Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

16. Iphigenia: Một vụ tế


16. Iphigenia:
Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người
Pha Lê


Agamemnon và Clytemnestra đẻ một lô lốc con, trong đó có Iphigenia (nhà thơ Antonius thì nói Iphigenia là con của Helen, nhưng cô em gái Clytemnestra “nuôi hộ” bé này; có điều, chỉ mỗi Antonius là phán thế nên không mấy ai tin lời ông).
Paris bắt cóc Helen, gây ra cuộc chiến thành Troy.
Rồi chuyện gì xảy ra nữa?
Phe Hy Lạp nóng lòng muốn bẻ cổ phe Troy để cứu Helen về, nhưng hồi ấy không có máy bay, muốn tới Troy phải đi bằng thuyền. Người Hy Lạp đóng tàu cũng như đi biển rất giỏi, nhưng không hiểu sao gió cứ thổi trái chiều, làm bao binh lính tức tối. Agamemnon (đã cưới em gái Clytemnestra của Helen nên ông là công dân Sparta chứ không phải Hy Lạp, có điều quân Hy Lạp mạnh nhất cũng như đông nhất, không có họ thì chẳng đánh đấm gì được) đến cầu cứu nhà tiên tri Calchas (tên gốc: Kalkhas). Quẻ bói của ông Calchas này khác nhau tùy theo nguồn, nhưng nói chung là có hai bản chính:
Cách đây vài năm, Agamemnon vác cung tên đi săn. Ông bắn hạ một con nai (hoặc dê rừng, nói chung là con gì đó). Hý hửng quá, ông kênh kiệu phán rằng tài bắn cung của mình vượt trội Artemis – nữ thần săn bắn. Chuyện này làm Artemis tức điên, nhưng thay vì nóng giận trả thù ngay, Artemis điềm tĩnh chờ thời. Lúc chiến tranh xảy ra, Artemis theo phe Troy, làm gió thổi trái chiều khiến quân Hy Lạp không ra khơi được. Lúc Agamemnon hối hận nhờ Calchas cầu cứu, Artemis đưa ra điều kiện: Agamemnon phải giết đứa con mà ông yêu nhất (tức Iphigenia – lại con gái) thì gió mới xuôi chiều.

Tác phầm “Lễ tế Iphigenia”, 1671, Jan Havicksz. Steen. Iphigenia đang chắp tay quỳ, mặt buồn bã chấp nhận số phận. Vua cha Agamemnon (đội vương miện) đau khổ đến suy sụp, lấy tay ôm trán, khiến một trung thần phải chạy tới an ủi. Phía trái, một cậu bé (cầm cung tên, trông rất giống Cupid) đang khóc, phía sau cậu bé là con nai – biểu tượng của Artemis, nhưng ngoài bức tượng Artemis bằng đá đặt ở phía trên góc trái, thì không thấy bóng dáng Artemis (thật) trong tranh, ám chỉ Iphigenia sẽ chết? Tên đao phủ đang cầm dao để giết Iphigenia – chi tiết này chứng minh Steen hơi thiếu nghiên cứu, vì theo truyền thống của Hy Lạp cổ, chỉ vua hoặc thầy tu cấp cao mới được giết người bị tế, đặc biệt là khi người bị tế có thân phận công chúa, hoàng tử… Chứ một kẻ bặm trợn như trong tranh làm gì có quyền tế công chúa như kiểu giết gà giết vịt.

Atreus, bố của Agamemnon, từng hứa với Artemis rằng ông sẽ tế con cừu đẹp nhất trong đàn cừu của mình cho Artemis. Nhưng ngay sau đó, một con cừu bằng vàng xuất hiện trong đám cừu trắng (do Artemis gửi xuống nhử?). Atreus thấy vàng nên ham quá, cố tình quên mất lời hứa. Ông bóp cổ con cừu rồi cho vào hòm để giữ làm của. Đời cha ăn mặn đời con khát nước, và Artemis vốn thù dai, nên khi chiến tranh nổ ra, Artemis bắt Agamemnon phải giết đứa con xinh nhất của mình thì quân đội mới ra khơi được.
Vậy Iphigenia có chết không?
Theo một vài nhà thơ như Aeschylus, thì Iphigenia bị tế, chết khi còn là trinh nữ.
Nhưng theo Apollodorus, Ovid, hay Pausanias thì Iphigenia không chết. Artemis (vốn rất mê gái đẹp – gien di truyền từ Zeus) cứu Iphigenia bằng cách dùng một con nai (hoặc con bò mộng, con dê) thế chỗ cho cô bé. Vài tích còn nói Artemis biến Iphigenia thành người bất tử, và bắt cô ở với mình mãi mãi; vài tích khác nói sau đó Artemis chán Iphigenia nên thả cho cô bé đi. Iphigenia (hình như vẫn còn quyến luyến) đem theo một tấm hình của Artemis làm kỷ niệm, sau này Iphigenia đến một hòn đảo nhỏ, lập đền thờ Artemis và đặt tấm hình ấy vào.

Tác phẩm “Lễ tế Iphigenia”, 1633, Francois Perrier. Iphigenia bị bịt mắt (chi tiết này lai với kiểu xử trảm ở châu Âu, vì dân Hy Lạp cổ không bịt mắt khi tế ai bao giờ), thân hình như đã có tới hai con. Perrier, giống Steen, cũng vẽ một tên đao phủ (đang hơ dao trên lửa, giống mổ heo quá); còn vua cha thì quay mặt (không dám nhìn?) chỉ tay ra lệnh tế con gái cưng. Hoàng hậu Clytemnestra (đội vương miện, đang quỳ) cầu xin trời cứu con. Artemis thì đang cưỡi mây nhìn xuống, tay ôm con nai thế mạng cho Iphigenia (nhưng con nai này nhìn giống chó săn cực kỳ. Chó săn là một biểu tượng của Artemis, không biết có phải do Perrier vẽ lộn, sau này thấy sai nên chữa cháy?)

Tác phẩm “Lễ tế Iphigenia, 1749, Francesco Fontebasso. Họa sĩ này có nghiên cứu nên vẽ thầy tu cầm dao tế. Artemis thay con dê vào chỗ Iphigenia rồi kéo cô lên mây với mình. Nhưng không hiểu sao vua cha (mặc áo giáp, cầm khiên) lẫn đám quần thần nhìn cực kỳ hoảng loạn khi thấy Artemis cứu công chúa? Thiếu điều muốn bỏ chạy! Rõ ngược đời.

Tác phẩm “Lễ tế Iphigenia”, 1662, Charles de la Fosse. Artemis thay con nai lên bàn tế để cứu Iphigenia. Agamemnon (đang ôm con) và người dân cũng như quân lính tròn mắt nhìn một cách ngạc nhiên, trong khi Iphigenia lộ rõ vẻ biết ơn. Duy nhất một anh lính ở góc phải vẫn đang ôm mặt khóc, không hề nhật ra rằng công chúa đã được cứu.

Tác phẩm “Iphigenia”, 1862, Anseim Feuerbach. Iphigenia trông hơi già, chẳng có vẻ “trinh nữ” tẹo nào, mặt còn hơi đượm buồn, nên chắc đây là bức vẽ Iphigenia lúc cô mò tới một hòn đảo hoang sơ sống sau khi bị Artemis bỏ rơi. Cô nhìn ra biển, ý như là đang nhớ quê hương, muốn được trở về với bố mẹ.

Chuyện không hay này nối tiếp chuyện không hay khác:
Hoàng hậu Clytemnestra, khi hay tin chồng mình giết con gái yêu thì tức lắm, nhưng chưa kịp nguôi giận thì Agamemnon đã đổ dầu vào lửa. Ông phải lòng Cassandra (em của Paris) và bắt cóc cô này về làm thiếp (lại bắt cóc, hình như hồi xưa đây là cách đàn ông thể hiện tình cảm?). Clytemnestra cùng với bồ – tên Aegisthus – (cũng ăn vụng mà còn đi giận người ta) dùng rìu chém Agamemnon và Cassandra cho tới chết.

Tác phẩm “Clytemnestra lưỡng lự trước khi giết Agamemnon”, 1817, Pierre Narcisse Guerin. Agamemnon đang cởi trần ngủ say như chết trên giường, đằng sau tấm màn, Clytemnestra đang cầm dao, tuy chân bước tới nhưng người lại ngả lùi, ngập ngừng không biết có nên giết chồng hay không. Chắc vì lưỡng lự như vậy nên tình nhân Aegisthus mới phải động viên, dùng tay đẩy Clytemnestra về phía trước. Trong tích thì Clytemnestra không dùng dao, nhưng chắc do rìu cồng kềnh quá nên Guerin vẽ dao cho gọn.

Tác phẩm “Clytemnestra”, 1882, John Maler Collier. Họa sĩ này vẽ Clytemnestra sau khi bà tự tay giết chồng. Nhìn dáng đứng tự tin, nét mặt vô cảm, cộng với lưỡi rìu đầy máu, trông Clytemnestra chẳng khác một kẻ sát nhân hàng loạt là mấy.

Nhưng ngoài Iphigenia, Agamemnon còn một cô con gái cưng tên Electra nữa. Thấy mẹ giết bố, Electra ôm em trai Orestes (lúc này con đỏ hỏn) chạy trốn. Electra nuôi em trai khôn lớn và dùng những chuyện không hay về mẹ để nhồi sọ thằng em. Lúc trưởng thành, Orestes quay về Sparta, giết mẹ để trả thù cho cha.

Tác phẩm “Orestes giết Aegisthus và Clytemnestra”, Bernardo Mei, 1645. Orestes xông vào phòng ngủ của mẹ, người tình Aegisthus bị cắt cổ, chết ngay trên giường, còn Clytemnestra thì bị Orestes dùng tay đè xuống để giết tiếp.

Chuyện chưa chấp dứt. Vì mang tội giết mẹ, Orestes bị đám Erinyes trừng phạt, hành hạ (3 nữ thần của sự báo thù, với rắn độc quấn đầy đầu (dù không phải Medusa), thường xuất hiện khi ai đó giết người, và làm cho kẻ thủ ác bị điên). Orestes cầu cứu Apollo, nhưng Apollo cũng chịu thua, không làm gì được vì Erinyes rất mạnh. Nhưng thương Orestes nên Apollo năn nỉ nhờ nữ thần Athena tối cao can thiệp. Sau một đợt xử án nhì nhằng, Athena phán Orestes vô tội và bắt đám Erinyes (tiếng Anh gọi là The Furies) tha cho cậu.

Tác phẩm “Orestes bị đám Furies hành hạ”, 1862, William Adolphe Bouguereau. Ba nàng Furies trừng phạt Orestes vì tội giết mẹ, thậm chí còn liên tục nhồi hình ảnh Clytemnestra bị đâm chết (quấn vải đỏ, bên trái) vào đầu Orestes. Nếu không nhờ Athena thì chắc anh đã hóa điên.

Theo một bản khác, để trốn đám Furies, Orestes chạy tới một hòn đảo hẻo lánh (hình như nếu vượt biên thì Erinyes không đuổi theo được? Thần thánh gì mà còn thua cảnh sát Interpol). Nhưng hòn đảo này có tục lệ “giết người lạ mặt để tế cho Artemis” nên Orestes bị bắt vào đền thờ. May mắn làm sao, nữ tu của đền thờ chính là… Iphigenia, biết Orestes là người xứ Sparta, Iphigenia hứa sẽ thả cậu về nếu cậu giúp cô bắt liên lạc với gia đình. Chuyện này dẫn tới chuyện kia, và cả hai nhận ra mình là anh em. Họ cùng nhau trở về nước (Iphigenia không quên đem theo tấm hình của Artemis, si tình thế!).
Xét cho cùng, mọi bi kịch gia đình gần như đều xuất phát từ ông đàn ông. Nhà Agamemnon cũng thế, mọi chuyện đều từ ông mà ra cả!
 *

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét