Lễ bái hiện đại hóa | |||
VÕ PHIẾN
Một người địa phương kể chuyện: Năm nọ, vào ngày vía Bà, ông ta bị kẹt xe tại chân núi Sam vào khoảng mười giờ sáng, đến năm giờ chiều mới về tới nhà, ở tỉnh lỵ.
Đành rằng bấy giờ quãng đường ấy hẹp và xấu, tuy nhiều núi Sam chỉ cách tỉnh lỵ Châu Đốc có năm cây số: kẹt đến như thế là quá cỡ. Đủ biết ngày vía Bà người ta đổ về núi Sam đông đến chừng nào.
Tiếc rằng một nơi thu hút nhiều du khách đến thế lại không có thứ kỷ vật gì để du khách mua về. Khách từ xa đến, tò mò, có thể uống tại chỗ thứ nước thốt nốt chứa trong ống tre. Nhưng mua để mang về làm kỷ niệm, họa chăng chỉ có đồng xu cạo gió kẹp vào cán gỗ tiện (Thực ra, đồng xu cạo gió ấy cũng đã tiến về các lề đường Sài Gòn từ lâu). Còn lại bao nhiêu những thứ bày bán ở trước các miễu, các chùa tại đây, hầu hết hoặc là sản phẩn của Campuchia, hoặc là của Trung cộng qua từ ngã Capuchia, hoặc là sản phẩm của… Sài Gòn, Chợ Lớn!
Giá có được những xâu chuỗi hột, những tượng Phật gỗ, những món đồ đan nho nhỏ v.v… sản xuất tại địa phương. Ở đây, không có ngành thủ công nghệ nào đặc sắc chăng?
Tại Đà Lạt chẳng hạn, nơi mà du lịch được khai thác theo quan niệm Tây phương, người ta không quên trú liệu kỷ vật cho khách: phong lan, nhà sàn, nhạc khí người Thượng, khung hình ghép bằng mảnh vỏ thông, trái thông ghép hình con gà, con phụng v.v…
Nhưng du lịch theo quan niệm Tây phương lại chỉ dành cho tầng lớp trưởng giả, không phải là lối du lịch của quần chúng. Giả sử ở thác Prenn có được một cái đền, một cái miếu để đến xin xăm cầu tài! Khách thập phương sẽ đổ về đông hơn biết bao.
Do đó, hình như có một khía cạnh tâm lý trong sinh hoạt tín ngưỡng ở ta, ở một số dân Á châu, mà ngành khai thác du lịch tưởng nên chú ý đến. Không có ngôi chùa danh tiếng Phật quốc tự, có lẽ người Đại Hàn khó lòng với thỉnh được ai lên tận đỉnh núi Thổ hàm sơn ở Khánh Châu (Kyongju). Giữa Nhật quyệt đâm bên Đài Loan có ngôi chùa Huyền Quang…
Nếu những chùa Huyền Quang, chùa Phật Quốc nọ chưa lôi cuốn được số khách thập phương đúng mức, thì còn nên xét đến một điểm này: thiếu xin xăm cầu tài chăng?
***
Sáng ngày 25 tháng tư âm lịch năm nay, vào khoảng mười giờ, số thu tại miễu bà Chúa Xứ lên đến 10.870.000đ. Ngót mười một triệu bạc.
Cho đến mãn ba ngày vía, số thu sẽ đến bao nhiêu? Và số thu của ngân sách toàn tỉnh trong một năm liệu có được gấp ba lần thế chăng?
Miễu bà Chúa Xứ không phải là thành công duy nhất ở trong Nam. Lăng Ông Bà Chiều, miễu Bà Đen ở Tây Ninh v.v… hàng năm cũng có những khoảng thu lớn lao. Như vậy đây không phải là những trường hợp thành công ngẫu nhiên; đây là sự gặp gỡ ở một công thức khai thác thích hợp.
Chiêm bái thần thánh mà có dịp đi đôi với xin xăm cầu thì thì tuyệt (Cũng như thưởng lãm thắng cảnh mà đi đôi với chiêm bái thánh thần là điều rất tốt).
Riêng tại miễu Bà Chúa Xứ còn có thêm một sáng kiến. Khách đến cúng vái có thể “vay” của Bà một món tiền nhỏ hai chục đồng. Tờ bạc ấy đem về cất vào tủ, giữ lấy hên trong năm, nếu làm ăn buôn bán phát tài thì năm tới khách đi lễ vía, trả Bà cả vốn lẫn lời. “Lời” là một đôi trăm, năm ba nghìn đồng chăng? Tùy khách.
Một lối khai thác tín ngưỡng như thế không mấy ăn khách ở xã hội nông nghiệp trước kia, ở thời kỳ của những chùa Hương, chùa Yên Tử v.v… ngoài Bắc. Ngày ấy, đa số khách trẩy hội vốn là nông dân, không kinh doanh bằng đồng tiền. Còn bây giờ thì tờ giấy hai chục của Bà cất vào tủ sắt của một Hoa thương ở Chợ Lớn tốt quá. Bây giờ, con số những người sống bằng áp-phe, bằng buôn bán, bằng kinh doanh… mỗi ngày mỗi đông. Hình thức chiêm bái thánh thần cùng phải tùy thời biến đổi.
Mặc dù thần thánh không làm ăn, chỉ có con người mới phải vât vả làm ăn thôi, nhưng lề lối làm ăn của con người đã ảnh hưởng rõ rệt vào lề lối phụng thờ thần thánh. Từ chùa Hương của thời kỳ kinh tế nông nghiệp ngoài Bắc cho đến những lăng miễu có tủ sắt lớn, có Bà cho “vay” bạc, ở một xã hội mà hoạt động thương mãi phát triển như trong Nam ngày nay, ta thấy đời nào đạo ấy.
Việc lễ bái tự nó lặng lẽ cải cách, lặng lẽ hiện đại hóa. Không chờ ai hô hào.
VP.
Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info
|
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019
Lễ bái hiện đại hóa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét