TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (10)
Milan Kundera
PHẦN V
Litost
Kristyna là ai?
Kristyna là người đàn bà trạc ba mươi tuổi, có một đứa con với anh chồng làm chủ một cửa hàng bán thịt mà cô cảm thấy không tệ lắm sinh sống dưới cùng mái nhà. Cô có áp-phe với anh thợ sửa xe trong tỉnh, nhưng hai người họa hoằn lắm mới gặp nhau một lần sau giờ làm việc, và mỗi lần như thế anh thợ đè ngửa cô ra làm tình ngay trong xưởng sửa xe bề bộn kinh khiếp của anh ta. Cái tỉnh lẻ ấy không phải nơi thuận tiện cho những mối tình vụng trộm, hay đúng hơn, để có những trò phiêu lưu tình ái, người ta phải có óc sáng kiến và tính bạo dạn, cả hai Kristyna đều không có.
Bởi thế sự xuất hiện
của anh chàng sinh viên trong cuộc sống Kristyna đã khiến cô có thể ngước đầu
lên cao. Anh theo mẹ xuống tỉnh nghỉ hè. Hai lần anh nhìn người đàn bà đứng sau
quầy bán thịt không chớp mắt, lần thứ ba anh trao đổi dăm câu xã giao với cô
tại bể bơi. Anh rụt rè lắm, và chính cái vẻ thư sinh đáng yêu của anh đã quyến
rũ người đàn bà trẻ. Trước đó, cô chỉ biết cái thô lỗ, cục cằn của anh chồng và
anh thợ sửa xe. Từ ngày lấy chồng (đã mười năm), cô không dám ôm thân hình
người đàn ông nào khác, ngoại trừ bên trong cái xưởng sửa xe an toàn nhưng bề
bộn trăm thứ cơ phận ô-tô và bánh xe cũ. Đột nhiên cô thấy mình bạo dạn hẳn
lên, cô không sợ ai nhòm ngó mỗi lần ra ngoài hẹn hò với chàng sinh viên. Mặc
dù địa điểm hai người hẹn nhau ra đi bộ khuất xa thị trấn, chẳng có con mắt nào
nhìn theo dò xét, nhưng trái tim Kristyna đập loạn xạ và cảm giác hồi hộp nơm
nớp lo sợ luôn tràn ngập trong lòng cô. Nhưng càng can đảm đối diện với hiểm
nguy cô càng thấy tình cảm với chàng sinh viên dâng lên chan chứa. Hai người
không đi xa lắm. Anh chàng chỉ ôm vội cô vài lần, đặt một nụ hôn trìu mến lên
môi cô, đoạn cô chuồi người ra khỏi tay anh. Lúc anh vuốt ve thân hình cô, cô
khép hai đùi lại thật chặt.
Chẳng phải cô không
thích chuyện yêu đương xác thịt với anh chàng sinh viên. Chính vì yêu cái dịu
dàng nhút nhát của anh chàng mà cô muốn cất giữ nó cho riêng mình. Nghe anh
sinh viên giải thích những tư tưởng lạ về cuộc sống và nhắc tên tuổi thi sĩ
này, triết gia nọ, Kristyna thấy thú vị, mặc dù cô chẳng bao giờ nghe trong
đời. Về phần anh sinh viên, tội nghiệp anh chàng, anh chẳng biết nói gì hơn,
tài ăn nói rù quến đàn bà của anh chỉ tới chừng đó, và anh cũng không biết thay
đổi phong vị như thế nào cho phù hợp với phụ nữ ở những tầng lớp xã hội khác nhau.
Dù sao chăng nữa, ở mặt này, anh không tự trách mình, bởi những từ chương trích
cú anh thuổng từ sách vở nhà trường có hiệu quả với người đàn bà giản dị vợ anh
hàng thịt hơn là các cô nàng sinh viên bạn học của anh. Tuy thế có một trở ngại
đáng kể: câu nói của ngài triết gia nào đó khiến tâm hồn người phụ nữ dung dị
này như được nâng cao lên, nhưng nó cũng là bức tường ngăn cản không cho thân
xác cô cọ xát thân xác anh. Bởi bên trong cái trí tưởng tượng lãng đãng của
mình, Kristyna nghĩ rằng nếu cô hiến dâng thân xác mình cho anh chàng sinh viên
thì cô chỉ tự hạ tình cảm cô ngang với anh chồng hay anh thợ sửa xe, và cô sẽ
chẳng bao giờ được nghe một câu danh ngôn của Schopenhauer.
Với anh chàng sinh
viên, cô thấy vương vấn trong lòng một cảm giác ngượng ngùng cô chưa từng có
trong đời bao giờ. Với anh chồng bán thịt và anh thợ sửa xe, mọi việc cô ứng xử
chóng vánh, vui vẻ. Chẳng hạn, cả hai người đàn ông đều đồng ý với cô rằng họ
phải cẩn thận mỗi lần gần cô, bởi sau khi hạ sinh đứa con đầu lòng, bác sĩ
khuyên cô không nên mang thai lần nữa vì có thể nguy hại đến tính mạng. Chuyện
đó xảy ra lâu lắm rồi, từ thời phá thai còn bị nghiêm cấm, và phụ nữ chưa biết
cách ngừa thai. Anh chồng và anh thợ, cả hai đều hiểu nỗi lo sợ của Kristyna,
và trước khi cô cho phép họ đi vào, với lời lẽ hài hước và tự nhiên, cô khiến
họ sử dụng những biện pháp ngăn ngừa cần thiết. Nhưng với thiên thần từ mây
trên trời rớt xuống hạ giới này, cô không biết phải dùng thứ ngôn từ gì. Bởi
thế, tôi đành đi đến kết luận là, có hai động lực khiến cô trì giữ đam mê thể
xác, không cho nó bung nở: cô muốn anh sinh viên cứ ở bên trong lãnh địa thần
tiên với dáng vẻ rụt rè đáng yêu của anh càng lâu càng tốt, và tránh né cái ghê
tởm cô phải lộ ra – những lời dặn dò hết sức khiếm nhã, chẳng tình tứ lãng mạn
chút nào, lúc yêu đương anh phải cẩn thận thế này, thế nọ – những điều không
thể tránh nếu hai người làm tình.
Nhưng mặc dù là người
nho nhã, anh sinh viên quyết không bỏ cuộc. Mặc cho Kristyna khép chặt hai đùi,
anh vòng tay ra sau bóp chặt đôi mông cô, có nghĩa là miệng nói những câu chữ
cao đẹp của Schopenhauer nhưng hai tay không muốn buông cái thân hình nóng
bỏng, đê mê đó.
Dẫu sao vụ nghỉ hè
cũng đến lúc chấm dứt, và hai kẻ yêu nhau nhận ra rằng thật khó khăn nếu phải
chờ đợi cả năm trời nữa. Kristyna chỉ cần nại một lý do nào đó để đi gặp anh
sinh viên. Cả hai đều hiểu một buổi gặp gỡ như thế có ý nghĩa gì. Tại thủ đô
Praha, anh sinh viên trọ học trên một căn gác xép, và Kristyna sẽ ở với anh một
đêm trên đó.
Litost là gì?
Litost là một từ tiếng Tiệp không thể dịch sang bất
cứ ngôn ngữ nào khác. Âm tiết đầu của nó kéo dài và nhấn mạnh, nghe như tiếng
con chó tru thảm thiết vì bị chủ bỏ rơi. Về ý nghĩa của nó, tôi đã cố công tìm
kiếm, nhưng vô ích, một ý nghĩa tương đương ở những ngôn ngữ khác, và thật khó
khăn cho tôi tưởng tượng làm thế nào người ta có thể hiểu được tâm hồn con
người mà không hiểu ý nghĩa của nó.
Hãy cho tôi đưa ra một
thí dụ: Một hôm, cậu sinh viên cùng cô bạn gái rủ nhau đi bơi sông. Cô là một
nữ lực sĩ, nhưng cậu bơi rất kém. Lúc bơi cậu không biết thở cho đúng cách và
bơi rất chậm, đầu cậu ngửng lên cứng ngắc trên mặt nước. Cô yêu cậu lắm, và cô
ý tứ bơi chậm lại cho ngang hàng với cậu. Nhưng khi gần đến bờ sông bên kia,
bản năng lực sĩ khiến cô sải tay bơi vọt lên thật nhanh. Cậu sinh viên cố hết
sức bơi đuổi theo và bị nước trào vô miệng. Tẽn tò vì thể lực mình yếu hơn cô
bạn gái, anh cảm thấy cái litost làm tim anh đau buốt. Anh nhớ
lại thời thơ ấu hay đau ốm, và bởi thể lực kém lại không có bạn, tuổi thơ anh
luôn luôn nằm dưới đôi mắt chăm lo quá đáng của bà mẹ, anh đâm ra chán nản,
không vui, với chính anh và cuộc sống. Anh và cô gái men theo con đường đất về
lại thành phố. Bị tổn thương và cảm thấy nhục nhã, anh muốn đánh cô. “Anh làm
sao thế?”. Cô hỏi anh, và chỉ đợi có thế, anh đùng đùng nổi giận lớn tiếng mắng
cô sa sả: cô biết bờ sông bên kia nước chảy xiết như thế nào không? Tôi đã cấm
cô không được bơi qua đó mà tại sao cô không nghe lời tôi, cô không sợ chết
đuối, hả? Thế rồi anh tát cô một cái nổ đom đóm. Cô gái ôm mặt khóc òa. Thấy
những giọt nước mắt trào ra từ mắt cô, giàn giụa hai má, anh thấy thương cô, ôm
cô, và cái litost của anh tan biến.
Hoặc lấy một cảnh
huống khác vào thời thơ ấu của cậu sinh viên: Cha mẹ bắt cậu học vĩ cầm. Cậu
không có năng khiếu âm nhạc lắm, và thầy dạy hay la mắng cậu thậm tệ không chịu
nổi. Cậu cảm thấy nhục nhã, chỉ muốn khóc. Nhưng thay vì cố gắng sửa đổi để kéo
đàn cho đúng, cậu lại cố ý chơi sai. Tiếng mắng chửi của thầy dạy càng dữ dằn
bao nhiêu, cậu càng chìm sâu vào cái litost của cậu bấy nhiêu.
Vậy, litost là
gì?
Litost là tâm trạng đau đớn gây nên bởi sự khổ sở đột
ngột đến với mình.
Một phương pháp chữa
trị khổ đau thường thấy là tình yêu. Bởi kẻ yêu tuyệt đối là kẻ không thể khổ
sở. Tất cả những khuyết điểm của hắn đều được cứu chuộc dưới đôi mắt mầu nhiệm
của tình yêu, mà ngay cả tài bơi kém cỏi với cái đầu ngửng trên mặt nước trông
cũng đáng yêu.
Cái tuyệt đối của tình
yêu thật ra là ước vọng đạt tới bản nguyên tuyệt đối: người đàn bà ta yêu phải
bơi chậm lại cho ngang hàng với ta, cô ấy không được vui sướng ngoái nhìn lại
quá khứ. Nhưng khi ảo tưởng một bản nguyên tuyệt đối tan biến (cô gái vui sướng
nhìn lại quá khứ hay bơi nhanh hơn) thì tình yêu biến thành ngọn nguồn vô tận
cho mọi khổ đau, mà chúng ta gọi là litost.
Bất kỳ kẻ nào có nhiều
trải nghiệm về những bất toàn của con người đều được che chắn, không bị những
cú sốc của litost quật ngã quỵ. Đối với hắn, khổ đau chẳng có
gì ghê gớm, thậm chí xoàng xĩnh, tầm thường. Bởi thế, litost là
tính cách của tuổi dại khờ. Nó là một trong những món trang sức của tuổi trẻ.
Litost vận hành như một động cơ hai thì. Khổ
đau dẫn đến căm tức muốn trả thù. Mục đích của trả thù là khiến người kia cũng
khổ sở, đau đớn như mình. Anh chàng bơi không giỏi, nhưng anh tát cô bạn gái đến
phát khóc. Cả hai phải đồng đều như nhau thì mới giữ cho tình yêu không mất
mát.
Bởi động lực chính xác
của trả thù không bao giờ xuất lộ (anh sinh viên chẳng đời nào thú nhận với cô
gái anh tát cô chỉ bởi vì cô bơi nhanh hơn anh), nó phải trưng ra những lý do
giả tạo. Do đó, đi kèm với litost luôn luôn là tính đạo đức
giả làm ra vẻ thương xót: anh quát lớn bảo anh chết khiếp vì sợ cô gái chết
đuối; cậu bé cố ý kéo đàn trật nốt chỉ để giả vờ mình không có năng khiếu.
Thoạt đầu, chương sách
này có tựa đề là “Cậu sinh viên là ai?”. Xử lý từ litost có
nghĩa là miêu tả chàng sinh viên, anh chính là hóa thân của từ đó. Chẳng trách
cô gái cuối cùng bỏ anh. Bị tát vì bơi giỏi thì chẳng có gì vui.
Chị vợ anh hàng thịt
anh gặp trong dịp về quê nghỉ hè đến với anh như cái băng cứu thương khổng lồ,
nó có khả năng băng bó chữa lành tất cả những vết thương trong lòng anh. Cô xem
anh như thần tượng, lúc anh nói về Schopenhauer, cô không để lộ tính cách cá
nhân độc lập của mình, cô không ngắt lời anh phản đối (như cô gái nọ trước
đây), mà nhìn anh với đôi mắt long lanh nước mắt. Anh nghĩ anh thấy mắt cô có
ngấn lệ lúc nhìn anh nói, cũng có thể chỉ vì anh cảm kích tình của cô mà thôi.
Và, chúng ta đừng quên anh không gần đàn bà suốt thời gian từ lúc chia tay nữ
lực sĩ bơi lội đến nay.
Voltaire là ai?
Voltaire là một giảng
viên khoa nghệ thuật và văn học tại trường đại học, ông là người minh triết
nhưng hung hăng lắm, lúc nhìn đối thủ, mắt ông long lên sòng sọc, trông thật dữ
tợn. Đủ lý do để gọi ông là Voltaire.
Ông mến anh sinh viên,
điều đó chẳng dễ đâu, bởi ông rất khó tính trong quan hệ giao tiếp với người
xung quanh. Một hôm sau giờ học, ông bước lại gần anh sinh viên hỏi anh tối hôm
sau rảnh không. Nhưng than ôi, tối hôm sau Kristyna lặn lội từ dưới tỉnh lên
Praha gặp anh. Thu hết can đảm, anh sinh viên bảo Voltaire tối mai anh bận việc
rồi. Nhưng Voltaire phẩy đi lời từ chối của anh: “Hoãn công việc của anh lại.
Bỏ qua dịp này anh sẽ tiếc lắm”. Đoạn ông bảo anh tối mai các thi sĩ danh tiếng
nhất nước sẽ tụ họp tại Câu lạc bộ Nhà văn, và ông, Voltaire, sẽ giới thiệu anh
với các thi sĩ.
Vâng, ngài thi sĩ vĩ
đại mà Voltaire có viết một chuyên luận về ông, và ông cũng hay ghé nhà riêng
thăm viếng, cũng sẽ có mặt. Ông già yếu lắm rồi, đi đứng phải chống nạng. Vì
thế ông ít ra khỏi nhà, và cơ hội gặp ông quả là hãn hữu.
Anh sinh viên đọc rất
kỹ sách của tất cả các thi sĩ có mặt tối mai tại Câu lạc bộ Nhà văn, và thơ của
ngài thi sĩ vĩ đại thì anh thuộc nằm lòng nhiều bài. Anh vẫn mơ ước có ngày gặp
họ và được họ tiếp chuyện suốt một buổi tối để nghe họ nói về cái hay, cái đẹp
của thi ca. Nhưng anh nhớ ra cả mấy tháng rồi anh không gần đàn bà, và anh bảo
ông Voltaire anh không thể đến được.
Ông Voltaire không
hiểu nổi cái gì có thể quan trọng, cấp thiết hơn đi gặp những vĩ nhân này của
đất nước. Một người đàn bà chăng? Có thể hoãn lại được không? Đột nhiên cặp
kính ông lóe lên những tia nhìn châm biếm. Nhưng trước mặt anh sinh viên là
hình ảnh chị vợ anh hàng thịt, rụt rè, khép nép, mà suốt ba tháng hè anh vẫn
không tài nào lột được quần áo chị, và anh đã phải vận dụng tối đa cố gắng để
lắc đầu nói với ông Voltaire rằng rất tiếc anh không đi được. Ngay lúc đó,
Kristyna quý giá tương đương với tất cả thi ca của đất nước.
Thỏa hiệp
Sáng hôm sau cô đến
nơi. Ban ngày cô chạy đi làm vài việc vặt để làm bằng chứng cho anh chồng thấy
lý do cô vắng nhà vài hôm. Anh sinh viên hẹn gặp cô vào buổi tối tại một nhà
hàng do chính anh chọn. Lúc bước chân vào tiệm, anh suýt đâm hoảng: tiệm đông
nghẹt thực khách đang say khướt, và cô tiểu thiên tinh tỉnh lẻ của anh ngồi một
mình tuốt trong góc gần toa-lét, bàn cô ngồi không phải cho khách mà là chỗ để
bát đĩa bẩn. Bộ y phục cô mặc trên người trông trang trọng một cách quê kệch,
nó là bộ cánh của một chị nhà quê sau thời gian dài không lên tỉnh và bây giờ
nôn nao, háo hức, cái gì cũng muốn xem qua, cũng muốn nếm thử. Trên đầu cô đội
một chiếc mũ, cổ đeo sợi dây chuỗi hạt màu sắc lòe loẹt, và chân thì đi đôi
giày cao gót màu đen.
Hai má anh sinh viên
nóng bừng – không phải vì phấn khởi, mà vì thất vọng. Ấn tượng Kristyna, người
đàn bà giữa không gian một tỉnh lẻ với anh hàng thịt, chú thợ sửa xe, và các
ông già bà cả hưu dưỡng, trông hoàn toàn khác lạ tại Praha, thành phố đô hội
với những cô cậu sinh viên thời trang thanh tú, lịch lãm. Với sợi chuỗi hạt kỳ
cục đeo trên cổ và chiếc răng vàng lấp lánh (hàm trên gần khóe miệng), hình như
cô là âm bản tương phản hoàn toàn với cô gái trong bộ jean xinh
xắn, tươi trẻ, người đã nhẫn tâm bỏ rơi anh mấy tháng trời nay. Anh ngượng
ngùng tiến đến bàn cô ngồi, ôm theo cái litost của anh.
Anh sinh viên thất
vọng, và Kristyna cũng thất vọng không kém. Nhà hàng anh hẹn gặp có cái tên khá
hay – Hoàng đế Wenceslaus – và Kristyna, vốn không quen thuộc Praha lắm, tưởng
đó là một nơi sang trọng, và ăn tối với nhau xong anh sinh viên sẽ dẫn cô đi
xem cảnh đô hội phố phường. Lúc cô nhận ra cái nhà hàng Hoàng đế Wenceslaus này
chẳng khác chỗ anh thợ sửa xe ngồi uống bia và cô phải ngồi tại bàn tuốt trong
góc gần toa-lét, thì lòng cô tràn ứ một cảm xúc, nhưng nó không phải cái litost tôi
đề cập, mà là nỗi bực dọc rất thông thường. Nói như thế, tôi muốn ám chỉ cô
không thấy khổ sở hay ô nhục, cô chỉ giản dị nghĩ anh sinh viên đã không biết
ứng xử sao cho đẹp. Và cô không ngần ngại nói tuột ra những ý nghĩ đó với anh.
Nét giận dữ hiện rõ trên mặt cô, và những lời lẽ đanh đá cô buông ra với anh
chẳng khác gì lúc cô nói với anh chồng hàng thịt.
Hai người đứng đối
diện nhau. Cô mồm năm miệng mười cao giọng mắng nhiếc anh sa sả và anh chỉ biết
lí nhí chống đỡ một cách yếu ớt. Anh càng thấy cô quê mùa, khó ưa. Anh chỉ muốn
đưa cô về phòng ngay để tránh những tia mắt xoi mói khó chịu của mọi người xung
quanh, và hy vọng không gian riêng tư sẽ khiến tình cảm thương mến trở lại.
Nhưng cô không chịu. Đã lâu lắm rồi cô không lên thủ đô, và cô muốn đi chơi,
xem cảnh đây đó, chứ về phòng thì buồn chết. Đôi giầy cao gót và sợi chuỗi hạt
to đùng của cô cũng lớn tiếng đòi hỏi quyền lợi của chúng.
“Nhưng cái quán này
hay lắm. Tất cả những người tài giỏi danh tiếng ở thủ đô đều vào quán này ăn
uống”. Anh sinh viên chống chế, như ngầm bảo chị vợ anh hàng thịt chẳng biết tí
gì về thủ đô. “Rất tiếc là hiện giờ quán không còn bàn, và chúng mình đành phải
đi tìm nơi khác”. Nhưng hình như mọi thứ toa rập nhau chơi khăm anh chàng, vì
chẳng quán nào còn bàn trống, và khoảng cách giữa các quán cũng xa nhau lắm, đi
diễu ngoài đường phố bên cạnh người đàn bà đội chiếc mũ bé xíu kỳ dị trên đầu,
sợi chuỗi lủng lẳng trên cổ và chiếc răng vàng lấp lánh trong miệng, anh chỉ
muốn độn thổ. Phố phường đầy đàn bà trẻ đẹp ngược xuôi, anh sinh viên cảm thấy
anh sẽ không bao giờ tự tha thứ được vì đã hy sinh một buổi tối đi gặp những
thi sĩ lớn nhất nước cho một chị đàn bà chẳng ra gì. Nhưng anh không tỏ thái độ
khó chịu với cô, bởi, như tôi nói, đã lâu lắm anh không lên giường với đàn bà.
Để kết thúc cái tình cảnh cực kỳ khó phân xử này, cần có một thỏa hiệp thập
phần kỳ diệu.
Cuối cùng hai người
tìm được chỗ ngồi tại một cái quán cách xa trung tâm thị tứ. Anh sinh viên gọi
hai ly rượu khai vị rồi buồn bã nhìn thẳng vào mắt Kristyna: Ở thủ đô Praha
này, anh bảo cô, cuộc sống có đầy những bất ngờ. Mới hôm qua thôi, ngài thi sĩ
nổi tiếng nhất nước gọi điện cho anh. Anh bảo cô thế.
Kristyna giật mình khi
nghe anh thốt tên ngài thi sĩ. Thuở cắp sách đến trường, cô học thuộc lòng nhiều
bài thơ của ông. Tên tuổi những vĩ nhân chúng ta học ở trường có cái gì siêu
phàm, không thực, mà ngay cả khi còn tại thế, họ cũng được đưa vào đền thờ
những kẻ đã chết. Kristyna không thể tin anh sinh viên là chỗ quen biết ngài
thi sĩ.
Dĩ nhiên anh quen ngài
thi sĩ, anh bảo cô. Thậm chí luận văn thạc sĩ của anh, anh viết về ông, một
công trình chuyên luận rất có thể sẽ được in thành sách nay mai. Lý do anh chưa
kể chuyện này cho cô nghe vì anh sợ cô nghĩ anh có tính khoe khoang, tự phụ,
nhưng ngay bây giờ anh phải nói vì ngài thi sĩ vĩ đại đột ngột xuất hiện, khiến
anh và cô bị ngăn cản. Một buổi hội luận gồm các thi sĩ danh tiếng nhất nước
được tổ chức ngay tối nay tại Câu lạc bộ Nhà văn, và chỉ một số rất ít nhà phê
bình cùng những người quen trong nhóm được mời tham dự. Một buổi hội luận cực
kỳ hệ trọng. Sẽ có những tranh luận sôi nổi, lửa sáng tạo sẽ bắn ra tứ tung,
một buổi trao đổi thi ca nhớ đời. Nhưng hiển nhiên anh sinh viên không đến tham
dự, anh dành thời gian cho Kristyna vì anh cảm kích cô đã lặn lội từ dưới quê
lên kinh đô gặp anh.
Ở cái xứ sở dị thường
nhưng thơ mộng của tôi, thi sĩ vẫn còn sức hấp dẫn trái tim phụ nữ. Kristyna
thán phục anh sinh viên vô hạn, cô thấy lòng mình chùng xuống với cảm giác
thương mến lạ lùng muốn giúp anh đạt ước vọng. Với lòng vị tha bất ngờ và chân
thực, cô bảo anh đây là dịp không thể bỏ qua, anh nên đi gặp ngài thi sĩ vĩ
đại.
Anh sinh viên bảo anh
đã cố hết sức thuyết phục ban tổ chức cho anh đem cô đi theo. Nhưng không được.
Ngay cả ngài thi sĩ vĩ đại cũng không được phép đem vợ theo. Buổi hội luận dành
riêng cho những người có trình độ chuyên môn cao. Thoạt đầu anh định sẽ không
đi, nhưng bây giờ anh nhận ra Kristyna có lý. Đúng, ý kiến hay lắm. Anh sẽ chạy
lại đó chừng một tiếng đồng hồ trong lúc Kristyna ở lại phòng đợi anh về, rồi
anh mặc sức mặc tình ôm ấp người đàn bà suốt đêm, chỉ có anh và cô thôi trên
căn gác trọ.
Mọi ý định đi xem
kịch, văn nghệ tạp lục này nọ, bị dẹp qua một bên, Kristyna theo anh sinh viên
về căn gác của anh. Vừa đặt chân vào phòng, cô có cảm giác thất vọng y như lúc
cô vào nhà hàng Hoàng đế Wenceslaus lúc nãy. Nó chỉ là một căn gác áp mái bé
xíu, một căn phòng đơn độc, đồ đạc gồm vỏn vẹn một cái bàn học và một cái
đi-văng làm giường ngủ. Nhưng cô không còn tin tưởng vào phán đoán của mình
nữa. Cô đặt chân vào một thế giới với những bậc thang giá trị kỳ bí cô không
sao hiểu nổi. Bởi thế, cô nhanh chóng tự thích nghi với căn phòng dơ bẩn chịu
không nổi và chẳng tiện nghi chút nào của anh sinh viên, cô vận dụng tất cả bản
năng nữ tính của mình để tìm sự thoải mái. Anh sinh viên bảo cô gỡ mũ, rồi anh
hôn nhẹ lên má cô, mời cô ngồi xuống đi-văng, và chỉ cho cô thấy cái kệ sách
nhỏ, nơi cô có thể lấy đọc cái gì đó giết thì giờ trong lúc đợi anh về.
Kristyna chợt hỏi anh:
“Anh có cuốn sách nào của ngài thi sĩ vĩ đại anh sắp đi gặp không?”.
Có, anh sinh viên bảo
cô.
Cô hỏi tiếp, giọng hơi
bẽn lẽn: “Anh có thể tặng em cuốn sách đó của anh làm kỷ niệm, được không? Và
anh nhờ ngài thi sĩ ký tên lên sách cho em?”.
Anh sinh viên thấy vui
vui trong lòng. Chữ ký của ngài thi sĩ vĩ đại sẽ thay thế buổi xem kịch và các
màn văn nghệ tạp lục. Anh cảm thấy khá áy náy và anh sẵn sàng làm bất cứ điều
gì cho Kristyna vui lòng. Quả như anh dự đoán, không gian thân mật trong căn
phòng nhỏ đã khiến Kristyna duyên dáng, dễ mến trở lại. Những nàng thiếu nữ trẻ
trung, xinh đẹp ngoài đường phố biến mất, nhường chỗ cho một Kristyna hiền
lành, dung dị, với cái mê hoặc âm thầm xâm chiếm cả căn phòng. Thất vọng cũng
từ từ tan biến, và anh sinh viên đi đến Câu lạc bộ Nhà văn, trong lòng thấy
bình yên, sung sướng với ý nghĩ một buổi tối mà có đến hai chương trình tuyệt
diệu đang chờ đón.
—————————————————–
*Trịnh Y Thư dịch
từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh
ngữ của Aaron Asher.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét