10. Đám con lai các
thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc
GiGi và MM tổng hợp,
bình tranh
Thành Troy, mặc dù mất đi người bảo vệ
dũng mãnh là Hector, nhưng đã được sự tiếp sức bởi hai đồng minh hùng mạnh.
Đầu tiên là nàng Penthesileia, người cầm
đầu một đội nữ kị vô cùng thiện chiến. Penthesileia chính là con gái lai của
thần chiến tranh Ares (Marc) với nữ hoàng Amazon (tóm lại là Aphrodite ăn nem
thì chồng nàng là Ares cũng xơi chả!) Người ta đồn rằng những nữ chiến binh
Amazon dưới quyền nàng đã tự nguyện gọt đi một bầu vú để thuận tiện cho việc
giương cung bắn tên (còn nàng thì sao nhỉ?).
Đạo quân Amazon tuy phần nào giúp người Troy
chống lại được sức tấn công mạnh mẽ của quân Hy Lạp, nhưng Penthesileia đâu
phải là đối thủ xứng tầm của Achilles. Bước vào giao tranh, chỉ một ngọn lao
đồng, Achilles đã đâm trúng ngực Penthesileia khiến nàng tử thương.
Lột bộ giáp trụ của Penthesileia làm chiến lợi
phẩm, khi nâng vành mũ đồng che vầng trán và khuôn mặt của Penthesileia lên,
Achilles sững sờ trước vẻ đẹp của nàng. Chàng lúc ấy chỉ biết tiếc thương cho
một người đẹp như thế mà phải chịu một số phận bất hạnh dưới mũi lao của chính
mình. Đúng lúc ấy, một viên tướng Hy Lạp có thân hình xấu xí là Thersites lò dò
đi đến. Y nhạo báng sự đa cảm của Achilles, đồng thời lấy ngọn giáo nhọn đâm
thủng hai con mắt của Penthesileia xinh đẹp. Vô cùng tức giận trước sự hỗn hào
của Thersites, Achilles vung tay tát một cái mạnh đến nỗi y ngã lăn ra đất, vỡ
óc chết thẳng cẳng (cũng có tích nói Achilles đã bắt sống được Penthesileia và
bắt nàng về làm vợ; còn cái chết của Thersites là do y âm mưu phản loạn nhưng
bị Odysseus phát hiện và trừng trị).
“Trận
chiến của những người Amazons” của họa sĩ Anselm Feuerbach (1829 –1880) – một trong
những họa sĩ hàng đầu của phong trào Tân cổ điển Đức vào thế kỷ 19. Trong tích
thì Penthesilea đi đánh thành Troy có 12 nữ chiến binh đi cùng. Nhưng trong
tranh thì có 14 nữ chiến binh, 7 cô đã bị giết, bị thương; 7 cô còn lại đang
đánh nhau với 7 chiến binh Hy Lạp. Penthesilea ở cạnh dưới tranh, như hình bên
dưới. Cảnh chém giết trong tranh không thấy đổ máu. Bức tranh này vẽ ra bị một
nhà báo là Daniel Spitzer chê quá là chê, đến nỗi không bán được. Sau khi họa
sĩ chết, mẹ kế họa sĩ đem tặng cho thành phố Nürnberg. Trong tranh này, quả
thực, về mặt hình họa, kĩ thuật diễn tả của Anselm Feuerbach thì
không thể chê vào đâu được. Nó đạt đến sự hoàn hảo đến từng chi
tiết. Tuy vậy, toàn bộ tranh lại cho ta cảm giác về sự nặng nề. Sự
nặng nề không ở đề tài mà có lẽ do cách bố cục quá dàn trải, đầy
ắp hành động ở khắp mặt tranh. Nhìn tranh, có thể nhận thấy tác
giả đã đặt mẫu và nghiên cứu rất kĩ lưỡng cho từng nhân vật. Thế
nhưng tinh thần từ những nghiên cứu đó khi chuyển hóa lên tranh thì lại
không cho ta cảm giác trước một cuộc đánh trận.
Penthesilea
trong “Trận chiến của những người Amazons” của họa sĩ Anselm Feuerbach. Về họa
sĩ: Anselm Feuerbach say mê kiến thức cổ điển, cấu trúc tranh ông có sự nghiêm
cẩn và đơn giản của nghệ thuật Hy Lạp. Hơn ai hết, ông là người nhận ra sự nguy
hiểm nếu không nắm vững kỹ thuật, và biết rằng thuần thục tay nghề là một điều
cần thiết để diễn tả ngay cả những điều cao siêu nhất.
“Cái
chết của Penthesilea” của họa sĩ Đức Johann Heinrich Wilhelm Tischbein, còn gọi
là Goethe-Tischbein (1751 – 1828). Trong bức tranh này, Achilles thảng thốt
nhìn trời, trên tay ôm xác Penthesilea. Toàn bộ màu sắc của bức tranh u
tối và buồn bã rất gần với tâm trạng của Achilles. Có lẽ cái yếu
nhất trong bức tranh này là những nếp vải. Cái áo choàng đỏ của
Achilles quá cứng, mặc dù tác giả đã cố công diễn tả nó bay trong
gió, và cả cái ống vải trên đùi Achilles cũng vậy. Tư thế của chân
trái trông không có vẻ thõng thượi của một xác chết…. Như nhiều họa sĩ cùng
thời, Tischbein có một thời gian “tu nghiệp” tại Rome (cái này rất hay: vừa học
nghề, vừa có một thời gian sống tại một trung tâm lịch sử, tôn giáo, văn hóa…).
Tại đây, ông đổi phong cách, từ Rococo sang Tân cổ điển. Ông thường vẽ phong
cảnh, các tích lịch sử, và tĩnh vật. Gọi ông là Goethe-Tischbein vì ông chơi
thân với Goethe trong thời gian ở Rome, có lúc đã tháp tùng Goethe ngao du tới
Naples và vẽ tranh Goethe (những bức này hiện treo ở các bảo tàng lớn). Về sau,
Tischbein trở thành họa sĩ của triều đình.
“Cái
chết của Penthesilea”, tranh Yves Pereira – một họa sĩ Pháp, điện thoại 06 21
72 84 71 (tức là… thời nay). Tìm thông tin về Yves rất khó, ngoài mấy trang bán
tranh với giá khoảng 400 – 1000 euro. Chiến binh nằm úp mặt bên cạnh, đầu đội
mũ sắt có ngù đỏ chắc là Achilles đang vật mình vật mẩy khóc than. Những người
lính trong hàng quân xì xào với nhau (có lẽ là về thân hình của Penthesilea).
Những tảng đá vỡ ở đây rõ là đạo cụ của họa sĩ cho tranh dày dặn hơn.
Penthesilea
là cung thủ, và tư thế của cung thủ cũng hấp dẫn các điêu khắc gia. Nhưng bức
tượng đất nung Penthesilea này của Antoine Bouraine, 1925 thì không có gì
thú vị, từa tựa như một bài tập của sinh viên điêu khắc. Nó làm ta
liên tưởng đến các nhóm tượng “công nông binh” mà các điêu khắc nhà ta
hay dùng làm tượng đài.
“Penthesilea”
cũng là để tài mang lại cảm hứng cho Max Slevogt (1868 – 1932) – một họa sĩ ấn
tượng Đức, nổi tiếng với… tranh phong cảnh. Ông là một trong những đại diện
tiêu biểu nhất của Đức vẽ ngoài trời. Với những nét vẽ thoáng hoạt, gần
với một phác thảo, thế nhưng bức tranh này quả thực rất xứng danh với
một họa sỹ ấn tượng: Max Slevogt đã thực sự tạo được cảm giác khá
thật về một trận chiến, trông còn “chiến” hơn bức “Trận chiến của những
người Amazons” của Anselm Feuerbach ở đầu bài.
Người thứ hai là hoàng tử Phi châu Memnon, dẫn
đạo quân các chiến binh Ethiopi đến giúp thành Troy. Chàng là con trai của nữ
thần rạng đông Eos và người anh hùng Tithonos. Như vậy, Memnon cũng là con lai
của một nữ thần và một người trần, như Achilles, như Penthesileia. Cũng như
Achilles, áo giáp, vũ khí của Memnon là do một tay thần thợ rèn Hephaestos rèn nên (Trời! Cái ông này! Rèn vũ khí cho
bất kể phe nào!). Đội quân của chàng lớn đến nỗi đếm không xuể. Bởi vậy nên
cuộc giao tranh giữa hai người thật là kinh thiên động địa.
Vì đã có lệnh không được can thiệp, hai nữ thần Thetis và Eos đành ngồi trên đỉnh Olympus quan sát
cuộc chiến đấu một mất một còn của hai đứa con.
Cuộc đấu ấy diễn ra vô cùng ác liệt, gần như
bất phân thắng bại. Hai người phóng lao vào nhau nhưng người này chỉ làm cho
người kia bị thương. Không còn lao, họ rút gươm ra quyết một trận tử chiến.
Từ trên đỉnh Olympus, hai nữ thần Thetis và
Eos cùng cầu khẩn thần Zeus giúp cho con của họ chiến thắng. Một lần nữa, thần
Zeus lại vác chiếc cân số mệnh ra và đặt miếng đồng tượng trưng cho số phận của
hai chàng trai lên hai đĩa cân. Lần này, đĩa cân bên phía Memnon lại nghiêng về
phía thần âm phủ Hades. Memnon sẽ phải chết! Bằng một cú đánh điêu luyện chết
người, Achilles thọc lưỡi gươm vào giữa ngực Memnon và viên tướng chỉ huy đạo
quân Ethiopi gục chết.
Nữ thần rạng đông Eos vô cùng đau đớn khóc
than cho số phận bi thảm của đứa con trai. Thần Zeus xót thương liền ban cho
Memnon sự bất tử. Thi hài của Memnon được bọc trong tấm vải đỏ rực rỡ và được
các thần gió đưa đến an táng bên một bờ sông xa xôi ở xứ sở Tiểu Á. Còn các
chiến binh Ethiopi được các thần biến thành bầy chim mang tên Memnondides, hàng
năm bay về hạ cánh bên ngôi mộ của Memnon để khóc than. Những giọt nước mắt
khóc con của nữ thần Eos cũng được thần Zeus biến thành bất tử – đó là những
giọt sương sớm mai vẫn đọng trên lá cây ngọn cỏ… Đọc đến đây chắc bạn thắc mắc,
vì sao Zeus lại ưu ái nữ thần Eos thế? Họ là bồ của nhau mà, thậm chí có một
đứa con chung là Carae. Cậu này hình như vô tích sự.
Tượng
Memnon – niên đại không rõ, mang những nét đặc trưng của người châu Phi: mắt
lộ, môi dày…
Tranh
khắc Memnon của Bernard Picart (1673-1733). Có lẽ là con của thần bình minh nên
tranh phải khắc Memnon nhìn về… bình minh. Quang cảnh mà Memnon nhìn tới rất
giống một thành phố hiện đại! Về họa sĩ: Bernard Picart được sinh ra trong
một gia đình có truyền thống làm tranh khắc của Paris. Mới 16 tuổi ông
đã được nhận bằng danh dự của đại học Paris. Sau đó ông sang sống ở
Hà lan và mất ở đây. Thời ông, Hà Lan là trung tâm của các nhà xuất
bản và xưởng in, những bản khắc của ông đã phục vụ cho việc xuất
bản sách. Bức tranh này nằm trong bộ tranh “The Temple of the Muses” gồm
60 bức – một trong những bộ tranh được ông làm vào cuối đời. Tinh tế
và kĩ lưỡng là phẩm chất trong những bức tranh khắc của Bernard
Picart.
“Tượng
Memnon khổng lồ” tuy mang tên Memnon nhưng lại là tượng Pharaoh Amenhotep III,
sừng sững đứng suốt 3400 years (từ 1350 trước CN) tại thung lũng các vị vua
(nghĩa địa Theban), bên kia sông Nile. Gọi tên là Memnon vì nghe đồn một trong
hai bức tượng thường phát ra tiếng khóc vào lúc bình minh, đặc biệt vào tháng
Hai và tháng Ba. Bức tượng này bị xé toạc phần thân dưới sau một trận động đất.
Người ta giải thích âm thanh phát ra có thể là do nhiệt độ tăng lên, sương đọng
trong khe đá nứt bị bốc hơi mà thành.
Đã
giới thiệu thì giới thiệu cho chót: đây là bức “Memnon Colossi lúc bình minh”,
tranh David Roberts vẽ khoảng 1840s. Bức tranh này ông vẽ trong một đợt đi dài
dọc Ai Cập. Nhắc lại một lần nữa, hai bức tượng này chẳng liên quan gì đến
Achilles lẫn Memnon, chỉ là liên quan đến… bình minh.
Còn
đây là chân dung “phụ huynh” của Memnon: nữ thần Eos (Aurora) và người anh hùng
Tithonus, trong bức “Aurora rời Tithonus” của họa sĩ Ý Francesco Solimena, vẽ
năm 1704. Trong bức này, nữ thần phải dậy sớm, rời người tình để đi thắp bình
minh. Tithonus lúc này trông đã hơi già, và Eos nhìn mặt có vẻ lạnh lẽo. Chẳng
bao lâu sau nàng sẽ nhốt ông này vào một nơi tăm tối, vì nhờ phép thần của
Zeus, ông cứ sống mãi, sống mãi, nhưng không trẻ mà cứ già mãi, già mãi…làm Eos
phát ngán và xấu hổ. Rồi cuối cùng ông teo quắt thành một… con châu chấu.
Giết chết Memnon rồi, Achilles tiếp tục dẫn
quân Hy Lạp công phá thành Troy. Thần Apollo muốn cứu thành Troy nên đến ngăn
chàng lại, liền bị Achilles đe dọa, rằng ngọn lao trong tay chàng không có mắt
đâu đấy, bất kể đó là người trần hay thần thánh!
Cả thành Troy lúc này còn mỗi Paris – cũng
chính là kẻ vì ham vợ người mà mang lại tai họa
cho ngôi thành này. Paris chẳng biết làm gì ngoài việc liên tiếp bắn tên về
phía quân Hy Lạp. Và đáng ra Paris yếu đuối đã chết tươi, nếu không nhờ Apollo
thù dai nhớ lâu hóa thành một đám mây đen che mắt tất cả mọi người, rồi “nắn”
hướng một mũi tên của Paris, nhằm đúng gót chân của Achilles, nơi duy nhất có
thể bị tổn thương trên cả cơ thể mình đồng da sắt của người anh hùng.
Ác nghiệt thay khi một vị thần đã ra tay!
Achilles thấy đau nhói ở gót chân và biết số phận mình đã tận. Chàng tiếp tục
xông lên chém giết quân Troy, nhưng rồi sức đuối dần, Achilles gục chết ngay
bên cổng Scaean (bên trái) của thành Troy, đối diện với doanh trại quân Hy Lạp,
đúng như lời nguyền của Hector trước khi chết.
(Câu hỏi là: mẹ Thetis của chàng ngồi trên
trời quan sát mà sao không thấy? Luật đã cấm các thần can thiệp mà sao Apollo
lại được ra tay? Zeus ở đâu? Đang mải an ủi Eos hay sao? Nếu mà cứ chặt chẽ như
nhà nước tiên tiến ngày nay thì làm gì có thần thoại Hy Lạp mà đọc, mà vẽ, đúng
không?)
“Cái
chết của Achilles” tranh của Gavin Hamilton, vẽ khoảng 1782-1784. Trong tranh,
Achilles sức cùng lực kiệt, giơ dao đòi đâm Paris (đang giương cung). Mẹ
Achilles là Thetis thì gần như ngất lịm. Gavin Hamilton là một họa sỹ
thuộc trường phái Tân cổ điển, là hậu duệ của dòng họ Hamilton cổ xưa
ở Anh. Ông đã say mê những đề tài tranh lịch sử từ rất sớm. Sau khi
đến Rome, ông tiếp thu và chịu ảnh hưởng của hội họa Italia; cũng
tại đây, ông cũng khá nổi tiếng với cương vị là một nhà khảo cổ
học. Trong những bức tranh của vẽ về đề tài Hi Lạp, ông rất thích
dùng những mái vòm. Ở bức tranh này, tiền cảnh là đám nhân vật đang
nhốn nháo thì cái mái vòm là một giải pháp làm cho toàn bộ bức
tranh trở nên chắc chắn và tạo được chiều sâu.
Tượng
“Achilles bị thương” của Jean Baptiste Giraud (1752-1830). Bức tượng này hiện
nằm trong một bảo tàng ở Aix en Provence. Achilles bị thương ở gót chân nào thì
mỗi người vẽ một cách, nặn một cách; người thì gót trái, người lại gót phải. Về
tác giả: Jean Baptiste Giraud được đào tạo nghề kim hoàn ở Paris. Nhưng sau
đó, ông sang Italia và học tập ở đây 8 năm. Tác phẩm này được đánh
giá là đỉnh cao của nghệ thuât điêu khắc Tân cổ điển. Cũng nhờ tác
phẩm này mà ông đã được tiếp nhận vào Viện Hàn lâm Hoàng gia Paris.
Hãy nhìn sự sống động, tinh tế của đường tĩnh mạch trên cánh tay
của Achilles. Quả thực như có máu đang chảy bên trong.
“Cái
chết của Achilles”, tranh của Peter Paul Rubens, sơn dầu, 107 x 109 cm, vẽ
khoảng 1632. HIện ở bảo tàng Boijmans Van Beuningen, Rotterdam. Chẳng hiểu
Rubens nghĩ sao mà lại để mũi tên như là xuyên từ lòng bàn chân lên đến mu bàn
chân, chứ chẳng dính gì đến gót!
Người anh hùng vĩ đại nhất trong số các chiến
binh Hy Lạp đã tử trận trong cuộc chiến thành Troy, sau khi lập nên vô số chiến
công hiển hách. Thi thể chàng được người Hy Lạp hỏa thiêu trọng thể, tro cốt
cho vào chiếc hộp khảm vàng, chôn bên bờ biển, bên cạnh nấm mồ của người bạn thân thiết Patrocles. Hai con ngựa bất tử của Achilles là Balius
và Santhus, món quà của người cha Peleus trước khi ra trận, đã giằng đứt dây
cương và không để cho bất cứ ai thắng chúng vào xe nữa…
Đám con lai của thần linh chết hết rồi, sau
cái chết của Achilles, cuộc chiến thành Troy bước sang một giai đoạn mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét