Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Thương gái miền Trung



Thương gái miền Trung
VÕ PHIẾN

Đi lễ để ngoạn cảnh, đó không phải là sáng kiến của đồng bào miền Nam, của lớp người gần đây.

Từ xưa, từ hồi còn ở ngoài Bắc, người Việt chúng ta vẫn thế: vẫn viện cớ tín ngưỡng để du ngoạn, vẫn liên hệ việc thờ phụng thần thánh với tình yêu thiên nhiên.

Khi Chu Mạnh Trinh đi chùa, ông đi tìm cái thú. Bởi vậy, để cho được trọn thú, ông mang cả đào nương theo. Hệt như một nhà nho khả kính bên Tàu: Tô Đông Pha.

Chu Mạnh Trinh khoái nhất chùa Hương:

“Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn, ao ước bấy lâu nay!”

Trong mười hai chữ chỉ có chữ “bụt” thuộc về tín ngưỡng; còn lại là bầu trời, là cảnh, là thú v.v…

Bao nhiêu người khác đi trẩy hội, dù không đậu ông nghè, dù không biết làm thơ, nhưng tâm lý hẳn cũng không khác tâm lý Chu Mạnh Trinh là mấy.

Và đó là một tâm lý cố cựu, lâu đời, của dân tộc. Ngay từ thế kỷ XII, trên văn bia chùa Linh Xứng làm năm 1126 đã có câu: “Hễ chỗ nào núi cao cảnh đẹp đều mở mang lập chùa chiền”.

Chùa chiền ở nước nào cũng lánh người tìm cảnh như thế chăng? Các công trình kiến trúc những tôn giáo khác có lấy cảnh đẹp thiên nhiên làm tiêu chuẩn chọn lựa đặt vị trí chăng? Hay trước hết cốt tìm đến những sở đạo, họ đạo đông người?

***

Ngoạn cảnh là thú lành mạnh. Nếu thiện nam tín nữ chỉ thưởng thức có một cái thú đó thì tốt quá. Nhưng người ta không hay ngừng lại nửa vời như thế. Người ta, bất cứ là ai, kể cả thiện nam tín nữ.

Vì vậy ông Chu có mang theo mấy đào nương, cho thú vui được đậm đà thêm. Những đàn ông, những thanh niên khác, không đủ sang trọng để đưa đào đi, nhưng họ cũng muốn vui đậm lắm: họ nhằm vào đám bạn đồng hành khác phái. Hiền lành, họ cũng gây được những rung động thấm thía nơi cô bé của Nguyễn Nhược Pháp. Kẻ bạo dạn, nghịch ngợm, thì họ còn đi xa. Chắc hẳn trong khung cảnh hội hè rộn rịp, đông đảo, hỗn tạp, đôi khi họ có hoàn cảnh để đi xa lắm, quá lắm.

Cho nên hội hè vẫn có một khía cạnh đáng ngại. Ông Chu thì ham đi chùa Hương; nhưng chưa chắc ông thích cho bà đi, và cho các cô trong nhà đi đâu đấy nhé. Ấy là nói về chùa Hương thôi. Đối với những nơi khác, có khi người đàn ông đố kỵ ra mặt:

“Chùa Thầy khánh đá, chuông đồng,
Có đi thì trả của chồng mà đi”.

Chỗ chùa Thầy nghe đâu nó rắc rối, tai tiếng, vì một các hang:

“Động chùa Thầy có hang Cắc Cớ,
Trai chưa vợ thì nhớ chùa Thầy”.

Nhưng dù cho không có hang, có hóc nào, những chùa, những đền khác cũng tạo cơ hội cho đàn bà con gái sống những ngày cởi mở, tự do, khác hẳn chuỗi ngày khuôn phép trong gia đình làng mạc. Thử tưởng tượng: Đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa, hàng ngày phải giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, phải giới hạn cuộc sinh hoạt sau cánh cửa…, bỗng dưng có dịp được đi xa hàng mấy ngày đường, đi đò, ngủ quán, ăn đường, chen vai thích cánh giữa đám đông, gặp bạn bè gái và trai v.v… Đó phải là những kỷ niệm khó quên, quí giá trong đời.

Hội hè là mở cấm, là xả hơi. Trong xã hội Á Đông, nó là một thích thú đối với đàn ông, nhưng nhất là một đều bù để làm quân bình nếp sống của người đàn bà tội nghiệp.

***

Nghĩ đến cái khía cạnh ấy của hội hè trong một chuyến viếng thăm Châu Đốc vào ngày lễ bà Chúa Xứ, tôi bỗng thương cho người đàn bà miền Trung.

Tại sao người miền Trung không có hội hè?

Ngoài Bắc có hội chùa Thầy, hội chùa Hương, hội đền Hùng v.v… Trong Nam có ngày vía bà Chúa Xứ, bà Đen, có ngày của đức Phật Thầy Tây An, ngày của đức thầy Hòa Hảo v.v… Đứng dưới chân núi Sam vào ngày 25 tháng tư âm lịch, tôi không nhớ có một cảnh nào tương tự như thế ở ngoài Trung.

Ở Trung, có lẽ chỉ có một miền cố đô Huế là người đàn bà tìm được cái sinh hoạt hội hè ở điện Hòn Chén, ở những đám lên đồng v.v… Ngoài ra, tại bao nhiêu tỉnh khác, không có gì quấy động nếp sống cần cù, khuôn phép của phụ nữ.

Lý do nào đưa tới sự thiệt thòi ấy của người đàn bà miền Trung?



Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét