Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Khi quần chúng du lịch

Núi Ba Thê - An Giang


Khi quần chúng du lịch
VÕ PHIẾN

Trên núi Ba Thê có cất mấy ngôi nhà, có một cây cầu sát nối liền hai đỉnh núi; những cái đó đều được thực hiện hồi đệ nhất cộng hòa. Người ta cho rằng tổng thống Ngô Đình Diệp muốn làm cho núi Ba Thê thành một cảnh du lịch.

Kể ra du lịch ở núi Ba Thê thú hơn ở nhiều chỗ khác. Tại đây, ngoài cảnh thiên nhiên còn có một di tích lịch sử danh tiếng: gò Óc Eo. Chơi núi Ba Thê, du khách đến sát cạnh nền văn hóa Phù Nam đầy bí ẩn. Vả lại, trên con đường từ tỉnh lỵ Long Xuyên đến Ba Thê, du khách có thể gặp một cánh đồng còn phơi nhiều vỏ sò, nêu ra một nghi vấn lộ thiên mà giới khảo cứu chưa tìm ra câu giải đáp. Đi chơi một chuyến như thế, có dịp để tha hồ tưởng tượng về những tang thương đã diễn ra trên miền đất này, xưa kia, hàng nghìn năm trước. Đi chơi như thế, thích chứ.

Vậy mà trên núi Ba Thê: nhà thì chỉ còn mấy bức vách, cây cầu Eiffel chỉ còn cái sườn sắt, ván đã mục, đã long, rời từ bao giờ.

Sự thực, sửa sang lại cũng dễ, không tốn kém bao nhiêu. Nhưng sửa lại mà chi? Đâu có du khách nào lai vãng?

- Như vậy có phải dân ta không ham du lịch, không thích cảnh đẹp, không mến thiên nhiên?

- Không phải vậy. Nhưng dân ta có lối thưởng ngoạn thiên nhiên của dân ta. Nếu ông Ngô Đình Diệm xây trên núi Ba Thê một ngôi chùa…

- Ông Diệm xây chùa?

- Không xây, cho nên ông đã thất bại trong trường hợp này.

Thực ra, tại chùa Từ Hiếu ở Huế, một vài nhà sư còn nhắc lại những kỷ niệm về ông Ngô Đình Diệm: ông thường lên thăm chùa, trò chuyện với người này, dạo chơi chỗ kia, thích ăn quả của cây khế nọ v.v… Sự lui tới này tất nhiên là vì bài vị nội tổ của ông để nơi đây; nhưng mặt khác, không phải không vì ít nhiều thích thú: chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cảnh trí đẹp nhất ở Huế, quanh chùa cây cỏ sum sê, vườn rộng và u tịch… Ông Ngô Đình Diệm không phải không biết đến cái tâm lý đi chùa vì cảnh chùa.

Núi Sam đẹp hơn núi Ba Thê chăng? Không chắc. - “Linh” hơn núi Ba Thê chăng? Càng không ai dám chắc. Có điều hiển nhiên, là núi Sam có nhiều miễu, nhiều chùa, nhiều am v.v… nên thu hút du khách đông vô số kể.

***
Núi Sam - Châu Đốc

Đứng dưới chân núi Sam nhìn lên: cứ cách một quãng lại một ngôi chùa, cách một quãng một cái miễu, cứ thế cho đến tận đỉnh núi. Tây An Tự, rồi miễu Bà Chúa Xứ, rồi lăng Thoại Ngọc Hầu, rồi Khổng Thánh miếu, rồi Tây Huê tự, rồi Bồng Lai tự v.v…

Đến Bồng lai chưa phải là hết. Nếu còn muốn trèo nữa, còn đủ sức trèo nữa, khách vẫn tìm thấy một miếu, tự khác để làm lý do cho khách trèo cao thêm bậc nữa.

Vì sự thực, những chùa ấy miễu ấy - một phần nào - là những lý do để khách quyết định cuộc du ngoạn. Ở miền Nam, đồng bằng nhiều, núi non ít. Đối với dân chúng nhiều nơi, núi là một cái lạ, tai từng nghe, mắt chưa từng thấy. Bởi vậy: nghe có cảnh núi đẹp, rất muốn xem cho biết. Nhưng bỗng không mà tổ chức du lịch là chuyện xa hoa phù phiếm, là chuyện chỉ xảy ra trong cuộc sống của tầng lớp giàu sang thừa thãi, là chuyện của đàn ông, có lẽ chỉ một số đàn ông ít oi có ý thức, biết ngâm vịnh mới hay ngao du sơn thủy kiểu đó. - Còn quần chúng đông đảo, còn đàn bà, ông già bà lão thất học v.v… những giới người ấy cũng muốn ngoạn cảnh chứ. Họ không có bầu rượu túi thơ. Phải tìm giúp họ một cái cớ. Phải cho cuộc đi của họ một ý nghĩa.

Ở đây, chùa miễu đáp ứng một nhu cầu phi tôn giáo.

Chùa miễu giúp quảng đại quần chúng được hưởng một thú vui lẽ ra dành cho thiểu số quí tộc. Và chùa miễu đã được quần chúng đền ơn xứng đáng; chúng phát đạt nhanh chóng, mọc lên như nấm ở những chỗ thắng cảnh.

Ở trong Nam, thắng cảnh quí giá hiếm nhất là núi non. Phải chăng vì vậy mà vùng Năm Non - Bảy Núi là cái nôi của nhiều tôn giáo mới phát sinh: Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn kỳ hương, Tứ Ân hiếu nghĩa v.v.

9-1971



Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét