Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

13. Tây Tạng trong con mắt thứ ba của tôi

- Chính cái thần thánh hoá của các anh đã làm cho Đức Phật suốt đời không được tự do! Phải xem Phật là một con người! Anh hiểu chưa! Chính nơi này, Tây Tạng - Cô gái Tạng chỉ vào tượng Phật Ngài mới sống bình yên và lâu dài vì ngài được làm một con người bình thường!
Đó là lời cuối cùng tôi nghe từ khuôn miệng một người Tạng. Cô gái Tạng kia, nàng có biết, nàng vừa làm tôi tỉnh giấc trên ván sàn tâm linh! Một lời nói giản đơn nhưng vô cùng thâm hậu! Ôi cái khổ của Phật là phải làm anh hùng suốt cuộc đời, ngay cả khi tạ thế hàng ngàn năm qua ngài cũng phải sống đời sống một anh hùng!

TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG

13. Tây Tạng trong con mắt thứ ba của tôi

Văn Cầm Hải

 

Trời ơi! Cheng! Anh cho tôi ở trong một căn phòng như thế này thì làm sao tôi có thể ngủ bình yên! - Tôi kêu lên với người dẫn đường khi vừa bước vào căn phòng của khách sạn Post Shigatse - Làm sao tôi có thể bình yên mà làm tình được nếu như có bạn gái đây!

Đó không phải là một căn phòng bình thường như bao khách sạn khác trên thế giới tôi từng qua đêm ngay cả căn phòng khách sạn Namsel ở Lhasa cũng không gây cho tôi niềm kinh sợ như vậy!

Khắp bốn bức tường, trần nhà, giường chiếu, tủ bàn đều múa lượn nét hoa văn tinh xảo. Đôi mắt tôi chưa kịp ngả màu, lại sặc sỡ hoa lên. Bên khung cửa sổ, có thêm bàn thờ Phật uy nghiêm! Dưới giải khăn ha-ta dệt sợi gai trắng, 3 vị Phật cùng đoàn tuỳ tùng ẩn mình trong 3 ngăn gỗ đang nhìn tôi bằng ánh mắt bí ẩn. Trước mặt các ngài là 6 bát nhỏ đựng hạt tsampa. Bên cạnh bàn thờ Phật có thêm án thờ khác với hai cây gỗ chạm trổ hình tích trượng cắm trên hai hộc bột trắng và hạt tsampa. Năm màu xanh đỏ trắng vàng tím của mây gió, của hoa cỏ và các biểu tượng Mật giáo gợi lên không khí một gian bảo tháp chứa đựng thánh tích của các Lama hơn là căn phòng khách sạn ba sao có cái tên rất Anh ngữ - Post Shigatse!

-     Chỉ sợ anh không đủ sức làm tình - Đáp lại sự ngạc nhiên rờn rợn trong mắt tôi, Cheng cười ước ao - Thật hạnh phúc cho anh khi được làm tình ở trong căn phòng này. Các vị ngồi trong gian thờ này cùng làm tình với anh thì còn gì hạnh phúc hơn!

-     Tại sao họ lại làm tình với tôi?

-     Không biết !

Tôi chưa bao giờ gặp một hướng dẫn viên nào kỳ lạ như Cheng.

Hong, lần đầu tiên theo tôi lên Tây Tạng không biết đã đành nhưng Cheng - người thanh niên quê Tây An lên Tây Tạng làm hướng dẫn viên cho du khách hơn 2 năm, đã có vợ lẻ người Tạng cũng luôn miệng trả lời “Không biết” trước những mong muốn tìm hiểu của tôi.

Cũng nhờ vậy, tôi được tự do phóng chiếu bao nhiêu linh ảnh miền đất Tây Tạng mà không qua bất kỳ sự hướng dẫn nào cả.

Hong là một vệ sỹ hơn là người dẫn đường. Cheng là người dẫn đường hơn là hướng dẫn viên du lịch.


Dãy Himalaya

Khuôn mặt và dáng đi yểu điệu của Cheng làm tôi liên tưởng đến một người đồng tình luyến ái. Trong mắt người Trung Quốc này, xứ Tạng chỉ là nơi làm ăn qua ngày, không phải là vùng đất anh ta muốn chia sẻ, có chăng cũng chỉ là sự bắt buộc của đời sống cơm gạo! Làm sao Cheng hiểu được ý nghĩa linh thiêng đang hoang mang tràn ngập căn phòng này. Tôi bỏ sang phòng Hong. Vẫn kiểu cách trang trí như căn phòng của tôi. Biết trú thân ở đâu bây giờ ngoài khách sạn Post.

Cả đêm hôm ấy, trong ánh sáng chập chờn ma mị màu sắc. Tôi thầm rủa Cheng, tôi thầm xót xa cho các vị Phật linh thiêng khi người ta thờ ngài trong khách sạn. Trước tôi và sau tôi, bao nhiêu người qua đêm ở đây. Giữa chừng thức giấc bên cạnh tình nhân, có ai gục mặt xuống xin ngài tha thứ!

Tôi có trách Cheng cũng không hết lời bởi sau đó Cheng còn cho thêm tôi một lần choáng động dữ dội hơn!

Hàng ngày, sau khi kết thúc cuộc tham quan, Cheng dẫn du khách vào các quán hàng mua bán đồ lưu niệm kiếm thêm tiền hoa hồng.

Chiều hôm từ hồ nước Dương Bát Tịnh trở về Lhasa, Cheng dẫn chúng tôi vào quán hàng của người vợ lẻ.

Trong quán nhỏ, chẳng có lắm vật kỷ niệm để mua bán, tôi đã gặp một bức tượng Phật kỳ lạ nhất kể từ ngày trên môi tôi biết gọi ngài là Phật!

Đức Phật ngồi trên đoá sen, vòng tay ôm chặt người đàn bà khoả thân, đôi tay người đàn bà vươn lên ngọn lửa rực rỡ dục tính, khuôn mặt ngẩng cao nồng nàn với Đức Phật!

-     Phật làm tình đấy! - Lần đầu tiên tôi nghe Cheng không nói từ “không biết”. Cheng líu lo - Chỉ có Tây Tạng mới làm tượng Phật làm tình. Anh mua đi làm kỷ niệm!

-     Phật làm tình? - Tôi há hốc.

-     Phải! Anh mua đi. Tôi sẽ nói vợ hạ giá cho anh !

Bỏ ra 40 đồng nhân dân tệ để mua một cuộc làm tình của Phật thì có gì đâu công phu đắt rẻ. Tôi rút tiền đưa cho Cheng. Vợ Cheng cẩn thận gói ghém cuộc làm tình của Phật vào hai lớp khăn ha-ta trắng. Những người đồng hành thấy vậy cũng hỏi mua nhưng trong quán không còn một bức tượng nào khác. Rời quán vợ Cheng, vào một cửa hàng sầm uất hơn nằm bên cạnh quảng trường Potala cũng không thấy bày bán.

Tôi mang bức tượng về khách sạn Namsel. Đêm đêm, tôi và Hong cùng ngắm khối tượng sống động như có hơi thở của da thịt toát lên từ thân sáp nâu bóng. Hong bảo người Tây Tạng hôm nay đã sa đoạ về tâm linh, không còn tôn trọng Đức Phật, dám đưa Ngài ra làm trò mua vui trong mắt thiên hạ. Tôi biết, không nói ra nhưng trong ý nghĩ của Hong, tôi cũng là kẻ sa đoạ không kém.

Trong khi cả thế giới cung vọng Đức Phật, Ngài là hiện thân của đức từ bi, khiêm nhẫn và vô lượng cứu vớt nhân loại thì Tây Tạng vùng đất mà nơi chốn nào ta cũng thấy Đức Phật hiện hữu lại biến Phật trở thành kẻ làng chơi!

Tôi nghe Hong, cũng như Cheng, không còn câu “không biết”, tự nhiên nối dài đêm Lhasa với tôi bằng những lời tự bạch thất vọng. Hong càng thất vọng hơn khi thấy tôi rất hăng say với bức tượng.

Tôi không màng đến tâm trạng của Hong. Kể cũng lạ cho Hong, một người làm tình siêu hạng lại không mặn mà với bức tượng tình của Phật! Đêm tân hôn của Hong kéo dài 23 giờ! Sau 23 giờ, vợ chồng Hong mới đặt chân xuống đất. Đêm nào, cái thân lim táu của Hong cũng đi hoang Lhasa. Hong nói với tôi, Hong là con người nên đàng điếm còn Đức Phật thì không thể!

Hong, anh đừng thất vọng! Thực ra bức tượng này chỉ bệnh hoạn trong đôi mắt của Cheng. Cheng “không biết” vũ điệu Cheng cho là Phật làm tình ấy là một biểu tượng hoàn toàn khác!

Người đàn bà trong lòng Đức Phật chính là nữ thần Tarâ. Cũng như

Kurukulla - nữ thần bảo hộ tình yêu và sự quy phục của Châu Mỹ, Tarâ trong Kim Cương Thừa là hiện thân của Bồ Tát với ý nghĩa vượt qua như sao mai đi qua bầu trời thành sao hôm, chăm sóc vận mệnh loài người, dìu dắt loài người từ cõi vô minh băng qua cõi trí huệ. Tarâ còn biết đến như người giải phóng vĩ đại vì vậy hình hài người đàn bà này không phải là một sinh linh có ngoại hình mà đây là một bản ngã được cải hoá. Tarâ tượng trưng cho sự chiến thắng bản ngã, là hiện thân nữ giới của trí huệ ôm chặt lấy A di đà -Phật của ánh sáng vô biên. Ôm lấy Tarâ nhưng Phật A di đà vẫn khoan thai thể hiện sự bình thản không bao giờ lay chuyển, đôi tay Ngài vẫn bấm quyết ban phước lành cho nhân gian.

Ngay cả khi hướng dẫn người chết thoát khỏi trạng thái trung gian bằng đại giải thoát bởi tính nghe, tâm trí người chết được hướng dẫn gặp gỡ với các linh ảnh thần Yên Tĩnh và Giận Dữ đều trong tư thế ôm Phật mẫu từ ngày đầu tiên gặp “linh ảnh của Vairocana, vị Phật tối cao, giờ đây xuất hiện trước anh. Người ngự trên ngai sư tử, màu trắng, tay cầm bánh xe và ôm Phật mẫu Akasadhatesvari nữ Chúa tể cõi trời. Miệng họ gắn liền nhau “cho tới ngày cuối cùng người chết cũng sẽ gặp linh ảnh Phật mẫu linh thiêng KarmaKrodhesvari ôm lấy ngài (Đức Phật Karma Heruka). Tay phải vòng qua cổ ngài, tay trái dâng lên miệng ngài một chiếc sọ đựng đầy máu. Miệng các ngài áp vào nhau!”.

Tại đất nước Trung Quốc cổ xưa và người Thái thời cận đại, những cuộc giao hoan theo nghi lễ vào dịp tiết xuân phân đều có ý nghĩa đánh dấu mùa xuân của thiên nhiên và thúc đẩy khả năng sinh sản.

Hình ảnh giao phối này gợi lên trong tôi ý tưởng về cuộc hợp nhất của tinh lực Kundalni (Hoả xà) với thần Shiva qua thân thể hành giả sinh ra Hoan lạc tối thượng trong Mật giáo Ấn Độ. Đó còn là sự giao phối giữa những mặt đối lập trong thể thống nhất của vũ trụ, giữa nước và lửa, giữa mặt trời và mặt trăng. Và bức tượng này không còn là sự giao phối giữa các sinh thể mà đây chính là sự giao phối giữa các bản nguyên, tinh hoa và thể chất của vũ trụ. Đó là hình ảnh sống động về sự giao phối giữa Anh Minh và Đạo Pháp!

Hong! Vậy thì có gì đâu là sa đoạ! Tôi đã nhìn thấy những điệu làm tình quái chiêu của người Trung Hoa trong bảo tàng Sex ở Amsterdam! Nếu nhìn một biểu tượng tâm linh bằng đôi mắt lịch sử, đôi mắt bị truyền thống mòn vẹt ánh nhìn của dân tộc riêng anh, Hong sẽ bị nhầm lẫn! Như đoàn quân viễn chinh của Đại tá Younghusband trên đường tiến vào Lhasa, thấy dân chúng vỗ tay tưởng rằng hoan hỷ mừng đón quân Anh nhưng họ không biết, người Tạng vỗ tay để đuổi ma quỷ! Kailâsa linh thiêng, mẹ của 5 dòng sông trong mắt phương Tây là núi Quỷ, thậm chí còn được đại tá Mỹ Richard Dodge hành quân qua đây năm 1875 đặt tên Kailâsa là Tháp của những hung thần!

Đêm đêm, căn phòng giá lạnh khách sạn Namsel, tôi đắm say bức tượng Phật mặc kệ Hong quay mặt vào tường chối từ cho đến ngày tôi đặt bức tượng vào túi mang về quê hương một mảnh trời tâm linh xứ Tạng.

Tây Tạng, tôi đã đến và tôi lại chia tay.

Nụ hôn khuya từ biệt Tang Min Xin làm tôi nôn nao đôi môi nhoè đỏ mưa rơi đêm nào cùng Tao Zhi trên chuyến xe Eurolines đến Paris. Sương tinh mơ ánh bình minh tươi rói bầu trời Lhasa. Tôi bưng bát cháo trắng cuối cùng. Tôi ăn chiếc bánh bao cuối cùng. Tôi đập vỡ quả trứng cuối cùng! Tôi ngắm nhìn đoá hồng Namsel lần cuối cùng. Tất cả những cái nhìn cuối cùng Lhasa ngưng đọng trên chiếc kim đồng hồ điểm chỉ vào lúc 7 giờ sáng!

Cheng hỏi tôi có bao giờ trở lại Lhasa. Tôi trả lời bằng giọt nước mắt. Tôi đã chia tay bao nhiêu miền đất, bao nhiêu gương mặt trên bước đường phiêu bạt nhưng không có lần chia tay nào giống như buổi chia tay Lhasa. Giọt nước mắt của tôi, không phải là giọt nước mắt tiếc nuối, một lần đi không bao giờ trở lại. Giọt nước mắt của tôi chan chứa niềm bâng khuâng của một kẻ biết ơn rằng, từ trong giấc chiêm mộng Tây Tạng, những linh ảnh huyền diệu sẽ đưa mình đến những giấc mơ khác đang chờ đợi trên trái đất này.

Tôi trở lại sân bay Gongkhar theo con đường ven sông Yarlung Tsangpo. Tôi gặp lại dáng hình của mình ngồi bên ngọn núi, cùng đức Phật trôi theo dòng nước khi mới đến và bây giờ chia tay Lhasa, xin lời Phật ngày xưa đứng bên dòng sông Hằng nói với Anan thành tiếng nói của tôi : Đây là lần cuối mà ta ngắm nhìn tháp vàng và kinh thành Lhasa!

Khi tôi đến vào lúc chớm trưa nên chỉ thấy một dòng sông, khi trở về ban mai, tôi lại thấy một dòng sông khác bay lơ lửng như linh hồn Yarlung Tsangpo chuyển cõi. Đó là dòng sông sương! Sương mơ màng bóng liễu vàng, sương chan hoà ánh sáng, sương nhẹ nâng núi đồi lên cao, sương kéo dài giấc ngủ trong những ngôi nhà nhỏ bé thấp thoáng hai bên đường, sương mượt mà bộ lông bầy dê thong dong lên núi. Dòng sông sương hiện rõ trước mắt, qua cửa xe vun vún gió, tôi vẫn ghi lại được vào khuôn hình máy ảnh.

Bình minh lên cao. Sương tan trên sông. Khói núi lửng lơ. Là lúc tôi vừa đến sân bay. Chạnh lòng với cây dao của Rigpaba nằm lại trên bàn hải quan, tôi đi lang thang qua gian hàng bán đồ lưu niệm trong nhà ga sân bay. Cảm ơn nỗi buồn cây dao Rigpaba! Con kiến già ấy như dõi mắt, đưa đẩy bước chân tôi tới trước một gian hàng.

Song Thân Pháp
Tôi lại bắt gặp bức tượng Phật kỳ lạ!

Bức tượng này to hơn bức tượng trong quán vợ Cheng. Tượng làm bằng đồng trắng, không phải bằng sáp. Dĩ nhiên, giá tiền cũng cao gấp ba bốn lần. Tôi không mua nhưng vẫn muốn sờ tay lên pho tượng. Cô gái người Tạng vui vẻ nâng pho tượng trong tủ kính đưa cho tôi.

Tay tôi vừa nhấc lên thì người đàn bà khoả thân trong lòng Phật rơi xuống. Hai thân hình này không dính chặt như bức tượng tôi có. Tôi sửng sốt! Sửng sốt không phải vì kết cấu rời của bức tượng mà bởi trước mắt tôi: Nơi sâu kín nhất thân thể Đức Phật, tôi đã nhìn thấy Phật thực sự đang trong trạng thái làm tình với người đàn bà! Không phải là sự giao phối giữa Anh Minh và Phật Pháp. Không phải vô ưu, vượt qua cám dỗ, toàn thân Ngài cháy rực cảm thức đỉnh cao ái ân với người đàn bà!

Hong đã nói đúng!

Ngọn Qomolangma sụt lở hàng triệu năm tuyết sáng dưới chân tôi.

Tôi nuốt không gian chói chang vào lòng mình. Tiếc một cuộc hành trình trả giá bằng mạng sống. Giá như tôi không nhìn thấy bức tượng này, giá như không đến Tây Tạng, tôi còn có niềm an ủi bao năm lễ độ với thế giới siêu hình.

-     Anh có mua không? - Cô gái bán hàng xứ Tạng mà giờ đây trong tôi như một ngạ quỷ hiện ra giữa sân bay Lhasa hỏi tôi.

-  Không! - Tôi lắc đầu buồn bã.

-     Tại sao lại không? Nó không làm anh hài lòng à?

Không trả lời, tôi mở valy lấy ra bức tượng Phật đặt vào lòng tay cô gái và nói rằng, tôi đã mua nó với bao tình thương yêu thiêng liêng nhưng nay xin trả lại cho xứ Tạng vì khi lên máy bay, tôi không thể mở cửa ném bức tượng trần tục, sa đoạ này tan tành trên dãy Himalaya!

-     Chẳng đến nổi ghê tởm như anh nghĩ đâu.

-     Vậy đây là Anh Minh và Đạo Pháp ư? - Tôi đưa ánh mắt về phía Phật. Không có người đàn bà, trông ngài như một tay đồng tình luyến ái lên cơn dục tính trên phố đèn đỏ Amsterdam. Người con gái Tạng thản nhiên đặt thân hình người đàn bà vào lòng Đức Phật.

-     Chính cái thần thánh hoá của các anh đã làm cho Đức Phật suốt đời không được tự do! Phải xem Phật là một con người! Anh hiểu chưa! Chính nơi này, Tây Tạng - Cô gái Tạng chỉ vào tượng Phật Ngài mới sống bình yên và lâu dài vì ngài được làm một con người bình thường!

Đó là lời cuối cùng tôi nghe từ khuôn miệng một người Tạng. Cô gái Tạng kia, nàng có biết, nàng vừa làm tôi tỉnh giấc trên ván sàn tâm linh! Một lời nói giản đơn nhưng vô cùng thâm hậu! Ôi cái khổ của Phật là phải làm anh hùng suốt cuộc đời, ngay cả khi tạ thế hàng ngàn năm qua ngài cũng phải sống đời sống một anh hùng!

-     Tu qi qí! - Tôi cảm ơn cô gái Tạng và ôm lấy pho tượng của mình bước lên máy bay. Thung lũng Gongkhar trong xanh. Tôi thả ánh mắt vào nắng mai hực hở. Có một nguồn cảm hứng bình minh sinh nở bất tận trong đôi mắt tôi.

Padmasambhava! Con sư tử hiện sinh của dòng Thích Ca! Khi rời Tây Tạng tôi mới nhận ra sự ảo diệu nhất trong các bức tranh vẽ Ngài chính là ở điều bình thường nhất của cuộc sống. Hình ảnh ngài khoả thân giữa các chư vị Phật hay thần nữ Tarâ cùng các thánh nữ Dakini đã làm cho nhân loại hiểu nhầm ngài là kẻ dâm giáo. Họ đâu biết Mật giáo với tất cả sức mạnh thần thông trí tuệ của ngài tạo lập là nhờ vào sự thông hiểu và thăng hoa năng lực chính yếu của con người - lực sinh sản!

Lực sống quan trọng này đã cân bằng cái chết sự sống và có thể chuyển hoá tâm thức giải thoát như Novalis thấu hiểu “dùng các cơ quan một cách hữu hiệu chẳng là gì khác ngoài cách nghĩ thần diệu làm kỳ ảo”! Không đè nén cảm xúc, không bị ràng buộc, không bị cấm sử dụng các hình ảnh biểu tượng, Padmasambhava và dòng Mật giáo của Ngài lựa chọn cuộc sống bằng thái độ tự do của một con người khoa học!

Dễ dàng nhận thấy, tất cả những con người làm nên một Tây Tạng vĩ đại đều sinh ra ở nơi khác từ Padmasambhava, Renchen Sangpo cho đến Atisa. Có phải ngày xưa, do không ai chấp nhận tư tưởng tự do và khoa học của mình nên các ngài không quản ngại núi cao tuyết thẳm lên Tây Tạng để truyền bá, thực nghiệm những công trình mình đã tận tuỵ nghiên cứu!

Mặt trời thật bất hạnh khi chỉ nhìn được núi non trên cao. Mặt trời không có cái nhìn từ hai chiều để thấy núi vừa vĩ đại vừa bé nhỏ cùng sắc màu tâm linh. Từ trên cao không gian, tôi bỗng thấy Tây Tạng là vùng đất của những con người luôn luôn đặt mình trong trạng thái cao nhất của cảm xúc. Không cần ngày lễ hội hay đám tang mới buộc vải lên cây để bày tỏ niềm thiêng liêng với thế giới siêu nhiên như ở miền xuôi. Trong vườn nhà, trên cánh đồng tsampa, bên vực thẳm dòng sông, bóng cây đều được quấn vải quanh gốc, cành lá bay cờ phướn. Nghĩa là, lúc nào và bao giờ, người Tây Tạng cũng sống trong trạng thái chia sẻ với thế giới siêu nhiên. Một ngọn cỏ cành cây còn được cứ trú thường trực như vậy trong tâm linh huống hồ vạn vật vĩ đại và huyền nhiệm hơn.

Không sống lưng chừng. Đặt mình trong trạng thái đỉnh cao của cảm xúc, tâm thức hoà nhập vào sự vận động của vũ trụ, sẽ làm cho con người không ngừng vận động trí tưởng, khám phá và sáng tạo.

Nằm ở trên cao, biệt lập với thế giới. Nơi đây khoa học được tự do hành đạo. Với cảnh trí thiên nhiên hoành tráng, hư ảo vô song nhưng hiện ra rất chân thực trong mắt, con người tha hồ buông thả cảm xúc; từ đó sinh ra sự tưởng tượng, chuyên tâm thám hiểm tận cùng đáy sâu của tư tưởng bằng cách sử dụng hữu hiệu 3 năng lực ngôn ngữ, âm thanh và ánh sáng.

Thử vén tấm mạng Mây ảo diệu dệt đan từ 3 năng lực ấy, chúng ta sẽ thấy lộ ra những hiện thực tâm linh tinh tuý và nồng nàn khoa học.

Làm sao tôi quên được đường dao xẻ xác thiện nghệ giải phẫu cơ thể học của con kiến già Rigpapa! Làm sao tôi mỏi mệt giường chiếu khi nhớ đến giáo huấn tình dục tuyệt chiêu Padmasambhava miệt mài nghiên cứu 12 thế kỷ trước!

Làm sao lưỡi tôi có thể khuất cảm năng lực ngôn ngữ mà người đàn ông xứ Tạng truyền dạy trên sân tu viện Tashilhunpo!

Tôi cũng chẳng tuyệt vọng khi nghĩ về cái chết, ngược lại hàng ngày tôi đọc tên mình, tên người trong tình yêu thương, những mong người chết lẫn người sống quanh mình vượt qua khổ đau theo phép giải thoát thấu đạt tâm lý chiều sâu! Tôi sẽ minh mang xác mình, tự do hạt ánh sáng chao liệng nếu không lưu giữ cơ thể và gen di truyền trong trạng thái Samapatti hay tượng táng bền vững.

Rồi trong cảnh nào, tôi vẫn xoè bàn tay về đứa bé chăn dê, biết cầm quả chuông xoay theo trục xoay của hệ hành tinh mặt trời để hạnh nguyện cùng nhịp sống vũ trụ vì tuổi thơ sớm biết sử dụng nguyên tố tự nhiên thành lực sống! Hằng khi miên man giông bão, bóng hình bông hoa vực sông Yarlung Tsangpo và ngọn nến tu sỹ mê mãi dòng kinh thư trên hốc tường cung Potala thắp sáng cho tôi thấy vì sự bền gan mà loài cỏ dại cao hơn chân trời!

Người đàn bà Tsangfu! Da thịt tôi tươi mới hồi sinh. Mười đầu móng tay, mười đầu móng chân tôi dài ra tương lai chân cứng đá mềm nhờ nguồn sữa chảy từ văn minh vú ngào ngạt phóng khoáng!

Và dĩ nhiên, tâm linh - môi trường sống điềm nhiên ở Tây Tạng cùng biết bao điều còn “thiền định” dưới rặng tuyết Himalaya sẽ mang đến cho nhân loại thêm nhiều cảm xúc trước sự huyền bí! Cảm xúc trước sự huyền bí, nói như Albert Einstein, đó là cảm xúc đẹp nhất và sâu xa nhất của con người. Chính cảm xúc này đã khiến cho khoa học chân chính nẩy nở. Những ai không còn có những cảm xúc đó, không còn biết ngạc nhiên và chỉ biết đứng ngẩn người ra vì sợ hãi thì sống cũng như chết!

Nhưng! Thiên hạ lâu nay, thay vì cảm xúc trước sự huyền bí, lại thường huyền bí hoá Tây Tạng mà quên mất Tây Tạng là một trong những chiếc nôi ánh sáng nẩy nở khoa học chân chính!

Không chỉ phóng chiếu linh ảnh ý thức, chết cũng vùi thân trong ánh sáng, Tây Tạng đã làm nên một dòng văn hoá khác biệt: Văn hoá ánh sáng. Giá trị ánh sáng được khẳng định trong mọi gam màu cuộc sống, từ lời kinh rơi đầu lưỡi cho đến ngọn địa y hát xanh núi tuyết! ánh sáng trở thành ngôn ngữ triết học đối thoại vô tiền khoáng hậu trên miền đất Tây Tạng!

Thật lầm thay nếu tìm đến Tây Tạng để mong được huyền bí tĩnh tâm miên viễn bởi con người yên tĩnh của tư tưởng và con người hành động của khoa học cùng tịnh tiến nuôi dưỡng dòng văn hoá ánh sáng bằng cái nhìn thiền định sâu sắc của trí huệ và tình thương! Chỉ khi nào biết hay nhìn thấy trạng thái tự nhiên của vạn vật và nhận ra ánh Sáng trong tâm thì người ta mới thoát luân hồi. Trí huệ Niết Bàn và Vô minh luân hồi là hai điều khác nhau nhưng thật ra hai điều này không phân biệt. Cho rằng hai điều này không phải một thì sai lầm! Không có gì có thể quan niệm được lại ở ngoài tâm - Padmasambhava rất biện chứng với những dòng giáo huấn trong giáo lý sâu xa về tự giải thoát bằng thiền quán các vị thần hiền hoà và phẫn nộ - Cũng như mè là gốc của dầu, sữa là gốc của bơ, nhưng nếu không ép hạt mè và khuấy sữa thì không có dầu và bơ!

Có tâm biện chứng ấy, ngay cả người chăn bò cũng có thể thực hiện đạt giải thoát!

Qua khung cửa máy bay, bầy bò Himalaya đang nhởn nhơ gặm ánh sáng. Ai sẽ chăn dắt chúng cũng như ai sẽ chăn dắt tôi đi qua cuộc đời nếu không phải là sự vận động vĩnh hằng thuần khiết tự nhiên và tấm lòng chân thành của đời sống!

Tat tvam asi! Chính ta là cái ấy! Thấm nhuần tấm lòng thành Rigveda, con người sẽ thấy cái siêu việt chính là cái bình thường nhất và thế giới không bao giờ xa lạ mắt nhau như ngày thành chứng quả vô thượng chánh giác, Phật nói: Các thiện nam tín nữ, này ta nói rõ cho các ông nghe. Những thế giới ấy mà người kia đặt một hột bụi, tất cả những hột bụi ấy, mỗi hột bụi ví như một kiếp, ta thành Phật từ ấy đến nay còn nhiều hơn số trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên kiếp ấy. Từ ấy đến nay, ta luôn luôn ở tại thế giới ta bà này nói pháp giáo hoá chúng sinh.

Tất cả những tồn tại rồi sẽ qua đi! - lời di huấn cuối cùng trước lúc viên tịch ở vùng ngoại ô Cusinagara trên đường trở về quê nhà Himalaya của Phật nhắn gửi lên tôi đường bay từ giã Himalaya Vậy nên các người càng nên gắng sức!

Ôi! Nghiệp bụi ta bà, biết tất cả sẽ tan thành mây khói nhưng vẫn gắng sức ươm trồng công quả để dựng nên một cõi giang hồ hào sảng tinh thần chiến sỹ tâm linh! Người nô bộc đáng kính của tình yêu thương ấy sẽ không bao giờ lụi tàn! Trên chốn cao nhất trần gian, nơi mà mỗi bước chân bụi sáng đều nghe rõ báu vật giản dị từ lời kinh Pháp Hoa, Đức Phật không còn là Phật, Ngài được sống như một đức Guru khả kính, không mất đi bóng dáng con người!

Không chỉ có Phật, Himalaya và Tây Tạng đã cho tôi trở thành một đứa bé nội tâm lang thang bằng những giọt hoa trong nắng!

 

Giáng sinh, 24 tháng 12 năm 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét