Truyện ngắn của Bảo Ninh không bao giờ
là ngắn ở sức quyến rũ của câu chữ và sự lay chuyển của nội dung. Đọc chúng, ta
luôn cảm thấy buồn vì cái đẹp văn chương là có thật và cũng mong manh khó nắm bắt
như không có thật. Bảo Ninh thuộc số rất ít nhà văn Việt Nam có văn đẹp và văn
hay. Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đánh thức nỗi nuối tiếc của người đọc.
(Phạm Xuân Nguyên - Nhà phê bình)
Vô cùng xưa cũ
truyện ngắn Bảo Ninh
Ngày ấy, hình
như cha luôn có điều cần nói với Tâm, nhưng không nói. Là Tâm đoán thế, chẳng
chắc lắm. Cha Tâm vốn kiệm lời. Trong căn phòng chật chội, hai chục thước
vuông, không cửa sổ, thừa muỗi và thiếu khí trời, ngày đêm dồn ních cả gia đình
lại với nhau, thỉnh thoảng Tâm mới nghe thấy đôi lời của cha, nhưng cũng chỉ là
những lời mà tất nhiên ai cũng phải nói mỗi ngày. Mọi sự trong nhà, ông như chẳng
can dự. Từ khi về hưu, dường như quanh năm suốt tháng ông chẳng đi đâu, chỉ ngồi.
Mình ông một chỗ bên bàn nơi góc phòng, với ấm trà, chẳng nói năng gì, âm thầm
tự buông trôi. Ðêm, ông trở dậy, bật đèn bàn lên, lặng ngồi, nhiều hôm tận
sáng.
- Này, lại cha
bảo này... - ông nói - Cha muốn...
Nhưng mà bao
giờ ông cũng chỉ mào đầu được có vậy. Từ hôm Tâm có giấy gọi nhập ngũ đã mấy lần
cha anh lại chả “cha bảo này” như thế. Tâm chờ. Mãi không thấy cha cho biết cha
muốn gì, Tâm chẳng gặng.
Ngày mồng bốn
Tết, ngay trước hôm Tâm lên đường, buổi chiều, cha bảo anh đi dạo cùng ông. Thời
tiết ẩm thấp dù không mưa. Ðúng hơn là mưa bay nên không trông thấy, nhưng mặt
đường thì ướt và trơn. Một cuộc đi dạo thẫn thờ. Hai cha con sóng đôi, chẳng
nói chẳng rằng, im lìm rời khỏi khu phố nghèo, vá chằng vá đụp của mình để đi
vào vùng trung tâm chật chội, khúc khuỷu, sạm màu rêu xế bên bờ Hồ. Tâm có cảm
giác như là cha vừa đi vừa lặng đi. Cái áo bạc-đờ-xuy cũ mèm của cha thủng lỗ
chỗ. Tâm đỡ khuỷu tay cha, đưa ông sang đường.
Hai cha con
vào một quán càphê “chui” nằm ẩn trên tầng áp mái một ngôi nhà cũ nát ở kế rạp
Chuông Vàng. Cửa quán là chè đậu đen, nhưng vòng ra sân sau, lên cầu thang thì
là càphê phin. Một khoang gác ọp ẹp, lẩn khuất. Dăm bộ bàn ghế tồi tàn, thấp tịt.
Khách khứa lặng lờ như những cái bóng, nhoà mờ, không ai nhìn rõ ai. Càphê Ðịnh
Mệnh, ai đó đã gọi cái quán vô danh này như thế, lâu ngày thành tên.
- Xưa, Hà Nội
là một thành phố giàu nữ tính, nồng nàn, nhạy cảm. Bây giờ... - Như thường vẫn
thế, cha Tâm bỏ lửng lời mình.
Bàn của hai
cha con kê kề một ô cửa sổ hẹp không có khung gỗ, giống như là một lỗ thủng.
Trông ra thấy sàn sàn nhấp nhô cả một vùng ướt át những mái nhà phố cũ và những
sân thượng, sân sau, những căn gác lửng. Một Hà Nội cũng xưa, tróc lở, nom là lạ,
được nhìn thấy từ phía sau lưng.
- Quán càphê
này có từ xưa lắm rồi. Xưa sang trọng hơn nhưng càphê cũng như bây giờ thôi -
cha Tâm nói - Chắc là con không biết. Quán này vốn của ông bà ngoại con... Hôm
19 tháng Chạp, ông bà đã tản cư, mẹ con vẫn còn ở lại. Cha tới đây, ngồi ở
chính chỗ này này. Ðèn vụt tắt, súng nổ... Thế là cha và mẹ cùng ở lại trong
Liên khu 1. Số phận đã định đoạt cho cha mẹ như thế, và cho cả các con nữa... Mẹ
đã bao giờ kể với các con chưa: Cha và mẹ vốn là bên lương bên giáo. Cho nên, nếu
không có kháng chiến thì đã không có con và các em con. Kháng chiến thành công,
bồng con về thì cả hai gia đình nội ngoại đều đã di cư vào Nam...
Từ khi biết
nghĩ, biết nhớ, Tâm nhớ là chưa lần nào được cha gần gụi. Ðối với hai đứa em
gái của Tâm, cha luôn lặng lẽ bộc lộ sự thương yêu chiều chuộng. Nhưng tình cảm
của ông với quý tử đầu lòng thì như có một bức tường chắn. Càng lớn lên Tâm
càng nặng mặc cảm rằng mình đã làm cha thất vọng. Dường như cha đã mong mỏi,
cha đã đòi hỏi ở Tâm một điều gì đó mà anh không thể hiểu, có hiểu cũng không
cáng nổi. Từ cái năm Tâm không vượt qua được lớp tám, phải lưu ban, luôn luôn
là mẹ chứ không bao giờ là cha đi họp phụ huynh hay ký sổ liên lạc cho Tâm. Còn
nhớ có lần cha quyết định dành thì giờ dạy tiếng Pháp cho Tâm mỗi tối. Nhưng chỉ
được một tối, ông ngừng ngay. Ông lộ một vẻ ngao ngán không giấu giếm. Cha coi
mình là đồ bỏ, Tâm thường nghĩ thế.
- Năm 54, đã mừng
cho tương lai của các con. Ngỡ rằng bao nhiêu nỗi khổ của đất nước, thời cha mẹ
đã gánh, các con sẽ lớn lên, vui sống trong hoà bình. Nào ngờ nạn nước chưa dứt.
Lại đến lượt thời các con...
Sau ngày mai,
trận mạc chờ Tâm. Chiều nay, anh rúc vào xó này nhấm nháp những giọt đắng ngắt
và nghe nghiền ngẫm ngậm ngùi những chuyện gì đâu. Anh ngồi, lặng thinh, nhìn
cái gạt tàn đã được dụi đầy tràn những đầu mẩu thuốc lá, nhìn tách càphê đã cạn,
nhìn những cái bóng ở các bàn bên, nhìn ra trời chiều. Hà Nội xuân sang, ngâm
mình trong mưa.
Cha Tâm gọi
thêm hai ly càphê. Bao Tam Ðảo đã hết, ông lấy trong túi ra một bao khác. Tâm
điềm nhiên bóc bao thuốc, rút một điếu. Cha xoè diêm châm lửa cho anh. Xưa giờ
đừng nói bia rượu, chỉ một ngụm càphê thôi Tâm cũng không được phép, huống hồ
thuốc lá. Nghiêm khắc, nhưng cha Tâm hiếm khi nặng lời, càng không khi nào phạt
đòn con cái. Chỉ một lần, ông cho Tâm một bạt tai. ấy là khi ông bắt gặp Tâm và
mấy thằng bạn ngồi phì phèo thuốc lá ở quán nước đầu phố. Ông hầu như không hề
biết rằng con trai ông đã 16 tuổi, đã 17 tuổi, và thậm chí đã 18.
Ông từ chối ký
đơn tình nguyện nhập ngũ của Tâm. “Học hành cho xong đi. Muốn trở thành một
quân nhân thì trước tiên phải có học thức”, ông nói vậy, không buồn nhìn lá
đơn. Ông không biết và không hề muốn biết rằng ở phòng tuyển quân của Khu đội
người ta đã gần như nhẵn mặt con trai ông. Hết lần đơn này tới lần đơn khác của
Tâm đều bị gạt. Cay đắng, tủi phận, song Tâm vẫn nhẫn nại. Lượng người xung
phong vào bộ đội không phải là ít, lắm bữa đông nườm nượp, có cả phụ nữ, hầu hết
đều được toại nguyện. Chỉ trừ Tâm. Con trai một, lại đang học dở cấp ba. Ðơn
tình nguyện không có chữ ký của phụ huynh. Thêm nữa... Một cán bộ ở Ban tuyển
quân do phải tiếp Tâm quá nhiều lần đã đành thực tình nói thẳng: “Thực tiễn chiến
trường chưa cần phải huy động tới học trò con một”. Ông động viên: “Bù lại cậu
có tinh thần cao. Thế là tốt, cứ yên tâm. Chẳng chóng thì chầy. Ngay lập tức
thì khó, nhưng gì chứ đi đánh Mỹ thì chẳng lo hết lượt”.
Vào lứa tuổi của
Tâm, nỗi sầu muộn có thể giúp người ta phát triển dài người ra như là được bón
thúc. Chân, tay, tóc tai, cổ và cằm, các đốt xương. Mình mẩy mọc thêm nhiều thứ,
thừa thãi, bơ phờ. Và vừa bải hoải. Về đêm thì ngủ mê, nói mớ và rên rỉ, một
mình vật vã trên gác xép... Mẹ Tâm mua lá ở hàng thuốc nam, sắc lên, ép anh uống,
ngày một bát. Mẹ bảo:
- Chịu khó uống.
Cho dịu mộng mị, con ạ. Cho khuây đi...
Như vậy là chẳng
những không ký đơn cho Tâm, cha anh còn giấu biệt không để mẹ biết việc anh xin
nhập ngũ. Khiến cho mẹ nghĩ rằng vì Loan. Mẹ đã gán cho Tâm nỗi đau tình ái. Mẹ
nghĩ rằng anh tương tư cô gái dưới gầm cầu thang.
Gia đình Loan
mới chuyển tới phố này được ba năm. Chỉ có mỗi hai cha con, neo đơn, nghèo
túng, chỗ ở là một cái hốc thụt sâu vào trong gầm cầu thang, nơi ngày trước chứa
than và củi. Cha của Loan, cho tới tận trước hôm ngã bệnh qua đời, vẫn ngày
ngày nhẫn nại tha một cái va ly rách nhét đầy những cuốn sách cũ mèm và vô bổ
ra bày bán nay chỗ này mai chỗ khác ở những góc vỉa hè. Tuy nhiên, không cần biết
rõ quá khứ của ông, thoạt gặp cũng có thể cảm thấy ngay rằng thực ra ông chẳng
phải là một người bán sách rong nào cả, và rằng trước kia hai cha con ông đã sống
một cuộc sống hoàn toàn khác. Trong sự nghèo khổ của cha con nhà họ rõ ràng có ẩn
một cái gì đó không rõ là cái gì, không bình dân, không như người.
Cùng lớp,
nhưng Tâm và Loan chẳng phải chỗ bạn bè. Loan không được tập thể ưa. Mà tập thể
thế nào thì Tâm thế nấy. Chẳng vì một lý do rõ ràng, Loan luôn bị mọi người để
ý. Bản thân Loan chắc cũng khổ tâm và đã cố giữ sao cho khỏi lạc khỏi nếp
chung, mà không được. Nhìn Loan người ta thấy rằng ở cô có cái gì đó là lạ
khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn
như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo, mềm dịu. Cách nói và
dáng đi đều thiếu vẻ mộc mạc. Tâm nhớ là ngay từ bữa đầu vào lớp, Loan đã vấp
phải lời xì xào của những bạn cùng bàn rằng đi học mà rẩy nước hoa đầy người
như quân tư sản. Cứ bước đi một bước là Loan liền để lại đằng sau mình cả một vệt
dài hương thơm. Nhưng cô một mực thề trước lớp là chưa hề bao giờ xoa xức lên
mình dù chỉ là một tỵ ty thôi bất kỳ một thứ xa xỉ phẩm nào. “Mà thực tình là
tôi không cảm thấy gì cả, - Loan nói, rân rấn nước mắt - Có cảm thấy cũng không
biết làm thế nào. Tự như vậy chứ tôi không cố tình...”.
Với Loan, Tâm
hết sức gìn giữ một dáng vẻ hững hờ và xa cách. Ðến nỗi trong suốt bao nhiêu
lâu cùng nhà, cùng lớp thế mà hai đứa chưa từng một lần vào chơi nhà nhau. Chạm
nhau trong sân, trong bếp, nơi máy nước, nơi cầu thang, thường là Tâm giả tảng
chẳng thấy, lờ đi, hoặc không thì cũng chỉ qua quýt nửa vời vài ba lời gì đó trống
không. Dửng dưng, lãnh đạm một cách tồi tàn.
Hôm đưa đám
cha của Loan, cả lớp Tâm góp tiền mua được một vòng hoa. Một cuộc tang ma lèo
tèo. Thân quyến người chết mỗi một mình Loan. Người đến viếng thưa thớt. Tâm
cũng chỉ nói được lý nhí vài lời gì đó nhạt thếch, đại khái là để chia buồn.
Mai táng cha xong, Loan bỏ học. Cũng rời bỏ luôn căn phòng dưới gậm cầu thang.
Người ta bảo rằng cô nhập lực lượng thanh niên xung phong. Vào đâu đó trong khu
Bốn, hay là bên Lào. Cô đi chẳng gửi lại một lời nào với bạn bè.
Nhưng từ ngày
Loan đi, bỗng dưng tình bạn chưa bao giờ có với Loan lại khiến Tâm chao đảo. Bỗng
dưng anh trở thành đa cảm, và vô cớ mà tâm trí anh chùng hẳn xuống trong uỷ mị.
Thậm chí có đêm Tâm nằm mộng thấy Loan. Một làn hương mơ hồ như là hương thơm từ
giấc mơ cứ mãi vương vấn trên căn gác xép.
Mẹ anh có lẽ
đã âm thầm hiểu thấu lòng anh hơn cả bản thân anh. Chính là mẹ đã thuyết phục
cha ký vào lá đơn tình nguyện thứ tư. “Ðừng nên ngăn nữa mình ạ. Nó mong đi bộ
đội cơ mà. Và nó thương nhớ con bé ấy. Yêu nước thì cũng như là yêu nhau, có
khác gì đâu mà ngăn. Mà ngăn làm sao được hở mình”. Mặc dù cha mẹ nói chuyện rất
khẽ tiếng, nhưng vì nằm ngủ ở gác xép ngay sát bên trên nên vào lúc nửa đêm khi
bất chợt thức giấc, Tâm nghe thấy.
Cha mẹ cùng
ký. Và cả đêm, Tâm nghe tiếng mẹ khóc khe khẽ. Tiếng cha rầu rầu an ủi mẹ. Thỉnh
thoảng lại bật ho.
Sáng hôm sau
cha cùng Tâm tới Khu đội. Dọc đường, ông bảo: “Cha mẹ muốn con học lên, vào đại
học, với lại thấy sức vóc con yếu ớt, tâm tính cũng còn non dại, nên dùng dằng
không ký đơn cho con. Giờ cha thấy lòng con đã quyết... Vậy cũng là phải thôi
con ạ. Làm trai sinh ra gặp thời loạn lạc không thể dửng dưng với vận nước. Nước
mất thì nhà tan, ấy là châm ngôn truyền đời... Có điều, con ạ, cha không hoàn
toàn an tâm. Cha sẽ chỉ an tâm nếu như biết chắc được rằng con quyết ý ra đi là
bởi con thật sự thấy con đường mình chọn là đúng với đời con chứ không phải chỉ
vì con muốn thoát khỏi tai tiếng gia đình, muốn chạy khỏi những phiền muộn
riêng tư...”.
Chiếc đồng hồ
treo tường thong thả gõ chuông. Ông chủ quán Ðịnh Mệnh bật công tắc đèn. Ngọn
đèn đỏ đòng đọc, trông rõ sợi tóc trong bóng. Ngoài trời, màn mưa mờ mỏng như lớp
sương vàng nhạt sa phủ trên thành phố, làm nhoà ánh sáng những vệt đèn đường.
- Ta về thôi
con nhỉ - cha Tâm nói và vẫn ngồi yên -
Thế là đã qua
mất một ngày... Và vậy là mai con đi. Mai con đi rồi...
Cái buổi chiều
tối ấy, cái quán càphê ấy và nói chung, tất cả những ngày xưa cũ ấy sống mãi suốt
đời Tâm, nhưng chắc chắn là anh sẽ không bao giờ muốn nhớ lại làm gì nếu như
không vì muốn có một lần trở về với tình cha con xưa cũ và nhiều đau đớn của một
thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét