Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

6. Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái


6. Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái 
Kể từ lúc Odysseus giả điên và Achilles giả gái lên đường ra trận, người Hy Lạp vây hãm Troy tới năm thứ 9 vẫn chưa đánh đổ được thành. Cuộc chiến thành Troy giờ đã không còn giới hạn giữa những người trần với nhau mà chuyển thành cuộc chiến giữa các vị thần trên đỉnh Olympus mất rồi: Hera và Athena, hai thí sinh thua cuộc trong cuộc thi hoa hậu mà hoàng tử Paris thành Troy làm giám khảo, lòng đầy cay cú nên đứng về phía quân Hy Lạp (Athena bị nỗi hận hoa hậu làm mờ cả mắt: thành Troy thờ tượng nàng, thế mà nàng chống lại thành!). Anh trai của Zeus là thần biển Poseidon cũng giúp các chiến binh Hy Lạp, chỉ vì họ là những người đi biển cực giỏi… Trong khi đó, Aphrodite, người đoạt vương miện hoa hậu, dĩ nhiên là ủng hộ thành Troy của giám khảo Paris. Ông chồng nàng, thần chiến tranh Ares, tất yếu phải sát cánh bên vợ. Cả thần Apollo (do yêu công chúa Cassandra hứa lèo của thành Troy), cả cô em sinh đôi là nữ thần săn bắn Artemis cũng ủng hộ thành Troy… Tóm lại là vô cùng phức tạp.
Trong quá trình chiến đấu, người Hy Lạp thu được khá nhiều chiến lợi phẩm, mà một trong những chiến lợi phẩm quý giá nhất là những người phụ nữ xinh đẹp (phải chăng đó là lý do khiến các ông cứ kéo chiến tranh nhằng nhẵng ra để khỏi về nhà?). Viên tổng chỉ huy quân đội Hy Lạp là Agamemnon được chia một nàng (xinh nhất?) là Chryseis, con gái của lão Chryses, tư tế đền thờ thần Apollo. Achilles thì được chia nàng Briseis. Viên tư tế Chryses mang vàng bạc đến doanh trại Agamemnon xin chuộc con gái, nhưng bị Agamemnon đuổi thẳng cánh. Lão chạy ra bờ biển cầu khẩn thần Apollo trừng phạt người Hy Lạp và vị thần có cây cung bạc liền reo rắc bệnh dịch khủng khiếp xuống doanh trại của quân Hy Lạp, khiến binh sĩ chết không biết bao nhiêu mà kể.

“Chryses đến gặp Agamemnon để chuộc lại con gái” (tranh thế kỷ thứ 4). Chryses quỳ dưới chân Agamemnon, phía sau là gia nhân bưng lọ vàng, bình bạc đến chuộc cô chủ. Không hiểu sao bên cạnh Agamemnon lại có một chú cởi truồng?

Chryses và con bò tế” trên một ly cổ bằng vàng. Con bò này có lẽ để cho lễ tế thần Apollo vì trên trời có thiên thần bay lượn.
Achilles bèn triệu tập một cuộc họp các tráng sĩ Hy Lạp, mời nhà tiên tri Calchas đến để hỏi nguyên nhân. Được sự bảo kê của Achilles (đảm bảo để Agamemnon không trả thù), nhà tiên tri chỉ đích danh nguyên nhân là do Agamemnon đã không trả lại con gái nhà người ta. Muốn thần Apollo nguôi giận, cách duy nhất là trả nàng Chryseis về cho bố nàng.


Achilles cãi nhau với Agamemnon, sơn dầu, 1832, của họa sĩ Mỹ William Page (1811 – 1885), là bức tranh nhỏ xíu, có 25 x 38cm, hiện trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian. Trong tranh, Agamemnon ngồi trên cao. Achilles cởi trần rút kiếm bảo vệ không cho Agamemnon giết Calchas khi nhà tiên tri này nói ra lý do đáng xấu hổ của trận dịch. Athena giơ tay cản Achilles.
Còn đây là Calchas, nhà tiên tri vĩ đại thời ấy, trong bức tranh “Cuộc hiến tế Iphigenia”. Đây chỉ là bản sao vào thế kỷ 1 ở La Mã một bức tranh vào thế kỷ thứ 4 trước CN của Timanthes, được phát hiện ở Pompeii, và nay thì lưu tại bảo tàng Naples. Iphigenia chính là con gái của Clymenestra (em của Helen) và Agamemnon.


Toàn cảnh bức “Cuộc hiến tế Iphigenia”, sao lại từ tranh của Timanthes, một họa sĩ lớn của Hy Lạp vào thế kỷ thứ 4 trước CN. Đây cũng là bức tranh nổi tiếng nhất của ông. Tích này là: Agamemnon có cô con gái út tên Iphigenia. Khi người Hy Lạp dong thuyền đi đánh thành Troy, gió cứ thổi quẩn làm không đi được. Nhà tiên tri (dại mồm) Calchas tiết lộ rằng đó là do Agamemnon lâu nay cứ khoe khoang rằng mình đi săn chẳng thua gì thần Artemis nên giờ bà ấy mới thù cho, và gió chỉ đổi nếu hiến Iphigenia cho thần. Agamemnon miễn cưỡng chấp thuận, nhưng chính Artemis thổi bay Iphigenia khỏi dàn tế và thay vào bằng một con nai (dù cũng có nhà thơ bảo rằng Artemis chẳng thương hại ai hết, và Iphigenia đã bị giết để tế cho thần săn bắn). Trong tranh, Calchas cao nhất, mặt lo âu. Iphigenia (trông như con trai) tuyệt vọng giơ hai tay. Menelaos xốc nách cô. Odysseus đỡ hông cô. Agamemnon đau đớn đứng một góc che mặt. Có người cho rằng Timanthes là thiên tài khi cho Agamemnon che mặt: ai biết sau bàn tay ấy ông đau khổ đến mức nào; người xem tha hồ tưởng tượng. Trên trời là thần săn bắn Artemis, lại có con nai mà bà sắp sửa thế vào chỗ Iphigenia. Tích về cô bé này còn lắm chi tiết dài dòng nữa, và vụ hiến tế Iphigenia cũng gây nhiều đau khổ cho gia đình của bé sau này, nên xin dành bài học về Iphigenia cho hôm khác.

Trước áp lực của các tướng lĩnh Hy Lạp, Agamemnon buộc phải sai người đem trả Chryseis. Để thế vào, ông sai người đến cướp nàng Briseis của Achilles, mang về doanh trại mình.


“Patroclus tách Briseis khỏi Achilles”, tranh tường tại Casa del Poeta Tragico, hiện lưu tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia, Naples. Khi Agamemnon bắt Achilles đưa Briseis cho mình, Achilles và Briseis dĩ nhiên quyến luyến, Patroclus là bạn thân (đồng thời cũng là người yêu nam của Achilles) đã tách hai người ra, để Briseis “lên đường” về dinh Agamemnon.

“Patroclus trao Briseis cho sứ giả của Agamemnon”, 1814, tranh của họa sĩ Pháp Pierre-Edme-Louis Pellier. Achilles được mô tả rất võ biền, tứ chi phát triển, trong khi Patroclus – bạn nối khố theo đúng nghĩa đen – là người điều khiển toàn bộ cuộc chuyển giao này. Sau này, có lúc Agamemnon năn nỉ Achilles ra trận bằng cách trả lại Briseis, Achilles cũng không thèm nhận (không biết trong vụ từ chối này có sự phụng phịu ghen tuông của Patroclus không). Mãi đến khi Patroclus chết, Achilles mới nhận lại Briseis (cho đỡ buồn?).


Mang Briseis đi khỏi lều của Achilles”, tranh sơn dầu 1773 của Johann Heinrich Tischbein – một trong những họa sĩ thượng lưu và danh giá nhất châu Âu vào thế kỷ 18, chuyên vẽ giới thượng lưu, tích thần thoại, tích lịch sử. Thực sự là bức này diễn tả tâm lý một cách… không hiểu nổi: Achilles chia tay người yêu mà vẫn bình chân ngồi ở ghế. Briseis (đầu to bất thường) nhìn Achilles như là chào tạm biệt đi hái nấm chứ không phải biệt ly.


“Eurybates và Talthybius dẫn Briseis về cho Agamemnon”, tranh của họa sĩ trường phái Rococo Ý Giovanni Battista Tiepolo vẽ vào thế kỷ 17. Trông Briseis rất buồn nhưng rất gợi cảm. Agamemnon áo mũ chỉnh tề như sắp ra trận, đứng chầu chực sẵn chỉ để… đón gái. Rõ chán!

Achilles hết sức tức giận. Nếu không có sự khuyên bảo của nữ thần Athena có lẽ chàng đã giết chết Agamemnon rồi. Dằn dỗi, chàng quyết định sẽ không tham chiến nữa, bỏ mặc cho người Hy Lạp giao chiến với người Troy, đồng thời (phụng phịu) nhờ mẹ Thetis lên đỉnh Olympus nói với thần Zeus (cựu tình nhân) làm cho người Hy Lạp thua trận.
Mỗi lời nói của cậu quý tử là một mệnh lệnh nên nữ thần Thetis lập tức bay lên đỉnh Olympus, vào gặp thần Zeus. Nàng ngồi dưới chân Zeus, đặt tay trái trên đầu gối, tay phải nâng cằm Zeus, rồi cầu khẩn vị chúa tể các vị thần hãy cho người Troy thắng trận, trừ khi người Hy Lạp trả lại danh dự cho Achilles.
Zeus hết sức lưỡng lự. Từ chối lời khẩn cầu của Thetis, người mà Zeus từng có thời yêu thương (suýt nữa còn lấy làm vợ) là điều không thể. Nhưng Zeus cũng rất lo sợ những cơn ghen tuông của bà vợHera – bà này chắc chắn sẽ nổi giận nếu như biết chồng thuận theo lời đề nghị của Thetis.


“Jupiter và Thetis” là bức tranh vẽ năm 1811 của họa sĩ tân cổ điển Pháp Jean Auguste Dominique Ingres, hiện lưu tại bảo tàng Granet, Aix-en-Provence, Pháp. Vẽ năm họa sĩ mới 31 tuổi, bức tranh nêu bật sự đối lập giữa sự oai phong của một nam thần tối cao, với sự thanh thoát, nhẹ nhõm khó cưỡng của một nữ thần. Tranh có khổ rất lớn (3.4m x 2.5m) với Zeus ngồi hiên ngang trên ngai; áo quần, da thịt liền với màu bệ đá dưới chân thành một khối vững chắc. Thetis với những đường cong uyển chuyển, gợi cảm, tuy cầu xin nhưng là người biết ưu thế của mình, tay phải đặt lả lơi “gợi ý” trên hông Zeus, tay trái vươn lên như muốn xoa râu Zeus; bộ váy xanh rêu đậm càng làm cho nền trời xanh thẫm phía sau thêm đáng sợ. Váy xống của nàng rũ bên hông như sắp tuột xuống hết (theo Wikipedia). (Nhân vật trên nền trời có phải Hera? Không lẽ lại là Hera, vì mặt bình thản quá? Bạn nào biết chỉ giùm nhé). Bức tranh là một sự khái quát hóa quan hệ đàn ông – đàn bà: đàn ông mạnh mẽ vừa là ông chủ, vừa là nô lệ của đàn bà ma lanh. Ingres giữ bức tranh này trong xưởng mãi tới năm 1834, tức 23 năm sau, cho đến khi nhà nước mua. Năm 1848, ông làm một bản copy bằng chì (đạo đức thế!). Mãi đến 1911, tranh mới được triển lãm lần đầu tiên tại Paris Salon.

Trong những tình huống nhạy cảm như thế này, cách khôn ngoan nhất mà thần Zeus luôn lựa chọn là… đứng giữa, ra vẻ không nghiêng về bên nào. Nhưng đấy chỉ là bề ngoài, thần vẫn muốn chiều Thetis, nên thần mới vạch ra một kế hoạch rất đơn giản: biết rằng quân Hy Lạp tấn công thành Troy mà thiếu Achilles thì chỉ có chuốc lấy thảm bại, nên Zeus mới lệnh cho thần báo mộng Orenos, “cài” một giấc mộng cho Agamemnon, báo rằng nếu tấn công thành Troy thì sẽ thắng to.
Tưởng thật, Agamemnon xua quân tấn công thành Troy. Trong trận tấn công đẫm máu này, phía thành Troy, đứng đầu là hoàng tử Hector, anh trai của Paris, đã tàn sát quân Hy Lạp không nương tay. Kể cả khi các thần ủng hộ hai phe cũng lao vào tham chiến, ưu thế vẫn thuộc về phía Troy. Quân Hy Lạp, thiếu vắng người anh hùng thiên hạ vô địch Achilles, đã bị người Troy dồn về bờ biển, cạnh các chiến thuyền. Đến lúc ấy, Achilles, do trong lòng còn giận Agamemnon, vẫn quyết định không tham chiến.


“Các sứ giả của Agamemnon gặp Achilles”, 1801 của Jean Auguste- Dominique Ingres. Các sứ giả đến năn nỉ Achilles bớt giận Agamemnon mà tham chiến. Achilles ngồi ở góc ngoài cùng tranh, được mọi người hướng về; chàng thì ôm đàn lia (chứng tỏ nhàn cư, không quan tâm đến chiến tranh nữa), trong khi quyết định của chàng lúc này sẽ cực kỳ quan trọng đối với cuộc chiến thành Troy đang đến hồi nguy khốn cho quân Hy Lạp. Đặc biệt, Ingres đã rất tài tình khi mô tả mối quan hệ thân thương giữa Achilles và Patroclus: hai chàng đứng kề nhau, với Patroclus rất “uy quyền” và tự tin; trong khi đó, các sứ giả mỗi người một vẻ: hoang mang, đe dọa, lo âu…

Nhưng bỗng dưng xuất hiện một con người khiến cho mọi sự thay đổi hoàn toàn. Đó là Patroclus, bạn chí cốt của Achilles.


Tác phẩm “Patroclus” của họa sĩ tân cổ điển lỗi lạc Jacque Louis David vẽ năm 1780 (hiện lưu ở bảo tàng Thomas Henry, Cherbourg, Pháp). Bức sơn dầu khổ to (1.2 x 1.7m) này mô tả thân hình của Patroclus, bạn thân Achilles. Về màu sắc bức tranh này: David là một họa sĩ nhiệt thành ủng hộ cách mạng Pháp (nên yêu màu đỏ?), đồng thời là bạn thân của nhà lãnh đạo cách mạng tư sản Robespierre. Có thể nói, bức tranh này là một ám chỉ về tình bạn sâu nặng của ông với Robespierre. David, dưới thời cộng hòa Pháp, được coi là một nhà độc tài của nghệ thuật. Sau khi Robespierre bị chém đầu, David vào tù (nên Patroclus trong tranh như đang ngồi trong ngục?). Được chính quyền Napoleon 1 tha, David theo chế độ này và bắt đầu theo phong cách vẽ có tên “empire” (đế quốc, đế chế), dùng toàn màu ấm nóng. Ông có rất đông học trò, và được coi là người có ảnh hưởng nhất đối với nghệ thuật Pháp vào đầu thế kỷ 19.

“Achilles và Patroclus”. Patroclus đang băng bó cho Achilles (hay ngược lại?)
Chứng kiến quân Troy đang tiến sát và chuẩn bị đốt các chiến thuyền Hy Lạp, Patroclus bèn xin mượn bộ áo giáp vàng của Achilles để xung trận, cứu nguy. Patroclus lý luận: mặc bộ áo giáp ấy, quân Troy sẽ tưởng Achilles đã quay trở lại mà hoảng sợ tháo lui. Achilles đồng ý, nhưng dặn Patroclus chỉ nên đánh bật người Troy ra khỏi khu vực chiến thuyền Hy Lạp, chớ có hăng máu đuổi theo về đến thành bang của họ. Achilles sợ người bạn thân của mình sẽ gặp nguy hiểm.
Quả nhiên, Patroclus trong bộ áo giáp của Achilles đã làm cho quân Troy hoảng vía chạy trốn. Trong cơn say máu, quên mất lời dặn của Achilles, Patroclus đã truy sát người Troy đến tận chân thành. Đến đó, chàng gặp phải một địch thủ đáng sợ, chính là Hector. Hai người giao chiến ác liệt. Với sự trợ giúp ngầm của thần Apollo, Hector đâm chết Patroclus. Bộ áo giáp của Achilles mà Patrocles đang mặc bị Hector lột lấy làm chiến lợi phẩm.
Khỏi phải nói Achilles đau đớn đến thế nào khi người bạn thân thiết bị giết chết. Quên hết tất cả những hiềm thù với Agamemnon, chàng quyết định ra trận để tìm giết Hector, trả thù cho Patroclus.
Vậy là bằng cái chết của mình, Patroclus đã làm xoay chuyển toàn bộ cuộc chiến, đồng thời phí hết cả công thần Zeus bàn mưu với mẹ Thetis của Achilles.

Chi tiết trong bức “Người Hy Lạp và người Troy giành xác Patroclus” của Antoine Wiertz , vẽ năm 1836. Mặt Patroclus nhợt nhạt, áo giáp đã bị lột, thân xác vô tri bị mọi người xâu xé.


“Achilles khóc than cái chết của Patroclus”, vẽ khoảng 1760, của họa sĩ Gavin Hamilton. Trong tranh, Patroclus tái nhợt, nổi bật trên nền ấm nóng của những da thịt còn đang sống và hậu cảnh u ám của chiến tranh. Tuy nhiên hai đùi lại rất đen!


“Achilles trầm ngâm nhìn xác Patroclus” của Giovanni Antonio Pellegrini, một trong những họa sĩ Ý quan trọng nhất đầu thế kỷ 18. Không hiểu sao ông lại vẽ Achilles bụng rất ỏng và mặt thì dửng dưng trước xác Patroclus đã sạm lại.


“Achilles khóc than Patroclus”. không tìm thấy tên tác giả (bạn nào giúp giùm), là một bức rất đẹp và cảm động. Sắc thái đau thương của những người xung quanh được thể hiện rất tinh tế: tất cả như đều lùi lại một bước tế nhị trước sự đau đớn của Achilles.


Achilles chuẩn bị trả thù cho cái chết của Patroclus” – tranh của họa sĩ Hòa Lan Theodore Jaspersz (Dirck) van Baburen, vẽ năm 1624. Sự nghiệp của họa sĩ này rất ngắn và chỉ có vài bức tranh còn được biết đến ngày nay. Trong tranh, Achilles mặc áo màu vàng, bàn tay phải nắm chặt vì giận, tay trái đưa lên trời thề trả thù.













Và thế là Achilles đứng dậy, khoác bộ áo giáp mới mà mẹ chàng đưa đến, bộ giáp mới toanh từ lò rèn của thần Hephaistos. Chàng xông vào cuộc chiến một lần nữa, đánh quân Troy tan tác và giết chết Hector, vị tướng của Troy và con trai trưởng của vua Priam, để trả thù.

“Thetis an ủi Achilles” của họa sĩ Giambattista Tiepolo, một họa sĩ Ý thuộc thế kỷ 18 nổi tiếng với các bích họa. Trong tranh, Thetis nổi lên từ biển (nhà ngoại), có người đỡ phía sau, bất lực thấy con trai ngồi buồn bã, trống rỗng trên… khung tranh. Đây có lẽ là một bức kiểu tranh tường của Tiepolo, để trang trí một ngôi nhà của một vị quý tộc nào đó, nên phần khung được giới hạn, cũng như nơi Achilles ngồi đúng là một bệ tường.


Troilus, đứa con trai mười chín tuổi của vua Priam, vua thành Troy. Tương truyền rằng nếu Troilus có thể sống đến hai mươi tuổi, thành Troy sẽ không bao giờ sụp đổ, nhưng điều đó đã không xảy ra. Achilles không thể kiềm chế dục vọng của mình dành cho Troilus khi hai người đánh nhau, “Ta sẽ giết ngươi, trừ phi ngươi phủ phục dưới sự âu yếm của ta,” Achilles đe dọa. Troilus từ chối và trốn vào trong đền thờ của thần Apollo, nhưng Achilles vẫn xông vào, xúc phạm thần Apollo. Khi Troilus tiếp tục kháng cự, Achilles đã chặt đầu chàng trai trẻ ngay trên bàn thờ.*

Không lâu sau đó đến lượt Achilles phải chết, Paris, em trai của Hector, đã bắn một mũi tên tẩm độc vào gót chân của chàng dưới sự chỉ dẫn của thần Apollo, người vẫn chưa quên cái chết của Troilus. Lời tiên tri trở thành sự thật (lời tiên tri rằng nếu tham gia cuộc chiến Achilles sẽ chết), linh hồn của Achilles đoàn tụ với người bạn của mình ở cánh đồng Elysian (thiên đàng). Tro cốt của họ được trộn vào nhau trong chiếc bình đựng tro cốt màu vàng của thần Thetis, và người Hy Lạp chôn họ trong cùng một ngôi mộ.
Pha Lê bổ sung:
1. Thời đấy, phụ nữ được coi là “chiến lợi phẩm” trong chiến tranh. Nên việc Agamemnon cướp Briseis giống như một hành động “ăn cắp của cải”, nên Achilles mới tức giận, chứ chẳng yêu thương gì nàng này.
2. Người Achilles thực sự yêu chính là Patrocles. Plato thì ví hai chàng như “người yêu”, còn Homer thì không nhấn mạnh tình yêu giữa hai chàng nhưng cũng không né tránh nó. Theo Homer, Achilles sau này gặp Patrocles ở thế giới bên kia, và cả hai “sống cùng nhau mãi mãi”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét