Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

1. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

1. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoại và truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo của họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là một phần của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của nó cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại.

 Gả chồng cho người mình yêu
Hai anh em thần Zeus và thần biển Poseidon tuy đã phân chia lãnh địa rõ ràng nhưng vẫn có một mối quan tâm chung: họ cùng tranh giành quyết liệt thần biển xinh đẹp Thetis. Không biết cuộc tranh giành (thần) gái này giữa hai vị thần hùng mạnh bậc nhất sẽ đi về đâu nếu không có lời tiên tri của Prometheus: bất cứ ai lấy thần biển Thetis cũng sẽ sinh ra một người con trai mạnh mẽ hơn cha mình; một ngày nào đó, người con trai ấy sẽ đánh đổ cha mình để giành quyền lực!
Tuy si mê thần Thetis thật nhưng cả Zeus lẫn Poseidon còn ham mê quyền lực hơn! Cả hai quyết định sẽ không tranh giành nhau nữa, và để loại trừ mọi hậu họa, họ thu xếp cho Thetis lấy một người trần. Như thế người con trai sinh ra sẽ không phải là giống bất tử và sẽ không có cơ hội để làm đảo chính chống lại các vị thần.





Thetis, tượng hoa cương La Mã, thế kỷ thứ II.
Tiêu chuẩn đẹp lúc này là người mỡ màng, khỏe mạnh, nhưng ngực lại nhỏ nhắn
Người được hai thần lựa chọn làm ý trung nhân cho nữ thần Thetis là Peleus, vua thành Ioncus; lại còn bày đặt ra điều kiện rằng muốn lấy được Thetis, Peleus phải thắng được… chính Thetis trong một cuộc rượt đuổi mà nữ thần luôn thay hình đổi dạng, từ nước sang lửa, hay các loài muông thú như hổ, voi, sư tử, rắn… Được con của Poseidon là thần biển Proteus “gà bài” cho, Peleus cứ thế ôm chặt lấy phía sau Thetis không rời, cho dù nữ thần có biến hình thế nào đi chăng nữa. Cuối cùng, Thetis chịu thua (trong niềm vui sướng?), đồng ý làm vợ Peleus.


Peleus tóm được Thetis – họa tiết trên bình gốm Hy Lạp. Những đuôi rắn thò ra từ thân Thetis biểu tượng cho sự biến hình của Thetis. Nhìn thì rõ là Thetis hơn Peleus đúng một cái đầu!.

Peleus vật lộn với Thetis, tượng đồng nhỏ, khoảng 410-380 trước CN, hiện ở bảo tàng Anh, London. Chú ý tới con rắn trên cánh tay phải của Thetis ám chỉ thần đã biến hình. Nhìn bức tượng này, thấy tội nghiệp Peleus quá, cứ như một đứa trẻ hư bị mẹ lôi về đánh đòn.
Đám cưới của Peleus với Thetis, giữa một người trần và một nữ thần, lại do chính hai tình địch Zeus và Poseidon chủ hôn, được cử hành trọng thể linh đình tại hang của thần nhân mã tốt bụng Chiron, với sự hiện diện của hầu hết tất cả các vị thần trên đỉnh Olympus. Thần Zeus tặng quà cưới là một bộ giáp vàng, thần biển Poseidon tặng hai con ngựa bất tử Balius và Santhus; thần nhân mã Chiron tặng chiếc lao có cán bằng gỗ tần bì cứng như sắt… Thần Apollo đệm đàn sita cho đám “đệ tử”, là các nàng thơ, múa hát. Bữa tiệc cưới diễn ra trong không khí tưng bừng, hoan lạc…


“Đám cưới của Peleus và Thetis” do Cornelis van Haarlem vẽ năm 1593, hiện có tại bảo tàng Frans Hals, Haarlem (Bắc Hà Lan). Hồi đó chính quyền vùng Haarlem đã đặt vẽ bức tranh này để trang trí một nhà khách. Bức tranh này – diễn tả những sự kiện dẫn tới chiến tranh thành Troy – muốn nhắc nhở rằng ngay cả một xích mích nhỏ nhoi cũng có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh tàn khốc. Đây là một chủ đề mà khi ấy đang là nóng hổi tại Haarlem – nơi đã phải chịu bại trận thê thảm trong một cuộc bao vây của người Tây Ban Nha hồi 1573. Trong bức tranh này, Haarlem đã thể hiện các thần là những người đàn ông cơ bắp và những người đàn bà da mịn màng, trong đủ mọi tư thế. Dáng vẻ lý tưởng và khác thường của họ đúng là của giống bất tử, nhưng đồng thời cũng rất thích hợp với tai ương thành Troy sau này.

“Đám cưới của Thetis và Peleus” do Bartolomeo di Giovanni (1465 – 1494) vẽ. Cấu trúc bức tranh rất chặt với ba khối đá chia bức tranh ra làm hai phần: bên trái là đám cưới và bên phải là đám nhậu. Hai con nhân mã vừa là để đóng khung đám cưới lại, vừa để cho biết hai vợ chồng Thetis và Peleus có mối quan hệ thân thiết với đám nhân mã. Trước cửa cái hang thứ ba là thần Pan – thần của đồng quê, hoang dã, và cũng là dâm thần, mặc áo xanh, đứng chủ trì những vụ “cuồng loạn” trong cuộc nhậu. Phía sau lưng thần, ngay cửa hang là chiếc giường tân hôn màu hồng với cái gối bằng vàng.
Chi tiết đoạn 1 của bức này: Trên trời là Hera (áo hồng), thần của hôn nhân, và Demeter – thần của sinh sản. Peleus mặc áo màu đỏ sậm, hông đeo kiếm, đang đón lấy tay chị gái của Thetis (?). Thetis mặc váy cam, đi sau, tay cầm bó hoa cô dâu. Bên cạnh là Poseidon (Neptune) tay cầm đinh ba. Tiễn người yêu đi lấy chồng chu đáo thế là cùng!

“Đám cưới Peleus và Thetis” của Jan Sadeler vẽ khoảng 1580 – 1600. Đám cưới thế này thì đúng là quá sơ sài và có vẻ Jan Sadeler chẳng thuộc tích gì cả, hoặc cũng có thế là trước khi khách đến, sau khi khách đã về? Nói chung khung cảnh trông không có vẻ gì thần thoại, giống khung cảnh châu Âu thời tác giả sống thì đúng hơn.
Khi mời đám cưới chớ nên bỏ quên người xấu
Tiệc vui thế, ly kỳ thế mà chỉ có một vị thần duy nhất không được mời, đó là nữ thần bất hòa Eris. Nghĩ rằng mình bị coi thường, Eris hết sức tức giận. Mà một khi phụ nữ đã tức giận thì cái cách họ trả thù mới thật gớm ghê, không ai có thể hình dung nổi!
Eris lẻn hái trộm một quả táo vàng của Hera, vợ Zeus, dùng (lông ngỗng/bút bi/ dao khắc) đề lên vỏ quả táo hàng chữ: “Tặng người phụ nữ đẹp nhất!”, rồi tới đám cưới, trong lúc các thần còn đang mải mê đàn sáo, len lén lăn quả táo vàng vào bàn tiệc rồi lẳng lặng ra về!
Khỏi phải nói sự xuất hiện của quả táo vàng với hàng chữ đề khiêu khích trên đó đã tác động đến các thần như thế nào! Ngay khi đọc dòng chữ, hầu hết các nữ thần đều nghĩ đó là dành cho mình! Nhưng người nghĩ mình đẹp nhất thì có nhiều, mà táo thì chỉ có một, nên sẽ cần có một sự phân định cao thấp. Tóm lại là phải có một cuộc thi hoa hậu, với một giám khảo đủ quyền uy và công minh, có kinh nghiệm. Về khoản này, không ai khác mà chính là Zeus đảm nhiệm!


“Bữa tiệc của các thần tại đám cưới Peleus và Thetis” do Abraham Bloemaert vẽ năm 1638. Trong lúc các thần ăn nhậu thì Eris xồ xề từ trên trời thả quả táo bằng vàng xuống. Chú ý là trong nhiều tranh về sau, các họa sĩ cứ vẽ thành táo đỏ! Đây là quả táo sinh bất hòa, và có lẽ do các thần là… thần nên đã dự cảm được chuyện không hay: đi đám cưới mà mặt ai cũng lo lắng!
 Để hiểu được cơn giận của Eris, bạn phải xem đám cưới của Peleus và Thetis dưới cái nhìn của Joachim Wtewael – một họa sĩ bậc thầy của Hà Lan vào thế kỷ 14 – 15. Trong bức tranh này, tiệc được tổ chức trên mây, với các đám mây trông rất phồn thực. Vui thế này mà không mời Eris thì Eris giận cũng phải. Soi mà là Eris thì sẽ ném thêm một quả táo nữa, trên ghi: “Tặng người nam mạnh mẽ nhất” để đánh nhau còn loạn hơn!
Qua nhiều vòng, số người biết thân biết phận tăng lên, số ứng viên cứng đầu cố cho là mình đẹp nhất chỉ còn thu hẹp lại ở ba nữ thần (xinh đẹp thật): Hera – vợ Zeus; Athéna (La Mã là Minerva) – thần chiến tranh và thông thái, con của Zeus, và Aphrodite (Venus) – thần sắc đẹp và tình yêu.
Nhưng đến khi được các thần đề cử làm chánh chủ khảo cho cuộc thi hoa hậu này thì đầu óc thần Zeus buộc phải làm việc nhanh như máy điện toán. Tuy tính tình lăng nhăng nhưng thần không ngu! Thần biết rằng không có gì nhanh và hiệu quả hơn để làm xuất hiện các kẻ thù bằng việc làm giám khảo của một cuộc thi sắc đẹp! Trao giải Hoa hậu cho Hera hay Athéna thì sẽ bị các thần khác chê cười là lợi dụng chức vụ và quyền hạn, vị tình riêng đem vương miện cho vợ hoặc con gái. Trao cho Aphrodite thì làm sao đối phó nổi với những cơn ghen khủng khiếp của bà vợ Hera? Chỉ mới tưởng tượng ra cái viễn cảnh đáng sợ đó thôi là Zeus cũng đã đủ cảm thấy hãi hùng!
“Phán quyết của Paris”, tranh sơn dầu của họa sỹ người miền nam Hà Lan (nay thuộc Bỉ) Hendrick van Balen, vẽ năm 1599, mô tả ba thí sinh. Athena đáng bị đánh rớt vì đã cởi đồ còn mang khiên đội mão, nhìn rất “tắt điện”. Venus tóc vàng, bên cạnh có Cupid đưa tay giới thiệu mẹ (với người xem?). Nhưng con công của Hera không hiểu sao cũng lại rúc dưới chân Venus…

Tranh của George Frederic Watts tuy cũng có tên là “Sự phán quyết của Paris” nhưng không phải mô tả ba ứng viên thần thánh kia, mà là mượn tên một tích cũ để nói một chuyện nay. Thí dụ như mình thuê họa sĩ vẽ vợ con mình nằm với nhau rồi đặt tên là “Venus và Cupid”. Hình tượng ba người đẹp được các họa sĩ khai thác nhiều, nhưng bạn đừng lầm là cứ thấy ba cô nào đứng với nhau cũng là Hera, Athena và Venus nhé. Trong thần thoại, người đẹp thường đi thành ba cô, trẻ nhất là cô lộng lẫy, kế là cô vui vẻ, lớn nhất là cô hy vọng. Đề tài “ba người đẹp” sẽ được Soi đề cập vào một dịp khác.
Cùng tắc biến, Zeus nghĩ ra ngay một kế thoát thân. Thần cho gọi thần đưa tin Hermes đến, ra lệnh điều ba nữ thần-ứng-viên-hoa-hậu tới núi Ida, gần thành Troy. Ở đó có một chàng hoàng tử con vua thành Troy tên gọi Paris, vì hoàn cảnh đưa đẩy đang chăn súc vật, và đấy sẽ là người đưa ra quyết định ai đẹp nhất trong số ba nữ thần. Paris được chọn bởi vì chàng có một vẻ đẹp siêu phàm. Chỉ có người đẹp mới phán xét công minh về những người đẹp. Vả lại chàng là người trần, không có mối liên hệ riêng tư nào với các thí sinh.


Paris, đĩa đá chạm xanh trắng của La Mã, khoảng từ 27 TCN đến năm 37 CN. Hiện ở Bảo tàng Anh.
Chuyện Paris chấm thi chi tiết hơn xin để tới kỳ sau, chỉ cần biết là diễn biến vừa giống lại vừa khác các cuộc thi hoa hậu ngày nay, tức là không có phần áo tắm (theo các tranh thì đã cởi hết sẵn?), các thí sinh cũng ghét nhau, khi thi cũng có phần hỏi đáp, và chính phần này đã đưa đến cuộc chiến thành Troy về sau.


“Quyết định của Paris” do Peter Paul Rubens vẽ năm 1632, sơn dầu trên gỗ, cho thấy rất rõ ứng viên nào là ứng viên nào: Hera quấn tấm nhung đỏ, có con công đi cùng (bà này lúc nào cũng đi với công); giữa là Venus, bám sát gót là Cupid. Athéna thì có tấm khiên, nhưng thần chiến tranh thông minh này không hiểu sao thay vì nhìn giám khảo Paris thì lại đứng ưỡn ẹo nhìn… người xem tranh. Paris tay cầm gậy chăn cừu để phân biệt rõ với tên tùy tùng. Chàng cầm quả táo và mắt nhìn không rõ là Hera hay Venus. Có lẽ vì thế Athena biết mình đã thua ngay từ đầu nên quay sang chào khán giả?
Bức này cũng của Ruben, nhưng vào đoạn kết của cuộc thi, khi Paris phán rằng Venus là đẹp nhất. Một thiên thần đang đội vương miện cho Venus. Athena tức tối, tay gồng cả lên và Hera trông như muốn xông vào đánh. Tuy nhiên việc trao quả táo lại giao cho cậu tùy tùng, còn Paris chỉ ngồi chống cằm ngắm Venus.
*
Pha Lê bổ sung:
1. Zeus gạ gẫm Thetis nhưng bà này cực thân và cực trung thành với Hera (Có nuôi Hephaestus dùm Hera nữa), nên liên tiếp từ chối. Hera cũng thương Thetis nên làm mai cho bà này với Peleus, vị vua anh minh nhất cõi trần thời đó. Nhà thơ Apollodorus còn kể rằng Thetis được Hera nuôi lớn
2. Eris, Thần Xung Đột, không được mời vì bà này đi đến đâu là gây sự đến đấy (Chỉ mỗi Mars là khoái Eris như trong bài Thần Chiến Tranh đã giải thích). Không phải là một gương mặt nên có ở đám cưới. Truyện “Công chúa ngủ trong rừng” cũng lấy từ tích này ra, bà phù thủy trong Công chúa ngủ trong rừng do không được mời dự tiệc nên nguyền rủa công chúa mới sinh
3. Paris bị đày đi chăn cừu vì lời tiên tri phán rằng chính cậu sẽ đẩy Troy vào một cuộc chiến đẫm máu. Bố Paris sợ quá nên tống con đi mất, ai dè cuối cùng vì cậu chọn Aphrodite mà Troy cũng bị lâm vào cảnh chiến tranh liên miên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét