Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Sao cứ đùa anh là thạch nhọn?

 


Sao cứ đùa anh là thạch nhọn?

 Nguyễn Huy Thiệp

     Một chiều mùa đông. Gió se lạnh. Mưa nhỏ. Một quán ăn ven sông. Phạm Tiến Duật, Tôn Gia Khiêm (con trai học giả Tôn Quang Phiệt) và một quan chức Bộ Giáo dục bước vào.


     Món thịt rùa bát bảo nấu rất cầu kỳ bưng lên ngon tuyệt. Rượu thơm lừng. Phạm Tiến Duật ngà ngà say, nửa nói, nửa cười đưa tay khỏa lên trong không khí: "Không có kính, không phải vì xe không có kính...!". Tất cả mọi người lặng đi. Tất cả như mê như man. Cô nhân viên phục vụ bưng khay đồ ăn luýnh quýnh vướng chân vào gấu váy ngã lăn quay dưới chân cầu thang. Cô gái không dám kêu to vì sợ phá vỡ không khí nghiêm trang. Phạm Tiến Duật đọc thơ, bài thơ khiến anh nổi tiếng một thời.


     Dưới đây là phần diễn nôm bài thơ Tương tiến tửu của Lý Bạch mà tôi đã đọc tặng Phạm Tiến Duật trong chiều mưa hôm ấy:


     " Kìa bác chẳng thấy nước sông Hoàng Hà từ nơi cao như ở trên trời đổ xuống, chảy ra đến bể thì không thể còn quay trở về được nữa. Và bác chẳng thấy trong tấm gương sáng trên nhà cao kia, buồn trông mớ tóc bạc, ấy nó chỉ sớm là tơ xanh mà chiều đã đổi thành tuyết trắng rồi. Đời người ta mỗi quãng đi mãi không thể lấy về, cho nên gặp lúc đắc ý nên uống rượu cho say, đừng để cho chén vàng phải gác suông dưới bóng nguyệt. Trời sinh người ta hữu tài tất hữu dụng, nghìn vàng trong tay tiêu đến hết rồi lại quay về. Vậy thì hãy cứ mổ dê giết trâu mà bày ra cuộc vui đi, rồi một lần uống nên uống ba trăm chén. Này hai anh Sầm Phu Tử và Đan Châu Sinh kia, đã uống rượu thì chớ có ngừng. Tôi vì các bác mà hát một bài, các bác hãy vì tôi nghiêng tai mà nghe! Trong bữa tiệc phải có chiêng trống để làm nhạc, trâu dê để làm cỗ, sự đó không quý gì. Chúng mình chỉ cốt uống rượu là còn để được tiếng về sau. Trần Tư Vương tức là Tào Thực con Tào Tháo ngày xưa bày tiệc ở Bình Lạc chủ khách uống rượu đến mười nghìn đấu thoả thuê hết sức. Vậy khổ chủ hôm nay đừng nên kêu là ít tiền, kíp đi mua rượu ngay để cho ta uống. Nếu không có tiền thì con ngựa năm hoa, áo cừu nghìn vàng kia là những vật còn dùng được cả, hãy sai người đem đi đánh đổi lấy rượu để ta cùng uống cho tiêu cái sầu của muôn đời!".


     Đoạn diễn nôm trên đây hơi dài dòng nhưng có cái lý của nó về sau. Ta biết thơ Lý Bạch mỗi từ là một hạt ngọc. Nhưng hãy cứ để Lý Bạch đấy mà quay về với hiện thực bây giờ.


    Có lẽ trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam không có ai gây được cảm giác lên đồng như Phạm Tiến Duật đã từng làm. Thơ Phạm Tiến Duật như có nghìn đấu rượu ủ ở bên trong. Thơ Phạm Tiến Duật cuốn hút số đông. Đấy là tiếng kèn đồng, là chiêng trống, là quân nhạc (hoặc phải được đọc trên nền quân nhạc). Phạm Tiến Duật là điểm cao 559 trong trùng điệp các nhà thơ có danh và vô danh trong thời kháng chiến. Những người khác chỉ là 307, 333, 555 nhưng Phạm Tiến Duật là 559.

     Thơ Phạm Tiến Duật:

Anh cùng em đi sang bên kia cầu

Nơi có những miền quê yên ả...

... Em ở Thạch Kim, sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn

Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc dài quanh quanh hố bom

Cái miệng em ngoa cho bạn cười ròn...

Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để... 

 

     Trần Đăng Khoa có lần nhận xét thơ Phạm Tiến Duật là vè hoặc có chất vè. Nhận xét như thế hơi ác. Thực ra, thơ là vần vè, nhà thơ nào chẳng vần vè. Cần phải thấy rõ hiệu quả thẩm mỹ mà thơ Phạm Tiến Duật từng đưa lại: không phải tự dưng có người cho thơ Phạm Tiến Duật có sức mạnh như một sư đoàn! Hoàn toàn có lý! Đấy là sức mạnh khuynh thành khuynh nước của thi nhân, của văn chương. Trên văn đàn, Phạm Tiến Duật đã từng là thần tượng của rất nhiều thế hệ. Nhưng rồi thời gian trôi đi.

     Trong số báo Văn nghệ gần đây (số 35 ra ngày 28/8/1999) Phạm Tiến Duật kể về chuyện dẫn chương trình cho Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Dưới đây là trích đoạn bài viết đó:

     ... Từ lâu nay tôi là một trong những nhà thơ tham gia rất nhiều các chương trình thơ, nhạc, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng và giao lưu với khán giả. Nghĩa là tôi rất quen với ánh đèn sân khấu. ấy thế mà mấy đêm ở Nhà hát Lớn Hà Nội tôi run. Tôi run đến líu cả lưỡi không nói được. Tôi không sợ những người ngồi trước mặt tôi mà tôi run người lên vì một chi tiết trên bộ y phục biểu diễn mà tôi mặc trên người. Theo sự sắp đặt của ông quyền giám đốc nhà hát - nghệ sĩ ưu tú Đỗ Tiến Định và đạo diễn nữ NSND Thu Hiền, tôi phải xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục với mũ tai bèo hẳn hoi. Bộ quần áo và mũ thì Nhà hát có và đúng là quân phục những năm 60, 70. Nhưng thắt lưng thì không phải. Tôi đi tìm mượn bằng được cái thắt lưng của lính ngày trước. Một người bạn tôi, anh Nguyễn Anh Sơn là trung tá bộ đội không quân hiện nay cho tôi mượn cái thắt lưng nhựa màu đỏ mận của thời xa xưa ấy. Mà cái thắt lưng ấy cũng không phải của anh Sơn mà vốn của một người lính Trường Sơn ngày trước. Người lính ấy còn mất thế nào không biết. Cái thắt lưng ôm lấy bụng tôi như vòng tay của bạn đang ôm tôi. Thế thì tôi yên dạ sao được khi nhạc đã tấu lên khúc nhạc ngày trước. Bao nhiêu mưa rừng, gió núi, bao nhiêu bom đạn một thời, bao nhiêu kỷ niệm đổ ập xuống tâm tưởng làm tôi run lên....

     Chuyện thắt lưng buộc bụng của Phạm Tiến Duật kể trên có phần chính trị (nhưng thật ra theo tôi có phần kinh tế nhiều hơn). Phạm Tiến Duật là một nhà thơ. Chính anh đã kể rằng bạn bè từng khuyên anh: "Hãy đừng suy nghĩ miên man, tản mạn nữa. Hãy làm thơ đi, hãy làm thơ vì Việt Nam!" (trích bài viết trên).

     Phạm Tiến Duật là nhà thơ nhưng con tạo oái oăm xoay vần, khiến anh vẫn phải đi làm những việc... không thơ! Cơm áo không đùa với khách thơ. Đúng là lắm lúc phải uống rượu cho say thật. Phạm Tiến Duật! Anh là Thạch Kim, Thạch Bàn, là Thạch Tú, Thạch Sùng, là Thạch Phá Thiên, Thạch Đại Phu... sao cứ đùa anh là Thạch Nhọn?

     Trường hợp của Phạm Tiến Duật phải chăng cũng giống như số phận của bao thi sĩ khác. Từ cổ chí kim, ngay cả với Lý Bạch, Tào Thực, Nguyễn Du... thử hỏi mấy ai đã được thoả chí bình sinh trong đời? Hãy đọc lại bài thơ Tương tiến tửu diễn nôm na ở trên kia mà xem.


     Con người diễn nôm na ra ai chẳng lằng nhằng! (*)


(*) Bài in trên báo Tiền phong, ký bút danh.

 ------

PS.

Thương tiến tửu 將進酒 • Xin mời rượu

 將進酒 

君不見:

黃河之水天上來,

奔流到海不復回?

又不見:

高堂明鏡悲白髮,

朝如青絲暮成雪?

人生得意須盡歡,

莫使金樽空對月。

天生我才必有用,

千金散盡還復來。

烹羊宰牛且為樂,

會須一飲三百杯。

岑夫子,

丹丘生,

將進酒,

杯莫停。

與君歌一曲,

請君為我傾耳聽。

鐘鼓饌玉何足貴,

但願長醉不願醒。

古來聖賢皆寂寞,

唯有飲者留其名。

陳王昔時宴平樂,

斗酒十千恣歡謔。

主人為何言少錢,

逕須沽取對君酌。

五花馬,

千金裘,

呼兒將出換美酒,

與爾同消萬古愁。

  

Thương tiến tửu

Quân bất kiến:

Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!

Hựu bất kiến:

Cao đường minh kính bi bạch phát,

Triêu như thanh ty, mộ thành tuyết.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!

Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,

Thiên kim tán tận hoàn phục lai.

Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,

Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.

Sầm phu tử,

Đan Khâu sinh.

Thương tiến tửu,

Bôi mạc đình!

Dữ quân ca nhất khúc,

Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính:

“Chung cổ soạn ngọc hà túc quý,

Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!

Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,

Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.

Trần vương tích thời yến Bình Lạc,

Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.”

Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,

Kính tu cô thủ đối quân chước.

Ngũ hoa mã,

Thiên kim cừu,

Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,

Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.

 

 

 

Dịch nghĩa

Anh không thấy:

Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống,

Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa.

Anh lại không thấy:

Cha mẹ soi gương buồn nhìn tóc bạc,

Sáng còn như tơ đen mượt, chiều tối đã trắng như tuyết.

Đời người khi nào đắc ý nên tận tình vui sướng,

Đừng để chén rượu vàng cạn queo nhìn vầng trăng.

Trời sinh ra ta có tài thì ắt sẽ được dùng,

Ngàn vàng tiêu sạch hết rồi sẽ có trở lại.

Mổ dê giết trâu cứ vui cái đã,

Uống một lần ba trăm ly rồi hãy tính.

Này ông bạn họ Sầm,

Này ông bạn Đan Khâu.

Xin mời uống rượu,

Chớ có ngừng chén.

Tôi xin ca một khúc cho các anh,

Xin các anh vì tôi lắng tai nghe:

“Chuông trống cỗ bàn nào có đáng quý,

Chỉ xin được say hoài không muốn tỉnh.

Xưa nay các bậc thánh hiền đều không còn tiếng tăm,

Chỉ có kẻ uống rượu mới để lại tên tuổi.

Trần vương hồi xưa mở yến hội ở Bình Lạc,

Mười ngàn đấu rượu tha hồ mà hoan lạc vui cười.”

Tại sao chủ nhân lại nói ít tiền,

Hãy mau mau mua rượu mời các anh uống.

Này ngựa hoa năm sắc,

Này áo cừu giá ngàn vàng.

Kêu đứa nhỏ ra đem đổi lấy rượu,

Cùng bạn tiêu mối sầu vạn cổ.

 

 

Bài này được sáng tác khoảng năm Thiên Bảo thứ 11 (752). Đề mục Thương tiến tửu vốn là tên một điệu Nhạc phủ đời Hán, thuộc Đoản tiêu nao ca có nội dung là lời phóng ngôn khi uống rượu, có sách chép là Tích tôn không 惜罇空.

 

Chữ trong tên bài ở đây đọc âm “thương” (tương ứng âm “qiāng” trong tiếng Trung hiện đại) với nghĩa xin mời, hãy.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét