TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG
12. Huyền Trân công chúa trên đất Tây Tạng
Văn Cầm Hải
Không có mưa nơi nào,
giống mưa ở Tây Tạng.
Mưa xứ Huế buồn thâm
không gian. Bầu trời mây diết mờ ánh mắt. Không biết mưa xuất xứ từ đâu đến.
Mưa Bắc Âu mịt mù biển
lạnh. Người đi trong cô đơn sụt sùi băng tuyết. Không dám ngẩng mặt lên đòi hỏi
nguồn gốc đất trời.
Mưa Tây Tạng là loài
mưa sinh ra từ ánh sáng. Mưa rơi rất trinh! Nếu chăm chú, người ta có thể theo
dõi được đường bay của một hạt mưa từ lúc xuất phát cho đến khi vỡ tan trên nền
đất. Hơi lạnh Himalaya và gió cùng ánh sáng đã sinh ra loài mưa trong veo.
Tôi đã đi cùng Tang Min Xin trong một chiều mưa Lhasa, một chiều mưa hiếm hoi tôi có trên miền đất giàu ánh nắng nhất thế giới.
Tang Min Xin, người con gái Trung Quốc,
quê ở Can Xu, nơi có thành cổ Lâu Lan đã vùi kín trên con đường tơ lụa nổi tiếng.
Tang còn trẻ, nhưng trong đôi mắt của cô, tôi thấy nỗi buồn quá già. Trong thân
thể mới hơn 20 tuổi này, hình như đã mang nặng một dòng lịch sử thâm trầm của nữ
giới Trung Quốc.
-
Anh
biết vì sao tôi lên Tây Tạng không? - Tang hỏi rồi Tang nhìn mưa trả lời - Tôi
lên tìm dấu chân của một người đàn bà Trung Quốc từng đến đây hơn mười ba thế kỷ
trước!
-
Đất
nước nào cũng có một người đàn bà như vậy! - Tôi nói với Tang bởi tôi biết, người
đàn bà đó là ai - Họ không chết. Họ là hạt ánh sáng rơi xuống trần gian này.
-
Anh
nói cũng phải. Không có ánh sáng của họ. Hôm nay chúng ta, tôi và anh không có
mặt trên mảnh đất tuyệt đẹp này.
Tang nói rất phải.
Rặng Himalaya ở Tây Nam. Núi Kõouen
louen và Karakorum phía Tây Bắc. Quần thể núi Gangdise, Tanggula, Nyenchen
Tangggula cắt ngang bình nguyên và dãy Hengduan chảy dọc từ Bắc tới Nam đã dựng
lên một Tây Tạng hùng cường với 56 ngọn núi cao từ 7000 đến 8000m và những dòng
sông vĩ đại Yarlung Tsangpo, Indus, Me Kong, Karnali.
Nhưng trong mắt tôi, thiên nhiên hoành
tráng của vùng đất này cũng không phải là điều quyến rũ nhân loại hôm nay. Khi
mà con người đã đi du lịch trong vũ trụ thì cái thú thưởng ngoạn đã thay đổi,
hướng đến cõi thiên hà hơn là cứ loanh quanh trái đất.
Tây Tạng cuốn hút bàn chân nhân loại,
không quản ngại gian lao tìm đến là do nền văn hoá tâm linh đặc sắc của mình. Vẻ
đẹp hoành tráng của thiên nhiên sẽ cô đơn khi vắng vẻ đẹp tâm linh con người!
Kỳ diệu hơn khi ta biết rằng, toàn bộ
vẻ đẹp tâm linh rực rỡ của Tây Tạng lại được sinh thành từ bàn tay, không phải
của một vị thần, không phải một vị Phật, không phải một người đàn ông cường
tráng, mà từ bàn tay của hai người con gái Trung Quốc liểu yếu đào tơ như Tang
Min Xin.
Người đàn bà Tang Min Xin đi tìm chính
là người đàn bà Trung Quốc đầu tiên đặt chân lên Tây Tạng: Công chúa Văn Thành,
con gái vua Đường Thái Tông!
Kể từ khi Nyatri Tsenpo chỉ tay lên trời
làm vua vào năm 313 trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 7, trải qua 28 đời
vua, Tây Tạng vẫn là vùng đất của quyền thuật ma quỷ ngự trị cho đến ngày
Songtsen Gampo, tức Tùng Tán Cương Bố lên ngôi, Phật giáo mới mang văn minh đến
với Tây Tạng cho đến ngày hôm nay tôi đang dạo chơi trên phố Lhasa cùng Tang.
Tiểu sử của Tùng Tán Cương Bố được viết
bằng những dòng tiên tri huyền thoại. Tùng Tán Cương Bố chính là người đọc được
bản kinh sách bằng tiếng Phạn rơi từ trời xuống nóc cung điện trong giấc mơ của
nhà vua Totori Nyentsen trị vì trước Tùng Tán Cương Bố 5 đời! Tùng Tán Cương Bố
thừa sức đọc được bản kinh sách bởi ngài vốn là sự tái sinh của công chúa xứ
Kotala, người con gái dũng cảm tự hiến thể xác để cứu bầy thú đói trong nghĩa địa
theo lời dạy của đại sư Padmasambhava "Nếu nàng muốn trở thành tu sỹ thì
trước hết phải biết tới cái khổ của những con thú ở trong nghĩa địa, hãy đi tới
đó hiến thể xác của mình cho chúng. Khi ăn thể xác nàng, tất cả con thú đó sẽ
tái sinh làm người và đệ tử của nàng sau vài kiếp nữa khi nàng tái sinh làm vua
Tùng Tán Cương Bố"!
Khi đứng trước tượng Tùng Tán Cương Bố
thờ trong cung Potala, tôi đã nhìn lòng từ bi vĩ đại của công chúa Kotala trong
đôi mắt của ngài. Giá như tôi là một trong những con thú được ăn thịt công
chúa, biết đâu tôi sẽ gần gũi cơm nước với ngài và nhất là được chiêm ngưỡng vẻ
đẹp của vợ ngài, công chúa Văn Thành cách đây 13 thế kỷ !
Bức tượng Tạng Vương cùng Công chúa đặt ngay tại cổng vào trấn cổ Songpan. |
Sau khi lên làm vua, thống nhất giang sơn Tây Tạng về một mối vào năm 641, Tùng Tán Cương Bố cầu hôn với người con gái yêu của vua Đường Thái Tông Trung Quốc. Rất sùng đạo lý, cho phép Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh Phật, vua Đường Thái Tông đời nào chịu gả con gái cho man di Thổ Phiên nên vua từ chối, rằngVăn Thành công chúa đã hứa hôn với vua nước Thổ Cốc Hồn. Là hoá thân của một con người dám hiến xác mình cứu thú vật, Tùng Tán Cương Bố đủ sức mạnh đánh tan nước Thổ Cốc Phồn, tiến quân xuống Tùng Châu uy hiếp Đường Thái Tông, sẵn sàng gây chiến với Trung Quốc. Người con rể tương lại gửi đến cho cha vợ một cây dao truyền thống của xứ Tạng như lời đe doạ chiến tranh.
Để mang lại thanh bình
cho đất nước, vua Đường Thái Tông đành nuốt hận gả con gái Văn Thành Công Chúa
cho Tùng Tán Cương Bố. Cả đất nước Trung Quốc buồn thương dõi theo từng bước
chân trùng điệp người con gái thương yêu, biệt từ quê hương và hoàng cung yêu dấu,
vượt qua rặng Himalaya lên xứ Tạng làm hoàng hậu.
Hơn 300 năm sau, có một
nàng công chúa nước Việt cũng vì hoà bình quê hương mà đành gạt nước mắt từ biệt
đất nước, từ giã người yêu đến làm vợ xứ Chàm. Đó là Huyền Trân Công Chúa!
Dân tộc nào, thậm chí
thời đại nào cũng có một Huyền Trân Công Chúa.
Đó chính là cái dữ dội
của chiến tranh, cái giá đắt đỏ của hoà bình mà phận gái phải thay mặt hàng vạn
tướng sỹ lâm trận trên chiến trường mỹ nhân kế!
Ngày hôm nay, không cần cưỡi trâu như
Lão Tử mà có thể cưỡi mây bằng đường hàng không là đến Tây Tạng còn cách đây
hơn ngàn năm, cái thân liễu yếu đào tơ của Văn Thành Công Chúa phải khổ ải mấy
mùa lam sơn chướng khí! Nhưng nàng đã vượt qua tất cả vì đi cùng nàng còn có sức
mạnh tâm linh của Jowo Rinpoche Đức hạnh cao quý! Ngài chính là Thái tử
Siddhartha, người được cả thế giới tôn gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni.
Huyền Trân được người
yêu đón về nhưng Văn Thành đã ở lại Tây Tạng và từ tấm lòng kiến trinh của
nàng, một thành đô được dựng lên đó là Lhasa ngày nay, thủ đô của Tây Tạng, thủ
đô cao nhất thế giới. Nằm ở độ cao hùng vĩ gần 4000m, địa thế Lhasa là giống
như bánh xe chính pháp hội tụ mọi nẻo đường tâm linh của xứ Tạng.
Vượt qua hàng vạn dặm
đường hiểm trở mây ngàn gió núi, khi đặt chân đến miền đất Tây Tạng, Văn Thành
xin chồng lấy dê núi màu trắng chở đất lấp đầy hồ nước, nơi chiếc nhẫn của nàng
rơi xuống để lập miếu đường Nhạ Tát cho người vợ đầu của Tùng Tán Cương Bố là
nàng Bhrkuti công chúa con vua Amsuvarrman xứ Nepal thờ tượng Phật Bất Động Như
Lai.
Ngôi miếu ngày xưa ấy
chính là chùa Đại Chiêu hôm nay. Cùng với cung Potala tựa lưng vào núi Hồng
sơn, chùa Đại Chiêu là nơi linh thiêng nhất ở Tây Tạng. Tất cả các vị Lama trị
vì cung Potala đều làm lễ thụ pháp tấn phong tại Đại Chiêu.
Khi tôi đến viếng Đại
Chiêu, trước lúc gặp vị Lama trên mái thượng, tôi đã chen chân vào dòng người bất
tận để được chiêm bái thân tượng Đức hạnh cao quý Jowo - Đức Phật khi còn sống
do Văn Thành công chúa mang từ đại Đường sang Tây Tạng năm xưa. Người đảnh lễ
đông đúc, khói hương mịt mù nghẹt thở đến như vị lama phải dùng khẩu trang che
mũi, tay múc đầy từng bát mỡ trâu tiếp sức cho ngọn nến sáng liên tục trong
gian điện thờ Đức Phật.
Ban đầu tượng Phật Jowo được thờ ở đền
Ramoche nhưng sau đó hai nàng công chúa hoà hiếu đổi cho nhau nên tượng Phật
Jowo mới có ở Đại Chiêu. Từ hai bức tượng này, Phật giáo bắt đầu có lịch sử ở
Tây Tạng.
Vì công ơn lớn lao của
Tùng Tán Cương Bố nên xứ Tạng tôn thờ ông là Quán Thế Âm đến Tây Tạng tạo duyên
giáo pháp cùng nữ thần Tarâ sắc trắng Văn Thành và nữ thần Tarâ sắc lục
Bhrkuti, hiện thân của các vị bồ tát trong lòng tâm linh Tây Tạng.
Tôi chợt nhớ nữ thần Tarâ sắc trắng và
Phật Thích Ca Mâu Ni trên vách núi nhìn sông Yarlung Tsangpo. Có phải chăng đó
là Văn Thành công chúa hiện thân. Nàng ngồi đó, miên viễn nhìn hậu thế ngày đêm
đến với thành đô do vợ chồng nàng xây dựng.
1300 năm trôi vào dĩ vãng cùng bao kiếp nạn và còn
bao năm tháng vô thuỷ vô chung vươn về tương lai, Lhasa không bao giờ vắng linh
hồn bảo trợ của công chúa Văn Thành. Bởi từ 13 thế kỷ trước, khi đặt viên đá khởi
dựng Lhasa, Văn Thành và Tùng Tán Cương Bố đã ước nguyện dựng lên một đô thành
“củng nhất thành dĩ khoa hậu thế” - cho ngàn xuân rạng rỡ một đoá sen vàng
Lhasa thơm màu tâm linh trên mái nhà thế giới!
Sự nhiệm màu trong ánh mắt, lòng tôn
kính tôn giáo và hào sảng thiên nhiên của người xứ Tạng đã phá vỡ những giới hạn
tâm linh trong hồn tôi. Ngoài phố Bát Giác men theo chùa Đại Chiêu, con phố được
xem là một trong 3 đường chuyển kinh ở Lhasa, người ta có thể chiêm ngưỡng hay
mua bán những mặt hàng mỹ nghệ tôn giáo xứ Tạng. Chính trên phố này, trước mặt
chùa Đại Chiêu linh thiêng, bước chân tôi đã bất ngờ rung động trước hình ảnh một
thiếu nữ Tạng hồn nhiên thay y phục giữa màu nắng sáng trắng cao nguyên! Cái
cách điềm nhiên hành xử, mặc kệ thiên hạ của người thiếu nữ Tạng cũng như Lhasa
không màng đến những toà nhà cao rộng được người Trung Quốc dựng xây trong nửa
thế kỷ qua.
Nếu như Văn Thành là người góp công tạo
nên Lhasa, đặt nền móng đầu tiên cho Phật giáo đến với Tây Tạng thì hai đời sau
triều đại Tùng Tán Cương Bố, Trung Quốc lại mang tới cho Tây tạng một người con
gái khác, có tên gần giống với Văn Thành.
Không có người con gái
này, không có Phật giáo hôm nay trên đất
Tây Tạng! Đó là Kim Thành công chúa,
hoàng hậu của vua Khí Lệ Tú Tán sống vào đầu thế kỷ thứ 7. Không có bức tượng
nào nhưng khi đặt chân lên Tây tạng, Kim Thành đã mang theo rất nhiều kinh sách
và sa môn. Và vĩ đại nhất là Kim Thành đã sinh hạ cho Tây Tạng một người con
siêu việt nhất, vua Trisong Detsen! Vị vua cứu vãn sự suy thoái Phật giáo sau
khi Tùng Tán Cương Bố mất, vị vua chính thức đưa Phật giáo du nhập vào Tây Tạng.
Lịch sử Tây Tạng bắt đầu gắn liền với lịch sử hùng mạnh của Phật giáo từ tay
người con trai của công chúa Kim Thành.
Tượng thờ vua Thổ Phồn Songtsen Gampo và công chúa Văn Thành. |
Trisong Detsen lên làm vua năm 12 tuổi, huy hoàng hơn cả Tùng
Tán Cương Bố, vị vua
này còn chiếm cứ Thanh Hải và Tứ Xuyên quê ngoại Trung Quốc. Đại Đường Trung Quốc
phải nộp triều cống hàng năm cho "rợ Thổ Phiên ở Tây Vực". Chỉ thiếu
vật phẩm là cơ đồ đại Đường nguy ngập như năm 735 chỉ vì thiếu hụt phẩm cống,
Trisong Detsen đưa quân vây đến Trường An!
Trisong Detsen mời đại sư
Santaraksita, trụ trì viện Vikramasila viện Phật học siêu thế giới thuộc phái
Trung quán luận đến truyền giáo lý Phật pháp cho Tây Tạng. Nhưng Santaraksita
đã bất lực trước sự chống phá của các đạo sư đạo Bon nên phải quay về nhường bước
cho đại sư Padmasambhava.
Khi Đức Phật sắp viên tịch ở
Kushinagara, Ngài tiên tri rằng: Trong thế gian vô thường này chúng sinh không
thể tránh được cái chết, đã tới lúc ta phải ra đi. Nhưng đừng than khóc nữa, vì
12 năm sau khi ta lìa thế gian, ở hồ Dhanakacha góc Tây bắc xứ Urgyan sẽ có một
người thông thái và đầy quyền năng tâm linh mạnh hơn ta sinh ra trong một đoá
sen. Người đó sẽ được gọi là Padmasambhava ( tức Liên Hoa Sinh) và truyền bá Mật
giáo!”. Quả nhiên sau đó, dưới triều vua Indrabodhi xứ Urgyan đã xuất hiện một
đứa bé ra đời trong đoá sen giữa hồ nước Dhanakacha. Đứa bé ấy sau này trở
thành vị đại sư lừng danh Padmasambhava.
Đại sư Padmasambhava lên đường đi Tây
Tạng theo lời mời của vua Trisong Detsen vào những ngày giữa thế kỷ thứ 8 sau
Công nguyên. Sau ba tháng lưu lại ở Nepal, đại sư đã đến giúp vua Trisong
Detsen hàng phục yêu quái, xây dựng tu viện Samye. Khác với Santarakasita, đại
sư Padmasambhava không chống đối mà ngược lại, đã hàng phục tất cả những nhà
huyền thuật của đạo Bon, những kẻ thờ thần đất, thần núi, thần sông và ma quái,
sử dụng quyền lực của các thần này để chống lại Phật giáo, biến họ thành những
người bảo vệ Phật Pháp. Trong nhiều đền chùa Tây Tạng, những bức hoạ hay tượng
các vị hộ pháp có mặt mày hung dữ khủng khiếp chính là những kẻ đã được
Padmasambhava thần thông nhiếp phục.
Có thể nói, toàn thể
văn hoá tâm linh Mật giáo của Tây Tạng là nhờ đại sư Padmasambhava mà có. Chính
đại sư đã sáng lập nên phái Nyingma - giáo phái Mật Tông đầu tiên ở Tây Tạng
nên còn gọi là Cổ Phái với giáo lý then chốt là Dzogchen - đại toàn thiện được
truyền theo ba dòng, dòng gián tiếp, khẩu truyền, dòng trực tiếp. Cách thức
truyền thừa ấy đã mang lại một màu sắc mới trong Phật giáo, tên gọi là Mật tông
với những thuật chú tantra - kim cương thừa, cấp độ cao nhất của con đường tu
luyện trong Phật giáo. Các tăng sỹ của Nyingma mặc áo cà sa và đội mũ màu hồng
tía nên còn gọi là Hồng Phái.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử,
9 phái Phật giáo ở Tây Tạng theo giáo huấn tiểu thừa, đại thừa và kim cường thừa
nay chỉ còn lại 4 phái mạnh mẽ nhất là Nyingma, Gelugpa, Sakyapa và Kagyupa.
Như thế cũng đủ biết, trí tuệ và sức sáng tạo của đại sư Padmasambhava vĩ đại
như thế nào đối với Phật giáo Tây Tạng. Ngài để lại không biết bao nhiêu bí lục
về các phép tu luyện cao siêu, trong đó hai bộ kinh chấn động thế giới là Tạng
thư đại giải thoát toàn thiện nói về “phép giải thoát thậm thâm bằng quán tưởng
các vị thần hiền hoà và phẫn nộ” và Tử Thư - Bardo Thodol được người phương Tây
kinh ngạc dưới cái tên "Sách Tây Tạng về người chết" do tiến sỹ Evans
Wentz, người sống hàng chục năm ở Himalaya biên tập từ bản dịch của Lama Kazi
Dawa Samdup hơn 50 năm trước của thế kỷ 20.
Có thể Guru
Padmasambhava đang sống trong trạng thái Samapatti ở một hang động nào đó trên
Himalaya hoặc dưới đất nơi bàn chân tôi và Tang đang bước đi trong mưa chăng!
Trong những ngày Tây Tạng vào năm đầu
thế kỷ 21 này, tôi vẫn thấy linh hồn của đại sư Padmasambhava sống trong tâm
linh Tây Tạng, từ một ngọn hoa cỏ nhỏ nhoi, một lá cờ phướn gió bay cho đến
trong ánh mắt thành kính của người dân và đương nhiên, linh hồn đại sư có mặt
khắp nơi trong các đền chùa qua nhiều bức hoạ sặc sở muôn phép nhiệm màu của
ngài mang đến cho Tây Tạng ở thế kỷ thứ 8. Padmasambhava là hoá thân của Thích
Ca Mâu Ni nhưng được Tây Tạng kính yêu gọi là Guru "đạo sư", một vị
thầy hướng dẫn tâm linh, triển khai, chuyển hoá và thức tỉnh tâm linh đệ tử.
Guru, dịch sang Tạng ngữ là Bla-ma, tức Lama với ý nghĩa bla là linh hồn, ma là
mẹ. Bla-ma là người mẹ nuôi dưỡng và dẫn dắt linh hồn đệ tử đi đến cõi giải
thoát đại toàn thiện.
Không có nơi nào có
tinh thần tôn sư trọng đạo như Tây Tạng.
Trong mắt người dân và các tu sỹ, Guru
quan trọng hơn cả đức Phật! Không có Thầy, không có Mật giáo! Mật giáo phá bỏ
những hạn lệ về các giới luật, tăng sỹ hay cư sỹ đều được tôn trọng, kể các các
vị Lama có vợ con.
Sau Trisong Detsen hai đời nữa là đến
vua Relbachen - hiện thân của Bồ tát Kim Cương thủ trị vì Tây Tạng từ 815-836.
Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh mẽ đến độ người dân sinh ra oán nộ vì
triều đình quá ưu ái các đẳng cấp tăng lữ. Nhưng rồi cũng theo quy luật sinh tử
luân hồi, đạo Phật đã bị tàn phá khi vua Lang Darma lên ngôi gây ra cuộc “pháp
nạn đầu tiên cho đến ngày Lang Darma bị ám sát bởi tay dao của vị tu sỹ Begyi
Dorje vào năm 842. Tới thế kỷ thứ 10 nhờ Rinchen Sangpo ở vương quốc Guge nằm ở
miền Tây Tây Tạng phục hưng lại Phật giáo, 108 tu viện được xây dựng, trong số
đó là tu viện Tholing nổi danh - nơi loài hoa từ bi Tuyết Liên Hoa ra đời! Bên
cạnh Rinchen Sangpo, tăng sỹ Atisa đã đến Tây Tạng khi tuổi đã 60 viết ra bộ
kinh sách Bodhipathapradipa dựa trên cơ sở kết hợp giáo pháp Trung Quán, Duy Thức
với Đại Thừa và Mật tông. Theo bước chân của Atisa, người nhỏ hơn mình 25 tuổi
nhưng Rinchen Sangpo phải tôn làm thầy, Phật giáo được truyền bá trở lại với
Tây Tạng.
Thế kỷ 12, Thành Cát Tư Hãn ra đời,
Mông Cổ hùng mạnh. Tây Tạng lệ thuộc Mông Cổ. Mông Cổ và Tây Tạng đều kính trọng
Mật giáo nên vua Hốt Tất Liệt đã phái một vị Lama thay mặt mình làm đại diện tại
Tây Tạng. Quyền bính bắt đầu rơi vào tay tăng sỹ từ giai đoạn này và đây chính
là chương mở đầu cho nhiều chương máu đẩm trên cao nguyên Tây Tạng về sau này.
13.H5
Tượng Phật ở Samye do đại sư Padmasambhava xây dựng thế kỷ thứ 8
Giá như Padmasambhava
dùng phép chuyển ý làm thay đổi tham vọng của Hốt Tất Liệt, Tây Tạng sẽ bình an
hơn. Hay Ngài biết nhưng vẫn im lặng. Nói như người đàn ông xa lạ trên sân tu
viện Tashilhunpo, đất nước nào cũng có nghiệp quả cay đắng không thể tránh được.
Vào năm 1357 thế kỷ thứ 14, tại vùng
Hoảng Trung cao nguyên Thanh Hải, Tông Ca Ba ra đời với cái tên Lạc Tang Trát
Ba nhưng người Tây Tạng đọc Hoảng Trung là Tông Ca nên gọi ông là Tông Ca Ba -
Người Hoảng Trung. Sau 10 năm tu luyện giáo lý hiển giáo và mật giáo với vị Phật
sống Đôn Chủ Nhân Khâm, Tông Ca Ba đến Tây tạng năm 16 tuổi thụ Tỳ khưu giới,
trở thành một tăng sỹ thông tuệ tất cả kinh thư từ Nội Minh, Nhân Minh giản yếu
cho đến uyên thâm Y Minh, Thanh Minh. Tông Ca Ba để lại hơn 100 trước tác, giá
trị nhất là hai tác phẩm Bồ đề đạo thứ đệ quảng luận và Mật tông đạo thứ đệ quảng
luận. Năm 1406, dưới sự bảo trợ của Trát Ba Kiến Tán, Tông Ca Ba triệu tập hơn
8000 tăng sỹ đến chùa Đại
Chiêu mở hội nghị Đại Pháp, sáng lập
nên tông phái Gelugpa Cách lỗ hay còn gọi là Hoàng phái vì các tăng sỹ đội mũ
vàng truyền bá khắp nơi Tây tạng, Thanh Hải, Nội Mông, Cam Túc, Tứ Xuyên.
Phái Gelugpa rất trọng giới luật, các
đệ tử được truyền theo phương thức “chuyển thế tương thừa”, chuyển từ thế hệ
trước cho thế hệ sau kế thừa, từ đó hình thành hai hệ thống “hoạt phật” - Phật
sống dưới tên gọi là Panchen hiện thân của Phật Adiđà và Dalai là hiện thân của
Quán Thế Âm Bồ Tát.
Năm 1578, tăng sỹ Sonam Gyatso, khi
sang Mông Cổ thuyết pháp được vua Altan Khan, người suốt đời hạ cung đao để thờ
Phật đã phong tước vị Dalai- nghĩa là "biển lớn" cho Sonam Gyatso.
Dalai Lama đầu tiên này vẫn nhớ đến vị tổ Tông Ca Ba nên đã truy phong Lama
Gendun Drub - tu viện trưởng tu viện Tashilhungpo làm Dalai thứ nhất, vị tu viện
trưởng kế thừa là Dalai thứ 2 và mình là Dalai thứ ba. Hài cốt của hai vị thứ
nhất và thứ hai hiện còn ở trong tu viện Tashilhungpo thành Shigatse, nơi tôi
được gặp Bardo Thodol.
Từ sự kiện truyền thừa
này nên mỗi khi Dalai chết, người Tây tạng lại đi tìm vị tái sinh để thay thế.
Vị Panchen Lama thứ 11
Con cừu Doly không có ở Tây Tạng, việc
nhân bản vô tính tái tạo vật và người đang là chủ đề tranh luận của thế giới,
Liên hiệp quốc cũng phải can thiệp bằng cách ra điều luật ngăn cản vì sự vi phạm
đạo đức của phương pháp tạo sinh không tuân theo tạo hoá này.
Nhưng với Tây Tạng, tất
cả chỉ là nụ cười bâng quơ. Không cần nhân bản vô tính mà vẫn tái sinh là điều
chẳng có gì lạ từ bao đời nay ở Tây Tạng.
Một vị Lama chết, ngài có thể tái sinh
trong một ngôi làng nào đó bất kỳ trên trái đất này. Đứa bé mà ngài mượn hình
hài tái sinh, tuy còn nhỏ dại nhưng trí thức lại vô cùng uyên thâm bởi đó chính
là công đức tu tập của vị Lama. Để xác định đứa bé liệu có phải là vị Lama đó
hay không, người ta sẽ tìm đến, đặt trước mặt nó 100 cái chuông. Kỳ diệu thay,
đứa bé sẽ chọn ngay cái chuông mà lúc còn sống vị Lama thường dùng! Chưa hết,
người ta sẽ đọc bài kệ do vị Lama sáng tác trước khi viên tịch, cố ý thiếu sót
vài câu cho đứa bé nghe. Đứa bé lập tức đọc lại bài kệ từ đầu đến cuối, không
thiếu một chữ nào! Cuối cùng, trước mặt tất cả mọi người, vị lama cao nhất sẽ
thành kính mở chúc thư của vị Lama quá cố, trong đó ngài đã xác định tên tuổi,
làng quê, ngày tháng sinh ra của đứa bé. Từ giờ phút đó, đứa bé không còn là đứa
con yêu thương của mẹ cha nữa. Nó được đưa về nuôi dạy trong tu viện với sự tôn
sùng của các vị tăng sư và dân chúng!
Trong những năm qua, phương Tây thực sự
chấn động trước đứa bé sinh năm 1985 ở vùng ngoại ô Madrid, mới lên 3 tuổi đã
có đức hạnh và trí tuệ siêu việt và có thể ngồi tham thiền suốt 2 tiếng! Sau
khi đối chiếu “tiểu sử kiếp trước” do chính miệng em kể lại, người ta xác định
em chính là sự tái sinh của Lama Thubten Yeshe lưu vong sang Mỹ năm 1959, chết ở
Los Angeles năm 1984!
Đứa trẻ Tây Ban Nha ấy chính là nhà sư
Tenzin Osel Rinpoche cùng người đỡ đầu của mình là nhà sư Basili Llorca đã hành
hương quá nhiều nước Phật giáo để thuyết giảng Phật Pháp cho hàng triệu người.
Nên nhớ, một người bình thường muốn trở thành Lama phải ròng rã tu học hàng chục
năm còn người nhà sư Tenzin Osel Rinpoche mới lên 6 tuổi!
Tôi còn nhớ, khi nghe dàn nhạc giao hưởng
Berlin Philharmonic trình diễn bản Don Giovani, trong giờ giải lao, người nhạc
công đã nói với tôi ông ta đang trình diễn thứ âm nhạc của chàng Orphée tái
sinh! Suốt một đời bị con người và thánh thần cho là yếu đuối, không đưa được
nàng Eurydice lên khỏi địa ngục và bị mấy người đàn bà Thrace xé xác, việc làm
cương nghị nhất của Orphée là quyết định tái sinh trở lại trong hình hài
Wolfgang Amadeus Mozart. Nếu không, làm sao mới 5 tuổi, Mozart đã biết soạn nhạc
hoàn chỉnh!
Chân dung vua Tùng Tán Cương Bố
Đêm hôm ấy, Berlin, tôi
chỉ là một ước mơ huyền thoại về khoa học của sự chuyển điệu còn hôm nay, tôi
biết rằng, huyền thoại chẳng là ước mơ, nó là điều có thật như tế bào nuôi dưỡng
Tây Tạng.
Nếu là mơ ước, Tây Tạng đã không bao
giờ có cung Potala tuyệt đẹp như hôm nay! Phải có một vị Lama không chỉ tinh
thông Phật pháp mà cả kiến trúc tái sinh trong mình, Dalai Lama thứ 5 Losang
Gyatso vĩ đại đã tiến hành cuộc đại trùng tu Potala vào năm 1645 khi Losang
Gyatso nhận sắc phong triều Mãn Thanh. Ông chết khi cung Potala chưa hoàn thành
nhưng 13 năm sau Tây Tạng mới được biết vì trước khi viên tịch, Losang Gyatso
đã mật dặn các Lama thân tín cấm tiết lộ việc ông chết cho đến khi Potala hoàn
thành.
Được sùng kính là một Đệ nhị Phổ đà la
sơn - nơi ở của Bồ Tát, cung Potala là công trình có quy mô lớn nhất trong 200
di tích lịch sử nổi tiếng ở Lhasa. Từ chỗ chỉ là cung nghênh đón Văn Thành công
chúa vào thế kỷ thứ 7, dưới bàn tay kiến trúc của Dalai Lama thứ 5, Potala trở
thành một tổ hợp cung điện, tự miếu, bảo tháp với hơn 10.000 phòng ốc lớn nhỏ nằm
ở hai toà bạch cung và hồng cung được phân bố từ thấp đến cao theo thế núi Hồng
Sơn. Bạch cung là nơi bàn chính sự hàng ngày với công trình chủ yếu là Thố khâm
hạ. Mọi lễ nghi, hoạt động tôn giáo và các bảo tháp nằm ở Hồng cung. Trong cung
này có 8 nhà tế lễ rất lớn chứa 8 toà tháp, vĩ đại nhất là tháp vị Dalai Lama
thứ 5. Tẩm cung ở tầng cao nhất được thiết kế rất độc đáo để lấy ánh sáng trời
soi sáng cho hai toà Bạch Cung và Hồng Cung nên được gọi là Nhật Quang Điện.
Trên đỉnh Potala có 7 nóc mái với kiểu dáng pha trộn kiến trúc Hán Tạng, vàng bạc
dát trên mái kèo làm không gian hực sáng.
Toàn bộ hệ thống cung Potala cao
119 m bao gồm 13 tầng rất đồ sộ nhưng nhờ
cách phối màu trắng, đỏ, vàng cùng những khung cửa mềm rèm vải giống bất kỳ
ngôi nhà nào ở Tây Tạng nên cung Potala không thô mà ngược lại rất mềm mại giống
bức tranh thêu giữa bầu trời Lhasa. Do chiếm lĩnh độ cao duy nhất của thành phố
nên từ phương vị nào cũng có thể nhìn thấy Potala và kỳ lạ nhất là ở góc nhìn
nào cũng thấy Potala hiện ra rất hùng vĩ với đường nét kiết trúc mỹ thuật tuyệt
đẹp. Có lẽ, trước khi xây dựng, Dalai Lama đã đi vòng quanh nhiều lần trong
thành Lhasa, ngắm nhìn Hồng Sơn từ nhiều điểm nhìn nên mới sáng tạo ra một
Potala xứng với tầm vóc là cung điện nằm ở vị trí cao nhất thế giới.
Potala vẫn sừng sững.
Di hài Dalai Lama vẫn bền vững. Trong lòng đàn thờ tschoren trên Potala, ngài
có yên thân nhìn thấy Phật giáo Tây Tạng đang tàn tạ sau khi mình ra đi!
Từ Dalai Lama thứ sáu đến
nay đều chìm đắm trong máu tranh đua quyền lực. Tâm linh Tây tạng bị tổn thương
theo những cái chết bí ẩn. Vị Da lai Lama thứ 6 bị ám sát năm 23 tuổi. Vị thứ
thứ 7 lưu đày. Vị thứ 8 mất quyền lực. Vị thứ 9 chết lúc 9 tuổi. Vị thứ 10 chết
năm lên 21 tuổi. Vị thứ 11 chết năm 17
tuổi. Vị thứ 12 chết khi tuổi 19. Người
làm nên Căn Phòng Bình Minh Phương Đông với bức tranh Shambala, Dalai Lama thứ
13 chết năm 1933. Vị Dalai Lama thứ 14 hiện nay sống lưu vong trong một ngôi
làng nhỏ ở Ấn Độ.
Năm 1949 nước Cộng hoà
nhân dân Trung Hoa ra đời. Năm 1950
Trung Quốc đưa quân lên
Tây Tạng, lập thành Khu tự trị Tây Tạng. 9
năm sau, vị Dalai Lama thứ 14 lưu vong sang Ấn Độ để lại “khu tự trị Tây
Tạng” vắng chủ tâm linh cho đến tận ngày hôm nay.
Dalai Lama 14 vẫn nuôi mộng phục quốc
nhưng các vị Panchen lại thân Trung Quốc kể từ khi Dalai Lama thứ 13 xảy ra mâu
thuẩn với Panchen Lama thứ 9 vào năm 1924. Vị Panchen thứ 10 chết năm 1989 trong lễ để khánh thành bảo tháp mới cho các
vị Panchen từ thứ 5 đến thứ 9 tại tu viện Tashilhunpo. Vị Panchen Lama thứ 11
hiện nay đang sống ở Bắc kinh. Nghe đâu theo vị Phật tái sinh 14 tuổi này có
hơn 1000 đệ tử hầu hạ trong một cung điện được dựng lên ở Bắc kinh! Hong tỏ ra
kính nể Panchen thứ 11 , theo Hong, hơn 1 tỷ khán giả Trung Quốc cũng phải kính
trọng khi chứng kiến cuộc đàm đạo uyên bác giữa Ngài - Đức Phật sống 14 tuổi và
cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân trên truyền hình!
Hơn 1000 năm trôi qua kể từ ngày mang
tượng Phật Jowo lên Tây Tạng, Văn Thành không thể ngờ, núi non Tây Tạng, vùng đất
vợ chồng và hậu duệ của nàng xây đắp tâm linh đã tàn phai qua bao thế hệ quyền
lực bất chấp sự bảo trợ của nàng! Tạng thư đại giải thoát cao siêu của Guru
Padmasambhava không thể giải thoát cho các vị tăng sỹ và dân chúng ra khỏi chốn
mê lầm sinh tử.
Một góc nhìn Potala
Ngày hôm nay, thay vì tượng Phật, hậu duệ của nàng, chủ yếu là người quê Tứ Xuyên mang theo nhà thổ, dịch vụ massage cắt tóc gội đầu, ngân hàng, điện lưới, thuỷ lợi, các phương tiện cải thiện đời sống dân sinh và súng để bảo vệ hoà bình!
Sau 800 năm nay không
có quân đội, lính tráng và vũ khí lại xuất hiện trên đường phố Lhasa.
Sau 800 năm dành 75%
ngân sách để dùng cho việc xây dựng
6000 tu viện giáo dục tôn giáo và khoa học, nay
Tây Tạng chỉ còn hơn 16.000tu viện.
Trước khi người Trung
Quốc đến, Tây tạng có 6000 lama thượng cấp nay số ấy ai còn ai mất trong cuộc
chiến khi rơi máu, lúc âm thầm trong đáy lòng mất nước!
Phật giáo đã dựng lên một
Tây Tạng huy hoàng nhưng Phật giáo cũng làm cho Tây Tạng suy yếu bởi một quá khứ
chính trị hoá tôn giáo của giới tăng sỹ gây ra.
Nhưng thôi, đất nước nào
cũng có nghiệp quả của mình.
Chúng tôi lên xe bus trở
về khách sạn Namsel. Ngồi sau vô lăng là người phụ nữ Tạng trạc chừng 35 tuổi!
Chiếc xe bus lượn êm ả qua những góc cua phố hẹp Lhasa. Tôi không ngờ, một người
đàn bà Tạng lại điều khiển chiếc xe lớn điệu nghệ như thế. Dưới chân chị, đứa
con trai nằm lăn lóc trên mảnh vải bố nâu. Đôi mắt người mẹ xa xăm. Thỉnh thoảng
chị liếc nhìn đứa con trai. Hai mẹ con cùng cười. Ngoài tiếng cười, miệng họ
còn cầu kinh! Khách lên mặc khách chẳng cần hỏi han vé. Đợi khách xuống chú bé
mới lồm cồm bò dậy lấy tiền. Hình như cứ ngồi lên xe, tôi có thể đi khắp Lhasa
mà không ai hỏi tiền.
Người đàn bà Tạng lái xe và đứa trẻ hồn
nhiên là hình ảnh về một đất nước Tây Tạng không nguôi giằng co giữa quá khứ và
tương lai, truyền thống và hiện đại, khoa học và tín ngưỡng, vật chất và tinh
thần!
- Tôi lên đây - Tang nhìn ra màn mưa thấm
dài kính cửa - để tìm thấy một lời người ta chia sẻ đau đớn với Văn Thành công
chúa khi chia tay Trung Quốc lên chốn quan sơn này. Người Trung Quốc nói, ra khỏi
ải Tây là khó gặp người thân. Đúng thế thật. Nhưng thật là khó, tôi không gặp
được Văn Thành nữa vì bà đã được dân Tây Tạng phong làm Phật..
- Đó là một sự tôn vinh...
- Tôn vinh ư? Người phụ nữ chúng tôi chỉ
được tôn vinh khi có người chia sẽ đau khổ. Nhưng Văn Thành không có điều ấy ở
Tây Tạng. Tôi cảm thấy, dù có tâm linh to lớn bao nhiêu đi nữa mà không có sự
chia sẻ với nỗi buồn của đàn bà thì đất nước nào, dân tộc nào, con người nào
cũng bị mai một!
Văn Thành Công Chúa! Tâm hồn nàng sẽ
trong sáng biết bao nhiêu khi nghe lời hậu duệ sẻ chia với nàng, một người tâm
linh. Mà những ai sống tâm linh, bao giờ cũng không nguôi khổ đau và cô đơn để
dành cho nhân loại những mùa vụ hạnh phúc.
- Cái gì đã hoàn thiện thì cao xa. Cao
xa bao nhiêu thì dân chúng mệt mỏi bấy nhiêu! - Tang đăm chiêu - Đó là lý do,
vì sao Văn Thành đã mang tượng Thái Tử Siddhartha khi ngài còn chưa thành Phật
lên Tây Tạng.
Trong màu mưa dịu sáng Lhasa, hốt
nhiên tôi nhận ra, nào đâu chỉ có ánh sáng tự nhiên và huyền thoại sinh ra mưa,
mưa Lhasa còn phiêu diêu bao giọt buồn nữ tính rơi bay những nỗi niềm cô đơn
lãng đãng mà người ta quen gọi là là cái gốc văn hoá của tâm hồn!
Tang! Không phải Tang đang mà chính Văn Thành đang đi dưới mưa Lhasa! Văn Thành đã tái sinh vào thân thể hậu duệ cùng dòng họ với nàng Tang Min Xin - Đường Mẫn Tân để tiết lộ điều bí mật gắn liền với nỗi niềm thân phận và ước mơ của nàng hơn 13.000 năm trước khi nàng lên Tây Tạng đền nợ nước!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét