Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

8. Vũ công không gian trong nhà thổ Lhasa

 TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG

8. Vũ công không gian trong nhà thổ Lhasa

Văn Cầm Hải

Bên dòng sông Yarlung Tsangpo - sợi lông nách của Ngân Hà buông xuống mái nhà Tây Tạng, tôi còn gặp một dòng sông khác, tuy mới chảy qua 17 mùa xuân nhưng khó lòng ước đoán chiều kích rộng dài bởi đây là dòng sông tâm linh trong tấm lòng một người con gái xứ Tạng.

Vì linh thiêng, người cha lấy tên sông gọi tên nàng. Tôi đã gặp Yarlung Tsangshe, không phải dưới đồi hoa Chantai mềm dịu, không phải trên đường phố Lhasa rì rầm lời chuyển kinh, không phải bên thềm điện Potala hùng vĩ mà trong đêm giá lạnh ở một nhà thổ!

Từng bước chân tê buốt mang thân xác chứa chan những cơn gió khô lạnh khắc nghiệt miền cao nguyên, tôi bước vào nhà thổ trên đường Damra với mong ước được tẩy rửa mọi đớn đau vào thùng gỗ nhả đầy hương hoa Hồng cảnh thiên, loại thuốc quý đứng vào hàng thứ 4 trong số các biệt dược xứ Tạng. Đông trùng hạ thảo vốn là loài nấm đơn sinh, uống vào bổ phổi lợi thận. Tuyết liên hoa có tác dụng tráng dương bổ huyết, làm ấm tử cung, chống mỏi mệt. Tạng hồng hoa có vị đắng, giúp máu lưu thông thuận lợi.

Hồng cảnh thiên và xạ hương lấy trên núi Himalaya là loại thuốc thanh nhiệt, trừ viêm, có vị ngọt chát, tác dụng điều tiết hệ thần kinh, chống mỏi mệt, nâng cao thể lực, trí lực, chống hôn mê bất tỉnh. Tôi không biết bằng cách nào Hong lại tìm ra nhà thổ có thứ thuốc quý không chỉ dành uống mà còn tắm.


Lễ cưới của người Tạng

- Anh tắm khô hay tắm ướt! - Giọng Tứ Xuyên, bà chủ nhà thổ chào tôi.

- Tắm ướt !

Người đàn bà Tứ Xuyên mỉm cười đầy ẩn ý, dắt tôi vào phòng tắm trên căn gác. Một cô gái Tạng chờ sẵn. Những luồng hoa hồng nhạt cùng bụi thuốc xạ hương màu hoàng thổ tung ra từ mười ngón tay. Phút chốc, thùng nước tỏa ra mùi hương xao xuyến đánh thức từng sợi thần kinh thanh mãnh của tôi tỉnh lại sau những ngày chống chọi quyết liệt với khí hậu cao nguyên.


Các nhà sư tập trung cầu nguyện tại tu viện Labrang
9 .H 2

Lễ cầu nguyện đón mừng năm mới do các Lama cử hành

- Bà chủ nói với tôi rằng, anh muốn tắm ướt! - Người con gái Tạng điềm nhiên cởi áo. Tôi hốt hoảng. Bisaso! Trời ơi! Cái thân xác rã rời của tôi làm sao chịu đựng, dù là một nụ hôn huyền nhiệm Tarâ!

Tôi chợt hiểu nụ cười bí ẩn của người đàn bà Tứ Xuyên. Hóa ra tắm khô là tắm cô đơn còn tắm ướt là phải có kỹ nữ. Điệu tắm này, tôi chưa hề gặp ngay cả những ngày lang thang dọc ngang kỷ nữ Amsterdam.

- Tôi muốn gọi tên cô?

- Yarlung! Anh có thể tắm trong dòng sông của thân thể tôi!

- Tu qi qí! Cảm ơn - Tôi tập tểnh cảm ơn bằng ngôn ngữ Tạng - Tôi sẽ chết đuối dưới đáy sâu 5.000 m của con sông Yarlung Tsangpo. Tu qi qí, tôi chỉ xin đứng bên sông!

Một nụ cười hồn nhiên đáp lời tôi. Một mảnh ớt thoáng đỏ kẻ răng. Tôi thoáng rùng mình. Người con gái trước mặt tôi không phải là kỷ nữ chuyên nghiệp! Có lẽ, từ một bữa ăn quê mùa nào đó ở Lhasa, Yarlung đã đến đây. Tôi nhúng thân hình nhức nhối theo những ý niệm buồn bã vào nước ấm. Lạ thay, lần đầu tiên, sau những ngày căng thẳng, thân thể tôi bổng nhẹ như giấc mơ tan vào bọt nước thơm tho. Tuyệt diệu! Hồng cảnh thiên! Cảm ơn Hong, tôi không cần biết đây có phải là Hồng cảnh thiên hay không nhưng thùng nước thơm này đích thực là một Manasanovar dưới chân Kalâsa đối với tôi!

Đợi cho mọi tế bào râm ran nước thuốc, tôi bắt đầu mở mắt và hiểu rằng người con gái kia đang chờ đợi điều gì. Tôi nói với Yarlung, tôi không muốn mình như mọi du khách, chỉ xin nàng hãy tặng kẻ lạ này vài điệu múa Tạng.

- Múa ư?! Múa ở đâu?

- Phải! Múa tại đây! Múa những điệu múa em thích.

- Vậy em sẽ múa cho anh xem điệu tình của người Tạng!

Và trên sàn gỗ căn buồng chật hẹp của nhà thổ. Tôi bắt đầu nhìn thấy linh hồn nữ thần Tarâ lớn dậy từ đôi chân hồng đỏ của người kỹ nữ Tạng. Yarlung trút bỏ áo khoác ngoài, cánh tay trần để lộ những vết roi còn mưng máu. Từ thân thể cô, cũng như những cô gái Tạng khác nồng bay mùi rượu Tsampa. Mùi rượu truyền thống xứ Tạng lên men không gian và rơi xuống thời gian đêm lạnh theo bước chân di ảo.

Người Tạng biết ca vũ từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Bầu trời trong xanh, núi đồi bao la tuyết, thảo nguyên mênh mông là sân khấu tự nhiên cho người Tạng múa hát. Một người không biết múa hát không phải là người Tạng. Một vùng đất quanh năm rộn ràng lễ hội, có tháng diễn ra mấy như Tây Tạng thì múa hát có vai trò hết sức quanh trọng. Tháng hai theo lịch Tạng có lễ hoa đăng, lễ hội như lễ đuổi quỷ, lễ Tết năm mới, lễ truyền triệu đại pháp. Tháng 4 đến 6 lễ triển lãm tranh Phật. Tháng 6 lễ Giang tư thi ngựa. Tháng 8 lễ thi ngựa Khương Đường và lễ Tuyết đốn, lễ Triều sơn leo núi. Tháng 9 lễ Mộc dung - tắm gội, tháng 11 lễ cầu khấn thần chiến tranh. Tháng 12 lễ Nha lung văn hoá - Văn hoá cối xay thóc, lễ đốt đèn.

Tây Tạng yêu ca vũ đến nổi, có những lễ hội ban đầu mang tính tôn giáo nhưng sau đó chuyển thành lễ hội văn nghệ ví như lễ Tuyết đốn. Tương truyền Tông Ca Ba khi thành lập giáo phái Cách Lỗ đã có giới luật nghiêm khắc từ tháng 4 đến tháng 6, các tăng lữ phải đóng cửa niệm kinh. Do đó người dân đợi ngày mở cửa chùa là đem dâng sữa chua, tổ chức yến tiệc linh đình đón tiếp tăng sư. Vui say với tăng sư, người ta tổ chức các buổi diễn kịch nên sau này, lễ Tuyết đốn trở thành “Tạng hí tiết”. Vào ngày này, các đoàn kịch khắp nơi kéo về Lhasa để diễn kịch rất tưng bừng.

Khi ở Shigatse, tôi đã xem một vở kịch Tạng. Mở màn là đoàn người mang mặt nạ biểu hiện hai phe thiện ác, dữ dằn ma quỷ và hiền hoà bồ tát. Các diễn viên mang cung tên cùng vật dụng lao động ca múa trên sân khấu để ngợi ca sự chiến thắng của những người anh hùng sau màn chiến đấu với bọn ác tà. Tiếng hát của người Tạng miên man, buồn xé lòng vui cũng bát ngát cao nguyên nhưng dù vui hay buồn, giọng hát phải thê lương ngây ngất nhưng phóng khoáng, tự do và linh thiêng đất trời.


Thiếu nữ Tạng trong lễ hội

Nhờ múa hát, người Tạng được sang trọng trạng thái thăng hoa và họ tự hào biết bao nhiêu về miền quê hương cao nhất thế giới! Tại các bản làng xa xôi, khi kết thúc một điệu múa Guoxie, vị xiegenhạc trưởng sẽ hát "Ah, jia, hei! Không có nơi nào trên trái đất đẹp như quê hương chúng ta! Không có ngôi nhà nào đủ đầy tiện nghi như ngôi nhà chúng ta! Không có cô gái chàng trai nào trên thế giới vui tươi như chúng ta, không có ai may mắn như chúng ta đang có mặt nơi đây!”.

Không có ai may mắn như tôi trong căn buồng nhà thổ Lhasa!

Thân hình Yarlung Tsangshe mềm và ấm hơn ngọn lửa trong hoả lò sấy xác chết. Không gian uốn lượn theo cánh tay, mảnh sườn nhấp nhô trên đôi chân mướt dài. Điệu múa của Yarlung không cuốn xoáy theo vòng quay bất tận như điệu múa Melana Dõjellal edõdin Rùmi của người Hồi giáo, Nazifa- người bạn gái Afghanistan đã múa cho tôi xem trong căn buồng gác hai trên con lộ Abel Tasman chạy dọc hải cảng Amsterdam rét mướt mưa bão biển Bắc. Và cũng không theo nhịp 2/4 như vũ khúc Guoxie trong các bản làng Tạng, ngọn lửa Yarlung lúc réo cháy, lúc ngậm ngùi đam mê, khi hoang hoải ngã xuống huyền bí.

Khác với mọi dân tộc trên thế giới, nhạc vũ diễn tả tình cảm con người hoặc ngợi ca Thượng đế, với người Tạng, không diễn tả niềm vui hay nỗi buồn cá thể, nhạc vũ là sự hòa âm linh thiêng của những mantra - Thần chú. Bài vũ nhạc nào, nhất của tôn giáo cũng có âm thanh trầm, sâu, tĩnh rộng gợi nhớ chủng âm OM xướng lên từ tiếng kèn tù và dài tới cả mét, tiếng ốc sò buông lơi sống động, tiếng trống hùng hậu điểm từng giọt âm thanh, vừa rời rạc vừa hoà quyện chuyển điệu quyền năng huyền bí chạm đến cõi giới xa xăm không có trong tương lai và cũng vắng mặt trong dĩ vãng. Đó là dòng chuyển hóa nội tâm và giải thoát trong vẻ đẹp nhiệm màu dzogchen - vẻ đẹp đại toàn thiện cõi giới bao la vĩ đại vô hạn như lời cổ mật của đức Garab Dorje!


Lễ hội đua ngựa

Chiêm ngưỡng điệu vũ do các lama trình diễn trong khuôn viên tu viện Tashilhunpo thành Shigatse, tôi mới thấy thế nào là sức mạnh thần khí âm nhạc Tây Tạng. Trên độ cao gần 4000m, mặt trời sà xuống Shigatse, soi sáng tiếng tù và trầm hùng, ngân nga như biển dâng lên trời xanh tiết điệu nhiệm mầu những bước chân luân chuyển của hàng trăm chiếc áo hồng tía. Emaho! Kỳ diệu thay! Tuyết trắng xanh. Nắng hanh vàng. Núi đượm nâu. Áo hồng tía. Tù và mênh mang cõi trời. Một chấm tôi như hạt điện tử rạng rỡ cảm thức, linh thiêng theo gió lãng du về kiếp trước dĩ vãng, kiếp sau tương lai!

Bây giờ, hạt điện tử hôm ấy lại lần nữa bừng lên cùng điệu múa tình của người con gái Tạng. Không nhạc nền, không âm thanh, nhưng không gian lặng im cùng những cánh hoa dập dìu thùng nước và tiếng vòng xuyến, khuyên đá xào xạc đôi tay đã nôn nao thành một thứ âm thanh vô ngôn, dịu dàng thả rong những khối cơ trôi vào thinh không. Đó là điệu vũ miêu tả cuộc giao hoan diễm lệ diễn ra sau con đại hồng thủy giữa Avalokitecvara (Quán Thế Âm Bồ Tát) hiện thân trong lốt Khỉ và nữ thần Tarâ - con Quỷ-cái-của-các-núiđá. Từ cuộc giao hoan của họ đã sinh ra sáu con vật nửa người nửa khỉ. Theo thời gian biến thiên, lông lá rụng theo gió, chiếc đuôi mờ dần và chúng trở thành con người! Từ cánh tay, từ đôi chân, từ những con sóng mê hoặc linh hồn của Yaslung, khúc ca nguyên thủy lần hồi vang về Lhasa.

Bằng sức mạnh của những nỗi thèm khát, tôi yêu chàng tôi cháy lòng về chàng; bằng sức mạnh của tình yêu ấy, tôi theo đuổi và cầu xin chàng nếu chúng ta không cùng chung sống, tôi và chàng, tôi sẽ làm vợ những con quỷ đực vô số quỷ con sẽ sinh ra và mỗi sáng chúng sẽ nghiến ngấu nghìn lần ngìn sinh vật còn tôi, khi mà quyền phép của những hành vi tiền kiếp bắt tôi chết tôi sẽ rơi xuống hỏa ngục của những sinh linh...

Ngọn lửa Yarlung soi sáng một sinh thể có tên là Văn Cầm Hải lang thang qua núi đồi Tây Tạng, tay cầm nhành hoa Chantai ca hát như hành giả mặc áo rách Milarepa ngày xưa ca hát dưới bóng cây tầm ma trên đỉnh tuyết sơn. Rằng tôi cũng có tình yêu thương tha thiết giữa khỉ và quỷ, tôi xin nhận mười đức tính của loài người và xin các thần các loại hạt, vàng và đá quý làm nên những nhát kiếm kim cương mở lối vào cõi giải thoát!

Tôi nhìn thấy một sự hòa điệu giữa đức tính hiền dịu của khỉ và sự lì lợm ma quái trong ánh mắt của người con gái Tây Tạng. Đôi mắt nằm cách xa cánh mũi ấy vút lên tột đỉnh bao nổi niềm hạnh phúc hoang dã nghịch cảm lên núi như dao xuống biển như lửa sưởi ấm bốn mùa. Mùa đông che kín riềm mi, mùa hạ vàng sáng con ngươi, mùa xuân xanh kín màu mắt và mùa thu phơi tía điểm nhìn. Từng khoảnh khắc trôi qua như ngàn năm hồng đỏ một lóng tay. Mùi rượu Tsampa bay lên, len lỏi qua lần vải lót rộng lưng, vạt dài truyền thống, tỏa kín thân thể nàng làm tôi gợi nhớ mùi thiên đường đã đánh rơi đâu đó trong quá trình chuyển sinh của cuộc đời!

Để lại những điệu múa vào không gian, Yarlung lặng lẽ chia tay nhưng tôi lại muốn cùng Yarlung dạo phố đêm cao nguyên.


Thiếu nữ Tạng trong lễ hội

Người đàn ông, chồng bà chủ nhà thổ cầm cái móc sắt dài gần một mét chạy lên gác. Y trở lại, hai tay huơ huơ ngọn móc sắt đen, ướt và dài thượt vào mặt tôi. Giọng Tứ Xuyên mặn chát, tôi không thể hiểu y muốn gì.

Người đàn ông quay sang Yarlung dò hỏi. Nhận được câu trả lời của Yarlung, hắn nhìn tôi và phá lên cười như vượn kêu rừng già!

Thì ra, cái móc sắt ấy là công cụ lượm bao cao su của khách làng chơi và lúc cần có thể trừng phạt kẻ phạm lỗi. Những vết sẹo tươi máu trên cánh tay Yarlung là hậu quả những trận đòn của cái roi sắt người đàn ông đang cầm trên tay.

Bao cao su đã có mặt trên mái nhà thế giới!

Nhưng người đàn ông không tìm thấy trong căn buồng của tôi. Tôi muốn nói, ở trong ấy chỉ có điệu vũ mà gã, một người chủ nhà thổ Trung Quốc sẽ không bao giờ nhìn thấy.

Người đàn bà Tứ Xuyên xòe tay đón nhận 100 tệ. Cánh cửa nhà thổ khép lại.

Yarlung và tôi mờ vào bóng đêm.

Chúng tôi lang thang qua phố Bát Giác, con phố hiu hắt ánh đèn tạp hoá. Ban ngày phố chộn rộn chân người viếng chùa Đại Chiêu, ban đêm chỉ có mấy quán hàng bán đồ lưu niệm.

Gió đêm Himalaya khâu lạnh bước chân chúng tôi. Hồng cảnh tiên và thùng nước ấm đã nguội vào đêm buốt. Tôi bắt đầu cảm nhận vị mặn nhạt của dòng máu mũi chảy xuống đôi môi bầm. Tôi mời Yarlung vào quán trà bơ, thứ trà đặc sản của người Tạng. Để có một chén trà bơ, người ta đem bánh trà chưng thành một loại nước đặc, lấy ít bơ bỏ vào ống gỗ dài 1 m, có đường kính chừng 10cm, cho thêm muối, dùng que khuấy đều làm sao cho trà và nước trộn lẫn. Lấy nước đó đổ vào bình gốm, đun nhẹ để dùng( dẫu có muốn đun sôi cũng không vì trên cao nguyên áp suất không khí thấp này, nước chỉ sôi đến 60 độ). Mỗi ngày, người Tạng uống từ 3-4 bát trà bơ. Nếu được mời, không được uống một hơi mà phải nhấp từng ngụm. Mỗi cái nhấp môi của Yarlung đều gợi lên một cử chỉ lạ lẫm với tôi. Đôi môi cách điệu, ngậm hờ vành bát, thấm dần từng ngụm trà nhỏ nhoi thân phận.

Hồ Yamzho Yumco

- Cha em nấu trà bơ ngon nhất vùng Nimộc ở Na Khúc! - Yarlung ràn rụa nước mắt tự hào - Ông ấy là một tay săn bắn có hạng. Cuộc thi ngựa nào trong lễ Giang Tư hay Khương Đường, cha em đều có giải thưởng.

Không biết cưỡi ngựa bắn cung là một điều sĩ nhục đối với đàn ông Tây Tạng! Vùng Na khúc miền Bắc Tạng của Yarlung hàng năm vào tháng 8 đều tổ chức lễ thi ngựa Khương Đường. Tháng 8 là tháng tiết trời đẹp nhất trong năm trên vùng thảo nguyên Bắc Tạng. Hàng vạn dân cư chăn nuôi cưỡi ngựa mang cung đổ xô về Na khúc tham dự cuộc thi. Thị trấn Na khúc trở thành rừng lều bạt náo nhiệt với những cuộc thi tài thể hiện tích cách phóng khoáng của người thảo nguyên. Ca hát. Phi ngựa. Bắn tên. Cha của Yarlung có thể nằm

ngã trên lưng ngựa phi, mắt bịt khăn, mười phát tên trúng đính như một!

Rồi đến ngày, cha của Yarlung cũng phải lên lưng trâu ra sông Yarlung Tsangpo để trôi xác theo tục Thuỷ táng!

Dòng Yarlung Tsangshe! Làm sao tôi dám nhổ sợi lông nách của em bởi tôi đã hiểu, sợi lông nách Yarlung Tsangpo đâu chỉ có nguồn nước Manasanovar dưới ngọn Kalâsa còn có linh hồn của cha em, của bao nhiêu linh hồn Tây Tạng!

Yalung mồ côi năm lên mười hai tuổi ba tháng. Ban ngày Yarlung đi bán hàng dạo trên phố Bát giác ban đêm nàng tắm ướt ở nhà thổ.

- Cha em được tắm mát trong dòng nước chảy ra từ núi Kalâsa Yarlung chuyển vào tôi những ý niệm tự do - Có thể bây giờ ông đang dạo chơi ngoài biển hay trong một vực núi nào đó. Nhưng Cha em không bao giờ quên em, một dòng sông cha sinh ra, sống với nó trước và sau khi chết!

- Tại sao em không đi làm một việc khác! Cha em sẽ buồn...

- Ngay khi em ra đời, ngay sau khi được ném xuống suối lạnh, thầy chiêm tinh đã cho hay số phận em là vậy. Nhưng có hề chi, em là một kiếp nạn của một vị sư nữ tái sinh trong em! Rồi mai đây em cũng sẽ trở thành vũ công trên không gian! Thầy chiêm tinh phán như thế!

Vũ công trên không gian! Đó chính là hình ảnh của nữ huyền thoại Yeshe Tsogyel. Yeshe đi vào vực sâu núi thẳm, sống một đời mưa nắng, ăn hết hoa cỏ nàng chuyển sang ăn không khí cho đến khi xương trán nhô ra trên đỉnh mày nhưng nàng vẫn nhẫn nại đợi ngày hóa thành Phật nữ.

- Yeshe và tinh thần mãnh liệt của Người còn cao hơn núi. Huống chi đời em rồi cũng tan thành nắng, biến thành hoa, trôi chảy cùng cha em trên miền đất tràn đầy vũ điệu này.

Trong quán trà phố Bát Giác, từ tấm lòng của Yarlung, tôi chợt nhìn thấy ánh sáng của những vì sao thầm thì vang lên đôi môi thơm ngọt trà bơ. Và trong tiếng thì thào của âm ba thoát lên nhẹ nhàng từ thanh quản của Yarlung, tôi đã thấy chân lý tâm linh vượt qua lịch sử. Như Yarlung Tsangshe, một kỹ nữ nhưng linh hồn nàng là một đoá sen nở những cánh vàng vươn ra ngoài cõi sinh tử để trở thành một thiên sứ trong đoàn tùy tùng của đấng Đại Toàn Thiện mà nhân loại, hàng ngàn năm qua tôn kính gọi là Đức Phật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét