Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Huế, đối với trong Nam ngoài Bắc


Huế, đối với trong Nam ngoài Bắc
VÕ PHIẾN
Tết năm ngoái, chiến tranh đang độ ác liệt mà áo quần thật lòe loẹt. Xuân năm nay, gần hòa bình hơn mà dân Sài Gòn dường như không mấy hứng thú trong sự ăn mặc: ngoài đường không thấy xuất hiện những trang phục mới. Đã không thêm, lại có phần giảm: có mấy kiểu áo dài tân kỳ táo bạo nhất ra đời vào khoảng cuối năm ngoái, thì nay đã lặn đâu mất.

Năm nay không có sáng kiến trang phục, nhưng có sự củng cố. Chiếc quần pát Tây phương thoạt tiên đến với chiếc áo dài cổ truyền, tưởng đâu là một sự cao hứng nhất thời; không ngờ nó đến rồi ở mãi đó. Địa vị của nó được củng cố, làm thành một tai họa ở phần dưới của người đàn bà xứ sở. Thật vậy, cái gì lại phần trên thì bay bướm phấp phới mà phần dưới thì cứng đờ ra như mo nang?

Sự chấp nhận dễ dàng cái món kỳ cục đó ở phần dưới của người phụ nữ hôm nay khiến chúng ta nhớ lại thái độ khó khăn của họ đối với chiếc quần vua Nguyễn ngày trước. Nhớ đến trái sa-kê tại Trà Vinh([1]), đến thân phận thi hào Nguyễn Du xưa kia, đến sự phân rẽ Nam Bắc đôi miền v.v…

***

Để câu chuyện bớt vẻ lung tung, hãy gấp trở lại chiếc quần.

Ai nấy hẳn còn nhớ việc vua Nguyễn xuống chiếu buộc đàn bà bỏ váy mặc quần; đàn bà ngoài Bắc không chịu, vua đòi làm tội: không quần không được nhởn nhơ ở chỗ công cộng, chợ búa. Đàn bà đành mượn quần chồng mặc đi chợ, nhưng lại bêu riếu nhà vua trong những câu hát độc địa lan truyền khắp nước([2]).

Rốt cuộc, nhà Nguyễn dựng nghiệp rồi nhà Nguyễn mất nghiệp tự những bao giờ mà người đàn bà Bắc vẫn giữ nguyên chiếc váy, trơ trơ cùng tuế nguyệt. Vào cái thời văn minh Tây phương đã thấm nhuần sâu xa vào xã hội ta, một cô gái Bắc vẫn nằm mơ chiếc váy sồi giữa một câu “thơ mới” của Anh Thơ([3]).

Trong cái sự nhìn nhằng giữa vua tôi nhà Nguyễn về một chiếc quần như thế, người đàn bà đã bày tỏ sự bướng bỉnh đáng ngạc nhiên.

Nói cho đúng, đó là sự bướng bỉnh của người dân Bắc đối với triều đình Huế. Bởi vì có những trường hợp cả nam lẫn nữ đều một thái độ như nhau, không phân biệt. Chẳng hạn về thái độ đối với các tên các hiệu vua chúa nhà Nguyễn. Có những tiếng người Trung người Nam vẫn đọc trại đi: Hoàng trại ra huỳnh, long ra luông, mệnh ra mạng, trị ra trợi, đức ra đước, phúc ra phước, hòa ra huề v.v… có lẽ là vì các ông Nguyễn Hoàng, Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức, Thiệu Trị, Kiến Phúc, Hiệp Hòa v.v… Nhưng ở ngoài Bắc trước sau hoàng vẫn là hoàng, phúc vẫn là phúc…, không có sự kiêng kỵ né tránh nào cả.

Trong những trường hợp bắt buộc thì đành phải tuân lệnh: ra chợ phải mặc quần, đi thì phải giữ trường qui v.v…; nhưng phép nước chỉ giữ qua quít lấy lệ vậy thôi, trong lòng vẫn lấy làm một sự miễn cưỡng. Ở đây, chỉ có luật pháp, không có tình cảm.

***

Ở Đàng Trong thì trái lại: tình cảm thật thắm thiết.

Vua quan chỉ bắt bẻ được cách thức viết lách trên văn bài ở trường thi, trên giấy tờ nộp đến của công, chứ vua quan theo dõi sao cho được tới lời ăn tiếng nói của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày, lời nói phát ra rồi bay đi giữa vợ chồng, con cái, bà con xóm giềng với nhau? Vậy việc đọc trại một số tiếng ở Đàng Trong có lẽ là việc tự nguyện, do cảm tình của dân gian đối với vua chúa chăng?

Ngược lại, triều đình Huế cũng không giấu được sự thiên vị tình cảm đối với Đàng Trong: thiên vị đối với cỏ cây (trái bòn bon, trái sa-kê v.v…)([4]), đối với hạng tôi tớ hầu hạ (bé gái Bình Thuận), đối với đàn ông trong những chuyện quốc gia đại sự, đối với đàn bà trong tình chăn gối riêng tây v.v…

Thật vậy, các phi hậu triều Nguyễn một số lớn được tuyển ở trong Nam, rất hiếm ở Bắc. Ở trường hợp vua Gia Long thì không nói làm gì: Lưu lạc vào Nam từ nhỏ, đích thân cầm quân vùng vẫy từ hồi mười bảy tuổi, suốt thời hoa niên lênh đênh trên sông rạch miền Nam, trong khoảng trăng nước Đồng Nai v.v…, những mối tình sâu đậm nhất đời của ông diễn ra ở trong Nam là phải. Nhưng rồi đến các kẻ kế vị, đến cháu chắt ông, cho tới vua Bảo Đại cuối triều Nguyễn cũng vẫn chọn bạn lòng ở tận miền Nam. Nơi đây, có tỉnh (như Gò Công) có đến ba bà hoàng hậu. Hoàng hậu người Nam có bà (như bà Từ Dũ) và làm dâu ngoài Huế từ hồi mười lăm, sống đến trên chín mươi tuổi, được yêu mến rồi được trọng vọng: trong suốt thời gian ấy bà đã gây ảnh hưởng lớn vào tâm hồn của các vua chồng, vua con, rồi vua cháu.

Trong số châu bản đời Gia Long còn lại, những tờ công văn của nhà vua truyền ra liên hệ đến chuyện tình cảm chiếm một số nhỏ: nào truyền cho trấn Gia Định đem hương cốt bà Nguyễn Thị Thông về an táng tại Thuận Hóa, nào truyền cho trấn Gia Định đặng rõ Uẩn Ngọc Hầu về phép thăm nhà rồi khi trở ra kinh sẽ đem theo vợ lẽ và con gái của Tiền Huy quận công ra luôn thể, nào truyền về việc Huyên Hòa hầu về Gia Định lo đám của thân phụ v.v…

Lại nghe nói từ đời Thiệu Trị món mắm tôm xay ở Gò Công đã theo bà Từ Dũ ra Huế, làm một món quà vương giả, được thưởng thức (và được bốc thơm từng bừng, dĩ nhiên).

Thật là ríu ra ríu rít.

***

Gái trong Nam vừa mắt, cây trái mắm cá trong Nam vừa miệng: đó là cái thiên vị về tình. Còn như cái thiên vị trong sự xét đoán, cái thiên vị của lý trí, cho rằng người trong Nam tài giỏi: cái ấy mới ngộ. Và cái ấy hình như cũng có nữa.

Những khai quốc công thần đến với vua Gia Long trong buổi đầu đoàn người Đàng Trong là sự tự nhiên; nhưng đến khi thống nhất sơn hà rồi nhà vua có vẻ vẫn chỉ thực sự tin cậy ở Đàng Trong.

Tổng trấn Gia Định là người Đàng Trong, tổng trấn Bắc Hà cũng người Đàng Trong.

Khi chọn lựa thái tử để lối ngôi, Gia Long bàn bạc với các ông Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Phạm Đăng Hưng, Trình Hoài Đức: toàn người Đàng Trong.

Khi chọn người tài để phụ chánh và dạy dỗ các hoàng tử, vua Minh Mạng chọn Trương Đăng Quế, ông cử nhân đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, mà không nghĩ đến những vị tiến sĩ dòng dõi mấy đời khoa bảng ở Đàng Ngoài. Cũng như bà Từ Dũ, vị cận thần này đã có ảnh hưởng lớn về tinh thần đối với ba vị vua liên tiếp.

Trong một không khí triều đình như thế người ta dễ hiểu tại sao vua Minh Mạng phải nói với Nguyễn Du: “Quốc gia dùng người cốt cầu lấy nhân tài chứ không phân biệt gì Nam với Bắc. Khanh cùng với Ngô Vị đã mông ơn tri ngộ, quan đến á khanh, phải nói năng bàn bạc để xứng đáng với chức vụ, cơ sao lại giữ thói rụt rè e sợ, chỉ vâng dạ cho qua chuyện?”.

Cái câu “không phân biệt gì Nam với Bắc” là một câu khả nghi, bởi vì lẽ đâu thinh không nhà vua lại nêu chuyện phân biệt ấy ra thành vấn đề? Đã nêu ra để cãi rằng không có, thường thường là bấy giờ đâu đó đã phong phanh dư luận bảo rằng có. Lắm khi đó không còn là dư luận phong phanh mà đã hóa thành kiến chắc mẩm không chừng.

Ngô Vị (con Ngô Thời Sĩ) với Nguyễn Du là con dòng cháu dõi, thuộc những họ lớn lừng lẫy ngoài Bắc, họ không có lý do gì để mang mặc cảm, thế mà họ còn “rụt rè e sợ” thì quả đáng suy nghĩ. Vả lại Nguyễn Du đâu phải là kẻ không biết “nói năng bàn bạc”? Trong hạng nghệ sĩ văn nhân có lắm kẻ tâm hồn đa cảm, nội hướng, thích cô tịch: một mình trong phòng thì viết rất hay, ra chỗ đông đảo uy nghiêm thì xúc động, bối rối. Nhưng thi sĩ Nguyễn Du không phải người như vậy. Trong chỗ thân mật, ông “nói năng bàn bạc” tuyệt vời: Khi ông mất, Lễ bộ Thượng thư là Hùng Nhượng hầu phải than: “Bây giờ khó tìm được người như Nguyễn Du để đàm đạo”. Mà ra trước đám đông, xuất hiện trước khung cảnh triều đình lộng lẫy, ông cũng ứng đối xuất sắc lắm: cầm đầu sứ bộ đi Trung Quốc hẳn ông đã thành công cho nên sau lại được cử làm chánh sứ lần nữa chứ.

Một kẻ không “rụt rè e sợ” giữa triều đình nhà Thanh lại đâm ra “rụt rè e sợ” giữa triều đình nhà Nguyễn: lạ thay.

Cũng có người nói đến cái tâm sự hoài Lê của Nguyễn Du, bảo rằng ông chỉ làm quan miễn cưỡng tại Huế. Trời! Làm quan miễn cưỡng mà leo lên đến chức Tham tri, mà được cử làm chánh sứ!

Rốt cuộc, chỉ còn có cái lý do vua Minh Mạng đã gợi ra là nghe được.

Và câu chuyện của ông Nguyễn Đình Ngân kể lại cho ông Nguyễn Văn Hoàn đâm ra có vẻ tin được([5]). Kể rằng hồi ở Huế ông đã từng nghe nói lúc Nguyễn Du chết, nhà vua có cho người đến nhà lấy cớ phúng điếu để rồi tịch thâu tất cả giấy tờ người quá cố. Những giấy tờ ấy - trong đó có cả bản thảo Truyện Kiều - cuốn thành một cuốn lớn, cất giữ trong thư viện riêng của nhà vua, sau 1945 chính quyền đương thời đã đưa đến quận Phong Điền mà không kịp chuyển ra Bắc nên bị thất tán trong chiến tranh.

Có một sự nghi ngờ đã đeo đuổi Nguyễn Du đến chết, thật chăng? Nếu không, ít ra cũng có một không khí thiếu thoải mái, có những lời bàn tán, có một thành kiến nào đó khiến phát sinh ra câu chuyện đồn đãi mà ông Nguyễn Đình Ngân đã nghe.

Trong triều đình các vua chúa ở Thăng Long trước kia non nghìn năm tránh sao khỏi thỉnh thoảng có một vài ông quan rụt rè vâng dạ cho qua chuyện, thế mà chưa hề nghe có vua nào đem chuyện Bắc Nam hay Bắc Trung phân biệt ra giải thích. Trước, đó không thành chuyện, sau bỗng thành chuyện. Trong triều vua ở Huế, hoàn cảnh quả có khác.

Nhưng dù sao, tâm lý của dăm ba ông vua, óc địa phương bè phái ở một triều đình quan lại, cũng chẳng mấy quan trọng.

***

Nếu có gì đáng chú ý hơn, thì đó là tâm lý của dân chúng đông đảo.

Và ngay trong dân chúng, hình như cũng có hai tâm lý.

Đối với người dân Việt trong Nam, dù xa xôi tận U Minh, thì đất thần kinh vẫn không thể quên được. “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai”, đôi bên cùng nhau mật thiết. Đất trong Nam là do nhà Nguyễn mở mang, tên làng do nhà Nguyễn đặt, thần làng do nhà Nguyễn phong, chữ nghĩa do người Thuận Quảng đem vào dạy dỗ, quan tước được ban phát từ triều đình nhà Nguyễn v.v…: đối với người dân ở đây, Thuận Hóa là cuống rốn của văn minh. Ngoài ra, họ có tiếp nhận thẳng được gì từ đất tổ ngoài Bắc đâu?

Trái lại, trong con mắt của người Bắc, Thuận Hóa là miền chậm tiến. Vào thế kỷ XVII, khi triều nghi ở Thăng Long đã nghiêm chỉnh, lâu đài cung điện đã lộng lẫy hết mực, thì ở Phú Xuân chúa Nguyễn còn chưa biết sắp đặt tổ chức ra lề lối gì: mỗi lần có đám cháy ở kinh thành, chúa còn lo chạy bổ sấp bổ ngửa đi chữa lửa, mệt thở hồng hộc([6]). Như vậy tuân phục triều đình thì đành tuân phục, chứ người dân Bắc đâu có nghĩ đến chuyện học theo cung cách nói năng ăn mặc, theo phong tục của Đàng Trong? Đàn bà không chịu mất váy vì vậy.

Người dân trong Nam nhớ thương đất Thuận Hóa như chim nhớ tổ như nước nhớ nguồn; còn người dân Bắc thì họ sống tại cội nguồn, còn mơ tưởng về đâu nữa. Xung quanh họ nào những đền Hùng, núi Tản Viên, làng Phù Đổng v.v…, chứng tích buổi hồng hoang sơ khai của dân tộc hãy còn gần gũi bên mình. Những cái đó người trong Nam đâu biết đến?

Thật vậy, trước kia, sau thời Nam Bắc phân tranh cách biệt và trước khi cái học Quốc ngữ với những sách giáo khoa của các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ v.v… được phổ biến, có lẽ trong đám bình dân lam lũ thất học quanh năm lo xông pha khai phá những miền sình lầy Cà Mau U Minh, trong đám người ấy ít ai nghe nói đến Hùng Vương, Phù Đổng… Có nghe chăng, những chuyện đó cũng xa xôi, viễn vông, mơ hồ. Hùng Vương dựng nước không rõ ràng bằng chúa Nguyễn mở nước. Bởi vậy đối với nhà Nguyễn có sự kính trọng, trìu mến: hoàng ra huỳnh, kim ra câm, phúc ra phước v.v…, là phải.

***

Đó là chuyện cũ, bây giờ thì khác. Bây giờ không những chính quyền giỗ Tổ Hùng Vương ở Sài Gòn, mà dân chúng ở tận Long Khánh, Tây Ninh, Phước Tuy v.v…, còn có dự án dựng đền Hùng ở núi Chứa Chan, ở núi Bà Đen, ở Vũng Tàu…

01-1973

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info




([1]) Xin xem bài “Sa kê”, ở phần ba.

([2]) “Không đi thì chợ không đông, 

Ra đi phải lột quần chồng sao đang”. (Ca dao)

([3]) “Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức”. (Bức tranh quê)

([4]) Xin xem bài “Sa kê”.  

([5]) Truyện Kiều - Đoạn trường tân thanh. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1966.

([6]) Thích Đại Sán - Hải ngoại ký sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét