Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

15. Anh hùng chớ lấy vợ ghen


15. Anh hùng chớ lấy vợ ghen 
GiGi tổng hợp
Nguồn: Soi.today
“Hercules và Deianeira” của Jan Gossaert – một trong những họa sĩ lỗi lạc nhất của Phổ sống vào đầu thế kỷ 16. Jan là họa sĩ cung đình, nổi tiếng với tranh khỏa thân. Nhìn tranh thì thấy phẫu thuật nâng ngực có lẽ đã có từ thời này: ngực Deianeira trông như được bơm.

Như tất cả các ông chồng, người hùng Heracles (Hercules) sau khi đã lấy được vợ đẹp là nàng Deianeira và có với nhau nhiều mặt con thì cũng hay đi xa, tuy đi lần nào cũng về.
Khi trẻ, vợ Heracles cũng đẹp, từng khiến bao kẻ phải uýnh nhau với Heracles, trong đó có một con nhân mã, bị Heracles bắn chết bằng mũi tên có tẩm nọc rắn chín đầu Hydra.
Nhân mã là giống nham hiểm. Trước khi chết, y còn đưa cho vợ Heracles cái áo có thấm máu y đã nhiễm nọc rắn Hydra, bảo nàng giữ đi rồi sẽ giữ được cho chồng nàng không bị hiểm nguy sờ tới.

“Deianeira bị nhân mã Nessus bắt”, tranh của họa sĩ Ý Guido Reni, 1621. Con nhân mã này, theo Pha Lê bổ sung, do Heracles mướn chở vợ sang sông. Thấy nàng đẹp, Nessus bắt đi hãm hiếp luôn. Guido Reni là họa sĩ cực kỳ nổi tiếng thời đó, chuyên vẽ tranh tường, tranh vòm các nhà nguyện, nhà thờ. Nhân mã trong tranh này xinh đẹp, không có vẻ nhân mã tí nào.

Trong khi đó, “Nessus và Deianeira” của họa sĩ Thụy Sĩ Arnold Bocklin (1898) nhìn rất khiếp. Cả người đẹp lẫn nhân mã đều kinh như nhau. Heracles thì rất già. Arnold Bocklin là họa sĩ được nhiều danh nhân ái mộ. Nhạc sĩ Rachmaninoff khi viết bản Prelude in B minor, Op. 32, No. 10 là lấy cảm hứng từ bức “Trở về” của Böcklin. Adolf Hitler cũng mê tranh Böcklin, có lúc sở hữu tới 11 tác phẩm của ông. Khi được hỏi ai là họa sĩ yêu thích nhất và có ảnh hưởng lớn tới mình, Marcel Duchamp đã kể tên Arnold Böcklin. Câu trả lời của Duchamp cho đến nay vẫn còn làm nhiều người nghi ngờ.

Cứ theo bức “Vụ hãm hiếp Deianeira” của họa sĩ Ý giàu có Antonio del Pollaiolo (thế kỷ 15) thì lỗi chính là của Heracles: để vợ đẹp cởi truồng mà thuê nhân mã chở qua sông. Đây là một họa sĩ rất nổi tiếng vì vừa khai thác giải phẫu học con người trong chuyển động, vừa rất chú trọng phong cảnh trong tranh.


Mảnh áo mà nhân mã sẽ trao cho Deianeira trước khi tắt thở là áo vắt chéo người nhân mã, như trong bức này – “Nhân mã Nessus bắt Deianeira” của họa sĩ Pháp Louis Jean Francois Lagrenee (1724 – 1805). Người đàn ông nắm đuôi nhân mã là ai? Heracles thì đang trên bờ giương cung rồi…

“Hercules, Deianeira và nhân mã Nessus” của họa sĩ Hà Lan David Vinckboons vẽ năm 1612. Đây là khoảnh khắc lúc Heracles đã bắn xong, nhân mã trúng tên độc, đang rút ra, nhưng tay vẫn không rời Deianeira. David Vinckboons là họa sĩ vẽ nhiều, tranh ông rất được hâm mộ thời đó. Ông chỉ học có mỗi cha mình (cũng là họa sĩ) và làm việc ngay tại quê nhà. Ông đông con (10 đứa tất cả), thế mà vẫn vẽ được nhiều, lại có thời giờ nghiên cứu tích xưa để vẽ, thế mới tài!
“Hercules, Deianeira và nhân mã Nessus”, 1580 của Bartholomaeus Spranger. Trong tranh, nhân mã đã chết ngắc, thân tái mét nằm dưới đất. Deianeira trông rất gợi dục, nhìn chồng không có vẻ gì mới qua cơn kinh hoàng. Không rõ cái áo của nhân mã đưa là cái nào? Hay cái đang mặc trên người nhân mã? Vô lý, vì đúng theo tích, nhân mã trước khi tắt thở đã kịp trao cho Deianeira cơ mà!

“Deianeira và Nessus hấp hối” của Howard Pyle vẽ năm 1888. Có lẽ chỉ họa sĩ Mỹ này là đặt ra nghi vấn: phải chăng chỉ một quãng lội sông ngắn và một vụ hãm hiếp cấp tốc mà Deianeira đã phải lòng Nessus? Trong tranh, Deianeira cúi xuống thật tình cảm. Và quả thật, phải có tình cảm thế nào mới trao và nhận áo với nhau chứ nhỉ?

Một lần kia, trong lúc Heracles đi xa, Deianeira nghe tin chàng đang tằng tịu với một cô rất trẻ, rất xinh, chân rất dài.
Đợi chồng về nhà, Deianeira lấy chiếc áo tẩm nọc độc của nhân mã cho chồng mặc.
Cũng như tất cả đàn ông thời nay, Heracles vô tư mặc vào mà không cần hỏi vợ mua ở đâu, hãng nào dệt. Chiếc áo liền dính chặt vào người, phun nọc độc, làm Heracles đau đớn quằn quại như bị cả ngàn con rắn độc cắn.
Biết mình không thoát khỏi tử thần, Heracles sắp sẵn một dàn củi trên đỉnh núi Octa, nằm lên đó rồi ra lệnh cho mọi người châm lửa, mau mau giải thoát mình khỏi cơn đau vật vã.
Không một ai dám châm lửa. Cuối cùng, vì thương bạn, một người bạn thân là Philoctetes quyết định tình nguyện châm.
Cảm kích về hành động nhân từ này, Heracles đã tặng lại cho Philoctetes bộ cung tên quý báu của mình rồi linh hồn bay về cõi bất tử.
Vậy đó, anh hùng chết lảng chỉ vì vợ ghen.



“Hercules tự thiêu trên dàn thiêu với sự hiện diện của bạn Philoctetes”, tranh của họa sĩ Nga Ivan Akimovich Akimov, vẽ năm 1782. Bức tranh này nhìn không có vẻ miêu tả được khoảnh khắc đầy kịch tính của tình bạn. Philoctetes đến châm lửa mà mặt hân hoan, lại rất giống phụ nữ. Dàn thiêu thì như bục cho mẫu ngồi trong trường Yết Kiêu!

Dây cà ra dây muống, cái chết của Hercules có liên quan đến cuộc chiến thành Troy.
Số là sau cái chết của Achilles và Ajax Lớn – hai vị đại anh hùng – sức mạnh quân Hy Lạp sút giảm, coi bộ khó mà chiến thắng.
Phe Hy Lạp có một nhà tiên tri là Calchas nhưng ông này tự nhiên ú ớ, bảo rằng dạo này chẳng nhận được thông điệp nào từ phía các thần linh về việc thắng thua của người Hy Lạp.



Nhà tiên tri Calchas

Đương thời còn một nhà tiên tri tài năng khác là Helenus, nhưng ông này lại là con trai vua Priam của… thành Troy – phe địch.
Nóng lòng muốn biết được kết cục, phe Hy Lạp quyết tổ chức bắt cóc Helenus. Người được giao nhiệm vụ này chính là Odysseus.
Cùng “đồng bọn”, Odysseus đột nhập vào thành Troy, bắt cóc Helenus mang về doanh trại Hy Lạp. Tại đây, trước sự dọa dẫm của Odysseus, Helenus đành phải tiết lộ thiên cơ: người Hy Lạp muốn hạ được thành Troy thì ít nhất phải thỏa mãn hai điều kiện:
– Mời được con trai của Achilles, tên là Neoptolemus (còn gọi là Pyrrhus) tham chiến
– Mời được người đang sở hữu bộ cung tên của Hercules (Heracles) tham chiến
Điều kiện đầu là việc dễ dàng, vì Neoptolemus cũng đang nóng lòng muốn ra trận để trả thù cho cha.
Tuy vậy, điều kiện thứ hai lại vô cùng khó, vì Philoctetes – người được Heracles tặng bộ cung, khi ấy đang lưu lạc ở một nơi, một tình trạng thối tha, do… chính Odysseus gây ra!
Chuyện Odysseus tương ra một bãi trong quá khứ giờ lại phải quay lại dọn, xin để bài học thứ Tư kỳ sau.
*
Bổ sung của Pha Lê
1. Deianira là vợ thứ ba của Heracles rồi, chàng này nổi tiếng đào hoa, yêu đủ các cô cậu, trai gái khác nhau.
2. Sau khi biết chiếc áo của mình giết chồng chết, Deianira treo cổ tự tử
3. Sau khi bị thiêu, linh hồn của Heracles bay lên đỉnh Olympia . Các vị thần đồng ý làm phép cho Heracles được bất tử. Tại đây, Heracles cũng làm hòa với mẹ kế là Hera, lấy luôn con gái bà, tên Hebe (thích thế). Dù Hera hành hạ Heracles đủ kiểu, sau này khi hòa thuận rồi, chính Heracles là người xây nhiều đền thờ cho Hera nhất. Chắc bởi vậy mà anh này có tên Heracles (có nghĩa: vinh quang của Hera).

*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét