính sự khi nào cũng một mình ấy khiến hắn yêu nàng.
Hắn nhớ có một buổi chiều hắn đã bảo nàng vậy. Nhớ nàng đã gật đầu rồi nhìn đi
chỗ khác ra sao. Và, sau đó, khi hắn hôn nàng, nàng nhận nụ hôn mà không đáp
lại, mắt nàng mở to, không sợ, không phải mắt gái trinh, chỉ là bình thản và hờ
hững.
Thiếu úy Cross nhìn cái
địa đạo chăm chăm. Nhưng hắn không có đó. Hắn đang vùi mình cùng Martha dưới
lớp cát trắng bờ biển Jersey. Họ đang ép chặt vào nhau, và hòn sỏi trong miệng
hắn là cái lưỡi nàng. Hắn đang mỉm cười. Mơ hồ, hắn biết ngày hôm đó yên tĩnh
ra sao, những cánh đồng ủ rũ, nhưng hắn không sao buộc được mình bận tâm đến
chuyện an toàn. Hắn ở ngoài cái dó. Hắn chỉ là một đứa trẻ tham chiến, đang
yêu. Hắn hai tư tuổi. Hắn không sao dừng được.
Lát sau Lee Strunk bò
lên khỏi địa đạo. Hắn chui ra cười toe toét, bẩn thỉu nhưng còn sống. Trung úy
Cross gật đầu và nhắm mắt trong khi những người khác vỗ lưng Strunk và đùa cợt
về chuyện trỗi dậy từ cõi chết.
Toàn giun, Chuột Kiley
nói. Từ ngay dưới mộ chui lên. Đồ quỷ nhập tràng chết tiệt.
Cả đám cười rộ. Tất cả
đều thở phào nhẹ nhõm.
Thành phố quỷ, Mitchell
Sanders nói.
Lee Strunk phát ra một
âm thanh ma quái kỳ khôi, kiểu như rền rĩ, nhưng rất là vui sướng, và ngay khi
đó, khi Strunk phát ra cái tiếng rền rĩ hào hứng vui sướng đó, khi hắn hét lên A
hú u u u u, ngay khi đó Ted Lavender bị bắn vào đầu trên đường quay lại sau khi
đái xong. Hắn nằm đó mồm há. Răng vỡ hết. Có một vết bầm sưng húp đen sì dưới
mắt trái hắn. Xương gò má biến mất. Ôi chó chết, Chuột Kiley nói, tháng nhãi
chết rồi. Thằng nhãi chết rồi, hắn nói mãi, nghe có vẻ sâu xa – thằng nhãi chết
rồi. Ý tôi là thực sự chết.
Họ mang cái gì tùy thuộc
phần nào vào chuyện dị đoan. Thiếu úy Cross mang hòn sỏi may mắn của hắn. Dave
Jensen mang một bàn chân thỏ. Norman Bowker, vốn dĩ rất hiền lành tử tế, mang
một ngón tay cái mà Mitchell Sanders tặng hắn làm quà. Ngón cái đó màu nâu sẫm,
sờ nghe như cao su và nặng nhiều nhất 4 ao-xơ. Nó được xẻo ra từ một cái xác,
một thằng bé mười lăm mười sáu tuổi. Họ tìm thấy nó dưới đáy một cái mương, bị thiêu
cháy đen, ruồi bu đầy miệng đầy mắt. Thằng bé mặc quần soóc đen, mang dép. Vào
thời điểm chết nó mang một túi gạo, một khẩu súng truờng, ba băng đạn.
Tụi bây muốn nghe ý kiến
tao không, Mitchell Sanders nói. Nhứt định là ở đây có một bài học.
Hắn đặt tay lên cổ tay
thằng bé chết. Hắn im lặng một hồi, như đang bắt mạch, rồi hắn vỗ cái bụng, hầu
như một cách âu yếm, và dùng cái rìu săn của Kiowa để xẻo ngón tay cái.
Henry Dobbins hỏi bài
học ấy là gì.
Bài học hả?
Mày biết mà. Bài
học.
Sanders gói cái ngón
bằng giấy vệ sinh rồi đưa cho Norman Bowker. Không có máu. Mỉm cười, hắn đá cái
đầu thằng bé, nhìn lũ ruồi bay loạn xị, rồi nói, giống như trong show truyền
hình cũ ấy mà, Paladin. Cầm súng, đi chu du.
Henry Dobbins nghĩ về
chuyện ấy.
Ừ, rồi, cuối cùng hắn
nói. Tao chả thấy bài học gì ráo trọi.
Có đó
mày.
Mẹ nó.
Họ mang văn phòng phẩm
của USO2 sản xuất cùng với
bút chì bút mực. Họ mang đồ Sterno, kẹp giấy, đèn pin, đèn hiệu, dây cuộn, dao
cạo điện, thuốc lá nhai, nhang và tượng ông Phật cười, nến, bút chì mỡ, cờ sao
vạch, bấm móng tay, tờ rơi tâm lý chiến, mũ đi rừng, rìu cỡ bự, và nhiều thứ
nữa. Hai lần một tuần, khi trực thăng tiếp tế đến, họ mang đồ ăn nóng đựng
trong lon mermite màu xanh lục rồi thì những túi vải bạt to đựng đầy bia và
nước ngọt ướp lạnh. Họ mang thùng nhựa đựng nước, mỗi thùng dung tích 2 ga
lông. Mitchell Sanders mang một bộ đồ rằn ri dành cho những dịp đặc biệt. Henry
Dobbins mang thuốc diệt côn trùng Black Flag. Dave Jensen mang những túi cát
rỗng, đêm đến hắn có thể nhồi cát vào đấy để cho công sự cá nhân của hắn an
toàn hơn nữa. Lee Strunk mang dầu bôi cho rám nắng. Có vài thứ họ mang chung.
Thay phiên nhau, họ mang cái ra-đi-ô vệ tinh PRC-77 to đùng, nặng 30 pao kể cả
pin. Họ cùng mang gánh nặng ký ức. Họ nhận lấy những gì người khác không còn
mang nổi. Thường thì họ mang vác nhau, người bị thương hay người yếu. Họ mang
mầm truyền nhiễm. Họ mang bàn cờ, trái bóng rổ, từ điển Việt-Anh, phù hiệu cấp
bậc, huy chương Sao Bạc và Trái Tim Tía, cái thẻ nhựa trên đó in Quy tắc Nhà
binh. Họ mang bệnh, trong số đó có sốt rét và kiết lỵ. Họ mang rận và giun và
đỉa và tảo đồng và nhiều thứ mốc meo. Họ mang chính xứ sở này – Việt Nam, nơi
chốn này, đất đai này – một thứ đất màu đỏ cam mịn như bụi bám đầy bốt đầy áo
đầy mặt họ. Họ mang bầu trời. Toàn bộ bầu không khí, họ mang nó, hơi ẩm, những
cơn gió mùa, mùi nấm mốc và thối rữa, tất cả, họ mang sức hút của trái đất. Họ
đi như những con la. Ban ngày họ bị bắn tỉa, ban đêm họ bị giội đạn cối, nhưng
đó không phải giao chiến mà chỉ là hành quân bất tận, làng này qua làng khác,
không mục đích, chẳng được gì chẳng mất gì. Họ hành quân chỉ để hành quân. Họ
lê bước chậm rì, ngây dại, khom mình tới trước trong cái nóng, không nghĩ, toàn
máu và xương, chỉ những tay lính quèn, đi chiến đấu bằng cặp chân, lặc lè lên
đồi hì hụi xuống đồng qua sông rồi lại lên rồi lại xuống, cứ thế bước, một bước
rồi bước nữa rồi thêm bước nữa, nhưng không mong muốn, không ý chí, bởi nó là
tự động, nó chỉ là cơ chế giải phẫu học, và cuộc chiến này hoàn toàn chỉ là vấn
đề tư thế vấn đề mang vác, mang vác là tất cả, một thứ sức ì, một thứ trống
rỗng, một thứ trì độn về khát vọng về tri thức về lương tâm về hy vọng về tính
nhạy cảm của con người. Nguyên tắc của họ nằm nơi bàn chân họ. Những tính toán
của họ thuần mang tính sinh học. Họ không có ý thức gì về chiến lược hay nhiệm
vụ. Họ lùng sục các làng mà không biết mình tìm cái gì, không bận tâm, đá tung
những hũ gạo, trêu chọc con nít với người già cả, phá toang địa đạo, đôi khi
phòng hỏa đôi khi không, rồi tập hợp đội hình và lên đường sang làng kế, rồi
những làng khác, mà ở đó rồi cũng luôn luôn y như vậy. Họ mang mạng sống của
chính mình. Sức ép thật lớn. Trong cái nóng ban trưa, họ bỏ mũ cối cởi áo
khoác, đi chân đất, thế là nguy hiểm nhưng mà đỡ căng thẳng. Họ thường vứt bớt
đồ đạc trên đường hành quân. Thuần túy để cho thoải mái, họ vứt đi đồ ăn, cho
nổ mìn Claymore và lựu đạn, chẳng sao hết, bởi vì khi trời sẩm tối trực thăng
tiếp tế sẽ tới mang thêm cho cũng từng đấy thứ, thế rồi một hai ngày sau lại
còn nhiều hơn nữa, nào dưa hấu tươi nào thùng đạn nào kính râm với áo len –
nguồn cung cấp quả thật là quá tuyệt – pháo xẹt dành cho dịp Quốc khánh mồng
Bốn tháng Bảy, trứng tô màu cho lễ Phục sinh – quả là cái két sắt tuyệt vời của
nước Mỹ thời chiến – hoa trái của khoa học, những ống khói, những nhà máy đồ
hộp, những kho đạn dược ở Hartford, những khu rừng Minnesota, những cửa hàng
máy móc, những cánh đồng bắp đồng lúa mì thẳng cánh cò bay – họ mang như những
đoàn tàu hàng; họ mang nó trên lưng trên vai họ – và dẫu cho tất cả những mập
mờ mông lung của Việt Nam, tất cả những huyền bí và điều chưa biết, luôn có ít
nhất một điều chắc chắn vĩnh viễn rằng họ sẽ chẳng bao giờ lúng túng không biết
phải mang gì.
Sau khi trực thăng mang
Lavender đi rồi, Thiếu úy Jimmy Cross dẫn quân vào làng Thần Khê. Họ đốt tất.
Họ bắn gà bắn chó, họ làm cỏ cái làng tới nơi tới chốn, họ gọi pháo tới dập cả
làng và nhìn cảnh tàn phá tan hoang, rồi họ hành quân vài giờ suốt buổi trưa
nóng bức, thế rồi xế chiều, khi Kiowa giải thích làm thế nào Ted Lavender chết,
Cross thấy chính mình run rẩy.
Hắn cố không khóc. Bằng
dụng cụ đào công sự của mình, nặng 5 pao, hắn bắt tay đào hố dưới đất.
Hắn thấy hổ thẹn. Hắn
căm ghét chính mình. Hắn đã yêu Martha nhiều hơn thuộc hạ của mình, hậu quả là
Lavender giờ đã chết, đây là một trong những gì hắn sẽ phải mang như hòn đá
trong bao tử hắn trong suốt phần còn lại của cuộc chiến tranh.
Hắn chỉ làm được mỗi một
việc là đào. Hắn dùng dụng cụ đào cộng sự như một cái rìu, chém chặt, cảm thấy
cả yêu thương lẫn hận thù, rồi sau đó, khi trời tối hẳn, hắn ngồi dưới đáy công
sự cá nhân của mình mà khóc. Cứ thế một hồi lâu. Một phần hắn khóc Ted Lavender,
nhưng phần lớn là khóc cho Martha và cho chính hắn, bởi nàng thuộc về một thế
giới khác, thế giới ấy không hẳn có thực, và bởi nàng là sinh viên năm thứ ba
trường Mount Sebastian ở New Jersey, là nhà thơ và là gái tân, và thờ ơ, và bởi
hắn nhận ra nàng không yêu hắn và sẽ chẳng bao giờ yêu hắn.
Y xì bao xi măng, Kiowa
thì thào trong bóng tối. Tao thề có Chúa, bùm, sụm. Không một lời.
Cái này tao nghe rồi,
Norman Bowker nói.
Mới đi đái về, hiểu
không? Vẫn đang kéo khóa quần lên. Phựt cái là toi, đang kéo khóa quần.
Được rồi đó. Đủ rồi.
Ừa, nhưng mà mày phải
thấy kìa, cái thằng nhãi đó…
Tao nghe rồi.
Xi măng. Thành thử sao mày không câm mẹ mày đi?
Kiowa lắc đầu buồn bã
rồi liếc sang cái hố nơi Thiếu úy Jimmy Cross ngồi ngắm đêm. Không khí nặng,
ẩm. Một làn sương dày ấm đã sà xuống cánh đồng và có sự tĩnh lặng thường đến
trước khi mưa.
Hồi sau Kiowa thở dài.
Có điều này chắc chắn,
hắn nói. Thiếu úy đang tổn thương sâu sắc. Tao muốn nói là cái kiểu khóc lóc ấy
– như ổng khóc bây giờ ấy – nó không giả bộ hay gì hết, mà là tổn thương thật,
nặng hẳn hoi. Thằng chả coi vậy mà có lòng.
Chắc rồi, Norman Bowker
nói.
Tụi bây nói gì thì nói,
thằng chả có lòng.
Tụi mình đứa nào mà
chẳng gặp chuyện không hay.
Lavender thì không.
Không, tao cho là không,
Bowker nói. Nhưng dù sao cũng làm ơn giúp tao cái này.
Câm miệng đi hả?
Thằng da đỏ vậy mà khôn.
Câm đi.
Nhún vai, Kiowa tháo
bốt. Hắn muốn nói nữa, chỉ để khuây khỏa đầu óc đặng ngủ cho ngon, nhưng thay
vì vậy hắn giở Tân Ước của hắn ra kê xuống dưới đầu làm gối. Sương mù làm mọi
thứ có vẻ rỗng rang trôi nổi. Hắn cố không nghĩ về Ted Lavender, nhưng rồi hắn
lại nghĩ sao mà nhanh thế, chả kịch tính gì, sụm xuống chết, và thật khó mà cảm
thấy gì khác ngoài kinh ngạc. Xem chừng thật phi Cơ đốc. Hắn ước gì mình có thể
tìm ra chút nỗi buồn cao quý nào đó, hay thậm chí giận dữ, nhưng cảm xúc chẳng
có đó mà hắn cũng không thể làm cho nó nảy ra. Hầu hết là hắn chỉ thấy hài lòng
mình còn sống. Hắn thích cái mùi cuốn Tân Ước kê dưới má hắn, mùi da thuộc mùi
mực mùi giấy mùi hồ, dù công thức là thế nào đi nữa. Hắn thích nghe những âm
thanh của đêm. Ngay cả cơn mệt mỏi của hắn, nó cũng có vẻ dễ chịu, những bắp cơ
cứng đờ và cái cảm nhận ran ran về cơ thể chính hắn, một cảm giác bồng bềnh.
Hắn hân thưởng chuyện mình không chết. Nằm đó, Kiowa khâm phục khả năng đau khổ
của Thiếu úy Jimmy Cross. Hắn muốn chia sẻ nỗi đau của người đó, hắn muốn có
lòng cũng như Jimmy Cross có lòng. Thế nhưng khi nhắm mắt, hắn chỉ có thể nghĩ
đến một thứ là Bùm-sụm, và hắn chỉ có thể cảm thấy một thứ là được cởi bốt ra
và sương mù cuộn quanh thân hắn và đất ẩm và mùi cuốn Kinh Thánh và sự tĩnh
mịch êm mướt của đêm.
Một lát sau Norman
Bowker ngồi dậy trong bóng tối.
Cái quái gì vậy, hắn
nói. Mày muốn nói, thì nói đi. Kể tao nghe.
Quên đi.
Không, bạn à, nói đi. Có
một thứ tao ghét, là một thằng da đỏ im lặng.
Có nhiều tư thế kiểu như
vậy. Một vài người mang bản thân mình với một thứ cam chịu đầy u ẩn, người khác
thì với lòng tự hào hay kỷ luật nhà binh cứng nhắc hay khiếu hài hước hay nhiệt
huyết kiểu anh hùng mã thượng. Họ sợ chết nhưng còn sợ hơn thế cái việc tỏ ra
mình sợ chết.
Họ tìm những câu đùa để
nói.
Họ dùng một thứ từ vựng
cứng rắn để hàm chứa sự nhẹ nhàng khủng khiếp. Greased (“Bị
quằm”) rồi, họ nói. Offed, lit up, zapped while zipping (ngỏm củ tỏi,
phựt cái rồi đời). Đấy không phải tàn nhẫn, mà chỉ là diễn tuồng. Họ là
kịch sĩ. Khi ai đó chết, đó không hẳn là chết, bởi theo một cách kỳ cục nào đó
chuyện này dường như có ghi trong kịch bản, và bởi họ có những lời thoại hầu
hết đã thuộc lòng, mỉa mai trộn lộn với bi thương. Và bởi họ gọi nó bằng tên
khác, như để gói chặt rồi tiêu hủy cái thực tại về bản thân cái chết. Họ đá mấy
cái xác. Họ xẻo ngón cái. Họ nói bằng tiếng lóng của lính. Họ kể chuyện Ted
Lavender luôn ôm sẵn thuốc an thần, thằng nhãi tội nghiệp chả cảm thấy gì ra
sao, nó trông thanh thản đến cỡ nào, nhìn không tin được.
Có bài học ở đây,
Mitchell Sanders nói.
Họ đang chờ trực thăng
chở Lavender đi, vừa chờ vừa hút thuốc của kẻ mới chết.
Bài học khá rõ, Sanders
nói, đoạn nháy mắt. Tránh xa xì ke thuốc phiện đi. Không đùa đâu, mấy thứ đó
mỗi lần hút là một lần nó hại đời tụi bây đó.
Ngon, Henry Dobbins nói.
Nổ tung cái đầu ra, hiểu
chưa? Cứ ngồi đó nói chuyện tóc tai đi. Đếch còn gì, độc máu với óc.
Họ tự làm mình cười rộ.
Nó đó, họ nói. Lại nữa
kìa lại nữa kìa – nó đó, mày, nó đó – như thể bản thân sự lặp đi lặp lại là một
hành vi tỏ rõ sự ung dung điềm tĩnh, một sự cân bằng giữa điên khùng với hầu
như điên khùng, biết mặc dù không đi, nó đó, tức là hãy bình tĩnh đi, để nó
cưỡi đi, bởi vì Ôi chao, bạn à, mày đâu thể thay đổi cái không thay đổi được,
nó đó, nó đang có đó, tuyệt đối và chín chắn và mẹ cha nó nó bự chần vần đó.
Họ cứng cỏi.
Họ mang toàn bộ hành
trang cảm xúc của những người có thể chết. Đau đớn, kinh hoàng, yêu thương,
mong đợi – đó là những thứ vô hình, song những thứ vô hình có khối lượng và
trọng lực riêng của chúng, chúng có sức nặng có thể nhận ra được bằng cơ thể.
Họ mang những ký ức ô nhục. Họ mang cái bí mật chung của sự hèn nhát khó mà kìm
nén, bản năng bỏ chạy hay đờ ra hay ẩn núp, và trong nhiều phương diện đây là
gánh nặng nặng hơn cả, bởi nó chả bao giờ đặt xuống được, nó đòi hỏi sự cân bằng
hoàn hảo và tư thế hoàn hảo. Họ mang thanh danh mình. Họ mang nỗi sợ lớn nhất
của người lính, là sợ đỏ mặt. Người ta bị giết, và chết, bởi vì họ ngượng nếu
không như thế. Đó mới là cái đầu tiên đã đưa họ đến cuộc chiến này, chứ chẳng
phải cái gì tích cực, chẳng ước mơ vinh quang hay danh dự, chỉ là để tránh nỗi
ngượng và mất danh dự. Họ chết để không phải chết vì ngượng. Họ bò vào địa đạo
và tiến thẳng tới dưới hỏa lực. Sáng nào cũng vậy, mặc những gì chưa biết, họ
buộc chân mình nhúc nhích. Họ chịu đựng. Họ cứ lặc lè tiến. Họ không chịu buông
mình làm cái cách thứ hai kia mặc dù nó sờ sờ đó, là cứ vậy nhắm mắt mà gục
xuống. Dễ lắm, thật thế. Cứ đi cà nhắc rồi vấp té trên đất và để cơ bắp mình
rời rã hết ra và không nói năng gì không cục cựa cho tới khi chiến hữu tới nhắc
ta dậy đưa ta lên trực thăng rồi trực thăng sẽ gầm rú sẽ cất mũi lên mà mang ta
về với thế giới. Chỉ cần té ngã thôi, thế mà không ai té ngã. Thực ra đấy không
phải là can đảm; ở đây chẳng phải đức can trường gì. Đúng hơn là, họ quá sợ cái
chuyện phải làm tên hèn nhát.
Nhìn chung họ mang những
thứ đó ở bên trong, duy trì cái mặt nạ điềm tĩnh ung dung. Họ cười khi khỉ
trước những vụ xin nghỉ ốm. Họ nói những lời chua cay về mấy thằng cha được cho
về bằng cách tự bắn bay ngón chân ngón tay mình. Đồ gà chết, họ nói. Đồ teo
dái. Đó là cách nói riết róng, miệt thị, chỉ phảng phất chút nào đó ganh tị hay
kính nể, nhưng dù có vậy đi nữa hình ảnh đó vẫn cứ hiển hiện trong mắt họ.
Họ hình dung cái nòng
súng áp vào thịt. Dễ quá: bóp cò, bắn bay một ngón chân. Họ mường tượng chuyện
đó. Họ mường tượng cái đau nhanh chóng, ngọt ngào, rồi thì chuyến bay cứu nạn
sang Nhật Bản, rồi khách sạn với nệm ấm chăn êm và những nàng y tá geisha xinh
xẻo.
Và họ mơ những cánh chim
tự do.
Ban đêm, khi canh gác,
nhìn ra bóng tối, họ mê mẩn cảnh tượng những chiếc máy bay phản lực. Họ cảm
nhận được cái lực tràn tới khi cất cánh. Đi đây! Họ hét. Và
rồi tốc độ – của cánh và của động cơ – một cô tiếp viên mỉm nụ cười – nhưng ấy
không chỉ là một chiếc máy bay, ấy là một con chim thực thụ, một con chim lớn
bằng bạc bóng loáng có lông vũ có móng và tiếng rít chói tai. Họ đang bay.
Trọng lượng rơi đâu mất; chẳng có gì để mang nữa. Họ cười ha hả, ưỡn thẳng
người, cảm thấy gió lạnh và độ cao ập vào mình, cất bổng lên, bụng nghĩ Xong
rồi, mình đi đây! – họ trần truồng, họ nhẹ bỗng và tự do – chỉ có mỗi
nhẹ tênh, sáng ngời vun vút bồng bềnh, nhẹ như ánh sáng, một tiếng u u của khí
hê li trong não, sự nhẹ bồng choáng choáng say say trong phổi khi họ được nâng
lên cao vượt khỏi mây và cuộc chiến tranh, vượt xa ngoài nghĩa vụ, ngoài lực
hấp dẫn, nỗi nhục và những mối liên thông chằng chịt toàn cầu – Xin
lỗi! họ gân cổ hét. Tao xin lỗi, đụ má, tao thoát rồi, tao
biến rồi, tao đang trên tàu vũ trụ, tao chuồn!– và đó là một cảm giác yên
bình, không vướng bận, cứ thế mà cưỡi trên sóng ánh sáng, giong buồm cái con
chim tự do to đùng bằng bạc ấy qua núi non qua đại dương, qua châu Mỹ, qua nông
trại qua thành phố lớn ngủ say qua nghĩa địa qua đại lộ qua những vòng cung
vàng của quán McDonald’s, ấy là bay, một kiểu thoát thân, một kiểu rơi, rơi
càng lúc càng cao, xoáy tít mà bứt khỏi vùng ven trái đất vùng ra khỏi mặt trời
và lao qua chân không bao la câm lặng nơi không còn gánh nặng nào, nơi muôn vật
không hề nặng tí ti nào – Đi! họ hét. Tao xin lỗi, tao
đi đây! – và thế là về đêm, không hẳn là nằm mơ, họ buông mình theo sự
nhẹ bồng, họ được mang đi, họ hoàn toàn được đưa đi.
Buổi sáng sau hôm Ted
Lavender chết, Thiếu úy Jimmy Cross ngồi khom dưới đáy công sự cá nhân của mình
mà đốt thư của Martha. Rồi hắn đốt hai tấm ảnh. Có một cơn mưa rơi đều hạt,
khiến không dễ mà đốt được, nhưng hắn dùng diêm và dầu Sterno chuyên dụng để
châm một ngọn lửa nhỏ rồi lấy thân mình che cho nó, dùng đầu ngón tay cầm hai
tấm ảnh hơ lên trên lưỡi lửa nhọn màu xanh lục.
Hắn nhận ra đây chỉ là
một hành vi mang tính tượng trưng. Ngu xuẩn, hắn nghĩ. Đa cảm nữa, nhưng phần
lớn chẳng qua là ngu xuẩn.
Lavender chết rồi. Ta
không thể đốt rụi ngọn lửa được.
Ngoài ra, các bức thư
nằm trong đầu hắn. Và thậm chí cả bây giờ, không có ảnh, Thiếu úy Cross vẫn
thấy được Martha đang chơi bóng chuyền, mặc quần soóc trắng áo pun vàng. Hắn có
thể thấy nàng đang chuyển động trong mưa.
Khi lửa tàn, Thiếu úy
Cross kéo pông-sô lên trùm kín vai và ăn sáng thẳng từ trong hộp.
Không có bí ẩn lớn nào
hết, hắn kết luận.
Trong những lá thư bị
đốt đó Martha không một lần nhắc tới cuộc chiến, chỉ trừ khi cô nói, Jimmy, bảo
trọng nhé. Cô không quan tâm. Cô ký “Yêu” cuối mỗi thư, nhưng đó không phải
tình yêu, và tất cả những dòng hay ho với bao thứ thủ thuật kia chẳng có nghĩa
lý gì. Trinh tiết hay không chả còn quan trọng nữa. Hắn ghét nàng. Phải, hắn
ghét. Hắn ghét nàng. Yêu, cũng có, nhưng đó là một thứ tình yêu cay nghiệt, yêu
nhưng thù ghét.
Buổi sáng đến ướt át mờ
mịt. Mọi thứ dường như là một phần của mọi thứ khác, sương mù và Martha và cơn
mưa càng lúc càng dày.
Nói cho cùng, hắn là một
người lính.
Cười nửa miệng, Thiếu úy
Jimmy Cross lôi mấy tấm bản đồ ra. Hắn lắc đầu thật mạnh, như để giũ đầu cho
sạch, rồi khom tới trước mà khởi sự hoạch định chuyến hành quân hôm đó. Trong
vòng mười phút, cũng có thể hai mươi, hắn sẽ dựng lính của hắn dậy và họ sẽ gói
ghém ba lô mà tiến về phía Tây, nơi các bản đồ cho thấy vùng đồng quê có vẻ
xanh tươi mời mọc. Họ sẽ làm những gì vẫn luôn làm. Mưa có thể làm cho nặng
càng thêm nặng, nhưng ngoài cái đó ra thì đây chỉ là thêm một ngày chồng lên
trên mọi ngày khác.
Hắn vốn thực tế về điều
đó. Có cái sự cứng rắn mới mẻ này trong bụng hắn. Hắn yêu nàng nhưng hắn ghét
nàng.
Không ảo tưởng hoang
đường nữa, hắn tự nhủ.
Từ nay, mỗi khi hắn nghĩ
về Martha, ấy sẽ chỉ là nghĩ rằng nàng thuộc một nơi khác. Hắn sẽ đóng sập
những giấc mơ ban ngày lại. Đây không phải Mount Sebastian, đây là một thế giới
khác, nơi không có những bài thơ đèm đẹp hay kỳ thi giữa học kỳ, nơi những người
đàn ông chết vì bất cẩn hoặc chỉ vì ngu xuẩn. Kiowa nói đúng. Bùm-sụm, thế là
ta chết, chẳng bao giờ chỉ chết một phần.
Trong thoáng chốc, dưới
cơn mưa, Thiếu úy Cross thấy đôi mắt xám của Martha nhìn lại hắn.
Hắn hiểu.
Quá buồn, hắn nghĩ.
Những thứ mà họ mang bên trong. Những thứ họ làm hay cảm thấy phải làm.
Hắn gần như gật đầu với
nàng, nhưng không gật.
Thay vì vậy hắn quay lại
mấy tấm bản đồ. Giờ hắn quyết tâm thi hành nghĩa vụ của mình một cách vững
vàng, không chểnh mảng. Thế cũng chả giúp gì được Lavender, hắn biết, nhưng từ
nay trở đi hắn sẽ hành xử đúng như một sĩ quan. Hắn sẽ vứt bỏ hòn sỏi mang lại
vận may của hắn. Nuốt nó, có thể, hay là dùng cái ná của Lee Strunk, hay là thả
nó dọc con đường mòn. Trên đường hành quân hắn sẽ áp đặt kỷ luật chiến trường
nghiêm ngặt. Hắn sẽ cẩn thận cử người cảnh giới hai bên sườn, phòng tình trạng
đi rời rạc hay co cụm, để duy trì nhịp tiến và khoảng cách thích đáng cho đội
hình binh sĩ. Hắn sẽ yêu cầu vũ khí lúc nào cũng phải sạch. Hắn sẽ tịch thu chỗ
thuốc phiện của Lavender còn sót lại. Đến cuối ngày hôm đó, hẳn thế, hắn sẽ tập
hợp quân lại để nói chuyện thẳng thắn với họ. Hắn sẽ nhận mình có lỗi về chuyện
đã xảy ra cho Ted Lavender. Hắn sẽ hành xử như một người đàn ông trong việc ấy.
Hắn sẽ nhìn vào mắt họ, giữ cằm hắn thật ngay, và hắn sẽ ban chỉ thị hành động
mới bằng giọng điềm tĩnh, vô cảm, giọng của một thiếu úy, không để cho ai cãi
lý hay bàn luận. Bắt đầu lập tức, hắn sẽ bảo họ, từ nay họ không được phép vứt
bớt thiết bị dọc đường hành quân nữa. Họ sẽ phải làm gì cũng đúng theo khuôn
phép. Họ sẽ phải xốc lại mọi thứ cho ngay, kể cả cứt mình cũng phải vun lại cho
ngay, gì cũng phải nghiêm chỉnh đâu ra đó không một li sai chạy.
Hắn sẽ không dung sự bất
nghiêm. Hắn sẽ tỏ rõ sức mạnh bằng cách tách mình ra.
Trong đám lính hẳn sẽ có
những tiếng càu nhàu, cố nhiên, có thể còn tệ hơn nữa, bởi vì những ngày của họ
sẽ dường như có vẻ dài hơn và gánh nặng nặng hơn, nhưng Thiếu úy Jimmy Cross tự
nhắc rằng nghĩa vụ của hắn không phải là được người ta yêu mến mà là chỉ huy.
Hắn sẽ chả cần cái chuyện yêu với mến; giờ nó không còn là một nhân tố nữa. Và
nếu có ai cãi cọ hay ta thán, hắn sẽ chỉ căng môi ra và chỉnh lại hai vai mình
cho đúng phong thái kẻ chỉ huy. Hắn có thể sẽ gật đầu khẽ, cộc lốc. Cũng có thể
không. Hắn có thể chỉ nhún vai nói, Làm đi, thế là họ sẽ xốc hành trang và hợp
thành đội hình rồi tiến về phía những ngôi làng ở phía tây Thần Khê.
--------------
[1] Tên lóng lính Mỹ dùng để
gọi một số loại mìn; riêng Bouncing Better (tên thường gặp hơn là Bouncing
Betty) là một loại “bom nhảy” (S-mine), có từ trước Thế chiến Thứ hai, với dặc
điểm là khi bị giẫm lên, nó sẽ “nhảy” lên cao khoảng 0,9 mét rồi mới nổ.
[2] USO: viết tắt
của United Service Organizations Inc., một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận,
chuyên cung cấp dịch vụ giải trí và “củng cố tinh thần” cho quân nhân Mỹ, với
140 trung tâm trên toàn thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét