Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (7)

 

Nhà văn Milan Kundera

TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (7)

 Milan Kundera

PHẦN IV

Những cánh thư thất lạc

KỲ 1

1.

Tôi nhẩm tính mỗi giây đồng hồ trên mặt đất này có hai hoặc ba nhân vật hư cấu được rửa tội. Đó là lý do vì sao tôi luôn luôn lưỡng lự, chẳng muốn gia nhập cái đám Giăng Báp-tít đông khủng khiếp đó. Nhưng tôi làm gì được? Đằng nào tôi cũng phải đặt tên cho các nhân vật của tôi. Lần này, để chắc chắn nhân vật nữ tôi sáng tạo là của tôi chứ không ai khác (tôi dính dáng đến cô nhiều hơn bất cứ ai), tôi sẽ đặt cho cô một cái tên xưa nay chưa người đàn bà nào có: Tamina. Tôi hình dung cô là người đàn bà đẹp, dáng người cao, ba mươi ba tuổi, gốc gác ở Praha.

Tôi thấy cô đi trên đường phố một tỉnh lị nhỏ bé miền tây châu Âu. Vâng, bạn nhận xét đúng: tôi nêu rõ Praha, tên miền đất xa tít tắp trong khi nơi chốn câu chuyện đang thuật thì tôi không cho bạn biết nó tên gì, chính xác nằm nơi đâu. Điều đó phá vỡ quy luật viễn cảnh, nhưng bạn đành phải chấp nhận thôi.

Tamina hầu bàn tại một quán cà phê nhỏ do một cặp vợ chồng làm chủ. Bán cà phê không khá lắm nên anh chồng phải kiếm việc làm thêm bên ngoài và họ thuê Tamina vào thế chỗ. Sự khác biệt giữa tiền lương èo uột của anh chồng và tiền lương èo uột hơn họ trả Tamina là thu nhập ít ỏi của vợ chồng chủ quán.

Tamina bưng cà phê và rượu táo cho khách uống (quán chẳng bao giờ đông khách, thông thường chỉ ngồi kín một nửa) xong, về ngồi sau quầy. Tại quầy, gần như lúc nào cũng có người ngồi tán chuyện với cô. Gần như ai cũng thích chuyện trò với Tamina. Bởi cô biết nghe người khác nói chuyện.

Nhưng có thật cô biết nghe người khác nói chuyện không? Hay cô chỉ chăm chú, im lặng nhìn người nói? Tôi không biết, nhưng điều đó chẳng hề chi. Điều quan hệ là cô không ngắt lời người nói. Bạn biết đấy, khi hai người đối thoại, một người đang nói thì người kia chen vào: “Tôi cũng thế, tôi…”, và lập tức thao thao bất tuyệt nói về mình cho đến khi người thứ nhất tìm được cơ hội chen vào cũng với câu “Tôi cũng thế, tôi…”.

Câu “Tôi cũng thế, tôi…” nghe như tiếng vọng ưng chuẩn, là cách người ta nối tiếp ý tưởng kẻ khác, nhưng đó là ảo tưởng: nó thật ra là một phản kháng thô bạo nhằm chống lại một hành vi thô bạo khác, một cố gắng giải thoát lỗ tai chúng ta để không bị tra tấn nữa và sử dụng sức mạnh tra tấn lại lỗ tai kẻ kia. Bởi vì toàn bộ cuộc sống con người với nhau chẳng là gì khác hơn bãi chiến trường nơi người ta tra tấn lỗ tai nhau. Bí quyết Tamina được mọi người ưa thích là cô không thích nói về mình. Kẻ nào muốn tra tấn lỗ tai cô, cô chịu khuất phục, không bao giờ nghe cô nói: “Tôi cũng thế, tôi…”

2.

Bibi trẻ hơn Tamina mười tuổi. Gần năm trời nay, ngày này sang ngày khác, cô kể lể về mình với Tamina. Cách đây không lâu (đó chính là lúc câu chuyện bắt đầu), cô bảo Tamina vợ chồng cô đang chuẩn bị về Praha nghỉ hè.

Nghe vậy, Tamina như tỉnh giấc sau nhiều năm ngủ mê. Bibi tiếp tục nói và trái với thói quen thường lệ, Tamina ngắt lời cô:

“Bibi, em về Praha, chị nhờ em ghé nhà mẹ chồng chị lấy cho chị một gói đồ, được không? Không lớn lắm đâu, chỉ là một gói nhỏ, nằm gọn trong va li em”.

“Em làm bất cứ cái gì cho chị!”. Bibi sốt sắng trả lời.

“Chị cảm ơn em vô cùng”.

“Chị yên tâm, em sẽ làm đúng lời chị dặn”.

Hai người đàn bà ngồi vu vơ nhắc lại thành phố Praha của quá khứ, hai gò má Tamina cứ nóng dần. Bibi bỗng chuyển đề tài:

“Em muốn viết một cuốn sách”.

Tamina muốn giữ lâu bền quan hệ tình bạn này với Bibi vì cô nghĩ đến gói đồ ở Bohemia, cô lập tức vểnh tai lên nghe: “Một cuốn sách? Về cái gì?”.

Đứa bé gái một năm tuổi của Bibi bò lổm ngổm dưới chân ghế nơi mẹ nó đang ngồi, nãy giờ nó la hét ầm ĩ.

“Yên nào!”. Bibi cúi xuống mắng con, đoạn cô ngước lên rít một hơi thuốc lá, mặt trầm ngâm. “Về thế giới này trong mắt em. Em sẽ viết về những gì em trông thấy”.

Đứa bé la hét càng lúc càng dữ, Tamina hỏi: “Em biết viết sách không?”.

“Sao không?”. Cô trả lời, mặt vẫn trầm ngâm. “Lẽ đương nhiên em phải đi thu thập ít thông tin về việc viết sách. Chị biết ông Banaka không?”.

“Không. Ai thế?”.

“Một nhà văn. Ông ấy ở quanh đây. Chắc em phải đi gặp ông ấy”.

“Ông ấy viết về cái gì?”.

“Em cũng chả biết nữa”, Bibi trả lời, rồi cô nói thêm, mặt đăm chiêu hơn: “Có lẽ em nên đọc một cuốn sách ông ấy viết”.

3.

Thay vì một tiếng kêu ngạc nhiên thích thú, giọng nói phát ra từ ống nghe điện thoại lạnh lùng hơn nước đá: “Cô đấy hả? Cô còn nhớ đến tôi à?”.

“Mẹ biết con đâu làm ra tiền. Gọi điện tốn tiền lắm, mẹ ạ”. Tamina trả lời, giọng phân trần.

“Cô có thể viết thư mà. Theo chỗ tôi biết, tem thư chỗ cô ở đâu đắt đến nỗi mua không nổi. Tôi chả nhớ lá thư cuối cùng cô viết cho tôi là từ lúc nào”.

Biết cuộc điện đàm với bà mẹ chồng mới câu đầu tiên đã chẳng ra gì, Tamina bèn hỏi han bà đủ thứ chuyện, nào là sức khỏe bà dạo này ra sao, cuộc sống bà có gì vui không. Mãi sau cô mới thu hết can đảm nói: “Mẹ, con có việc nhờ mẹ. Lúc chúng con rời xứ ra đi, chúng con có để lại một gói đồ nhờ mẹ cất giữ”.

“Một gói đồ? Đồ gì?”.

“Vâng ạ, một gói đồ, mẹ và Pavel cất nó trong cái bàn giấy cũ của bố, cậu ấy nhét vào ngăn kéo rồi khóa lại, mẹ nhớ cái bàn giấy cậu ấy có một ngăn kéo riêng không? Đoạn cậu ấy giao chìa khóa cho mẹ giữ”.

“Tôi chả giữ cái chìa khóa nào cả”.

“Con biết chắc mẹ giữ. Rõ ràng Pavel giao cho mẹ, hôm ấy con đứng ngay đấy mà”.

“Cô chả giao cho tôi cái gì cả”.

“Chắc mẹ quên đấy, dễ thường có đến mấy năm rồi. Con xin mẹ cố tìm ra cái chìa khóa. Con chắc mẹ sẽ tìm thấy”.

“Cô muốn tôi làm gì nếu tôi tìm thấy?”.

“Mẹ mở ngăn kéo xem gói đồ còn trong đấy không”.

“Cô cất đâu thì nó vẫn còn đấy chứ mất đi đâu mà sợ. Chính tay cô cất mà, phải không?”.

“Dạ, vâng”.

“Việc gì tôi phải mở ngăn kéo ra xem. Cô nghĩ tôi làm gì với mấy cuốn nhật ký của cô, hử?”.

Tamina kinh ngạc: Làm thế nào bà mẹ chồng biết cô cất nhật ký trong ngăn kéo? Cô đã cẩn thận gói tất cả vào một bao giấy và lấy băng keo bó chặt lại rồi mà. Nhưng cô không muốn để bà thấy mình tỏ vẻ kinh ngạc:

“Mẹ không cần làm gì nhiều, con chỉ nhờ mẹ xem có cái gì trong đó không, vậy thôi. Lần tới gọi điện con sẽ nói rõ hơn”.

“Cô không thể nói cho tôi biết đây là chuyện gì à?”.

“Nãy giờ nói chuyện lâu rồi, tốn tiền lắm, mẹ ạ”.

Bà mẹ chồng nghe xong sụt sịt khóc: “Nếu tốn tiền quá thì cô đừng gọi tôi nữa”.

“Con xin mẹ đừng khóc nữa”. Tamina van nài bà, cô thuộc lòng tiếng khóc của bà. Bất kỳ khi nào muốn gì từ vợ chồng cô, bà đều khóc. Khóc là cách bà trút tội lên đầu lên cổ con trai và con dâu, chẳng có gì hung hãn hơn những giọt nước mắt của bà.

Ống nghe điện thoại rung lên với tiếng khóc của bà, Tamina đành nói: “Con chào mẹ, vài hôm nữa con sẽ gọi lại”.

Nói vậy nhưng cô không dám cúp máy cho đến khi bà thôi khóc và chào giã từ. Nhưng tiếng sụt sịt vẫn còn dai dẳng và mỗi giọt nước mắt đều cộng vào giá tiền cú điện thoại viễn liên.

Tamina cúp máy.

“Nói chuyện gì mà lâu thế!”. Bà chủ quán bảo Tamina, bà nhíu mày giơ ngón tay chỉ đồng hồ điện thoại. Bà tính tiền cú điện thoại gọi về Bohemia, Tamina thất kinh lúc nhìn con số. Suốt từ giờ cho đến kỳ lương tới, cô phải chắt bóp từng xu thôi, nhưng cô thản nhiên móc tiền ra trả, mắt không buồn chớp.

4.

Vợ chồng Tamina trốn khỏi Bohemia bằng cách đăng ký chính thức đi du lịch bờ biển Yugoslavia. Đến nơi hai người thừa lúc không ai để ý, tách khỏi đoàn du lịch và vượt qua biên giới Áo, rồi từ đó cứ nhắm hướng tây mà đi.

Để tránh bị chú ý lúc ở trong đoàn du lịch, họ chỉ xách theo mỗi người một cái va li lớn. Giờ cuối trước khi ra đi, họ bỏ lại cái gói kềnh càng gồm thư từ kỷ niệm hai người viết cho nhau và những cuốn nhật ký của Tamina. Bohemia là xứ bị ngoại xâm chiếm đóng nên họ sợ lúc hải quan bắt mở toang hành lý khám xét chắc chắn sẽ nghi ngờ tại sao đi nghỉ hè có hai tuần lễ mà đem theo cả thư khố đời tư làm gì. Thêm nữa, vì biết chắc sau khi công an phát hiện vợ chồng bỏ trốn, mọi đồ đạc trong căn hộ sẽ bị nhà nước tịch biên, nên họ không muốn vứt lại gói thư ở đó và đã nhờ bà mẹ cất giùm trong ngăn kéo bàn giấy, chỗ người cha lúc trước hay ngồi, và sau khi ông qua đời, chiếc bàn không ai đụng tới.

Ra nước ngoài, chồng Tamina ngã bệnh, cô chỉ biết nhìn chồng chết lần mòn. Sau khi anh qua đời, họ hỏi cô muốn chôn hay thiêu xác. Cô bảo thiêu. Họ lại hỏi cô muốn giữ tro trong bình hay đem rải. Không nhà cửa, cô sợ sẽ phải ôm kè kè cái bình tro của chồng suốt đời như cái túi xách nên cô yêu cầu đem đi rải.

Tôi tưởng tượng thế giới càng lúc càng xây lên cao xung quanh Tamina như bức tường hình ống và cô lọt thỏm trong khoảnh vườn nhỏ xíu nằm dưới đáy. Mọc trên khoảnh vườn nhỏ xíu đó là một bông hồng duy nhất: ký ức của cô về người chồng.

Hoặc, tôi tưởng tượng cuộc sống hiện tại của Tamina (bao gồm hai động tác bưng cà phê cho khách và vểnh tai nghe thiên hạ nói) là chiếc bè trôi lềnh bềnh vô định trên mặt nước, và cô ngồi trên đó ngoái nhìn về phía sau, chỉ phía sau.

Sau một thời gian, cô cảm thấy tuyệt vọng bởi quá khứ càng lúc càng phai mờ. Tất cả những gì còn lại của người chồng là bức ảnh hộ chiếu của anh, bao nhiêu hình ảnh khác đều đã bỏ lại căn hộ bị tịch biên ở Praha. Nhìn bức chân dung thảm thương góc quăn tít có con dấu đóng lên mặt (trông như ảnh tội phạm), cô thấy chẳng giống anh tí nào. Mỗi ngày nhìn bức ảnh cô thả hồn theo trí tưởng tượng cố gắng hình dung chồng mình nhìn nghiêng trông như thế nào, rồi nghiêng một nửa, nghiêng ba phần tư. Mỗi ngày vẽ lại trong trí óc đường sống mũi, hình dạng cái cằm của anh, Tamina không khỏi bàng hoàng hoảng sợ khi thấy ký ức mình mỗi lúc mỗi xa rời thêm, bởi bức phác họa chân dung tưởng tượng đó mỗi ngày đều có một điểm gì khả nghi, không giống thật.

Những lúc như vậy, cô cố hồi tưởng lại màu da của anh với tất cả những tì vết trên khuôn mặt như mụt cóc, mụt ruồi, tàn nhang, những đường gân nhỏ. Thật khó, gần như bất khả. Ký ức cô không cung cấp màu sắc trung thực, và bởi thế cô không tài nào tái tạo được nước da anh. Cô đành chấp nhận một kỹ xảo tái tạo đặc biệt của riêng cô. Bất cứ lúc nào ngồi đối diện một người đàn ông, cô đều sử dụng cái đầu ông ta làm chất liệu một công trình điêu khắc: cô chăm chú nhìn ông ta, đoạn tưởng tượng ra gương mặt người chồng, cho ông ta một nước da sẫm hơn và điểm lên đó vài mụt cóc, tàn nhang, thu nhỏ kích cỡ hai lỗ tai, cho đôi mắt màu xanh nước biển.

Nhưng tất cả những cố gắng này đều cho thấy hình ảnh người chồng đã trôi tuột đi đâu mất, không bao giờ trở lại. Thuở hai người mới có nhau (anh lớn hơn cô đến mười tuổi nên đã có ít kinh nghiệm về sự kém cỏi của trí nhớ con người), anh bảo cô viết nhật ký để ghi chép lại quãng đời với nhau. Cô không chịu nghe lời anh, cô bảo làm thế tình yêu sẽ nhẹ đi. Cô yêu anh nhiều đến độ cái gì cô xem là vĩnh viễn không quên được thì sẽ không bao giờ quên. Sau cùng vì anh nói mãi, cô khứng chịu nhưng không mấy hào hứng. Những cuốn nhật ký cho thấy điều đó: có rất nhiều trang bỏ trống, và những đoạn ghi chép thì rời rạc, sơ sài.

5.

Hai người sống với nhau ở Bohemia được mười một năm, và cô để lại nhà bà mẹ chồng mười một cuốn nhật ký. Sau khi người chồng mất ít lâu, cô mua một cuốn vở học trò và chia nó thành mười một phần. Dĩ nhiên cô nhớ và viết lại khá nhiều biến cố cùng sự việc còn đọng trong ký ức, nhưng cô không biết phải đưa những biến cố và sự việc ấy vào phần nào trong cuốn vở. Mọi thứ tự biên niên tan biến, cô chẳng thể nào nhớ được.

Thoạt đầu cô cố đào bới trí nhớ tìm những thời điểm làm mốc dòng chảy thời gian và dựng một cái sườn để từ đó phăng ra quá khứ. Thí dụ, những kỳ nghỉ hè. Bắt buộc phải có mười một kỳ nghỉ hè cả thảy, nhưng cô chỉ nhớ có chín, còn hai kỳ khác, cô không tài nào nhớ được.

Đoạn cô lắp chín kỳ nghỉ hè đó vào mười một phần cuốn vở học trò. Cô chỉ có thể ghi chép lại chính xác những năm có biến cố đặc biệt không thể quên. Năm 1964, mẹ Tamina qua đời, một tháng sau vợ chồng cô đi nghỉ hè ở Tatras, một kỳ nghỉ hè buồn bã. Và năm sau thì xuống bờ biển Bulgaria. Cô cũng nhớ kỳ năm 1968 và năm sau, bởi đó là năm cuối cùng vợ chồng còn ở Bohemia trước khi vượt biên trốn ra nước ngoài.

Bằng cách này Tamina khôi phục phần nào trí nhớ và cô thành công ghi chép lại khá đầy đủ các kỳ nghỉ hè (mặc dù cô không nhớ hết ngày tháng), nhưng cô chẳng thể nào nhớ hết các kỳ Giáng Sinh và mừng năm mới. Mười một lễ Giáng Sinh, chỉ có hai còn nằm trong ngõ ngách trí óc cô, và mười hai lần mừng năm mới, cô chỉ nhớ năm.

Cô cũng cố lục lọi trí nhớ để lôi ra những biệt danh anh đặt cho cô. Chỉ hai tuần lễ đầu lúc mới quen anh gọi cô bằng tên thật. Anh là cái máy chế biệt danh và đó là cách anh bày tỏ sự âu yếm với cô. Tên cũ chưa quen anh đã đặt cho cô tên mới. Suốt thời gian mười hai năm có nhau, cô có khoảng hai ba chục cái tên, mỗi tên thuộc về một quãng thời gian đặc biệt nào đó trong cuộc sống.

Nhưng làm thế nào để khám phá lại sợi dây kết nối giữa biệt danh và nhịp điệu thời gian? Họa hoằn Tamina mới tìm thấy. Thí dụ, cô nhớ thời gian sau cái chết của mẹ ruột cô, chồng cô đã không ngớt thì thầm vào tai cô cái tên (tên của thời điểm, thời khắc đó), như thể anh muốn đánh thức cô dậy từ giấc mơ. Cô nhớ biệt danh đó và cô tự tin ghi xuống phần với tiêu đề “1964.” Nhưng tất cả các biệt danh khác bay vút ra ngoài thời gian, tự do, loạn cuồng như bầy chim sổng chuồng.

Đó là lý do vì sao cô tìm mọi cách để lấy lại gói thư từ, nhật ký.

Dĩ nhiên cô biết cũng có vài điều không vui ở những hàng chữ, những ngày bất mãn, cãi vã, và thậm chí buồn chán, nhưng chẳng hề chi. Cô đâu muốn trả lại quá khứ cái thi vị của nó. Cô muốn trả lại quá khứ cái thân xác thất lạc của nó. Nung nấu trong người cô không phải ước muốn cho cái đẹp mà là ước muốn cho đời sống.

Bởi vì Tamina là kẻ ngồi trên chiếc bè trôi vô định và lúc nào cũng ngoái nhìn phía sau, chỉ phía sau. Toàn thể cuộc đời cô chỉ bao gồm những gì cô thấy ở đằng xa sau lưng cô. Một khi quá khứ co rút, tan rã, tan biến, cô cũng thu nhỏ lại và mất đi hình dạng.

Cô muốn lấy lại những cuốn nhật ký để cái sườn nhà mỏng manh mà cô xây dựng trên những trang vở học trò, sẽ có bốn bức tường chắc chắn và trở thành ngôi nhà cho cô sống bên trong. Bởi nếu cơ ngơi cái ký ức xiêu vẹo của cô ngả nghiêng và sụp đổ như cái lều dựng vụng về thì tất cả những gì còn sót lại trong cuộc đời Tamina chỉ là hiện tại, và điểm vô hình đó, cái trống không đó sẽ chậm chạp đi dần về cái chết.

6.

Nếu thế tại sao cô không nhờ bà mẹ chồng gửi gói thư từ, nhật ký ấy từ lúc trước?

Ở xứ cô, tất cả thư từ ra nước ngoài đều bị kiểm duyệt, đều qua tay công an, mật vụ. Tamina chẳng thể nào chấp nhận nổi những gì thuộc đời tư của cô bị công an chúi mũi vào. Và thêm nữa, tên tuổi chồng cô (và cũng là tên cô) chắc chắn nằm trong danh sách sổ đen, bởi công an luôn luôn theo dõi hành vi những kẻ họ xem là thù địch của chế độ, họ muốn nắm giữ trong tay tất cả những giấy tờ, văn kiện liên quan đến những kẻ có tội với nhân dân, ngay cả những kẻ đó đã chết. (Về điểm này, Tamina đã không sai trật chút nào, chúng ta chỉ bất tử trong hồ sơ của công an).

Bởi thế, Bibi là hy vọng duy nhất của cô, và cô sẵn lòng làm bất cứ điều gì để giữ lâu bền quan hệ tình bạn này. Nếu Bibi muốn gặp ông Banaka, Tamina nghĩ chí ít cô nên biết qua một cuốn sách nào đó của ông. Thật quan trọng trong lúc họ trao đổi câu chuyện, cô có thể chen vào những câu đại loại như “Vâng, đấy chính là cái gì ông nói trong sách của ông”, hoặc “Ông Banaka, ông và nhân vật của ông sao mà giống nhau thế!”. Tamina biết rõ trong nhà Bibi chẳng có một cuốn sách nào, vì cô không thích đọc sách. Bởi thế cô muốn tìm hiểu một chút về sách ông Banaka viết để giúp cô bạn gặp ông nhà văn.

Tamina bưng cà phê cho một người khách, cô hỏi anh ta: “Hugo, anh biết ông Banaka không?”.

Hugo có bệnh hôi miệng, nhưng ngoài chuyện ấy ra, Tamina thấy anh ta khá dễ thương: anh là một thanh niên ít nói, hơi nhút nhát, trẻ hơn cô chừng năm tuổi. Anh đến quán mỗi tuần một lần, lúc thì chúi mũi vào đống sách, lúc thì nhìn Tamina ngồi sau quầy không chớp mắt.

“Có, tôi biết ông Banaka”. Anh đáp lời cô.

“Hình như ông ấy viết sách. Anh biết ông ấy viết cái gì không?”.

“Tamina, cô nghe tôi nói này, chưa ai đọc bất cứ cái gì ông Banaka viết. Chỉ kẻ khùng mới đọc sách của ông ấy. Ai cũng biết ông Banaka là một nhà văn hạng hai hay hạng ba hay thậm chí hạng mười. Tin được hay không, chính Banaka là nạn nhân của sự nổi tiếng của mình, ông ta nổi tiếng là xem thường những ai đọc sách của ông”.

Cô không tìm mua sách của ông Banaka nữa mà quyết định thu xếp cho Bibi gặp ông nhà văn. Căn phòng Tamina sinh sống, ban ngày không ai ở, và để kiếm thêm thu nhập, lâu lâu cô cho một phụ nữ Nhật có chồng, và có biệt danh là Joujou, thuê làm nơi tình tự với một ông giáo sư dạy Triết có vợ. Ông giáo sư quen biết ông Banaka, và Tamina nhờ họ đưa ông Banaka lại phòng cô một hôm nào đó có Bibi lại chơi.

Lúc Bibi hay tin, cô bảo Tamina: “Có lẽ nhờ ông Banaka đẹp trai, đời sống tình dục của chị biết đâu lại thay đổi đấy”.

7.

Quả thực là Tamina không gần đàn ông bao giờ từ ngày chồng mất. Chẳng phải vấn đề nguyên tắc. Ngược lại là đằng khác, đối với cô, cái chuyện thủ tiết thờ chồng ấy xem có vẻ khôi hài, và cô chẳng bao giờ tỏ ra hãnh diện về điều đó. Thế nhưng bất cứ lúc nào cô tưởng tượng ra cảnh cô cởi quần áo trước mặt một người đàn ông (và cô hay tưởng tượng như thế) thì hình ảnh chồng cô lại hiện ra trước mắt cô. Cô biết cô sẽ thấy anh nếu cô thật sự làm chuyện đó, cô sẽ trông thấy mặt anh và đôi mắt anh đang nhìn cô.

Hiển nhiên điều đó không hợp lý chút nào, thậm chí phi lý, cô biết thế. Cô chẳng tin linh hồn chồng cô vẫn lưởng vưởng đâu đây trên cõi đời này sau khi chết, cô cũng chẳng hề nghĩ nếu cô có tình nhân thì lòng hoài niệm về người chồng sẽ bị thương tổn. Dẫu vậy, cô chẳng làm sao khác hơn được.

Cô còn có trong đầu một ý nghĩ lạ lùng: Cắm sừng chồng trong lúc anh còn sống có lẽ còn dễ dàng hơn bây giờ. Chồng cô là người mạnh mẽ, vui vẻ, giỏi giang, và cô, cô cảm thấy mình yếu đuối hơn anh nhiều lắm, nên chẳng thể nào cô có thể làm tổn thương anh, dù cô phản bội anh.

Nhưng bây giờ mọi sự biến đổi cả. Bây giờ là lúc cô có thể làm tổn thương kẻ không có khả năng tự vệ, kẻ nằm dưới quyền sinh sát của cô như một đứa trẻ lên ba. Bởi chồng cô chết rồi, anh chẳng còn ai ngoài cô ra, không một ai trên thế gian này!

Đó là lý do vì sao lúc cô định có quan hệ ái tình với một người đàn ông khác thì hình ảnh người chồng đột nhiên hiện ra, và kèm theo đó là cảm giác đớn đau như mong ước điều gì, và với cảm giác mong ước là cảm giác buồn bã cùng cực chỉ muốn khóc.

8.

Banaka là người đàn ông với một nhân dáng xấu thê xấu thảm, và chính ông cũng cảm thấy thật khó khăn đánh thức lửa tình đã nguội tắt trong lòng một người đàn bà. Tamina rót cho ông một tách trà, và ông lịch sự cám ơn cô. Ngồi trong phòng Tamina, mọi người ai nấy cảm thấy thoải mái như ở nhà mình. Ông Banaka quay sang Bibi với nụ cười trên môi, bắt đầu cuộc trò chuyện lông bông:

“Tôi đồ cô đang định viết một cuốn sách. Thế cô định viết cái gì?”.

“Rất giản dị”, Bibi đáp lời ông. “Một cuốn tiểu thuyết. Về thế giới trong mắt tôi”.

“Một cuốn tiểu thuyết ư?”. Ông Banaka hỏi lại giọng có vẻ không bằng lòng.

Bibi chữa ngay: “Không nhất thiết phải là tiểu thuyết”.

Ông Banaka nói tiếp: “Cô thử nghĩ xem tiểu thuyết là gì. Nó chứa đựng rất nhiều nhân vật khác nhau trong đó. Liệu cô có thể thuyết phục chúng tôi là cô biết tất cả mọi điều về các nhân vật đó không? Tức là cô phải biết nhân dáng, sắc diện họ như thế nào, họ suy nghĩ gì trong nội tâm, họ ăn mặc ra sao, gia thế họ là gì. Cô hãy tự nhận đi, mấy thứ đó đối với cô chắc chẳng thú vị chút nào”.

“Đúng thế, tôi chẳng thấy mấy thứ đó thú vị chút nào”. Bibi thừa nhận.

“Cô biết không”, ông Banaka lại nói, “tiểu thuyết là cái gì từ ảo tưởng con người tạo nên. Ảo tưởng về quyền năng mình có thể thấu hiểu kẻ khác. Nhưng thử hỏi chúng ta biết gì về nhau?”.

“Không gì cả”. Bibi trả lời ông.

“Đúng thế”. Joujou chen vào.

Ông giáo sư Triết gật gù ra chiều đồng tình. Ông Banaka lại nói:

“Tất cả những gì chúng ta làm được chỉ là một bản tường trình về chính chúng ta. Bất kỳ điều gì khác chỉ là lạm dụng quyền năng, một lời dối trá”.

Bibi hào hứng đồng ý:

“Đúng thế! Quả là đúng! Tôi chẳng hề muốn viết tiểu thuyết! Chắc tại vì tôi nói chưa rõ. Tôi muốn viết về những điều ông vừa nói, viết về chính tôi, một bản tường trình về kiếp sống của chính tôi. Tôi không muốn che giấu sự kiện là đời sống tôi rất tầm thường, bình thường, như trăm ngàn người khác, nhưng không có nghĩa là tôi không bao giờ có những trải nghiệm đặc biệt”.

Ông Banaka nở nụ cười trên miệng:

“Điều đó thật ra không quan hệ. Nhìn từ phía ngoài, tôi cũng chẳng có những trải nghiệm đặc biệt bao giờ”.

Bibi kêu lên:

“Vâng! Chính xác! Nhìn từ phía ngoài, tôi cũng chẳng có trải nghiệm đặc biệt bao giờ. Nhưng tôi có cảm tưởng là những trải nghiệm bên trong của tôi xứng đáng để viết ra chứ và rất có thể nó tạo thú vị cho mọi người”.

Tamina rót thêm trà vào tách cho mọi người, cô thấy vui vui trong lòng vì hai người đàn ông hạ cố từ đỉnh non thần Olympus của trí tuệ loài người lại tỏ ra rất thân thiện hòa nhã với cô bạn của cô.

Ông giáo sư Triết rít một hơi píp dài rồi nhả khói mù mịt như thể ông xấu hổ quá và muốn trốn mặt sau đám khói dày. Ông cất tiếng, giọng từ tốn:

“Kể từ khi có James Joyce, chúng ta biết rằng cuộc phiêu lưu kỳ vĩ nhất của đời sống chúng ta là sự nằm không. Ulysses, người chiến đấu tại thành Troy, tìm đường về nhà bằng cách lái thuyền dọc ngang trên mặt biển, hết biển này sang biển kia, chính chàng tự tay lái thuyền, và trên mỗi hòn đảo, chàng đều có một cô tình nhân – không, đấy không phải là đường lối chúng ta sống. Cuộc hành trình viễn du của Homer bị đem vào bên trong, nó được nội tâm hóa. Những hòn đảo xa xôi, cùng với biển cả mênh mông và những nữ nhân ngư mê hoặc chúng ta, Ithaca thống thiết kêu gọi chúng ta – nhưng ngày nay tất cả còn lại chỉ là những tiếng nói hiện hữu bên trong cái hữu thể tồn sinh nội tại của chính chúng ta”.

Bibi lại kêu lên:

“Đúng! Đó chính là cái gì tôi cảm thấy!”.

Đoạn cô quay sang ông Banaka, nói:

“Và đó là lý do vì sao tôi mong được ông chỉ bảo cách thức cho tôi làm được chuyện ấy. Rất nhiều khi tôi có cảm tưởng cơ thể tôi đầy ứ những mong ước được bày tỏ cảm xúc mình. Phải nói ra. Phải khiến mọi người nghe. Đôi khi tôi như muốn nổi điên, bởi vì cảm giác ấy cào cấu tôi khiến tôi như muốn hét lên thật to. Ông Banaka ạ, chắc chắn ông phải biết điều đó. Tôi muốn diễn tả cuộc sống tôi và những gì tôi cảm nhận, mà tôi biết chắc nó là duy nhất, có một không hai trên đời, nhưng khi ngồi xuống bàn viết với tờ giấy trắng trước mặt thì tôi chẳng biết viết cái gì. Đoạn tôi nghĩ phải nhờ đến kỹ thuật. Hiển nhiên có những điều ông biết rõ mà tôi mù tịt. Ông đã viết được những cuốn sách tuyệt vời như thế”.

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét