Truyện ngắn của Bảo Ninh rất hấp dẫn người
đọc, nhưng, khi bạn muốn nắm bắt điều gì đó, nó lại lặng lẽ vuột qua. “Bội phản”
cũng như vậy, tất cả đều cần người đọc tự mình tưởng tượng, tự mình lấp đầy. Ví
dụ kết thúc truyện xét đến cùng là thế nào? Câu đố đã được giải như thế nào? Là
Thảo sẽ trở về làm ầm lên, hay là lương tâm của Quân lên tiếng? Tác giả không
viết một từ.
“Bội phản”, nhưng nhìn ở một góc độ
khác, tất cả các nhân vật không phải là không phục tùng, tất cả họ phục tùng
theo trái tim mình, bắt nguồn từ sự ích kỉ của con người. Sau khi đọc xong truyện
ngắn này, chúng ta không biết nên lấy lí luận đạo đức để đi phê phán nhân vật
nào, không nỡ phê phán bất cứ nhân vật nào, bởi vì mỗi nhân vật trong tiểu thuyết
đều là chính bản thân ta, chúng ta chẳng phải là đang sống trong một thế giới
được đan dệt bằng những bội phản sao, chẳng phải là sống trong thế giới ích kỉ
của riêng mình sao? (Hạ Lộ)
Bội phản
truyện ngắn Bảo Ninh
Thảo đẹp hay
không đẹp, đàn ông dọc phố không ra miệng bình phẩm, ít nhất là riêng tôi chưa
từng nghe thấy một lời nào như vậy từ họ. Tôi chỉ thấy họ nhìn chị. Những tay
sĩ diện cao, thiên về đứng đắn, tất nhiên không nhìn, tránh nhìn, nhưng chỉ cần
kém mực thước đi một tí thì không làm sao cưỡng mắt được, không tài gì thấy Thảo
lại có thể nhịn nhìn.
Thị hiếu như
thế thật là không công bằng. ở phố này, là giai nhân, thiết tưởng trước nhất
người ta phải chấm chị Diễm hoa khôi trường Ngoại ngữ, kế nữa thì như là chị
Bích bác sĩ, chị Hoa diễn viên múa, hay là chị Thuý bán bách hoá, rồi chị Lan,
chị Đào, chị Hậu, nhiều. Tại sao lại là Thảo?
Tôi thì lẽ dĩ
nhiên là tôi biết Thảo, nhưng là biết thế thôi chứ thực ra chẳng quen biết gì.
Cũng khó có thể xem nhau là láng giềng, mặc dù chung số nhà.
Hồi đó cha tôi
tiêu chuẩn Tông Đản, cùng với ông Lâm, cán bộ đồng cỡ, hai gia đình được trên
cho hưởng trọn diện tích ngôi nhà chính, một biệt thự Tây hai tầng kiểu cách.
Chúng tôi dùng cổng lớn mặt phố. Còn gia đình Thảo và năm hộ nữa thì sống ở dãy
nhà phụ sân sau, họ thường đi lối cửa ngách thông ra ngõ hẻm. Đời sống của những
“người sân sau” ấy chẳng khác nào như là mặt trái của ngôi biệt thự. Chỗ chui
ra chui vào của cả sáu gia đình đều chật chội khổ sở, già trẻ lớn bé đóng hộp.
Tất cả nấu nướng cùng một khoang bếp, tắm táp cùng một hốc tường, phơi phóng,
hít thở đấu hót, cãi cọ, chuyện gẫu, nuôi lợn, nuôi gà tất cả trong cùng một
khoảnh sân tù hãm. Tất cả đều nghèo túng. Tất cả đều đầu tắt mặt tối.
Chúng tôi thì
khác. Như tôi, từ bé đã được cha mẹ cho ở phòng riêng. Anh tôi, chị tôi cũng thế,
mỗi người mỗi phòng, tự mà bày biện, tự mà sắp xếp, tung tẩy tự do, một mình
thoải mái.
Phòng tôi, ban
công trông xuống sân sau. Từ ban công cúi nhìn, mắt chạm ngay cánh cửa liếp căn
hộ gia đình Thảo, một căn buồng hũ nút không cửa sổ, ngày xưa là cái ga-ra. Nhà
nọ neo người, chỉ hai bố con., Bà mẹ mất đã từ nhiều năm trước. Ông bố lệt bệt
đau ốm, thường xuyên liệt giường. Được hai người anh thì một tử trận một ở tù.
Sinh kế trong nhà cậy cả vào Thảo. Học hành dang dở chẳng có nghề gì, Thảo đi
đêm, về hôm đắp đổi đủ nghề. Nghe nói toàn những nghề rất mạt với rặt là những
cái lối kiếm tiền không biết nhục. Các bà các chị ở sân sau những khi quần tụ
trong bếp hay rồng rắn chầu chực bên cái máy nước giỏ giọt vẫn ưa khơi những
tai tiếng của Thảo ra làm đầu câu chuyện. Sống ở trên lầu, dù có buông kín rèm
và đóng chặt cửa sổ, chúng tôi cũng không thể tuyệt đối bỏ ngoài tai những mớ
lao xao hắt lên từ cuộc chung đụng nghèo khó ở dưới sân.
Nhưng cũng là
láng máng biết vậy chứ những mảnh đời sân sau ấy chẳng bận tới tôi. Nếu như
riêng Thảo đã có thể phần nào khiến tôi để ý thì cũng chỉ là vì hồi đó tôi cứ
mãi lấy làm lạ về cái nhìn của những thằng bạn và những ông anh trong phường.
Tôi tin thẩm mĩ của mình không khờ khạo, tôi cũng biết mình như ai chứ chẳng lẽ
lại không, nhưng tôi chịu không thấy được ở Thảo có gì đáng ham hố. Trông cuộc
trần ai kiếm sống Thảo hoàn toàn chìm lặng giữa bao người, chẳng một nét nào nổi
bật, chẳng thể ăn đứt được ai, nhất là ở một địa bàn dồi dào sự xinh tươi như
khu phố của chúng tôi. Những lúc này lúc khác gặp Thảo, ở cổng nhà, ở trong
sân, ở ngoài đường, thường là tôi giả tảng chẳng thấy, lờ đi, cùng lắm thì cũng
chỉ là chiếu lệ đôi ba lời gì đó trống không ra điều chào hỏi.
Sướng thân toạ
hưởng phúc ấm gia đình, đầu óc nhẹ nhõm, tâm tư tôi sạch bong, không khi nào phải
hoài hơi nghĩ này nghĩ nọ gì hết. Cả với những người thân yêu ruột thịt tôi
cũng bàng quan huống hồ với một thân phận mù mờ sống chìm khuất mé sau nhà như
Thảo.
Vậy mà rốt cuộc
chính là vì Thảo nên vào mùa hè năm đó, năm tôi mười bảy tuổi, tôi đã lẳng lặng
bội phản người chị gái của mình, và rồi sau đấy, lại vẫn vì Thảo, tôi phản bội
tiếp cả người anh trai. Đến bây giờ, khi cái uẩn khúc gia đình ấy bị lộ ra, mặc
dù đã bao năm trời trôi qua, mọi sự đã an bài, anh trai tôi và chị gái tôi vẫn
không tha thứ, anh chị tôi từ mặt tôi. Cho đến tận bây giờ, trong kí ức tôi, kí
ức một đời sống mờ nhạt, thông thường, không hề biết tới những xáo trộn, không
chịu lướng vướng với ai một chút nợ lòng nào, vẫn cứ còn thỉnh thoảng phảng phất
hiện lên hình bóng của mùa hè năm ấy, một mùa hè râm ran tiếng ve sầu, ngạt
ngào hương thơm hoa sữa, một mùa hè đã xa lắc xa lơ từ tận những năm nảo năm
nào.
*
* *
Mùa hè năm ấy,
chị tôi đi lấy chồng. Chị không hề hay biết, nhưng tôi thì tôi biết, biết tỏng
từ trước lễ cưới một vụng lén tày đình của ông anh rể: song song với yêu chị
tôi, anh còn cặp với một người đàn bà khác. Khuất tất khó tha đó của anh chính
tôi bắt quả tang. Chính tôi dự vào cuộc vây lùa đêm ấy ở Bách Thảo. Và mặc dù
chưa phải là đã tóm được rành rành trai trên gái dưới, nhưng cũng gần như vậy.
Trai gái thời
nay nghe kể về những “vụ việc” khó tin thời ấy hẳn phải lấy làm buồn cười lắm,
nhưng vào thời chúng tôi những chuyện như thế chẳng có gì là buồn cười.
Thật ra thì
vào thời nào Hà Nội của chúng ta cũng là thành phố của tình yêu. Xưa hay nay chẳng
bao giờ là không nhan nhản những đôi lứa đang dập dìu. Có điều, thời hiện đại
bây giờ người ta luyến ái nhau một cách vừa thoải mái thoáng rộng lại vừa kín
đáo. Không cần phải là hạng con nhà người ta cũng có thể có phòng riêng. Không
phòng riêng thì ngăn riêng, những góc nhỏ xinh xắn ấm cúng để tự tình. Nhưng
trước kia thì khác. Trước kia ngay trong nhà mình người ta cũng chẳng đào đâu
ra một góc cỏn con cho riêng mình. Các mối tình vì thế phải hướng ngoại, gần
gũi nhau ở bên ngoài bốn bức tường. Bởi vậy mà lại có vẻ nườm nượp, có vẻ lộ liễu
hơn hẳn thời hôm nay. Hồi đó, đôi nào hơi chậm chân thì chỉ mới tối đã chẳng
hòng kiếm gì nổi trong công viên một ghế đã còn rỗi. Trong những góc thật khuất,
mỗi băng ghế thậm chí có thể có đến hai cặp đồng sở hữu. Không còn ghế, thiên hạ
kê dép ngồi phệt, san sát, ngổn ngang, kín nghịt bãi cỏ. Mùa hè, các công viên
nội thành đều quá tải, người ta đành đưa nhau sang tận mạn tối đến bên kia hồ
Tây, bãi Tứ Liên, đê Nhật Tân. Người ta lần vào cả trong vùng đổ nát quanh nhà
máy điện Yên Phụ. Lắm đôi gần như bạ chỗ nào cũng xong, miễn tôi tối, văng vắng
và kin kín một chút. Các chàng các nàng mê mẩn quên giờ giấc, quên lời thầy mẹ
dặn dò, quên những bất trắc lúc canh khuya, quên cả chuyện có thể gặp chúng tôi
đi tuần.
Anh rể tương
lai của tôi đã gặp phải chính một rắc rối như thế đêm ấy. Một đêm không trăng
sao. Nửa đêm về sáng lại mất điện, Bách Thảo um tùm cây cối tối mịt mùng. Tôi
cùng mấy anh chị em trong tổ dân phòng khối phố rẽ vào đó kiểm tra đột xuất giấy
tờ của các đôi. Bốn bề tối câm nhưng tinh mắt chúng tôi vẫn lập tức phát hiện
thấy từ bên hồ có người đang dắt xe băng nhanh qua bãi cỏ. “Đứng lại! Dân phòng
đây!”. Người kia lao vụt cái xe ra khỏi vệ cỏ, phóc lên yên và cuống cuồng đạp
phóng đi. Chúng tôi rầm rộ đuổi theo. Chiếc xe nọ thục mạng phi trên lối cỏ ven
hồ và vùn vụt ngoặt gấp vào khúc quanh dưới chân núi Nùng, mất hút. Những luồng
sáng đèn pin rọi với theo cho thấy kẻ trên xe tháo thân có một mình. Bực tức,
chúng tôi xấn tới chỗ mà ban nãy gã đó đã dắt xe chạy ra. Ánh đèn châu lại chiếu
sáng vạt cỏ bên một gốc xà cừ. Vẫn còn một chiếc xe đạp và vẫn còn một người bị
rớt lại đó. Một ả. Ả đứng xoay lưng lại những luồng sáng đèn pin. Có lẽ do quá
hoảng, ríu chân nên cô nàng không chạy được, tay dắt xe mà không dắt đi nổi.
“Tuột xích hả?” - Anh tổ trưởng dân phòng lên tiếng. Ả nọ làm thinh. Tổ trưởng
cáu: “Đứng có mà lơ tơ mơ giả câm giả điếc nhá!” Anh nạt: “Đêm hôm mò vào đây
làm gì. Qua đây xem cái mặt nào. Giấy tờ đâu? Cô là ai?”. Là Thảo. Buông tay khỏi
chiếc xe, Thảo xoay người lại, ngẩng đầu lên, làn tóc như sóng, xoã xuống. Cái
áo cánh cửa hàng cúc không cài. Tất cả những luồng sáng như nín thở, như ngây hết
ra, mãi rồi mới loạc choạc chiếu tản đi. “Tưởng ai!” Tổ trưởng chúng tôi nói,
thở dài. Anh rọi đèn ra đằng sau Thảo, soi lên chiếc xe đạp vừa đổ ngả vào thân
cây. Im lặng một lát, anh nói, nhát gừng, giọng rất khàn: “Xe cô, nó vồ. Xe nó,
nó khoá trái, ôm chìa chạy mất dép... Cái thằng đó (là) thằng nào thế, sao thằng
đểu, thằng hèn thế mà cũng theo?” Nhưng chỉ hỏi vậy thôi, chẳng hỏi gì thêm,
anh quay lưng bỏ đi. Mọi khi, trường hợp như thế này, đối tượng phải bị điệu về
trụ sở dân phòng để lập biên bản. Sẽ không có chuyện nhu nhơ. Thế mà trận này với
Thảo, chẳng hiểu tại sao mọi người rất nương tay. Chẳng căn vặn gì, chẳng tra
xét gì cả, anh em trong tổ im ắng rút theo tổ trưởng. Mỗi mình tôi nán lại. Kì
cạch tôi dùng dao nhíp cậy khoá xe. Bánh trước cái khoá dây, bánh sau cái khoá
càng cua, đều không có chìa. Thảo im lặng đứng bên soi đèn cho tôi. Sau thoáng
chốc sửng sốt ban đầu, tôi đã mau chóng nguội hết kinh ngạc, dù sự thể thật quá
khó tin. Chiếc xe Mipha bị lẳng lại đây là của Hằng, chị gái tôi. Chị Hằng vẫn
thường đổi xe cho anh Quân, để anh ấy diện, còn chị, chị ưa cái Thống Nhất cà
tàng của anh. Ban nãy, khi những vệt đèn pin rọi rượt theo tay đàn ông, soi
trúng lưng, trúng gáy y, tôi đã ngờ ngợ. Quả nhiên, đích thị, là anh Quân. Chỉ
tuần sau thôi là anh ấy với chị tôi tổ chức, thiếp mời đã in xong, mấy bữa nay
tôi đang có nhiệm vụ đi rải.
Tôi ném thia
lia hai cái khoá khốn nạn ra thật xa trên mặt hồ. Vừa khi đèn đã cạn pin. Trong
Bách Thảo dòng điện vẫn chưa hồi. Thảo không nhìn thấy mặt tôi, có lẽ chẳng biết
tôi là ai, mà chị cũng chả hỏi, chẳng nói năng gì, chẳng cả cảm ơn nữa. Đón lấy
ghi-đông từ tay tôi, nhưng suýt thì chị làm đổ xe. Hương hoa sữa về khuya như
sánh lại, ngào ngạt, bứt rứt trong không khí. Ở vòm lá bên trên chúng tôi, một
con ve sầu lên tiếng muộn màng vào lúc nửa đêm. Trong bóng tối, tôi chỉ thấy được
Thảo trăng trắng mờ mờ, gương mặt, cánh tay, bờ vai.
Thực tình tôi
không biết là tại làm sao mà lúc ấy mình lại như thế. Bỗng nhiên, hoàn cảnh bất
ngờ với chính mình, tôi đưa tay lên ngực Thảo, và rất run, những ngón tay tôi lụng
vụng, lóng ngóng, rờ tìm, cài lại được một, rồi hai cúc áo. Thảo đưa tay lên gỡ
nhẹ tay tôi. Ngay lúc đó trong Bách Thảo đèn sáng trở lại, nhưng chỗ chúng tôi
đứng vì rất khuất nên ánh đèn không rọi vào được, vẫn tối đen.
*
* *
Sự việc đêm ấy,
có nguyên cả một tổ dân phòng chúng tôi chứng kiến, tưởng là nhất định sẽ ầm
lên, vậy mà chìm hẳn. Chẳng ai bảo ai mọi người như thể đồng lòng bao che cho
Thảo. Bản thân anh Quân thì lẽ dĩ nhiên là rất kín miệng, nhất là anh bình
tĩnh. Sau đêm đó, để nghe ngóng, anh chỉ nhãng ra có đúng một hôm thôi không tới.
Chị Hằng tôi và cha mẹ tôi chưa kịp lấy làm lạ, tôi đã thấy anh mở cổng dắt xe
đạp vào nhà. Vẫn chiếc xe đạp Đông Đức xanh nõn chuối ấy của chị tôi. Thái độ của
anh rất đỗi đàng hoàng, hoàn toàn là như không vậy. Chẳng phải là anh giả đò.
Tính anh như thế. Dáng vẻ nhũn nhặn, ăn nói cầu hoà, nhưng anh luôn có đức tin
tuyệt đối vào bản thân mình, một lòng tự tin kín đáo nhưng chắc nịch. Tôi tự hỏi
không biết anh đã bắt đầu lòng thòng với Thảo từ khi nào, trước hay là sau khi
quen biết chị Hằng. Chắc là sau, chắc là anh ấy “tăm” được Thảo nhân những lần
đến với chị tôi.
Chẳng thể ghét
anh ấy được. Chẳng thể khinh được, trái lại. Anh ấy lừa dối chị tôi nhưng bù lại
cũng hiển nhiên là anh ấy yêu chị ấy. Yêu đàng hoàng, yêu inh bạch, và đã yêu
liền một mạch nhiều năm rồi. Còn chị Hằng thì phải nói là đã yêu hơn cả yêu. Chị
có vẻ như là muốn chết đi được vì được yêu. Lắm khi bắt gặp cái nhìn của chị hướng
tới anh, tôi phát sợ. Một cái nhìn đắm đuối, van vỉ, chứa chan lòng ngưỡng mộ,
sự trung thành.
Trước ngày cưới
cả tuần chị tôi sống trên mây. Chị như ngây đi. Làm sao mà tôi dám nhẫn tâm nói
hở ra một lời nào có thể làm lật ngược mất của chị cái niềm hạnh phúc nom đến
là thương tâm ấy. Không phải chỉ trong những ngày của hôn lễ mà mãi đến tận nhiều
năm về sau tôi đã tuyệt đối không hé răng. Trong cư xử hàng ngày tôi cũng luôn
giữ được vẻ bề ngoài thật là bình thường với chị. Cả với ông anh rể nữa. Tôi
không biết là anh có biết tôi không nhưng tôi đã cố tỏ ra là chẳng hay biết gì
hết. Sớm thích nghi với vị thế một thằng em vợ, tôi sống thiện chí, không hề
nói gì hay làm gì khiến anh khó nghĩ. Ngay cả với việc anh về ở rể, tôi cũng dễ
dàng đồng ý theo mọi người. Tôi chỉ không chịu chiều ý cha mẹ muốn tôi đổi chỗ
nhường cho cặp tân hôn căn phòng của tôi rộng hơn.
Nhè ngay cái
phòng trông xuống sân sau ấy mà xây tổ ấm, ai đời lại như thế bao giờ. Tôi thấy
có cái gì thật quá đáng, một cái gì ang ác trong hạnh phúc của anh Quân chị Hằng,
trong tiếng họ nói họ cười, trong cái cách hai anh chị sau ngày cưới rảo quanh
suốt lượt hàng xóm láng giềng, chào hỏi và ra mắt. Khi hai người gõ cửa căn buồng
ga-ra, tôi đứng ở ban công nhìn xuống. Nghịch cảnh quá thể bi hài. Đã thế, vào
thăm nhà Thảo đương khi ông thân của chị bệnh nặng nên cặp mới cưới còn tốt bụng
tha theo một túi nặng những đường sữa với cả một bịch các thứ thuốc bổ. Nhiều
năm sau này khi vỡ nhẽ mọi sự, chị tôi không uất anh Quân mà uất tôi. Chị hận
nhất là cái chuyện ngày hôm đó tôi đã mặc kệ chị bị hố, bàng quan nhìn chị lễ mễ
quà cáp tươi rói theo chồng vào thăm nhà “con đĩ”. Chị bảo sự im lặng đáng sợ ấy
của tôi là biểu hiện tối đa một lòng dạ bạc bẽo. Tôi không biết làm sao phân trần.
Chị tôi mắng vậy cũng chẳng sai. Dửng dưng ơ hờ, thản nhiên vô sự, cái tật đáng
khen ấy ở tôi hình như ngay từ hồi ấy đã rất trầm trọng. Thế nhưng tình thật mà
nói thì không phải tôi không biết băn khoăn là gì. Còn đầy băn khoăn nữa là
khác.
Trò đời đối với
tôi quả là kì lạ. Anh rể tôi rõ ràng đã mặt thớt phớt tỉnh Thảo, nhẫn tâm thoải
mái vui duyên mới ngay kề nhà Thảo, vậy mà chẳng hiểu sao đã chẳng hề kích lên ở
chị một mảy may nỗi oán hờn. Âm thầm chị bưng bít cho anh, kệ cho anh được ung
dung mặc sức, không hề có thoáng qua một lời, một cử chỉ, một biểu hiện nào lộ
ra là đã từng biết anh. Chị chỉ đã lẳng lặng tránh đi, như để khỏi nhìn thấy
anh ấy, khỏi trông thấy, nghe thấy sự sung sướng, sự mãn nguyện của anh ấy, của
chị tôi. Ban ngày không bao giờ Thảo có nhà, song cũng thường xuyên đi vắng suốt
tối, nhiều hôm phải gần sáng mới lần về. Qua những lời bàn tán vọng lên từ dưới
sân, tôi biết Thảo vừa được nhận vào làm nhân viên hợp đồng ở quốc doanh chiếu
bóng, song tôi cũng biết là chẳng một rạp xi-nê nào trong thành phố có suất chiếu
muộn đến như vậy.
Đêm hè, mắc
màn ngủ ngoài ban-công, tôi có thể nghe thấy gần như tất cả những động tĩnh của
Thảo, từ lúc vừa lạch xạch dắt xe đạp về cho tới tận khi đã ngả lưng. Mọi sinh
hoạt của Thảo: xách nước, nấu cơm, giặt giũ, thay chăn chiếu và vệ sinh cho ông
bố già đau ốm đều ẩn vào đêm. Le lói, giữa canh khuya, cả khu nhà chỉ một mình
căn buồng của chị còn thức, im lìm vệt sáng đèn vẽ hờ theo khe cửa. Đôi tai đã
trở nên quá nhạy của tôi có thể nghe thấy tiếng cánh cửa liếp của căn buồng
ga-ra nhẹ nhàng hé mở, nghe thấy Thảo bước ra sân. Tôi có thể nghe thấy ở chỗ hốc
tường góc cuối sân, sau manh chiếu che buồng tắm chầm chậm tiếng nước dội, từng
gáo nhỏ một, se sẽ.
Từ sau cái đêm
ở Bách Thảo, bỗng dưng tôi thành ra như là người đa cảm. Một trạng thái từa tựa
như cơn sốt âm ỉ, khiến tôi bơ phờ, bải hoải, lại vừa chộn rộn bứt rứt. Vốn chẳng
ưa thích gì lắm phim ảnh mà dạo đấy tôi lại năng đi xem. Nhưng chỉ đến duy nhất
rạp Bắc Đô bên gậm cầu, một cái rạp hạng bét. Mua vé xong, bao giờ tôi cũng đợi
buổi chiếu bắt đầu được vài phút mới vào. Hướng dẫn chỗ ngồi cho khách không phải
khi nào cũng là Thảo nhưng tôi cầu mong là chị và lạ thay đã luôn luôn được như
thế. “Xin quý khách đi lối này. Xin hãy thấp người xuống”, chị nói, thầm thì.
Chỉ những dịp ngắn ngủi chẳng nhìn thấy gì, trong bóng tối nóng ngột, rối bời,
loang loáng ấy, là tôi được nghe Thảo nói với chính tôi và được vài bước chân
đi sát kề, gần như nép vào chị.
Nỗi niềm thầm
lén của tôi cứ mờ mờ mịt mịt như vậy mãi. Thảo chắc là chẳng hề biết đến sự hiện
diện của tôi cả trên ban-công lẫn trong rạp chiếu bóng. Nhưng, như là để bù lại,
tôi luôn nằm mộng thấy Thảo. Thảo thường đến với tôi vào quãng trước hừng đông.
Buổi sáng thức dậy, một làn hương mơ hồ như là hương thơm của giấc mơ vẫn còn
vương vấn mãi.
*
* *
Năm ấy, sau Tết
ta, ông thân của Thảo qua đời. Người ta bảo rằng ông cụ mất đi thật là đúng
lúc. Chỉ nán lại thêm dăm bữa nữa là cụ sẽ phải gánh theo xuống mồ trọn vẹn điều
nhơ nhục của cô con gái.
Nhưng mà cái
điều nhơ nhục ấy thực ra là một mối tình. Mối tình của Thảo với Minh, anh trai
tôi. Đang là nghiên cứu sinh ở Liên Xô, Tết ấy anh Minh được gia đình triệu về
để lấy vợ. Cố nhiên không phải là lấy Thảo. Tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra
làm sao nữa. Hồi đang ở nhà chưa đi du học, ông anh tôi tính còn khệnh hơn cả
tôi, có bao giờ mà anh lại để mắt đến Thảo. Ý trung nhân của anh là chị Diễm, một
bông hồng thướt tha, đoan trang, kiều mị vào cỡ nhất cả khu phố. Ông bố của chị
cấp ngang thứ trưởng ấy bị đột quỵ mà anh Minh phải cấp tốc về nước tổ chức cưới
chạy tang.
Chẳng khác nào
là một dị bản của đám cưới anh Quân chị Hằng, hôn lễ chị Diễm anh Minh cũng đã
định ngày, cũng thiếp mời đã gửi, và cũng thế, phút cuối cùng, lại là Thảo xen
vào. Chỉ có điều là ở dị bản anh đàn ông đã không bỏ của chạy lấy người, không
im lìm chùi xoá nhẵn nhụi dấu vết cuộc dan díu. Có thể là vì mới từ xứ nọ tự do
luyến ái trở về nên anh Minh không úp mở gì hết, chẳng chút ý tứ giữ gìn.
Vừa chân ướt
chân ráo về nước đã bập liền vào Thảo và đã lập tức yêu cuồng lên. Sự bội tình
của anh mau chóng rành rành ra trước mắt thiên hạ. Hầu hết nữ phái, nghĩa là
già nửa dư luận trong phố sôi lên phẫn nộ, cả mẹ tôi nữa, và nhất là chị Hằng
tôi. Nhưng anh trai tôi, con người của học hành, đạo lí và khuôn phép đã trở
nên đặc biệt cứng đầu, ngày một thêm bạt mạng. Sự việc ầm ĩ lên chỉ tổ giúp anh
gạt nhanh mọi do dự. Công nhiên dẹp bỏ đám cưới, anh tàn nhẫn cắt đứt với chị
Diễm. Anh gần như là phô trương thái độ bất tuân phụ mẫu và bất cần thiên hạ.
Còn non tháng nữa là phải quay sang Liên Xô, anh đã dứt khoát dời khỏi nhà cha
mẹ, chuyển tới ở nhờ nhà bạn. Giận điên người, song thân tôi tống hết ra cửa mọi
thứ của nả và quà cáp anh tải từ bên tây về. Minh liền khuân tất xuống phòng Thảo.
Trước lúc bỏ đi, đứng ở cổng, anh xấc xược tuyên bố rằng nếu không vì ngại cho
Thảo bị người ta dồn nén thì anh đã chẳng sá gì mà không vào sống với Thảo một
phòng. Chờ bốn chín ngày của ông cụ xong là cưới - Anh tôi hùng hổ doạ thế. Bấy
giờ tuy phải ngả theo quan điểm chung của cả nhà, mà thực lòng tôi phục anh tôi
sát đất.
Và có vẻ như
là anh tôi thậm chí làm liều. Có vẻ như anh chẳng còn thiết gì bản luận văn
đang dang dở ở bên Nga. Ngày nào anh cũng về nhà, nhưng chẳng lên với gia đình,
chỉ cứ buồng Thảo chui vào, ngồi chơi đến chớm khuya mới tạm biệt. Ngày nào mẹ
tôi và chị Hằng cũng ít nhất một trận làm dữ, nhưng Minh Thảo mặc kệ, hoặc đóng
chặt cửa, hoặc xe máy dong nhau ra phố. Hôm giỗ bốn chín ngày ông bố, Thảo biện
mấy mâm cơm mời suốt lượt các gia đình trong cùng số nhà. Gia đình chúng tôi chẳng
ai xuống. Cố nhiên là trừ anh Minh. Anh ở bên Thảo từ sáng đến tận tối, xăng
xái chạy ra chạy vào đi lên đi xuống phụ giúp chị. Anh thay mặt chị đón khách
tiễn khách. Anh qua lại các mâm trong nhà ngoài sân, mời nước, mời thuốc, tiếp
rượu, chuyện trò thưa gửi. Như là một với Thảo, anh xưng chúng tôi, và tự nhiên
như tây gọi Thảo bằng em của anh trước mặt mọi người.
Tôi thẫn thờ đứng
ngoài ban-công rất lâu, nhìn, vô hạn buồn nản. Anh Quân đã đứng cạnh từ lúc
nào, tôi chẳng biết. “Nó giỗ bố nó hay nó làm lễ lên giường với ông anh cậu thế,
tôi đố cậu phân biệt được đấy?” Nhếch mép, Quân cười. Một cái cười khẩy, tuy
nhiên méo xệch. Anh châm một điếu thuốc và lập tức sặc sụa. Nồng nặc xồng xộc
lên mùi rượu. Xưa giờ, rượu và thuốc là hai thứ ông anh rể tôi của tôi đặc biệt
gớm ghét. Nom anh bơ phờ, mặt mày xọm hẳn, tái dại.
Tôi và anh
Quân tuy chưa bao giờ là quá thân mật nhưng đã luôn hữu nghị với nhau. Thời
gian trôi qua mới hơn nửa năm song tôi đã gần như quên hẳn cái hành vi bần tiện
của anh ở Bách Thảo. Cả những khi thấy anh lúi húi tỉ mẩn lau chùi kì cọ chiếc
xe đạp Mipha ấy tôi cũng gắng không cho một ý nghĩ mỉa mai nào gợn lên trong
lòng. Thực tình là tôi chẳng muốn nhớ. Dù sao đi nữa thì anh Quân cũng quả thật
người tử tế. Với cha mẹ tôi, anh hết sức hiếu thảo, chu đáo mọi bề, không chê
vào đâu được. Với chị Hằng, anh tận tình yêu thương, nhất là từ khi biết mình sắp
thành ông bố trẻ con. Tôi không nghĩ rằng anh đóng kịch. Hoàn toàn không có vẻ
gì là kịch. Vả chăng kịch để làm gì.
*
* *
Tối hôm ấy tôi
đi ngủ sớm mong trốn khỏi những gì trong đầu và tiếng ồn dưới sân. Nhưng mãi mới
thiếp đi được. Quãng nửa đêm lại bị thính giác lay thức. Có ai đó lẻn vào
phòng, tới sát giường. Tối om, nhưng tôi biết ngay đấy là Quân. Anh đứng im bên
giường tôi một lát rồi nhón quay bước trở ra. Tôi đếm được từng bước chân cực
kì rón rén của anh xuống cầu thang, tôi nghe anh lẹp nhẹp đi qua sân sau. Ngồi
dậy trong màn, không cần phải ra hẳn ngoài ban-công, tôi cũng biết là anh dừng
bước trước cửa buồng của Thảo. Anh không gõ cửa mà cào cào như mèo cào vào cánh
cửa liếp. Tôi thậm chí nghe được tách một cái tiếng công tắc đèn bật lên. Cánh
cửa nhà Thảo hé mở rất nhẹ. Tôi không thể biết phản ứng của Thảo sẽ như thế
nào: hét lên, nức lên, gào khóc, nguyền rủa, xua đuổi, tôi chỉ hiểu rằng, ngay
bây giờ đây, ngay tức thì thôi anh Quân sẽ lộ tẩy chân tướng, đồng thời tai tiếng
cũng sẽ đến với gia đình tôi, chị Hằng tôi sẽ khổ, sẽ nhục, ngay bây giờ.
Nhưng, tịnh
không có gì xảy ra hết. Chỉ có tiếng cánh cửa khép lại. Im ắng hoàn toàn. Không
có tiếng chân anh Quân quay lên. Tôi mở cánh cửa lách ra ban-công. Đã quá nửa
đêm. Mưa phùn rét mướt. Sau cánh cửa đóng chặt, buồng Thảo còn để đèn, nhưng chỉ
một lát thì tắt, cửa vẫn đóng chặt kín bưng. Có lẽ do khí lạnh và hơi ấm mà tôi
trở nên bất động và vô cảm, tôi không nghĩ gì hết, cứ đứng ì người ra thế ngoài
ban-công. Hồi lâu, rét run tôi đành loạng choạng trở về giường. Giấc mơ quen
thuộc lúc gần sáng không còn đến với tôi nữa, thay vào đấy là tiếng chân anh
Quân rón rén lên cầu thang mà tôi nghe thấy vào lúc gần sáng.
Giờ đây ngẫm lại
những ngày tháng đó, thú thực tôi không hiểu nổi con người mình. Cùng một lúc cả
chị tôi cả anh tôi cả cha mẹ tôi bị người ta lừa dối, vậy mà tôi nín nhịn đứng
ngoài cuộc, khách quan nhìn ngó và lắng nghe. Những đêm đen vụng trộm của ông
anh rể thì cứ lặng lờ tái diễn. Đêm ấy, đêm sau, rồi lại đêm sau nữa... rất êm,
rất khéo, tuy nhiên hành tung của anh vẫn là rất liều lĩnh và lộ liễu. Nửa đêm,
tiếng chân xuống cầu thang. Tiếng chân đi ngang qua khoảnh sân sau lép nhép
bùn. Tiếng mèo cào vào cánh cửa. Tiếng cửa mở ra thật nhanh, khép lại thật
nhanh. Gần sáng, lại những tiếng động đó nhưng ngược trình tự. Cửa mở ra. Tiếng
chân nhón bước lên cầu thang...Vậy mà chẳng ai hay.
Hai kẻ báng bổ
ấy mới may mắn làm sao. Cả khu nhà với bao nhiêu những tai những mắt đã không hề
bị đánh động. Còn chị Hằng tôi bụng mang dạ chửa mà đêm đêm cứ li bì mê mệt chẳng
khác nào uống quá liều thuốc ngủ. Rốt cuộc chỉ một mình tôi sống trong đêm với
cái cuộc tình dễ sợ và ảm đạm như của loài ma ấy. Cả khi thức cả khi ngủ lẫn
khi chập chờn, tâm trí tôi luôn mấp mé, chầu chực ở sát bên cặp tình nhân tham
tàn, hai con người ma dại đó, như thể phấp phỏng canh chừng cho họ.
Nhưng mỗi sáng
ra trở dậy, ngó vào buồng ăn, anh Quân chị Hằng thân thương bên nhau, điểm tâm
và trò chuyện, tôi không sao nuốt nổi suất quà sáng của mình. Và bởi sức người
có hạn, không kham nổi nửa, tôi xin cha mẹ cho phép chuyển vào nội trú trong kí
túc xá sinh viên.
Mẹ tôi nhất định
không bằng lòng, buồn bực trách cứ tình cảm gia đình của anh em chúng tôi quá ư
nhạt nhẽo. Nhưng cũng nhờ những lời mẹ phàn nàn nên tôi mới được biết rằng
không chỉ anh Minh và tôi mà cả anh Quân cũng đang muốn bỏ nhà ra đi. Anh rể
tôi được điều vào Sài Gòn giữ chân trưởng ban đại diện của cơ quan ở trong ấy.
Mặc dù chị tôi còn vài tháng nữa là sinh, mặc dù cha tôi thừa sức can thiệp để
anh tôi không phải đi, nhưng anh đã nhất quyết. Anh đã định ngày, ngay đầu tuần
sau: đã đặt vé xe lửa. Mẹ tôi vừa bực vừa thương anh Quân gàn tính, vì việc
chung quên tình riêng, bỏ nơi đầy đủ sung túc xông vào trong đó chuốc lấy kham
khổ, chấp nhận cuộc sống “nhá bo bo đắp đổi qua ngày”.
Song thân tôi
đã luôn sai lầm về anh Quân. Chị tôi cũng vậy, cả tôi nữa, không bao giờ có thể
lường hết được bụng dạ anh ấy. Tôi cứ nghĩ anh buộc lòng phải ra đi như vậy là
chấm dứt một lần cho xong với Thảo. Anh ấy đã không còn cách nào khác, tôi nghĩ
như thế. Thế nhưng, cách ứng phó của anh với đời thực là đa dạng và uyển chuyển
hơn tôi tưởng rất nhiều. Bởi vì, rốt cuộc, anh Quân đã không hề phải trốn chạy
đi đâu hết. Người phải lầm lũi trốn đi là Thảo.
Bỗng dưng, Thảo
từ bỏ cửa nhà, biến đi biệt tích. Đột ngột, một buổi sáng, căn phòng ga-ra của
chị đã thuộc sở hữu của nhà hàng xóm kề vách, cả đồ đạc nữa. Có lẽ chỉ những
láng giềng sân sau của chị là biết trước sự tình. Chúng tôi, những người ở nhà
trên thì không hề hay. Ngay tôi cũng bị bất ngờ, tôi không cảm thấy gì hết,
không nghe thấy gì bất thường dưới phòng chị đêm chị ra đi. Điều duy nhất tôi lấy
làm lạ là không nghe tiếng ông anh rể lần mò xuống đó đêm hôm ấy.
Còn ông anh
trai của tôi thì có thể nói như là bị trời giáng. Hôm trước anh còn tới chơi,
còn ngồi hết buổi tối trong phòng của Thảo. Hôm sau, thậm chí cả một phong thư,
một lời nhắn nhủ Thảo cũng không để lại cho anh tôi. Toàn bộ cửa nhà đồ đạc Thảo
nhượng lại cho người ta thật mau và thật êm để lấy có vài chỉ, lại lặng thinh
khăn khói lặn không sủi tăm như thế, hẳn là đi vượt biên rồi, mọi người trong
khu nhà đều nói vậy. Anh tôi tê điếng, tái dại, loạng choạng bỏ lên nhà nằm lịm.
*
* *
Anh trai thì
suy kiệt tinh thần, anh rể sắp lên đường, chị gái bụng mang dạ chửa, tất nhiên
tôi không thể lập tức bỏ nhà vào ở trong kí túc xá. Đấy là những ngày khó chịu
không tả được, không khí trong nhà khiến tôi khó thở. Tuy rằng mừng trong bụng
với việc Thảo đã chịu “buông tha” cho anh Minh nhưng mẹ tôi, chị tôi vẫn thấy sự
dứt tình trắng trợn và trơ trẽn ấy xúc phạm quá xá danh dự gia đình chúng tôi.
Cứ bữa cơm tối đông đủ cả nhà là hai người căm phẫn nói chuyện về Thảo. Cha tôi
thì nóng ruột và giận dữ vì sự kém cỏi bản lĩnh của anh Minh. Gay gắt chỉ trích
trạng thái tinh thần lệt bệt kéo dài của anh cha tôi đòi hỏi và thúc bách anh
mau vực mình lên, nhanh chóng thu xếp sự nghiệp phó tiến sĩ. Anh tôi lúc cãi lại,
lúc lì ra thằm lằm, lúc vùng vằng buông bát buông đũa bỏ về phòng riêng nằm vật.
Tôi thì vẫn
như thông lệ, chẳng nói năng gì, không can dự. Tôi chỉ ngầm quan sát anh Quân.
Tôi thấy anh quá ư điềm nhiên, một vẻ điềm nhiên mà tôi nghĩ là trên mức cần
thiết. Anh từ tốn lên tiếng dàn hoà mọi người, khuyên mẹ và chị Hằng quên “cô
ta” đi, xin cha tôi bớt giận, thông cảm cho nỗi đau của anh Minh, vân vân và
vân vân. Nhưng chẳng cần phải 1à kẻ thâm trầm, sâu sắc gì cho lắm, tôi cũng bắt
gặp những thoáng chốc bần thần trên gương mặt anh. Càng cận ngày anh lên tàu
vào Nam những thoáng chốc như thế tôi càng bắt gặp nhiều hơn. Dù có tài thánh
cũng không ai trên đời này có thể hoàn toàn giấu tiệt được thực chất tâm trạng
mình, nhất là tâm trạng do dự, nỗi phân vân, sự ngán ngại.
Đến khi chỉ
còn một ngày nữa là khởi hành thì ông anh rể tôi bỗng nhiên thay đổi. Anh công
khai trở nên đăm chiêu. Anh ưu tư ra mặt. Anh rối bời vì âu lo cho tình trạng sức
khỏe của chị tôi. Rồi bất ngờ anh tuyên bố không thế ra đi, hoàn cảnh gia đình
lúc này đang rất cần anh, nhất là chị Hằng, vì vậy anh cần phải ở lại. Anh xin
cha tôi nói với trên thôi không điều động anh nữa. Mặc dù không hài lòng với sự
rút lui quá cấp kì của anh Quân, nhưng cha tội công nhận sự rút lui ấy là hợp
tình hợp lí, và việc gì chứ việc giữ anh lại ở ngoài này thì trong tầm tay ông,
ông thu xếp được ngay.
Chị tôi vui mừng,
hoan hỉ dỡ bỏ tư trang của anh ra khỏi va li. Còn tôi thì được nhiệm vụ ra ga
“đá” lại cho anh cái vé tàu Thống Nhất. Cầm tấm vé trên tay tôi chợt hiểu. Mấy
bữa trước cứ lấy làm lạ là vì sao anh Quân lại phải chịu khổ sở thế không chịu
đi máy bay.
Hôm sau, trước
giờ đoàn tàu Nam chuyến chiều tối chuyển bánh, tôi lần ra ga để được nhìn thấy
Thảo. Tôi tuyệt đối không mảy may hồ nghi gì chuyện đấy.
Chiều xuân,
mưa phùn, nhưng trong mưa vẫn gió bấc lùa hun hút. Trên sân ke xám xịt, ướt át,
lạnh lẽo đông nghịt hành khách và người đưa tiễn. Giữa đông người như vậy mà
tôi tìm ngay được Thảo, trông thấy Thảo ngay là nhờ cái nhìn không lẫn vào đâu
được của những anh đàn ông. Những cái nhìn mà tôi đã quá quen, những cái nhìn của
sự không thể nhịn được mỗi khi người ta nhác thấy Thảo.
Còi tàu đã rúc
lên, Thảo vẫn dưới ke, trong mưa. Va-li trên ghế đá. Vẫn còn vài hành khách tới
trễ, tay xách nách mang hộc tốc đi mau qua cửa kiểm soát, vội vội vàng vàng chạy
qua màn mưa đã bắt đầu nặng hạt, chen lên toa. Thảo nhìn họ, nhìn về phía cửa
phòng chờ, nhìn những người tiễn đưa đang dạt ra đứng tránh mưa dưới mái hiên.
Chị nhìn cả tôi, vào tôi nữa. Tuy nhiên, là một cái nhìn trống không, nhìn mà
không thấy gì cả./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét