Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Thiếu nữ khoác áo kimono mùa hạ

Thiếu nữ khoác áo kimono mùa hạ, 1920, Hashiguchi Goyō



Nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản đạt đến đỉnh hoàng kim vào thời Edo (1615-1868) với thể loại tranh ukiyo-e (phù thế hội hay tranh vẽ thế giới phù hoa) lấy chủ đề là những giai nhân xinh đẹp, diễn viên kabuki, sumo, các hoạt động tiêu khiển và tình dục. Nhưng có lẽ tranh khắc gỗ vào đầu thế kỷ 20 mới đạt đến một trình độ kỹ thuật ưu mỹ. Những tác phẩm giai đoạn này cho thấy người Nhật vừa có khả năng tiếp thu kỹ thuật hội họa Tây phương, trong khi vẫn giữ được truyền thống lâu đời của nước mình. 

Bức "Thiếu nữ khoác áo kimono mùa hạ" của Hashiguchi Goyō tái tạo một khung cảnh điển hình quen thuộc trong tranh ukiyo-e truyền thống, song lại hòa quyện thêm những cảm hứng từ hội họa Tây phương như tính tả chân và độ nổi hình khối. Tài hoa của Goyō thể hiện đầy tinh mỹ ở hoa văn vải kasuri, đường chân tóc và chất liệu mỏng manh của lớp áo, vừa che khuất vừa nhẹ nhàng hé lộ làn da trắng ở cánh tay và bầu ngực cô gái. 


Thiếu nữ dâng trà, tranh Kitagawa Utamaro 

So sánh với tranh ukiyo-e thời 1793 (tính tả thực, độ nổi, độ trong suốt của lớp áo, ánh mắt). Tranh này của Utamaro, một trong những bậc thầy ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật của Goyō.

Người mẫu ở đây là Nakatani Tsuru, một cô hầu bàn ở nhà hàng Icho (Osaka) đồng thời là tình nhân của họa sĩ. Nàng ngồi trước gương điểm trang, vốn là một không gian rất nữ tính, rất riêng tư, song lại nhìn thẳng ra người xem như muốn giao tiếp với khán giả - có gì đó gợi nhớ đến Olympia của Manet. Nàng mang dáng vẻ yêu kiều của một cô gái Nhật cổ điển, song lại toát ra khí chất tự tin, điềm tĩnh hoàn toàn hiện đại. 



Sự đan kết kỹ thuật vừa cũ vừa mới, với hình tượng nữ nhân vừa thục nữ vừa bạo dạn, cũng phản ánh tình hình xã hội đương thời. Thời điểm này, nước Nhật đang xảy ra nhiều chuyển biến lớn về kinh tế-xã hội, làm lung lay hệ quan niệm lâu đời về ngoại hình, cách ăn mặc và vị trí của người nữ trong gia đình và xã hội. 


Kamisuki (Chải tóc), Bản in mộc bản màu, 
Nhật Bản, thời Taishō, 1920 Goyō (1880-1921) 

Năm 35 tuổi, Goyō (khi đó đã là họa sĩ có tiếng) cộng tác với nhà in nổi tiếng Watanabe Shōzaburō, nhưng thấy bản in không đáp ứng được kỳ vọng về chất lượng của mình, bèn thuê thợ khắc riêng và tự phát hành tranh khắc. Nhờ đó ông tự chủ được mọi công đoạn sản xuất nghệ thuật và theo đuổi một trình độ kỹ thuật cao hơn bất cứ tranh nào được sản xuất tại Nhật Bản vào thời điểm đó. Tuy nhiên từ năm 38 tuổi, ông chỉ vẽ thêm 12 tác phẩm (bức này là một trong số đó), và mất ở tuổi 41. Trận động đất Kanto 1923 cũng phá hủy thêm nhiều tác phẩm của ông. Nhờ chất lượng thuộc hàng cực phẩm nên tranh Goyō luôn là một trong những tranh tân ukiyo-e đắt giá nhất, từ khi mới xuất hiện đến tận ngày nay. 



Hashiguchi Goyou. Woman At Her Bath, 1915. Bản in mộc bản màu 



Woman Applying Powder by Hashiguchi Goyō, 1918 






Một bản khắc gỗ của Hashiguchi Goyō 



Người phụ nữ rửa mặt Goyo Hashiguchi 



Cầu Sanjo, Kyoto 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét