TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG
7. Vị âm công và tục điểu táng
Văn Cầm Hải
Khi bước vào quán trà
bơ bên cổng chùa Đại Chiêu, tôi không hề biết mình sẽ được gặp một vị âm công,
người có cái nghề bình thường trong mắt Tây Tạng nhưng đối với thế giới là cả một
sự kinh hoàng: Nghề xẻ xác người! Xẻ xác người cho chim ăn theo tục điểu táng!
Quán trà ở Lhasa không
có nhạc. Tất cả mọi cảm giác lắng lại trong thứ nước ngái ngất màu bơ. Trên những
chiếc ghế gỗ lót nệm tím, khách hàng nhẩn nha uống trà. Thế giới này cũng mộc mạc
như cái bàn gỗ thấp và đời họ là những bát trà bơ, họ uống trà bơ như mỗi ngày
uống cạn đời mình.
Tôi muốn đi nhà vệ sinh nhưng bát trà chưa cạn. Nhớ đến căn nhà vệ sinh uớt luớt thướt vải che thay cửa ngoài phố lạnh, tôi ớn ang không dám trở lại. Tất cả mọi khung cửa ở Tây Tạng đều che rèm vải thay gỗ. Vải mềm che gió lạnh và trang trí dễ dàng các màu sắc mỹ thuật. Mạnh dạn tôi hỏi và được ông lão chủ quán hướng dẫn ra phía sau nhà. Đi ngang qua căn phòng nhỏ, bước chân tê lạnh của tôi cắm chặt xuống nền đá.
Trên tường, ánh sáng từ những gam màu
sống động của một bức tranh thanka làm tôi rùng mình. Bức tranh miêu tả một người
đàn ông cầm dao múa trên một xác chết. Lạ lùng! Khuôn mặt người đao phủ rất nhẫn
nại và chăm chú đường dao nhưng khuôn mặt xác chết lại mỉm cười! Phía sau lưng
người ấy là bầy chim mỏ dài tung toé máu tươi! Đường dao trong tranh sà xuống
chém ngang đôi chân và tôi không thể nào cất bước đi tiếp. Phía sau lưng mình,
ông lão chủ quán cũng đang đứng nhìn tôi và bức tranh.
- Đó là ta - Ông lão thầm thì. Giọng
khuya khoắt tuổi già nhưng vẫn ánh lên bao niềm vui kỳ dị - Người đàn ông múa
dao ấy là ta đấy!
- Ông yêu nghề đào phủ đến mức phải vẽ
tranh...
- Không! Ta không phải là đao phủ. Ta là
một âm công còn sót lại ở thành Lhasa này!
- Âm công! Ông là một âm công! - Tôi rú
lên trong căn phòng mờ tối - Thật sao?
Ông là một âm công !
Không trả lời, ông lão bước đến đưa
đôi bàn tay sờ lên bức tranh với dáng vẻ đầy nuối tiếc. Từ trong khóe mắt, nước
mắt bịn rịn dâng lên tràn đầy. Không nghi ngờ gì nữa, trước mắt tôi chính là một
vị âm công, người tạo nên những cuộc tang điểu táng hoành tráng và kinh hoàng
nhất trong mắt thế giới!
Trên đường lên Tây Tạng, tôi có bao
nhiêu mơ ước nhưng không bao giờ tôi dám mơ rằng mình sẽ gặp được một vị âm
binh mà trong ký ức của tôi, họ là truyền thuyết sống. Tôi lập cập trở lại bàn
trà và gọi thêm hai bát đầy. Ông lão bước đến theo lời mời nhiệt nồng của tôi.
Trong ánh mắt lão, từng đường dao hiện ra và tôi là một tử thi cho lão múa như
hôm nào xa xưa vậy!
Tôi im lặng ngắm nhìn
mười ngón tay sần sùi màu thời gian của ông lão bưng lấy bát trà. Đôi tay này,
dòng máu kia, đã một thời điệu nghệ đường dao xẻ xác người!
- Trong bức tranh, ta sống không? - Ông
lão nhướng mày hỏi.
- Sống! Rất sống !
- Điểu táng là một tập tục lâu đời của
người Tạng. Người nước ngoài như con cho là mọi rợ nhưng với người Tạng, nó còn
cao hơn cả nghệ thuật!
- Vâng! Nghệ thuật của tự do! - Tôi tiếp
lời với mong ước không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm có một này - Ông có thể, nếu
được, ông có thể kể cho con nghe!
- Không chỉ kể, ta sẽ cho con thấy! -
Ông lão đứng dậy bước vào trong rồi quay trở lại bàn. Ngoài kia phố nắng trắng
nhưng toàn thân tôi là khối băng tuyết từ Himalaya lăn về quán trà bơ. Trên đôi
tay ông lão, một cây dạo nhọn, lưỡi cong vút, rực sáng lạnh lùng! Chưa khủng
khiếp như con dao ba cạnh dùng trong các nghi lễ Mật tông có hình tam giác gắn
lưỡi tầm sét vajra, miệng con thuỷ quái Makara, đầu của vị thần Yi dam giận dữ
nuốt chửng tất cả tà ma chúng xuyên qua nhưng con dao của ông lão chủ quán cũng
đủ sức làm tôi tự nhiên mà rưới máu trong tim vì cái dáng hình sát thủ đỉnh cao
của nó!
- Con đừng chê ta già - Cánh tay già múa
vào không gian một đường ánh sáng không thèm nhìn dám khách lục tục bỏ ghế đứng
dậy - Nói thật, ta có nhắm mắt hay đui mù, ta cũng có thể xẻ từng nhát thịt
trên thân thể anh ra theo đúng từng mảnh như ý!
Như ý tựa cuộc đời của đứa trẻ thơ
Rigpaba sinh ra tại vùng Môn Ngung hơn 90 năm trước. Sau khi ra đời, bố mẹ
Rigpaba vui mừng được thầy chiêm tinh bói ràng, Rigpaba sẽ trở thành một lama
thầy thuốc của bộ tộc Môn Ba theo cách gọi của người Tạng gọi tộc người sinh ra
ở vùng Môn Ngung sống rải rác ở các huyện Mặc Thoát, Lâm Chi, Thố Na miền Nam
Tây Tạng. Trong căn nhà nghèo, cũng như bao nhiêu người Môn Ngung khác, chỉ biết
sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và săn bắn thì việc đứa con mình sẽ
trở thành lama thầy thuốc là diễm phúc của gia đình Rigpaba!
Rigpaba được gửi vào tu viện năm lên 6
tuổi. Từ ngày cha mẹ nhận lọn tóc của đứa con trai mình do tu viện gửi về như một
lời chứng chấp nhận Rigpaba được nuôi dạy để trở thành một vị lama, suốt 26 sau
ròng rã, gia đình, bè bạn và quảng đời thơ ấu không bao giờ gặp lại Rigpaba nữa.
Vượt qua nhiều gian nan thử thách, Rigpaba đã trải qua 5 bậc, từ một cư sỹ phụng
sự trong tu viện, trở thành một sa-di thụ giới 36 điều luật lên đến cấp tỉ-kheo
có mức thụ giới 150 giới luật rồi đến
Gheshe - tiến sỹ Phật học nắm vững Luật tạng,
Thắng pháp tập yếu luận (Abhidharma),
kinh Bát nhã ba la mật, Trung quán luận, triết học Tính Không và Nhân Minh Luận.
Bước qua ngưởng cửa của tiểu thừa và đại thừa ấy,Rigpaba được đào tạo các phép
trong Mật tông, trở thành một Gyupav-vquán đỉnh được truyền dạy bằng phép truyền
tâm. Lúc này, Rigpaba mới được gọi là Lama - một đạo sư. Cùng với giáo lý và những
ngày luyện phép truyền tâm thực nghiệm, Rigpaba còn phải theo thầy học các cách
thức chữa bệnh, hướng dẫn vong linh người chết về cõi giới bên kia.
- Linh hồn người chị gái của cha con đã
ra đi nhẹ nhàng từ tiếng dạ của con! Tiếng dạ ấy là một âm thanh an ủi cuối
cùng, là lời cầu nguyện vô tình mang đến cho bà một niềm tin mãnh liệt trước
khi bà ra đi - Một Lama Rigpaba ngày xưa ẩn mình trong thân ông lão chủ quán giải
thích - Con nên nhớ, con được cấu thành bởi xác thể xương thịt, dục thể với những
ham muốn và linh thể là nơi hiển hữu của tâm linh. Xác thể, dục thể sẽ tan
thành cát bụi nhưng linh thể, nếu được giải thoát, sẽ được siêu thoát và đầu
thai vào một khiếp sống mới! Rất tiếc vì ta hèn kém nên ta chỉ là một thợ mổ
xác!
Chưa lần nào trở lại quê nhà nhưng bàn
chân của Lama Rigpaba đã xuất hành khắp miền cao núi thẳm để tìm những loại biệt
dược mà người thường không bao giờ biết được nhưng với Lama Rigpaba, những buổi
ban mai theo đội âm công mang tử thi ra đầu núi xẻ xác đã làm chuyển thay cuộc
đời tu hành của ông.
Tiếng hổ gào của cha
tôi và những bông hoa vô danh trên vực thẳm
Yarlung Tsangpo lại lả tả rơi theo đường
dao xoè sáng ký ức Rigpaba. Lần đầu tiên tôi ý thức nỗi buồn của thân xác là
vào một buổi chiều cô đơn trước bầy kiến. Là con út, trông nhà một mình, tôi rất
thích chơi với lũ kiến. Kiến đen, kiến đỏ, kiến nâu ngược xuôi tha mồi không
nghỉ, chúng như sợi dây đời sống nối dài từ hạt cơm đến tổ. Nhưng chỉ cần giết
một con kiến là đường dây ấy có nguy cơ tan vỡ. Lũ kiến rối loạn rồi chúng lại
xúm lại đưa xác chết đồng loại về tổ. Tôi bắt đầu ý thức về cái chết từ những
hôm cô đơn chơi với kiến nhưng để tường tận cách thức xử lý cái chết ra sao thì
cho đến hôm nay mới biết!
Tôi không biết, con kiến sẽ xử lý xác
chết đồng loại ra sao vì mọi chuyện diễn ra trong hang tối. Nó sẽ ăn hay chôn lấp
như con người. Nếu chôn, nó có tìm núi mà chôn hay chôn nơi thấp ẩm. Bà ngoại
tôi mất vào mùa đông giá rét năm 1981. Chưa bao giờ trước đó và sau này, tôi thấy
Mẹ khóc nhiều như vậy. Mẹ khóc thương bà không có con trai chỉ hai mụn con gái
cô quạnh. Mẹ khóc nhiều hơn vì bão lũ, không được đưa bà qua sông sang chôn bên
kia núi mà phải chôn cồn đất thấp cuối làng. Tuổi thơ của tôi, cùng với những
ngày nắng lon ton là những buổi sáng ra đứng dưới gốc đa tiễn đưa người làng chết
qua sông Nhật Lệ. Gặp nhà nào nằm ở ven sông thì cũng phải khiêng quan tài đi tạm
biệt khắp làng rồi mới xuống lại bến sông như lần ông Ngoại tôi mất, quan tài
ông được khiêng đi từ xóm trên xuống xóm dưới sau đó về bến nước ngay trước cửa
nhà để qua núi.
Con sông trở thành nơi
trình diễn của đám tang. Người ta kết nhiều con thuyền lại thành bè lớn, trên
đó chở quan tài, cỗ linh xa và đông đảo người thân xa gần. Trước khi chèo ra giữa
dòng, dù sóng to gió lớn, thuyền phải đi vài vòng ven bờ để người con trai cả lạy
tạ dân làng đứng tiễn đưa trên bến nước.
Người Tạng có sông nhưng không thể
chèo được. Gỗ có đâu mà làm thuyền. Thuyền bọc da trâu có ai dám đi lại trên những
vực nước sâu hiểm trở. Bởi vậy chỉ có cách chôn tại chỗ nhưng lại gặp đá và đá
nên người Tây Tạng dần bỏ tập tục thổ táng, thịnh hành tục điểu táng, hỏa táng
và thủy táng. Nhưng không phải bộ tộc nào cũng giống nhau về cách an táng người
chết. Trong khi Môn Ba, Lạc Ba có thể dùng cả 3 tục táng kia thì người Đăng cấm
kỵ việc thủy táng. Người Đăng cho rằng dìm xác chết xuống nước sẽ mang lại tai
họa cho cả nhà.
Tạng ngữ chỉ thân xác là tu - một cái
gì ta để lại sau lưng! Con người chỉ là một lữ khách ngụ cư chốc lát trong thân
xác. Người Tạng không để tâm vào việc làm cho đời sống có thêm nhiều tiện nghi,
với họ chỉ cần một mái nhà, một ít bột tsampa, một ít phân dê khô đốt lửa qua
mùa đông gía lạnh là đủ. Đi qua những đèo cao mấy ngàn mét, thấp thoáng vài ba
những ngôi nhà trên tuyết, tôi không biết là họ tách rời với thế giới hay họ
không màng đến thế giới. Thể xác chỉ là một túi vật chất nuôi nấng linh hồn nên
một xác chết chẳng còn giá trị. Và sống trên vùng cao nguyên khô lạnh, nhìn đâu
cũng thấy trời xanh, ánh sáng chói lọi thì không có gì tuyệt vời hơn là chôn
người vào cõi ánh sáng! Từ ý niệm huy hoàng ấy, tục điểu táng ra đời!
Còn gì vui hơn khi cái
thân xác đáng quăng bỏ cũng được ánh sáng bốc liệm!
Chôn vào cõi ánh sáng phải nhờ những
con cánh chim mang lên trời cao. Bụng chim trở thành cỗ quan tài sống bay giữa
không gian bao la. Để đưa xác thân vào những cỗ quan tài nhỏ bé ấy, người ta phải
xẻ ra từng mảnh nhỏ. Việc làm này chỉ dành cho những ai tràn đầy bản lĩnh!
Người mổ xác được gọi là âm công. Họ sống
và làm việc một cách cô lập. Họ là một thế giới nằm ngoài thế giới. Họ chỉ đối
thoại với cõi âm. Từ người họ, âm khí lảng vảng bay ra khắp nơi. Họ không giống
người âm công nước Việt, khi đưa tang người chết, đơn thuần là người khiêng
quan tài.
Sau 3 ngày 3 đêm, khi
thể xác thực sự chết hẳn và linh hồn đã ra đi theo giáo huấn Bardo Thodol, đội
âm công bó xác chết trong tấm vải mang ra vùng đất cách xa làng xóm ít ai dám đến
gần.
Tử thi được buộc chặt
vào bốn cây cọc và các âm công bắt đầu thi hành việc mổ xác. Từng nhát dao vung
lên có trật tự. Rất chuẩn xác từng vết cắt nhát xả cho đến khi tử thi chỉ còn lại
một bộ xương! Những mảnh thịt vừa lìa khỏi dao, bầy chim kền kền đã đón lấy
không rơi một hạt máu! Con đầu đàn được hưởng quả tim, lần lượt cả đàn hưởng thụ
cho đến mảnh thịt cuối cùng. Hết phần da thịt, bộ xương cũng được nghiền nát
cho bầy chim mang lên thinh không!
Người âm công phải xẻ nhát dao cẩn trọng
như vậy là bởi trong màn trình diễn man nhiên ấy, họ muốn tìm hiểu cặn kẻ
nguyên nhân dẫn đến cái chết của tử thi!
Nên nhớ, do luật lệ khắt
khe của giáo hội, ở phương Tây việc mổ tử thi mới được tiến hành sau này còn
Tây Tạng, ngàn năm qua đây là chuyện thường ngày. Cơ thể học là một phương pháp
học bí truyền của người âm công nhằm mục đích tìm hiểu nguyên do của cái chết,
nó đã trở thành một thói quen nghề nghiệp không cần ai bắt buộc.
Rigpaba theo đội âm công hơn một năm.
Rigpaba cũng trở thành một tay dao lão luyện. Từng nhát xẻ của Rigpaba nhanh
hơn tia chớp, chính xác hơn thước đo và tinh xảo hơn một đao phủ. Phía sau những
nhát xẻ của Rigpaba, tất cả căn nguyên dẫn đến cái chết đều được phơi bày.
Không phải lâu ngày quen tay thành nghiệp bởi với một tu sỹ đã tu luyện lên bậc
lama như Rigpaba không thể nào bị ám muội thế giới ngoại cảnh nhưng rồi một
ngày Rigpaba đột nhiên từ giã chiếc áo hồng tía tu sỹ Mật tông để trở thành một
âm công!
-
Một buổi sáng sớm, ta theo đội âm công xẻ xác người bình thường như bao
buổi sáng khác - Ông lão Rigpaba le lói tia mắt nhìn vào quá khứ - Nhưng sao ta
bần thần với nhát dao đầu tiên. Quả đúng vậy, khi nhát dao của ta vừa xả xuống
thì cái thi thể kia chợt bắn ra một lời thỉnh nguyện, khuyên ta hãy xả thịt với
sự thanh thản, đừng run rẩy, đừng bần thần, càng xả đẹp người đó càng nhanh lên
thiên không! Bisaso! Trời ơi, hóa ra kẻ đó chưa chết! Có lẽ nhát dao chặt vào
da thịt đã thức tỉnh hắn dậy! Cả đội âm công lao đến định gỡ xác chết xuống
nhưng thi thể kia lại ngăn cản. Hắn rực lên từng lời vào tai ta. Hắn biết đã đến
lúc hắn ra đi và khuyên ta hãy tận tâm mà xẻ xác, xẻ cho đến lúc ta không nhìn
thấy được hắn, ta chỉ nhìn thấy hư không thì thôi!...
Ông lão đổ gục xuống bàn như ngày nào
ông sụp lạy trước xác chết bởi ông biết kẻ sắp chết chính là một bậc tu hành vô
danh thượng thừa! Những lời nói đó chẳng khác gì sự điểm đạo mà không có giáo
lý và sự thực hành nào chứng nghiệm được trong tâm linh Rigpaba! 26 năm khổ
công tan thành hư không! 26 năm tu luyện không bằng một lời nói của một xác chết!
Sau buổi sáng kinh
hoàng đó, hơn 500 xác chết bay lên trời xanh từ tay dao Rigpaba. Ông trở thành
một vũ công trên xác chết. Đường dao tinh luyện, thanh thoát, xẻ người như xẻ
vào hư không của ông trở thành những vũ điệu làm mê hồn bất cứ kẻ nào chứng kiến
thậm chí bầy chim kền kền cũng không đủ nhanh để lượm từng mảnh thịt bay ra như
hoa anh đào sa gió xuân!
Rigpaba ngồi đó. Trầm lặng. Bát trà bờ
trơ đáy gỗ. Đôi mắt tung ra những đường dao vô hình bay lượn trên thân thể tôi.
Này đây tim gan, này đây những suy tư, này đây những đau đớn hành hạ trong tôi
và của cả Rigpaba rụng rơi giữa quán trà bơ ngai ngái mùi mỡ trâu Yak! Không chỉ
Rigpaba, giờ đây tôi là một tay dao, một âm công trẻ tuổi đang dò thăm thân thể
Rigpaba để buông những nhát dao sắc ngọt. Trước mắt tôi, Rigpaba là một xác chết
và có lẽ từ đây, trong mắt tôi ai rồi cũng như xác chết cho tôi, được huyền học
tung dao khai phá tâm linh!
Tôi không còn ghê sợ
con dao trong tay Rigpaba. Nó nằm đấy. Vệt nắng trên bàn gỗ thô kệch. Tôi biết,
không phải Rigpaba yêu nghề mổ xác người vứt bỏ kinh kệ mà đối với Rigpaba,
hành động xẻ xác trở thành một tuyệt pháp hành thiền chỉ riêng ông có, chỉ
riêng ông biết và thành tựu!
Với người Tây Tạng, mọi cử chỉ diễn ra
đều ứng với nhịp chuyển lưu của vũ trụ. Tất cả những hành động nhỏ nhặt nhất
cũng đều được khiểm soát chặt chẽ bởi ý thức hòa mình cùng vũ trụ chứ không phải
tự muốn mà có, tự làm mà hay. Nâng một bát trà, không phải đi liền một hớp. Người
Tạng uống trà theo quy cách vừa uống vừa cho thêm vào, uống dần từng ngụm, từng
ngụm cho đến cạn bát. Tấm lòng rất hiếu khách của người Tạng sẽ bị xúc phạm nếu
khách được mời rượu mà không “tam khẩu nhất bôi”- ba lần cạn chén rượu! Rượu
Tsampa, người Tạng gọi là “thương” làm từ bột tsampa có mặt khắp nơi, sưởi ấm mọi
lứa tuổi cao nguyên. Uống một bát rượu, đầu tiên là một hớp, đợi chủ thêm rượu
vào mới uống hớp thứ hai, lại đợi rượu và uống cạn lần cuối. Ba lần nhấc môi là
3 lần sâu lắng tâm tư với rượu, với tấm lòng của chủ nhà!
Ngày nọ có thiếu phụ đến hỏi Phật làm
thế nào để Thiền. Phật chẳng dạy điều gì cao xa cả. Ngài ngắm nhìn đôi tay quen
kéo nước từ giếng lên của người thiếu phụ mà dạy rằng:
- Con hãy chú tâm vào việc kéo nước giếng. Từng
động tác phải được thuần thục trong một ý niệm rõ ràng con sẽ thấy tự con trong
tâm trạng an lành, nhạy cảm và sáng suốt. Đó chính là Thiền!
Người thiếu phụ ấy tỉnh
giấc. Nàng trở về nhà làm theo lời Phật dạy và được giải thoát!
Rigpaba không quay kéo nước giếng như
người thiếu phụ. Rigpaba dùng dao xẻ xác để tạo nên một chiêu thức khai ngộ
tính Không trong tâm linh ông. Ông bảo, khi xẻ xác là khi xẻ tung sự chết, sự sống
ấn chứa trong bản thể, ngay cả bộ xương cũng vào bụng chim về trời, tất cả rồi
sẽ thanh tịnh và tự nhiên hoàn thiện bằng những nhát dao thekchod buông xả tự
nhiên! Thekchod là một trong hai phần thực hành của giáo lý Nyingma! Thekchod
là hành động dứt khoát cắt bỏ mọi ràng buộc của lý trí và tình cảm, phá tan
hàng rào ngăn cách con người không vươn đến sự tự do vốn sẵn có trong tâm. Khi
Rigpaba vung dao, ông như chặt đứt sợi dây ràng buộc do thân, ngữ, tâm ngăn chướng
Phật tính trong người bởi bất cứ cái gì được sinh trong tâm đều không chướng ngại
như những đám mây trong bầu trời. Đã hiểu nghĩa đồng nhất trọn vẹn của tất cả
hiện tượng, tức là tinh túy của tính Không, bây giờ người ta đi vào trạng thái
tham thiền mà không theo những hiện tượng, đây là chân thiền định! Lời dạy của
đạo sư Garab Dorje chứng nghiệm qua hành động xẻ xác của Rigpaba!
Những con chim kền kền trong tục điểu táng
- Từ năm 1950 đến nay, ta không còn được
vung dao. Những đàn chim xứ Tạng không còn tươi xanh. Bầu trời cũng không còn
âm vang sự chuyển hóa tự do của xác thịt con người nữa! - Rigpaba buông xuôi
đôi mắt, ông uống một hớp trà bơ, uống một thời say nồng nhát dao. Và tôi,
trong một đêm tuyết khuya xứ Bắc Âu, khi xem một phim về cuộc đời lưu vong của
đức Dailai Lama, tôi không ngờ có ngày mình lại ngồi trên phố Bát Giác, con phố
ngập máu và khói súng. Những bước chân tu sĩ sột soạt lội trong máu người dân
Tây Tạng ngã xuống trên đường phố này lại hiện về trong mắt.
Hàng ngàn tu viện tan
hoang dưới bước chân hồng vệ binh. Ngày hôm nay Tây Tạng đã im lặng tiếng súng
nhưng trước cung Potala, dưới chân đài tưởng niệm hòa bình Tây Tạng, tôi đã
nhìn thấy một người lính Trung Quốc phải bồng súng AK đứng canh gác!
8 .H 3
Điệu múa của ma và linh hồn cầu nguyện hòa bình
- Họ đã cấm tục điểu táng! Đội âm công
tan rã. Tất cả đều đã chết. Còn lại mình ta với những nhát dao thèm thuồng -
Rigpaba khô khốc nuối tiếc.
- Và ông không còn những phút giây thiền
hành nữa phải không? Tôi chia sẻ.
- Không! Ta vẫn còn! - Mắt Rigpaba vụt
sáng - Mà sao con biết đó là phương thức thiền hành, một bí mật của đời ta? Ai
đã chỉ giáo cho con?
- Thekchod! - Tôi bí hiểm
- Thekchod? - Rigpaba vung dao.
Chiều Lhasa trong suốt.
Quán trà bơ vắng khách. Tôi nghe rõ tiếng thở toát lên khắp thân thể già nua
Rigpaba.
- Con xứng đáng là người ta cho xem điều
này - Rigpaba đứng dậy trở lại căn phòng. Tôi bước theo sau. Một loạt đèn nến
thắp lên. Cả căn phòng nhảy múa hàng trăm bức tranh thanka! Cuồng say vô vàn vũ
điệu múa dao điểu táng với những gam màu lúc thư thái nhẹ nhàng lúc dữ dội quỷ
khốc thần sầu!
Tôi đã trải qua những
giờ phút đắm mình trong gam màu lập thể của tranh Picasso dưới hầm viện bảo
tàng La Haye, đã từng cuồng say không gian với tranh Van Gohg ở bảo tàng
Amsterdam, đã từng bước lang thang trong thế giới đa sắc màu trong bảo tàng
Luvre ở Paris nhưng chưa có lúc nào, tâm tư tôi lại bị chao đảo, như con thuyền
nát sóng trong buồng tranh thanka!
Tôi nhìn thấy đây hình ảnh thần Yidam
Yamankata tay cầm sọ người đầy máu, vị thần chết ghê gớm đến nổi người Tạng phải
lấy vải che mặt vì không thể nhìn thẳng vào hung thần đầu trâu mặt ngựa dữ dằn
này. Nhưng tôi lại hoang mang vẻ đẹp hồn nhiên của một thiếu nữ Tạng khỏa thân,
nơi sâu kín nhất của nàng là khuôn mặt của chính vị thần kia che chở! Tôi cũng
chan chứa niềm kính trọng thiêng liêng trước những khuôn mặt bi mẫn của các vị
Phật được thể hiện bằng nhiều sắc màu trắng, đỏ, xanh, vàng sặc sỡ. Tất cả đều
hướng về người đàn ông khi vung dao tuôn máu, khi bay lượn cùng đàn chim kền kền
giữa trời xanh! Đó là Rigpaba! Rigpaba vẫn thiền hành trong những bức thanka.
Trong các tu viện Tây Tạng
còn để lại nhiều công trình hội họa đặc sắc. Một tác phẩm hội họa là sản phẩm của
một tập thể Lama cao cấp! Dưới sự hướng dẫn của vị Lama trưởng lão, các Lama sẽ
tập trung tư tưởng hoàn tất phần tranh của mình, sau đó ráp nối thành một công
trình hoàn mỹ. Khi vẽ, các lama đều ở trong trạng thái samadhi - thiền định,
trì tụng thần chú, đường nét gam màu của họ biểu hiện những ấn quyết nên nét vẽ
tập hợp từ nhiều người mà cứ ngỡ là xuất phát từ một đôi tay, một đôi mắt duy
nhất!
Rigpaba, vị lama thầy
thuốc, vị âm công, vị lama họa sỹ của tôi vẽ một mình hay với những ai mà tạo
ra những bức tranh dữ dội, thôi miên toàn thể tâm tư tôi đến thế!
-
Chỉ
một mình ta vẽ - Rigpaba nhìn thấy ý nghĩ của tôi - Ta buông dao thì cầm ngay
bút vẽ. Ta vẽ quá khứ lạc phúc của ta mà thôi! Hơn 40 năm nay, ta chỉ có ngần từng
ấy.
Ngần ấy nhưng đã đủ
thôi miên một đời tôi! Tôi chăm chú từng bức tranh và nhận thấy, dù cũ hay mới,
nét vẽ và màu sắc vẫn tinh anh giống nhau, không phải tuổi già mắt kém mà có nét
vẽ hư, ngược lại càng ngắm những bức tranh mới, tôi càng thấy màu sắc sống động
hơn. Người đàn ông múa dao trong tranh cũng nhanh nhẹn và phiêu linh hơn người
đàn ông trong bức vẽ cách đây 40 năm!
-
Thodgal!
- Lời tự tin của tôi như ánh nến quét vàng khuôn mặt của Rigpaba.
-
Thodgal!
- Tiếng chưa dứt, đường dao của Rigpaba đã lượn vòng sau lưng tôi.
Không đủ sức để nhấc một
bát cơm, làm sao tôi có thể tránh được đường dao kia! Nhưng không! Thay vì lãnh
trọn nhát dao của vị âm công, cả thân hình tôi rung lên trong vòng tay Rigpaba!
- Thod-gal!
tho..d-g...al - Rigpaba
chìm dần âm thanh vào huyết quản mình.
Một bức tranh Thanka
Bức thanhka thể hiện hình tượng Đức Phật Sakyamuni được vẽ vào TK 17, hiện được treo tại Potala Palace. |
Những ngày tháng múa dao điểu táng đối
với Rigpaba là giai đoạn ông thực hành Thekchod còn lại những tháng năm vẽ
tranh là chuyển qua Thodgal, phần thực hành thứ hai trong giáo lý Nyingma!
Thodgal nghĩa là “trực tiếp” trong một chuyển dịch tức thời và khoảnh khắc biến
đổi từ nơi này sang nơi khác, không có sự can thiệp của thời gian. Thodgal còn
siêu việt hơn ý nghĩa nhảy qua mà đây chính là sang-pa, cái nhìn thấy vượt khỏi
kích thước tâm thức quán tưởng. Thodgal là sự hòa nhập vào cái nhìn thấy, là sự
tự nhiên hoàn thiện trên cơ sở thanh tịnh của bổn nguyên trong mọi sự Thekchod!
Tiến trình từ Thekchod đến Thodgal cũng là những phương tiện cơ bản chứng ngộ
giáo lý Dzogchen - Đại Toàn Thiện mà đại đạo sư Palmasambhava để lại cho Mật
giáo Tây Tạng.
-
Con
hãy ở lại đây! Nơi Tây Tạng này! - Rigpaba tay vẫn chưa rời dao - Ta sẽ dạy con
múa dao, ta sẽ dạy con vẽ thanka, ta sẽ cho con uống 3 bát trà mỗi ngày với
bánh tsampa nếu con không chê! Và khi ta ra đi, con sẽ là người tặng cho ta những
nhát dao cho thân xác ta bay lên trời cao trong bụng lũ chim đáng yêu!
Tôi im lặng đón lời của
Rigpaba như đứa cháu nhỏ bé nhận đón lời người ông.
-
Ta
biết, con không thể ở lại! Nhưng ta tặng con, cây dao quý này. Con hãy cầm về
quê hương, không phải để xẻ xác chết mà bất kỳ nơi nào cuộc sống bình thường của
con, con hãy nhớ, dù có ở trong xó bếp cũng có thể Thekchod và Thodgal nếu con
có tâm trì!
Tôi xúc động. Tay run.
Những ngón tay xanh tái vì thiếu máu. Cầm lấy cây dao. Cầm lấy cánh chim tự do!
Cầm lấy một quảng đời kinh hãi nhưng siêu thoát của người âm công! Cầm lấy một
đại ấn Mật tông!
Tôi bước ra quán trà. Lhasa chiều quá
độ. Nắng thênh thang. Người vẫn tấp nập trên phố Bát Giác. Không ai biết, giữa
thành Lhasa này có một người âm công đang ẩn tu với những bức thanka mầu nhiệm.
Khi rời Tây Tạng, hải quan ở sân bay
Lhasa không cho tôi mang theo cây dao trở về nước Việt. Tôi phải nhờ Hong chuộc
tiền để họ gửi cho tôi bằng đường đặc biệt. Hơn 30 ngày sau, tôi đã nhận được
cây dao. Suốt chặng đường đi qua bao bưu cục, không ai hay biết, đó là cây dao
của một người âm công Tây Tạng, chủ thể của tục điểu táng nổi tiếng trên thế giới.
Con kiến già Rigpaba! Tôi đã biết
trong tổ của mình, những con kiến sẽ thản nhiên chết vì khi sống chúng đã có cuộc
sống tận tuỵ, gắn bó và khéo léo hết mực với những gì chúng có được trên mặt đất.
Trong góc phố Lhasa, rồi
Rigpaba sẽ ra đi mà không cần ai xẻ xác. Vì tận tâm tu luyện, thân thể thô tháp
hơn 90 năm của ông sẽ được co rút nhỏ lại để tan biến vào ánh sáng bất tử mà
người Tây Tạng gọi là Sự Tan Biến Vào Thân Thể Cầu Vồng.
Không biết trong buồng tranh Thanka, ai có diễm phúc nhặt được tóc và móng tay của Rigpaba để lại như những di vật linh thiêng hay nó sẽ tan biến dưới một nhát chổi của người lính nào đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét