Nỗi buồn chiến tranh - khoảng lặng dài của Bảo Ninh
Bài của Rohit Inani, Nhà báo ở Delhi, Ấn Độ, viết cho các báo Time, The Nation and Himal Southasian
*
Bảo Ninh ngồi vào ghế và gọi trà. Ông đặt gói thuốc Camel lên bàn và nhìn ra ngoài cửa sổ. ”Dịp này đến Hà Nội không hay lắm”, ông nói.
Tháng Năm ở thành phố nóng bức và ngột ngạt, báo hiệu một mùa hè oi ả đang đến. Khi nhiệt độ lên cao, các đám đông như bị xì hơi. Sau đó, những cơn mưa rào rửa sạch thành phố, khơi động lại “tinh thần Hà Nội” mà theo Kiên – nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh (NBCT) cuốn tiểu thuyết táo bạo và nổi tiếng rộng khắp năm 1990 của Bảo Ninh dựa trên kinh nghiệm trận mạc của chính ông – là “mạnh nhất về đêm khi toàn thành phố dường như đã vắng vẻ, ướt át, cô đơn, lạnh lẽo và buồn tê tái”.
Chúng tôi gặp nhau tại một quán cà phê ở phố cổ Hà Nội, nơi yêu thích của các nhà báo, nghệ sĩ và các quan chức hạng trung của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), tổ chức đã lãnh đạo đất nước từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Bảo Ninh hiếm khi gặp gỡ báo chí hay trả lời phỏng vấn, ông thích một cuộc sống giản dị bình lặng ở Hà Nội, nơi ông ít khi rời đi. Ngoài phố, một cơn gió nhẹ thổi và ánh nắng chiếu vào bậu cửa sổ đôi lúc khiến Bảo Ninh chú ý. Ông đốt một điếu thuốc. “Tôi quý cái công của ông tìm gặp tôi, nhưng chẳng có gì để nói nhiều đâu,” ông bảo tôi thông qua cô phiên dịch Nguyễn Phương Loan. “Tôi là một nhà văn. Tôi chỉ viết thôi chứ nói về mình thì dở lắm.”
Bảo Ninh đẹp trai, có mái tóc nâu xám gợn sóng và cặp mắt sâu ủ rũ. “Ta bắt đầu nhỉ?” ông nói. “Không có nhiều thời gian đâu. Ngày mai tôi phải đi mổ.” Tuần đầu tháng Năm ông được chẩn đoán là bị một khối u ung thư, hậu quả của nhiều năm trời uống rượu và hút thuốc, một thói quen ông có từ sau khi hết chiến tranh trở về nhà, về lại cuộc sống khó khăn thời hậu chiến, viết và uống thâu đêm suốt sáng tại nhà mình hồi đó ở một nơi tồi tàn tại trung tâm Hà Nội.
Bảo Ninh, người tháng Mười này sang tuổi 66, là nhà văn Việt Nam nổi tiếng nhất với cuốn tiểu thuyết NBCT mà khi bản dịch sang tiếng Anh được xuất bản năm 1994 đã lập tức được coi là cuốn truyện kinh điển về chiến tranh, được so với tác phẩm nổi tiếng Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức Erich Maria Remarque, một tiểu thuyết viết về trải nghiệm của những người lính Đức trong Thế chiến Một.
Dựa trên kinh nghiệm của một anh lính Bắc Việt trong tiểu đoàn 27 – trong số 500 thanh niên ra trận năm 1969, Ninh là một trong số mười người sống sót trở về, sau đó sáu người trong số đó đã tự tử - cuốn tiểu thuyết kể lại những trải nghiệm của một phản nhân vật – Kiên, một cựu chiến binh trung niên nhớ lại tháng ngày chiến trận của mình khi đi quy tập thi thể đồng đội trong các cánh rừng ở miền Trung Việt Nam.
Năm 1994, Bảo Ninh trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên được giải thưởng văn học ở nước ngoài khi NBCT giành được giải tiểu thuyết nước ngoài xuất sắc của tờ The Independent, cùng với tác phẩm Đường đến San Giovanni của Italo Calvino.
Tại buổi lễ trao giải ở Hay-on-Wye, Robert Winder khi đó là biên tập viên văn học của The Independent đã gọi cuốn tiểu thuyết là một tác phẩm “lịch sử” và đã nói khi tuyên bố giải: “Thông thường, lịch sử là câu truyện được bên thắng cuộc kể lại; cuốn sách của Bảo Ninh nhắc cho chúng ta rằng trong chiến tranh các bên đều thua.”
Khi Thế chiến hai kết thúc, Việt Nam lúc đó đang là thuộc địa Pháp, đã chiến đấu chống lại người Pháp để giành độc lập, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh.
Năm 1954, sau khi các lực lượng Việt Minh đánh bại quân Pháp, cuộc chiến tranh được giải quyết bằng việc ký hiệp định Geneve tạm thời chia đôi Việt Nam theo một đường vĩ tuyến chung gọi là vĩ tuyến 17. Quyết tâm thống nhất đất nước và đánh đuổi “đế quốc Mỹ”, Hồ Chí Minh – cái tên này có nghĩa “người mang lại ánh sáng” – đã tăng cường tấn công miền Nam lúc ấy do nhà lãnh đạo chống cộng Ngô Đình Diệm cầm quyền và được Mỹ ủng hộ. Đó là sự mở đầu cuộc xung đột kéo dài 20 năm giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam tính từ 1955.
Cuộc Chiến Tranh Lạnh khi đó cũng bùng phát và cuộc xung đột Việt Nam đã lan đến tận hành lang Lầu Năm Góc. Năm 1965 lo sợ thắng lợi của phe cộng sản ở Việt Nam, Hoa Kỳ đã gửi những đội quân chiến đấu đầu tiên đến nước này. Cuộc chiến kéo dài hàng chục năm làm hao tổn nhiều sinh mạng, nhất là phía Việt Nam. Trưa ngày 30/4/1975, Sài Gòn thất thủ. Khi tin chiến thắng bay ra bắc, nhân dân đã đổ ra đường vẫy cờ hoa và hô vang “Việt Nam, Hồ Chí Minh! Việt Nam, Hồ Chí Minh!”
Khi âm vang chiến thắng lặng xuống, Việt Nam cuối cùng đã được thống nhất sau hàng chục năm chiến tranh, bắt đầu thấm thía cái giá phải trả để thực hiện ước mơ bao lâu mong đợi. Đất nước tan hoang, các thành phố thị trấn đổ nát dưới những trận bom từ máy bay trút xuống. Năm triệu héc ta rừng và cây trồng bị phá hủy do những vụ nổ lớn và các chất độc hóa học, bao gồm cả khoảng 43 triệu lít chất độc da cam. Hơn ba triệu người Việt Nam bị giết. Và với việc không còn sự giúp đỡ của Liên Xô thời bị cô lập quốc tế, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa hoàn toàn sụp đổ.
Năm 1986, sau gần một thập niên lạm phát cao và nghèo đói trên diện rộng, ĐCSVN bắt đầu thực hiện các biện pháp tự do hóa nền kinh tế, một phong trào được biết đến dưới tên gọi Đổi Mới, và đưa Việt Nam hai thập niên sau đó trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2008, tạp chí The Economist gọi đó là “một sự thần kỳ khác của châu Á” sau Trung Quốc.
Thế hệ người lớn Việt Nam hiện nay quá trẻ để nhớ tới chiến tranh. Bảo Ninh đứng ở trên lề sự chuyển đổi đó, là tác giả của cuốn tiểu thuyết chiến tranh được yêu chuộng nhất nước, người không chỉ nói với thế hệ đánh trận mà còn thương xót các nạn nhân cuộc chiến và khi làm thế đã tách khỏi bộ máy quan liêu Việt Nam vẫn duy trì món cocktail pha trộn lòng yêu nước, vinh quang và tuyên truyền.
Khi chiến tranh lên đến đỉnh điểm, các đài phát thanh ở Hà Nội và hầu khắp miền Bắc Việt Nam đã mô tả cuộc chiến là “chính nghĩa”, kêu gọi sự “tận tụy” của quân đội Bắc Việt đối với ĐCSVN và thường gọi phía miền Nam là chính quyền “bù nhìn” của Mỹ.
Ngày 5/3/1969, một buổi phát thường lệ trên Đài phát thanh Hà Nội, một trong mấy đài phát hoạt động ở Hà Nội thời ấy, đã kêu gọi những người lính mà họ gọi là “những người yêu nước” hãy chứng tỏ rằng “lòng trung thành của họ đối với Đảng và Cách Mạng đã giúp… cho sự phát triển… tinh thần hăng hái, linh hoạt trong cuộc chiến đấu và tiêu diệt kẻ thù”. Sau khi chiến tranh kết thúc, các bài diễn văn chính thức của đảng chỉ tập trung nói về những hành động anh hùng của người lính và sự hy sinh của họ cho đất nước, nhưng lại lấp liếm những chuyện đau khổ và tàn bạo của họ trong thời chiến.
“Đó là một điều quan trọng khi xảy ra và đến nay vẫn quan trọng, khi nhiều người Việt Nam hoặc không biết gì về quá khứ chiến tranh của họ hoặc chọn cách quên đi những điều họ biết,” Nguyễn Việt Thanh, nhà văn Mỹ gốc Việt được giải Pulitzer viết cho tôi qua email. Nhưng trong khi cả một thế hệ đặt quá khứ lại phía sau để đi tìm một căn cước dân tộc mới thì Bảo Ninh lại chuyển dịch khó khăn. Tôi đã phỏng vấn một số người bạn của ông là nhà văn và cựu chiến binh, phần lớn họ đều nói tới hai đặc điểm nổi bật, không thay đổi qua năm tháng của Bảo Ninh: trầm lặng và buồn bã.
Một buổi chiều, sau khi uống rượu và đốt thuốc liên tục trong phòng họp của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), một hội đoàn văn hóa chính thức do ĐCSVN lãnh đạo, một số nhà văn thân thiết của Bảo Ninh ngồi bên chiếc bàn gỗ tếch dài chờ bữa ăn được đặt sẵn. Phần lớn những người ở đây là hội viên.
“Bảo Ninh luôn trầm lặng. Anh ấy không bao giờ nói về việc viết lách hay các sách của mình. Chúng tôi đã quen thế rồi.” Nguyễn Chí Hoan nói. “Anh có bao giờ hỏi anh ấy là vì sao lại thế không?” tôi hỏi. Hoan bật cười. “Chúng tôi không dám hỏi anh ấy điều đó. Ở đây, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của anh ấy.” Hoan chỉ sang Đào Bá Đoàn giục nói. “Anh này ngồi với Bảo Ninh nhiều. Đoàn, ông nói về Bảo Ninh đi.”
Đoàn, một nhà văn, giật nắp lon bia tu một ngụm to rồi chậm rãi đưa tay phải ra vung lên đầu, ngón tay trỏ chỉ vào thái dương mình. “Đầu anh ấy vẫn còn chứa một nỗi buồn lớn,” anh nói. “Chỉ người Việt Nam mới có thể hiểu được nỗi buồn trong tâm anh ấy.” Những người khác thở dài gật đầu đồng ý. Sau đó bầu không khí im lặng trong phòng bị phá vỡ khi cánh cửa mở ra. “A, ăn trưa ở đây,” Đoàn kêu lên.
Kiên, người kể chuyện trong NBCT, nhập ngũ năm 1969 ở tuổi 21, khi làn sóng yêu nước đang tràn qua VN để đáp lại sự xâm lược của kẻ thù. Anh được phiên về Tiểu đoàn 27, một đơn vị gồm 500 quân nhân hầu hết là trẻ, và mùa khô năm ấy cả đơn vị hầu như đã bị thiệt hại một phần mười quân số do bom napal thả trong rừng. Năm 1976, sau khi chiến tranh kết thúc, Kiên trở lại Tây Nguyên trong đội quy tập hài cốt liệt sĩ, và ngồi trên chiếc xe Zil do Liên Xô sản xuất anh đi đến truông Gọi Hồn. Lúc đó vẫn còn chút hy vọng về tương lai, Kiên hỏi người lái xe: “Nhưng hòa bình không là điều tốt hơn à?” thì được nghe câu trả lời:
“Nền hòa bình này… Hừ tôi thấy hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra…”
“Mẹ khỉ. Ăn nói gì lạ thế Sơn?”
“Lạ chó gì mà lạ. Cái loại lính như ông ấy mà còn là vỡ mộng đau đớn với đời. Nhưng ông ơi, thời đại của cánh ta hết rồi. Mà nói thật chứ sau chiến thắng oai hùng này những thằng lính chiến đấu như ông ấy mà ông Kiên, chả trở lại thành người bình thường được nữa đâu. Ngay cả giọng người, mẹ kiếp, xin nói là còn chán mới hòng có lại để giao tiếp với đời.”
Ảnh chân dung Bảo Ninh của Nguyễn Đình Toán.
Bảo Ninh, cũng như Kiên, nhập ngũ năm 17 tuổi sau khi rời ghế nhà trường. Ông thuộc hàng triệu thanh niên đáp lời kêu gọi của ĐCSVN đi chiến đấu chống Mỹ, thống nhất đất nước. Ninh đáp lời kêu gọi “như những người Việt Nam khác thời ấy”, ông bảo tôi, khói thuốc vờn quanh mặt. “Anh hừng hực khí thế ra trận.” Khi ông đến chỗ tuyển quân ông được chào đón bằng những bài ca yêu nước, cổ vũ tinh thần những người lính trẻ. Khi chiến tranh kết thúc, những người lính sống sót trở về Bắc trong hào quang chiến thắng. Họ được chính quyền chào đón như những anh hùng, nhưng Bảo Ninh trở về tan nát. “Ngày nào cũng có ác mộng, đến bố mẹ tôi cũng đâm sợ tôi. Tôi những muốn quên chiến tranh đi, nhưng nó không buông tha tôi,” ông nói tại cuộc gặp ở “Diễn đàn văn học Đông Nam Á” diễn ra tại Đài Loan tháng Ba năm nay.
Trong tiểu thuyết, khi Kiên nhớ lại các đồng đội đã hy sinh, anh đã bị chìm vào những sự khủng khiếp của cuộc chiến, và trong khi tháng này qua tháng khác đi qua “những vùng rừng núi sũng nước, bùn lầy như địa ngục”, các bóng ma đã hiện lên như những người chết đi lang thang, ám ảnh người sống. “Bước chân người chết hiện ra từ mỗi góc rừng, mỗi ngôi nhà, mỗi con đường rừng tạo nên một cấu trúc tự sự giống như đợt thủy triều dâng cuốn phăng mọi thứ không thương tiếc, giống như một thứ mê cung hơn cả kiểu mê cung của Aristotle”, nhà tiểu thuyết Canada Madeleine Thien đã viết như vậy về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh trên trang mạng của hội PEN Mỹ.
Trong NBCT Ninh đã vứt bỏ những quy ước tự sự để tạo ra một cấu trúc phi tuyến tính, dịch chuyển giữa quá khứ và hiện tại nhằm làm sụp đổ và bất động hóa thời gian. Về sau trong truyện Kiên bắt đầu viết sách và rồi nhận thấy “thường thường đà viết đã cuốn trôi đi hết mọi dự định hoặc xáo trộn lên làm mất trình tự và mạch lạc mà Kiên mong muốn.”
Nguyễn Việt Thanh đã nói kỹ về phương diện này của cuốn tiểu thuyết trong email gửi tôi. “Lối kể chuyện mạch lạc theo tuyến tính về chiến tranh và cách mạng là đặc điểm của lối kể được nhà nước cho phép ở trong phim ảnh, tiểu thuyết và đặc biệt trong các bảo tàng lịch sử. Lối kể này đổ mọi sự xấu xa cho kẻ thù bên ngoài và kẻ phản bội bên trong và vẽ ra những người lính, du kích và những nhà cách mạng là những người yêu nước cao cả, lạc quan. Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh kể một câu truyện khác hẳn về những chàng trai yêu nước đã bị chiến tranh hủy hoại hoàn toàn như thế nào. Thế là mạch lạc còn gì. Nhưng khi người ta đã bị hủy hoại hoàn toàn thì còn mạch lạc được không? Cơn chấn thương cốt lõi cuối cùng được phơi bày ở cuối truyện và chúng ta hiểu được vì sao cuốn tiểu thuyết này lại không thể viết theo lối tuyến tính. Đây là một sự thay đổi cực kỳ lớn của một nhà tiểu thuyết đã hiểu được, ngầm ẩn hay công khai, chấn thương tác động thế nào.”
“Chiến tranh luôn ám ảnh anh ấy,” Phạm Xuân Nguyên, nhà văn và nhà phê bình nổi tiếng ở Hà Nội, nói với tôi. “Dù anh ấy có viết gì thì vẫn là viết về chiến tranh. Bảo Ninh là loại người cần phải được ném vào những biến cố như chiến tranh… để trở thành nhà văn. Và chiến tranh – nói không quá – đã chọn anh ấy để viết về nó.”
Khi nói chuyện ông Nguyên thỉnh thoảng dừng lại để tìm lời diễn đạt chính xác điều khó diễn đạt: Việt Nam những năm hậu chiến và Bảo Ninh, người bạn lâu năm của mình: “Khi từ mặt trận trở về, những người lính Việt Nam dễ bị hai điều gây chấn thương cho họ,” ông nói. “Một là câu hỏi vì sao mình lại sống trong khi các đồng đội bị chết. Và hai là sống thời bình có tốt hơn là chết thời chiến không?”
Trong NBCT sau khi trở lại Hà Nội, Kiên đã nhìn lại những năm sống của mình và hồi tưởng. “Có thể từ rày cuộc đời anh sẽ luôn như thế này chăng: tối tăm, đau khổ, nhưng rạng ngời hạnh phúc? Và có thể giữa mơ và tỉnh, như cheo leo trên bờ vực, mà anh sẽ vượt nốt chặng đường đời còn lại. Và dù cho đó là khoảng thời gian bị mất, nhưng chẳng phải lỗi của anh, chẳng phải lỗi của ai cả. Hẵng cứ biết rằng anh sẽ còn được sống và từ đây sự sống ấy tùy thuộc anh. Hẵng cứ biết rằng không chỉ là một cuộc đời mới mà còn là cả một thời đại mới đang đến cùng anh phía trước. Anh đã sống sót. Nhưng mà tâm hồn thì vẫn đau.”
Bị ném vào đời giữa âm thanh tiếng bom nổ, Bảo Ninh sinh 1952, vào ngày quân Pháp tấn công làng ông ở Nghệ An, một tỉnh ở phía tây vịnh Bắc Bộ. Sau thất bại buộc phải rút khỏi Bắc Việt Nam của quân đội Pháp, gia đình ông chuyển ra Hà Nội. Bố ông – một người cộng sản trọn đời và là một đảng viên – là Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam. Bảo Ninh chịu ảnh hưởng của bố và lớn lên trong ngôi nhà trông giống như một “rừng sách” theo lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch HNVVN, nói với tôi. “Ở tuổi lớn tôi đọc chủ yếu là sách thiếu nhi,” Ninh nói. “Lúc đó đang thời chiến tranh lạnh, văn học nước ngoài ít được dịch. Chủ yếu tôi đọc sách Nga. Một vài cuốn của Trung Quốc. Jack London. Tôi thích đọc Erich Maria Remarque. Nguyễn Tuân tôi cũng thích.”
Tôi hỏi Bảo Ninh hồi ấy ông có nghĩ mình sẽ viết văn không. “Tôi sẽ thành một người khác. Không phải nhà văn. Tôi mới mười bảy tuổi. Ai mà biết được đến một ngày tôi lại thành nhà văn?” ông đáp. “Chiến tranh là đối lập với văn học, với nghề viết.” Ông xoay đi xoay lại bao thuốc lá. “Thật khó biết trong đời anh sẽ làm nghề gì… Nếu không đi lính tôi chẳng có gì để nói, để viết cả.”
Năm 1975 sau mấy năm chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh và chứng kiến một trong những trận đánh căng thẳng, ác liệt nhất, Bảo Ninh đã cùng trung đoàn mình vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ông quay lại Hà Nội năm 1981 và sau đó mấy năm thì bắt đầu viết. Có một thời gian ông phải kiếm việc làm thêm ở khu phố cổ như bán xe đạp, Phan Thanh Hảo, một trong những dịch giả NBCT ra tiếng Anh, cho tôi biết.
Bảo Ninh vật lộn để viết. “Tôi đánh vật với chữ và không biết cách diễn tả nỗi đau nằm sâu trong lòng,” ông nói tại cuộc gặp ở Đài Loan. “Phải mất chục năm tôi mới dám viết NBCT ra giấy.” Ninh có theo một khóa học tại Trường viết văn Nguyễn Du – lấy tên một đại thi hào của Việt Nam – và tại đó ông đã viết cuốn tiểu thuyết danh tiếng nhất của mình như một phần của luận án tốt nghiệp.
Sau khi Bảo Ninh hoàn thành bản thảo, nó bắt đầu chu du ở HN dưới dạng in roneo – và đến năm 1990 được xuất bản dưới tên gọi Thân phận của tình yêu. Cuốn sách lập tức có tiếng vang ở Việt Nam, thậm chí đã giành được giải thưởng của HNVVN năm sau đó. “Dễ hiểu vì sao cuốn sách này được đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam. Nó thoát khỏi tuyên truyền và chính trị. Nó không thi vị hóa chiến tranh, tác giả của nó nhìn lại “những ngày căng thẳng khi chúng ta biết mình sống và chiến đấu vì cái gì, tại sao chúng ta chịu gian khổ và hy sinh”, tác giả Michael Fathers viết trên tờ The Independent năm 1994. Chính điều này đã lôi cuốn sự chú ý của Phan Thanh Hảo, người đã quyết định dịch cuốn sách sang tiếng Anh. Lập tức sau đó, cuốn tiểu thuyết đã gây tranh cãi vì sự mô tả chiến tranh và bị ĐCSVN cấm phát hành, thậm chí tước cả giải thưởng đã trao. Năm 1995, một cựu chiến binh Bắc Việt đã nói với tờ New York Times: “Tôi rất giận Bảo Ninh. Sao Bảo Ninh lại viết về chiến tranh để mọi người thấy nó trần trụi như thế?”
Bản thảo tiếng Anh – mà theo một số nguồn tin là do một dịch giả trẻ người Anh ở Hà Nội lén mang khỏi Việt Nam – đã đến trên bàn của Geoffrey Mulligan, khi đó là biên tập viên của nhà “Secker and Warburg” tại London. Ông này gọi điện cho Frank Palmos, một phóng viên chiến trường người Australia, hỏi có biết Bảo Ninh không. “Biết chứ,” Palmos nói. “Hôm qua tôi vừa uống cà phê với ông ấy ở Hà Nội.” Mulligan đặt hàng cho Palmos – người đã trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam và đã xuất bản một cuốn sách về nó nhan đề Ridding The Devils – viết một bản tiếng Anh dựa trên bản dịch thô của bà Hảo. Khi cuốn sách xuất hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ nó đã gây chấn động vì đây là lần đầu tiên những người lính Việt Nam cho thấy họ cũng có những sự đau khổ như lính Mỹ. “Đó là cách để cho thế giới biết rằng thậm chí nếu chúng tôi có thắng thì tận sâu bên trong chúng tôi biết là không phải thế,” bà Hảo nói với tôi.
NBCT được coi là sách bán chạy ở phương Tây và đem lại sự bảo đảm tài chính cho Bảo Ninh vào thời ấy, còn ở Việt Nam và hầu khắp Đông Nam Á thì các bản copy lậu cả tiếng Việt và tiếng Anh tràn lan khắp nơi – “trong các hiệu sách, các quầy báo vỉa hè, trẻ bán báo cũng rao bán” như Thiên đã viết trong bài kể trên. Trong lúc ấy Ninh không chỉ chống chọi với cơn chấn thương chiến tranh của mình, “uống rượu và hút thuốc như điên” theo như ông Nguyên bảo tôi, mà còn cố gắng một cách vô ích thuyết phục chính quyền dỡ bỏ lệnh cấm cuốn sách. “Anh ấy không bao giờ hiểu được tại sao chính quyền lại cấm sách của mình, anh hiểu chứ” Nguyễn Quang Thiều nói. “Anh ấy chỉ buồn – và giờ vẫn buồn – về những điều xảy đến với đất nước mình, xã hội mình, và chính mình. Và anh ấy viết về những cái đó.”
Năm 2016, sau 15 năm xuất bản, lệnh cấm được dỡ bỏ, và bản tiếng Anh lại xuất hiện trở lại trong các hiệu sách tiệm báo ở Việt Nam. Thậm chí dù Bảo Ninh không bị đe dọa bỏ tù nhưng ông vẫn bị chính quyền theo dõi, dọa dẫm. Thomas A Bass, giáo sư và nhà văn người Mỹ, đã viết về điều này trong cuốn Index on Censorship ba năm trước: “Người Việt Nam dùng các uyển ngữ khác nhau để nói về sự gián đoạn này trong nghề văn của BN, nhưng từ đúng nhất ở đây là kiểm duyệt… Thực tế ông đã được thưởng công cho sự im lặng của mình, nhưng dù sao ông vẫn bị kiểm duyệt.”
Năm 1995 truyện ngắn Gió dại của Bảo Ninh viết về một cái làng ở miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh được đăng trên tờ Granta và đã khiến Hà Nội bực tức. Ông lại bị chính quyền phê phán và đôi lúc bị theo dõi kỹ. “Thường chúng tôi vừa đến một quán cà phê là lại phải đi ngay sang quán khác vì cảm giác như mình bị theo dõi,” Nguyễn Quý Đức, nhà văn và dịch giả văn học nói với tôi. Bảo Ninh cũng bị khủng hoảng tinh thần, chỉ biết tiêu thời gian trong sự cô đơn, hút thuốc và uống rượu nhiều, giống như nhân vật Kiên trong NBCT sau khi trở về Hà Nội “đã sống với lũ lượt những hồi ức khủng khiếp, ngày này qua ngày khác, đêm dài này nối tiếp đêm dài khác.” Năm 1995, nhà văn và nhà báo Pháp Janie Di Giovanni đến thăm Bảo Ninh ở Hà Nội về đã viết trên tờ The Guardian: “Tôi đến một khu dự án nhà ở hoang vắng để gặp nhà văn tài năng, u ám này. Tôi bị ám ảnh bởi lối văn trữ tình, cảm xúc mạnh mẽ, nỗi buồn lặng lẽ và tuyệt vọng của ông. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh ông khi tôi rời khu nhà nghèo khổ ông ở - uống nhẹ vào lúc 11h sáng, cười bâng quơ, dáng vẻ buồn bã khủng khiếp bởi những thứ chiến tranh đã in hằn trong tâm trí ông.”
Trong khi nói chuyện với tôi, ông Nguyên có ám chỉ đến một ngọn lửa thiêu đốt bên trong nhà văn. “Một số nhà văn Việt Nam cố xua đuổi đám cháy hay dập tắt ngọn lửa đó để nó không bùng ra. NBCT là một phần của ngọn lửa đó,” ông nói. Bảo Ninh, ông tin rằng, “đã đưa lại câu trả lời cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Và cho đến hôm nay, anh ấy tin là vẫn chưa đưa ra được câu trả lời đầy đủ.”
Hôm nay, hơn bốn mươi năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, nước Việt Nam dường như đã tiến lên. Hơn 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và quá trẻ để nhớ lại những hy sinh của cha anh mình trong cuộc chiến. Thế hệ hậu chiến đầu tiên ở Việt Nam lớn lên trong thời kinh tế thị trường với khát vọng làm giàu. Họ trẻ trung đầy hy vọng nên chiến tranh đối với họ là một quá khứ ngày càng lùi xa.
“Đó là một cuộc chiến tranh đã diễn ra như mọi cuộc chiến tranh khác thôi,” một sinh viên trẻ làm thêm việc chạy bàn ở một quán cà phê nổi tiếng ở Hà Nội bảo tôi. Anh ta nhẹ nhàng đặt cốc nước bạc hà lên bàn. “Một số người vẫn nói về nó. Tôi thì không nghĩ gì lắm.” Lát sau anh ta quay lại. “Ông uống thấy thế nào? Có ngon không? Tôi tự pha đấy.”
Năm 2014, trong một cuộc trưng cầu ý kiến do Trung tâm Nghiên cứu Pew – một “think tank” Mỹ - về các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, 94% người Việt Nam đã bày tỏ sự lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ tới và 95% ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do. “Chiến tranh trong tâm trí chúng tôi là một phần của lịch sử. Nhiều người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Đó là một thời đau khổ, đói kém… Nhưng nhờ chiến tranh Việt Nam hiện nay đã có niềm vui được sống trong hòa bình, hạnh phúc,” Lê Xuân Huy một sinh viên đeo kính nói với tôi. Chúng tôi đang ngồi tại Swing, một quán cà phê theo lối hoài cổ ở Hà Nội mà về đêm sẽ biến thành một quán nhạc sống. Đêm nay nó đã được đặt chỗ cho cái mà Huy gọi là “một cuộc biểu diễn nhỏ” do các thành viên câu lạc bộ “Voluntary Arts Team” của Học viện Báo chí và Truyền thông, một đại học tốp đầu ở HN, biểu diễn.
Một ban nhạc nam đang chơi trên sân khấu trong khi ba cô gái mặc áo màu tuyết hoa hát những bài hát Việt Nam quen thuộc. Những cặp tình nhân trẻ đan ngón tay vào nhau và ngả đầu lên vai nhau khi ánh sáng mờ dần. “NBCT là một cuốn sách giá trị. Nó cho biết sự thật về cuộc chiến tranh, “Huy nói. “Tôi nghĩ cuốn sách đó sẽ có ích cho các nhà sử học đọc và nghiên cứu.” Anh ta định nói thêm nhưng bài hát đã lại vang lên và lần này là một cặp đôi trẻ xuất hiện trên sân khấu. “Hãy nhìn họ đi!”, Huy nói và chậm rãi đặt ly Malibu của mình xuống bàn. “Mọi người đều muốn thư giãn và sống bình yên,” anh ta nói, dợm bước đi. “Chiến tranh là điều xấu.”
Năm 2016 có tin đồn là Bảo Ninh được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, một giải thưởng uy tín nhất hiện nay. Nhưng sau khi một số quan chức của đảng lên tiếng thì đến phút chót tên của ông bị loại khỏi danh sách. “Đó là một nhóm quan chức bậc trung muốn loại tên anh ấy,” một nhà văn nổi tiếng, hội viên HNVVN, bảo tôi. “Chủ tịch nước hay tổng bí thư thì không có vấn đề gì với Bảo Ninh cả. Thậm chí một ông cựu Tổng bí thư mà tôi quen biết đã có lần nói với tôi là ông ta cũng thấy không có chuyện gì với Bảo Ninh.”
Kể từ khi xuất bản NBCT, Bảo Ninh không ra cuốn tiểu thuyết nào mới. mặc dù ông vẫn viết đều, chủ yếu là các truyện ngắn và các bài tiểu luận mà một số đã được dịch ra tiếng Anh và in trong những tuyển tập như "Night, Again" do Đinh Linh chủ biên. Mấy năm trước, ông có tham gia làm cho một tờ phụ trương văn học in ở Hà Nội của HNVVN. “Tôi vẫn viết hàng ngày,” ông bảo tôi. “Viết để giết thời gian.”
Có tin là Bảo Ninh đã viết xong cuốn tiểu thuyết thứ hai cũng về chiến tranh với tên gọi Thảo nguyên, nhưng ông ngần ngại xuất bản nó, thậm chí miễn cưỡng nói về nó. Năm 2006, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi cho tờ The Guardian khi được hỏi tại sao ông do dự cho ra đời cuốn sách mới, ông nói, “Tôi bắt mình dừng lại. Tôi kìm mình lại… Tôi so sánh những cái mình viết bây giờ với những cái viết trước đây thì thấy chúng không tự nhiên như trước.”
“Cuốn đó có tên là Thảo nguyên?” tôi hỏi Bảo Ninh.
Ông cười. “Đấy là tôi nói với mọi người thôi chứ tôi đã viết đâu.” Ngừng một lát để tìm câu trả lời, ông nói, “Giờ không phải là lúc dễ dàng để in một cuốn tiểu thuyết ở Việt Nam.”
Ở Hà Nội, cuốn tiểu thuyết chưa in của Bảo Ninh được phủ một màn bí mật. Như Bass đã viết, sau cuộc thăm ngắn của ông với Bảo Ninh năm 2008, “Cá nhân tôi không biết được là bản thảo này có hay không mà ở Việt Nam người ta coi như là con cá voi trắng của thuyền trưởng Ahab (nhân vật trong tiểu thuyết “Cá voi trắng” của nhà văn Anh Herman Melville’s Moby-Dick – ND) – nhiều người ngờ là không có, một số tin là có, còn chỉ vài người là đã thấy.” Bạn bè ông cũng như độc giả ở Hà Nội khi cố công tìm xem Bảo Ninh đã viết xong bản thảo hay chưa hoặc moi ở ông câu trả lời vì sao ngại công bố nó đều chỉ gặp sự im lặng của ông. “Anh ấy chỉ cười lảng tránh. Và rồi im lặng,” Nguyễn Quang Thiều nói.
Một hôm, Phạm Xuân Nguyên cùng Bảo Ninh uống rượu và hỏi về cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ông cũng chỉ nhận được thái độ của Bảo Ninh như mọi lần, nhưng lần này ông Nguyên quyết hỏi cho ra. “Ông là nhà văn một cuốn sách. Nhà văn mà chỉ viết một tiểu thuyết chưa phải là nhà văn thực thụ. Ông cần phải viết tiếp một cuốn nữa.” Nghe thế Bảo Ninh tức giận bật lại ông Nguyên, “Ông cứ chờ đấy, khi nó ra thì đó sẽ là một quả bom, nổ tung.” Đó là chuyện vài năm về trước.
“Có người nói anh ấy sợ đưa bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ hai ra vì anh ấy nghĩ là nó kém so với NBCT. Tôi không tin điều đó.” Nguyễn Quang Thiều bảo tôi. “Tôi đã nói với anh ấy là hiện nay khác với trước đây. Bây giờ tình hình đã rất khác. Anh có thể in nó ra. Anh ấy chỉ cười. Và không nói gì. Anh ấy bắt mình dừng lại. Tôi không hiểu vì sao.”
Cuốn tiểu thuyết mới ấy, nghe nói lấy bối cảnh Nam Việt Nam năm 1974, kể về một gia đình chạy dần về phía nam khi quân đội Bắc Việt tràn tới và sau đó di tản. “Có lẽ vì lý do đó mà anh ấy không muốn công bố nó, biết đâu đấy,” một hội viên và là bạn thân của Bảo Ninh bảo tôi. “Đó là cuốn sách tìm hiểu về các nạn nhân của chiến tranh. Chúng tôi thì dễ hiểu. Chính phủ thì dễ hiểu. Nhưng việc trốn chạy khỏi chế độ cộng sản thì khó hiểu hơn nhiều.”
“Tôi không muốn hỏi anh ấy về cuốn tiểu thuyết thứ hai nữa. Tôi không muốn gây khó cho anh ấy thêm. Tôi chấp nhận thái độ im lặng của anh ấy,” Thiều nói. “Anh ấy lo lắng cho tình trạng của các nhà văn ở Việt Nam. Lo lắng về văn học ở Việt Nam. Anh ấy cũng lo lắng về thái độ của chính quyền đối với các văn nghệ sĩ. Anh ấy muốn thấy có tự do nhiều hơn.”
Bảo Ninh từ chối nói gì nữa về cuốn sách thứ hai của mình, xóa nó đi bằng thái độ im lặng cố ý. “Tốt nhất là anh nên gặp các nhà văn khác, họ có nhiều mà. Chứ đừng gặp tôi,” ông nói. “Tôi đã không nghĩ đến cuốn sách ấy nữa – ý nói NBCT – lâu nay rồi.” Tất cả các nhà văn, ông nói thêm, đều viết những cuốn sách để quên đi. “Muốn viết gì về cuốn đó thì cứ việc, nhưng xin đừng bắt tôi nói về nó.”
Ông đứng lên để đi, nói là đã muộn giờ hẹn với bác sĩ.
“Chúc ca mổ của ông thành công,” tôi nói.
Ông cười. “Tôi là một người lính. Tôi không sợ gì hết.”
----------------
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh.
“Cuốn đó có tên là Thảo nguyên?” tôi hỏi Bảo Ninh.
Ông cười. “Đấy là tôi nói với mọi người thôi chứ tôi đã viết đâu.” Ngừng một lát để tìm câu trả lời, ông nói, “Giờ không phải là lúc dễ dàng để in một cuốn tiểu thuyết ở Việt Nam.”
Ở Hà Nội, cuốn tiểu thuyết chưa in của Bảo Ninh được phủ một màn bí mật. Như Bass đã viết, sau cuộc thăm ngắn của ông với Bảo Ninh năm 2008, “Cá nhân tôi không biết được là bản thảo này có hay không mà ở Việt Nam người ta coi như là con cá voi trắng của thuyền trưởng Ahab (nhân vật trong tiểu thuyết “Cá voi trắng” của nhà văn Anh Herman Melville’s Moby-Dick – ND) – nhiều người ngờ là không có, một số tin là có, còn chỉ vài người là đã thấy.” Bạn bè ông cũng như độc giả ở Hà Nội khi cố công tìm xem Bảo Ninh đã viết xong bản thảo hay chưa hoặc moi ở ông câu trả lời vì sao ngại công bố nó đều chỉ gặp sự im lặng của ông. “Anh ấy chỉ cười lảng tránh. Và rồi im lặng,” Nguyễn Quang Thiều nói.
Một hôm, Phạm Xuân Nguyên cùng Bảo Ninh uống rượu và hỏi về cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ông cũng chỉ nhận được thái độ của Bảo Ninh như mọi lần, nhưng lần này ông Nguyên quyết hỏi cho ra. “Ông là nhà văn một cuốn sách. Nhà văn mà chỉ viết một tiểu thuyết chưa phải là nhà văn thực thụ. Ông cần phải viết tiếp một cuốn nữa.” Nghe thế Bảo Ninh tức giận bật lại ông Nguyên, “Ông cứ chờ đấy, khi nó ra thì đó sẽ là một quả bom, nổ tung.” Đó là chuyện vài năm về trước.
“Có người nói anh ấy sợ đưa bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ hai ra vì anh ấy nghĩ là nó kém so với NBCT. Tôi không tin điều đó.” Nguyễn Quang Thiều bảo tôi. “Tôi đã nói với anh ấy là hiện nay khác với trước đây. Bây giờ tình hình đã rất khác. Anh có thể in nó ra. Anh ấy chỉ cười. Và không nói gì. Anh ấy bắt mình dừng lại. Tôi không hiểu vì sao.”
Cuốn tiểu thuyết mới ấy, nghe nói lấy bối cảnh Nam Việt Nam năm 1974, kể về một gia đình chạy dần về phía nam khi quân đội Bắc Việt tràn tới và sau đó di tản. “Có lẽ vì lý do đó mà anh ấy không muốn công bố nó, biết đâu đấy,” một hội viên và là bạn thân của Bảo Ninh bảo tôi. “Đó là cuốn sách tìm hiểu về các nạn nhân của chiến tranh. Chúng tôi thì dễ hiểu. Chính phủ thì dễ hiểu. Nhưng việc trốn chạy khỏi chế độ cộng sản thì khó hiểu hơn nhiều.”
“Tôi không muốn hỏi anh ấy về cuốn tiểu thuyết thứ hai nữa. Tôi không muốn gây khó cho anh ấy thêm. Tôi chấp nhận thái độ im lặng của anh ấy,” Thiều nói. “Anh ấy lo lắng cho tình trạng của các nhà văn ở Việt Nam. Lo lắng về văn học ở Việt Nam. Anh ấy cũng lo lắng về thái độ của chính quyền đối với các văn nghệ sĩ. Anh ấy muốn thấy có tự do nhiều hơn.”
Bảo Ninh từ chối nói gì nữa về cuốn sách thứ hai của mình, xóa nó đi bằng thái độ im lặng cố ý. “Tốt nhất là anh nên gặp các nhà văn khác, họ có nhiều mà. Chứ đừng gặp tôi,” ông nói. “Tôi đã không nghĩ đến cuốn sách ấy nữa – ý nói NBCT – lâu nay rồi.” Tất cả các nhà văn, ông nói thêm, đều viết những cuốn sách để quên đi. “Muốn viết gì về cuốn đó thì cứ việc, nhưng xin đừng bắt tôi nói về nó.”
Ông đứng lên để đi, nói là đã muộn giờ hẹn với bác sĩ.
“Chúc ca mổ của ông thành công,” tôi nói.
Ông cười. “Tôi là một người lính. Tôi không sợ gì hết.”
----------------
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh.
Đã đăng trong "Viết & Đọc, chuyên đề mùa xuân 2019", Nxb Hội Nhà văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét