Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

6. Phép giải thoát trên thi hài người chết

 TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG 

6. Phép giải thoát trên thi hài người chết

Văn Cầm Hải

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế. Có nàng Krisha Gotami rất đau đớn lúc đứa con mình bị chết. Nàng bồng xác con lang thang khắp nơi tìm thầy cứu chữa cho con nàng được sống lại nhưng tất cả đều bó tay. Cuối cùng Gotami gặp được Phật. Nghe chuyện buồn của Gotami, Phật dịu dàng nói:

-  Chỉ có một cách duy nhất hàn gắn nỗi đau buồn của con. Con hãy xuống phố, xin về cho ta hạt cải từ một nhà nào chưa hề có người chết!

Gotami vui mừng xuống phố nhưng nàng không thể kiếm được một hạt cải nào cả bởi trong thành phố không có ngôi nhà nào là không có người chết! Bồng xác con trên tay, Gotami chợt hiểu ra lời của Phật. Nàng không buồn đau nữa và trở lại xin Phật dạy cho chân lý về cái chết, cái gì ở đằng sau và bên kia sự chết, và có cái gì trong nàng không chết hay không!

Tôi bây giờ

Một đêm Shigatse

Đêm Tây Tạng rất mỏng.

Như nàng Gotami đứng trước Phật muốn hỏi về cái chết. Cô đơn, tôi đành bồng xác thân mình vậy.

Dưới xa miền bình nguyên, bùn đất và nước mặn dìm chết nắng qua ngày nên đêm rất dày bóng tối còn trên xứ trời này, khi mặt trời ra đi lại có một loài ánh sáng khác, được dự trữ từ trong đất đá toả lên màn đêm dịu dàng cho tôi thấy những hạt không khí như muôn vàn hạt xá lị từ Himalaya theo gió bay về bám đầy thân thể mỏng hơn đêm Shigatse.

Linh hồn tôi rất nhạt trong thân xác. Ngày bước qua đêm mỏi chân đến. Linh hồn dần bỏ thân xác mà đi lang thang như nàng Gotami. Thà đi lang thang còn hơn ẩn cư trong căn lều máu xương rệu rã. Đôi chân khô cảm giác. Đôi tay không nhặt nổi hơi thở. Mọi huyệt đạo phập phồng cơn đau buốt luồn lách ác liệt vào từng múi nơ ron.

Người đồng hành, sợ chết đột ngột, đã cẩn thận viết lời di chúc đặt sẵn dưới gối. Khuôn mặt ông tím đen. Tóc trên đầu khô cứng. Đôi mắt phồng căng. Cả thân hình tàn tạ mọi cử chỉ. Là người biết võ công nhưng ngay cả một nhát dao nhỏ xẻ dưa hấu ông cũng đành buông tay.

Bởi ai sinh ra mà không sợ chết!

Cái chết trở thành một đối trọng dữ dội nhất trong cuộc đời con người.

Tôi tin rằng, tiếng nói đầu tiên mà loài người nghe thấy từ Thượng Đế là tiếng nói của cái chết - một lời báo hiệu về trật tự hữu hạn. Từ chỗ báo hiệu, Thượng Đế muốn răn dạy và đưa ra hình phạt tuyệt đối, thể hiện uy quyền của Ngài đối với những sinh linh do Ngài tạo ra! Với ý nghĩa đó, tất cả mọi nền văn hoá trên thế giới đều có quan niệm nhuốm màu kinh nghiệm hãi hùng về cái chết. Nhân loại đi qua bao nền văn minh nhưng cái chết vẫn được cảm thụ như là nỗi kinh hoàng, biểu thị bằng hình tượng khiếp đảm về một thế giới dữ tợn, vô cảm, không biết đến tình yêu thương.

Một ngọn lá héo tàn. Chết! Một tiếng bom rơi. Chết! Chết nhẹ như ngọn gió lùa, chết nặng như nỗi buồn gánh núi.

Ai rồi không một lần sinh một lần tử. Đức Phật hay Đức Chúa, rồi cũng chết đi mà thành tựu. Nhưng, con kiến già Rigpaba của tôi, có mấy ai biết được chết là gì, hay nói đúng hơn thế giới chết sẽ sống như thế nào đây?

Không ai từ cõi chết trở về kể cho tôi nghe cả!

Vậy, dù cái chết là cánh cửa của sự sống mới, chết là một sự giải thoát khỏi phiền muộn, giúp con người chuyển sang đời sống siêu nhiên thì cái chết vẫn là một điều bất khả tri, đe doạ từ mọi nơi, từ mọi phương, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất!

Đứng trước ngõ cụt này, cánh mũi tôi kiên quyết không thở nhờ khí ô xy bán trên đường phố Shigatse. Tôi chỉ sống nhờ vào linh ảnh chính bản thân tôi, một đứa trẻ vượt qua cái chết hơn 20 năm trước!

Mùa hè năm 1982, gia đình tôi nhờ người tìm cuộc đất, ván gỗ đã chuẩn bị đặt lên cưa xẻ để mang hình hài tôi cùng cơn co giật uốn ván vùi sâu xuống mộ. Người ta đã khuyên cha đưa tôi về nhà để chết nhưng cha chối từ. Bằng niềm tin còn nước còn tát đến giọt cuối cùng, cha đưa tôi lên thuyền xuôi dòng Nhật Lệ về bệnh viện Cu Ba Đồng Hới. Trên dòng sông ấy, cũng vào một tinh mơ hơn 30 năm trước, người chị đầu của tôi - chị Sanh Si ra đi trong lòng tay mẹ lúc chị vừa mấy tháng tuổi. Mẹ kể, trước khi chị tắt thở, cái linh hồn nhỏ ấy biết mình không thể lớn dậy thành hình hài thiếu nữ nên nước mắt bổng tràn ra ướt đẫm bầu má thơm mùi sữa làm ông ngoại tôi, vốn là một thị trưởng cảnh sát không thể ngăn nổi tiếng khóc lá non!

Đêm hôm ấy, cuối tháng 3 đầy sao. Qua mái thuyền chồng chềnh, tôi nghe thấy tiếng khóc oa oa của chị vọng về giữa sông nước. Tiếng khóc ấy bơi theo tôi cho đến lúc mặt trời hồng lên cửa bể Nhật Lệ.

Căn bệnh uốn ván rất kỳ lạ, trước và sau khi co giật, bệnh nhân rất tỉnh táo. Vài giây trước khi lên cơn, tôi có thể bình tĩnh nhận ra từng đợt bão tố chết chóc tràn lên từ dưới chân, dần dần phủ kín toàn thân rồi đột ngột bùng lên cơn co giật khủng khiếp. Sau mỗi lần qua cơn, tôi lại nhìn thấy cha tôi khóc. Ông khóc vì thương con, ông khóc vì mừng con đã thoát chết, ông khóc vì con lại tiếp tục chờ đợi một cái chết tiếp tục tràn đến triền miên hơn 3 tháng cho đến lúc nghe người bác sỹ Cu Ba tuyên bố chính thức rằng con mình có khả năng sống! Cha tôi quỳ xuống nền đá trong căn phòng nhỏ bé trên tầng năm cảm tạ trời đất, cảm tạ linh hồn của bà cô - cũng từng ra đi theo cơn lũ trên dòng sông Nhật Lệ vào lúc mới lên sáu bảy tuổi hiện về phù trợ cho tôi được sống! Hoá ra khi trùm chăn ngồi trong phòng đợi bệnh viện lúc mới đưa tôi vào nhập viện, giữa lúc mê buồn ấy, cha tôi đã thấy hình bóng bà cô của mình hiện ra và nói đứa con trai út của ông nhất định sống!

Cha tôi cũng không hay biết, mỗi lần cơn đau tràn tới, tôi lại nghe tiếng khóc oa oa của chị tôi nâng tôi dậy. Tiếng khóc non nớt đã cưu mang thân xác đứa em nát tan bạo bệnh.

Hơn ba tháng trắng đêm, cha con tôi bấu víu vào lời tiên tri của bà cô, bấu víu vào tiếng khóc của chị để vượt qua cái chết! Phải chăng, cha và tôi đã có một cái nhìn sâu sắc về những linh ảnh mà mình đã nhìn thấy! Bây giờ mỗi khi về làng, sang núi thăm mộ tổ tiên, bao giờ tôi cũng thấy giữa rừng núi xanh kia có một ngôi mộ vùi chôn tôi 20  năm về trước. Dân làng bảo, tôi chỉ làm con cha mẹ từ khi sinh ra cho đến ngày tôi bị bệnh, còn lại 20 năm kể từ lúc được cứu sống trở về sau, tôi là đứa con sinh ra từ một thế giới khác! Tôi không biết thế giới đó là nơi đâu nhưng từ khi khỏi bệnh, cùng với tính khí đổi thay, tôi trở thành một con người lễ độ với thế giới siêu hình!

Đây chính là lý do, hôm nay bất chấp mạng sống của mình, tôi đã có mặt trên vùng đất Himalaya, nơi có miền Tây Tạng huyền bí trong từng âm tiết siêu hình.

Màn đêm dịu sáng Shigatse, hình bóng đứa bé 10 tuổi và linh ảnh tiếng khóc thơ dại tự tin vượt qua những cơn co thắt giật đứt cuống tim lại hiện ra trong sáng như đoá hoa hồng dưới sân khách san Namsel ở Lhasa. Đoá hoa hồng màu trắng, từng cánh xoè rộng, kết thành linh phù mandala vươn lên từ đất. Cánh hoa ngát to và dày hơn một li tràn trề sương đêm, đoá hoa hồng chào tôi buổi sáng!

Tôi có thể bỏ cơm, mỗi sáng dậy dè sẻn lưng cháo trắng nhưng không thể nào khi bước chân đi khi bước chân về, tôi lại ném ánh mắt của mình ra ngoài đoá hồng ấy.

Ký ức độc tố nhưng hào hoa ấy tươi tỉnh những ngày tôi sống Tây Tạng. Chính niềm tin, sự trải nghiệm một lần trở về từ cõi chết đã trở thành mảnh đất cho linh hồn náu thân chứ không phải bình khí ô xy người ta bày bán cho du khách trên đường phố Lhasa hay Shigatse!

Không phải chỉ đêm nay Shigatse. Rất nhiều lần chênh vênh phút giây chết chóc, tôi lại vịn vào quá khứ để đứng dậy. Tôi luôn ý niệm rằng, đáng lẽ mình đã không còn nữa hơn 20 năm trước nên bây giờ một ngày trôi qua là thêm một tuổi trời cho nên mình phải sống trọn với lòng thành công ơn ấy. Nếu có ra đi thì cũng chẳng hề hối hận. Sợ gì nào khi tôi lòng thành như vậy! Linh hồn lại thong dong với gương mặt dịu ấm của Cha, có nét buồn bản lĩnh của Mẹ đã nuôi tôi lớn dậy tháng ngày. Tôi bình yên như con cá nằm trong tuyết triệu năm nay trên dãy Himalaya sau trận đại hồng thuỷ!

Tôi không viết di chúc! Tôi không thể chết vì trong tôi những gương mặt kia đang mỉm cười che chở!

Và tôi kiên nhẫn chờ qua đêm, mặc kệ giấc ngủ tàn dưới chân, đứng bồng xác mình chờ Phật trả lời. Rằng bao giờ tôi chết. Và nếu như vậy, ngài có thể dạy cho tôi cách chết nào hay nhất! Nhưng có lẽ, quá bận bịu công việc ở đâu đó nên Ngài không về Shigatse mà giải đáp cho linh hồn bé bỏng này!

Ngài không về thì tôi đến nơi chỗ Ngài chơi.

Và, với cái ý niệm giang hồ ấy, tôi lên đường đến thăm tu viện Tashilhunpo - nơi ở của những Phật tái sinh mà người Tạng cung kính gọi là Panchen Lama - hiện thân của Phật Adiđà!

Tu viện Tashilhunpo tuy không cao như cung Potala nhưng cũng đủ thử thách sức khoẻ và tinh thần của những ai đến chiêm ngưỡng.

Từng bước chân hứng khởi vượt qua mấy dãy nhà nằm chênh vênh sườn núi, tôi bước vào viếng điện thờ Phật Tương Lai.

tu viện Tashilhunpo

Ngài ở đây, rất gần khách sạn, sao đêm qua lại bỏ mặc tôi! Chưa kịp buông lời thì tôi đành ngậm kín lời thưa chào! Nếu trời đất và cha mẹ cho tôi được nếm trải bao nhiêu cảm giác trong đời thì trong giây phút đứng trước bức tượng Phật Tương Lai, bao nhiêu cảm giác ấy chợt thoát bay theo ngàn vạn lổ chân lông để lại thân xác tôi tràn ngập niềm bâng khuâng thiêng kính.

Không choáng ngợp chiều cao vĩ đại 27m của khối tượng đúc vàng đồng quấn mình trong những tấm khăn choàng huyền ảo, tôi choáng động toàn thân vì khuôn mặt của ngài. Khuôn mặt ẩn chứa một nụ cười bi mẫn, động viên dương gian thống khổ, trong đó có tôi, một đứa trẻ sinh vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 nóng bỏng lửa đạn. Ngoài cánh mũi thẳng sườn núi, khuôn miệng chực nở nụ cười, đôi mắt xanh ngọc khác thường, trên trán ngài còn có con mắt thứ ba chạm bằng đá quý chọi lọi ánh nắng. Khuôn mặt Ngài muốn nói, tất cả những ai bước vào đây, lý lịch kiếp trước khiếp sau ra sao, ngài đều thấu suốt!

Đi một vòng, từ phải sang trái đảnh lễ Phật Tương Lai, lần theo tiếng âm thanh cầu nguyện, tôi bước đến trước mặt ba ông lão hành khất đang lẫm bẩm đọc kinh bên bát nước nước vàng nhạt. Hong thả xuống trước mặt họ tờ 5 tệ. Một trong ba người nghiêng bình rót nước ra bát trà nhỏ. Mắt nhấm, miệng lầm rầm nhưng cánh tay đưa bát rất chuẩn xác, gọn gàng không một giọt nước trào. Hong lắc đầu từ chối.

-     Còn anh, anh có uống không? - Một trong ba cửa miệng dừng lời cầu nguyện khẻ khàng hướng vào tôi.

-     .... - Tôi ngước nhìn Hong. Hong lại lắc đầu. Nhưng dưới đáy sâu của bát gỗ, đôi mắt của Phật Tương Lai hiện ra xanh rờn sau làn nước vàng xỉn. Tôi đưa hai tay đón bát nước.

-     Anh ta đúng là người Trung Quốc! - Người mời nước lạnh lùng phán.

-     Tôi là người Việt. Việt Nam! - Tôi cười.

   -  Vì có niềm tin, anh đã uống nước thiêng này

-     Nước thiêng! - Tôi có nghe nhầm không đây hỡi người hành khất dưới tượng Phật Tương Lai! Ai đã cất lên tiếng nói kia trong bộ áo quần nhàu nát đường may vá! Nếm nước thiêng là một trong 5 phương pháp đạt giác ngộ mà không cần thiền là thấy một vật thiêng liêng, mặc những đồ hình Mật tông, nhớ sự di chuyển tâm thức vào lúc chết và nghe giáo lý sâu xa. Cầu mong cho nước thiêng này được nguyện chú bởi một vị thầy nào đó sẽ giúp tôi thoát khỏi cơn đau thể xác.

-     Anh chàng Trung Quốc kia là một cái túi thịt chứa đầy nghi ngờ. Anh ta sợ chết nhưng ở Tây Tạng, chúng ta đâu có cái chết mà hắn sợ! - Người hành khất già cầm trên tay cuốn sách vàng ố chữ - Còn anh, anh là con chó con trước Đức Ngài! Anh còn phải học mới bước đến con đường Bardo Thodol đang nằm trên tay ta - Người khất thực chỉ tay ra cửa điện - Người ta sẽ cho anh biết điều ta nói là cái gì.

Tôi nhìn ra cửa. Không biết từ bao giờ, một khuôn mặt hiền hoà vị sư già đã ở bên cửa lắng nghe cuộc đối thoại ngẫu hứng của chúng tôi.

Tôi nhớ lại lúc ban đầu bước vào cổng tu viện, được ông lão Tây Tạng hướng dẫn cho cách quay chuông và đọc câu thần chú, tôi đã bắt gặp khuôn mặt vị sư đứng dưới gốc cây liễu xanh. Hoá ra ông ta đã theo tôi từng cử chỉ, từng hành động từ lúc tôi xuất hiện cho đến khi vào đảnh lễ Phật Tương Lai. Có lẽ, ông ta đã nhìn thấy cảm giác bâng khuâng của tôi khi đứng trước bước tượng vĩ đại này.

Và...! Thôi chết rồi! Hải ơi! Tôi lạnh sống lưng! Lần này thì mi không thể vịn lấy cái lý do ưa lang bạt, kỳ hồ tò mò để trốn chạy! Chắc chắn ông ta thấy tôi đưa máy ảnh chụp lén bảo tháp lưu giữ mấy trăm năm di hài sống của vị Panchen Lama thứ 5 trong điện thờ mất rồi!

Kệ, tôi là con chó con trước Phật Tương Lai thì hà cớ gì lại bị trừng phạt bởi hành động cấm kỵ này. Vả lại, cũng không biết chết sống ra sao đây nữa nên tôi, bước từng bước ra cửa bằng tinh thần của một con chó con.

-  Bức ảnh ấy không bao giờ có được! (1) - Vị sư già làm tôi rúng động - Nhưng ta không nói chuyện về việc ấy. Ta nói cho con biết điều mà người kia vừa nói bởi trong con, cái chết đã xuất hiện! Do vậy điều mà con đang nghĩ đến thì hãy hướng đến nó thật tận tâm, hướng đến với cái nhìn sâu sắc nhất, cái chết sẽ rời bỏ con! Đó là lời dạy của Bardo Thodol!

Cái chết đang đến với tôi! Cái niềm sợ hãi sâu xa nhất, Rainer Maria Rilke miêu tả, như con rồng lưu giữ cái kho tàng sâu kín nhất hút chặt tôi vào con đường tối tăm bi phẫn!

Tôi quay lại cầu cứu Đức Phật. Con mắt thứ ba của ngài vẫn rực sáng ánh nắng. Người kiến trúc sư nào dựng ngôi điện này thật tài ba bởi dù mặt trời có di chuyển nhưng xuyên qua lỗ nhỏ trên trần điện, ánh nắng trên trán ngài không tắt!

Vị sư già dứt lời cũng là lúc cánh cửa sau lưng mở ra đón ông vào trong gian điện thờ. Cánh cửa khép lại bí ẩn như trang sách mà người hành khất kia đang cầm trên tay. Những lời nói của vị sư già như nhát cuốc năm nào mẹ cắm vào đất rừng chôn kín từng bước chân tôi lưng núi tu viện Tashilhunpo.

Thành phố Shigatse với những mái nhà đất phẳng hiện ra dưới đồi hoa chantai hoà tan nắng biếc. Không biết cánh hoa mong manh hay màu nắng xanh da trời nên nhìn nắng trên hoa chantai tôi cảm thấy nắng rất mềm mại, không rát bỏng mắt môi.

Lẽ nào tôi lại chết ở nơi đây!

Con hãy nhìn bằng cái nhìn sâu sắc về cái con hướng đến!

Shigatse đêm thì mỏng, ngày trước mắt tôi càng mong manh hơn trong nắng xanh phất phơ dây cờ phướn giăng mờ trên đỉnh núi. Tôi nhìn thấy gì đây ngoài những mảnh vụn ký ức rong ruổi, ngoài những bông hoa chantai lấm tấm nắng chân đồi! Vừa khi cơn đau lại buốt lên đầu. Hình như có một ngọn gió độc nào đó trong không gian xốc thẳng vào xương cốt. Tôi cắn răng đứng lên. Tôi lại vang vọng lời khích lệ của bà cô Cha tôi năm nào bay về! Tôi lại nghe tiếng khóc oa oa chao động trên cánh hoa theo những cơn đau cồn cào cuộn lên tim óc cho đến khi nằm im lặng trong màu xanh của ánh mắt Phật Tương Lai. Ôi quá khứ đớn đau và huy hoàng của tôi đang lấp lánh màu xanh của đôi mắt Phật Tương Lai!

Thôi, chỉ có cách hớn hở với ảo ảnh tuyệt đẹp ấy để đi xuống núi còn hơn là chết bên thềm tu viện.

Một ngôi miếu nhỏ nằm giữa ngã ba đường làm bước chân tôi dừng lại.

Kiến trúc ngôi miếu rất kỳ lạ giống cỗ linh xa chứa quan tài người chết. Thân miếu dài kê đầu về lò hương ám khói. Trên nóc miếu có cột vải vàng. Bên hiên miếu là hàng chuông đồng. Ngôi miếu xây bằng đá nhưng rất nhẹ nhàng nhờ khung cửa gỗ có riềm vải mềm trắng rủ che xung quanh. Một vị sư già chừng hơn trăm tuổi chống gậy dẫn theo vị sư trẻ bước quanh ngôi miếu. Bước chân run run nhưng thân thể vẫn vững chải, vị sư già cùng người sư trẻ xoay chuông cầu nguyện. Mũ hồng tía. Quần áo hồng tía. Dày hồng tía. Hai người tựa như hai khối hồng tía biết nói với ngôi miếu. Có một ai đó đang nằm lắng nghe trong miếu! Tôi rùng mình! Không lẽ ...

-          Một linh hồn vừa rời bỏ thân xác được 5 ngày - Vị sư già có khuôn mặt dịu dàng bỗng xuất hiện, rành rọt nó i- Lama kia đang truyền dạy cho đệ tử cách thức hướng dẫn linh hồn kia giải thoát ra khỏi trạng thái trung gian sau khi rời bỏ thân xác bởi tính nghe vĩ đại. Đó chính là Bardo Thodol!

Tôi nép mình vào người vị sư già. Lần này đích thị tôi là một con chó con run rẫy trước tiếng gầm sư tử!

-          Đừng sợ hãi. Rồi ta và con, một ngày nào đó cũng sẽ đi vào trạng thái trung gian này. Đừng nhìn nó với con mắt kinh hãi hoặc huyền bí. Nó rất đơn giản như hàng ngàn năm nay xứ Tạng đã thấy, đã biết và đã làm. Bất kỳ người bình thường nào cũng có thể làm được thông qua Bardo Thodol. Cái điều con đang hướng đến, có thể nhỏ như bông hoa chantai nhưng con hướng đến bằng tình yêu thương, con sẽ thấy bông hoa nhỏ đó vĩ đại không gì sánh được!

Cô Vang tôi, sau nhiều năm vật vã với bệnh khớp, đã đến giờ phải chia tay cuộc đời vào một buổi sớm mùa thu chưa kịp vàng lên hàng rào hoa dâm bụt trước ngõ nhà. Việc cô tôi ra đi là điều mà mọi người trong làng và gia đình đã tiên liệu từ lâu nhưng không ai có thể hay rằng, ngay trước lúc nhắm mắt, từ cái thân thể vôi hóa các khớp xương ấy hồng hào hẵn dậy lời thỉnh cầu:

-          Hãy gọi cháu tôi vào đây! Đứa con út của em! - Bà đột nhiên nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của Cha tôi.

Đứa cháu ấy là tôi, một đứa trẻ mới bước qua tuổi 13 đang run rẩy trùm kín nỗi sợ hãi cái chết. Người ta kéo tôi khỏi giường, mang tôi ra khỏi nhà, đến trước mặt người sắp chết. Cô tôi nằm đó, tóc bạc trắng, khuôn mặt bà ửng hồng bông hoa mẫu đơn đỏ hơi sương tỏa ra như ngọn đèn đầu giường.

-          Cháu đừng sợ! Hãy nhìn thẳng vào mặt cô! - Cô tôi tỉnh táo từng lời nói - Khi đưa tang, cháu là người cô muốn đi sau linh xa của cô....

Lời cô tôi chưa tàn, cả nhà đã thắp lên những nghẹn ngào tiếng khóc. Không ai ngờ, trước khi chết, cô tôi lại nhớ đến điều buồn thương nhất của đời mình. Theo tục lệ quê tôi, trong đám tang, hai người con trai hoặc con cả hay cháu đích tôn phải đi sau linh cữu và cỗ kiệu linh xa dẫn linh hồn người chết về bên kia thế giới. Nhưng cô tôi chỉ có một người con trai độc nhất! Và cô không muốn đám tang mình chênh vênh, thiếu vắng người dẫn đường cho linh hồn mình nên đã chọn tôi thay cho đứa con trai thứ hai không bao giờ cô có!

-          Cháu hứa với cô đi! Cháu đi linh xa cho cô nghe! - Cô đưa ánh mắt mờ dịu sang cha tôi - Em để cháu đi linh xa... Em có nhiều con trai.... Em nhường cho chị một đứa! - Cô tôi lại tiếp lời với tôi - Cháu hứa đi! Hứa đi!

-          Dạ...! - Tôi nấc lên. Ngay lập tức, cô tôi cười rạng rỡ. Đó là lần đầu tiên sau bao ngày đau ốm, cô tôi cười. Đó cũng là lần cuối cùng cô tôi cười với dương gian. Khuôn mặt cô phai dần nhưng nụ cười vẫn vương đọng. Tôi chợt nhìn thấy, trong hình hài già nua ấy, linh hồn rất xanh của đứa hài nhi ra đời hơn 60 năm về trước, một lần nữa lại tái sinh bay lên không gian mong manh buổi sáng sớm.

Ngày đưa tang, tôi vịn cỗ kiệu linh xa, đi giật lùi từng bước, qua sông sang núi, đưa cô tôi về với tổ tiên nhưng không hiểu sao trong ngày hôm ấy và nhiều năm sau lớn dậy, tôi vẫn nghĩ, linh hồn của cô tôi không vùi dưới đất sâu, nó như bông hoa mẫu đơn đỏ vẫn mọc lên đâu đó trong làng quê.

Bông hoa mẫu đơn đỏ. Lời hứa của tôi. Tình yêu thương cô đã đón nhận nên ra đi thật bình an.

Có bình an không cô? Tôi chưa nhận câu trả lời từ bên kia thế giới, vị sư già đã kéo tôi đến trước cổng một bức tường thành chạy dài trước mặt tu viện Tashilhunpo.

Cánh cổng mở ra.

Tiếng tù và vang lên trầm hùng. Trên sân rộng ánh sáng. Các vị lama đang say sưa trong điệu vũ “khiêu thần”.

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi được chiêm ngưỡng những vũ điệu do các nhà sư trình diễn!

-     Âm nhạc cũng là một cách thức cho họ thực hành sự giải thoát bằng tính nghe vĩ đại! Tính nghe không ràng buộc vào một thể thức nào, tất cả là tuỳ tâm lĩnh hội. Con nhớ điều ta nói. Hãy hướng đến những gì con nghĩ bằng một cái nhìn sâu sắc của tính nghe. Con sẽ không có cái chết! - Trong tiếng tù và nôn nao, vị sư già giải thích trước khi quay lưng trở lại tu viên Tashilhunpo.

Tôi chưa kịp nghe điều gì đã nghe Hong gọi tên mình. Bên Hong là một nhà sư trạc chừng 30 tuổi. Tiếng Anh rất mượt hỏi tôi.

-     Các anh về Lhasa? Có thể cho tôi đi cùng được không?

-     Tôi không biết bởi tôi chỉ là một du khách trên xe.

-     Thế à? Vậy anh có biết người vừa nói chuyện với anh là ai không?

-     Không !

-     Người bảo vệ của các Panchen Lama ở tu viện Tashilhuno!

-     Người bảo vệ?

-     Phải rồi! Chúc cho anh được phúc lạc trong lời của người đó.

-     Tôi là một kẻ bình thường. Tôi không hiểu tại sao, thực sự là tôi không hiểu lý do nào tôi lại được ông ta chia sẽ...

-     Mục đích của chúng tôi - Vị sư trẻ dang rộng đôi tay - là học và thực hành giáo lý không phải để trở thành thành thần thánh mà để nhận biết cái sống cái chết như hai vị Lama đang dạy người học trò ở ngôi miếu kia.

Tôi muốn tiếp tục cuộc đối thoại nhưng Hong đã kéo tay. Vị sư trẻ cười tươi chào tôi. Cánh tay trần đưa lên trong nắng sáng như cây tích trượng vươn ra từ tấm áo hồng tía Mật tông.

Bardo Thodol là gì? Một cuốn sách về người chết như của người Ai Cập? Tôi thật tiếc là không được ngồi cùng xe về lại Lhasa với vị sư trẻ để thoả mãn trí tò mò. Mãi khi trở lại Lhasa, gặp Rigpaba, tôi mới được sáng tỏ. Bardo Thodol, mà người phương Tây gọi là Sách Tây Tạng Về Người Chết, là một bộ kinh thư cổ xưa của người Tây Tạng do đại sư Padmasambhava viết ra vào thế kỷ thứ 8, được Karmalingpa tìm thấy trên núi Gampodar vào thế kỷ thứ 14.

Bên đồi hoa tu viện Tashilhunpo

Riêng việc tìm thấy bộ kinh này, Karmalingpa đã được gọi là Terton, người phát hiện kho tàng cao quý theo nghĩa Bardo Thodol là germa texte - kho tàng văn hoá, văn bản quý báu bậc nhất nhân loại, có thể so sánh với Kinh Thánh hay Đạo Đức Kinh!

Bardo Thodol được thế giới biết đến qua bản dịch của Lama Kazi

Dawa Samdup và sự biên tập của tiến sỹ Evans Wentz với tựa đề Sách Tây Tạng Về Người Chết. Thực ra chữ “chết” không hề có trong Bardo Thodol vì Bardo Thodol là giải thoát khỏi trạng thái trung gian bằng tính nghe! Bardo - trạng thái trung gian này người Việt gọi là Cõi Trung ấm. Dòng hiện hữu của con người đi qua 6 bardo: sống, chiêm mộng, thiền định, cái chết, chân lý tự nó, cái trở thành hay tái sinh.

Cái chết không đến tức thì. Một chiếc lá rơi. Một quả bom dội. Chết! Vì quá nhanh nên chúng ta thường nghĩ cái chết xảy ra lập tức nhưng giữa lúc sống và chết đó, còn có trạng thái trung gian chuyển tiếp.

Hơn ai hết, liệu người chủ động chết, có lĩnh hội trạng thái trung gian chuyển tiếp này rất rõ ràng hay không?!

Dân làng tôi cũng đã đi qua bao ngày tháng u ám với những vong linh, phẫn uất và tự kết liễu cuộc đời. Đôi khi trong vài ba ngày, thôn trên xóm dưới đều xôn xao người tự tử.

Giận chồng. Tự tử

Buồn con. Tự tử

Ngoại tình. Tự tử.

Hạnh phúc. Tự tử.

Giận không ra giận. Buồn không ra buồn. Ngoại tình không ra ngoại tình. Hạnh phúc không ra hạnh phúc. Tự tử.

Cùng với những kinh nghiệm về cái chết của bản thân, tôi thường thâm nhập vào thế giới của những kẻ tự tử. Tôi muốn biết, tâm trạng và cuộc sống của những con người tự quyết về cái chết của mình sẽ khác gì so với những người chết thụ động. Cho mãi đến bây giờ, tôi vẫn ám ảnh gương mặt của Dung, người con gái hàng xóm tự tử đến hơn ba lần mới thành!

Cha quở trách. Dung nhảy giếng. Túng quẩn cơm gạo với chồng con. Dung uống thuốc. Cả hai lần đều được cứu. Lần cuối cùng, chỉ vì quả cà nhỏ chưa bằng nắm tay đứa con hái trộm nhà nội bị người em dâu la mắng. Dung đã tự tử! Một cuộc tử tử kinh hoàng nhất nhân thế! Dung bình thản ngồi đun nồi nước sôi. Đợi nước chín nóng. Dung ngã cổ uống! Nước bỏng làm Dung gục xuống nền nhà. Ngay lúc ấy Dung cầm lấy chiếc liềm cắt cỏ.

Từng nhát. Từng nhát. Như từng hớp trà bơ. Dung cứa vào cổ!

Nếu hôm nay, biết tôi đang viết những dòng này thì cũng xin linh hồn Dung lượng thứ, đừng giận mà tự tử thêm lần nữa!

Thông thường trong cơn quẩn trí tột cùng, người ta mới tự tử còn Dung có thời gian lượm củi, nhen lửa, thổi bếp, múc nước vào nồi, chầm chậm chờ nước sôi, chầm chậm đưa mình vào cái chết! Trong quá trình đó, chắc Dung nhận dạng được trạng thái trung gian sống chết ra sao. Khi có ai tự tử, tôi thường lân la hỏi chuyện và nhận thấy hầu hết họ đều có một tuổi thơ cô độc, thiếu tình thương chăm sóc của gia đình. Họ hoàn toàn bàng quang trước cái chết, xem nó như một sự kết thúc tuyệt đối lúc già nua. Không thể chờ đợi lâu như vậy, họ đã tự xử bản thân với mong ước sớm được giải thoát khổ đau.

Đó là sai lầm lớn nhất của người tự tử. Người tự tử thực ra không phải chủ động mà họ chính là người thụ động chết! Cái chết đối với người tự tử là sự bất lực, là kết cục một chuỗi xung đột ngoại cảnh, là sự khởi đầu một bại vong nội tâm. Padmasambhava cho rằng con người có hai loại chết, chết phi thời và chết do mạng thọ chấm dứt. Chết phi thời nghĩa là chết bất đắc kỳ, có thể tránh được do con người biết trước thông qua nhiều dấu hiệu như chiêm mộng, hoặc quan sát bóng mình lúc bình minh hay đêm trăng non! Chết thọ mạng tựa hồ ngọn đèn đến lúc cạn dầu đã vào lúc con người phải ra đi. Tuy nhiên, nhờ công đức tu luyện hay với một tinh thần tuyệt đỉnh anh minh, người chết thọ mạng có thể an bình lựa chọn ngày giờ để chết hay kéo dài thêm sự sống của mình.

Tôi nhớ đến cái chết của ông Mai, người trưởng họ Nguyễn Mậu hiền từ, hơn 3 tháng trời đội hương trên đầu đứng cầu nguyện tổ tiên trước bàn thờ cứu vớt tuổi thơ tôi qua cơn bạo bệnh. Đêm hôm ấy mùa hạ tháng 6, qua những ngày im lìm trên giường, ông tỉnh dậy bảo con cháu ông sẽ ra đi vào rạng sáng, lúc 12 giờ 30 phút ngày hôm sau. Quả nhiên vào thời khắc ấy, ông Mai bình an trút hơi thở cuối cùng. Mấy năm sau, đêm mùa đông lạnh giá, ông Ngoại tôi, vị trưởng tộc Nguyễn Đức cũng báo trước cho Mẹ và các cậu tôi thời điểm ông từ biệt cuộc đời sau khi ghi âm xong lời trăng trối. Không có tấm lòng của hai người này, tôi không có tuổi thơ. Không có cuộc đời của hai người này, làng tôi khó lòng tìm ra người đáng kính!

Họ mới là người an nhiên chấp nhận sinh tử, chủ động đón nhận cái chết như một thứ tự do tất yếu.

Đối với người Tạng, cái chết định trước không có gì lạ. Thầy của ngài Dilgo Khyentse Rinpoche thiền định 3 ngày, nín thở đến ngày thứ ba mới chết khi nghe đệ tự báo đó là ngày tốt!

Nhưng cái chết nào đâu chỉ là hiện tượng chỉ xảy ra một lần duy nhất trong cuộc đời. Bởi con người hay bất cứ loài tự nhiên nào đều tồn tại cái chết và sự sống trong mọi cấp độ sinh tồn.

Vấn đề là làm sao con người có thể thoát khỏi những cấp độ sinh tồn hàm chứa cái chết và sự sống ấy. Bài toán nan giải và bí hiểm này được người Tây Tạng trả lời qua Bardo Thodol!

Hành trình của cái chết trải qua các giai đoạn chủ yếu bắt đầu từ chổ thân xác, cảm giác bên trong lẫn bên ngoài và tư tưởng lụi tàn cho cái bản chất cái tâm - ánh sáng cơ bản xuất hiện; tiếp đến ánh sáng bản tâm ấy sẽ phóng chiếu ra nhiều dạng âm thanh, màu sắc khác nhau; cuối cùng là tâm thức người chết tỉnh dậy đi vào hay thoát ra cõi tái sinh.

Bậc thượng thừa tu luyện thành công giáo lý Dzogchen chết nhẹ “như một hài nhi mới sinh, kẻ tu hành sơ đẳng chết không vương vấn giống “hành khất trên đường”. Đối với người bình thường cần có phép di chuyển tâm nhờ sự độ trì của Đức Phật Adidà, Tạng ngữ gọi là phowa, mới giải thoát thấu đáo.

Ngay khi hấp hối, người chết bắt đầu được chuyển di tâm thức theo lời thơ của Padmasambhava vang lên trên môi vị Lama hướng dẫn mình chết.

Bây giờ, khi giai đoạn trung ấm chết bắt đầu xuất hiện cho tôi

Tôi sẽ từ bỏ mọi bám víu, khát khao và quyến luyến

Thể nhập không tán loạn vào ý thức sáng suốt về giáo lý

Và chiếu tâm thức tôi vào khoảng không gian cử tự tính vô sanh

Khi tôi từ bỏ hợp thể máu thịt này

Tôi biết nó chỉ là một ảo ảnh phù du!

Con người cảm nhận trọng lượng cơ thể của mình nặng hơn bình thường, môi và miệng khô, nhiệt lượng sống rời bỏ thân thể, tâm trí tối sầm cho đến lúc bất tỉnh đó cũng là lúc cái chết đến gần.

Cái chết không phải là một lưỡi dao cắt đứt tức thì cuộc sống mà nó diễn ra chậm rãi trôi qua những trạng thái trung gian khác nhau. Khi lực sống lìa tan thân xác, tâm trí người chết sẽ đi vào vùng ánh sáng mờ trắng, ánh sáng mờ ảo này chuyển sang màu phớt đỏ, tâm trí bao bọc trong cõi tăm tối và con người bất tỉnh.

Bardo Thodol gọi trạng thái tâm thức ấy là “lúc hơi thở bên ngoài đã ngừng nhưng hơi thở bên trong chưa chấm dứt”. Đi qua trạng thái bất tỉnh, tâm trí sẽ rơi vào vùng ánh sáng nguyên thuỷ rực rỡ như bầu trời trong suốt trên dãy Himalaya. Nếu ai nhận biết ánh sáng này sẽ được giải thoát, còn không sẽ tồn tại trong trạng thái trung gian. Đứng ở đầu giường người bệnh hay người hấp hối, vị Lama bắt đầu đọc Bardo Thodol liên tục trong 7 ngày hoặc nhanh hơn thế để giúp người chết thăng tiến đến cõi trung gian giải thoát. Phương pháp ấy gọi là giải thoát khỏi trạng thái trung gian bằng tính Nghe!

“Hỡi người con cao quý- Vị lama đọc tên người chết ngay khi sự hô hấp gần chấm dứt về mặt sinh học - giờ đây hơi thở anh sắp ngừng, đây chính là lúc anh phải tìm một con đường vì ánh sáng cơ bản của trạng thái trung gian đầu tiên sắp xuất hiện. Vị Lama của anh đã chỉ cho anh ánh sáng ấy, đó là Chân Lý tự nó trống rỗng và trần trụi như Hư không vô biên và không có tâm điểm, trong sáng. Đó là trí tuệ tinh nguyên không tỳ vết. Đây là lúc phải nhận biết nó. Vậy anh hãy ở trong đó. Tôi cũng sẽ giúp anh phát hiện nó!

Người chết, trong giây phút ấy, phải nhớ lại những việc làm tốt đẹp của đời mình để có thể đón nhận cái chết một cách thanh thản nhẹ nhàng với nụ cười dịu nở trên môi. Do đó khi trong nhà có người chết, thân nhân nên rời khỏi phòng để nhường lại sự tĩnh lặng cho người chết chuyển tiếp sang thế giới bên kia được thuận lợi.

Một cái chết an bài là khi nhiệt độ giảm dần từ chân lên, đọng lại ở vùng ngực.

Ngược lại, người chết vô cùng đau khổ, chồm lên hoặc ngã ra là do nhiệt độ mất dần từ phần đầu toả xuống ngực!

Quan sát trạng thái chết như vậy, vị Lama sẽ biết được mình phải hướng dẫn người chết giải thoát theo con đường nào!

Chờ cho sự hô hấp ngừng hẳn, người ta lật người chết nằm nghiêng về phía tay phải trong tư thế một con sư tử nhằm ngăn cản hơi thở của đời sống đi vào đường kinh mạch, gây rối loạn tâm trí. Bị nén chặt hai động mạch cho đến lúc nó ngừng đập và người chết sẽ xuất hiện trong trạng thái như ngủ. Khi hơi thở đời sống đi vào hai đường kinh trung tâm màu phơn phớt đỏ ở trong và nhờ trắng ở ngoài chạy dọc từ vị trí phần dưới cách rốn ba ngón tay lên tới đỉnh sọ và không thể quay lại hai đường kinh ở hai bên, lúc ấy nó phải đi qua cửa Brahma - huyệt đạo đỉnh sọ - cửa tới cõi giải thoát.

Đó là lúc vị Lama kề miệng sát người chết hướng dẫn cho người chết biết giai đoạn trung gian thứ nhất xuất hiện gọi là sự chiếu sáng chân lý tự nó, sự nhận biết Thân Hư Không xuất hiện tinh anh trong tâm trí của người chết. Giai đoạn hô hấp bên ngoài chấm dứt đến sự hô hấp bên trong chấm dứt, hơi thở đời sống đi vào đường kinh trung tâm, đó là lúc vía hay ý thức người chết bay đi!

“Hỡi người con cao quý, hãy nghe đây! Giờ nguồn sáng, ánh sáng thanh khiết của chân lý tự nó, hoàn toàn thanh tịnh sẽ xuất hiện cho anh. Anh phải nhận biết nó. Hỡi người con cao quý, sự nhận biết hiện tại của anh về tinh hoa của nó chính là cái Hư không - (sự mở rộng hoàn toàn tâm trí - TG) chói sáng ấy. Nó không có đặc trưng nào để làm điểm tựa. Nó hoàn toàn Hư không, thuần khiết. đây chính là chân lý tự nó, đây là khía cảnh nữ (âm) của Đức Phật nguyên thủy Samantabhadhri. Tâm trí anh không chỉ là rỗng không, nó còn là sự hiểu biết vô hạn, rực rỡ, sáng chói. Và sự hiểu biết ấy là khía cạnh nam (dương)của Đức Phật nguyên thủy

Samantabhadra. Tâm trí anh không chứa đựng một cái gì, vậy một mặt nó là cái rỗng không và mặt khác do nó biết tất cả, chính nó là sự hiểu biết. Sự hợp nhất của cái rỗng không với sự sáng suốt chính là Thân Hư Không, là Pháp Thân của các Đức Phật!”

Giai đoạn này sẽ kéo dài với những người có trình độ tâm linh cao. Người thấp kém, khoảnh khắc tuyệt vời kia chỉ diễn ra chưa bằng thời gian một sợi tóc rụng dưới lưỡi kéo! Các mật chú dạy rằng, người ta thường chìm vào cơn mê trong khoảng ba ngày nên cần phải hướng dẫn người chết nhận biết được ánh sáng thuần khiết của tâm trí.

Nếu không nhận biết ánh sáng cơ bản ấy, người chết sẽ rơi vào trạng thái thứ hai gọi là thân nhuyễn thanh tịnh, tâm trí phân vân không biết mình chết hay sống. Khi nhận được lời chỉ dạy, người chết sẽ được giải thoát trong khi những ảo tưởng về nghiệp chưa kịp xuất hiện. Trong trường hợp thất bại, trạng thái trung gian khác sẽ đến với sự xuất hiện của Chân lý tự nó gắn liền với những ảo ảnh do nghiệp sinh ra.

Hỡi người con cao quý, giờ đây anh sắp trải qua ba trạng thái trung gian của cái chết, của Chân lý tự nói và của cái trở thành. Cho đến ngày hôm qua anh vẫn còn ở trong Bardo của cái chết và mặc dù nguồn sáng của chân lý tự nó đã xuất hiện mà anh đã không nhận biết. Vì vậy anh phải lang thang nơi đây. Nhưng bây giờ anh sắp trải qua trạng thái trung gian của Chân lý tự nó và của cái trở thành. Đứng phân tán tư tưởng, hãy nhận biết tất cả những gì tôi chỉ cho anh. Hỡi người con cao quý, cái được gọi là cái chết đã đến với anh. Anh phải đi khỏi thế giới này. Nhưng điều này không chỉ đến với riêng anh. Đó là số phận của tất cả. Đừng bám víu vào cuộc sống này. Thậm chí nếu anh muốn bám víu anh cũng không có khả năng để ở lại đây.

Vì không có khả năng ở lại đây, nơi mặt đất đã sinh ra và mòn vẹt bóng đời nên từ thời nguyên thuỷ, khi có ai chết, người Trung Quốc đục thủng mái nhà cho linh hồn thoát ra khi chết và cho đến hôm nay, trong những ngôi làng châu Âu, ở các nước có nền kinh tế và khoa học kỷ thuật phát triển như Pháp, Đức, Anh, người ta còn tục mở cửa sổ cho linh hồn ra đi.

Dù không có khả năng ở lại nhưng linh hồn có thể trở về thăm lại xác xưa của mình. Bởi vậy, người Iroquai từ xa xưa đã đục cái lỗ trên xác chết và ngày nay người ta vẫn đục lỗ trên quan tài cho linh hồn buồn bã ghé thăm. Người Algonquin ở Bắc Mỹ cũng giống như dân tộc Katu trên dãy Trường Sơn, cho rằng linh hồn như con dế, khi chết hay ngủ bay lang thang khắp nơi gom nhặt những câu chuyện mang về kể lại cho xác thân nghe! Trong những đêm giá lạnh Bussum Zuid, từ căn phòng khách sạn Bastion, qua cửa sổ tôi nhìn thấy đèn nến mờ sáng mưa tuyết trước nhiều ngôi mộ nằm bên kia vườn nghĩa địa. Có ánh sáng ấy soi đường soi tên tuổi, linh hồn người chết, dù có lưu lạc khuya khoắt cũng được trở về bình yên!

Như núi đồi chăm nom hướng chảy dòng sông, như người mẹ lìa đời vẫn dõi theo chân con, Tây Tạng không bỏ mặc linh hồn ra đi cô quạnh, đôi khi lại sa ngã trên bước đường lang thang nên người sống phải có bổn phận hướng dẫn cho linh hồn đi đến nơi về đến chốn bằng phương pháp thiền định. Theo Bardo Thodol, tâm linh người chết nhạy cảm gấp bảy lần người sống nên vị Lama không chỉ bày cách cho người chết tham thiền mà còn nhập vào cuộc thiền định, liên lạc với linh hồn người chết qua việc đọc cho người chết nghe những lời giáo huấn.

Đây là lúc người chết được nghe dạy về “cái nhìn sâu sắc vĩ đại trong trạng thái trung gian của Chân lý tự nó”. Người chết ra đi trong tiếng khóc than của người thân với bao nhiêu nỗi lo sợ nên vị lama phải dẫn dắt họ gặp 7 linh ảnh các vị thần yên tĩnh, đầu tiên là linh ảnh của Vairocana.

“Hỡi người con cao quý, đã ba ngày rưỡi anh ở trong trạng thái vô thức. Giờ đây nhả ra khỏi trạng thái ấy là những suy nghĩ của anh: Cái gì đã xảy ra với tôi?. Vì vậy anh phải nhận biết rằng, anh đang ở trong trạng thái trung gian. Lúc ấy vòng luân hồi bị đảo ngược và mọi vật xuất hiện dưới dạng ánh sáng và thân của các thần linh. Đối với anh các bầu trời đều có màu lam nhạt. Linh ảnh của Vairocana, vị Phật Tối cao, giờ đây xuất hiện trước anh. ở cõi trời trung tâm gọi là nơi phân bố các hạt ánh sáng. Người ngự trên ngai sư tử, màu trắng, tay cầm bánh xe và ôm Phật mẫu Akasadhatesvari - nữ chúa tể cõi trời. Miệng họ gắn liền nhau. Từ tim của Đức Vairocana và Phật mẫu phát ra ánh sáng, ánh sáng ấy đập vào anh một cách đột ngột khiến mắt anh không thể chịu đựng sự chói lọi của nó. Đi với ánh sáng này là một ánh sáng của thế giới các vị thần, trắng mờ đập vào anh... Đừng đi theo ánh sáng mờ của thế giới các vị thần mầu trắng đục, đừng ham muốn nó, đừng bám víu lấy nó! Nếu anh bám víu lấy nó, anh sẽ lang thang trong những trạng thái thần linh, xoay vòng trong 6 cõi !

Toàn cảnh tu viện Tashilhunpo

Sau Vairocana, người chết được vị Lama dẫn gặp linh ảnh của

Vajrasava Aksobhya, Ratnasambhava, Đức Amitabha (A-di-đà),

Đức Amoghasiddhi, năm gia đình của chư Phật, các vị thần trí tuệ. Họ những vị thần hiền hòa có thể mang lại sự giải thoát tức khắc cho người chết trong ánh sáng trí tuệ và linh ảnh về niềm tin tình thương.

Hỡi người con cao quý, hãy chú ý lắng nghe! - Vị Lama đọc tiếp lời dẫn khi các linh ảnh thần hiền hòa chấm dứt mà người chết vẫn chưa được giải thoát - Vừa qua anh đã không đạt được cái nhìn sâu sắc trong khi xuất hiện trạng thái trung gian của những vị thần yên tĩnh và anh phải lang thang. Giờ đây là ngày thứ tám, sẽ xuất hiện những đoàn thần linh uống máu như Phật Heruka, Vajra-Heruka, Ratna-Heruka, Padma-Heruka, Karma-Hekura và linh ảnh 8 vị mamo cùng các nữ thần khác. Các vị thần giận dữ được miêu tả vô cùng khủng khiếp còn hơn cả tranh siêu thực Dali!. “Hỡi người con cao quý! Đức Phật Heruka vinh quang sẽ xuất hiện trước anh, thân mầu nâu sẫm, có ba đầu, sáu tay và bốn chân. Gương mặt của bên phải màu trắng, bên trái màu đỏ và ở giữa màu nâu sẫm. Thân ngài được trang sức bằng những con rắn quấn quanh và những cái đầu lâu mới bị chặt lìa cổ. Phật mẫu Krodhesvari ôm lấy thân ngài, bàn tay phải của bà ôm vòng sau gáy ngài, bàn tay trái dâng lên miệng ngài chiếc sọ người đựng đầy máu!"

Do lo lắng và sợ hãi, người chết còn phải lang thang trong các linh ảnh nên vị Lama sẽ tiếp tục đọc giáo huấn thêm 10 ngày nữa đối với những ai chưa đạt đến cái nhìn sâu sắc chân lý. “Hỡi người con cao quý, hãy chú ý lắng nghe và ghi nhớ điều này! Những thân của các sinh linh trong địa ngục, của các vị thần và tất cả chúng sinh trong trạng thái trung gian đều phát sinh tự nhiên. Hơn nữa, vì anh không nhận biết trong trạng thái trung gian của chân lý tự nó bản chất thật của các linh ảnh khủng khiếp, nên đã 24 ngày rưỡi trôi qua mà anh vẫn sợ hãi và ngất đi”. Trong giai đoạn trung gian của cái trở thành này, người chết được hướng dẫn nhập linh hồn mình vào những thế giới cao quý bằng con mắt thanh tịnh thiêng liêng

Đã đi qua các trạng thái trung gian mà vẫn không được giải thoát, người chết hãy bình tâm bởi các vị Lama không bỏ mặc họ. Người chết vẫn được giải thích cặn kẻ về cách thiền định ánh sáng theo linh ảnh các vị thần để giải thoát ra khỏi kiếp luân hồi.

Linh hồn người chết sẽ được giải thoát hay không tuỳ thuộc vào nghiệp của họ khi còn tại thế! Thậm chí nếu chưa đến lúc phải chết, linh hồn người chết sẽ nhập xác trở về dương thế nói theo kinh nghiệm cận tử của người thoát chết.

Ánh sáng. Sương mù. Cây cầu. Dòng sông. Bóng người bay liệng . Gặp gỡ người thân. Thấy địa ngục vật vờ tuyệt vọng. Đắm mình trong thanh tịnh trong suốt. Đó là những cảnh vật mà người có kinh nghiệm cận tử - thoát khỏi cái chết trở về cuộc sống kể lại. Tôi không hiểu sao, nội dung chuyện kể của người thoát chết ở cái làng nghèo xa xôi của tôi lại giống người phương Tây kể trong tác phẩm Trở về cõi chết đến vậy. Phải chăng, kinh nghiệm cận tử qua những câu chuyện kể hư ảo chính là những hình ảnh về “một cõi sống thật” Padmasambhava trình thuật trong Bardo Thodol!

Nghiệp sáng tạo như một nghệ sỹ. Nghiệp tạo hình như một vũ sư! Nhưng dù ác hay thiện, hãy yên tâm, lúc thực sự không thể trở về cõi dương, các vị Lama sẽ đóng cánh cửa tái sinh lại để tiếp dẫn dắt linh hồn họ đến tận cõi sáng niết bàn.

Khi đã làm hết mình nhưng do người chết là đẳng cấp quá thấp hèn, vị lama, một lần nữa không bỏ mặc mà kiên nhẫn hướng dẫn tâm trí người chết chọn lựa cửa sinh để đầu thai”. Hỡi người con cao quý, nếu nghiệp quả của anh bắt buộc anh phải đi vào bụng me, ta sẽ cho anh một hướng dẫn khác để chọn cửa đầu thai. Hãy nghe đây! Dù anh thấy xuất hiện bất kỳ cửa đầu thai nào, cũng đừng vào. Do anh có được một quyền năng sáng suốt nào đó, anh sẽ lần lượt nhận biết tất cả những nơi tái sinh. Vậy anh hãy lựa chọn cẩn thận nơi anh sẽ đến... Vì lý do nghiệp quả của anh, anh có thể nhầm lẫn, khi thấy một bụng mẹ thanh tịnh, anh lại cho là bất tịnh và ngược lại. Vậy do có nguy cơ nhầm lẫn nên lúc ấy có một lời khuyên rất quan trọng. Hãy hành động theo cách sau đây! Ngay khi anh thấy mở ra một cánh cửa đầu thai thanh tịnh, đừng cảm nhận một sự gắn bó nào, và khi thấy một cửa đầu thai bất tịnh cũng đừng cảm nhận chán ghét, anh phải ở trong trạng thái của tâm Đại bình đẵng”!

Ôi! Mạnh Tử! Khi còn sống ngài từng đọc Bardo Thodol nên mới hay nhân nghĩa lễ trí tín, phi do ngoại thược ngã dã, ngã cố hữu chi giả! Những gốc của tính thiện ấy quả không phải từ bên ngoài hun đúc cho ta, ta vốn đã có rồi vậy nhờ trước khi đi vào lòng mẹ, linh hồn đã nghe lời giáo huấn kia!

Giai đoạn trung gian tái sinh vô cùng phức tạp. Đến đây là ngã rẽ giữa Phật và hữu tình. Trong một giây, phân cách, trong một giây, toàn giác. Chỉ một giây phân cách nhưng người ta có thể phải giúp đỡ người chết tái sinh trong vòng 49 ngày, thậm chí là 100 năm sau khi chết! Bardo Thodol đã chỉ ra 4 cửa sinh ra con người. Noãn sinh-sinh bằng trứng. Thai sinh-sinh bằng bào thai. Hoá sinh-sinh bằng phép lạ. Thấp sinh-sinh ở nơi ẩm thấp tối tăm.

Bốn cửa sinh ra loài người trong Bardo Thodol có khác gì “lịch sử tiến hoá của bào thai người trong bụng mẹ là sự lặp lại bằng thu ngắn lịch sử hàng triệu năm tiến hoá vật chất của các tổ tiên động vật chúng ta, bắt đầu bằng côn trùng”.

Không dừng lại ở đó, Engel còn nói tiếp “con vật có xương sống mà trong nó cõi tự nhiên đi đến chỗ ý thức được mình”.

Khi linh hồn bước vào cõi giao hợp của mẹ cha và đi ra cuộc đời theo một trong bốn cửa sinh dưới dạng hình tướng con người hoặc các loài thú. Nếu là người nam sẽ cảm nhận sự thù hận đối với người cha và một sự hấp dẫn mang tính ghen tuông với người mẹ. Nếu là người nữ sẽ có một sự cuốn hút ham muốn đối với người cha và xuất hiện tình cảm ghen thù với người mẹ.

Trong quán trà bơ của Rigpaba, không chỉ có tôi mà hình như còn có một linh hồn phương Tây cũng đang lắng nghe lời giảng huyền học của Rigpaba. Người đó chính là nhà Phân tâm học Sigmund Freud. Bởi, hoá ra lý thuyết tình dục gắn liền với mặc cảm Oedipe làm chấn động dư luận, được xem là một phát hiện vĩ đại của các nhà Phân tâm học trong thế kỷ 20 đã sống trong tư duy xứ Tạng hàng ngàn năm qua dưới dạng một en-sof, một thứ tư duy không quan niệm được do đại sư Padmasambhava thu gom vào trong văn bản quý báu Bardo Thodol.

Sách dạy về cái chết lại nghe như dạy người sống. Tôi cảm thấy giữa cuốn sách của Tây Tạng và của người Ai cập khác nhau hoàn toàn. Sách về người chết của Ai cập là ghi chép những lời khấn thiêng được chôn theo người chết trong mộ để bào chữa cho kẻ chết vào ngày phán xử và cầu xin các thần linh giúp họ vượt qua địa ngục, đến được cõi ánh sáng của Mặt trời vĩnh hằng: Lời khấn để đi ra ánh sáng.

Cả hai đều hướng dẫn con người đi ra ánh sáng nhưng...

Tôi chợt giật mình như người học trò trong Nghi lễ huyền bí của Hy lạp, sau khi được dẫn qua hành lang tối tăm hơn mê cung được bao vây giữa những âm thanh khủng khiếp bước vào căn phòng tế lễ, mắt chợt bùng lên ánh sáng cùng với lời kêu gọi của người thầy giáo sĩ “Hãy nhìn ánh sáng, con ta! Nó chính là bản tính và đời sống của con!”

Epoteria! Tôi đã nhận ra một sự sáng rõ bất thình lình từ những lời mật điển Bardo Thodol!

Bằng ánh mắt thanh tịnh, xin hãy trở lại con đường mà các vị Lama hướng dẫn người chết sau khi tắt thở, bạn sẽ thấy đây là những dòng giáo huấn siêu việt về cuộc sống và sự tu luyện thiền định bởi tính Nghe!

Cái nhìn sâu sắc chính là sự nhận biết không qua một trạng thái trung gian nào cả, nó là cảm nhận trực giác ánh sáng tâm trí. Có hai phương pháp để đạt đến điều đó là khi ánh sáng được cảm nhận như là đức Phật A di đà và ánh sáng được sống với tư cách là thần Yi dam.

Cái quan trọng của Dzogchen là sự hiểu. Hiểu còn quan trọng hơn thiền định. Nếu không thấy cái hiểu không thanh tịnh và đúng thì thiền định hay hạnh cũng không công. Nên là một hành giả, ngay từ đầu phải dùng thời gian khảo sát cái thấy hiểu của mình, hiểu cho được cái thấy hiểu theo kinh nghiệm trực tiếp. Chính vì vậy Thân Hư Không - theo lời giáo huấn trong trạng thái trung gian ban đầu chính là tâm trí - nguồn ánh sáng cơ bản mà nếu ai lĩnh hội được sẽ giải thoát. “ Hãy nhận biết tinh hoa của trí tuệ, cái tinh hoa thanh khiết như Đức Phật. Anh phải nhìn tâm trí của mình như vậy”. Sự nhận biết ánh sáng cơ bản ấy chính là ánh sáng của tâm bản nhiên gọi là tính giác Rigpa trong bản thân chúng ta. Rigpa là “tự tính vô vi hiện diện suốt trong quá trình sinh tử và Niết bàn” nhưng con người không nhận ra như Padmasambhava khẳng định”. Tất cả hữu tình đã sống và chết vô số lần. Chúng đã nhiều lần kinh nghiệm ánh sáng khôn tả này. Nhưng vì bị bóng tối vô minh làm mờ mịt, chúng vẫn lang thang bất tận trong sinh tử”. Giây phút đốn ngộ ánh sáng cơ bản đó khác gì Blake “thấy vũ trụ trong một hạt cát, thấy thiên đường trong một đoá hoa, nắm vô biên trong lòng tay bạn, và vĩnh cửu rút lại trong một giờ”!

Đối với những kẻ tâm linh chưa thấu đạt chân lý do trí tuệ mang lại, nhất định sẽ rơi vào chốn mê lầm thiện ác được biểu hiện qua các linh ảnh những vị thần hiền hòa và giận dữ. Thiện ác là hai mặt đối lập một thể thống nhất, là bản chất của đời sống, không có cái xấu thì thế giới này không thể tốt đẹp vì vậy đây là chân lý tự nó vốn có trong cõi ta bà khách quan, nó ngụ cư trong đời sống của mỗi cá nhân.

Vũ điệu của các Lama ở tu viện Tashilhunpo

Không giải thoát vào thế giới Stongpanyid - Hư không ở giai đoạn trung gian đầu tiên, người chết phải đi từ sự yên tĩnh dịu dàng, vượt qua những hiểm nguy, niềm kinh hãi hoảng loạn tâm trí bằng cái nhìn sâu sắc mà Tạng ngữ gọi là “ngosporod” - “mặt đối mặt” nhận biết linh ảnh các vị thần hiền hoà và giận giữ ấy chính là quá trình người chết “nhìn tận mặt” bản thể của mình được biểu hiện qua hình tượng thần Yidam có hình dạng hung dữ nhưng trong lòng ẩn chứa từ bi bao trùm giống bản chất hai mặt thiện ác trong một con người! “Hỡi người con cao quý, hãy thiền định về Yidam của anh, với một khát vọng mạnh mẽ, hãy hoàn toàn tin tưởng vào Yidam của mình. Vị này xuất hiện nhưng không có một tính chất riêng biệt nào. Hãy nhìn nhận rằng vị thần này hoàn toàn không có tính vật chất”.

“Hỡi người con cao quý, vậy chớ nên sợ hãi những vị thần cao lớn Yên tĩnh và Giận dữ, dù cho họ có to lớn như bầu trời. Đừng sợ hãi chút nào những vị thần trung bình to như núi Merou, đừng sợ các vị thần nhỏ cao hơn anh 18 lần. Tất cả những hiện tượng và những khả năng biểu lộ đều xuất hiện trước anh dưới dạng thân các vị thần và của ánh sáng. Hãy nhận biết họ như là sự phóng chiếu của anh đều hòa nhập thành Cái Một”

Trước khi giả biệt cuộc đời, thánh thi Tây Tạng là Milarepa cũng để lại lời di chúc cho đệ tử, rằng hiện tại, quá khứ và tương lai, tất cả chỉ là Cái Một.

Ý thức nhất nguyên này là sự thấu suốt cơ bản nguồn gốc và sự vận động phát triển của thế giới, trong âm có dương trong dương có âm, thế giới ra đời theo con đường lưỡng nghi sinh tứ tượng tứ tượng sinh bát quái như Dịch dạy.

Sự hợp nhất này sẽ giúp cho người tu hành và kẻ ngoại đạo nhìn rõ bản lai diện mục, nắm bắt hình bóng tha nhân của mình để nhìn hiện hữu một cách tự do và khoa học.

“Hỡi người con cao quý, hãy nhận biết rằng tất cả những hiện tượng mà anh cảm nhận, tất cả những dáng vẽ khủng khiếp, đều là sự phóng chiếu của chính anh. Hãy nhận biết rằng, ánh sáng trong trẻo là sự hiểu biết của anh, là sự tỏa sáng của chính anh” con người sẽ đi lại không ngần ngại “qua núi Merou, qua những ngôi nhà, những cánh đồng, những mõm đá, những núi đồi mà không hề bị cản trở”. Đi lại không ngần ngại vượt qua những bến bờ thực ảo, phải trái, ác thiện, sinh tử, kể cả niết bàn cũng là hạt bụi trống rỗng.

Sự vượt qua này đồng nghĩa với sự giải thoát triệt để.

Đóng lại cánh cửa đầu thai. Chặn đứng ý thức luân hồi. Chặt đứt mọi cám dỗ. Phá tan mọi u mê lầm lạc. Đạp đổ những biểu tượng.

Con người chỉ thực sự được giải phóng khi đặt bước chân mình vào con đường dẫn đến những lâu đài bằng đá quý và những vườn địa đàng của trí tuệ bằng cách nhận thức đúng đắn và gạt bỏ “nỗi sợ hãi trong trạng thái trung gian, những lời nói cơ bản đối với trạng thái trung gian, giải thoát khỏi con đường hiểm trở của trạng thái trung gian, giải thoát bằng cách áp dụng những Mật chú trên Thi hài, giải thoát khỏi ngũ uẩn và nghi thức để giải thoát khỏi những xu hướng vô ý thức”.

Những lời lẽ này cuối cùng của Bardo Thodol không những mang lại bản sắc riêng biệt của dòng Mật giáo mà nó còn mở ra một chân trời mới lạ trong thế giới Phật giáo và triết học cách đây hơn 12 thế kỷ và cho đến hôm nay, nhân loại vẫn hằng tận tụy vươn đến.

Bardo Thodol không chôn theo người chết mà đọc cho người chết nghe. Vậy khi đọc lên như vậy, chắc rằng bản thân người sống cũng phải lĩnh hội những bí ẩn mật khải sâu xa trong cuốn sách ấy. Bardo Thodol thực sự không đơn thuần là cuốn sách dạy chết hay dành cho người chết mà nó là sự trình diễn các phương pháp, giúp cho con người, có đạo hay không có đạo biết lựa chọn phương cách sống trong các giai đoạn của đời người, trong từng satna dịch biến trôi qua. Bởi các thời chuyển tiếp khác nhau, các trạng thái chuyển tiếp kia có khác gì tâm trạng khác nhau trong cuộc sống, lúc thức tỉnh, khi chiêm bao, lúc nhập sâu vào thiền định, khi mang kinh nghiệm về cái chết, nhìn vào kinh nghiệm bản thân thực tại cuộc sống. Đó phải chăng là sự bí mật của đời sống được miêu tả dưới khuôn mặt cái chết trong Bardo Thodol.

Khi Bardo đời này xuất hiện

Tôi sẽ từ bỏ lười biếng vì cuộc đời ngăn ngủi

Đi vào con đường thấy-nghe-nghĩ-quán tưởng không xao lãng

Lấy tâm và nhận thức làm con đường, để thực hiện ba thân: Tâm giác ngộ

Bây giờ một khi tôi đã được thân người

Không có thì giờ cho tâm lang thang trên đường

Padmasambhava! Tâm tôi chỉ là miếng dưa cải ngái mùi mỡ trâu. Làm sao đây cho tiếng khóc oa oa hồn nhiên của chị tôi và thân xác đớn đau này hòa tan làm một cho tôi không có thì giờ cho tâm lang thang trên đường rải đầy chiêm mộng và hiện thực sinh tử!

Ngoài tôi ra, còn không biết bao nhiêu người cùng kêu lên với Ngài.

Thấu hiểu, Padmasambhava dành một phần cho những ai không biết thiền định, dạy họ cách giải thoát bằng ý nghĩ đến Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Thiền định về Tình Thương!

Tôi không là người Tây Tạng dành từng satna cầm lấy tràng hạt và niệm chú bằng cách quán tưởng vị Bồ Tát đầy quyền năng. Tôi chỉ thiền định về tình thương.

Tình thương là một thực tại sống động. Người chết nghe, cũng bình an ra đi. Người sống nghe lấy đó mà tu tập! Chết không còn là điều tuyệt vọng. Sống không còn là giới hạn. Trí tuệ và Tình yêu thương là con đường giải thoát tối thượng, đồng nghĩa với sự bất tử. Có giáo lý nào, có cuốn sách nào vừa hữu ích cho người chết lẫn người sống như vậy không.

Chỉ một cuốn sách, Tây Tạng vượt qua rào cản của ý thức, đi vào những vết thẳm tâm linh bằng phương pháp tâm lý tinh tế mà ngày nay nhân loại quen gọi là “tâm lý học chiều sâu”.

Vậy thì hỡi người con cao quý! Dù bạn đang ngồi trước ngọn lửa hong tóc khô hay nằm nghe nắng tàn phai mái nhà, nhìn lá vàng bay qua trời bom đạn, buồn thăm dưới vực thẳm, vinh quang trên đỉnh hạnh phúc, bạn hãy đọc tên mình và đồng loại trong tình yêu thương!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét