Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

4. Tây Tạng - Giọt hoa trong nắng

 TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG

4. Tây Tạng - Giọt hoa trong nắng

Văn Cầm Hải

Một hài nhi Tây Tạng ra đời. Máu chưa nhiệt nồng bừng lên tiếng khóc đầu đời. Miệng chưa ngọt sữa Mẹ. Bà nội đã mang thân hình bé bỏng dìm xuống dòng suối lạnh! Đây là một tập tục không quá đổi xa lạ với người dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn Việt Nam nhưng ở Tây Tạng, trong cái lạnh nguyên thủy của miền đất cao hàng ngàn mét này, việc dìm đứa hài nhi trong nước nào khác gì đức Abraham sẵn sàng hiến dâng đứa con trai duy nhất của mình cho Chúa Trời!

Ngâm mình suối lạnh, da thịt đứa hài nhi từ đỏ chuyển sang xanh tái, tiếng khóc ngặt lòng cũng theo đó mà lịm dần. Người ta vớt nó lên, lau khô và trao lại cho người Mẹ. Nếu đứa hài nhi chết, gia đình không phiền lòng! Dẫu có sống, nó cũng khó lòng chịu đựng được thời tiết khủng khiếp và những câu chuyện buồn đời sống dành cho nó. Nhưng vượt qua sự thử nghiệm hà khắc này, đứa hài nhi sẽ mạnh mẽ vươn lên bao kiếp nạn. Con nhà nghèo được đối xử tử tế, con nhà giàu phải làm lụng rất vất vả . Người Tây Tạng quan niệm anh nhi, một đứa trẻ nghèo, khó có tương lai sáng lạn nên cần được bao dung còn đứa trẻ giàu sang phải khổ luyện cho một tương lai rạng rỡ hơn.

Đứa trẻ lớn lên chừng sáu bảy tuổi, gia đình sẽ mời thầy chiêm tinh đến đoán vận số. Lời của thầy là lời của Trời, không ai có đủ quyền năng để bào chữa. Lời thầy nói sao, đứa trẻ sẽ được sống như vậy suốt đời. Thầy bảo, đứa trẻ này mai sau làm kẻ chăn dê, lập tức gia đình sẽ cho đứa trẻ tập làm quen với những đàn dê cao nguyên. Thầy phán, đứa trẻ trở thành một lama, đứa trẻ được đưa ngay vào tu viện giữa lúc thơ ấu còn dở dang.

Cùng các vị Lama trên tầng thượng chùa Đại Chiêu

Vị Lama tôi được hạnh ngộ trên tầng thượng của chùa Đại Chiêu là một đứa trẻ được Thầy chiêm tinh phán như vậy.

Trước khi đến thăm chùa Đại Chiêu, vốn quen vẻ đẹp tinh tế của một thành phố Huế nhuộm tím lời kinh kệ, hình ảnh chùa Đại Chiêu hiện ra trong tâm trí tôi rất thâm trầm và tao nhã giữa vùng mây trắng núi xanh.

Tôi đã lầm! Chùa Đại Chiêu nằm giữa phố chợ!

Tôi không ngờ, ngôi chùa linh thiêng có tuổi đời hơn 1350 năm, là trung tâm Phật giáo quan trọng nhất của vùng đất các chư thiên lại vùi tắt niềm vọng tưởng thành kính của tôi đến như vậy.

Một lần nữa, tôi lại lầm!

Bước qua phố chợ lắm lời rao hàng mua bán, khi đến gần hiên chùa, tôi nghe tiếng xào xạc như lá trút xuống từ thinh không. Ngẩng mặt. Trên cao chỉ có ánh nắng lóa trắng. Không phải tiếng xao xạc ánh sáng! Tiếng xào xạc rầm rì của đất! Trước mắt tôi, không biết bao thân hình nằm xuống đứng lên, hai cánh tay xoải rộng như cánh chim bay lan man trái đất, dưới mỗi bàn tay mang một mảnh ván nhỏ, thậm chí có bàn tay cứ để trần chà xát trên nền đá.

Cao Quan Hong với các vị Lama trên tầng thượng chùa Đại chiêu

Hướng vào chùa Đại Chiêu. Mắt khép. Đầu cúi. Thân thẳng. Áp mình xuống đất. Cứ thế họ cầu nguyện không biết mệt mỏi, không biết bước chân qua lại trên đầu. Chảy sâu thân thể kia, dòng máu chỉ biết đối thoại với đấng thiêng liêng, phần thế giới còn lại trở nên hư không!

Trong ngôi chùa kia đang ẩn chứa điều gì huyền bí để có thể khuất phục những con người mạnh mẽ, từng vượt qua ranh giới sinh tử dưới dòng suối lạnh băng khi mới sinh ra!

Sau hồi tham quan nội thất, Hong dắt tôi leo lên tầng thượng ngắm nhìn mái lầu dát vàng óng ánh của chùa Đại Chiêu. Bên kia đỉnh Hồng Sơn, cung Potala hai màu hồng trắng mềm mại như tấm thảm trải rộng chân trời Lhasa. Dưới mái hiên vàng, ba nhà sư ngồi bình lặng. Trên đầu họ, từ tấm vải màu vàng, dòng kinh bằng Tạng ngữ bay phấp phới.

Tôi loanh quanh, đi lại với tâm trạng hồi hộp. Hong phát hiện ra điều tôi muốn và không để cho anh ta ngăn bước, tôi tiến tới trước mặt vị sư già nhất cất lời chào hỏi.

-     Thưa Lama, nếu được, xin phép Lama cho tôi được một lần gặp gỡ với Ngài! - Một kẻ từng ngủ rong với thổ dân da đỏ vùng Mischu Picchu, từng mạo hiểm lang thang lều trại Digan thì tôi làm gì mà e ngại lời chào! Vị Lama im lặng nhường chỗ cho tôi ngồi xuống bên cạnh. - Thưa, tôi từ Việt Nam đến Tây Tạng.

- Việt Nam?

- Vâng, Việt Nam! Từ Huế...

-     Ta biết!

-     Ngài biết Huế? Ngài biết thành phố nơi tôi sống ư? - Tôi ngạc nhiên không tin vào tai mình.

-     Biết một vùng đất không khó bằng biết một tấm lòng! Tôi đã thấy và tôi tin vào điều mình thấy. Và đó là lý do, ta sẵn sàng cho anh một cuộc gặp gỡ.

Bằng phép luyện thần nhãn, những vị Lama cao cấp nhìn thấy ánh hào quang phát ra từ thân thể người khác để đoán thể tạng người đối diện đau ốm hay khỏe mạnh, sinh khí vượng hay sắp tàn lụi.

Cổ thư Tây Tạng dạy rằng, họ chính là những bậc đại sư tu luyện đến mức tuyệt đỉnh 5 phương pháp khai mở khiếu thần thông bẩm sinh, dược chất, thần chú, tu luyện và thiền định. Vượt qua bức màn vô minh, bằng phép thần nhãn, các vị Lama thượng thừa đã nhìn thấy thể phách của con người. Thể phách không thô kệch như phần xác mà rất tinh anh, hội tụ sinh khí thanh khiết nhất của vũ trụ cho thân xác sử dụng nên khi mạnh mẽ, phần thặng dư của sinh khí sẽ toát ra ngoài một aura - một hào quang bao bọc xung quanh, khi buồn đau có màu sắc u ám, khi vui mạnh có màu tươi sáng.

Trong lúc này, dưới mái hiên vàng chùa Đại Chiêu, vị Lama đã nhìn thấy aura phát ra từ đôi mắt của tôi chăng?

-     Anh nên bình tĩnh để cuộc gặp gỡ này được trọn vẹn - Vị Lama cắt ngang dòng suy tưởng. Có lẽ Lama thấy mồ hôi bắt đầu lấm tấm trán tôi nên ngài động viên - Ta sẽ giải đáp những gì anh muốn trong phạm vi ta có bởi ta biết anh có rất nhiều câu hỏi trong đáy mắt.

-     Shambhala? - Đột nhiên tôi bùng lên - Thưa ngài, có hay không thế giới Shambhala? Chủ nhân của nó là người samapatti?

-     .........

-     Không! Không! Tôi không hay gì cả... - Vị sư trẻ bỗng đứng dậy bước ra khỏi ghế ngồi.

-     Con cũng thế! Con không nghe gì cả! - Đến lượt vị sư trẻ thứ hai ấp úng rời ghế.

Vị Lama già im lặng! Nhưng kìa trong mắt của ngài dần dần vỡ vạc một cơn bão quết vào tôi vệt gió lạnh buốt. Nhận ra khuôn mặt của tôi chìm tê dại, những vệt gió ấy chuyển sang dịu nồng, ấm hơn mái vàng chùa Đại Chiêu - Anh có biết ta và anh đang ngồi ở đâu không?

-     Trên tầng thượng chùa Đại Chiêu!

-     Trên 1350 năm! Anh thấy mình cao lớn không, anh thấy mình đứng vững trên đỉnh cao thời gian không?

-     Thưa Ngài, để lên được tầng thượng này, tôi vừa đi qua 1350 năm chùa Đại Chiêu - Tôi trả lời không chút e ngại.

-     Kính lễ Ngài! - Vị Lama ngước lên trời cao, miệng thầm thì - Từ ngày chiếc nhẫn rơi xuống đáy hồ, đây là lần đầu, tai con nghe thấy một kẻ hậu sinh xa lạ này có lời như thế!

Ngài ở đây chính là Công chúa Văn Thành nước Đại Đường, hoàng hậu vương triều Tùng Tán Cương Bố! Người dựng nghiệp ở vùng đất Lhasa bên nhánh sông Kyi Chu chảy về từ dòng sông mẹ Yarlung Tsangpo. Khi theo chân Tùng Tán Cương Bố về làm hậu Tây Tạng, biết công chúa Bhrkuti, người vợ cả Tùng Tán Cương Bố xây dựng một ngôi đèn thờ trên hồ nước vốn là nơi ẩn nấp trái tim ma nữ nên việc dựng đền không thành. Là người Hán thông tuệ thuật phong thủy, Văn Thành công chúa đã tháo nhẫn, ném xuống hồ nước trấn áp ma nữ. Mặt hồ rực sáng đón nhận chiếc nhẫn, trong làn ánh sáng chói lòa xuất hiện một ngôi tháp sáng long lanh cao 9 tầng.

Theo lời thỉnh cầu của Công chúa Văn Thành, nhà vua Tùng Tán Cương Bố đã dùng một ngàn con dê núi màu trắng mang đất lấp hồ nước, dựng lên ngôi đại tự trong vòng hơn 10 năm từ năm 642 đến năm 653 mới hoàn tất bằng bàn tay của những nghệ nhân Nepal. Trong Tạng ngữ, nhạ chỉ dê núi - linh vật của thần hộ pháp Damcen, tát gọi đất đai nên tên đền chùa này được gọi là Nhạ Tát để ghi dấu công lao của những con dê núi trắng, sau chuyển tên thành Tổ lạp khang hay còn gọi là Giác khang (Jokhang) và tên đầy đủ cuối cùng là Nhạ tát cát hỉ trì nang tổ lạp khang với hàm nghĩa đền chùa do dê trắng thồ đất mà dựng nên. Tên chùa Nhạ Tát ban đầu ấy được dịch thành La Ta rồi biến thành Lhasa - tên gọi thần thánh của thủ phủ Tây Tạng với niềm tự hào là kinh thành linh thiêng và cao nhất thế giới.

Vào năm 1406, theo lịch Tạng là năm Thổ Ngưu, đại danh sư Tông

Ca Ba, người Hoảng Trung trên cao nguyên Thanh Hải, vị tổ sáng lập giáo phái Cách Lỗ hay còn gọi là Hoàng phái được sự bảo trợ của vua Trát Ba Kiến Tát đã triệu tập hơn 8000 tăng nhân đến chùa Nhạ Tát mở hội nghị “Đại Pháp” đê truyền chiếu, khuyếch trương thanh thế giáo phái Cách Lỗ. Từ đó, chùa Nhạ Tát được gọi là chùa Đại Chiêu như hôm nay tôi đang ngồi với vị Lama.

Trên tầng thượng chùa Đại chiêu

-     Anh cao bao nhiêu? - Vị Lama mộc mạc hỏi tôi.

-     Thưa, gần 1,7m

-     Anh nặng bao nhiêu?

-     Thưa, 53kg

-     Cái vỏ đời anh thấp và nhẹ như vậy làm sao chứa nổi 1350 năm đây?! Anh đã nhìn thấy gì khi đi qua 1350 năm trước khi lên gặp ta?

Tôi đành buông xuôi hai tay không thể trả lời. Tôi biết, một câu hỏi của vị Lama đưa ra là một tia sét, nếu không lĩnh hội được, câu trả lời của tôi sẽ gục chết! Đứng bên tôi, Hong thở dài.

-     Hăo le! Đã nói rồi không nghe! - Hong mở ra lối thoát. - Đi thôi ! Đành thất lễ với Thầy vậy!

Tôi im lặng, mình tôi đang hoang vu trên bờ vực thẳm. Trước và sau lưng tôi chỉ có gió cao nguyên bạt ngàn. Một thi thể lờ mờ thất lễ hiện ra dưới đáy sâu cõi vô minh. Cả người tôi lạnh toát một dòng sông mồ hôi thấm ra ba bốn lần vải ấm!

Tôi nhìn thấy gì đây? Một con sơn dương màu trắng thồ tôi như thồ hòn đất khô đi qua khung cửa gỗ có tuổi thọ lớn nhất trong hàng vạn khung cửa mà tôi hằng đi qua. Mười ba thế kỷ đen nhánh, 13 thế kỷ bịn rịn tay người, 13 thế kỷ thấm dần vào thớ gỗ muôn lời kinh nguyện. Khung cửa gỗ đứng đó, rì rầm đón đưa hàng triệu người đi qua trước tôi, hàng triệu người đi qua sau tương lai tôi.

Nếu dâng trào lòng bi mẫn, bước qua khung cửa nghĩa là bước từ cõi phàm sang cõi thiêng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, sẽ được cứu rỗi! Liệu tôi có gặp gỡ ánh sáng, có được cứu rỗi khi bước qua cánh cửa thiêng liêng như Chúa Trời rao giảng hay tôi bị những hộ pháp Palden Lhamo dữ dằn canh gác đền chùa vốn là ác thần được đạo sư Padmasambhava quy phục, trở thành những hộ pháp đặc trưng của Mật giáo Tây Tạng nghiền nát?

Tôi đã nhìn thấy gì sau khung cửa siêu quá vãng này?

Một khoảng sân rộng là nơi những ngày tháng giêng hàng năm, cử hành các buổi tế lễ Mặc lãng khâm mạc với sự tham dự của hàng vạn tăng ni cầu nguyện cho chúng sanh được an lạc và nghênh đón các vị chư hoạt Phật, tức Phật sống. Cái khoảng không gian vô hình này hóa ra là nơi rất ảo diệu bởi chính từ đây, Tây Tạng được hiểu thêm về công đức của Thích Ca Mâu Ni khi Người dùng trí huệ và Phật pháp vô biên thuần phục 6 kẻ ngoại đạo. Xung quanh sân đình là các bức bích họa vẻ Phật được gọi là Thiên Phật Lang với tổng diện tích lên đến 4400 m2!

Tôi đã nhìn thấy gì sau sân đình này? Đi về phía tay phải, trước khi đến Giác Khang Phật điện tôi phải đi qua Dạ Thoa Điện, Long Vương Điện lung linh hàng trăm ngọn nến thắp sáng cả ngôi chùa và tiếng rầm rì như ong nhả mật của những người đàn bà Tạng, miệng cầu kinh, tay rót mỡ vào chân nến, họ nhẫn nại làm công việc này với một niềm hạnh phúc dâng trào.

Giác Khang điện là công trình độc đáo nhất của Đại Chiêu, được bài trí theo kiểu Mật viện cao 4 tầng, ở chính giữa là nhà niệm kinh. Tín đồ Phật giáo Tây Tạng tin rằng, Lhasa là trung tâm của thế giới thì cái nhân của vũ trụ chính là Giác khang điện. Những dòng người vô tận nối lưng nhau đi ngược chiều kim đồng hồ theo vòng quay của vũ trụ trước sự bảo vệ của những người lính Tây Tạng, họ cúi đầu chạm trán vào thềm đá nơi có vị Phật nghìn tay ngìn mắt tọa lạc. Trong ánh sáng của nến, tôi chen chân chạm trán vào chân vàng của Ngài và nhận một cái vỗ lưng cầu an của vị Lama!

Xung quanh Đại kinh đường có nhiều niệm Phật đường nhỏ. Phật đường Thích ca Mâu Ni được xem là trung tâm của Đại Chiêu, là cái đích cuối cùng khi hành hương về đây. Bức tượng kỳ tuyệt này do công chúa Văn Thành đem đến Tây Tạng. Theo truyền thuyết, tượng này được vị thiên thần nghệ thuật Ân Độ là Vishvakarma tự tay tạc Phật khi ngài còn sống! Bức tượng này được A dục vương tặng cho đất nước Trung Quốc trong khi ông truyền bá đạo Phật vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Không hiểu nguyên do nào, Văn Thành được sở hữu bức tượng quý vô giá này để mang đến Tây Tạng.

Ai chưa từng thấy Đức Phật khi còn sống hãy lên Tây Tạng, hãy đến chùa Đại Chiêu sẽ được thỏa nguyện lòng thành! Đứng trước tượng Thích Ca Mâu Ni uy nghiêm với bộ khăn quàng trên đầu do chính tay đại sư Tông Ca Ba tự tay làm và tấm áo choàng của một vị vua đời Minh cúng dường, toàn thân tôi rúng động như đứng trước niềm lạc phúc tỏa ra từ ánh mắt diệu vợi, mơ màng, sâu lắng thế giới của ngài. Nếu không phải Vishvakarma thì kẻ tạc bức tượng này chí ít cũng là bè bạn của Đức Phật, có tài nghệ vô song mới có thể làm nên!

Tôi đã nhìn thấy gì đây? Lẽ nào tôi lại trình diễn tâm tư của tôi ra trong lời đáp. Tôi không có đủ sự hồn nhiên như chàng Ben, khi xưa đến chùa Đại Chiêu, cởi dày, cầm mũ nhờ đức Thích Ca Mâu Ni giữ hộ cho Ben rảnh tay ăn bánh cúng dường rồi mời Phật về quê Kongpo nghèo khó để chàng khoản đãi một con heo béo nhất trong đàn heo chàng có!

Tôi không có con heo béo mập. Trong ký ức tôi bầy heo là niềm kinh hãi tuổi thơ mỗi lần chị Hằng răn doạ tiếng khóc hờn lẫy của tôi! Tôi không có niềm vô tư sâu lắng. Một mớ kinh nghiệm và những tàn dư của ký ức dệt đan thành thân thể tôi. Phải! Đời tôi như dệt đan bằng kinh nghiệm, ký ức và mơ mộng.

-     Thưa Lama, tôi chỉ thấy một mớ kinh nghiệm và ký ức làm ra con người tôi - Thất vọng, tôi ngước nhìn 3 trụ đá khắc những lời minh thệ giữa hai quốc gia Đường Tạng vào năm 823 trước cửa Đại Chiêu. Trong lòng xót xa như gặp phải cơn sóng gió lần thứ 3 tràn qua Đại Chiêu sau 2 lần ngôi đại tự này bị dìm ngập trong bi thương bởi các nhà quý tộc Tây Tạng tôn sùng Bát giáo nguyên thủy ở giữa thế kỷ thứ 7 và Lang Đạt Mã phát động công cuộc diệt Phật vào thế kỷ thứ 9. Lúc đó, tượng Thích Ca Mâu Ni huyền nhiệm cũng bị vùi chôn xuống đất. Tôi bây giờ cũng bị vùi chôn dưới lớp đất đai ngôn ngữ của vị Lama. Tôi thú nhận và chờ đợi nhát đất cuối cùng vùi lấp tâm hồn mình - Ngoài kinh nghiệm non kém, ký ức không mấy khi vui, mơ ước rất mỏng, hoài nghi rất dày, tôi chẳng thấy gì ở nơi tôi.

Người hành hương nằm cầu nguyện trước cửa chùa Đại

-     Good! Nangpa! - Thay vì một nhát đất vùi chôn, vị Lama nhấc tôi lên như ngày nào người ta nhấc đứa hài nhi ra khỏi dòng suối chết!

-     Nangpa! - Tôi bàng hoàng! - I am a Nangpa !

-     Nangpa? - Mắt Hong mở to. Thân hình hộ pháp nghiêng qua người tôi. Chiếc máy ảnh rơi xuống nền đá.

-     Thực sự, anh chưa phải là một Nangpa! - Vị Lama nhìn tôi bằng cái nhìn của một con sơn dương mẹ nhìn con trên núi tuyết - Anh chỉ bắt đầu đứng trước cửa nhà một Nangpa mà thôi. Ta hỏi anh, khi ngủ anh có thấy kinh nghiệm, ký ức và những mơ ước, hoài nghi dày mỏng không?

-     Thưa, tôi vẫn thấy qua những giấc mơ. Có những khi tỉnh dậy, giấc mơ quá đẹp làm tôi rất tiếc cũng có lúc kinh hoàng vì những sự việc diễn ra quá đau đớn.

-     Ta hỏi anh, điều gì đã làm cho anh có kinh nghiệm, mơ ước, hoài nghi và ký ức?

-     Thế giới này !

-     Thế giới nào?

-     Thế giới tôi đã thấy !

-     Thấy ra sao?

-     Thấy như tôi đã thấy bằng mắt.

-     Anh hãy đi một vòng quanh mái chùa này. Trước khi trở lại gặp ta, anh phải có câu trả lời anh đang thấy gì nhé! - Sau khi tung ra một loạt câu hỏi dồn dập, vị Lama khẻ khàng nhắm mắt.

Tôi đứng dậy đi quanh dưới mái vàng Đại Chiêu. Nắng trưa. Mùi kim loại vàng hanh khô tó xanh. Lhasa nhấp nhô những mái nhà bằng phẳng ánh sáng. Dưới kia, dòng người trên phố Bát giác đang đổ về Đại Chiêu. Đây không phải là con phố bình thường mà Bát giác chính là 1 trong 3 con đường chuyển kinh truyền thống của người Tạng. Lấy tượng Thích ca Mâu Ni làm trung tâm Bát giác là đường “nội quyển” - vòng trong men theo chùa Đại Chiêu, hai vòng “trung quyển” và “ngoại quyển” còn lại bao bọc Đại Chiêu Tự, Dược Vương Sơn, Cung Potala... chạy bao vòng gần một nửa Lhasa. Một ngàn ba trăm năm qua, biết bao đứa bé khắp nơi trên xứ Tạng, sinh ra và lớn lên từ cuộc thử thách dưới dòng suối lạnh hành hương về Đại Chiêu.

Họ là người Tạng sống ở vùng Bác sinh ra từ cuộc giao hoan của loài Khỉ và Quán Thế Âm Bồ Tát. Đàn ông khoác áo rộng, đàn bà khoác áo không ống tay. Con gái kết hôn mang bên hông tạp dề sặc sỡ. Đàn ông lẫn đàn bà đều tết bím tóc, lấp lánh trang sức xanh đỏ trên đầu.

Họ là người Môn Ngung đến từ phía Nam Tây Tạng mặc áo dài len màu hồng, đầu đội khăn vàng. Sống đôi khi với nhiều vợ nhiều chồng trong những ngôi nhà bằng đá mái nhọn. Không có văn tự nhưng biết niệm kinh Hán-Tạng.

Họ là người Lạc Ba ở vùng Đông Nam. Sống không đếm tuổi, khi nhớ thì khắc vào gỗ, khi nói thì kết dây thắt nút thay lời. Đàn ông mặc áo dài đến bụng làm bằng lông dê đầu đội mũ da gấu. Đàn bà mặc áo cổ tròn, ống tay chật, thân ngắn, mặc quần ngàng đầu gối, chân trần bó vải. Lúc ăn dùng tay thay đũa vì quen tay săn bắn tự do.

Họ là người Đăng ở vùng Sát Ngung. Đàn bà mặc áo có tay ngắn đủ che đôi vú nhọn hơn mỏ chim kền kền, đàn ông mặc áo dài quá mông không ống tay. Cả hai đều thích áo khoác lớn dài từ hai đến ba mét, đêm lạnh trở thành chăn ấm.

Xướng nhạc tù và trên tầng thượng cùa Đại Chiêu


Người Tạng dẫn con về Lhasa viếng Phật

Họ là người Hạ Nhĩ Ba sống gần Nepal. Thích ăn Tết sớm nhất thiên hạ vào ngày 1 tháng 11  là đã mừng Xuân. Đàn ông Hạ Nhĩ Ba mặc áo ngắn lông dê trắng nạm viền đen, lưng đeo dao dài mười cm. Đàn bà Hạ Nhĩ Ba mặc áo lông cừu màu đen, áo lót che vú nhiều màu.

Quá khứ và tương lai không hề thay đổi bước chân của họ. Đối với cư dân Tây Tạng, nếu cơn đại hồng thuỷ có xảy ra, họ cũng bơi về Lhasa viếng Phật. Thân xác như áo quần dùng lâu ngày vứt bỏ nên suốt cuộc đời họ chỉ lo nuôi dưỡng tâm linh mong ngày giải thoát bởi tin rằng không cứ là tu sỹ hay cư sỹ, một tay chăn bò trên Himalaya mà có nguyện hạnh thì cũng được Phật chăm sóc đến!

Họ đến viếng Phật ở cung Potala, chùa Đại Chiêu, Dương Vương Sơn, Tiểu chiêu tự của Văn Thành Công Chúa. Trên đường đi, họ có thể mua một pho tượng phật, không phải mang về nhà mà sẽ đặt trên vách đá Núi Thần, nơi có hàng vạn tượng Phật đứng rêu phong hàng thế kỷ. Ngày lễ hay ngày thường, tín đồ Phật giáo mọi miền không kể Lạc Ba hay Hạ Nhĩ Ba, Tạng hay Đăng, trên tay mỗi người đều xoay chuông chuyển kinh, mang theo phẩm vật cung kính dâng lên Phật. Kẻ có của cải dâng của cải, người nghèo khó thì ngày đêm tự nguyện lao công châm nến chêm mỡ trong đền chùa.

Vốn coi nhẹ kiếp sống sinh nhai nên cung cách kiếm sống giống cuộc rong chơi. Trên những cánh đồng tsampa mượt vàng chân núi tuyết, họ hái lúa như hái ánh sáng. Khi mùa qua, họ rong thả bước chân lang thang theo bầy dê lên núi, vai mang cung tên cùng cánh chim đại bàng săn thú. Thịt thú phơi khô ăn vào mùa đông. Sừng thú treo lên trước cổng nhà cùng cột cờ phướn đầy màu sắc. Ngày cứ đi tháng cứ đến, họ chỉ biết bầu trời, ánh sáng, núi và tuyết cùng họ vui đùa trong bao nhiêu lễ hội, ca hát. Đêm đêm trong ngôi nhà hình lập phương đắp đất đá có ô cửa sổ nhỏ như con mắt dê, dưới mái nhà bằng phẳng chất đầy phân trâu Yak khô, quây quần bên bếp lửa, không gian sinh hoạt chính của gia đình, họ uống trà bơ và rượu tsampa. Mùi rượu chín vào trong giấc ngủ, nồng nàn men yêu đương trên những tấm nệm “ca điện” làm bằng cỏ và lông dê. Từ những cuộc ái ân đẩm rượu, con cái họ ra đời mang theo gen di truyền của rượu và tự do. Khi họ già, con cái lại thay họ trở về viếng Phật theo những con đường chuyển kinh.

Quần áo đa màu, một người dân Tây Tạng là một bông hoa.

Trước mắt tôi những dòng hoa đang trôi qua phố Bát Giác.

Dòng hoa ấy phải có nguồn nhựa sống tràn trề nuôi dưỡng. Chảy liên tục từ đời này qua đời nọ. Chảy từ khiếp này sang kiếp khác. Không thế lực nào ngăn cản được dòng chảy. Bao nhiêu kinh nghiệm, ký ức, mơ ước, hoài nghi tạp niệm trở thành rác bụi cuốn phăng trong dòng chảy miên viễn ấy.


Đàn ông Tây Tạng



Trang sức trên tóc một người đàn bà đã có chồng

Tôi trở lại mái hiên vàng. Vị Lama vẫn nhắm mắt. Hong ngồi bên cũng nhắm mắt nhưng tôi nghe tiếng ngáy vang lên từ đôi mắt Hong. Còn bên này Lama, là một sự im lặng chờ đợi!

-     Thưa... - Tôi rụt rè - thưa Lama, tôi đang thấy một dòng sống chảy vô tận qua mọi kiếp người hành hương trên những con đường chuyển kinh!

-     Chỉ vũ trụ mới có dòng chảy tuyệt luân như vậy thôi - Vị Lama khe khẻ sóng âm rồi chuyển hướng dồn dập - Vũ trụ có kinh nghiệm không?

-     Không !

-     Vũ trụ có ký ức không?

-     Không !

-     Vũ trụ có mơ ước không?

-     Không !

-     Vũ trụ có hoài nghi không?

-     Không !

-     Tại sao anh lại có những điều ấy?

-     Tôi là một con người bình thường !

-     Vũ trụ có con người không?

-     Có! Là một thực thể cấu thành vũ trụ! Nên... nên -  Nên gì?

-     Nên tôi cũng là đứa con của vũ trụ !

-     Ta hỏi. Anh trả lời không. Không có cái gì sao vũ trụ lại sinh ra được con người!

-     .......!

-     Anh có im lặng thật không?

-     Không !

-     Vậy chừng nào anh thật sự thấy mình là một im lặng. Anh sẽ hiểu lời ta. Anh sẽ hiểu vũ trụ từ đầu mà đến, từ đâu mà đi, lúc nào có lúc nào không!

-     Nangpa! - Lần này là âm thanh thảng thốt của tôi - Emaho! Kỳ diệu thay! Nangpa! Trời cao rạng rỡ nguồn ánh sáng chư thiên. Nangpa! Tiếng Tạng gọi người Phật tử là Nangpa, nghĩa là “người ở trong”, người kiếm tìm chân lý trong bản chất của tâm, không lưu lạc tìm kiếm bên ngoài. Tất cả những con đường chuyển kinh giáo lý và hành động trong Phật giáo đều hướng về tâm, nhìn về tâm và sống trong ánh sáng chân lý hư không bản nhiên mới tạo nên cuộc giải thoát toàn thiện.


Lễ hội Tiji

Bản làng Tây Tạng


làng Tangge

Vì tâm không được hiểu đúng như nó là, trong bản chất của nó Đạo sư Padmasambhava dạy - Cho nên có nhiều tư tưởng triết học và lý thuyết ra đời. Lại vì người thường không hiểu được tâm. Nên họ không nhận ra bản lai diện mục họ. Và tiếp tục lang thang trong sáu nẻo luân hồi và ba cõi hữu mà kinh quá khổ đau. Bởi thế không hiểu được bản tâm của bạn là một lỗi rất đáng buồn!

Tôi không có được ba chân xác, sự làm phép của một bậc Thầy chân xác; lòng sùng tín của một đệ tử chân xác; tính chính thống trong phương pháp khải thị nhưng trên tầng thượng mái chùa vàng Đại Chiêu, tôi chợt nhận ra tôi là ai trong thế giới này. Một thân phận nhỏ bé, giản dị như bụi cát nhưng có quyền can đảm nhìn vào trong bản tâm, nhìn thấy cuộc giao hoan những tiết điệu huyền bí của vũ trụ lan chảy trong bản tâm mình.

-     Đừng cắt đứt mối quan hệ với bản thể sâu xa của mình. Anh sẽ thấy, trước khi anh lớn lên và sau khi anh mất đi, kinh nghiệm hay hoài nghi, tất cả chỉ là ảo ảnh. Cái anh có là anh đang sống chân thành nhất - Vị Lama trầm ấm dạy tôi - Anh sẽ dạy cho anh biết rằng anh đang ở đâu trong sự im lặng tiềm tàng của vũ trụ. Và lúc đó anh thấy...

-     Là lúc tôi không sinh không tử! - Tôi rạo rực tiếp lời.

-     Cẩn thận diều đứt dây khi gió chưa đến! - Vị Lama đứng dậy trao cho tôi nụ cười trìu mến. Ông lấy tấm vải chép kinh màu vàng đưa cho tôi.

-     Chúc cho anh được thành một người bình thường !

-     Cảm ơn Lama - Tôi thỉnh cầu - Xin ngài lưu lại một dòng đôi tay trong sáng của một người Thầy!

-     Anh đúng là con diều chưa gió! - Lama chỉ tay xuống vệt nắng xuyên sang qua mái chùa Đại Chiêu - Anh có mang được ánh nắng kia về Việt Nam không?

-     Không! Nhưng bất cứ nơi nào bất cứ lúc nào tôi có ánh nắng này !

-     Anh nói bằng niềm tin xác thực? Anh có tin ta và cả vệt nắng kia không ai có thể nắm bắt, không ai phá tan trừ phi nó tự tắt, tự tàn lụi, tự tái sinh cho đêm qua ngày đến như một hoa mọc vào cõi giới không có sinh tử, không có luân hồi, vì nó là nguồn năng lượng vĩ đại của tự nhiên, không ai đo lường được.

-     Đúng vậy! Thưa Lama, không ai có thể đo lường được vệt nắng, bởi cùng lúc nó chứa hữu hình lẫn vô hình!

-     Đó cũng là điều anh đã tự trả lời: Shambhala là nơi lưu trữ ánh Sáng Cuộc Sống, nó có mặt khắp nơi trên vùng đất không thiếu vắng ánh sáng kể cả ban khuya và nó ở trong con mắt thứ ba của nhân loại, nó đang nhìn anh từ tấm vải kinh vàng kia!

Vị Lama cùng hai sư trẻ bước xuống cầu thang.

Sau lưng ngài.

Một con ếch ngồi dưới đáy giếng nổ tung thân xác bao la.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét