Võ Thị Hảo: Huyền ảo, độc tài và tội ác
Thụy Khuê
Dưới tựa đề khá xếch- xy Ngồi hong váy ướt là một tập 17 truyện
ngắn, với những bức tranh siêu thực hoang vu, ngập mùi tử khí, viết từ ngòi bút
của một người đàn ông đã chết "chấm bút lông vào mạch máu đang chảy ở
khuỷu tay mình viết lên những trang giấy trắng", về cái thế giới mà ông ta
đã sống.
Sau hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến
tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu
thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy
ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai
kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn
Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản.
Võ Thị Hảo sinh năm 1956 tại Diễn Châu, Nghệ An, nổi tiếng trên
văn đàn với các tập truyện ngắn Biển cứu rỗi, 1992, Chuông
vọng cuối chiều, 1994, Người sót lại của rừng cười, truyện
dài Giàn thiêu, 2003, vv...
Trong tác phẩm mới nhất, Võ Thị Hảo nhìn hội chứng chiến tranh, độc tài và tội
ác như tác dụng nhân quả thể hiện qua những truyện ngắn huyền ảo. Cảm giác bị
tấn công mãnh liệt bởi những mạnh vụn trái phá và những chân rết ung thư tội ác
tàn phá nội tạng người đọc.
Người ta đã và sẽ còn bỏ nhiều thời giờ, ngân quỹ để nghiên cứu, viết sách, làm
phim, phân tâm những lính Mỹ bị điên sau khi tham dự chiến tranh Việt Nam.
Nhưng chưa ai nghĩ đến việc phân tâm lính Việt, người Việt, bởi dân tộc ta
thuộc dạng "hơn người", hùng tính hơn người, chịu đựng hơn người, cần
gì đến thứ khoa học phô trương, tốn tiền, phù phiếm, vô bổ.
Võ Thị Hảo chẳng phân tâm ai cả mà dùng phép phù thủy, cho chiến tranh, độc
tài, hủ lậu và tham nhũng vào chung một rọ, xóc cho ngầu, phơi cho bốc hơi, toả
khói, biến các chứng liệu hoá thân thành cây cỏ, đất trời, rắn rít, con ong,
con nhện, đám mây, ngọn gió... Toàn bộ thiên nhiên trong không gian Võ Thị Hảo,
sau nửa thế kỷ chiến tranh và độc tài, trở thành hậu thân của một thế giới,
trước kia đã từng có người, đã từng là người. Những giá trị "vĩnh
cửu" như tình yêu, tình người, nhân tính... đều đã bốc khói, bay đi, chỉ
còn trơ lại đống sắt vỡ vụn của trái phá, sắc nhọn, đâm chém, vô luân và tàn
ác.
Dưới tựa đề khá xếch-xy Ngồi hong váy ướt là một
tập 17 truyện ngắn, với những bức tranh siêu thực hoang vu, ngập mùi tử khí,
viết từ ngòi bút của một người đàn ông đã chết "chấm bút lông vào
mạch máu đang chảy ở khuỷu tay mình viết lên những trang giấy
trắng", về cái thế giới mà ông ta đã sống.
Trang đầu tiên là Bùa, một truyện xẩy ra ở Thành Cổ Sơn Tây, là miền
đất tổ lâu đời nhất. Sơn Tây, chính là nước Văn Lang, kinh đô Hùng
Vương, Trưng Vương, Phùng Hưng và Ngô Quyền. Người ta nghi người chết đã lầm
Sơn Tây với Quảng Trị, hoặc Sơn Tây bị biến thành Quảng Trị. Hoặc đoán chừng
người Sơn Tây bị lệnh "câm" trở thành người Quảng
Trị. Hoặc Sơn Tây sau khi "cháy chợ", bọn yêu quái bỗng "lớn
phỗng lên", nhân dân Sơn Tây vỡ nợ, phá sản, trốn vào ma túy hoặc tự tử,
biến thành nhân dân Quảng Trị, một thành cổ đang "thiu
thiu ngủ" với những "oan hồn nửa thức nửa ngủ trên
những đám mây trĩu sương tù đọng. Nước không chẩy và mây không bay". Một
quán phở đêm, quy tụ đủ mọi hạng người đến gặm xương đáy nồi, thứ "xương
bốc mả". Hàng phở bốc mả là trạm cuối của sông mê. Tại
đây, người ta kể những chuyện rùng rợn, trong một thế giới người ma lẫn lộn.
Một xã hội ăn xương bốc mả, ăn táo lê Trung Quốc ướp thuốc không thối, có người
chết của quý chĩa thẳng lên trời, có con ma thiếu máu, chân quắp vào cột cây số
12, có người bán máu lấy tiền tiếp máu cho ma...
Bùa chỉ là khúc dạo đầu để đi vào những mạch sống, mà Mỵ
Châu thả bước xuống trần mở vào lịch sử ngàn năm của những mạch sống
khốc liệt ấy:
Pho tượng đá cụt đầu trong am Mỵ Châu một đêm chợt tỉnh sau bao nhiêu thế kỷ.
Chiếc thân đi tìm lại đầu mình. Mỵ Châu nhớ lại những giây phút chót của cuộc
đời, nhớ những mảnh lông ngỗng trắng tinh nàng rứt từ chiếc áo Trọng Thuỷ tặng,
để dẫn đường cho chồng tìm mình trong cơn nguy biến, nhớ tiếng quân Triệu reo
hò, nhớ tiếng vó ngựa Trọng Thuỷ "dựng ngược trên đầu hai cha con",
nhớ tiếng thét rách gió của chàng, nhớ nhát kiếm cha già loáng trên gáy, đầu
nàng rơi xuống, máu hoà với nước biển mặn chát. Đầu Mỵ Châu lưu lạc không
ngừng, không bao giờ lắp lại được với thân. Mỵ Nương đi xuyên nhiều thế kỷ, lầm
lũi, không đầu, lần từng trang sử, dừng chân trên am thờ nàng, nay đã trùng tu,
nàng đã được xây nhà mới. Người ta dúi vào tay nàng cơ man của đút, lót tiền
giả để mua tiền thật, mua sự bất tử. Cái giếng Trọng Thủy trầm mình, nay đã
trùng tu thành lỗ huyệt láng xi măng cho tiện vét tiền du khách ném xuống. Thân
nàng được phủ những chuỗi hạt nhựa, phủ lụa là gấm vóc "bóng lộn và hăng
hắc độc" dệt từ quê hương Trọng Thủy. Mỵ Châu choáng váng, tìm chốn nương
thân nhưng vô ích. Nàng không còn chỗ trên quê hương mình. Trong đền An Dương
Vương đã trùng tu quê kệch, một đám mặt mũi đẹp đẽ béo tốt đang yến tiệc,
"miệng ngo ngoe những cái đầu rắn". Mỵ Nương thấy mạch sống thế kỷ
XXI tàn tệ hơn thế kỷ của nàng, trên đất nước Văn Lang đang xum xoe chào đón
một thời kỳ bắc thuộc mới.
Hội ngộ là những bức tranh siêu thực chồng nhau theo một trật tự
hắc ám: Một người đàn bà chồn đu đưa thân thể trong khu rừng độc, "nàng
chun mũi nghiêng sang hướng bắc. Hướng bắc đến từ ngọn gió mang mùi của những
đám cháy và của xương người. Nàng nghiêng hông về đằng nam. Hướng nam lờ lợ mùi
bột ngọt và gươm đao." Một người đàn ông chỉ còn bả vai, không
cổ, không tay, "một cánh tay đã chia cho phương nam, một cánh tay
đã chia cho phương bắc. Chúng bị đạn tiện đứt lìa, trong hai lần khác nhau, một
ở rừng, một ở biển". Một con ong lạc tổ loạng choạng trong đêm...
Trên cánh và tấm lưng eo thắt, nồng nặc mùi ong Chúa, mùi ngục tù và tử khí.
Con ong lạc đàn quờ quạng đâm sầm vào đầu vú người đàn ông không cổ không tay.
Một con ong Chúa đang nằm thoi thóp, bỗng trở mình, nhận ra mùi phản trắc, nó
hoàn toàn lai tỉnh, gửi "mật" lệnh "ngòn ngọt từ tử cung"
-thứ mật ong Chúa dùng để mê hoặc và cầm tù đồng loại- huy động toàn bộ đàn ong
thám tử đi truy lùng, xé xác con ong lạc tổ, bay trật đường rầy...
Hội ngộ giữ trọn vẹn sự bí mật của một văn bản thuần túy huyền ảo,
là một bản thi họa giao duyên giữa đầu Ngô và mình Sở, tạo ra một thứ phi lý
bức tử của một thế giới mà cõi sống phi nhân là phiên bản, là hậu thân của
chiến tranh và đàn áp.
Người chăn bò thần thánh, là thứ hiện thực huyền ảo trắng trợn, vẽ
hẳn một bức tranh khôi hài, hãi hùng: Tổ chức nhân đạo quốc tế gửi tặng đàn bò
sữa cho một vùng mà nhà nghiên cứu của tổ chức này đã mục kích tận mắt cảnh cả
trăm người cầm dao quắn xông vào tranh nhau xẻo thịt một con trâu chết, loáng
cái hết nhẵn. Lễ "khánh thành bò" được tổ chức vô cùng trọng thể, vú
bò được thắt nơ, cổ bò được đeo các khẩu hiệu kinh điển: "cần kiệm liêm
chính", "học tập đạo đức Hồ Chí Minh", "cán bộ là đầy tớ
của nhân dân", v.v... Mọi việc được phân công rành rẽ, đàn bò trở thành bò
tập thể dưới sự quản lý của nông trường.
Rủi thay, ông chủ tịch nông trường lại có đứa con cậu trời. Một hôm ông đi họp
vắng, nó và lũ bạn thèm rượu thịt bèn lấy dao xẻo phắt miếng vai con bò ngoại,
xơi tái. Người cha về la rầy, thằng con Khổng Minh rỉ tai hiến kế... xẻo thịt
bò mà vô can. Mỗi miếng thịt xẻo được thay thế bằng một chiếc bong bóng thổi
phồng dán vào thân bò. Kết cục đàn bò ngoại trở thành trong suốt như bong bóng,
một đàn bò thuần xương, không thịt. Thịt bò mừa mứa, ăn, bán không hết, đem đấm
mõm cấp trên. Các nông trường viên chăn bò sợ bị đuổi không dám ho he. Các đoàn
kiểm tra đã được nếm mùi bò ngoại đều chứng nhận những cỗ xương bò di động là
bò đích thực. Thậm chí cả bọn rận, bọ chét, ve, mòng... cũng thoả mãn, chúng thả
cửa no nê xơi tiệc sẵn trên thân bò lở lói, máu tràn vào miệng như lũ không cần
vòi hút. Khi đã quán triệt nguồn lợi bò, ông chủ tịch nông trường bèn nhường
chức lại cho người khác, xin cất nhắc lên chức to hơn, lần này có thể là nông
trường chăn voi ngoại.
Bỗng đâu nhà nước nhận được một đơn kiện, bọn đầu đơn không ai xa lạ mà lại là
bọn rận, bọ chét, ve, mòng, dĩn... thấy quyền lợi của chúng ngày càng có nguy
cơ tận diệt, viết đơn tố cáo như vầy: "Đau xót vì tình trạng thịt
rơi máu chảy của đàn bò, của tài sản tập thể bị xâm hại... Đàn bò hiện nay con
nào cũng chỉ sót lại một mẩu thịt ở mông, còn tất cả da thịt và gân của chúng
đều bị các chủ bò lần lượt xẻo đi và thay thế bằng những quả bóng trong suốt.
Xin cấp trên trừng trị để làm gương..." Bọn ve mòng hý hửng đợi
phép nước nghiêm minh, nào ngờ kết quả ngược lại: Trên đem toà án di động
về "xét xử các tội phạm Ve, Mòng, Rận, Dĩn, bởi tiền sử chúng đen
tối, hiện tại chúng mờ ám và tương lai của chúng không cải tạo được".
Toà tuyên án tử hình cả bọn, hả hê coi như "đã triệt được nguyên nhân
của mọi nguyên nhân". Nào ngờ vẫn chưa hết, một tin sét đánh, ban kiểm
tra đoàn bò quốc tế phôn về, đích thân đến tham quan. Thế là hoảng loạn, các
phòng, các ban, các chủ bò xôn xao bàn cãi, quy trách nhiệm. Cuối cùng họ nhất
trí ra chỉ thị :"Bởi các nông trường viên chăn bò vô trách nhiệm, trình
độ khoa học kém cỏi, nên đã để cho đàn bò mất hết thịt, nay phải xẻo thịt mình
đền vào". Bọn chăn bò thấp cổ bé miệng không dám kêu ca, đành xẻo
thịt mình đắp vào những chỗ trống. Đàn bò có da thịt trở lại. Một thế hệ Người
chăn bò thần thánh mới lại xuất hiện, lần này họ không xẻo thịt bò
nguyên chất, mà xẻo đàn bò đã được đắp thịt người.
Người đọc giật mình, quái đản, không hiểu từ đâu ra lối huyền ảo này
?
Truyện Huyền ảo, huyền hoặc hay hoang đường, tiếng
Pháp fantastique, tiếng Việt có nghiã: truyện ma quái, truyện
hoang đường, truyện không có thật. Liêu trai chí dị là một
loại huyền ảo kinh điển phương Đông, hoàn toàn khác với lối huyền ảo phương Tây
hoặc châu Mỹ la tinh. Huyền ảo gắn bó sâu sắc với tôn giáo, triết lý và môi
trường sống khác nhau của mỗi dân tộc.
Dòng huyền ảo lâu đời nhất có lẽ là huyền ảo Châu Mỹ la tinh, gắn bó với thánh
kinh Maya, trong đó, con người được thần ngô nặn lên từ bắp ngô. Ngô đối với người
Maya như gạo đối với người Việt. Những truyện cổ tích của người Maya xưa xây
dựng trên một vũ trụ mà thiên nhiên là chủ thể. Mây, núi, sông nước, cỏ, cây...
điều hoà sự quân bình thế giới và sinh ra con người. Trái ngược với các hình
thức cổ tích Đông Tây: con người là chủ thể của muôn loài, thần thánh cũng là
người.
Từ sự kiện thiên nhiên cây cỏ, muông thú đều có tiếng nói, đều có thể họa nên
những hình thái nên thơ và dưỡng nuôi sự sống, người Maya đã tạo nên một khái
niệm huyền ảo tự nhiên như ta ăn và thở. Sau này, các tác giả nổi tiếng Châu Mỹ
la tinh đều dựa vào nguồn gốc văn hoá Maya của họ để tự tạo cho mình những hình
thức huyền ảo cá biệt.
Ở Asturias, nhà văn Guatemala, là một thứ huyền ảo thuần khiết Maya, khái niệm
"người ngô" (l'homme de maïs) vừa hiền lành, vừa bao quát thực tế:
nếu không có ngũ cốc, làm sao con người sống sót, làm sao còn người. Asturias
tranh đấu cho quê hương ông, chống lại chế độ thực dân, chống lại các thể chế
độc tài, chống lại quyền lực của tư bản Mỹ áp đảo sự sống còn của nông dân trên
nền đất Châu Mỹ la tinh.
Ở Marquez, nhà văn Colombia, là sự huyền ảo khốc liệt của những người dân da đỏ
hận thù những kẻ chinh phục (conquistadors) đã cưỡng hiếp tổ tiên mình để sinh
ra mình. Một mối căm thù tổ tiên, căm thù tác giả đẻ ra mình. Những quái thai,
những bạo tàn, những tha hoá, loạn luân, những điềm, những mộng, những đầu
người mình thú... trong truyện của Marquez, phản ảnh niềm uất ức truyền kiếp,
khôn nguôi của những con người là sản phẩm, không phải của tình yêu mà của cuộc
hãm hiếp tập thể một giống nòi, một dân tộc.
Về huyền ảo, Jean Paul Sartre phân tích: "Mô tả sự kỳ dị phi
thường chưa phải là điều kiện cần và đủ để đạt tới huyền ảo. Một biến cố lạ kỳ,
xẩy ra trong một xã hội có trật tự, có pháp lý, sẽ bị rơi vào vòng trật tự
chung: Nếu bạn cho một con ngựa đột nhiên nói, thì tôi bảo nó bị ma làm trong
chốc lát. Nhưng nếu bạn cho nó diễn thuyết dông dài suốt dọc hành trình qua
rừng cây im lìm, trên nền đất bất động, tôi chấp nhận cho nó cái quyền nói,
nhưng tôi không coi nó là ngựa nữa mà cho nó là người trá hình ngựa. Ngược lại,
nếu bạn muốn làm cho tôi tin rằng con ngựa này là huyền ảo, thì bạn phải làm
sao cho những hàng cây, đất đai và đồng ruộng cũng là huyền ảo nữa, mà bạn
không cần nói ra".
Sartre viết tiếp: "Huyền ảo là một thế giới toàn diện mà sự vật
biểu hiện một tư tưởng quyến rũ đòi đoạn, vừa bất thường vừa lôi cuốn, gặm nhấm
trong cơ thể nhưng không thể diễn tả thành lời".
Và ông đưa ra một định nghiã huyền ảo: "Huyền ảo trình bầy hình
ảnh lật ngược của sự hội tụ linh hồn và thể xác. Linh hồn chiếm chỗ của thể xác
và thể xác chiếm chỗ của linh hồn. Để nhận diện hình ảnh này, chúng ta không
thể dùng những ý tưởng sáng tỏ khúc triết, mà phải dùng những ý tưởng rắm rối,
"huyền ảo", nói cách khác, chúng ta phải đi vào chỗ mờ ảo, với đầu óc
trưởng thành, có văn hoá, với cá tính nhiệm mầu của một kẻ mơ mộng, của con
người nguyên thuỷ, con người trẻ thơ." (Sartre, Aminadab,
Situations I, Folio essais, trg 115).
Lối huyền ảo trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo, phát sinh từ sự tùng xẻo, một
"nghệ thuật" hành quyết mang đặc tính đông phương, có trong sử sách
Tầu, Việt. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo mang chất nồi da xáo thịt, đặc tính Việt
Nam. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo mang tính áp đảo phụ quyền, cha truyền con nối
trong gia đình, trong dòng họ, trong xã hội, trong chính quyền, từ Khổng Mạnh
truyền thẳng sang Xít Ta Lin, Mao Hồ, Lê Duẩn... không trung gian, không đứt
đoạn. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo giao thoa độc tài và tham nhũng trong
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghiã, tạo nên những quái thai
người ăn thịt người kiểu Lỗ Tấn. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo có cái dã man
trong xã hội Mạc Ngôn.
Những nhà văn phụ nữ miền Bắc như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo,
có đặc tính khốc liệt mà những nhà văn nữ trong Nam không có. So cái khốc liệt
trong văn chương Võ Thị Hảo thì cái sắc sảo trong văn chương Túy Hồng hiền như
bụt. Tại sao? Bởi miền Nam đàn bà chưa phải đi lính, chưa nhìn thấy cái khốc
liệt của chiến tranh. Bởi Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo... sinh ra và lớn
lên trong một môi trường không nhân nhượng. Dương Thu Hương đã chứng kiến cảnh
đấu tố, đã đi đánh nhau. Võ Thị Hảo sinh sau, nhưng đã thu thập vốn liếng bạo
lực của những người đã nhận nhưng phải gói ghém, giấu diếm trong lòng: những người
mẹ, người chị, xung phong đi lính, đi hộ lý, trở về điên dại trong Rừng
cười. Như nam châm, Hảo thu hút những khối u mà người xấu số để lại
hôm qua, và hôm nay con em họ vẫn còn tiếp tục cúi đầu nhận độc tố của một gia
đình, một xã hội, một thể chế, gọi là mới, nhưng tất cả đều cũ, đều cổ, đều mục
nát, như đầu óc, như sự phục tòng của họ.
Là nhà văn dấn thân trong chiều dầy của hai chữ dấn thân, là phụ nữ tranh đấu,
Võ biết nếu con người không thay đổi suy nghĩ, không biết suy nghĩ, thì đất
nước không thể đứng dậy. Điều kiện tiên quyết làm thay đổi xã hội, thay đổi
chính trị là người phụ nữ phải thay đổi trước. Sự bất phục tòng của họ sẽ là
nền tảng của tất cả mọi thay đổi.
Chất huyền ảo trong truyện của Võ Thị Hảo, là sự huyền ảo của những bức tranh
siêu thực trong đó con người đã bị cắt chân tay, mỗi tứ chi ném đi một nơi, nam
bỏ ra bắc, bắc bỏ vào nam, chúng gọi nhau, đầu tìm cổ, cổ tìm vai, trong một
định mệnh điên cuồng của xã hội âm ty trần thế. Cái thác loạn ấy sống lại trong
những thông tin hàng ngày, trong những vụ án mạng như cơm bữa, trong những hàng
tin xe cán chó: con giết cha, chồng giết vợ, dẫy đầy trên mặt báo. Võ Thị Hảo
lượm lặt những tin tức chó cán, viết ra, đặt nó trong cái huyền hoặc hàng ngày
của cuộc sống. Ngòi bút của chị lột trần mặt trái bi kịch, tìm đến chiều sâu
lịch sử của bi kịch, từ đấy Hảo chỉ đích danh tội ác, chỉ cái thủ phạm nấp đằng
sau tội ác, chỉ cái cha đẻ của tội ác để vạch ra sự ngu muội của con người. Mục
đích của Võ Thị Hảo là vén màn phát giác sự ngu muội của con người. Con người
mụ mị chấp nhận độc tài, con người gật đầu tất cả để được yên thân, con người
bị đàn áp tư tưởng, cúi mọp chịu phận. Võ Thị Hảo muốn giải phẫu, móc cái mê,
cái sợ, ra khỏi trái tim con người.
Một mình một ngựa, vén màn đối lập bằng cách xây dựng thành lũy huyền ảo trên
những con người đã bị xé xác, hồn phanh trăm mảnh, để chống lại thành trì kiên
cố xây bằng vi khuẩn tham nhũng, lừa đảo, trộm cắp, điêu ngoa của những con ong
Chúa mê hoặc đồng loại bằng thứ mật ngọt giết người. Hiện thực huyền ảo của Võ
Thị Hảo là cuộc trực chiến giữa hai thành trì. Võ một mình một trận chiến. Một
mình một nghiã địa.
Thụy Khuê
Paris, 24/11/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét