Đất và người / Sa kê | |
Đất và người
VÕ PHIẾN
Ở An Giang, núi Sập có tên là Thoại Sơn, con sông gần đó tên là Thoại Hà. Ở Châu Đốc, núi Sam có tên là Vĩnh Tế Sơn, con kinh đào gần đó tên là kinh Vĩnh Tế. Chuyện tên sông tên núi ấy là cả một chuyện lạ. Thoại, tức Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, người đã điều khiển việc đào hai con kinh nọ. (Châu thị) Vĩnh Tế là bà vợ của Thoại Ngọc Hầu. Và cái việc lấy tên vợ tên chồng của ông quan này đặt cho sông ấy núi ấy là do sáng kiến của Gia Long. Vua Gia Long bình sinh có lẽ rất lấy làm quí việc đào kinh khơi ngòi này, cho nên con kinh Vĩnh Tế đã được chọn làm đề tài khắc vào Cao đỉnh bày trước Thế miếu. Quí là phải: đào kinh bấy giờ là việc hết sức cần thiết cho công cuộc khai thác miền đất mới, là một trong những công trình có tầm quan trọng lớn lao đối với lịch sử mở mang nước nhà. Việc đáng quí ấy làm vẻ vang sự nghiệp của vua Gia Long. Đối với một công trình mà nhà vua đã nhận thức rõ tầm quan trọng như thế, nhà vua lại cho mang tên tuổi của vợ chồng một vị quan. Tại núi Sập ngày nay còn tấm bia đá trên có khắc bài văn trong đó Thoại Ngọc Hầu nói đến cái ân huệ nhà vua ban cho mình… “vinh lắm thay tên ấy, không những vinh cho núi ấy, mà càng vinh cho lão thần có duyên tri ngộ ít người gặp được”. Vị lão thần nghĩ đúng. Trường hợp của ông quả thật là hiếm hoi, không mấy người gặp được, ở bất cứ nước nào, ở bất cứ dưới chế độ nào. Ông sống trong thời phong kiến, dưới chế độ quân chủ, ông làm được việc ích lợi, kẻ cầm quyền cho lấy tên ông ghi vào sông núi. Giả sử sự việc xảy ra trăm năm sau, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa bên Nga Xô chẳng hạn, công trình vĩ đại nọ nhất định sẽ mang tên Staline không sai. Có những thành phố Léningrad, có tỉnh kỹ nghệ Stalinsk, có trung tâm than đá Stalingorsk v.v… kinh đào sao có thể mang tên khác? Một cái vĩ đại, được quốc gia lấy làm quí, không thể mang tên nào khác tên đấng lãnh đạo. Và rồi trăm rưởi năm sau, những công trình lớn hoàn thành bằng xương máu hay mồ hôi nước mắt của dân chúng cũng chỉ có thể mang tên hoặc con đường Hồ Chí Minh, hoặc hải cảng Sihanouk v.v… mà thôi. Thể chế dân chủ thịnh hành thời này chưa cho phép núi sông mang tên một viên chức có công trạng. Nhất là một viên chức còn sống. Nếu chỉ là anh thợ như Stakhanov, là người đã chết như Trỗi, như Bé, như Lê Hồng Phong v.v…, nghĩa là những kẻ vô hại, thì tánh danh được sung vào các chiến dịch để khuyến khích quần chúng hy sinh: dân chủ khôn thế. Còn trong bộ máy quyền hành thì dân chủ chỉ có thể chấp nhận một đấng độc tôn mà thôi: về điểm ấy dân chủ không nhượng bộ được. Đừng hòng. Đã đi tới những thành phố Stalingrad, con đường Hồ Chí Minh v.v… là đã gần tới tận cùng mức dân chủ của thời đại này, đã tới cái mức ranh giới nơi nó chuyển mạnh sang chế độ cộng sản không còn giai cấp rồi. Giờ thử ngược về năm trăm năm trước. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đuổi quân Chiêm thành tới tận đèo Đại Lãnh. Lần đầu tiên, ta đặt chân lên ngọn núi này, ta cắm bia để ghi dấu đại sự. Việc quả là trọng đại. Núi phải đặt tên là núi Lê Thánh Tông chăng? - Không! Chỉ là núi Đá Bia, là Thạch Bi Sơn! Thành thử, trong thời quân chủ ở nước ta, dường như vua chúa không có cái ý đem tên tuổi mình gán vào những thành tích lớn lao trên đất nước. Ý đó là một phát minh của chế độ dân chủ. Ấy là một vấn đề. Trong câu chuyện sông núi ở An Giang Châu Đốc này lại còn vấn đề quan niệm về người đàn bà nữa, người đàn bà trong xã hội. Một ông vua lại có ý nghĩ đem tên một người đàn bà còn sống, vợ một viên quan cai trị địa phương, đặt tên cho sông cho núi để tên ấy trường tại với giang sơn! Vua xét rằng người đàn bà nọ đã khổ nhọc giúp chồng trong việc đốc xuất đào kinh: cái ý nghĩa trên đây đã rộng rãi, mà cái lối xét công này cũng thật chu tất. Sau rốt, lại còn một vấn đề nữa. Vua Gia Long chỉ lấy tên công thần đặt làm địa danh trong Nam, vua không làm thế ở ngoài Trung ngoài Bắc. Sao vậy? Vua cũng tùy tục chăng? Trong Nam có giồng Ông Tố, có cầu Ông Lãnh, có cù lao Ông Chưởng, có đất Bà Điểm, Bà Hom, Bà Quẹo v.v… Ở đây đất đai mang tên người nhiều quá. Vua không ban tên thì dân cũng ban cho. Phải chăng vì lẽ ở miền Nam, ở miền đất mới, vai trò của con người, sự hoạt động khai phá của con người được theo dõi chú ý, phát huy kịp thời ngay từ đầu? Ngoài Bắc ngoài Trung, có núi Vọng Phu, có mả Cao Biền, có đền Hùng v.v… Ngoài đó là đất của thần linh; trong này là của con người. Thời còn ở ngoài đó, người suy tôn thần thánh; thời vào trong này, người đã tự ca ngợi mình, gọi đích danh từng người mà ca ngợi. (10-1970) Sa kê Đất Nam Việt phì nhiêu, hoa quả ở Nam Việt phong phú tràn trề. Nhưng ở đâu kia, chứ không phải ở Vĩnh Bình. Thật vậy, trái cây trong Nam, những măng cụt, sầu riêng, mận, ổi, khóm, chuối, mãng cầu, bưởi, cam, dưa v.v…, bao nhiêu thứ trái đổ về Sài Gòn là từ những nơi Biên Hòa, Bình Dương, Định Tường, Cần Thơ, Long Khánh v.v…; chứ Vĩnh Bình gần như không có một đóng góp nào đáng kể. Vĩnh Bình không góp mặt ở các vựa trái cây ngoài chợ, không sản xuất nhiều về lượng. Nhưng tại đây có một số trái cây hiếm lạ: trái dừa sáp (toàn ruột, không có nước), trái giếc, trái quách, trái sa-kê… Những thứ trái ấy, người Việt Nam ở Trung ở Bắc có kẻ chưa từng nghe đến tên, có kẻ nghe tên mà chưa từng trông thấy bày bán bao giờ ở các chợ Sài Gòn. Thậm chí xuống tận Vĩnh Bình, tại chợ Phú Vinh, nơi tỉnh lỵ, không phải lúc nào cũng tìm thấy chúng. Nhưng nếu chỉ có vậy cũng không có gì đáng nói. Chỗ đáng lấy làm lạ là sa-kê không gặp ở chợ búa ngày nay lại gặp thấy trong tờ công văn truyền ra từ hội đồng các đình thần đời Gia Long. *** Ngày mồng 9 tháng 3 năm Gia Long tứ niên, thừa chỉ nhà vua, Công đồng truyền chó trấn quan Gia Định đặng rõ: Nay nên sức bứng cây con “sa-kê”, phòng hộ cẩn thận, để đưa về kinh. Không biết trấn quan Gia Định hồi đó đã bứng cây con ở đâu; không chắc là phải cất công xuống đến Trà Vinh, vì có thể bấy giờ sa-kê lan sống rộng rãi hơn bây giờ. Bây giờ thì sa-kê hình như chỉ còn được trồng ở những quận Cầu Kè, Trà Cú… Y như một bậc danh vọng đã từng được triều đình với thỉnh, lừng lẫy một thời, về già rút lui về tận thâm sơn cùng cốc để mai danh ẩn tích. Cũng không biết những cây sa-kê hồi đó rồi vua quan triều Gia Long đã cho trồng ở những nơi nào tại kinh thành Huế mà ngày nay không còn thấy bóng dáng đâu cả. Sự mất tích của nó ở ngoài Huế, sự rút lui của nó ở trong Nam có thể do nhiều nguyên do. Hoặc nó không hợp với chất đất ở nơi nào khác hơn là Cầu Kè, Trà Cú; hoặc nó không hợp với khẩu vị của đa phần người Việt Nam. Nếu quả nó khó tính, các nhà chuyên môn về nông học sẽ tìm hiểu nó. Về phần chúng ta, hãy tự xét mình và nêu ra một thắc mắc: Phải chăng chính chúng ta đã trở nên khó tính? Một thứ trái cây được vua chúa quí chuộng hồi đầu thế kỷ trước, đến cuối thế kỷ này chúng ta bá tánh thảy đều chê bai, bỏ rơi: Nếu được chúng ta hâm mộ niềm nở, chắc chắn cây ấy đã được chăm sóc, đã phát triển rộng rãi chứ? *** Sa-kê trộn với dừa, ăn từa tựa như khoai lang; sa-kê cũng đem nấu canh mà ăn. Nó gần như mít chưa chín vậy. Khẩu vị con người ta thì nói không cùng: có món người này khoái thích đến đâm nghiện nặng mà người kia không thể nuốt trôi, có món người này khen thơm mà người kia chê nặng mùi v.v… Mùi vị sa-kê, đại khái như đã mô tả, có thể cho là ngon, cũng có thể cho là dở. Bởi vậy không nên có sự tranh biện phải trái với vua Gia Long. Bất quá, chỉ nên nhận xét rằng nhà vua không có cái may mắn được chọn lựa trước một đối tượng phong phú như chúng ta ngày nay. Đầu thế kỷ trước, miền Nam chưa có măng cụt, sầu riêng v.v… Trong vòng hơn trăm rưởi năm, ở đây có bao nhiêu thứ cây mới xuất hiện, lan tràn, và có những thứ cây suy tàn, gần mất dạng. Bộ mặt các khu vườn xung quanh ngôi nhà sinh sống của người dân miền Nam đã trải qua những thay đổi biến hóa thật sâu xa. Ngoài Bắc, ngoài Trung, trong những mảnh vườn do tổ phụ di lưu từ đời này sang đời khác của mỗi dòng họ, hiếm khi có những dáng cây hoàn toàn mới lạ. *** Vả lại trong sự chọn lựa của vua Gia Long không phải chỉ có vấn đề khẩu vị. Chắc chắn trong đó còn có những chuyện kỷ niệm tình cảm, chuyện thói quen sinh hoạt, lưu luyến địa phương v.v… Nhà vua đã đặt cho trái lòn bon cái tên nam trân, đã cho khắc hình nó vào một trong cửu đỉnh là vì một trường hợp như thế. Về việc đưa các giống cây trong nước về trồng tại kinh thành, cứ theo những châu bản triều Gia Long còn lưu lại thì hình như chỉ có ba thứ cây được chọn: Một tháng sau khi đòi cây sa-kê, ngày mồng 10 tháng tư năm Gia Long tứ niên Cộng đồng lại truyền cho công đường quan dinh Bình Định mua một nghìn trái dừa mộng đưa về kinh để trồng, rồi một tháng rưỡi sau đó, ngày 28 tháng 5 trấn quan Hải Dương mua hai trăm cây cam để đưa về kinh. Còn trái mà để dâng cúng, để ăn, thì người ta thấy trong dịp lễ Hạ hưởng và Đoan dương cũng vào năm Gia Long từ niên, triều đình mua 4.200 trái vải ở Bắc thành, 6.600 trái lòn bon ở Quảng Nam, 920 trái xoài tượng ở Bình Định, một lần 920 trái rồi một lần khác 5.600 trái xoài tượng nữa ở Phú Yên, 100 trái dưa hấu ở Quảng Bình. Tháng 5 năm ấy, triều đình mua rất nhiều cau tươi ở Quảng Nam. Trong bấy nhiêu thứ cây trái được chọn, chỉ có cây cam Hải Dương và trái vải là thuộc về phía ngoài bắc con sông Gianh. Thiết tưởng một sự tuyển trạch khách quan không căn cứ vào kỷ niệm riêng tư, không thể đưa đến kết quả ấy. Ai cũng biết đất Bắc được chăm sóc từ lâu đời tất phải có nhiều trái ngon cây quí hơn thế. Tuy nhiên, nếu vua Gia Long có sự thiên lệch nào về phía miền đất do các chúa Nguyễn khai phá mở mang, về những nơi ông đã trải qua những năm gian khổ nhất trong đời chinh chiến để dựng nghiệp, thì cũng là chuyện hợp tình; và nếu ông cố ý đề cao những khám phá mới trên đất nước mà không quan tâm nhiều đến những món đã có danh tiếng sẵn, thì cũng lại có phần hợp lý. (Trái vải thì khỏi cần giới thiệu; chứ lòn bon, xoài tượng, và nhất là sa-kê, dù vua đã ra sức nêu cao mà vẫn còn ít ai biết đến nữa là). Duy cái thiên vị tình cảm mà đến thế này thì có quá lố: Sau khi mua cây mua trái xong, ngày 24 tháng 5 cùng một năm ấy, vua Gia Long lại bày tỏ lòng mến chuộng đối với miền Nam bằng cách truyền cho công đường quan dinh Bình Thuận “mua” (!) luôn sáu đứa tớ gái trạc độ mười tuổi. Món ăn vào miệng, kẻ hầu hạ bên mình, dường như nhà vua đều thích gọi từ miền Nam ra. Nhưng chúng ta đã lạc ra ngoài chuyện cây trái. Và lần này chúng ta chưa muốn lao vào chuyện con người vốn nhiều rắc rối. (12-1972) Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info |
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019
Đất và người / Sa kê
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét