Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Di sản của người kể chuyện

Nhà văn Tô Hoài

Di sản của người kể chuyện
Nguyên Ngọc

Những người gần gũi anh Tô Hoài thường nhận ra trên khuôn mặt hiền lành của anh một nụ cười mỉm, gần như thường trực, hóm hỉnh, nhìn kỹ hơi mệt mỏi và pha chút mỉa mai. Vì sao? Theo tôi, vì anh biết rất nhiều. Nụ cười mỉm của người biết rất nhiều, nụ cười mỉm mỉa mai của người biết quá nhiều. Quá nhiều “sự đời”. Tôi nghĩ rằng Tô Hoài đã tổ chức cuộc đời mình một cách rất có ý thức để có được hiểu biết như vậy. Thời chống chiến tranh phá họai ở miền Bắc, rồi nhiều chục năm sau chiến tranh, Tô Hoài đã xung phong làm tổ trưởng tổ dân phố ở một phường trung tâm Hà Nội. Có lẽ anh là người tổ trưởng tổ dân phố kỳ cựu nhất nước ta. Lặng lẽ, kiên nhẫn, chăm chỉ, trường kỳ. Quả không còn có vị trí nào hay hơn để quan sát cuộc sống thật của xã hội, thấy, nghe, thở, thậm chí sờ mó được hiện thực cụ thể, biết được muôn nổi thế thái nhân tình, thuộc được vô số chân dung con người trong tất cả các kiểu loại khác nhau, nếm trải tận cùng và rất thật cái mà phần lớn những người cầm bút chúng tôi, lãng mạn và trừu tượng, chúng tôi gọi to tát là “không khi thời đại”. Có lần anh làm đến ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; anh đi họp rất đều, chẳng vắng buổi nào, theo tôi đấy cũng là một thứ “tổ dân phố” thú vị nữa của anh. Tô Hoài là một trong những nhà văn hiện thực lớn nhất, chăm chỉ nhất của văn học Việt Nam, và cực kỳ chuyên nghiệp trong tư cách đó. Nhẹ nhàng, thoạt tưởng tự nhiên như không, kỳ thực anh thiết lập trạm quan sát của mình trong cuộc sống hết sức chặt chẽ, chuẩn xác. Từ cái vọng hải đài độc đáo đó, anh soi một cái nhìn chăm chú suốt gần thể kỷ vào bể lớn của xã hội và cuộc đời.

Có lần tôi viết về đôi mắt “nheo nheo đến là tọc mạch” của anh khi trong một trang hồi ký anh hóm hỉnh kể một chuyện riêng đã cũ của tôi mà anh cũng có dính dấp đôi chút - trong vụ này anh và tôi có thể là đồng bệnh tương lân! -, anh đọc và cười bảo: “Giỏi đấy!”. Gần trăm tuổi, đến tận buổi “Chiều chiều” của cuộc đời, anh vẫn còn nguyên cái nhìn tươi rói thuở “Dế mèn phiêu lưu ký”. Đôi mắt Tô Hoài rất lạ: vừa thâm trầm, đến hiền minh, cả mệt mỏi vì từng trải, vừa long lanh tò mò như mắt trẻ con, vừa đạt đến cái bao quát chỉ có được của người đã đủ độ thời gian, đủ độ sống để có thể lùi lại, đứng ra bên ngoài đôi chút đặng nhìn được rộng và xa, vừa vẫn cực kỳ cụ thể, chăm chú, vẫn còn giữ được sức ngạc nhiên trước từng chi tiết sống động của cuộc đời. Nguyễn Thành Long, người tự coi là học trò nhỏ của Tô Hoài, thường thích kể mỗi lần ba lô lên vai “đi xuống thực tế” thầy Tô Hoài bao giờ cũng chỉ dặn đi dặn lại mỗi câu: “Long, nhớ nhé, chi tiết! chi tiết! chi tiết!...”. Phương châm quan sát cuộc sống và viết của Tô Hoài: chi tiết là tất cả, không có chi tiết cụ thể, độc đáo, thật sắc, thật riêng biệt, thì không có gì hết! Không có cái thời đại to tát chung chung, thời đại là làm bằng những chi tiết cụ thể, riêng biệt, mỗi lần lại riêng biệt, sống động, ít nhất đối với văn học, với nhà văn là như thế, phải là như thế. Như một nhà văn lớn, Tô Hoài là người yêu say đắm cuộc sống cụ thể. Anh khao khát suốt đời được biết tường tận cuộc sống trong từng chi tiết rất riêng, đến nhỏ nhất của nó. Anh tin rằng tinh chất của cuộc sống nằm sâu ở đó. 


Và đấy là một người lao động chân chính, có lẽ là một người lao động cần mẫn nhất của nước ta trong suốt gần thế kỷ qua. Bạn bè đều biết câu nói này của anh: “Mình như người thợ mộc, đục đẽo suốt ngày, ngày nào cũng đục đẽo, từ sáng đến tối. Đêm nữa. Ngày nào cũng làm ra đôi thứ đồ gỗ thông thường, khi cái ghế đẩu, khi cái đòn kê, khi cái thước học trò... May ra thỉnh thoảng được một món đồ mỹ nghệ. Và cả đời giỏi lắm trời cho được đôi ba cái có thể gọi là tác phẩm nghệ thuật...”. Tô Hoài là người biết và hiểu tường tận nghề văn, vui và buồn, vinh và nhục của nó. Nên không bao giờ anh to tiếng về cái nghề này. Anh hiểu đây là một nghề thủ công, tỉ mỉ, nhọc nhằn, dù khi đã có những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất thì cơ bản vẫn là một nghề thủ công. Mãi mãi là nghề thủ công. Người viết vừa phải có cái phóng khoáng đôi khi đến bất cần của người đứng trên cao và nhìn xa, vừa phải có cái chăm chú đến tận đáy của sự sống cụ thể. Mà anh cũng xuất thân là thợ thủ công, người hiểu đến cùng các vật liệu, suốt đời mân mê nó trong đôi bàn tay đã bị nó làm cho chai sạn, sứt mẻ, sần sùi. Người biết nghe được tiếng nói của vật liệu trong tay mình. Hiểu được quy luật do nó sản sinh ra. Và nghe được, hiểu được, để làm được cái việc quan trọng nhất vì nó mà anh đã sinh ra trên đời này: kể chuyện. Nhà văn được sinh ra là để kể chuyện, thế thôi. Bởi con người biết được nhiều chuyện, có được nhiều chuyện kể, càng nhiều thì càng có nhiều khả năng đến với đồng loại hơn. Sẽ vô cùng đáng sợ nếu cuộc sống không có những câu chuyện của người khác mà ta được nghe kể, được trở thành của chinh ta... Anh cũng là người đã đi qua gần hết tất cả các giai đoạn của văn học Việt Nam hiện đại, biết các bước trầm luân trôi nổi của nó, những mạnh yếu của nó, thân phận và số phận của nó. Cho nên anh rất ít to tiếng. Anh chăm chỉ sống, để chăm chỉ kể. Chăm chỉ kể lại, cố gắng trung thực nhất, cho người đời, cho nhân dân của mình, cho thế giới nữa, về cuộc sống này, con người này, đất nước này...


Vậy đó, Tô Hoài, người kể chuyện Việt Nam hay nhất của thời chúng ta. Câu chuyện Việt Nam. Có người nhận xét, so với một số người cầm bút khác, Tô Hoài ít khi xông pha vào các cuộc đấu tranh xã hội trực tiếp. Vậy mà, nhìn lại kỹ mà xem, con người sống gần như thủ thỉ ấy, thủ thỉ sống và thủ thỉ nói, lại có cái quyết liệt của riêng anh. Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Truyện ba người... dấn thân bằng văn học, theo cách của văn học, bằng cách chỉ có văn học mới làm được, dũng cảm trên chính ngòi bút của mình. Cứ như Tô Hoài muốn nói: trang giấy, đấy mới là chiến lũy thật sự của người cầm bút.


Hôm nay người kể chuyện hay nhất của thời chúng ta đã ra đi. Cái chết đã chộp được anh. Cách đây mấy năm nó đã vồ hụt anh một lần. Lần ấy có người báo tin Tô Hoài đã hôn mê, tôi vội chạy vào bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội. Tô Hoài vừa tỉnh, anh nắm chặt tay tôi cười: Thoát rồi, thoát được keo nữa rồi. Mấy hôm nữa về mình sẽ viết, nghĩ xong đâu đó trong đầu rồi, chỉ còn viết ra giấy thôi, truyện ngắn nhé - anh khoe -, đặt cả tên rồi, sẽ có tên là Dế mèn tự cứu, thích không?… Hôm ấy anh vui như một đứa trẻ tinh nghịch khoe rằng mình đã đánh lừa được... thần Chết!...


Gabriel Garcia Markez, nhà văn Nobel khổng lồ của Colombia, có lần tâm sự rằng ông rất sợ chết. Đúng hơn, ông nhất thiết không muốn chết. Ông có một cuốn hồi ký tên là Sống để kể chuyện. Cả đời ông chỉ làm mỗi việc ấy: kể chuyện. Ông buồn rầu nói: Chết sẽ là câu chuyện duy nhất tôi không còn kể lại được cùng các bạn!


Lần trước Tô Hoài đã thoát được và đã hóm hỉnh kể lại cho ta vụ Dế Mèn tự cứu. Lần này, vụ này, anh không còn kể được nữa. Tô Hoài ơi, xin anh đừng buồn. Bao nhiêu câu chuyện anh đã chuyên cần, vô cùng hết mình chuyên cần sống, để chuyên cần và tài năng kể lại cho chúng tôi một cách tuyệt diệu, vẫn còn mãi đó, sống động, như một sức mạnh bền bỉ của chúng tôi, trong cuộc xoi đường đi tới gian nan, hiểm trở hôm nay.


Không ai, không gì giết chết được những câu chuyện đã được kể, bằng cả một đời tâm huyết, và bởi một nhà văn tài năng. 


07/07/2014

NN
nguoidothi
--------------

Nhà văn Nguyên Ngọc: Vì tôi cần nơi ngồn ngộn sự sống
Mỗi lần nhà văn Nguyên Ngọc vào TP.HCM, ông thường điện thoại rủ càphê “thông tầm” (nghĩa là ngồi từ sáng đến trưa, ăn trưa xong lại ngồi đến chiều và có khi ăn chiều xong là tranh thủ tiếp khách đến tối). Càng về sau này, ông tuổi ngày càng cao mà cứ Hà Nội – Hội An – Sài Gòn – Tây Nguyên đi mải miết. Cũng biết ông là người con của Tây Nguyên, lại có duyên nợ với Hà Nội và vài ba năm trở lại đây rất trăn trở với giáo dục nên góp sức xây dựng và quản lý đại học Phan Châu Trinh ở Hội An. Nhưng tại sao ông hay vào TP.HCM?

 - Thưa ông, đã bát tuần mà vẫn đây đó, đó đây hàng tháng, lại còn có thẻ khách hàng đặc biệt của một hãng máy bay… Có vẻ ông không biết thế nào là ngơi nghỉ?

Trong gia đình Gia Rai (ở Tây Nguyên), người đàn ông là bên ngoại chứ không phải bên nội, họ luôn ở bên ngoài chứ không phải bên trong, ngoài nhà, trên đường, giữa tự nhiên, say mê lang thang, suốt đời làm khách lữ hành. Tôi là người Tây Nguyên mà. Số tôi là số lang thang… Nói đùa mà cũng là nói thật đấy, nhiều lúc tôi có cảm giác ít ra kiếp trước mình cũng là người Tây Nguyên. Đàn ông Tây Nguyên hay lang thang.

 Với lại, tôi thấy những người cầm bút thường có cách sống và làm việc, viết khác nhau. Riêng tôi, tôi viết “bằng cách” đi. Đi thật nhiều, gặp thật nhiều, thấy thật nhiều, nghe thật nhiều, biết thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều. Trong chuyện này với tôi có ba điều: Một, cứ đi, thế thôi, hầu như không có mục đích gì cả, tôi dị ứng với lối đi cố tình chằm chằm làm cái việc gọi là “lấy tài liệu”. Cứ đi, vậy thôi, cứ như đi chính là mục đích tự thân. Rồi đến một lúc cái đã có được do đi bất ngờ thức dậy dưới ngòi bút, khi ấy sẽ có được một cái gì đó, một trang viết thật sống động. Hai, tôi cũng ghét “tham quan”, đi xem. Tôi đi, đến, và tham gia, làm người trong cuộc đến tối đa có thể. Và ba, tôi nghiệm ra rằng khi viết lên giấy một địa danh nào đó mà mình đã đến đó rồi, thật sự “sống” ở đó rồi, thì chỉ cái địa danh ấy viết ra dưới ngòi bút thôi bỗng sống động khác thường, như thực sự hiện ra, tươi rói, và với không gian ba chiều. Mà hình như ai cũng biết điều này: viết mà không tạo được không gian ba chiều trên mặt giấy vốn chỉ có hai chiều thì chẳng ra văn học gì hết, chữ nghĩa cứ nằm bẹt ra đấy, nhạt phèo!

Tôi khoẻ ra và làm việc “bằng” đi, nên sao còn cần đến dừng lại nghỉ ngơi?

Trong số hàng trăm chuyến đi của ông trong một năm, dễ thấy hành trình Hội An – Sài Gòn dày đặc hơn cả. Vì công việc hay vì một lý do nào khác, chẳng hạn như có một sức hút nào đó ở Sài Gòn – TP.HCM?

 
Đối với tôi, Sài Gòn vừa đẩy vừa hút. Thú thật, tôi không định sống ở Sài Gòn. Nhưng cũng không thể thiếu Sài Gòn. Sài Gòn ồn ào quá, chen chúc, hối hả quá, lại lắm lôi cuốn quá, mà tôi lại là người ham chơi, tôi sợ không đủ sức cưỡng lại để có lúc trầm ngâm, và ngồi vào bàn. Tôi cần Hội An để lắng lại. Tôi cần Tây Nguyên để nuôi chất hư ảo, mà tôi biết rất cần cho văn chương của tôi. Tôi cần Hà Nội, ở đấy tôi có những người bạn kích thích cho nhau sự suy nghĩ. Tôi cần cái ngồn ngộn sự sống của Sài Gòn, như một cái lò nung, thỉnh thoảng đem tất cả ba cái kia, hư ảo, nghĩ suy, lắng động, đổ vào đấy, nung chảy ra, cho thành cái chất văn chương của riêng tôi, mà theo tôi – hoặc ít ra tôi mong muốn – là hợp chất cố gắng nhuần nhuyễn của hiện thực cay đắng và hy vọng lãng mạn không thể tắt, của mê say và tỉnh táo, trầm tư và hành động. Nếu có lúc bạn thấy những chuyến vào Sài Gòn của tôi nhặt hơn, có lẽ ấy là khi tôi cần nhúng mình vào cái vạc sự sống sôi sục ấy để xua đi cái trì trệ hay buồn nản đang có nguy cơ trì kéo mình.


Quá khứ, hiện tại và tương lai, Sài Gòn với ông như thế nào?

Tôi đã có lần kể rồi, hồi nhỏ tôi có một bà chị họ rất gần bỏ nhà “đi rong” theo một gánh cải lương vào Sài Gòn và lấy một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng – tất nhiên làm lẽ thứ mấy của ông. Cả gia đình tôi bấy giờ đau khổ và xấu hổ vì người con gái “hư” đó. Còn tôi thì tôi yêu chị vì chị rất đẹp, càng đẹp với cuộc bỏ trốn và phiêu lưu vĩ đại của chị. Tôi yêu Sài Gòn từ đó, nơi để mà say mê phiêu lưu. Theo một cách nào đó, có lẽ cũng có thể nói về sau tôi lang thang lên Tây Nguyên rồi mê mẩn trên ấy hẳn cũng có “tội” của chị và của Sài Gòn: chị với Sài Gòn đánh thức bản năng phiêu lưu và lãng mạn tiềm ẩn trong tôi. Ra từ rất nhỏ, tôi với Sài Gòn đã có duyên nợ, tuy mãi đến năm 1975 mới gặp được nhau…

Tôi không hình dung được nước mình, văn học mình, cả văn chương của tôi nữa, sẽ ra sao nếu không có Sài Gòn sau 1975? Sẽ chật chội, cũ kỹ, quê mùa biết mấy...

Tôi có cái may mắn gắn bó cuộc đời, tất nhiên theo những cách khác nhau, với cả bốn miền đất ấy: Hà Nội, Sài Gòn, Tây Nguyên, Hội An. Và bây giờ do công việc, đứng ở giữa, để từ Hội An thường xuyên lang thang ra Hà Nội, vô Sài Gòn, lên Tây Nguyên, một cuộc quay vòng còn mãi say mê.

---------------
Nguyễn Thi - Chiến trường những năm tháng ấy
Mùa hè năm 1962, đang ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tấn và tôi được gọi trở về chiến trường miền Nam. Bấy giờ còn bí mật. Hôm tiễn đưa ở Xuân Mai, chỉ có hai anh Văn Phúc và Thanh Tịnh đến. Chúng tôi lên đường đúng mười hai giờ đêm. Lúc sắp lên xe, tôi thấy Nguyễn Ngọc Tấn trao lại cho anh Thanh Tịnh một gói nhỏ bọc kín bằng vải nhựa. Trước khi ra đi chúng tôi đã được lệnh để lại mọi thứ có thể làm tiết lộ tung tích quá khứ của chúng tôi, giao cho bộ phận bảo mật của Tổng cục Chính trị giữ hộ, cho đến ngày chúng tôi trở về… nếu còn sống. Riêng cái gói nhỏ này, Nguyễn Ngọc Tấn không gửi cho Tổng cục mà trao cho anh Thanh Tịnh, người anh lớn tuổi nhất trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội chúng tôi hồi bấy giờ. Anh Thanh Tịnh ghé tai nói thầm với tôi: Đó là quyển nhật ký của Nguyễn Ngọc Tấn, ghi từ năm 1953 đến năm 1955, tức là vào một thời kỳ đẹp nhất và rồi sẽ bi tráng nhất của cuộc đời anh, khi Nguyễn Ngọc Tấn gặp chị Bình Trang ở bưng biền Nam bộ, họ yêu nhau, cưới nhau, khi anh tiếp tục đi đánh những trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến (mà không biết đó là những trận cuối cùng), khi chị Bình Trang hoài thai đứa con đầu lòng của anh chị, khi anh chị sống những ngày gian nan mà sôi nổi và tràn trề hạnh phúc… mà không hề hay biết rằng một cơn lũ lớn dữ dội của lịch sử đang từ từ ập đến, đổ trùm lên số phận họ, đánh tan các cuộc đời và hạnh phúc của họ…


Suốt hơn hai tháng cùng nhau lẽo đẽo lội bộ Trường Sơn, Nguyễn Ngọc Tấn không hề nói với tôi chút gì về quyển nhật ký anh đã gửi lại đó. Mãi cho tới hôm chúng tôi đến khu rừng xà-nu rất đẹp phía tây Thừa Thiên giáp Lào - tức là điểm chia tay, Tấn sẽ đi tiếp vòng qua phí Tây Kon Tum, mượn một đoạn đường rừng hiểm trở trên đất bạn Campuchia, rồi đổ về Nam bộ, tôi thì men theo sườn đông núi Ngọc Linh đổ về phía Trà My, Quảng Nam, chiến trường khu V, hai anh em treo võng nằm với nhau một đêm cuối cùng giữa rừng, Nguyễn Ngọc Tấn mới dặn tôi: Nếu sau này trong hai đứa, một đứa chết một đứa còn sống, thì đứa còn sống phải đi tìm an ủi gia đình bạn. Riêng Tấn, anh còn một đứa con gái sinh cuối năm 1945, đang sống ở Sài Gòn, mà anh chưa hề biết mặt. Anh dặn tôi ngày phải giải phóng Sài Gòn, nếu anh không còn trở về, thì tôi phải đi tìm cho được con gái anh, và nói với cháu về bố cháu…

 … Vậy mà ba mươi lăm năm đã đi qua rồi.

Nguyễn Ngọc Tấn đã ngã xuống trong một trận đánh anh hùng ở cửa ngõ Sài Gòn đợt II tổng tấn công Mậu Thân, tháng 5 năm 1968. Anh Thanh Tịnh thì đã từ trần tháng 7 năm 1988. Trước khi ra đi, anh Thanh Tịnh đã trao lại cái gói nhỏ Nguyễn Ngọc Tấn gửi anh ngày xưa cho người chủ đích thức của nó: chị Bình Trang.

Đúng ngày đầu năm 1997, tại Thành phố Hồ Chí Minh, gia đình chị Bình Trang đã giao lại cho tôi tập nhật ký này, và cho phép tôi được công bố nó với bạn đọc.

Trong tay các bạn lúc này đây là một di vật thiêng liêng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn, một mảng đẹp đẽ mà bi tráng của cuộc đời anh - và cả cuộc đời chị ấy nữa, cũng đẹp và bi tráng như vậy, - và Nguyễn Ngọc Tấn da diết yêu bằng một tình yêu mặn mà và đau đớn cho đến những ngày cuối cùng của đời anh.

Song, ở đây không chỉ có thế. Ở đây còn là một mảng, một trang đẹp đẽ và bi tráng của lịch sử đất nước và dân tộc, in dấu lên cuộc đời và số phận những con người cụ thể, riêng biệt. Bởi vì khi con người biết sống hết mình - hết mình vì sự nghiệp, hết mình vì đất nước, hết mình vì cuộc chiến đấu, hết mình trong tình yêu, hết mình trong những khát vọng và có khi cả trong những cực đoan hay lầm lạc chân thành…- thì dẫu coi mình là những giọt nước nhỏ trong biển cả mênh mông cuộc sống, cuộc đời của họ vẫn phản ánh sâu sắc, thâm trầm một cách kỳ lạ số phận của nhân dân, của đất nước, và của thời đại họ. Cuộc sống của anh chị Nguyễn Ngọc Tấn - Bình Trang là như vậy.

Nguyễn Ngọc Tấn sinh năm 1928 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, bố mẹ đều là cơ sở cách mạng. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, Tấn bỏ nhà ra đi từ bé, vừa kiếm sống vừa đi học, có thời theo một gánh hát rong, lưu lạc vào tận Sài Gòn.

Anh gặp Cách mạng và Kháng chiến ở đấy, trở thành Cảm tử quân Sài Gòn, rồi du kích Tân Thới Tứ, rồi chiến sĩ trong đội lưu động cảm tử của của tướng Nguyễn Bình… Năm 1953 – 1954, tức là khi viết những trang nhật ký này, anh là chính trị viên đại đội, rồi cán bộ chính trị một tiểu đoàn chủ lực miền Đông Nam bộ…

Còn Bình Trang thì là một cô gái đặc Sài Gòn, là cô út trong ba cô con gái của một vị kỹ sư yêu nước. Cùng với hai chị Bình Minh và Bình Thanh, Bình Trang trốn cha mẹ tham gia phong trào “Trò Ơn” sôi nổi hồi 1950, rồi lại cùng chị là Bình Thanh trốn ra bưng biền, trực tiếp tham gia kháng chiến… Bấy giờ ở bưng biền Nam bộ đã có chiếu phim, nhưng là phim câm, máy chiếu không phát ra tiếng được. Bình Trang phục vụ kháng chiến trong một công việc kỳ lạ, chỉ có thể có vào thời ấy: Khi phim được chiếu trên màn ảnh thì chị ngồi kéo đàn ác-coóc-đê-ông minh họa, cứ phải theo nội dung phim mà chọn nhạc cho hợp. Có đêm kéo đàn suốt bà tiếng đồng hồ…

Và điều tất yếu đã đến: anh chính trị viên trầm lặng bên ngoài mà tài hoa và cực kỳ đa cảm bên hồn sôi nổi trắng trong Bình Trang. Họ yêu nhau, và nên vợ nên chồng giữa chiến tranh. Đứa con gái đầu lòng của họ cũng sắp chào đời…

Hạnh phúc tràn trề…

Trong khi đó, lịch sử, lịch sử tất yếu và khắc nghiệt, cứ lừ lừ tiến đến, mà họ không hề hay biết. Lịch sử đổ ập xuống trên số phận họ. Đất nước bị chia cắt làm đôi, bảo rằng hai năm,- chính họ cũng cố mà đinh ninh rằng chỉ hai năm - mà hóa ra hai mươi năm binh lửa. Anh đi tập kết. Chị quay lại Sài Gòn, bụng mang dạ chửa, nhận nhiệm vụ hoạt động chị phải đóng vai vợ chồng…

Và bi kịch, có lẽ cũng là tất yếu, đã đến…

Một mảnh nhỏ, một góc hẹp, một giọt nước mong manh, nhưng qua đó có lẽ cũng có thể thất hiển hiện lên, sâu thẳm, cả cuộc chiến tranh anh hùng và đau đớn mà dân tộc ta đã phảo cắn răng đi qua…, để có được HÔM NAY.

Kể từ ngày những dòng nhật ký này được viết ra cho đến nay, đã là gần nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ có lẽ như chưa từng có nửa thế kỷ nào nhiều biến động đến thế trong đời sống dân tộc. Nhưng cũng có lẽ có một điều không biến đổi: Đó là khát vọng da diết của con người về sự tốt đẹp và tình yêu. Cho nên trong những trang nhật ký chân thật, chân thật nhiều lúc đến ngây thơ này, có một cái gì đó là Vĩnh Cửu, mãi mãi cần cho mỗi chúng ta, hôm nay và cả ngày mai.

1997
NN.
Nguồn: vanvn.net
Ngân Hà thực hiện


Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôi
Trước hết, tôi muốn nói điều này: đấy là người tài năng nhất trong thế hệ của chúng tôi, thế hệ những người cầm bút vậy mà hóa ra vắt qua cả mấy thời kỳ lịch sử quan trọng: một chút thời Pháp thuộc, đầy đủ Cách mạng Tháng Tám, đẫm mình trong hai cuộc chiến tranh lớn, và cả hòa bình nữa.

Một đận hòa bình cũng chẳng ít khó nhọc - cả hai cuộc, hòa bình một nửa nước miền Bắc từ sau năm 1954 và hòa bình cả nước sau 1975, hòa bình nào cũng xao động bao nhiêu sóng gió.

Rồi lịch sử văn học sẽ có thời gian ngẫm lại mà xem, tất cả những chuyển động bão táp, phức tạp, trăn trở đó của số phận đất nước và nhân dân, ta sẽ được đọc lại hẳn nhiều nhất, sâu nhất trong Nguyễn Khải. Đấy là một trong những nhà văn hàng đầu, quan trọng nhất của văn học ta suốt một thời kỳ cực kỳ sôi động.

Tôi gặp Nguyễn Khải lần đầu, tôi còn nhớ chắc chắn, ngày 19-8-1955. Bấy giờ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua quân đội vừa họp ở Hà Nội. Tổng cục Chính trị gọi mỗi sư đoàn một người "biết viết" về Hà Nội để chia nhau viết về các anh hùng vừa được tuyên dương. Hóa ra đấy là cuộc tập hợp để rồi sau đó sẽ hình thành cả một thế hệ những người cầm bút chủ lực được rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp và bắt đầu chính thức bước vào văn học sau năm 1954-1955.

Nguyễn Khải từ sư đoàn đồng bằng Bắc bộ lên, Phùng Quán, Nguyễn Khắc Thứ từ sư đoàn 325 Bình Trị Thiên ra, Hồ Phương từ sư đoàn 308 về, Nguyễn Trọng Oánh và Hải Hồ từ sư đoàn 304 Khu 4, Lý Đăng Cao từ phòng không, Hà Mậu Nhai từ sư đoàn 330 Nam bộ... Ít lâu sau, có thêm Hữu Mai từ Điện Biên Phủ, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi từ sư đoàn 338 Nam bộ về...

Tôi là người về sau cùng, một cây bút mới tập tò đôi ba bài bút ký vô danh, từ sư đoàn 324 Khu 5 cũng được gọi về vì có ai đó tình cờ giới thiệu. Lính mới toanh, cấp thấp nhất trong nhóm, còn hoàn toàn trắng tay, gặp ai cũng sợ. Bấy giờ Hồ Phương đã có Thư nhà, chúng tôi ở chiến trường Khu 5 xa thế mà cũng từng được đọc và phục lăn. Nguyễn Khắc Thứ đã có cả bộ tiểu thuyết Đất chuyển đồ sộ. Phùng Quán vừa xáo động văn đàn bằng Vượt Côn Đảo. Nguyễn Khải thì từng đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ VN, danh tiếng vang đến tận những chiến trường xa trong Nam của chúng tôi...

Những bước đi nhọc nhằn và dũng cảm

Tôi biết có người thường trách các nhân vật của Nguyễn Khải giống anh ấy quá, ai cũng đầy luận lý như anh. Tôi thì tôi nghĩ có hơi khác: mỗi người có một cách sống và một cách viết. Nguyễn Khải là người gửi vào các nhân vật của mình hết mọi trăn trở trên bước đường tư tưởng khó nhọc của anh - mà trên đời này người trung thực thì bao giờ các bước đường tư tưởng cũng vô cùng khó nhọc, chỉ có những anh chàng sống giả mới dễ hơn hớn hời hợt. Vậy nên, rồi bình tĩnh đọc kỹ lại hết anh mà xem, sẽ thấy đấy là người đã ghi lại được cho mai sau gần như toàn vẹn, trung thực những bước đi nhọc nhằn mà dũng cảm của con người chúng ta, cũng là của đất nước, trong suốt những năm tháng dài bão táp bên ngoài và bên trong, vừa hào hùng vừa đau đớn, như một nhà văn tài năng của dân tộc ắt phải làm.

Cái quan định luận, bây giờ thì có thể nói như thế này rồi: Nguyễn Khải đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp đồ sộ, một bức tranh toàn cảnh sẽ vô cùng cần thiết để hiểu một thời vào loại quan trọng nhất của đất nước. Và có hiểu được như vậy thì mới đi tới được, ít đau khổ hơn và ít vấp váp hơn.

Nguyễn Khải có viết một câu hết sức ưu ái đối với tôi, anh bảo tôi "là nhà tư tưởng của thế hệ chúng tôi". Anh thương tôi quá mà nói vậy. Anh mới chính là nhà tư tưởng ấy, bởi nhà văn mà là nhà tư tưởng thì phải thể hiện các tư tưởng ấy ra trong tác phẩm của mình. Và anh mới là người làm được xuất sắc điều đó.

Tôi ở chiến trường du kích Khu 5 hẻo lánh, bao nhiêu năm sách vở chẳng có gì, về Tổng cục Chính trị chộp được một cái thư viện đầy sách tiếng Pháp, phần lớn là tiểu thuyết Liên Xô, liền lao vào đọc say mê. Một bữa Nguyễn Khải tình cờ đi qua nhìn thấy, dừng lại kêu lên: Ô, thằng này nó đọc được tiếng Pháp chúng mày ạ!... Và chúng tôi thân nhau từ đấy. Vì sao? Có lẽ vì cả hai ham tò mò mọi chuyện đời và bắt đầu muốn suy nghĩ.

Bấy giờ anh em ở trại sáng tác thường đùa, một thằng cao một thằng lùn - Khải cao lớn nhất, còn tôi thì thấp nhất trong số anh em được gọi về - mà lúc nào cũng cặp kè như vợ chồng, ngày đêm, không biết chúng nó tâm sự với nhau chuyện gì mà lắm thế! Hồi đó còn non nớt lắm, nhưng tôi cũng đã lờ mờ nhận ra điều này: Nguyễn Khải không phải là nhà văn của chủ nghĩa anh hùng, bấy giờ đang là xu thế chính thống của văn học ta. Anh là cây bút của các vấn đề xã hội, đọc kỹ lại xem, tinh một chút có thể thấy ngay ở những sáng tác trong thời chiến của anh đã manh nha những đường nét đầu tiên của xu hướng ấy. Và như vậy, anh đi sớm hơn chúng tôi rất nhiều...

Vậy mà ở trại sáng tác, Nguyễn Khải lại được phân công viết về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Thất bại. Không phải cái tạng của anh. Anh không viết được ca ngợi, cái tạng của anh là moi tìm, lục lọi, vặn đi vặn lại vấn đề, luôn đặt câu hỏi, không bằng lòng với những câu trả lời của chính mình, và luận lý, tự luận lý, suy ngẫm.

Rồi chúng tôi, ba anh em, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh và tôi, được cử đi tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 "để có thêm hiểu biết nông thôn", cùng về xã Hưng Nguyên, huyện Thủy Nguyên bên bờ sông Bạch Đằng, đúng nơi Trần Hưng Đạo đánh trận thủy chiến mấy trăm năm trước. Tất nhiên loại "trí thức" mặt trắng chúng tôi thì chỉ được làm đội viên quèn thôi. Mỗi đứa ở một thôn. Cũng hăng hái lắm.

Nhưng có hôm đi họp đoàn gặp nhau, Khải thì thầm vào tai tôi: Mình thấy như có cái gì đó không phải cậu ạ. Sao lại thế này nhỉ? Hay là tại bọn mình non chính trị quá!... Chỉ dám thì thầm. Chuyến ấy đi về, Khải và Oánh bảo: May mà ở đội của mình chưa bắn ai cả. Nhờ có anh đội trưởng rất tốt, dũng cảm và trung thực!...

Rồi đến thời kỳ Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Khải và tôi thường lén lút đọc các tài liệu về sự kiện chấn động ấy. Và tôi tin rằng những chuyển động dẫu chưa thật hoàn toàn rõ ràng ấy đã ảnh hưởng đến các chuyến đi và các sáng tác của anh.

Có lẽ rồi đến một lúc nào đấy, các nhà nghiên cứu văn học thâm thúy sẽ lần lại các bước đường tư tưởng và sáng tác của Nguyễn Khải. Theo tôi, đấy là con đường rất tiêu biểu của chuyển động văn học ta suốt một thời kỳ lịch sử dài và không hề đơn giản, dễ dàng, tiêu biểu nhất là ở Nguyễn Khải, chính vì đấy đúng là cái tạng của anh và cũng vì anh là người tài năng nhất, cũng trung thực nhất với chính mình.

Tôi muốn nói rõ điều này: sự trung thực, cả điều gọi là dũng khí của nhà văn chủ yếu phải là ở trong sáng tác của anh, chứ không phải là, chỉ là trong ứng xử hằng ngày ở đời của anh. Mỗi người ở đời đều có những ràng buộc riêng mà sự khắc nghiệt chẳng ai giống ai, nên không thể ai cũng phải ứng xử như nhau. Duy đã là người cầm bút thì phải trung thực đến cùng trong sáng tác của mình. Tôi biết, tôi tin Nguyễn Khải là như vậy. Khi anh viết Xung đột, rồi Mùa lạc, có chút bâng khuâng, song vẫn còn khá dè dặt; khi anh viết về chuyện ông Tư Kiền, đọc kỹ lại mà xem, phê phán chuyện không chịu vào hợp tác xã đấy, nhưng là sự phê phán của người cũng đã không tin lắm về sự phê phán của mình. Và sau này Nguyễn Khải đã từng công khai nói về nỗi xấu hổ của anh trước nhân vật ấy...

Càng về sau, tầm nhìn những vấn đề xã hội của anh rộng, sâu và sắc hơn; tiếng nói cũng thẳng thắn và mạnh mẽ hơn, tự cay đắng với mình, thậm chí cả quyết liệt nữa, như trong ngòi bút chính trị gần cuối đời của anh. Anh vẫn trầm tĩnh và khiêm nhường, nhưng tiếng nói và cả bút pháp đã như tiếng kêu cuối của con chim báo bão đối với con người, với đất nước, với xã hội.

Cách đây mấy tháng, lục lại một số tài liệu cũ, tôi tình cờ tìm thấy cái thiếp mời đám cưới của anh Khải và chị Bắc, một cái thiếp thời ấy in mực tím trên một mẩu giấy nhỏ bằng hai ngón tay. Tôi đã định mang tặng lại anh chị, vậy mà không kịp nữa rồi! Khải ơi, còn biết bao nhiêu kỷ niệm giữa chúng ta, cả yêu thương và giận hờn nhau nữa có lúc, đều quí vô cùng, vô cùng. Khải ra đi, hôm nay tôi chỉ viết được có mấy dòng này. Rồi thế nào tôi cũng còn phải viết về nhau nữa, bạn ạ. Mỗi chúng ta chỉ nhỏ nhoi thôi trong lịch sử rộng lớn. Nhưng, tôi tin vậy, những người sống trung thực, bao giờ cũng là một phần dù nhỏ nhưng không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của cả một thời. Mà sự nghiệp sáng tác, cũng là tư tưởng của Khải, thì không nhỏ chút nào.

NN.



Kiểm nghiệm văn hóa
Có lần tôi đọc được tin này trên báo mà cứ phải suy nghĩ: trong giải bóng đá thế giới, hình như là ở Pháp, sau một trận đấu, những người dọn vệ sinh trên các khán đài kinh ngạc thấy ở chỗ cổ động viên người Nhật và người Hàn Quốc ngồi, không những không cần dọn bất cứ chút rác nào mà tại đó còn sạch hơn trước trận đấu!

Không thể không nghĩ ngay đến chuyện ở ta mới đây, mười ngày đại lễ Nghìn năm Thăng Long để lại cho Hà Nội tự hào và hứa hẹn phát triển chưa thấy đâu, chỉ thấy một bãi rác khổng lồ, bẩn thỉu, ê chề!

Quả thật đã đến lúc không thể không nghĩ rằng đối với Hà Nội những thói xấu như vậy đã thành hệ thống, thành bệnh kinh niên, hỡi ôi, thành nếp sống, nghĩa là đã đi vào tận tâm khảm mất rồi, và phải đặt câu hỏi vì sao mà nên nông nỗi này? Và phải tìm cách trả lời cho ra, nếu không thì chắc chắn không hy vọng gì có một Hà Nội phát triển như ta vẫn mong và lớn tiếng rêu rao. Sẽ không có bất cứ phát triển thật sự nào trên nền tảng một văn hoá đã tệ hại đến mức ấy. Đã đến lúc người Hà Nội, những người yêu và tin Hà Nội, từng tự hào về Hà Nội, những người lãnh đạo Hà Nội trước hết đương nhiên, cần nghiêm túc tự hỏi, và mọi người thử cùng nhau suy nghĩ và tìm cách trả lời.

Tôi cũng xin thử nói đôi điều về chuyện này.

Có phải có một điều gì đó không cách xa nhau lắm, không thật sự khác nhau giữa cái diêm dúa, phô trương, ồn ĩ, xa xỉ, phản cảm, cả vô cảm nữa (trước đại lũ miền Trung) của lễ hội… với cái bừa bãi xấu xa đáng buồn ngay sau lễ hội. Cái này chỉ là tiếp tục lôgíc của cái kia. Theo cách nào đó thì cả hai thứ ấy là đồng bộ, là cùng một văn hoá, một xuống cấp văn hoá. Cũng là đồng bộ với văn hoá quyết chí trở thành thủ đô rộng lớn thứ nhì hay thứ ba thế giới – chỉ sau Tokyo (Tokyo đông đến thế là từ tác động của công nghiệp hoá một thời; nhân loại văn minh ngày nay đã biết rằng hạnh phúc nhất là được sống trong những thành phố nhỏ chứ không phải những thành phố khổng lồ), đồng bộ với các cuộc đua tranh kỷ lục Guiness nhố nhăng, những đường gốm sứ dài nhất thế giới, những nhà cao nhất, đại lộ rộng nhất và dài nhất, bánh chưng, bánh giầy cũng lớn nhất nước, lại có cả tượng Lý Thái Tổ đội mũ Tàu… Tốn kém, kỳ dị bao nhiêu, mà rồi để làm gì? Chẳng lẽ Thăng Long Hà Nội sau nghìn năm đã trở thành trẻ con đến mức ấy để lao vào các trò ganh đua vớ vẩn?

Tôi có một chị bạn hoạ sĩ đã bỏ ra suốt mười mấy năm ròng chỉ để làm mỗi một việc: chăm chú say mê đo tìm tỷ lệ các bộ phận trong những ngôi chùa Việt cổ, và chị bảo khi đã tìm ra được cái tỷ lệ ấy rồi thì vẽ bất cứ cái gì cũng đều ra Việt, không thoát đi đâu được. Một trong những bí quyết của cái đẹp, cũng là của văn hoá, là tỷ lệ. Đó là tỷ lệ trong không gian cư trú, trong nhà cửa của con người, trong trang trí, cả trong lối sống, trong cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói, trong tâm thức, trong tâm hồn… Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá có tỷ lệ vàng của riêng mình. Hà Nội có cái tỷ lệ vàng ấy, của sự nhỏ nhẹ, cân đối, thanh lịch, tinh tế, do bao nhiêu thế hệ cực kỳ giỏi giang tích tụ, gìn giữ, để lại, mà nay thế hệ chúng ta đang đánh mất, phá tan bằng sự huênh hoang thô lỗ. Mất đi cái tỷ lệ ấy, lao theo những tỷ lệ đua đòi thì sẽ không còn Hà Nội đâu. Ở đời có những cặp đôi rất lạ và rất thú vị: huênh hoang thì đi đôi với thô lỗ; khiêm nhường thì đi đôi với sang trọng. Hà Nội vốn ở trong cặp đôi thứ hai. Rất sang. Rất văn hoá.

Hà Nội có cái tỷ lệ vàng của sự nhỏ nhẹ, cân đối, thanh lịch, tinh tế, do bao nhiêu thế hệ cực kỳ giỏi giang tích tụ, gìn giữ, để lại mà nay thế hệ chúng ta đang đánh mất, phá tan bằng sự huênh hoang thô lỗ.

Chúng ta vẫn nói đi nói lại bao nhiêu lần rằng dân tộc đã tồn tại được qua tất cả các thách thức khốc liệt và uy hiếp nặng nề, thâm hiểm nhất là vì văn hoá, nhờ văn hoá; nhưng hình như lại không thật sự lo sợ trước sự xuống cấp văn hoá hiện nay, thể hiện chẳng hạn trong sự phô trương loè loẹt suốt mười ngày và trong cuộc tàn phá kỳ quặc, vô lý sau mười ngày ồn ào vừa rồi. Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long là một kiểm nghiệm, kiểm nghiệm trước hết về chính văn hoá ấy. Và kết quả kiểm nghiệm thì quả đáng buồn, thậm chí báo động.

Tôi nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi đi tìm mãi tháp Rùa ở hồ Gươm, cứ ngỡ nó to lớn lắm. Đến khi “tìm thấy” nó, và rồi ngày ngày được nhìn ngắm nó mới ngộ ra và phục Hà Nội quá: hãy thử hình dung nếu tháp Rùa lớn hơn chỉ cần hai hay ba lần thôi thì sẽ ra sao? Hà Nội có một hồ Gươm đẹp đến mê hồn, vì ở đấy có một tháp Rùa thật nhỏ, nhỏ một cách thật nghệ thuật, nhất là trong những ngày lãng đãng sương mù và phố xá thì vắng. Hà Nội đẹp vì nó nhỏ. Lớn nữa, lớn quá thì nó sẽ hỏng…

Một cái nhìn bi quan chăng? Cũng còn tuỳ. Tuỳ ở chỗ có dám nhìn thẳng và trung thực hay không.

Nguyên Ngọc

----------------------

Trùng tu, hết chịu nổi!
Quả thật bây giờ mỗi lần đi thăm các đền chùa lại thấy ngại. Ngại gặp sản phẩm trùng tu. Một ngày gần đây, một số anh em đồng học cũ chúng tôi năm nào cũng họp lớp, họp trường mãi chẳng còn gì nhiều để nói, bèn rủ nhau làm một chuyến du xuân sang bên kia sông Hồng về vùng văn hóa Kinh Bắc nổi tiếng. Thời gian không nhiều, chúng tôi chỉ thăm chùa Bút Tháp, chùa Man Nương, chùa Dâu và buổi chiều qua đền Đô.

Đã là văn hóa, phải giữ từng ngày...

Bút Tháp vẫn còn đẹp, Man Nương và chùa Dâu cũng thế. Theo tôi biết, một lẽ quan trọng (và đáng buồn): các nơi ấy không - hay là chưa? - được trùng tu những năm gần đây! Tôi sang đây nhiều lần, không lần nào không kinh ngạc về các tượng ở đấy, mỗi lần cứ như được khám phá thêm, vẫn sững sờ về khuôn mặt rất Phật mà rất đời, rất nhân loại mà vô cùng Việt, xưa mà hiện đại quá chừng của Man Nương, của các bà chúa “thuần nôm” ở các chùa Mây, Mưa, Sấm, Chớp, những tượng chân dung hiện thực đến lạ lùng ở Bút Tháp, hơn nửa thiên niên kỷ rồi vẫn đau đáu nỗi đau của những ông hoàng, bà chúa xưa bị giằng xé đến rách nát cả kiếp người giữa hạnh phúc riêng và quyền lực rồi hóa cũng chỉ phù du...

Thôi thì cũng còn được một số ít nơi như thế để thỉnh thoảng tìm về, suy ngẫm và được đắm mình trong văn hóa của cha ông nghìn năm không phai. Tôi cũng được biết các chùa ấy còn giữ được như thế một phần nhờ một người họa sĩ say mê và am hiểu sâu sắc lịch sử và văn hóa cả một vùng đất này, say mê đến mức bỏ nhà sang ở ngay chùa, được mọi người trong chùa và bà con quanh vùng tin cậy, quý trọng gọi là “thầy”. Có dạo một đại gia đem cúng chùa Bút Tháp hai lọ sứ Giang Tây cao lút đầu người, nếu ở nơi khác chắc đã được đem chưng sang trọng hai bên bàn thờ Phật rồi sẽ lạc lõng, kệch cỡm, chùa ta biến thành chùa Tàu, mà lại khó ngăn cản nổi. Ông họa sĩ của chúng ta đã khéo léo cho đặt tạm hai cái lọ trọc phú kia ngoài hiên như là của ai gửi nhờ đấy, rồi lần sau tôi sang thì không còn thấy nữa, dẹp luôn đâu đó rồi. May quá! Hành động nhỏ ấy đã cứu Bút Tháp một phen không nhỏ, tôi dám nói thế. Văn hóa là vậy, tinh tế đến mức mong manh, một chút thô bạo có thể phá hỏng cái quý nghìn năm và mở đầu cho sự tàn hủy sẽ liên tục không ngừng. Đã là văn hóa thì phải giữ từng ngày... Đèn treo ở các gian thờ của đền Đô không khác gì đèn chùm sang trọng ở khách sạn.

Sơn mới bằng... sơn Nhật

Hôm trước tôi có nghe GS Phan Huy Lê kể ông rất xấu hổ khi đưa một số bạn nước ngoài lên thăm chùa Tây Phương, định khoe với các bạn những pho tượng la hán tuyệt vời. Khi đến nơi thì tất cả vị la hán ấy đã được sơn mới lại hết bằng... sơn Nhật. Chắc cả nước đều biết loại sơn hằng ngày vẫn được quảng cáo trên tivi: “Sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp”!

Tai họa của trùng tu

Buổi chiều có mấy người trong đoàn nằng nặc đòi sang đền Đô, mặc dù nghe nói bên ấy trùng tu làm hỏng hết rồi, chẳng nên sang làm gì. Đền Đô tức là đền Lý Bát Đế, thờ tám vị vua đời Lý, hẳn được trùng tu cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp tới (đương nhiên ý nghĩa to lớn như vậy ắt được tiêu không ít tiền).

Hóa ra đi đền Đô cũng không uổng phí. Để mà biết thêm cái gọi là trùng tu các di tích văn hóa lịch sử đang gây tai họa tới mức nào. Quả thật có điều gì đó hầu như không thể tưởng tượng nổi. Ngay trước cổng đền là hai con sư tử... Tàu, ai đã đi Trung Quốc hẳn đều biết. Những con sư tử to tướng, khách sạn nào ở bên ấy cũng có đặt trước cửa, không ai bảo là không đẹp, nhưng chắc chắn chẳng ăn nhập gì hết với bất cứ đền chùa nào của ta. Vậy người ta định làm gì ở đây, các nhà trùng tu? Triển lãm văn hóa Trung Hoa chăng? Đố ai hiểu được.

Nhắm mắt bước qua hai con sư tử hùng vĩ ấy rồi vào đến tiền sảnh liền gặp hai tượng... người gì đây nhỉ? Là người Việt thời sơ khai chăng: ở trần, thân hình sơn trắng phau đến ngỡ bằng sứ, đầu quấn khăn đỏ, lại đóng khố đỏ, không thể không liên tưởng ngay đến... các chú Tễu rất vui mắt ở các phường rối nước. Cứ thế, cứ thế, các sáng tác độc đáo cái sau không kém cái trước, lần vô đến gian chính thờ tám vị vua Lý, đương nhiên có Lý Thái Tổ ngồi giữa, tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ, mới toanh. Và ngẩng lên: suốt mấy gian, gian nào cũng lấp lánh những chùm đèn Tây to tướng, óng ánh, đúng nguyên đèn chùm sang trọng vẫn thấy ở... khách sạn Continental hay Rex Sài Gòn...

Hết chịu nổi, tôi quay ra. Và lần nữa tôi kinh ngạc: các bạn tôi, đều là những chuyên gia trong nhiều ngành khoa học, những người trí thức, tôi xin lỗi các bạn ấy, các bạn tôi điềm nhiên đi ngắm hết chỗ này đến chỗ nọ, vẫn cung kính và tấm tắc nữa, không ai có chút phản ứng nào trước đền thiêng đã bị làm đỏm kệch cỡm kia. Chẳng lẽ văn hóa của xã hội ta đã đến mức ấy, từ người quản lý văn hóa, người là chuyên gia trùng tu đến người trí thức, người dân thường?

...Chắc chắn không thể kể hết những di tích đã bị trùng tu đến mức không còn cứu chữa được nữa. Có người đã khẩn thiết kêu gào, không hề quá đáng đâu: Xin đừng trùng tu gì hết, chạm đến đâu là hỏng đến đó. Các di sản vô giá đang ngắc ngoải dưới bàn tay trùng tu.

Nguyên Ngọc

Nguồn: tuoitre.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét