Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Mình với ta - Thơ lục bát Chàm




Mình với ta - Thơ lục bát Chàm
VÕ PHIẾN
Mình với ta

Sống trên miền đất cố đô của Chiêm quốc, bên cạnh những ngọn tháp, những dấu vết thành quách cũ của Chàm, gần như người dân Bình Định nào cũng dành ít nhiều ý tưởng hướng về dân tộc đã khuất. Đối với người Bình Định thì dân ấy đã khuất hẳn, bởi vì tại đây không còn dân Chàm sinh sống nữa. Nhưng dân Chàm vẫn là một ám ảnh. Không phải chỉ là ám ảnh của ma Hời trong cuộc sống tâm linh huyền hoặc. Mà còn có cả những ám ảnh chi phối cuộc sống làm ăn trồng trọt hàng ngày. Ở Bình Định, các quận miền Bắc nhiều dừa, các quận miền Nam không trồng được: dân địa phương truyền tụng rằng cây dừa hễ vươn cao lên trông thấy ngọn tháp Chàm thì phải chết!

Phải sống trong một không khí như thế, Chế Lan Viên mới có cái tâm tình và những tưởng tượng trong tập Điêu tàn. Trong nhiều năm, tôi bị ám ảnh (vẫn là ám ảnh) bởi hai câu thơ ông thốt ra với một “Chiêm nương” trong cuộc tình tự ly kỳ vào một lúc đêm sắp tàn:

“Này, em trông một vì sao đang rụng,
Hãy nghiêng mình mà tránh đi nghe em”.

Ngày còn nhỏ, tôi đã vẽ vời trong trí rất nhiều điều xung quanh cái hình ảnh huyền bí và lớn lao của người con gái nọ, người con gái nghiêng mình mà tránh một vì sao đang rụng. Câu thơ càng đọc càng nghe rờn rợn.

Trí tưởng tượng hướng về một dân tộc đã khuất dựng nên người con gái vĩ đại có cái kích thước vũ trụ, đồng thời cũng mở rộng cái tầm vóc tâm hồn của chàng thi sĩ tí hon.

Ba mươi lăm năm sau các câu thơ nọ, vào đến Bình Thuận, tôi mục kích bao nhiêu là gái Chàm. Cả gái Chàm đẹp nữa: những cô nữ sinh trung học với chiếc áo đồng phục trăng không xẻ tà. Đẹp lắm, xinh lắm: có thể tình tự cho đến lúc đêm tàn lắm; nhưng tất cả gái đẹp ấy đều không phải là người “Chiêm nương” kia.

Từ Bình Định vào Bình Thuận, đối với kẻ tìm hiểu dân Chàm, là từ xứ ma vào xứ người, từ cõi chết vào cõi sống.

Nhưng người ta có thể đến Bình Thuận không phải chỉ để tìm lại dân Chàm. Kẻ phàm phu xa lạ với công việc khảo cứu như tôi đến Phan Thiết với một ý nghĩ thô lỗ trong đầu: Mắm mòi!

Về chuyện này, tôi không gặp lại sự sống mà, mà gặp một tin chết: mắm mòi đã mất từ nhiều năm ở Phan Thiết. Nó mất lặng lẽ, không một cáo tri, cáo phó nào để cho giới ham mộ kịp thời bày tỏ niềm luyến tiếc chính đáng.

Trong giới hâm mộ ấy phải kể đến vô số nông dân các tỉnh Bình Phú Nam Ngãi.

Xưa kia, xưa chừng trăm năm trở lại, Bình Thuận quá xa xôi cách trở đối với Bình Định để người Chàm có thể ra vào; nhưng lại không quá xa để cho cá mòi không thể lân la, từ Bình Thuận xâm nhập vào cuộc sống của giới cần lao ở Bình Định.

Con cá mòi, ở những nơi bắt được số ít, thì ăn tươi: nướng, chiên v.v… Nhưng ở Phan Thiết trước đây cá mòi quá nhiều, được làm mắm. Làm mắm là tài riêng của dân tộc, và ăn mắm là chút sở trường của dân quê nghèo khổ miền Trung.

Tôi chắc chắn khi con mắm mòi đầu tiên phiêu lưu đến Bình Định trên con đường Bắc tiến của nó, nó không khỏi trải qua một thời kỳ bỡ ngỡ. Một dân tộc dù có nhiều năng khiếu dùng mắm cũng không thể nhất đán tìm ngay trong phút chốc cái công thức thích hợp nhất để sử dụng một một món mắm mới mẻ.

Chắc chắn phải qua nhiều ngày tháng, người nông dân miền Bình Phú mới đi đến cái phát giác mắm mòi dầu mà xé ra đi kèm với lá dừng, lá sộp, lá ngành ngạnh, thêm chanh, ớt, tỏi v.v… ăn với cơm, nhất là cơm nguội, thì tuyệt.

Lá dừng, lá sộp v.v… là những thứ là rừng.

Con cá ở tận biển Phan Thiết mà ngày một ngày hai dần dà tìm đến kết nghĩa với lá dừng ở Bình Định: duyên “cà lá” nọ không phải là duyên bạn bầy kỳ ngộ sao?

Thế rồi, bặt đi đã lâu, tôi không được ăn mắm mòi. Nghĩ rằng đó có lẽ do những rủi ro phức tạp trên thị trường, do khẩu vị mỗi nơi một khác, người Sài Gòn không ưa thích mắm mòi mà mình thì vào Sài Gòn đã lâu v.v… Bởi đó nhân chuyến đi Phan Thiết, bèn hỏi thăm về tin tức mắm mòi. Hỡi ôi! Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!

Người chủ tiệm mắm nhắc đến một năm Hợi năm Thìn nào đó mà trong lúc thảng thốt tôi không nghe rõ. Thì ra tự dưng mà cá mòi Phan Thiết biến mất ngót mười năm. Tôi nghĩ đến sự muộn màng của mình;

“… khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta!”.

9-1971



Thơ lục bát Chàm



Có nhà phê bình lấy làm lạ: Trong văn học Việt Nam, việc tiếc thương dân tộc Chàm tàn lụi lại dành cho một cậu bé con. Tập “Điêu tàn” được xuất bản năm tác giả mười bảy tuổi: vậy những bài thơ đầu tiên Chế Lan Viên viết ra từ năm mười hai, mười ba tuổi chăng?

Thực ra chuyện không đáng lạ. Ở Bình Định quê tôi, Chàm là một dân tộc đã chết, một dân tộc ma. Mà thế giới ma quái kích thích nhất trí tưởng tượng của các cậu bé: lớn lên, Chế Lan Viên không hay nhắc nhở về Chiêm quốc nữa.

Nơi Đồ bàn đô cũ, người Chàm còn để lại những di tích và nhiều huyền thoại: những ngọn tháp và nhiều câu chuyện huyền hoặc về vàng Hời, ma Hời v.v… lưu truyền trong dân chúng.

Chế Lan Viên tưởng tượng:

“Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.

Hời đã là ma, lại là thứ ma kỳ quái: trong đêm khuya, nghe tiếng trống cầm canh, ma Hời nhớ lại cảnh dương gian:

“Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng
Nút bao dòng huyết đẵm khí tanh hôi
Tìm những miếng trần gian trong tủy cạn
Rồi say sưa vang cất tiếng reo cười”.

Ở Bình Định, tôi lớn lên giữa những chuyện hoang đường về một dân tộc ma; vào Bình Thuận, gặp một dân tộc sống. Và tôi ngạc nhiên về những người bạn Chàm.

Về những câu thơ mà các người bạn ấy vẫn ngâm nga chửng hạn.

Anh M.K.H. đọc cho nghe một bài hát ru con:

“Nư lơi nư đi ca hoanh,
Kìa mông pat băc pụ pành ten me.
Nư lơi nư ranh đi me,
Nư hia nư chó ngá kề huơ nư”.

Biết qua tài liệu, qua sách vở, rằng người Mường, người Chàm có những điệu thơ giống ta, đó là một chuyện. Còn như một hôm, bỗng có dịp bắt gặp điệu thơ lục bát phát ra bằng ngoại ngữ, do một người đang đối diện, quả là một chuyện khác hẳn. Cảm tưởng bỡ ngỡ, bàng hoàng.

Điệu thơ lục bát phôi thai từ bao giờ? Đôi ba nghìn năm trước chăng? Từ thời đại Hùng Vương dựng nước chăng? Từ khi mới có tiếng nói chăng? Con người thích nghêu ngao sớm lắm. Mà người Việt Nam chúng ta, đã nghêu ngao là nghêu ngao theo câu lục bát: mấy nghìn điệu dân ca chẳng qua đều quanh quẩn bên câu thơ lục bát. Âm điệu lục bát dính liền với lối cảm xúc của dân tộc trải từ kiếp nọ đến đời kia…

Câu thơ lục bát chắc hẳn phải được kể là một trong những biểu lộ cá tính thâm thiết nhất của dân tộc Việt Nam: thơ ấy khác hẳn với thơ Tàu, và nhất mực từ chối mọi ảnh hưởng Tàu trải qua mấy nghìn năm gần gũi. Dễ gì tìm thấy một hình thức nghệ thuật khác giữ được bản sắc vững vàng như nó trước sự tấn công trường kỳ của văn hóa Tàu? Vậy, lục bát là cái gì hết sức thâm thúy đối với tâm hồn Việt Nam.

Và, lạ lùng thay, điệu lục bát lại cũng thâm thúy đối với dân tộc Chàm!

Một thể thơ phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, đã được mọi tầng lớp dân gian ngâm nga, đã làm cơ sở cho các điệu dân ca v.v…, một thể thơ như thế không thể được vay mượn, không thể du nhập từ ngoài vào. Nó phải bắt nguồn từ đầu ngay trong cuộc sống dân tộc. Do đó, giữa câu thơ Việt và câu thơ Chàm hẳn không phải có tương quan ảnh hưởng, mà có mối tương quan về nguồn gốc.

Nguồn gốc của câu lục bát? Các nhà khảo cứu văn học nản lòng trước sự khó khăn xa xôi ấy. Nó thuộc về một thời mờ mịt, tít tắp, mơ hồ… Nào ngờ, một hôm, một buổi chiều, trước tách nước mời khách, bỗng dưng bắt gặp một chứng cứ liên quan đến nguồn gốc ấy từ cửa miệng một người vừa bập điếu thuốc vừa nói, một người ngồi trước mặt ta. Bạn cũ cố tri, gốc gác thân thiết từ mấy nghìn năm của câu lục bát Việt Nam là đây!

Mấy câu thơ trên là tôi phiên âm theo tai nghe. Anh M.K.H viết: “Nưk lơi nưk đih ka vânh”nhưng việc la-mã hóa tiếng Chàm chưa thống nhất, tôi chọn lối ghi đại khái, chỉ cốt làm dễ dàng cho độc giả.



9-1971

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973.

Bản điện tử của www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét