Truyện Quan Âm Chỉ Lộ
có nhiều đoạn văn nói về tư cách và lý tưởng của người cầm bút. Tác giả Nguyễn
Huy Thiệp qua giọng nói của một chính trị gia, ông Lai, đã chất vấn vai trò và
tư cách của người cầm bút.
.....
Không biết từ bao giờ, tôi đã được mớm cho cái ý nghĩ là nhà văn phải là người có lòng, phải là người tốt, phải trung thực. Có lẽ vì thế mà khi nhìn thấy người trong giới văn chương xảo trá tôi rất ngỡ ngàng. Cứ tưởng chỉ có dân chợ trời mới lật lọng nhưng té ra tôi chưa bao giờ bị lường gạt ở chợ trời. Chuyện không dính líu đến tiền bạc mà người ta còn dở trò gian dối thì thử tưởng tượng đến chuyện quan trọng có dính líu đến tiền bạc và quyền lực thì người ta sẽ xảo trá gian manh đến mức độ nào. (Nguyễn Thị Hải Hà)
QUAN ÂM CHỈ LỘ
Nguyễn Huy Thiệp
Ngôi trường vùng cao ở lưng chừng đồi, đơn sơ một ngôi nhà gianh
vách đất, một nửa là lớp học, một nửa là chỗ ở của hai cô giáo Thu và
Kiểm. Lớp học thường xuyên xê dịch có từ 7 đến 20 học sinh của năm dân tộc
là Mông, Thái, Nhắng, Dao và Lô Lô.
Hai cô giáo Thu và Kiểm đều quê ở Tiền Hải Thái Bình, bố mẹ là dân
chài vùng biển. Hai cô học hết cấp 2 phổ thông trung học thì đi học một
lớp sư phạm nâng cao hai năm. Tốt nghiệp ra trường, Đoàn thanh niên có
phong trào “thắp lửa ánh sáng vùng cao”, họ ghi tên tham gia và mười ngày sau
họ có mặt ở ngôi trường này.
Ai lên Sa Pa, nếu đến nơi xa nhất thì phải đến bản Suối
Thầu. Từ chợ Sa Pa đến đây tròn 70 cây số. Người Mông, người Dao
giỏi đi bộ thì mỗi ngày đi được 20 cây. Thu và Kiểm vẫn thường xuyên đi
lại trên tuyến đường này. Ngôi trường của họ ở nơi hẻo lánh nhất của vùng
đất du lịch không thể nói là không phù hoa đó. Ôi Sa Pa,
Sa Pa... Mảnh đất tình yêu! Mảnh đất giữ người!
Tết năm ngoái, tôi có dịp lên Sa Pa theo lời mời
của gia đình một người bạn. Anh Lai, Vụ trưởng một Vụ, chuẩn bị đi làm đại sứ
một nước ở châu Âu, quyết định không ăn Tết ở Thủ đô mà đưa cả nhà đi du lịch.
Họ sẽ ăn Tết ở Sa Pa. Tôi được mời đi theo “tháp tùng”. Mấy năm gần
đây, hội “tay to” ở Hà Nội có “mốt” không ăn Tết ở nhà mà đóng cửa đi dã ngoại
để đổi không khí, cũng tránh cả việc người ta đến lễ lạt nhờ vả nhiêu
khê... Tiền nhiều chẳng làm gì. Chất lượng cuộc sống trên
hết. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng... Những triết lý như thế gần đây
tôi được nghe nhiều ở các quan chức và giới doanh nhân thành đạt. Cũng là
một “mốt”...
Chị Hỷ, vợ anh Lai (xuất thân thợ dệt) tính rất chu đáo đã mua vé
tàu hoả, thuê nhà, chuẩn bị thức ăn chu đáo cho 10 ngày nghỉ Tết, mọi người
chẳng ai phải mó tay vào.
- Không thiếu thứ gì! – Chị Hỷ vui vẻ bảo tôi – Chú sẽ
được ăn Tết như ở nhà mình.
Gia đình anh Lai có năm người: hai vợ chồng anh, cháu Quang đang
du học ở Mỹ (đại học Duke) về nghỉ Tết, cháu Vân đang học lớp 12 trường Chu Văn
An Hà Nội và Yên, cô "ô-sin" người vùng đạo gốc Bùi Chu.
- Chú là nhà văn danh tiếng nhưng nghèo – Anh Lai bảo tôi – Nghề
của chú chẳng phải là nghề. Đó là nghiệp chướng. Đọc, đi, viết là ba
công đoạn mà tay nhà văn nào không làm được thì đừng nói gì đến có
tác phẩm. Không đọc, không đi thì viết thế nào? Nhưng không có tiền
thì chịu. Chuyến đi Sa Pa này vợ chồng tôi “bao” hết, chỉ mong chú viết
được cái gì hay hay đóng góp cho đời. Vợ chồng tôi
chọn Sa Pa cũng là vì chú! Ngày xưa, Khổng Tử du ngoạn Thái Sơn
có nói được câu chí lý: “Người nhân từ yêu núi, người có chí yêu nước”. Nhà văn
phải là người nhân từ, phải là người nhân nghĩa, nhân văn...
Tôi nghe. Tôi đi cũng là vì nể anh Lai. Nhân từ gì tôi
không biết, ngày trẻ tôi đã ở miền núi Tây Bắc 10 năm, miền núi tôi chẳng lạ
gì. Nhưng thôi, một chuyến đi du lịch, một cái Tết xa nhà cũng tốt cho
tôi: ở nhà toàn khuôn mặt cũ, những đứa con tôi đã lớn, chúng không cần tôi
nữa, tôi và danh tiếng hão của tôi đã là gánh nặng cho cả gia đình...
Chúng tôi lên Sa Pa vào 25 Tết. Chị Hỷ thuê một
biệt thự riêng. Mọi người ai nấy đều như chim sổ lồng: anh Lai
đi thăm vùng trồng hoa với bạn học cũ là phó chủ tịch thị xã, cháu Quang và
cháu Vân đi Thác Bạc – Cổng Trời, cô "ô-sin" đi lễ nhà thờ rồi đi
chợ, chị Hỷ ở nhà “giữ gôn”. Còn tôi, số phận run rủi, ma xui quỷ khiến
thế nào mà tôi lại đến ngôi trường của hai cô giáo Thu và Kiểm.
Ở Sa Pa, có một cửa hàng bán đồ cổ nhỏ. Chủ ở đây
nghe nói là một người Nhắng giàu có. Tôi rất thích vài thứ bày ở đây nhưng
giá của nó khá đắt. Thấy tôi loay hoay mãi bên cửa hàng, một anh chàng
lái xe ôm gạ tôi:
- Nếu ông thích mấy thứ này, tôi đưa ông vào bản Tả Van hay vào
Bản Hồ, ở đấy có thể có người còn có nhiều thứ hay.
Tôi lưỡng lự. Anh ta nói thêm:
- Càng đi xa càng nhiều thứ quý.
Tôi hỏi:
- Ở Sa Pa, nơi xa nhất là đâu?
- Suối Thầu.
- Đi có khó không?
- Cũng không khó lắm.
Tôi xem đồng hồ, thấy còn sớm bèn quyết định đi chơi xa một
chuyến. Anh lái xe bảo tôi:
- Chắc ông sẽ không thất vọng vì chuyến đi này.
Tôi ngồi lên xe. Chiếc xe “Min-khơ” dã chiến phóng nhanh như gió. Rừng núi đại ngàn trùng điệp mở ra trước mắt. Tôi chưa bao giờ đi một cuốc xe kinh hoàng như thế. Một bên là vực sâu, một bên là núi cao. Thỉnh thoảng, một trận mưa địa hình đột ngột trút xuống. Gió lồng lộng thổi. Tôi đã có thâm niên ở miền núi nhiều năm nhưng quang cảnh hùng tráng thế này thì không phải miền núi nào cũng có. Những viên sỏi bắn vào hai bên lốp xe rào rào. Anh lái xe ôm, chắc đã quen đưa khách đi du lịch phiêu lưu thế này, chỉ chăm chú nhìn về phía trước, tôi nghĩ nếu tôi ngã xe có khi anh ta cũng chẳng biết gì.
Đường vào Suối Thầu đi xe máy cũng hơn 5 tiếng đồng hồ.
Anh lái xe ôm bảo tôi:
- Theo tôi, tốt nhất là ông nên nghỉ lại đây đêm nay. Tôi có
thể chỉ cho ông vài nơi nghỉ trọ. Bọn Tây du lịch cũng hay làm thế. Bọn
“gai” (tour – guide: hướng dẫn viên du lịch) người Mông vẫn dẫn họ vào đây như
cơm bữa. Giá nghỉ trọ ở đây cũng mềm, chỉ khoảng độ 10 đồng bạc là cùng.
Tôi nghe lời chỉ dẫn của người lái xe ôm. Anh ta
dẫn tôi vào trong ngôi trường học mà tôi đã kể ở đầu câu chuyện. Hai cô
giáo rụt rè ra đón vẻ rất băn khoăn. Tôi tự giới thiệu về mình. Cô
giáo thấp lùn, có khuôn mặt vuông vức tên là Kiểm mắt sáng lên:
- Em đã từng nghe đến tên ông. Nếu ông đúng là nhà văn thì em
cho trọ.
Cô giáo người gày gò, trắng trẻo tên là Thu hỏi anh
lái xe ôm:
- Anh về Sa Pa hay cũng nghỉ lại?
Anh này trả lời:
- Tôi về thôi. Mai lại vào. Ông nhà văn này muốn tìm đồ
cổ, có gì nhờ hai cô giáo tìm giúp.
Họ chia tay nhau. Hai cô giáo dẫn tôi vào lớp học, ở đấy
đang có một cô bé người Mông ngồi tập viết chữ. Hai cô giáo loay hoay kê những
chiếc ghế băng sát lại, sau đó họ mang đệm và chăn bông vào. Ngay lập tức,
tôi đã có một chiếc giường ngủ hảo hạng. Tôi lấy điện thoại di động gọi về
Sa Pa, anh Lai và chị Hỷ trách tôi nhưng hai cháu Quang và Vân thì thích, hứa
có thể sẽ vào Suối Thầu với tôi.
Đêm hôm đó, bên bếp lửa, tôi được nghe hai cô giáo Thu và Kiểm kể
về cuộc đời của họ.
- Thế hai cô ở đây được mấy năm rồi?
- Được 6 năm.
- Thế Tết này các cô có về quê ăn Tết hay không?
Cô Kiểm thở dài:
- Cái Thu thì 27 Tết mới về. Còn em... Tết này chưa chắc em
về được.
- Thế có năm nào các cô ăn Tết ở đây hay không?
Cô Thu bảo:
- Tết năm nào em cũng về quê ăn Tết. Em đang định bỏ
việc, ở đây chán lắm. Còn cái Kiểm, sáu năm rồi, năm nào nó cũng ở
lại. Năm nào nó cũng bảo: “Tết này chưa chắc em về được”.
Cô Kiểm quay mặt về phía bóng tối, giấu ánh mắt buồn
buồn. Tôi không tiện hỏi, bèn quay sang nói chuyện về phong cảnh với khí
hậu Sa Pa. Tôi cũng hỏi về các món đồ cổ lưu lạc ở trong các gia đình người dân
tộc ở vùng cao này. Thế kỷ XVIII, Hoàng Công Chất khởi nghĩa ở đồng bằng, bị
triều đình đánh đuổi lưu lạc lên đây, có nhiều gia đình thổ hào đi theo.
Đây cũng là vùng buôn bán hàng lậu từ Vân Nam Trung Quốc sang. Vì thế, rất
có thể có nhiều đồ cổ lưu lạc ở đâu đấy rất quý giá.
Sáng hôm sau, cô giáo Thu chuẩn bị về quê. Lớp học đã nghỉ,
chỉ có vài ba đứa học sinh thỉnh thoảng đến xin bài về học trong dịp nghỉ Tết.
Cô giáo Kiểm dặn dò chúng. Ngày xưa, khi còn đi dạy học ở vùng núi Tây
Bắc, tôi đã hiểu tâm trạng của các thày cô giáo miền xuôi lên dạy học ở miền
núi vào những ngày này. Lòng dạ rối bời cứ như lửa đốt, sắm sửa quà Tết,
gói ghém đồ đạc, mong chờ kỳ lương cuối cùng trong năm, bóng dáng của người
thân cứ hiện rõ dần... Ôi tuổi trẻ phiêu lưu và ngốc nghếch! Ngươi chẳng sợ gì
gian khó, chẳng sợ gì cô đơn, dòng máu chảy trong huyết quản của ngươi mới mạnh
làm sao, những chân trời nào và ánh mắt nào vẫy gọi? Giọng cười nào, tiếng hát
nào, giấc mơ nào của ngươi cũng đều nồng nàn vẻ đẹp thuần khiết hiến tặng cho
cuộc đời, cho con người... mà người thì bạc như vôi, còn đời thì ngắn... Nhưng
chẳng sao, chẳng sao cả, những lớp người kế tục nhau như những đợt sóng bên
ngoài trùng khơi...
Cô giáo Kiểm cho một học sinh dẫn tôi đi vào trong bản. Phần
lớn các nhà ở đây đều nghèo, nhiều người Mông, người Nhắng nghiện thuốc phiện. Tôi
rẽ vào một ngôi nhà trên núi, thấy một người đàn ông người Mông trạc 50 tuổi
đang vật vã vì đói thuốc. Chị vợ đang ngồi giã mèn mén. Thấy
tôi vào, họ cũng mặc kệ. Tôi lân la hỏi chuyện người vợ. Tôi nhìn
thấy trong chạn bát có một pho tượng Phật nhỏ bằng đồng đen thui. Pho
tượng rất lạ, đó là hình hai mặt Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên toà sen đặt trên
đống tiền và trên đĩnh vàng, có mấy chữ Hán, tôi chỉ đọc được bốn chữ: “Quan
Âm chỉ lộ”. Tượng Quan Thế Âm tôi đã thấy nhiều, nhưng tượng được đặt
trên một đống tiền và vàng thì chưa từng thấy. Tôi đoán đây là tượng của
một thương gia nào đó, có thể được đúc riêng nhân kỷ niệm mừng sinh nhật hoặc
mừng tân gia cho ai đó. Pho tượng trông rất có thần, đường nét tinh tế,
không cổ lắm nhưng rõ ràng không phải tượng mới. Trong ruột bức tượng, có
lẽ người ta có yểm bùa và cho vào đó những viên sỏi kỳ lạ, lắc lên nghe lạo
xạo.
Tôi hỏi người đàn bà, tỏ ý muốn mua pho tượng. Người chồng
trừng mắt:
- Không bán đâu. Nó là gia bảo đấy!
Tôi không gặng hỏi, tôi biết người Mông tính rất dứt
khoát. Tôi rất ái ngại vì thấy tình cảnh của gia đình này thật bi
đát. Tôi lấy ra một món tiền nhỏ tặng chị vợ. Chị ta không nhận, nhìn
về phía người chồng rồi nói:
- Không lấy tiền đâu! Nếu có tiền nó lại đi mua thuốc phiện.
Người chồng đứng lên, giật phắt lấy số tiền
trên tay tôi, quát vợ:
- Nó cho mình thì mình lấy chứ!
Chị vợ bối rối, không biết làm sao cả. Chị ta nói với chồng:
- Hết gạo rồi! Cũng không có thịt mà ăn Tết nữa!
Người chồng không nói năng gì, khoác chiếc áo bông cũ đi
ra. Chị vợ bảo tôi, vẻ bực mình thực sự:
- Ông hại nó rồi. Nó sẽ đi đến mai mới về!
Tôi nhớ mãi ánh mắt chị. Tôi đã nhìn thấy nhiều ánh mắt của
những người phụ nữ đau khổ, rất nhiều ánh mắt tê dại vô hồn, vô ảnh, ta soi vào
mà chẳng thấy gì, nó không đủ sức lưu lại hình ảnh của bất cứ ai, bất cứ vật
gì. Không biết những người chồng, người con, những người thân của họ đã
làm những gì để làm cho nó khô kiệt, đã làm mất hết đi vẻ tinh anh trong ánh
mắt kia? Cuộc đời con người nào nhiều nhặn gì, ai trong số chúng ta đã
được yêu thương, đã được vuốt ve bởi những ánh mắt chân tình tự nhiên không hề
vướng bận sân si vụ lợi?
Tôi quay trở về trường học, lòng thoáng buồn. Anh
lái xe hôm qua đã quay trở lại, chuẩn bị chở cô giáo Thu
ra Sa Pa để mua vé tàu hoả về quê ăn Tết. Cô giáo Kiểm và cô bé
học trò người Mông ra tiễn họ.
Anh lái xe hỏi tôi:
- Ông có về không?
Tôi bảo:
- Tôi muốn ở lại. Nếu được, ngày mai anh vào đón tôi.
Anh lái xe cười:
- Tôi biết ngay mà... Sa Pa là mảnh đất tình yêu,
mảnh đất giữ người...
Buổi chiều, cô giáo Kiểm và cô học trò người Mông (sau này tôi
biết tên nó là Giàng Seo Mẩy) loay hoay dọn dẹp, quét dọn xung quanh ngôi
trường đón Tết. Cô giáo Kiểm mang cờ ra, treo lên cái cột ở giữa sân trường.
Chập tối, lúc chúng tôi chuẩn bị ăn cơm thì có khách đến. Tôi
đoán đấy là chồng hoặc người nhà cô Kiểm. Người đàn ông này tên Công, trạc
50 tuổi, dáng điệu phong trần, như ở nơi rất xa xôi đến. Cô Kiểm mừng rỡ,
đun nước nóng cho ông ta ngâm chân, săn sóc ông ta từng ly từng tí.
Trong bữa cơm ông ta bảo cô giáo Kiểm:
- Anh chỉ ở đây với em đến mồng 1 Tết. Sáng mồng 2 Tết anh phải đi
rồi.
Cô Kiểm bảo:
- Tuỳ anh. Anh ở bao lâu cũng được.
- Nếu anh không lên, em có về quê ăn Tết hay không?
- Em không biết. Tết này chưa chắc em về được
Ăn cơm xong, người đàn ông rủ tôi ra ngoài ngồi hút thuốc.
Ông ta hỏi:
- Có phải ông là nhà văn viết cái gì đó về hoa thủy tiên phải
không?
Tôi bảo:
- Phải!
Ông ta bảo:
- Tôi có nghe loáng thoáng về ông. Ông là nhà văn nổi tiếng,
đã đi ra nước ngoài nhiều lần.
Tôi bảo:
- Phải!
Ông ta nói:
- Tôi cũng đã đi ra nước ngoài nhiều lần. Càng đi, càng thấy
thương nước Việt Nam mình. Đất nước mình thật đẹp, dân mình thật
tốt, chỉ phải cái nghèo.
Tôi hỏi ông ta về quan hệ của ông ta với cô giáo Kiểm. Ông ta
thở dài:
- Đấy là người mà tôi yêu dấu vô cùng. Tôi có vợ rồi, nhà ở
Lạng Sơn. Tôi biết Kiểm 3 năm nay rồi. Năm nào tôi cũng về
đây ăn Tết. Kiểm đối với tôi đúng là “hồng nhan tri kỷ”. Tôi
được một người như thế yêu thương thì chết cũng chẳng oán hận gì.
Tôi hỏi:
- Ông biết cô ấy trong trường hợp nào?
Ông ta bảo:
- Cũng giống như ông. Tôi đi du lịch, đúng hơn là tôi đi tìm
cái chết. Hồi ấy tôi làm ăn thất bại, gia đình tan nát, tôi rất chán
đời. Tôi lên Sa Pa, định trèo lên đỉnh Phan-Xi-Păng tự
vẫn. Nhảy vèo xuống núi một cái là xong. Tôi gặp Kiểm, Kiểm mang tình
yêu đến cho tôi. Kiểm đúng là Quan Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn “save from
misfortune and danger”. Tôi biết ơn cô ấy. Tết nào cô ấy cũng đợi
tôi.
Tôi bảo:
- Ông có vẻ như một người hạnh phúc.
Ông ta bảo:
- Cám ơn ông. Cũng còn tuỳ thuộc cách nhìn. Từ khi biết
Kiểm, tôi sống tốt hơn lên. Tôi yêu mến tất cả mọi người, tôi làm nhiều
việc có ích cho đời. Là nhà văn, ông nên viết về tình yêu của người phụ
nữ. Họ yêu thương đàn ông chúng ta, làm cho thế giới này tốt đẹp lên
nhiều.
Tôi hỏi về công việc của ông ta. Ông ta nói:
- Tôi là thương nhân. Tôi buôn bán ở Hồng Kông, ở Mỹ. Có lần tôi
sang cả Thuỵ Điển. Kiểm như một vị Bồ tát chỉ đường. Tôi buôn bán
không phải vì tiền mà vì điều thiện, vì quan hệ với con người.
Tôi chăm chú nhìn Công, thấy ông ta là người thành thực. Tôi
rất ngạc nhiên, ngẫm nghĩ mãi về hình ảnh cô Đun-xi-nê bé nhỏ, dạy học ở một
nơi khỉ ho cò gáy, lại là nguồn cảm hứng cho gã Đôn Kihôtê giang hồ quốc tế,
khiến ông ta làm được những việc động trời. Thế gian này thật diệu
kỳ! Trong muôn thứ diệu kỳ thì tình yêu chính là điều diệu kỳ nhất.
Tôi ở Suối Thầu đến hết ngày hôm sau. Tôi được biết Giàng Seo
Mẩy, cô học trò người Mông chính là con gái của hai vợ chồng người Mông mà tôi
đã gặp. Mẩy ở với cô giáo Kiểm, cô bé giỏi tiếng Anh, nổi tiếng là một “gai
nhí” ở khu du lịch Sa Pa.
Anh lái xe ôm vào Suối Thầu đón tôi. Ngôi biệt thự
mà chị Hỷ thuê riêng đã được trang hoàng lộng lẫy. Tối hôm đó, chị Hỷ làm
tiệc tất niên. Sâm-banh được mở ra, ai nấy đều vui vẻ.
Rượu ngà ngà say, anh Lai hỏi tôi:
- Chú là nhà văn, chú có biết câu “nhà văn là tai mắt của nhân
dân” không? Chú viết văn, điều gì hướng đạo ngòi bút của chú?
Cháu Quang học ở đại học Duke, bang Carolina ở Mỹ, ở đấy
có khoa viết văn, đào tạo các nhà văn tương lai. Rất nhiều người ở các
nước khác đến đây học. Khi sang Mỹ, tôi đã từng có bài thuyết giảng ở
đây. Hôm đó, tôi đã nói về sự vô minh của con người và thế giới, lòng khát
khao của cá nhân tôi với cuộc sống mà Thượng đế ban cho. Hôm đó cháu Quang
cũng dự. Đến hôm nay, khi nghe anh Lai hỏi, tôi bỗng nhớ lại những điều
tôi nói hôm ấy thật xa xỉ và phù phiếm, thậm chí dối trá. Tôi nói với anh
Lai rằng quả thực không phải lúc nào tôi cũng trả lời được những câu hỏi do
công việc và cuộc sống đặt ra.
Anh Lai nói:
- Tôi nhớ trong Kinh thánh, Chúa đã từng mắng các văn sĩ rằng họ
chỉ nhắm miếng ngon, khát khao thụ hưởng. Trong các hội đoàn, họ ngồi ghế hạng
nhất... Chúa không mắng những người làm nghề nghiệp khác. Nghề của
chú không phải là nghề, nó làm rối tinh trật tự.
Tôi thấy khó trả lời, miếng cơm ăn đắng ngắt. Anh
Lai là nhà chính trị, anh không biết rằng tôi cũng đã từng làm nhiều nghề kiếm
sống. Định mệnh của tôi không phải do tôi quyết định. Tuy nhiên, tôi
không tranh cãi với anh. Hôm nay tôi là khách mời. Đầu óc tôi vẫn còn
đang vấn vương hình ảnh những người sống rất giản dị ở bản Suối Thầu, họ không
bao giờ đặt ra câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia? Cô giáo Kiểm, một
cô gái bé nhỏ sinh ra ở biển, sống 6 năm trời với các em bé người Mông, người
Nhắng, đồng lương dạy học chẳng đáng là bao; ngồi giữ ngọn lửa tình yêu cho một
tay giang hồ dọc ngang trời đất. Rồi hai vợ chồng người Mông nghiện hút, họ
chẳng bao giờ đi xa khỏi bản của mình...
Cháu Quang và cháu Vân cho xem những bức ảnh chụp ở bãi đá cổ Hầu
Thào. Trên các hòn đá có các hình khắc kỳ dị. Ai đã viết lên
đấy? Liệu thời tiền sử có một tay văn sĩ rồ dại nào đi làm
chuyện ấy hay không?
Ăn xong, tôi về phòng, thấy cháu Yên, cô gái
"ô-sin" đang ngồi ăn cơm thầm dưới gầm cầu thang. Tôi hỏi:
- Sao cháu không ăn cơm cùng với mọi người?
Yên nói:
- Cháu quen rồi!
Chị Hỷ đi ra bảo tôi:
- Lệ ở nhà này là thế. Tôi vốn có “tay” nuôi
"ô-sin". Dân chủ thì dân chủ. Nhưng trật tự cần hơn dân
chủ. Anh yên tâm đi, một mình nó một mâm, cũng đầy đủ sơn hào hải vị.
Sáng hôm sau tôi ra chợ Sa Pa. Anh lái xe ôm hôm trước
gặp tôi. Tôi vào chợ, mua một bao gạo 50 ki lô và một đùi thịt lợn, nhờ
anh ta chở vào Suối Thầu tặng gia đình của Giàng Seo Mẩy. Anh
lái xe cười:
- Thế này thì nhà này năm nay ăn Tết to rồi!
Tôi thấy vui vui. Chừng mấy năm nay, tôi không còn nhiều lòng
ham hố “kiếm chác” cho mình, nhiều khi cho được người khác cái gì thích hơn
được nhận. Tôi không giàu có nhưng cũng chẳng nghèo. Tôi không có
nhiều người thân, nhiều bạn bè. Tôi đã trót rào quanh tôi hàng rào danh tiếng,
đấy cũng không phải do ý thức của tôi chủ định, rất nhiều các thói đời xô đẩy
khiến tôi lâm vào tình cảnh trớ trêu như thế. Nhiều khi, tôi rất cô đơn
ngay giữa nhà mình. Những bạn bè cũ cũng ngại gặp tôi, tôi cố gắng phá đi
mặc cảm tự ti vì không thành đạt ở trong lòng họ mà không phá được. Nhiều lần,
tôi nhớ lại những ngày gian khó thuở tôi còn đi dạy học ở trên miền núi Tây Bắc
xa xôi, tôi chỉ là một thày giáo tiểu học vô danh, tôi như viên sỏi vô danh ở
trong lòng suối vô danh nhưng chẳng bao giờ tôi thấy cô đơn, trong lòng tôi lúc
nào cũng như có một con chim chiền chiện líu la líu lo ca hát những lời vô
nghĩa bất tận. Đêm chẳng bao giờ là dài, ngày chẳng bao giờ là
ngắn. Những ngôi sao xa xôi trên bầu trời giục giã vẫy gọi tôi. Tôi
sống, tôi sống như cô giáo Kiểm, như Giàng Seo Mẩy, như người đàn bà Mông kia ở
bản Suối Thầu, tôi chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế
kia... Lúc ấy, tôi chưa có ý thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống cho mình.
Ngày 30 Tết, Sa Pa vắng tanh vắng ngắt. Tiết trời
cuối năm lạnh giá, nhiệt độ xuống tới 5 độ. Xung quanh nhà thờ, không còn
những người bán đồ lưu niệm. Đội quân lái xe ôm cũng đã về nhà.
Tôi vào trong nhà thờ, thấy có một mình cháu Yên, cô gái "ô-sin" của
nhà anh Lai đang quỳ gối, cầu kinh trước bàn thờ Chúa. Tôi quay ra, không muốn
làm phiền cô bé ngoan đạo. Lá của những cây báng súng rơi lả tả ở trên mặt
đường. Một vài ba khách du lịch nước ngoài lác đác đi bộ dọc trên hè
phố. Sa Pa thật đẹp, vẻ đẹp dịu dàng. Phía xa xa, Phan-Xi-Păng,
ngọn núi cao nhất được ví như nóc nhà của người Việt Nam thấp thoáng
ở trong mây trắng.
Tôi đi lững thững về nhà. Trước cổng biệt thự, tôi ngạc nhiên
nhìn thấy người đàn ông người Mông nghiện hút ở bản Suối Thầu mà tôi đã gặp
đang ngồi ở đó. Chị Hỷ chạy ra bảo tôi:
- Người này chờ chú suốt cả buổi chiều. Tôi đuổi nhưng lão ấy
không đi. Không biết là có chuyện gì.
Người đàn ông người Mông ngồi ủ rũ nhắm mắt lại như
người ngủ gật. Trông thấy tôi, ông ta đứng dậy, mắt sáng hẳn lên. Ông ta hỏi
tôi:
- Mày gửi cho tao gạo và thịt à?
Tôi gật đầu. Ông ta bảo tôi:
- Vợ tao rất thích. Nó cám ơn mày!
Thấy chuyện lạ, anh Lai và hai cháu Quang, cháu Vân cũng chạy ra
xem. Người đàn ông người Mông lấy ra trong gùi một bọc vải nhỏ giúi
vào tay tôi. Ông ta nói:
- Cái này của mày!
Nói xong ông ta quay đi, chẳng chào ai cả. Tôi
nhìn theo người đàn ông người Mông bước đi loạng choạng, áy náy vì
không hiểu làm sao ông ta lại có thể đi được về nhà.
Chị Hỷ đỡ lấy bọc vải ở trong tay tôi mở ra. Chúng
tôi sững sờ vì đấy chính là pho tượng “Quan Âm chỉ lộ”. Tôi không
thể tin ở mắt mình, càng không ngờ lại có phúc có pho tượng ấy. Mọi người
trong nhà anh Lai xuýt xoa, ai cũng sờ nắn, xem xét, không muốn rời tay.
Buổi tối, dưới ánh đèn pho tượng trông thật rạng rỡ. Xem xét
kỹ, ai cũng thấy rõ ràng đây là một pho tượng quý. Ở dưới đĩnh vàng, có
hình Thái thượng lão quân đắp nổi và chữ “Bình an lộ”. Ý nghĩa của
pho tượng là hãy đi trên con đường bình an, lắng nghe âm thanh trong lòng, đấy
là con đường mà Quan Thế Âm Bồ tát chỉ lối đưa đường. Anh Lai và chị Hỷ
áng chừng đây là pho tượng đồng có thể có từ thời nhà Thanh Trung
Quốc. Tôi không nghĩ thế bởi xem xét kiểu chữ khắc trên đó thì có thể nó
có muộn hơn. Sau phong trào Ngũ tứ và Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc,
người ta cải cách chữ Hán. Lúc này tinh thần dân tộc của người Trung Quốc
lên cao, nhiều thương gia xuất hiện cố gắng vươn ra thế giới. Rất có thể
đây là pho tượng của một thương gia thành đạt thời ấy. Song, đây cũng có
thể là pho tượng của một người Việt Nam nào đó làm ra. Tôi đã
từng đến xem các lò đúc đồng ở Huế, ở Hà Nam, ở Hà Nội và rất thán phục nhiều
tác phẩm điêu khắc kỳ khu của họ. Muốn biết rõ lai lịch của nó phải chờ
khi về Hà Nội hỏi các chuyên gia. Tôi không phải là người chơi đồ cổ,
những thứ thế này tôi chẳng biết gì.
Đêm 30 Tết, chúng tôi ngồi đón giao thừa. Pho tượng đặt giữa
bàn ăn thắp nến. Một bầu không khí thiêng liêng và
bình an làm cho ai nấy đều xúc động, muốn xích lại gần nhau hơn.
Anh Lai chúc mừng tôi. Anh nói:
- Năm mới, “quý vật gặp quý nhân”. Chắc là con đường phía trước
của chú sẽ bình an may mắn.
Tôi cười như mếu. Tôi không còn trẻ. Tôi không hy vọng
gì nhiều ở phía trước. Với tôi từ lâu “cuộc chơi đã kết thúc
rồi”. Tôi ngẫu nhiên có pho tượng này, thực sự thâm tâm tôi cũng chẳng
cầu. Phúc hoạ thường vẫn đi kèm như hình với bóng. Ý nghĩa phù du của
cuộc sống cho đến một lúc nào đó ai cũng hiểu ra. Thường thường, hiểu ra
thì đã muộn rồi. Trời xanh kia vẫn trớ trêu, được mất ở đời có
gì quan trọng?
Tôi nói điều ấy với anh Lai, chị Hỷ. Ai cũng cười tôi, cho tôi là
người “bi quan chủ nghĩa”. Ừ thôi cũng được, chúng ta hãy sống, chấp nhận
nhau, yêu thương, làm sao mỗi ngày ta sống sẽ là một ngày hoan lạc, ở đấy chỉ
có nụ cười thân thiết và những lời nói chân tình với nhau.
Chị Hỷ lấy tiền ra mừng tuổi mọi người. Chị nói với tôi:
- Nếu chú bán pho tượng thì tôi mua đấy!
Tôi cười. Tôi thấy khó xử. Nếu anh chị thích thì tôi
tặng lại, “quý vật gặp quý nhân”, cũng là một lẽ... Anh Lai trầm ngâm, lắc đầu:
- Định mệnh của chú... Chắc là nghiệp chướng gì đây! Chúng tôi
không làm thế được!
Mọi người uống rượu sâm-banh, chúc tụng nhau rồi đi ngủ. Pho
tượng vẫn đặt trên bàn.
Ngày mồng 1 Tết, cả nhà anh Lai với tôi đi dạo phố phường, chúc
Tết bất cứ ai gặp trên đường. Nhìn thấy gia đình anh Lai ríu rít, tôi bỗng
giật mình:
- Ngày Tết là ngày đoàn tụ gia đình. Tại sao tôi lại ở đây?
Lòng tôi cồn cào như có lửa đốt.
- Tết này chưa chắc em về được...
Câu nói bâng quơ của cô giáo Kiểm văng vẳng bên tai. Tôi bật
cười, nhớ lại mấy câu thơ cũ của một nhà thơ mà tôi yêu mến:
Giang hồ sót lại mình tôi
Quê người đắng khói quê
người cay men...
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ai bảo mắc duyên vào bút mực
Sòng đời mang lấy số long đong
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông
Khốn nạn, tưởng yêu thì khó chứ
Không yêu thì thực dễ
như không!... (1)
Đời người cầm bút xưa nay mấy người thanh thản? Khúc đoạn
trường, mấy ai hiểu rõ nỗi lòng của mỗi một người?
Chiều hôm ấy, sau bữa cơm, ai nấy đều giật mình vì phát hiện ra
pho tượng “Quan Âm chỉ lộ” bỗng nhiên biến mất. Tất cả nháo nhác đi
tìm. Anh Lai rất bực, đập vỡ cả lọ hoa. Không khí ngày Tết trở nên ảm
đạm. Thật vô lý quá, ngôi biệt thự này có tường bao quanh, không ai ra
vào. Đồ đạc trong nhà không mất thứ gì. Tại sao bức tượng không cánh
mà bay?
Anh Lai gọi từng người một vào phòng cật vấn. Anh tỏ ra rất
bực. Cháu Quang, cháu Vân bị xúc phạm, phát khóc, bỏ đi, tối cũng không
về. Tất cả nghi ngờ đổ vào cháu Yên, cô bé "ô-sin" tội nghiệp. Cô bé
gọi tên Chúa, thề thốt đủ điều. Chị Hỷ lục soát các túi đồ đạc, áo quần
của nó. Tôi cố can gián nhưng không làm sao ngăn được sự giận dữ của hai
vợ chồng anh Lai. Sáng mồng 2 Tết, chị Hỷ tống cổ cháu Yên, mua vé tàu hoả
bắt nó trở về Hà Nội. Những ngày nghỉ Tết còn lại trở nên khó chịu vô
cùng. Ngày mồng 4 Tết, anh Lai họp mọi người trong nhà, quyết định trở về
Hà Nội sớm hơn dự định. Chị Hỷ thu xếp đồ đạc, sai cháu Quang đi
thuê xe ô tô chở chúng tôi về Hà Nội ngay ngày hôm ấy.
Anh Lai gọi tôi vào phòng, đóng cửa lại, bảo tôi:
- Gia đình tôi thật có lỗi với chú. Sự việc xảy ra thật không
hay. Pho tượng quý bị mất, tôi rất ân hận. Gia đình tôi tự thấy
phải có trách nhiệm bồi thường cho chú...
Anh Lai lấy tiền ra, bảo tôi:
- Đây là 1 nghìn đô-la. Số tiền này không phải là số tiền
đánh giá giá trị pho tượng. Nó có thể hơn thế, cũng có thể nó không bằng
thế... Chú hiểu cho tôi, đây chỉ là một số tiền mọn nhỏ nhoi, giải quyết
một sự kiện mọn không ra gì. Thực khốn nạn, tôi không biết chứng minh danh
dự của gia đình tôi bằng cách thế nào với chú. Khi phải dùng hạ sách này,
chính tôi, tôi cũng rất nhục. Chú hiểu cho tôi, từ xưa đến nay tôi vốn là
người dứt khoát, rạch ròi, chính trực.
Tôi bảo anh Lai rằng anh không nên làm thế, rằng pho tượng này chỉ
là quà tặng mà thôi, rằng tôi có được cơ duyên làm bạn với gia đình anh thì không
nên chỉ vì một chuyện nhỏ con mà làm phương hại tình cảm với nhau, rằng...
Anh Lai cố ép nhưng tôi không nhận. Chúng tôi cãi
nhau. Cuối cùng tôi nói, thực ra cũng vì quá bực mình với thái độ kiên
quyết cố chấp của anh:
- Thế anh có bao giờ nghĩ rằng chính tôi giấu đi pho tượng này
không? Có thể vì mục đích này hay mục đích khác?
Anh Lai cười nhạt, ngồi xuống ghế, lắc đầu:
- Thực ra, cũng có lúc tôi đã nghĩ thế. Xin lỗi chú, tôi cũng
đã bí mật lục soát đồ đạc của chú. Do nghề nghiệp, tôi đã phải tiếp xúc,
làm việc với đủ hạng người, xem xét cả khía cạnh cao thượng lẫn lưu manh trong
con người họ, không trừ ai hết, kể cả người thân. Không phải tôi không tin
con người, không phải tôi không nhân văn, chú đừng đánh giá tôi thấp, rằng tôi
là kẻ lạnh lùng. Có những công việc không nên để cho cảm tính dự
vào. Thú thực với chú, không một hạng người nào mà qua được mắt của tôi,
tôi không đảm bảo 100% nhưng tới 90% thì tôi chắc chắn, rằng tôi hiểu được họ
và tôi kiểm soát được họ, trừ một loại người... Chú có biết không, chính là nhà
văn, chính là những người như chú...
Tôi lặng người đi, bỗng nhiên thấy trong lòng mình đắng
ngắt. Anh Lai đi đi lại lại trong phòng. Anh nói với tôi:
- Tôi không hiểu nổi một người viết văn như chú. Chú là
ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho mọi người dằn vặt lòng
mình? Chú có quyền gì? Ai trao cho chú cái quyền năng ấy? Tư
cách của chú tôi gạt sang bên. Tôi không hiểu sao mọi người vì nể một
người như chú? Ở chú có phẩm chất gì? Cao thượng ư? Không
phải! Nghiêm cẩn ư? Cũng không phải nốt... Tôi chỉ nhận ra ở chú
dục vọng hão huyền và khả năng đánh thức cái dục vọng hão huyền, ghê gớm ấy ở
mỗi một người? Điều ấy là tốt ư? Không phải! Xấu ư? Không
phải! Từ bản chất, tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như
chú. Chú có hiểu không?
Tôi ngạc nhiên nhìn anh Lai. Hoá ra chuyến đi của tôi và gia
đình anh chỉ là cái cớ để anh tìm hiểu về tôi. Tôi bật cười, hoàn toàn bất
ngờ vì sự trớ trêu trong hoàn cảnh đó của mình.
Tôi dứt khoát không nhận số tiền anh Lai đưa cho. Tôi có những
nguyên tắc lương tâm của tôi. Tôi nói với anh rằng thực ra số tiền này
phải thuộc về người đàn ông người Mông nghiện ngập mà tôi ngẫu nhiên gặp gỡ,
chính tôi cũng chẳng biết tên tuổi ông ta là gì. Nếu có số tiền ấy, ông ta
cũng chỉ dùng để hút thuốc phiện mà thôi, nó cũng chẳng giúp cho ông ta cải
thiện thêm gì số phận tồi tệ của mình. Câu chuyện về bức tượng “Quan Âm
chỉ lộ” tốt nhất là nên chấm dứt ở đây. Tôi hy vọng tình cảm của tôi
với gia đình anh không phải chỉ vì một chuyện nhỏ nhoi thế này mà sứt mẻ.
Chúng tôi về Hà Nội. Thời gian trôi đi. Tôi cũng nghĩ
rằng câu chuyện không vui trong dịp Tết năm ấy rồi cũng rơi vào quên lãng,
chẳng còn ai nhớ. Sáu tháng sau, tôi được biết anh Lai đã đi nhận công tác
mới, cháu Quang cũng sang bên Mỹ làm việc, cháu Vân thì đi học đại học ở
Anh. Một hôm, chị Hỷ đến nhà tôi chơi. Tôi rất ngạc nhiên thấy chị
mang đến bức tượng “Quan Âm chỉ lộ”. Chị nói:
- Tôi đã tra hỏi con bé "ô-sin". Tôi đã không
nhầm. Nó là thủ phạm của vụ trộm này. Chú có biết không, hạng người như
nó thì có dạy dỗ thế nào vẫn thế... Tôi đã đuổi việc nó rồi!
Tôi mời chị Hỷ ở lại ăn cơm nhưng chị từ chối nói là rất
bận. Tôi ngồi một mình, buồn bã nâng bức tượng lên tay xem xét. Hình
ảnh cô gái bé nhỏ âm thầm quỳ trước bàn thờ Chúa cầu nguyện hôm nào trong ngôi
nhà thờ ở Sa Pa hiện ra ở trước mắt tôi. Tội nghiệp cho
nó. Tôi không tin nó là thủ phạm. Ở bên ngoài, những chiếc lá của cây
báng súng rơi lả tả trên nền sân đá.
Chị Hỷ ra về. Tôi cẩn thận đặt bức tượng Phật lên trên bàn
thờ. Trên khuôn mặt Quan Thế Âm Bồ tát hình như có một giọt nước mắt trong
veo lăn xuống khóc cho số phận trớ trêu của mỗi con người.
Chắc chắn là tôi sẽ còn quay trở lại Sa Pa. Phải trở lại
chứ! Vì sao ư? Vì Sa Pa là mảnh đất tình yêu, mảnh đất giữ
người!
Trên đất nước mình, đâu đâu chẳng là mảnh đất tình yêu, mảnh đất
giữ người? Hãy làm cho mảnh đất này ngày càng phì nhiêu, tươi
đẹp. Tôi nghĩ thế, chân thành nghĩ thế.
Vậy còn bạn, bạn nghĩ thế không?
Kìa Xuân đang về. Lại một cái Tết đi qua. Hãy lắng nghe
âm thanh trong lòng. Phải sống! Phải sống cho ra giá trị cuộc sống con
người, dù cho thế nào đi nữa...
Hà Nội 12/2004
Published in "Ngay Nay", Nos 2-3-4 (Jan. 15 - Feb. 30 2005) pp. 61 -
65, posted on-line on February 2, 2005 with the kind permission by Nguyen Huy
Thiep and the publisher.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét