Một làng biên giới VÕ PHIẾN | |||
Ngoại ô tỉnh lỵ Mộc Hóa có con kinh Cá Rô, có ấp Cá Rô v.v… Những chiếc “tắc ráng”, những xẽo Rô, xẽo Rồ v.v…, những cái ấy ngộ nghĩnh ư? - Bất quá đấy chỉ là những danh từ lạ tai. Trong đời sống ở đây, có những sự việc tự nó ngộ nghĩnh hơn nhiều.
Chẳng hạn đang đi trên những bờ ruộng ngoằn ngoèo, một người bạn ở địa phương hất mặt lên, bảo:
- Chợ đấy.
- Đâu?
- Đấy. Trước mặt. Chợ trời biên giới, trước kia thường họp. Từ ngày ta hành quân sang Campuchia, dân bên họ lùi xa vào nội địa, không thấy sang mua bán nữa…
Dù có giải thích, sự việc vẫn khó hiểu. Chỗ đồng cỏ khô khất này, không quán xá, không một dấu vết lều trại này mà là chợ? Chợ búa, sao mà kỳ cục!
Lại chẳng hạn câu chuyện về xã Th. T.
Xế chiều đến xã. Trụ sở xã như một pháo đài. Văn phòng nằm trong ba vòng rào dây kẽm gai, có hào, có thành bao bọc. Lưỡng lự một lúc trước cảnh vắng vẻ, tôi tiến bước qua vòng rào thứ nhất. Chợt, có tiếng gọi ở phía sau: “Kìa! Lính hỏi”. Ngẩng đầu lên, quay nhìn quanh quất: quả nhiên từ trên một bờ thành ở xa tít trong kia, một người nghĩa quân vừa đứng lên sừng sững, hỏi vọng lại: “Có việc gì?” - “Ông xã trưởng có trong đó không?” - “Không” - “Cô C., thông tin, có không?” - “Không!” Chúng tôi quay trở ra. Đi được một quãng, lấy làm tiếc đã không có dịp lọt vào thăm cái nơi thâm nghiêm tức là văn phòng xã nọ. Quay đầu lại xem, thì người nghĩa quân đã biến mất vào trong lô cốt ở một góc thành.
Tiếc là phải: năm năm trước, tại cái trụ sở xã này đã xảy ra một biến cố. Hồi ấy, năm 1966, vào lúc tình thế hỗn loạn nhất, lực lượng địch từ đất Campuchia tràn qua, mà lực lượng ta thì không dám rời khỏi tỉnh lỵ. Từ lâu, xã đã nghe sự đe dọa đè nặng trên đầu.
Một buổi chiều, tình báo đem về tin dữ: cán bộ xã cho vợ con bỏ nhà, tản mác đi lánh ở các gia đình thường dân. Còn 45 dân vệ và năm cán bộ, kể cả xã trưởng, cùng tử thủ trong trụ sở với những khẩu M1 cũ kỹ và 700 quả lựu đạn.
Từ hai giờ rưỡi cho đến sáu giờ sáng, hai tiểu đoàn 504 và 262 của cộng quân tấn công với AK, với súng cối, với B40…
Bảy giờ sáng, biệt động quân từ Mộc Hóa kéo đến thì địch đã rút. Chung quanh các vòng rào không còn cái xác nào, địch đã có thì giờ khiêng đi hết. Chỉ còn lại máu, óc, ruột gan, bầy nhầy, và rất nhiều. Trong trận ấy, địch mất chừng 170 quân. Và từ đó xã Th. T hết bị quấy rối, uy hiếp.
Người nghe không khỏi bày tỏ cảm tưởng ngạc nhiên:
- Các ông gan và giỏi quá.
Ông xã trưởng nhũn nhặn:
- Chúng tôi nhờ có mấy vòng rào và nhiều lựu đạn.
- Dù sao, không phải xã nào cũng có những dân vệ như thế.
- Chúng tôi là cựu quân nhân.
Hỏi ra thì tất cả dân xã Th. T. là một đơn vị của lữ đoàn phòng vệ phủ tổng thống được cho giải ngũ đưa về đây khai phá đất đai làm ăn từ 1958.
Khi những người lính nọ và gia đình họ đến đây thì bốn bề cỏ cao ngang ngực. Họ chặt cây làm nhà, phát cỏ làm ruộng. Phát cỏ, phơi khô, vun đống và đốt. Và khói tỏa lên lặng lờ ở chân trời biên thùy…
- Một đơn vị… một tiểu đoàn: thế thì xã này đâu có đông dân?
Ông xã trưởng:
- Vâng. Cho đến nay, toàn xã chưa đến tám trăm đầu người, kể cả nam phụ lão ấu. Một số đã bỏ xã đi làm ăn xa.
Tám trăm nhân khẩu trấn giữ một ranh giới nguy hiểm trong thời chiến: quả là ít ỏi, bơ vơ.
Những ngày gần đây, báo chí vừa loan tin thân phụ của đức tổng giám mục địa phận Nairobi ở xứ Kénya vừa qua đời, thọ 95 tuổi, để lại 50 bà vợ, 215 người con, 1.260 người cháu. Tất cả gia đình ấy hơn nghìn rưởi người: gấp đôi dân số xã Th. T. của chúng ta. Chuyện ngộ nghĩnh chứ.
Cũng mùa xuân ấy, chiều 23 tháng 2 dương lịch, có tin loan rằng trung tướng Trí vừa tử nạn phi cơ ở Tây Ninh, trên lằn ranh giới Việt - Miên.
Cùng lúc ấy, lại có tin nữa loan rằng ngày 21 tháng 2, tiểu đoàn biệt động quân của ông bị bao vây tại căn cứ L. Z. Rangers, và đại tá Hiệp khóc ròng ở bên này biên giới Việt - Lào.
Ôi, những miền ranh giới của đất nước!
9-1971
Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info
|
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019
Một làng biên giới
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét